Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

TN26 - Người giàu có hãy sống yêu thương, chia sẻ

CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên

(26-9-2004)



Người giàu có không nên sống ích kỷ,
mà hãy sống yêu thương, chia sẻ

ĐỌC LỜI CHÚA

·  Am 6,1a.4-7: (1) Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari (…), (6) nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ ! (7) Vì thế, chúng sẽ bị lưu đày, và dẫn đầu những kẻ bị lưu đày.

·  1Tm 6,11-16: (11) Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa.

·  TIN MỪNG: Lc 16,19-31

Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó

 (19) «Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21)thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

 (23) «Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. (24) Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (25) Ông Abraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được. ”

 (27) «Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, (28) vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” (29) Ông Abraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. (30) Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Abraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. (31) Ông Abraham đáp: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”»

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Giàu sang và hưởng thụ cảnh giàu sang của mình có phải là một tội ác không? Tại sao người giàu có trong bài Tin Mừng lại bị phạt?

2.   Nghèo khó và sống đau khổ vì cảnh nghèo khó của mình có phải là điều thiện, là nhân đức không? Tại sao Ladarô, người nghèo trong bài Tin Mừng này lại được thưởng?

3.   Để mọi người sống tốt đẹp, yêu thương và được ân thưởng trên thiên đàng, sao Thiên Chúa không tạo điều kiện để con người thấy trước mắt cảnh thiên đàng hạnh phúc thế nào, và cảnh hỏa ngục đau khổ thế nào?

Suy tư gợi ý:

1. Tại sao người giàu bị phạt?

Người nhà giàu trong bài Tin Mừng bị Thiên Chúa phạt, không phải vì ông ta giàu có hay vì đã hưởng thụ những thú vui từ sự giàu có của mình. Tình trạng giàu có và sự hưởng thụ cảnh giàu sang của mình không phải là một thứ tội hay một tình trạng tội lỗi. Nếu giàu có đến từ vận may, hay do cần cù làm ăn liêm chính, thì sự giàu có ấy là hồng ân hay sự chúc lành của Thiên Chúa. Giàu có mà biết giúp đỡ và chia sẻ của cải với người cùng khốn thì thật đáng khen và đáng thưởng. Giàu có chỉ là xấu xa, tội lỗi khi nó là kết quả của tội ác, của bất công, ức hiếp, tham nhũng, nhận hối lộ, hoặc gian lận…

Bài Tin Mừng không nói sự giàu sang của ông nhà giàu đến từ đâu. Vậy thì tại sao ông lại bị trừng phạt? – Thưa: chính vì ông không có tình thương: thấy Ladarô vô cùng nghèo khổ trước mắt như thế mà không hề quan tâm, thương xót, cứu giúp hay chia sẻ, chỉ biết hưởng thụ một mình hay chỉ với gia đình mình, và hoàn toàn vô tình với người nghèo khổ.

2.   Tại sao Ladarô nghèo khổ được ân thưởng?

Còn Ladarô, anh được thưởng không phải vì anh nghèo, cũng không phải vì Thiên Chúa muốn bù trừ cho cái nghèo khổ mà anh đã phải chịu khi ở trần gian. Nhiều người nghèo mà lòng đầy tham lam, độc ác, ích kỷ, vì nếu họ trở nên giàu có, nhiều khi họ còn tham lam, độc ác và tỏ ra ích kỷ hơn cả những người giàu mà hiện nay họ đang bực tức vì ganh tị. Những người nghèo mà lòng dạ như thế thì chẳng đáng khen hay đáng thưởng chút nào. 

Nghèo không phải là một nhân đức hay là dấu hiệu của sự thánh thiện. Trái lại nghèo có thể là một sự dữ mà ai cũng muốn tránh. Nghèo có thể là kết quả của sự kém may mắn, của sự bất tài, của thất bại. Nghèo cũng có thể do lười biếng, không chịu làm ăn, hay làm ăn thiếu tính toán. Và nghèo cũng có thể là một hình phạt của Thiên Chúa như những trường hợp «ác giả ác báo», «cha ăn mặn, con khát nước».

Tuy nhiên, nghèo có thể là kết quả của sự lương thiện nhưng thiếu may mắn. Nghèo cũng có thể do hành động tự nguyện chấp nhận của một tâm hồn thánh thiện: muốn sống nghèo theo gương Đức Giêsu, muốn thực hiện điều kiện để theo Ngài là bán hết của cải để chia cho người nghèo khổ, hoặc muốn chia sẻ thân phận nghèo với người nghèo vì yêu thương họ. Chỉ cái nghèo tự nguyện như thế mới là nhân đức: nhân đức thanh bần.

Vậy tại sao Ladarô được ân thưởng? – Tin Mừng không nói rõ thái độ sống của anh. Về cuộc sống của anh, Tin Mừng chỉ mô tả vắn tắt: «Có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta» (Lc 16,20-21). Nếu anh được Thiên Chúa thưởng, ắt phải là vì anh đã sống cảnh nghèo khổ ấy phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. 

Qua đoạn Tin Mừng ngắn ngủi trên, ta có thể đoán được anh đã vui lòng chấp nhận cảnh nghèo của mình với tất cả những niềm đau, nỗi khổ, những màn nhục nhã cùng cực của nó: «mụn nhọt đầy mình, chó liếm ghẻ». Nhưng anh không phàn nàn, kêu trách, không ghen tị với người giàu có. Dù thèm thuồng những thứ thừa thãi của người giàu có, anh cũng không vì nghèo mà làm những chuyện trái lương tâm (trộm, cướp, gian trá, lường gạt…). Anh vẫn trung thành với chủ trương «đói cho sạch, rách cho thơm», nên vẫn giữ được tâm hồn trong sáng.

3.   Tại sao Thiên Chúa không cho người chết hiện về cảnh cáo?

Khi thấy tình trạng của mình không thể cứu vãn gì được, người nhà giàu đang bị phạt dưới âm phủ mới nghĩ đến anh em của mình đang sống cuộc đời sang giàu nhưng ích kỷ y như ông ta trước đây. Nếu cứ tiếp tục sống như thế, số phận của họ cũng sẽ khốn khổ y như ông ta hiện nay. Mặc dù đã có Môsê và các ngôn sứ cảnh cáo mọi người, nhưng ông và anh em ông đâu chịu tin. Vì thế, ông muốn cứu họ bằng cách xin tổ phụ Abraham sai Ladarô về cảnh cáo họ với tư cách một người chết hiện về. Ông nghĩ rằng phải có người chết hiện về thì họ mới tin. Nhưng tổ phụ Abraham trả lời: «Nếu Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin» (Lc 16,31).

Sứ điệp của Môsê, các ngôn sứ, của Đức Giêsu, các tông đồ và của những người đang tiếp tục công việc của các ngài đã đến với hầu hết mọi người trên thế giới. Kết quả là có người bỏ ngoài tai không thèm nghe, có người nghe nhưng không tin, nhưng cũng có người nghe, tin theo rồi thực hành. Thiết tưởng sứ điệp ấy không thể có tính ép buộc hay đe dọa, mà chỉ để giúp con người nhận ra con đường phải theo và phải làm. Có theo có làm hay không là do thiện tâm và lòng tự nguyện của mỗi người. Thiên Chúa có thể mặc khải cho con người nhìn thấy rõ ràng trước mắt sự đau khổ mà con người phải chịu khi sống ích kỷ, vô tình, độc ác, thiếu tình yêu. Thấy như thế, ắt con người sẽ sợ hãi và thay đổi cách sống. Nhưng nếu thay đổi cách sống tốt hơn chỉ vì sợ hãi, thì tính ích kỷ, vô tình, độc ác, thiếu tình yêu vẫn còn nằm trong bản tính của họ. Và sự tốt đẹp hay tình thương họ thể hiện chỉ là bề ngoài và giả dối thôi. Thật vậy, thánh Phaolô viết: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không vì tình yêu thương, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3)

Thiên Chúa muốn con người thay đổi nên tốt hơn và sống yêu thương nhau hơn, chứ không phải vì sợ hãi, vì áp lực bên ngoài mà làm những hành động có vẻ yêu thương. Ngài muốn con người được tự do đúng theo phẩm giá cao cả của họ. Nếu có thay đổi khiến cuộc sống của họ tốt đẹp và yêu thương nhiều hơn thì phải do chính con người tự nhận ra điều đó là tốt đẹp, rồi họ tự nguyện và cố gắng thực hiện điều đó, nghĩa là hoàn toàn xuất phát từ thiện chí và tình yêu đầy tự do của họ. Vì thế, Thiên Chúa chỉ dùng những sứ điệp qua người này người kia Ngài sai đến để gợi ý giúp con người giác ngộ con đường họ phải theo, rồi để họ tự do theo hay không theo tùy ý họ. Như thế cái tốt đẹp của họ mới là tốt đẹp từ trong bản chất, và sự yêu thương họ tỏ lộ ra mới là tình thương đích thực. Chỉ có thứ yêu thương ấy mới có giá trị và mới phù hợp với những công dân của Nước Trời.

Vậy, cho dù hiện nay chúng ta giầu hay nghèo thì chúng ta cần phải sống theo thánh ý của Thiên Chúa là sống có tình thương thật sự. Nếu giàu có, ta cần biết chia sẻ với những người nghèo khổ hơn chúng ta. Nếu nghèo khó, chúng ta vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh sống ấy đồng thời nỗ lực vươn lên trong tinh thần «đói cho sạch, rách cho thơm». Đừng bao giờ vì thiếu thốn, nghèo khổ mà làm điều gì trái với lương tâm, trái với sự công bằng hay tình thương của mình. Có thế, ta mới xứng đáng được Thiên Chúa ân thưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết sống yêu thương, dù trong cảnh giàu hay trong cảnh nghèo khổ. Tình yêu đối với Cha và với tha nhân luôn luôn có thể thể hiện ra thành hành động cụ thể dù trong cảnh giàu hay cảnh nghèo. Thật vậy, dù nghèo đến đâu, nếu có tình yêu, con cũng đều có thể biểu lộ tình yêu đó ra bằng cách này hay cách khác, và luôn luôn vẫn có cái gì đó để chia sẻ với mọi người. Còn không có tình yêu, thì dù giàu đến đâu, con vẫn có thể sống ích kỷ, không hề biết chia sẻ cho ai điều gì. Xin Cha hãy củng cố tình yêu ở trong con, để con yêu thương thật sự và thể hiện tình yêu thương ấy trong bất kỳ cảnh ngộ nào của đời sống con.


Nguyễn Chính Kết 

jus







Share:

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

TN25 - Chúng ta chỉ là người quản lý những gì chúng ta đang có


CHIA SẺ TIN MỪNG



Chúa Nhật thứ 25 Thường Niên
 (18-9-2016)


Chúng ta chỉ là người quản lý những gì chúng ta đang có


ĐỌC LỜI CHÚA

·        Am 8,4-7: (4) Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. (7b) Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng. 

·        1 Tm 2,1-8(4) Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. (5) Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, (6) Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. 


·    TIN MỪNG : Lc 16,1-13

Dụ ngôn người quản gia bất lương

 (1) Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: «Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”

 (5) «Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” (6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. 

 (8) «Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. 

 Trung tín trong việc sử dụng tiền của

 (9) «Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

 (13) «Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được». 



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Chúng ta có hoàn toàn làm chủ những gì chúng ta có (sức khỏe, thì giờ, tài năng, tiền bạc…) để có thể hoàn toàn sử dụng theo ý riêng của chúng ta không? Tại sao?

2. Chúng ta có thể dùng những thứ của cải chóng qua ở đời này để tạo hạnh phúc vĩnh cửu cho mình trên trời không? bằng cách nào?

3. Người không đáng tin trong chuyện tiền bạc, ta có thể tin vào lương tâm người ấy không? Tại sao?


Suy tư gợi ý:

1. Chúng ta chỉ là người quản lý những gì chúng ta đang có, và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chúng

Trong dụ ngôn người quản gia bất lương, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh một người quản gia phung phí của cải của chủ. Điều đó có nghĩa là ông đã sử dụng của cải của chủ sai mục đích mà chủ muốn. Chủ yếu là ông đã không dùng của cải hay tiền bạc của chủ để tạo lợi ích cho chủ, mà tạo lợi ích riêng cho mình. Hậu quả của việc làm đó là ông bị chủ cho thôi việc.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn cảnh báo và nhắc nhở chúng ta một chân lý quan trọng. Những của cải – tinh thần cũng như vật chất – Thiên Chúa ban cho chúng ta (như sức khỏe, thì giờ, các tài năng, sự khôn ngoan, thông minh, khéo léo, học vấn, bằng cấp, nghề nghiệp, của cải, tiền bạc, v.v…) đều là của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là người quản lý những của cải đó cho Ngài, chứ không phải là chủ của chúng. Là người quản lý, chúng ta không có quyền phung phí những của cải đó. Nghĩa là chúng ta không nên sử dụng chúng theo ý riêng của ta, chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu riêng hay tạo lợi ích riêng cho chúng ta, mà không quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của Thiên Chúa và tha nhân. Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng những của cải đó để làm lợi cho Nước của Ngài, cho Giáo Hội, xã hội, nhất là cho hạnh phúc của tha nhân đang sống gần gũi chung quanh ta.

Những của cải ấy Thiên Chúa ban cho ta càng nhiều, thì trách nhiệm của ta – là phải làm lợi cho Chúa và tha nhân – càng lớn. Dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30) nói lên điều đó: người nhận được 5 nén phải làm lợi thành 5 nén khác, còn người nhận được 1 nén thì chỉ phải làm lợi thành 1 nén khác thôi. Nếu chỉ nhận được 1 nén, thì ta không thể nại lý do là nhận được quá ít mà không làm lợi thêm. Kẻ chỉ nhận 1 nén mà không sinh lợi thì vẫn bị trừng phạt. Kẻ nhận được 5 nén mà không sinh lợi thì còn bị trừng phạt nặng hơn nữa, nhưng nếu làm lợi thành 5 nén khác thì lại được thưởng nhiều hơn.

Vì thế, chúng ta cần ý thức trách nhiệm của chúng ta trong việc sử dụng tài năng, thì giờ, sức khỏe, và của cải vật chất mà Thiên Chúa ban: đừng chỉ biết lo cho bản thân hay gia đình mình, mà còn phải biết dùng những gì ta có để đem lại hạnh phúc cho tha nhân, làm cho Nước Tình Thương của Thiên Chúa phát triển trên mặt đất.

2. Dùng của cải chóng qua để mua Nước Trời vĩnh cửu

Khi dùng tiền bạc để mua đồ này vật nọ là ta đổi một thứ của cải chóng qua lấy một thứ của cải chóng qua khác cũng thuộc trần gian này. Nhưng trong dụ ngôn trên, Đức Giêsu cho biết: chúng ta có thể dùng thứ của cải chóng qua này để mua lấy thứ của cải vĩnh cửu trên trời. Điều đó không khác gì dùng tiền giả, chẳng hạn thứ tiền chỉ dùng làm đồ chơi cho trẻ con, mà mua được đồ thật. Với khả năng đó, ai có tiền giả mà không biết dùng để mua đồ thật thì quả là khờ dại.

Trong dụ ngôn trên, sau khi biết chủ quyết định cho mình thôi việc, viên quản lý bất trung vội vã lợi dụng thời gian ngắn ngủi còn làm quản lý của mình để lo cho tương lai. Ông lợi dụng tiền mà các khách hàng của chủ còn nợ để mua nhân nghĩa, để nhờ những nhân nghĩa đó mà sau khi mất việc, ông sẽ được các khách hàng ấy yêu mến và ưu đãi. Như vậy, ông đã dùng tiền bạc mà ông chỉ quản lý chứ không làm chủ để mua lấy nhân nghĩa, là thứ vẫn còn tồn tại và ích lợi cho ông sau khi ông bị thôi việc.

Dựa vào sự khôn ngoan của viên quản lý bất trung ấy, Đức Giêsu dạy khôn chúng ta: «Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu». «Tiền của bất chính» trong câu này (đối lại với «của cải chân thật» trong câu Kinh Thánh liền sau) chỉ có nghĩa là thứ tiền của không thuộc quyền sở hữu của chúng ta mà của người khác, nhưng chúng ta có thể sử dụng chúng hầu mưu ích cho chính mình. Nghĩa là chúng ta có thể dùng những gì chóng qua, nay còn mai mất, mà Chúa ban cho chúng ta ở đời này (tài năng, sức khỏe, thì giờ, tiền bạc…) để đổi lấy thứ của cải không bao giờ hư mất là hạnh phúc vĩnh cửu trên trời. Bằng cách nào? Bằng cách dùng chúng để lo cho Nước Thiên Chúa, lo cho hạnh phúc của tha nhân (chẳng hạn: cống hiến cho những công việc của Giáo Hội và xã hội, cho những công trình từ thiện, hoặc giúp đỡ người nghèo…). Nhờ đó chúng ta có được «những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi được» (Mt 6,20). Nếu ta chỉ dùng những thứ Chúa ban để đổi lấy những của cải chóng qua, thì khi ta chết, ta sẽ phải để lại trần gian tất cả, không mang gì đi được, chỉ ra đi với hai bàn tay trắng. Còn nếu ta biết chuẩn bị cho mình «những kho tàng trên trời», thì khi ta chết đi, ta đã có sẵn những kho tàng ấy ở trên trời, rất ích lợi cho chúng ta ở đời sau.

Đừng để cho câu «Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng» trở nên đúng đối với chúng ta. Một trong những những ý nghĩa của câu này là: con người tỏ ra rất khôn ngoan trong mọi sự liên quan đến những thực tại trần gian; nhưng lại rất kém khôn ngoan trong những sự liên quan đến Nước Trời. Họ không biết dùng sự khôn ngoan mà họ dùng ở trần gian để áp dụng cho những gì thuộc đời sống vĩnh cửu.

3. Ai trung tín trong việc nhỏ, cũng sẽ trung tín trong việc lớn

Một trong những điểm nhấn của bài Tin Mừng là sự công chính trong việc sử dụng tiền bạc. Không phải ai trung tín trong việc sử dụng tiền bạc thì cũng luôn luôn trung tín trong mọi việc khác. Tuy nhiên, trong cuộc đời, kinh nghiệm cho ta thấy ai luôn giữ chữ tín trong việc sử dụng tiền bạc, thì cũng thường trung tín trong những chuyện khác. Còn ai không đáng tín nhiệm trong chuyện tiền bạc, thì cũng thường không trung tín trong những chuyện khác. Người ta thường nói: «Lấy lửa thử vàng; lấy vàng thử đàn bà; và lấy đàn bà thử đàn ông». Câu nói ấy thật chí lý, nó là kết tinh những kinh nghiệm trường đời của nhân gian. Tuy nhiên, vàng hay tiền bạc vẫn là thứ cơ bản và thông dụng để thử lương tâm và lòng trung tín của mọi người.

Một lương tâm trong sáng thì luôn thể hiện sự trong sáng ấy trong việc sử dụng tiền bạc, nhất là khi sử dụng tiền bạc của người khác. Không thể tin được một người biển thủ tiền bạc của người khác, của công quỹ, đối xử với người khác một cách không công bằng về mặt tiền bạc, lại là người có lương tâm ngay thẳng và đáng tín nhiệm. Không thể tin được một người được nhờ giao tiền cho người khác mà giữ lấy làm của mình, lại là người đạo đức đích thực. Hiện nay, có rất nhiều người mang danh là đạo cao đức cả, nhưng lại rất bê bối trong chuyện sử dụng tiền bạc của người khác. Quả thật, họ chỉ «có tiếng mà không có miếng» về mặt đạo đức. Chính Đức Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn: «Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?» Thiết tưởng đức công bằng – cụ thể về mặt tiền bạc – là nền tảng của đức bác ái; và đức bác ái là nền tảng của đạo đức Kitô giáo. Do đó, người đạo đức thật sự phải là người luôn luôn không có gì đáng trách về đức công bằng, nhất là về tiền bạc.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết sử dụng những gì Cha ban cho con để phục vụ Cha và mọi người, nhất là để mưu cầu hạnh phúc cho những người chung quanh con. Xin giúp con luôn giữ trọn đức công bằng đối với mọi người, để con chứng tỏ được lương tâm trong sáng của con. 
(Nguyễn Chính Kết)
Share:

TN25 - Đổi tài sản chóng qua lấy tài sản vĩnh cửu


CHIA SẺ TIN MỪNG



Chúa Nhật thứ 25 Thường Niên
 (18-9-2016)


Đổi tài sản chóng qua lấy tài sản vĩnh cửu


ĐỌC LỜI CHÚA

·        Am 8,4-7: (4) Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. (7b) Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng. 

·        1 Tm 2,1-8: (4) Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. (5)Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, (6) Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. 


·    TIN MỪNG : Lc 16,1-13

Dụ ngôn người quản gia bất lương

 (1) Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: «Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”

 (5) «Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” (6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. 

 (8) «Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. 

 Trung tín trong việc sử dụng tiền của

 (9) «Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

 (13) «Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được». 



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.       Bạn nghĩ gì về một người nghèo được người ta đồng ý cho «đổi giấy lấy tiền» (cứ một tờ giấy thường nhỏ lấy một tờ giấy bạc 10.000đ, hay 50.000đ VN, hoặc lấy tờ 10 hay 50 USD), mà lại không chịu đổi, cứ nhất định khư khư giữ lại những tờ giấy ít giá trị cho mình? Bạn có bao giờ nghĩ mình cũng đang làm tương tự như thế trên bình diện tâm linh không?

2.       Một người thường tỏ ra bất tín trong chuyện tiền bạc, hay lỗi hẹn, hay thất hứa, v.v… thì bạn có dám giao cho họ một công việc gì lớn không? Tại sao? Bạn có những kinh nghiệm nào cụ thể về việc này?


Suy tư gợi ý:

1.   Theo khôn ngoan thế gian, phải biết lo liệu trước tương lai

Ta thử đặt mình vào địa vị tên quản gia bất lương kia để xem mình nên làm gì hầu «sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ». Nếu không lo liệu trước, thì coi chừng chết đói, vì ngoài chức quản gia ra, anh ta chẳng biết làm gì khác để sinh sống, «cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi». Tốt nhất là nên lợi dụng ngay quyền hạn của chức quản gia mà mình còn giữ được trong thời gian ngắn ngủi một tuần hay một tháng này để lo liệu chuyện đó. Bây giờ cần phải đầu tư tình cảm nơi mọi người. Cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để gây tình cảm là lợi dụng chức quản gia để làm ơn cho họ. Anh ta nghĩ: ông chủ có rất nhiều con nợ, mình giảm nợ cho họ tất nhiên họ phải mang ơn mình, có tình cảm với mình, nhờ đó, khi mình thất nghiệp, họ sẽ tôn trọng và giúp đỡ mình. Thế là «anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” (6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”».

Như thế, anh ta đã dùng những tiền của không phải của mình để làm lợi cho mình: dùng tiền của của người khác do mình tạm thời quản lý để mua lấy tương lai cho mình về sau. Nhân câu chuyện này, Đức Giêsu khuyên chúng ta: «Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu». Điều ấy có ý nghĩa gì? Cần phải hiểu câu nói của Đức Giêsu thế nào?

2. Áp dụng sự khôn ngoan ấy vào việc lo hạnh phúc vĩnh cửu

Chúng ta ai nấy đều có một thời gian rất ngắn ngủi ở trần gian này trước khi bước vào đời sống vĩnh cửu đời sau. So với đời sống mai hậu, đời sống này rất là ngắn ngủi trong đó mọi sự đều chóng qua, giả tạm, không bền. Thật vậy, tất cả mọi sự ta đang có trong tay – trí tuệ, khôn ngoan, sức khỏe, cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa, ruộng vườn, của cải, v.v… – có thể mất đi bất cứ lúc nào. Chỉ một cơn bệnh nặng hay một tai nạn ở đầu có thể làm ta mất hết trí tuệ, sức khỏe, làm ta điên loạn, không còn biết gì. Một cuộc đổi đời có thể làm ta mất hết địa vị, quyền lực và tiền bạc. Như thế tất cả những gì ta đang có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, đều không phải là của ta, mà chỉ để ta quản lý một thời gian thôi. Ta chỉ quản lý nó nhiều lắm là 100 năm ở đời này. 100 năm đó so với sự hiện hữu vĩnh cửu của ta thì cũng tương tự như một phút so với cả cuộc đời trần thế của ta. Tới khi chết, tất cả những của cải ta đang quản lý, dù nhiều tới đâu, cũng đều phải để lại cho người khác quản lý, và ra đi với hai bàn tay trắng. Chỉ những gì ta có được ở đời sau, mới là của ta đích thật, nó sẽ ở với ta mãi mãi.

Tuy nhiên, một điều rất lạ lùng và hết sức đáng mừng là ta có thể dùng những thứ giả tạm chóng qua mà ta đang quản lý ở đời này để tạo nên của cải đích thực và vĩnh cửu cho ta ở đời sau. Vì thế, xét về mặt này, hoàn cảnh của ta giống y hệt hoàn cảnh của viên quản lý trong dụ ngôn của Đức Giêsu. Vậy thì dại gì ta cứ giữ khư khư lấy những của giả tạm đó cho mình, mà không lợi dụng thời gian quản lý quí báu những của cải ấy để mua sắm lấy Nước Trời, tức hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của mình. Vì thế, những kẻ chỉ lo làm giàu ở đời này mà không màng đến việc lo liệu cho hạnh phúc đời sau, thì đúng là bỏ mất những cơ hội hết sức quí báu để «đổi giấy lấy tiền». Cơ hội này mất đi sẽ không bao giờ trở lại.

Người quản lý trong dụ ngôn đã dùng tiền mà mình đang quản lý để làm ơn làm phúc cho người này người nọ, nhờ đó khi không còn quản lý nữa, ông vẫn được người khác quí trọng, tiếp đón, hậu đãi. Đức Giêsu khuyên chúng ta cũng nên «dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu». Nghĩa là hãy dùng những của cải tạm bợ – tinh thần cũng như vật chất – mà Chúa trao cho ta quản lý, để sắm lấy những của cải vĩnh viễn trên trời. Bằng cách nào? bằng cách sử dụng những của cải ấy để thực hiện những hành động yêu thương: gây hạnh phúc hay làm lợi cho tha nhân, làng xóm, xứ đạo, quê hương đất nước, xã hội, Giáo Hội… Ta có thể dùng tiền của, tài năng, trí tuệ của mình – vốn giả tạm, chóng qua, nay còn mai mất  – để đầu tư cho sự hạnh phúc của tha nhân, sự phát triển của xã hội, sự thánh thiện của Giáo Hội, v.v… Nhờ vậy, tự nhiên ta có một kho tàng vĩnh cửu không thể hư mất ở trên trời. Như thế chẳng phải là ta đã «đổi giấy lấy tiền», «đổi đồ giả lấy đồ thật» sao? Vậy dại gì mà không đổi?

3. Hãy trung tín trong mọi việc hằng ngày

Đã là người, ai cũng muốn mình trở thành người có giá trị, được mọi người tín nhiệm. Sự tín nhiệm và giá trị của ta một phần nào được đo bằng việc người khác có dám giao cho ta đảm trách những việc lớn lao hay không. Nhưng làm sao người khác có thể dám giao cho ta việc lớn, khi họ thấy ngay cả việc nhỏ ta cũng không chu toàn được? Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc: «Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn». Sự khôn ngoan đòi buộc người ta, khi giao việc cho ai mà muốn thành công, thì phải thử xem người ấy có đủ khả năng và đức độ để chu toàn việc ấy không. Đức độ và khả năng là hai yếu tố quan trọng để căn cứ vào đó mà tín nhiệm một người. Nói về việc thử người, trong dân gian có câu: «Lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, và lấy đàn bà thử đàn ông». Tôi nghĩ câu ấy cũng rất chí lý.

Riêng tôi, theo kinh nghiệm cá nhân rất hạn hẹp của tôi thì chỉ nên tín nhiệm những ai tỏ ra trung tín trong việc sử dụng tiền bạc hoặc của cải của người khác. Và đó cũng là điều Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: «Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính [1], thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?» Kinh nghiệm hạn hẹp của tôi cho thấy người nào không trung tín trong chuyện tiền bạc, của cải vật chất, thì cũng thường– tôi chỉ dám nói «thường» mặc dù tôi chưa thấy có luật trừ – không trung tín hay không đáng tín nhiệm trong những chuyện khác. Còn ai trung tín trong chuyện tiền bạc, của cải vật chất, thì cũng thườngtrung tín hay đáng tín nhiệm trong những việc khác. Theo quan niệm của tôi, một người không giữ được sự công bằng – dù về tinh thần hay vật chất – thì cũng khó có thể là một người bác ái đích thật hay một người thánh thiện được.

Vậy, ta không nên sợ rằng mình không được tín nhiệm, mà hãy sợ rằng ta chưa có thái độ đúng đắn trong những việc nhỏ, trong sự công bằng, trong cách sử dụng tiền bạc hay của cải không phải là của mình.



[1]    «Tiền của bất chính» ở đây nên hiểu là tiền của giả tạm, chóng qua ở đời này, mà ta chỉ là người quản lý chứ không phải là chủ. Nó trở nên «bất chính» khi ta tự coi mình là chủ nhân và sử dụng nó hoàn toàn theo ý mình, chứ không phải theo ý của chủ nhân đích thực là Thiên Chúa.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng mọi sự con có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, không phải là của con mà là của Cha. Cha giao cho con quản lý chứ không phải làm chủ. Con phải sử dụng chúng theo ý Cha chứ không phải theo ý con. Xin cho con biết sử dụng những thứ Cha giao cho con quản lý để tạo nên kho tàng vĩnh viễn cho con ở trên trời. Xin cho con biết trung tín trong mọi việc nhỏ nhặt của đời sống thường ngày, để con đáng được Cha và mọi người tín nhiệm trong những việc lớn lao hơn.                                                                           

(Nguyễn Chính Kết)
Share:

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

TN24 - Tình yêu đòi hỏi ta cứu người tội lỗi chứ không phải xa lánh họ


CHIA SẺ TIN MỪNG



Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên
 (11-9-2016)


Tình yêu đòi hỏi ta cứu người tội lỗi 
chứ không phải xa lánh họ



ĐỌC LỜI CHÚA

·  Xh 32,7-11.13-14: (11) Ông Môsê thưa với Chúa: «Lạy Chúa, sao Ngài lại nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã đưa ra khỏi đất Aicập». (14) Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

·  1Tm 1,12-17: (15) Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.


·    TIN MỪNG : 15,1-32 (bài dài) hoặc 15,1-10 (bài ngắn)
Xin chia sẻ về bài ngắn:

Những dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa

 (1) Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. (2) Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: «Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng». (3) Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

 Dụ ngôn con chiên bị mất

 (4) «Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (5) Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: «Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó». (7) Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn».

Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất

 (8) «Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? (9) Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: «Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất». (10) Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối».


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Đối với Đức Giêsu, sự thánh thiện chủ yếu hệ tại điều gì? tại tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân? hay tại sự trong sạch, vô tội? hay tại vô số những nhân đức con người có được?

2.   Đối với người tội lỗi, ta nên làm theo đòi hỏi của tình yêu là phải gần gũi để cảm hóa họ, hay theo đòi hỏi của sự thánh thiện là phải xa lánh họ để khỏi bị ô uế và bị mất uy tín?

3.   Tại sao một người tội lỗi ăn năn sám hối thì làm cho các thiên thần trên thiên đàng vui mừng hơn là thấy 99 người công chính không cần sám hối ăn năn?


Suy tư gợi ý:

1.   Sự thánh thiện cốt ở tình yêu nhiều hơn ở sự trong sạch hay nhân đức

Đọc bài Tin Mừng, ta thấy thái độ của Đức Giêsu, một người hết sức thánh thiện, lại có một thái độ sống rất hòa đồng với những người tội lỗi. Còn những người Pharisêu, ta thấy họ luôn luôn quan tâm giữ những luật lệ về sự «thanh sạch» mà Cựu ước đề cập đến rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt ở sách Lêvi các đoạn từ 11 đến 16. Họ xa lánh những vật mà Cựu ước cho là ô uế một cách nhiệm nhặt và chi tiết hơn cả chính luật lệ đòi hỏi nữa. Họ nghĩ rằng càng giữ nhiệm nhặt những luật đó, thì họ càng trở nên thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Và vì dân chúng được họ dạy như thế nên cũng nghĩ như thế. Do đó, khi họ càng giữ luật đó nhiệm nhặt bao nhiêu, thì họ càng được mọi người ca tụng là thánh thiện bấy nhiêu. Và càng được tiếng là thánh thiện thì họ càng phải tránh giao tiếp với những người tội lỗi hầu giữ được tiếng tốt ấy.

Nhưng Đức Giêsu không suy nghĩ và hành động như họ. Trong khi họ lấy việc giữ luật và việc cử hành những nghi thức tôn giáo bề ngoài làm chuẩn mực quan trọng của sự thánh thiện, thì Đức Giêsu lại rất coi thường chuẩn mực ấy. Ngài coi tình yêu đối với mọi người và lòng khoan dung đối với người tội lỗi mới là chuẩn mực và là cốt yếu của sự thánh thiện. Vì cốt tủy của thánh thiện là nên giống như Thiên Chúa, nguồn mạch thánh thiện. Mà để giống Thiên Chúa thì điều cốt yếu nhất là phải giống bản chất của Ngài là tình yêu. Vì theo định nghĩa của Thánh Kinh thì «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16) chứ không phải là bất kỳ điều gì khác. Ngài thì vô cùng quyền năng, Ngài thì vô cùng thanh sạch, v.v… nhưng dù vậy, Ngài không là quyền năng, không là thanh sạch, v.v… mà tình yêu.

Vì thế, cho dù giống Ngài ở trong đủ mọi phẩm chất khác, mà không hề giống Ngài ở tình yêu, thì không phải là thánh thiện. Người nào trong sạch như thiên thần, hay có đủ mọi nhân đức nhưng lại không có tình yêu, người ấy không phải là người thánh thiện, vì cốt tủy của người ấy không giống Thiên Chúa. Còn những người tuy ít nhân đức, tuy còn ít nhiều tội lỗi, nhưng lại có nhiều tình yêu, thì người ấy giống Thiên Chúa hơn. Thật vậy, trước mặt Thiên Chúa, một người thu thuế bị mang tiếng là tội lỗi nhưng có tình yêu và lòng khiêm nhượng vẫn có thể thánh thiện hơn một người Pharisêu hằng được mọi người nể phục vì sống trong sạch và giữ luật hết sức nhiệm nhặt nhưng lại thiếu tình yêu và lòng khiêm nhượng. Điều này được Đức Giêsu nói rõ ràng trong “Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện” (Lc 18,9-14). Do đó, là người theo Chúa, ta nên biết điều chủ yếu phải bắt chước Thiên Chúa là điều gì. Nếu không, việc theo Chúa của ta chỉ là «công dã tràng» (xin xem thêm: 1Cr 13,2-3; Mt 7,21-23; 25,31-46).

2.   Tình yêu đòi hỏi chúng ta cứu người tội lỗi chứ không phải xa lánh họ

Quan niệm của Đức Giêsu như thế, nên Ngài không ngần ngại đến với những người tội lỗi, hòa mình với họ để có thể cảm hóa họ. Đối với Ngài, dù họ tội lỗi đến đâu, họ cũng là «con cháu tổ phụ Ápraham» cả (Lc 19,9; x.13,16), nên họ cần được cứu khỏi tình trạng tội lỗi ấy. Mà muốn cứu họ thì không thể cứ xa lánh họ như chủ trương của những người Pharisêu, mà phải đến gần họ, tiếp xúc với họ, sống chan hòa với họ, để họ cảm nghiệm được mình thương yêu họ. Họ có cảm được mình yêu thương họ thì họ mới chịu nghe và thực hành những điều hay lẽ phải mình giãi bày. Còn tỏ ra khinh bỉ và xa lánh họ thì chỉ khiến họ xa mình và đẩy họ vào con đường tội lỗi hơn. Đối với Ngài, điều quan trọng là cứu họ chứ không phải là giữ luật về sự «thanh sạch» của Môsê. Tình yêu chân thật đòi buộc phải nghĩ như thế! Giao du với những người tội lỗi này, Ngài đành phải chấp nhận Ngài bị mất uy tín – thứ uy tín giả tạo và phi lý – trước mặt những người Pharisêu và giới lãnh đạo tôn giáo, khiến họ trách móc Ngài.

Ngài đã dạy các môn đệ: «Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em» (Lc 6,27-38). Kẻ thù hay kẻ đang làm hại mình mà mình cũng phải yêu thương, huống gì những anh chị em mình đang lầm lỡ, yếu đuối, lạc đường và đang tiến về vực thẳm…! Chính Thiên Chúa và Đức Giêsu đã làm gương này cho chúng ta. Thánh Phaolô viết: «Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ hoằn lắm có người dám chết vì một người lương thiện. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta» (Rm 5,7-8). Nếu Thiên Chúa nại vào sự thánh thiện của Ngài mà xa tránh và khinh bỉ những người tội lỗi, thì số phận của loài người chúng ta hiện nay ra sao? Ta thánh thiện được bao nhiêu mà lại tự hào về sự thánh thiện ấy để xa tránh anh chị em tội lỗi của mình? Tình yêu đã khiến Đức Giêsu bất chấp sự thánh thiện của mình để đến hòa mình với nhân loại tội lỗi. Thiên Chúa đã coi tình yêu quan trọng hơn danh tiếng thánh thiện của Ngài, và chính vì thế mà Ngài mới đúng là thánh thiện. Vì sự thánh thiện hệ tại tình yêu hơn là hệ tại sự trong sạch hay hệ tại có được vô vàn nhân đức! Dường như Đức Giêsu không hề dị ứng với những người tội lỗi, mà chỉ dị ứng – thậm chí rất dị ứng – với những người mang danh đạo đức mà lại kiêu ngạo, tự mãn, ích kỷ, thiếu tình thương, thích bắt bẻ, khinh bỉ và kết án người khác (x. Mt 12,1-14; Ga 9,40-41; Mt 23,1-36; v.v…).

3.   Giá trị của một người tội lỗi ăn năn trở lại

Đức Giêsu hỏi những người Pharisêu: «Người nào trong các ôngcó một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?» Câu hỏi ấy của Đức Giêsu với những từ «Người nào trong các ông… lại không…» cho thấy việc bỏ lại 99 con chiên không bị lạc để đi kiếm con chiên lạc, là một cách hành xử thường tình của con người. Ngữ cảnh của đoạn văn này khiến ta phải hiểu là người chăn chiên đã phải lo cho 99 con còn lại ở một nơi an toàn có người khác canh giữ trước khi ra đi tìm con chiên lạc. Chứ Đức Giêsu không phải là người không biết tính toán: chỉ tìm có một con chiên lạc mà liều để mặc cho 99 con kia ra sao thì ra! Hiểu theo cách ấy xem ra không đạt lý! Tuy nhiên, điều đáng cho ta suy nghĩ và thắc mắc tìm hiểu là câu kết luận của Đức Giêsu: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn». Tại sao lại có vẻ nghịch lý như vậy?

Thường thì người tội lỗi nào thật sự ăn năn trở lại – nghĩa là quyết định dứt khoát không quay về con đường cũ tội lỗi nữa – thì cũng đều có một giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa mà những người thánh thiện khác ít có được:

– Họ đã có một quá khứ tội lỗi, nên họ không bao giờ dám tự hào về bản thân mình. Nhờ đó họ dễ khiêm nhường sâu xa hơn, mà khiêm nhường lại chính là nền tảng vững chắc của sự thánh thiện.

– Họ đã kinh nghiệm được sự yếu đuối và mỏng dòn của con người, nên họ dễ thông cảm sâu xa với những người yếu đuối, tội lỗi khác. Sự thông cảm này khiến họ bao dung và yêu thương người tội lỗi hơn. Nên sự cảm thông này là một giá trị lớn trước mặt Thiên Chúa. Và một khi họ đã trở nên thánh thiện, họ cũng dễ dàng cảm hóa được người tội lỗi hơn nhờ kinh nghiệm trở lại của họ.

– Trong quá khứ, họ càng phạm tội nhiều thì khi được Thiên Chúa tha tội, họ càng cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa nhiều hơn, và do đó họ yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn: «Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít» (x. Lc 7,36-50).

– Đối với trần gian, những người tội lỗi quay trở về thường có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, nhất là về mặt trái của nó. Do đó, họ thường có một sự khôn ngoan nào đó mà người chưa từng phạm tội không có được.

Nếu họ thật sự quay trở về và yêu mến Thiên Chúa, Ngài có thể biến chính quá khứ tội lỗi của họ trở thành một giá trị đem lại lợi ích lớn lao cho chính họ và cho người khác (x. Rm 8,28). Đó là nhờ tình yêu họ có được đối với Thiên Chúa và sự cảm thông và yêu thương đối với đồng loại.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã yêu mến và quyết tâm cứu những người tội lỗi biết bao! Xin cho con biết yêu mến và cảm thông với những anh chị em con đang sống tội lỗi vì chính con cũng đã từng phạm tội như họ, đồng thời tìm đủ mọi cách đem họ về đường ngay nẻo chính. Thánh Giacôbê nói: «Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình» (Gc 5,20). Xin Cha hãy vì tình yêu con dành cho những người tội lỗi mà tha thứ tội lỗi cho con.                                                                           

(Nguyễn Chính Kết)
Share:

TN24 - Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên
(11-9-2016)

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi


ĐỌC LỜI CHÚA

·    Xh 32,7-11.13-14 : (7) Đức Chúa phán với ông Mô-sê : «Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. (8) (Mô-sê thưa:) (12b) Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. (14) Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

·    1 Tm 1,12-17 : (13) Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.

·    TIN MỪNG : 15,1-32 (bài dài) hoặc 15,1-10 (bài ngắn)
Xin chia sẻ về đoạn sau (Lc 15,11-32) của bài dài:


Dụ ngôn người cha nhân hậu

(11) Khi ấy, Đức Giêsu nói: «Một người kia có hai con trai. (12)Người con thứ nói với cha rằng : “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

 (14) «Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.”

 (20) «Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23) rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Và họ bắt đầu ăn mừng.

 (25) «Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. (27) Người ấy trả lời : “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.” (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha : “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. (30)Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !”

 (31) «Nhưng người cha nói với anh ta : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. (32)Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy».


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý :

1.   Bình thường, cha mẹ có còn yêu thương con cái khi chúng bất hiếu hay tệ bạc với mình không? Tại sao? Thái độ của Thiên Chúa thế nào?

2.   Giữa hai thái độ: tha thứ và kết án, thái độ nào là thái độ của bậc cha mẹ? thái độ nào có tác dụng làm người tội lỗi trở lại với đường ngay nẻo chính hơn? Những người lãnh đạo trong Giáo Hội, trong các hội đoàn nên có thái độ nào?

Suy tư gợi ý :

1.  Thiên Chúa là người Cha đầy tình thương, sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho con cái tất cả mọi lỗi lầm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng một hình ảnh, một câu chuyện cụ thể để mô tả chân dung của Thiên Chúa, vừa là Cha chung của toàn thể nhân loại, vừa là Cha của mỗi người chúng ta. Trong chân dung ấy, có hai đặc tính nổi bật: tình thương vô hạn và sự tha thứ vô điều kiện.

a.   Tình thương vô hạn của Thiên Chúa: Thiên Chúa được Đức Giêsu mạc khải là một người Cha (chắc hẳn nếu phải nói về Thiên Chúa trong một nền văn hóa mẫu hệ thì Ngài sẽ mạc khải Thiên Chúa là một người Mẹ). Cha mẹ nào mà chẳng thương yêu con cái bằng một tình thương tự nhiên, vô điều kiện, nghĩa là bất chấp con cái tốt xấu, hay dở, có lợi hay gây hại cho mình, bất chấp cả việc chúng đối xử tệ bạc với mình tới đâu. Tình thương đích thực luôn luôn tự động biểu lộ thành hành động. Bản chất của tình thương là như thế, nếu không như thế thì không phải là tình thương đích thực. Tình thương không biểu lộ thành hành động chỉ là tình thương ngoài môi miệng (x. Gc 2,16.26). Và hai cách biểu lộ rõ rệt nhất của tình thương là: ­(1) sự tha thứ vô điều kiện, và (2) sẵn sàng chấp nhận đau khổ hoặc chết cho người mình yêu thương. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người đã được biểu lộ qua cả hai cách ấy nơi con người Đức Ki-tô: «Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta» (Rm 5,7).

b.   Sự tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa: Trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, người con hoang đàng đã đối xử thật tệ bạc với cha, đã rời bỏ cha mẹ mình để đi hoang, không còn biết nghĩ đến nỗi cô đơn, thương nhớ và đau khổ của cha mẹ khi mình bỏ đi, lại còn tiêu tán hết gia sản cha mẹ dành cho mình. Thế mà khi đứa con bội bạc ấy trở về, thái độ của người cha là: khi «anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để» và ngay tức khắc ra lệnh cho «các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!». Ông làm như đứa con ấy chưa hề phạm một lỗi nhỏ nào đối với mình. Tội lỗi của đứa con hết sức to lớn nhưng ông làm như không nhìn thấy, chỉ nhìn thấy nó đã trở lại với mình, như thể nó «đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy». Tình thương, lòng tha thứ và quảng đại chỉ có thể biểu lộ đến thế là cùng.

Chúng ta đã từng nghe nói có biết bao cha mẹ đã đến thăm nuôi đứa con tệ bạc và bất hiếu với mình hiện đang bị tù đày, bất chấp xa xôi, hiểm nguy hay trước đó nó đã làm phiền lòng mình tới đâu. Cho dù cha mẹ đó có là phường xấu xa trộm cướp, cũng vẫn có thể đối xử tốt với đứa con tệ bạc của mình như vậy. Có thế mới là bậc cha mẹ! Có nghĩ như thế, ta mới thấy được ý nghĩa vô cùng sâu xa khi Đức Giêsu mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha Mẹ của chúng ta. Tình thương đầy khiếm khuyết của cha mẹ trần gian còn như thế, huống gì tình thương hoàn hảo của Thiên Chúa! Ngài đã được thánh Gioan định nghĩa là Tình Thương (x. 1 Ga 4,7-8), một tình thương vô hạn của bản tính Thiên Chúa, nên sự tha thứ của Ngài cũng vô hạn. Đây quả là một thông tin hết sức vui mừng và vô cùng quí báu cho tất cả mọi con người, vốn yếu đuối và đầy lầm lỗi!

2.  Hãy tin tưởng vào tình thương và sự tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa

Động lực nào đã làm cho đứa con quay trở về nhà mình? Chắc chắn không phải vì thương cha mình, mà vì sự khốn khổ nó đang phải chịu do sự ngu xuẩn và bất hiếu của nó. Tóm lại, nó về là vì nó thương bản thân nó hơn là thương cha. Chắc chắn khi thấy nó trở về với «thân tàn ma dại», cha nó cũng biết nó về vì động lực gì. Nhưng đối với ông, điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là nó đã trở về, vì nó tưởng như «đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy». Động lực khiến người cha tha thứ và vui mừng đón nhận nó trở về hoàn toàn vì yêu thương con, vì muốn cho nó hạnh phúc, bất chấp quá khứ lầm lỗi của nó.

Đó cũng chính là tâm tình của Thiên Chúa đối với những người con tội lỗi. Chỉ cần người tội lỗi quay trở về với Thiên Chúa và nói lên lời hối hận: «Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...», thì lập tức trước mặt Thiên Chúa, họ trở thành người vô tội, trở thành con cái trong nhà, được yêu thương, bảo vệ, được hưởng mọi quyền lợi của một người con y như trước. Vì thế, dù ta có phạm một tội tầy đình, nếu ta biết trở về với Chúa, Ngài sẽ tha thứ tất cả, và coi ta như con cái hiếu thảo trong nhà.

Mẹ Giáo Hội của chúng ta đã từng có những hành vi như thế. Chẳng hạn, Âu-Tinh, một thanh niên đã từng sống trụy lạc, ăn chơi, và có những đứa con rơi rớt không kém gì đứa con hoang đàng trong Tin Mừng. Thế mà khi trở về với Giáo Hội, Giáo Hội đã mở rộng vòng tay đón nhận. Sự đón nhận trở nên hoàn toàn khi Giáo Hội chấp nhận chàng vào tu viện, và khi thấy chàng xứng đáng, đã phong chức giám mục cho chàng. Nhờ sự tha thứ quảng đại ấy của Giáo Hội, Âu-Tinh đã trở nên một vị thánh. Giáo Hội xưa là như thế, Giáo Hội ngày nay thì sao? Thiết tưởng Giáo Hội không nên quá chú trọng đến vấn đề lý lịch hay quá khứ của những người muốn trở về với Thiên Chúa và với Giáo Hội. Chúng ta không nên lấy cớ khôn ngoan để hành xử giống như những thế lực trần gian. Đức Giêsu đã trao cho Giáo Hội quyền tha và buộc (x. Mt 16,19; 18,18), thiết tưởng Giáo Hội nên tha nhiều hơn là buộc, nên có thái độ của bậc cha mẹ yêu thương con cái hơn là thái độ của các quan tòa. Các bậc làm cha mẹ cũng cần có thái độ quảng đại như thế đối với những đứa con hư hỏng. Đọc Tin Mừng, tôi chỉ thấy Đức Giêsu kết án có một loại người duy nhất là bọn kinh sư và biệt phái giả hình hoặc các tiên tri giả mà thôi!

Người con hoang đàng sẽ không dám quay trở về khi đoán rằng cha mẹ mình sẽ không tha thứ, sẽ ruồng rẫy nó khi nó trở về. Nếu biết như thế thì trở về làm gì? Vì thế, nếu cha mẹ vẫn luôn luôn tỏ thái độ yêu thương chăm sóc khi chúng bất hiếu và tệ bạc với mình, thì sẽ khiến chúng trở về với đường ngay nẻo chính hơn là thái độ bỏ rơi, ruồng rẫy chúng. Thái độ kết án, ruồng rẫy chỉ làm cho con cái xa lìa và chống lại cha mẹ mà thôi. Lịch sử Giáo Hội cũng như chuyện đời thường chứng minh điều ấy.

Dụ ngôn người cha và đứa con hoang đàng của Đức Giêsu là một bài học cho nhiều loại người: không chỉ cho những người tội lỗi cần quay trở về, mà còn đề nghị với các bậc làm cha mẹ và với cả những người tốt lành ở trong Giáo Hội cách đối xử với những người con hay anh em đang sống trong lầm lạc tội lỗi. Không nên có thái độ như người anh kém quảng đại trong bài Tin Mừng chỉ biết ganh tị với em, mà không hề tỏ một tâm tình yêu thương gì với cha và với em cả.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã cho con thấy khuôn mặt đầy tình thương và giàu lòng tha thứ của Cha qua dụ ngôn người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Xin cho con luôn ý thức tình yêu thương ấy của Cha để sẵn sàng quay trở về với Cha ngay khi lầm lỗi, đồng thời cũng luôn luôn bắt chước Cha trong việc quảng đại tha thứ vô điều kiện cho con cái, cũng như cho tất cả mọi người có lỗi đối với con. Amen.    
(Nguyễn Chính Kết)



Share: