Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Mot-so-phim-Cong-Giao

Một số phim Công giáo 

Phim Cựu Ước



Phim Tân Ước


Phim Giáo Dục Đức Tin Gia Đình



Phim Tài Liệu





Share:

Phim-Giao-Diem-Tren-Cao

Giáo Điểm Trên Cao
Phim Truyền Giáo
Để coi phim, xin bấm vào đây:
http://phimconggiao.net/videos.php?vid=b9b787f35 


(Note: Bài dưới đây tổng hợp từ các trang web:
http://loanbaotinmung.net/noidung/2108
http://dungmanhfsc.blogspot.com/2013_12_01_archive.html)



Tóm lược truyện phim
Ngược dòng thời gian vào thế kỷ 18, bộ phim Giáo Điểm (The Mission) nói về các linh mục dòng Tên người Tây Ban Nha cố gắng bảo vệ một bộ lạc xa xôi vùng Nam Mỹ có nguy cơ rơi vào sự cai trị của chế độ thực dân Bồ Đào Nha.
Các sự kiện trong bộ phim này là có thật, và diễn ra giữa biên giới Argentina, ParaguayBrazilvào những thập niên 1750. Cha Gabriel đi vào vùng đất Guarani ở Nam Mỹ với mục đích truyền giáo cho dân bản địa ở đây. Ngài đã sớm xây dựng được một giáo điểm, nơi đây ngài nhận Rodrigo Mendoza, một người buôn bán nô lệ, tìm việc đền tội. Hiệp ước chuyển đất từ Tây Ban Nha cho Bồ Đào Nha, Bồ Đào Nha muốn bắt người dân bản địa làm nô lệ. Mendozavà Gabriel quyết tâm bảo vệ giáo điểm, nhưng hai người không đồng ý về cách thực hiện nhiệm vụ.

Bộ phim này đã dành được giải Oscar và 7 giải thưởng quốc tế lớn nhỏ khác nữa.

Suy tư về bộ phim
Bộ phim cho chúng ta bài học nào về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, cách riêng đối với các việc truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam?
Quả thật, bộ phim đã để lại cho chúng ta bài học quý giá về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, và cách riêng là cho Giáo Hội Việt Nam:
Bài học thứ nhất:
Trước khi nói đến truyền giáo, thì thiết tưởng cần phải làm thế nào đó để cải thiện đời sống vật chấtcủa người dân nơi ta đến trước đã. Sau khi trở về từ giáo điểm để tuyển mộ thêm người cho việc truyền giáo nơi đây, lúc được hỏi về việc truyền giáo như thế nào, cha Gabriel đã không ngần ngại thừa nhận rằng số người trở lại thì ít nhưng cuộc sống của những người dân nơi ấy được cải thiện rất nhiều.
Đó là bước đầu tiên và là nền tảng quan trọng cho công cuộc truyền giáo. Quả thế, ai sẽ nghe chúng ta giảng, ai sẽ tin những lời chúng ta nói, ai sẽ tin vào vị Thiên Chúa mà chúng ta đang tin nếu chẳng cho họ thấy được đâu là sự khác biệt, sự đổi thay nơi cuộc sống của họ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Namhiện nay, cải thiện cuộc sống người dân tại các giáo điểm không có nghĩa là hoàn toàn mang tiền bạc mua gạo, mắm, muối… rồi phân phát cho họ. Thật chẳng sinh ích lợi gì, mà nếu có thì ích lợi ấy cũng chẳng được lâu bền, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó.
Hay hơn cả, quan tâm cải thiện đời sống của người dân cần phát xuất từ “cái gốc”. Làm sao để nâng cao trình độ văn hóa nhận thức cho họ, để dần dần thay đổi lối suy nghĩ ỷ lại của họ, rồi trao cho họ phương tiện lao động, cung cấp phương pháp để với sức mình, tự tay họ làm ra những sản phẩm có thể nuôi sống bản thân, gia đình, và xa hơn là cải thiện đời sống của cộng đồng xã hộiấy.
Bài học thứ hai:
 Đó là cần tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của những con người nơi ta đến. Các cha Dòng Tên đã đứng ra bảo vệ phẩm giá và đòi hỏi tôn trọng người Guarani như một con người, chứ không phải là “một con vật biết tiếng người” như lời của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Để làm được điều này thì cần sống với họ, hiểu biết về văn hóa của họ mới có thể thông cảm cho họ về những điều xem ra quá dã man (như việc những người Guarani giết con của mình sinh ra chẳng hạn). Phải thừa nhận rằng, đây là điều mà ngày xưa một số vị thừa sai đến Việt Nam không mấy quan tâm, thậm chí còn lên án các cha Dòng Tên là những người tiên phong trong vấn đề hội nhập văn hóa.
Dù muốn dù không thì chúng ta cũng cần phải thừa nhận tính tương đối của văn hóa. Đâu phải cái gì ta mang đến cũng đều tốt đều hay và cái gì của người ta đều là “man di mọi rợ”. Và ta cũng đâu thể áp dụng chuẩn mực của nền văn hóa này cho một nền văn hóa khác. Ngày nay, Giáo Hội đã nhấn mạnh đến việc hội nhập văn hóa, vì đó là điều kiện tối quan trọng cho hạt giống Tin Mừng có thể trổ sinh hoa trái và phát triển.
Bài học thứ ba:
Đó là thái độ vâng phục của các tu sĩ Dòng Tên cũng có thể là một trong những bài học cần được xem xét đến. Cha Rodrigo đã thực thi đức vâng lời để nói lên lời xin lỗi trước cử tọa dù cho những lời ngài nói trước đó là đúng về việc có nô lệ trên đất Tây Ban Nha. Việc truyền giáo đôi khi cũng cần phải có những lời xin lỗi như thế. Lời xin lỗi ấy không phải là thái độ nhu nhược, thỏa hiệp hay bao che cho sự xấu, nhưng thiết tưởng nó cần thiết cho một sự thiện cảm với Giáo Hội, với Tin Mừng.
Giáo Hội chúng ta đã từng sai lầm, đó là điều chúng ta không thể chối cãi, và Giáo Hội đã lên tiếng xin lỗi thế giới. Tại Việt Namchúng ta cũng đã từng có những hiểu lầm đáng tiếc về các tôn giáo bạn. Ngay nay, việc đối thoại liên tôn, không chỉ trong toàn Giáo Hội mà ở Việt Nam, cũng đang được quan tâm và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Và chúng ta biết rằng, Giáo Hội tuy thánh thiện nhưng cũng là tập hợp những con người bất toàn nên chắc chắn sẽ còn có những sai lầm khác.
Vì thế, chúng ta là thành phần của Giáo Hội, và là Giáo Hội, chúng ta cũng cần “mở to mắt” mình ra để nhận thấy những sai lầm của mình để bày tỏ lời xin lỗi, chứ không phải biện hộcho những sai trái của mình. Có như thế, việc truyền giáo của Giáo Hội trong xã hội ngày nay mới có thể bám rễ sâu vào lòng người của thời đại này.
Bài học thứ tư:
Ngoài ba bài học trên đây, lẽ dĩ nhiên là còn có thêm những bài học khác nữa, chẳng hạn như để truyền đạt Tin Mừng cho những vùng miền xa xôi thì ít ra ta cũng phải biết ngôn ngữ của người ta, hay là những bài học về kinh nghiệm cuộc sống để có thể di chuyển nơi những địa hình khó khăn hiểm trở, hay là những kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe mình và giúp người khác…
Nói chung, có nhiều bài học cho việc truyền giáo nhưng chỉ xin trình bày những bài học chính yếu trên đây, cách trực tiếp liên quan đến bộ phim “The Mission” này. 


***



Cần phải thừa nhận rằng Giáo Hội mà Hồng y Altamirano là vị đại diện có liên quan trực tiếp, nếu không muốn nói là đã góp phần vào cái chết của bộ tộc Guarani và các nhà thừa sai. Là người được cử đến để giải quyết vấn đề liên quan đến các giáo điểm, vị Hồng y đã quá nhu nhược và yếu thế trước hai thế lực đang cấu kết với nhau để loại trừ Giáo Hội, và đặc biệt là loại trừ Dòng Tên. Ngài đã thật “sáng suốt” khi nói sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào cho đến khi được tận mắt chứng kiến các giáo điểm. Vậy mà sau khi ngài đã thăm viếng các giáo điểm, thấy được đời sống của các thổ dân nâng cao, chứng kiến được hạt giống Tin Mừng đang trổ sinh hoa trái thì ngài lại quyết định “Họ phải rời giáo điểm”. Thực tế, nếu ta chú ý đến chi tiết đối thoại giữa vị Hồng y và cha Gabriel, sau khi quyết định của Hồng y bị các thổ dân chống đối, ta biết rằng Hồng y đã biết có quyết định ấy trước khi đến thăm các giáo điểm. Mục đích chuyến viếng thăm là cốt để thuyết phục các cha Dòng Tên đừng chống đối việc chuyển nhượng các giáo điểm, như Hồng y đã thừa nhận.

Nếu ở vào trường hợp của Hồng y Altamirano, có lẽ chúng ta cũng sẽ dễ dàng thông cảm cho ngài chăng, bởi một bên là quyền lợi của Giáo Hội ở Châu Âu và nguy cơ Dòng Tên bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, còn bên kia là các giáo điểm của những người thổ dân. Tuy nhiên, dù có biện hộ cách nào đi nữa thì ta cũng không thể phủ nhận trách nhiệm liên đới của Hồng y đến các chết của những con người nơi đây, bởi ta thấy sau khi sự việc đã rồi, chính hai người đại diện của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã quay sang quy trách nhiệm cho ngài: “Tôi đã thực hiện chính nghĩa với phép của Đức Hồng Y”.

Giáo Hội trong lịch sử đã không ít lần sai lầm, và lần này sự sai lầm đã lấy đi biết bao sinh mạng của con cái mình. Làm sao Đức Hồng Y có thể có được bình an khi chính ngài đã thừa nhận và lãnh lấy cái trách nhiệm ấy: “Chính ta tạo nên thế giới, và chính tôi cũng tham dự vào đấy nữa”. Lời thú tội muộn màng của Hồng Y Altamirano, đồng thời là sự dằn vặt nội tâm của ngài sẽ luôn mãi là lời nhắc nhở cho Giáo Hội nói chung, và cách riêng cho những ai mà Chúa đã đặt lên để thay mặt Chúa chăm sóc đoàn chiên, về trách nhiệm bảo vệ con cái mình trước nanh vuốt của thế lực sự dữ luôn có trong mọi thời đại.




.
Share:

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Hiển Linh (2): Biết về Thiên Chúa không quan trọng bằng sống theo những hiểu biết ấy.



CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa nhật Lễ Hiển Linh
(8-1-2016)
(Bài 2)


Biết về Thiên Chúa không quan trọng bằng
sống theo những hiểu biết ấy.


ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 60,1-6: (2) Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. (3) Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.

  Ep 3,2-3a.5-6: (6) Mầu nhiệm Đức Kitô là: trong Đức Kitô, nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.

  TIN MỪNG: Mt 2,1-12

Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi.


(1) Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, (2) và hỏi: «Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người». (3) Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: «Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: (6) 'Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời». (7) Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: «Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người. » (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. 


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Theo bài Tin Mừng, những kẻ gặp được Ðức Giêsu là người có đạo hay ngoại đạo? Tại sao? Bạn có rút ra được kết luận gì không? 
2.   Có Kinh Thánh, có giáo huấn của Chúa và Giáo Hội trong tay, điều đó đã đủ để ta gặp Chúa chưa? Còn thiếu điều gì nữa? 
3.   Trong thời đại này, ta có thể tìm gặp Chúa ở đâu? trong nhà thờ? trong phụng vụ? trong các bí tích? hay nơi những người anh em chung quanh ta? Theo tinh thần của Tin Mừng, thì Chúa muốn ta gặp Ngài ở đâu hơn?
Suy tư gợi ý:

1.   Người ngoại cũng được vào Nước Trời

Ngày xưa, những người theo đạo Do Thái quan niệm: chỉ có những người theo đạo Do Thái, nghĩa là những người đã chịu phép cắt bì mới được cứu rỗi. Sách Công Vụ Tông đồ cho thấy quan niệm ấy của họ: «Có những người từ miền Giu-đê đến dạy anh em rằng : "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ"» (Cv 15,1). Ngày nay, nhiều người Kitô hữu cũng có quan niệm tương tự như thế. Nhưng tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay mạc khải một sự thật hoàn toàn ngược lại quan niệm ấy.

Qua bài Tin Mừng, ta thấy chính những người Do Thái - mặc dù biết Ðấng Cứu Thế sinh ra tại đâu - lại không thèm tìm kiếm Ðức Giêsu mới sinh ra. Những người tìm kiếm Ngài và đã thấy Ngài, thờ lạy Ngài và dâng tặng vật cho Ngài lại là dân ngoại từ tận đâu đâu đến. Kinh Thánh còn cho ta biết người Do Thái chẳng những không tìm kiếm Ðức Giêsu, mà còn bách hại Ngài nữa. Vì thế, Nước Trời vốn ưu tiên cho người Do Thái, nhưng vì họ từ chối bằng thái độ lãnh đạm, thậm chí chống đối, nên đã được đem đến cho dân ngoại: Phaolô và Banaba mạnh dạn lên tiếng: «Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại» (Cv 13,46). Và lịch sử cho thấy dân ngoại vô số người đã vào Nước Trời - mà dấu chỉ là Giáo Hội - đang khi người Do Thái lại đứng ở ngoài. Thật đúng với câu Ðức Giêsu nói: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12). Ðức Giêsu cũng đã dùng nhiều dụ ngôn để nói lên sự thật này: xem Mt 21,28-32 (Hai người con kẻ nói vâng người nói không [a*]), Mt 21,33-46 (Những thợ vườn nho sát nhân [b*]), Mt 22,1-14 (Tiệc cưới [c*]).

2.   Bài học cho người Ki-tô hữu hôm nay

a) Có Kinh Thánh và giáo lý trong tay. không đủ!

Ðiều trớ trêu trong bài Tin Mừng hôm nay là người Do Thái - đặc biệt những tư tế và luật sĩ - có Kinh Thánh trong tay, nên họ biết Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở đâu, và lúc nào họ cũng tỏ ra mong chờ Ðấng ấy đến. Thế nhưng những người gặp được đấng Cứu Thế - các đạo sĩ và mục đồng - lại là những kẻ chẳng biết gì về Kinh Thánh. Ðiều ấy chẳng làm cho chúng ta suy nghĩ sao?

Người Kitô hữu hôm nay có đủ mọi phương tiện để được cứu rỗi: Kinh Thánh (Cựu và Tân Ước), giáo lý, giáo huấn Giáo Hội (các văn kiện Tòa Thánh), các sách thần học, tu đức, luân lý, rồi các bí tích, các giờ phụng vụ, các ngày tĩnh tâm, các bài giảng… Nhưng hãy coi chừng kẻo lịch sử lại lập lại y như cách đây 2000 năm. Vì bài Tin Mừng cho thấy: để gặp được Ðấng Cứu Thế, có Kinh Thánh trong tay không đủ, mà còn phải nhạy bén để biết thời điềm, đồng thời thật sự lên đường tìm kiếm Ngài. Người Do Thái - cụ thể là các tư tế và luật sĩ - có nhiều điều kiện để gặp Ngài hơn các đạo sĩ (có Kinh Thánh, ở gần nơi Ngài sinh ra, được các đạo sĩ báo về ngôi sao của Ngài), nhưng đã không lên đường tìm kiếm Ngài. Họ muốn yên thân với những tập tục đạo đức của họ, với cách giữ đạo cổ truyền của họ, và họ nghĩ rằng Ðấng Cứu Thế sẽ chủ động đến để gặp họ, đem sự giải phóng đến cho họ. Nhưng sự thật đã xảy ra không phải như vậy.

b)  Ðiều cốt yếu là tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi người Kitô hữu xét lại xem: cách sống đạo của chúng ta có giúp chúng ta đến gặp Chúa hay không, nghĩa là có thể đem lại ơn cứu độ cho chúng ta hay không. Chúng ta đừng an tâm tưởng rằng cứ giữ những tập tục đạo đức truyền thống cho tốt là bảo đảm vào được Nước Trời. Như thế không đủ! Ðiều cốt yếu để vào được Nước Trời không chỉ là tin vào Ðức Giêsu mà còn phải thể hiện niềm tin ấy bằng việc sống theo lời Ngài: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13: 34). Nghĩa là chúng ta phải chứng tỏ được tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Mà tình yêu đối với Thiên Chúa lại được thể hiện qua tình yêu đối với tha nhân: «Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20).

c)  Tình yêu phải được thể hiện thành hành động thật sự

Giấy thông hành để vào Nước Trời chính là tình yêu, mà phải là tình yêu đích thực. Không ai thiếu tình yêu mà vào Nước Trời được, vì Nước Trời là Nước của Tình Yêu. Tình yêu đích thực tự bản chất là phải được thể hiện thành hành động. Nếu «đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17), thì cũng vậy, tình yêu không có hành động là tình yêu giả hiệu. Với tình yêu giả hiệu, chúng ta không thể vào Nước Trời được.

Nhưng làm sao ta dám nói là ta có tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và đối với anh em mình − là hình ảnh của Ngài − khi họ lâm nạn mà ta lại khoanh tay đứng nhìn? Làm sao tình yêu của ta là đích thực được khi ta thấy rõ ràng anh em mình đang chịu bất công mà ta lại không chịu lên tiếng hay can thiệp, nhất là khi tiếng nói của ta có thể rất hữu hiệu? Nếu ta thấy anh em mình chịu bất công tỏ tường mà vì muốn yên thân ta lại làm chứng với mọi người rằng đó không phải là bất công, thì tình yêu của ta là chân thực sao được? Nếu cách hành động của ta là như thế, thì dù ta có tuân thủ giữ những tập tục truyền thống trong tôn giáo một cách hoàn hảo, không chê vào đâu được, chúng ta vẫn luôn luôn ở ngoài Nước Trời.

d)  Cần cảnh giác với thứ đạo đức hương nguyện, thiếu việc làm

Tệ hơn nữa, là khi chính chúng ta đã không chịu thể hiện tình yêu, mà lại cổ võ một thứ đạo đức không việc làm, luôn luôn đề cao việc đọc kinh cầu nguyện, dâng thánh lễ, mà không hề nhấn mạnh bổn phận phải dấn thân cho anh em, phải quan tâm mưu cầu hạnh phúc cho những người chung quanh, biến cải xã hội nên công bằng và tốt đẹp hơn, thì phải chăng chúng ta đang tiếp tay cho kẻ ác ru ngủ quần chúng, làm tê liệt sức đấu tranh cho công bằng xã hội của họ? Phải chăng chúng ta đang biến tôn giáo của chúng ta thành thuốc phiện thật sự? Chúng ta quên rằng điều quan trọng nhất trong Lề Luật là «công lý, tình thương và lòng chân thành» (x. Mt 23,23 [d*]). Và có thể chúng ta miệng thì nói về Nước Trời, nhưng thật sự ta lại dẫn quần chúng đến một nơi khác vì những giáo huấn của ta khác hẳn với giáo huấn của Tin Mừng? Ðức Giê-su nói: «Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người» (Mt 23,15), liệu câu này có đúng với ta chăng? Vì nhiều khi cứ để họ ngoại đạo, họ lại quan tâm đến việc thể hiện tình yêu với tha nhân hơn khi họ vào đạo? Ðến khi vào đạo, họ lại nghe lời ta chỉ biết quan tâm tới những tập tục đạo đức cổ truyền? (x. Mc 7,5-9 [e*])

Trái lại, những người không có Kinh Thánh trong tay, không có giáo lý hay giáo huấn của Giáo Hội, không có bí tích, nhưng họ lại có tình yêu đích thực, tức có giấy thông hành để vào Nước Trời. Rất có thể họ lại vào Nước Trời trước chúng ta, là đối tượng ưu tiên của Nước Trời, là những kẻ lúc nào cũng nói về Nước Trời mà không hành động cho Nước Trời! Thánh Phao-lô nói: «Người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật» (Rm 2,13), và «nếu người không được cắt bì mà giữ những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa chẳng coi họ như đã được cắt bì sao» (Rm 2,26). Bài Tin Mừng hôm nay và nhiều dụ ngôn của Ðức Giê-su cho chúng ta thấy viễn cảnh ấy! Và đó cũng là một lời cảnh cáo chúng ta!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi chúng con làm chuyện hết sức khờ dại. Chúng con luôn luôn đề cao đạo của mình trước mặt mọi người, nhưng chính chúng con lại chẳng sống tinh thần đạo ấy. Ðang khi có nhiều kẻ ngoại giáo lại thật sự sống được tinh thần ấy. Việc đề cao tôn giáo của chúng con, tự nó là một điều rất tốt, nhưng nhiều khi lại xuất phát từ một khuynh hướng kiêu ngạo tập thể chứ không phải là tình yêu. Vì nếu nó xuất phát từ tình yêu đích thực, thì chúng con đã phải thể hiện tình yêu ấy bằng sự dấn thân đích thực cho những anh em đang chịu khốn khổ của mình. Sự im lặng trước bất công, sự thụ động trước cảnh khốn cùng của đồng loại chứng tỏ chúng con chưa có tình yêu đích thực. Vì thế, việc đề cao tôn giáo của chúng con chỉ là một hình thức kiêu căng tập thể, là điều Cha rất ghét. Xin cho chúng con biết sống đích thực tinh thần đạo của mình trước khi đề cao nó, để sự đề cao ấy có giá trị đích thực làm sáng danh Cha. Amen.


_________________________

Một số câu Kinh thánh được giới thiệu nhưng không trưng dẫn trong bài. Xin trưng ra đây để tiện cho những ai muốn đào sâu thêm:

[a*] => Mt 21,28-32 => Dụ ngôn hai người con: «Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”» .

[b*] => Mt 21,33-46 => Dụ ngôn những tá điền sát nhân: «Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”. Ðức Giêsu bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường. Ðó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt”. Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ đám đông, vì đám đông cho Người là một ngôn sứ».

[c*] => Mt 22,1-14 => Dụ ngôn tiệc cưới: «Ðức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Ðầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”».

[d*] => Mt 23,23 => «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia».

[e*] => Mc 7,5-9 => «Những người Pharisêu và kinh sư hỏi Ðức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông».




Share: