Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Chay5b - Đức tin mạnh mẽ hơn nhờ dựa vào kinh nghiệm quá khứ

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay

(2-4-2017)

Đức tin mạnh mẽ hơn
nhờ dựa vào kinh nghiệm quá khứ 

về tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa



  TIN MỪNG: Ga 11,3-7.17.20-27.33b-45

Đức Giêsu khiến anh Ladarô sống lại


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Thiên Chúa có đòi hỏi ta tin vào Ngài một cách không bằng chứng, không cơ sở, không hợp lý không? Trước khi mời gọi ta tin vào Ngài, Ngài có cho ta một kinh nghiệm nào về Ngài hầu ta có cơ sở để tin không? 
2.   Tại sao Đức Giêsu cố ý không về gặp Ladarô khi ông còn sống mà để ông chết rồi mới về (x. Ga 11,6)? Mục đích của Đức Giêsu khi làm cho Ladarô sống lại là gì? Để chuẩn bị và củng cố niềm tin cho các ông về sự sống lại của Ngài?

Suy tư gợi ý:

1.   Đức tin vào Thiên Chúa phải dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ về tình yêu và quyền năng của Ngài

Trong 28 câu của bài Tin Mừng, chúng ta thấy có đến 9 chữ «tin». Toàn bài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tin vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa để giải quyết những vấn đề cụ thể của đời sống thực tế và thường ngày của mỗi người. Nhờ tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta mới có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn, và thực hiện những gì cần thiết cho hạnh phúc và cuộc sống của ta. 

Đành rằng tin là chấp nhận những gì trước mắt chưa rõ ràng và chắc chắn, nhưng Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta tin Ngài cách mù quáng, không có bằng chứng xác đáng. Ngài chỉ đòi hỏi chúng ta tin những gì đáng tin mà thôi. Trước khi đòi hỏi ta tin vào tình yêu và quyền năng của Ngài, Ngài luôn luôn tạo chúng ta cơ hội để kinh nghiệm thật sự về tình yêu và quyền năng của Ngài. Kinh nghiệm ấy sẽ trở thành nền tảng để chúng ta tin vào Ngài trong những hoàn cảnh hay tình huống mới.

Trong đời thường, khi hùn một số vốn thật lớn để làm ăn chung với ai, ta phải tin vào lương tâm và khả năng làm ăn của người ấy. Làm sao ta có thể tin người ấy một cách vững vàng, nếu ta chưa hề thấy người ấy chứng tỏ sự đáng tin của họ? Phải dựa vào đâu để biết được họ đáng tin? – Trước khi hùn một số vốn lớn để làm ăn với ai , ta phải có thời làm ăn với họ trong những vụ làm ăn nhỏ. Khi làm ăn nhỏ, nếu họ tỏ ra đáng tin, ta mới dám tiếp tục làm ăn với họ trong những vụ lớn hơn. Kinh nghiệm về thành quả quá khứ sẽ trở thành nền tảng cho niềm tin trong hiện tại. 

Những người tự tin vào mình cũng đều có kinh nghiệm về khả năng của mình trong quá khứ. Có thấy được khả năng của chính mình trong quá khứ qua những thành công nho nhỏ, ta mới dám tự tin vào mình trong những chuyện lớn hơn. Niềm tin được xây dựng trên kinh nghiệm của quá khứ như thế mới là niềm tin khôn ngoan và mới vững mạnh được. 

Niềm tin vào Thiên Chúa cũng phải dựa vào kinh nghiệm quá khứ như thế.


2. Thiên Chúa chỉ mời gọi ta tin và thử thách đức tin của ta khi đã cho ta những kinh nghiệm về Ngài

Khi đặt niềm tin vào một người, có hai thái độ nên tránh:

– một là chưa có kinh nghiệm gì về sự đáng tin của người ấy mà đã vội tin. Đây là thái độ cả tin, nhẹ dạ, rất nguy hiểm và thiếu khôn ngoan.

– hai là đã thấy người ấy tỏ ra rất đáng tin trong những chuyện nhỏ, mà vẫn không dám đặt niềm tin vào người ấy trong những chuyện khác hoặc chuyện lớn hơn một chút. Như vậy, dù người ấy có đáng tin tới mức độ nào, ta cũng không dám tin. Điều này khiến ta mất đi nhiều cơ hội quý trong cuộc đời. Một người làm ăn mà có thái độ này thì không bao giờ làm ăn lớn được, và không bao giờ giàu có được.

Khi tin vào Thiên Chúa, ta cần tránh hai thái độ ấy. Thiên Chúa không bao giờ mời gọi hay đòi hỏi ta tin điều gì mà ta chưa hề có kinh nghiệm về sự đáng tin của nó. Khi Ngài mời gọi hay đòi hỏi ta tin, thì chắc chắn trước đó Ngài đã từng chứng tỏ tình yêu và quyền năng của Ngài để ta có cơ sở cho niềm tin của ta trong những trường hợp sau.

Nhưng khi ta đã có kinh nghiệm nhiều lần về tình yêu và quyền năng của Ngài, thì Ngài thường thử thách niềm tin của ta. Nếu ta không dám tin vào quyền năng của Ngài mà ta đã từng có kinh nghiệm trong quá khứ, thì ta sẽ không có thêm kinh nghiệm về quyền năng ấy. Đức tin của ta sẽ dừng lại đó, không lớn mạnh thêm, mà trái lại, có thể bị hao hụt đi. Ngược lại, nếu ta tin và chứng tỏ niềm tin ấy bằng sự dấn thân cụ thể, ta sẽ kinh nghiệm thêm lần nữa về quyền năng của Ngài. Nhờ đó đức tin của ta lớn mạnh hơn. Một đức tin vững mạnh sẽ biến đổi ta thành «con người mới» (Ep2,15; 4,24; Cl 3,10) và đời sống ta thành «đời sống mới» (Rm 6,4; 8,11; Cl 3,3).

Chẳng hạn, khi dân Do Thái chưa có kinh nghiệm về Ngài, thì Ngài cho họ kinh nghiệm ấy. Ngài cho họ vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng và cứu họ khỏi đất Ai Cập. Lần đó, Ngài đã làm cho nước ở Biển Đỏ rẽ ra trước rồi sau đó mới bảo họ bước xuống biển (x. Xh 14,21-22). Ngài không đòi hỏi họ lòng tin vì họ chưa có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài. 

Nhưng khi Ngài yêu cầu các tư tế khiêng hòm bia qua sông Giođan, Ngài không còn làm cho nước rẽ ra trước, mà yêu cầu họ bước xuống sông khi nước sông vẫn còn tràn bờ. Lần này Ngài mới đòi hỏi họ phải tin, vì họ đã có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài. Và họ đã chứng tỏ niềm tin của họ bằng hành động cụ thể là dám bước xuống sông khi còn đầy nước. Và Thiên Chúa không để họ mất niềm tin: khi chân họ vừa đụng xuống mặt nước, thì nước lập tức rẽ sang hai bên để họ đi qua (x. Gs 3,13).

Cũng vậy, để chuẩn bị và củng cố niềm tin cho các tông đồ vào sự sống lại của Ngài, Đức Giêsu đã cố ý (x. Ga 11,4.15) cho các tông đồ một kinh nghiệm vô cùng sống động về quyền năng phi thường của Ngài. Đó là Ngài làm cho Ladarô sống lại, chưa kể trước đó Ngài đã từng làm kẻ chết sống lại nhiều lần trước mặt các tông đồ (x. Mt 9,25; Lc 7,14-15; Ga 4,50-53). Thế mà khi Đức Giêsu chết, nhiều tông đồ đã mất hết niềm tin đến nỗi thất vọng và sợ hãi.

3. Kinh nghiệm cá nhân

Về phương pháp sư phạm của Thiên Chúa để củng cố niềm tin cho mỗi người, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi. Hiện nay, tôi tin khá vững vàng vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong đời sống tôi. Vì tôi từng kinh nghiệm khá nhiều về việc Thiên Chúa can thiệp và dẫn dắt tôi một cách lạ lùng. Trong đó có việc rất cụ thể là Thiên Chúa lo cho đời sống vật chất của tôi và gia đình trên 30 năm qua (tính từ khi tôi lập gia đình năm 1983). 

Niềm tin của tôi khởi đầu bằng một lập luận. Tôi cho rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và chính con người tôi một cách vô cùng hoàn hảo. Nếu Ngài đã tạo dựng nên bộ máy tiêu hóa ở trong tôi một cách thật khôn ngoan và thông minh tuyệt vời, chẳng lẽ Ngài lại để cho bộ máy ấy thiếu thức ăn để tiêu hóa. Tôi không thể tin rằng Ngài lại là hạng người «đánh trống bỏ dùi» hay «đem con bỏ chợ»: dựng nên bộ máy tiêu hóa một cách hoàn hảo với những đòi hỏi của nó để rồi lại để nó lâm cảnh thiếu thốn, không có gì để tiêu hóa (xem thêm Mt 6,25-34). Nếu tôi có bị đói hay bị thiếu thốn thì tôi tin rằng đó là do lỗi của tôi: tôi đã vi phạm luật thiên nhiên hoặc luật của Ngài khi không làm theo đúng những gì lương tâm và tình yêu mình đòi buộc.

Tin tưởng như thế, nên khi có sự xung đột giữa tiếng lương tâm và nhu cầu sinh sống – nghĩa là nếu làm theo đòi hỏi của lương tâm hay tình yêu ắt có nguy cơ bị thiếu thốn – thì tôi cứ liều hay can đảm làm theo lương tâm, phó mặc chuyện sinh sống của mình cho Ngài. 

Kinh nghiệm nhiều lần cho tôi thấy: khi suy nghĩ và hành động như vậy, chẳng những tôi không bị thiếu thốn, mà Ngài còn ban cho tôi đầy đủ hơn nữa. Tôi nhận ra Ngài có trăm ngàn cách kỳ diệu để lo lắng cho đời sống tôi và gia đình khi tôi quyết sống theo đường lối Ngài. Trái lại, khi tôi lo sợ thiếu thốn đến nỗi không dám làm theo thánh ý Ngài, không theo đường lối Ngài, thì tôi thường phải trả giá cho việc ấy bằng một sự thiệt hại nào đó, có thể là sự thiếu thốn hơn. 

(Xin xem thêm phần phụ chú).


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết dựa vào tình yêu và quyền năng của Cha mà con đã kinh nghiệm trong quá khứ để tin vững vàng hơn hầu quảng đại và can đảm dấn thân theo đường lối và thánh ý Cha.


Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ trước
______________

Phụ chú:

Xin chia sẻ thêm:

Đức tin của ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn theo một quá trình tương tự như sau: 

Một người cha để đứa con còn nhỏ đứng trên chiếc ghế cao khoảng 30 cm và bảo nó nhảy xuống. Nó nhảy xuống cách dễ dàng. Sau đó, ông đặt nó trên chiếc ghế cao nửa thước và bảo nó nhảy xuống, nó nghi ngại nhưng cũng cứ nhảy, và cũng thấy không sao cả. Người cha lại đặt nó trên cái bàn cao khoảng 80 cm và bảo nó nhảy xuống. Nó hơi sợ nhưng kinh nghiệm những lần nhảy trước theo lời Cha nó là vô sự nên cũng cứ nhảy, và khi nhảy xuống, nó thấy cha nó đã để sẵn một cái gối lớn, khiến nó hoàn toàn không đau đớn gì cả. 

Cứ tương tự như thế, ông đã đặt nó trên những bục cao hơn, rồi trên mái nhà, và cao hơn nữa… Lần nào nó cũng đều dám nhảy, vì cha nó đã đặt những tấm nệm lớn, hoặc căng những tấm lưới bên dưới, khiến lần nào nó nghe lời cha nó mà nhảy thì cũng đều vô sự. Những lần nhảy sau từ trên cao thật cao, đứa trẻ đều dám nhảy vì nó đã có kinh nghiệm rằng hễ cha nó bảo nó nhảy thì nhảy cao cỡ nào cũng không bao giờ có gì nguy hiểm cả. 

Thiên Chúa cũng dùng phương pháp tương tự như người cha nói trên để huấn luyện đức tin của ta ngày càng vững mạnh hơn. Vấn đề là chính ta có dám dựa vào những kinh nghiệm về tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa trong những lần thử thách trước để dám liều tin trong những lần thử thách sau hay không. Nếu không dám liều tin thì mức độ tin của ta sẽ dừng lại ở mức độ đã đạt được, không tăng thêm nữa.
Share:

Chay5a - Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay

(2-4-2017)

Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người



ĐỌC LỜI CHÚA

  Ed 37,12-14: (13) Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. (14) Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm.

  Rm 8,8-11:  (11) Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

  TIN MỪNG: Ga 11,3-7.17.20-27.33b-45

Đức Giêsu khiến anh Ladarô chết sống lại

(3) Hai cô Mácta và Maria cho người đến nói với Ðức Giêsu: Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng. (4) Nghe vậy, Ðức Giêsu bảo: Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.

(5) Ðức Giêsu quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô. (6) Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. (7) Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!

(17) Khi đến nơi, Ðức Giêsu thấy anh Ladarô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. (20) Vừa được tin Ðức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Người. Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. (21) Cô Mácta nói với Ðức Giêsu: Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. (22) Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy. (23) Ðức Giêsu nói: Em chị sẽ sống lại! (24) Cô Mácta thưa: Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. (25) Ðức Giêsu liền phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. (26) Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? (27) Cô Mácta đáp: Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian.

(33b) Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. (34) Người hỏi: Các người để xác anh ấy ở đâu? Họ trả lời: Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem. (35) Ðức Giêsu liền khóc. (36) Người Dothái mới nói: Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy! (37) Có vài người trong nhóm họ nói: Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư? (38) Ðức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. (39) Ðức Giêsu nói: Ðem phiến đá này đi. Cô Mácta là chị người chết liền nói: Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày. (40) Ðức Giêsu bảo: Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao? (41) Rồi người ta đem phiến đá đi. Ðức Giêsu ngước mắt lên và nói: Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. (42) Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con. (43) Nói xong, Người kêu lớn tiếng: Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ! (44) Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Ðức Giêsu bảo: Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.

(45) Trong số những người Dothái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Ðức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Ðức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại, điều đó chứng tỏ điều gì? Phải là ai mới có thể thực hiện được điều ấy? 
2.   Bạn còn nhớ nội dung các bài Tin Mừng Chúa Nhật mùa Chay vừa qua không? Loạt bài Tin Mừng mùa Chay muốn chứng tỏ điều gì về Ðức Giêsu? 
3.   Ðức Giêsu xúc động và khóc trước mộ Ladarô cho thấy tình yêu và tình cảm của Ngài thế nào? Ta có cần biểu lộ tình yêu của mình đối với tha nhân một cách cụ thể như thế không?


Suy tư gợi ý:

1. Ðức Giêsu có khả năng làm cho kẻ chết sống lại

Dùng quyền năng siêu nhiên để làm cho người bệnh nan y được khỏi bệnh thì có khá nhiều người làm được. Nhưng làm cho người đã chết sống lại thì chỉ những người có sứ mạng đặc biệt của Thiên Chúa mới thực hiện được nhờ quyền năng vô biên của Ngài. Trong Cựu Ước ta thấy ngôn sứ Êlia đã làm cho con trai của bà góa ở Sarépta sống lại (xem 1Vua 17,17-24), và ngôn sứ Êlisa cũng làm như thế cho đứa con trai của bà Sunêm (xem 2Vua 4,32-37). Trong Tân Ước, ngoài Ðức Giêsu ra, ta thấy có Phêrô cũng đã làm cho bà Tabitha đã chết sống lại (xem Cv 9,39-42). Còn Ðức Giêsu, Ngài đã làm cho người chết sống lại ít nhất 3 lần: cho con trai bà góa thành Nain (x. Lc 7,11-15), cho con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26; Mc 5,35-43; Lc 8,49-56), và cho Ladarô như bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại (x. Ga 11,34-45).

Nơi những trường hợp được hồi sinh vừa kể, việc sống lại - hầu tiếp tục sự sống ở trần gian ít lâu nữa để rồi cũng lại chết - chỉ là một hình ảnh hay dấu chỉ của sự sống lại vĩnh viễn để sống sự sống đời đời. Sự sống lại để sống đời đời này chính Ðức Giêsu đã thực hiện cho chính mình (x. Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-7; Ga 20,1-10). Ðó chính là bằng chứng bảo đảm cho niềm tin vào sự sống lại của chính chúng ta để hưởng sự sống vĩnh cửu. Thật vậy, nếu Ðức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích (x. 1Cr 15,14), là hoàn toàn vô căn cứ, không dựa trên một nền tảng nào. Và việc phục sinh của Ngài cũng chính là bằng chứng để ta tin Ngài là Con Thiên Chúa, đồng thời cũng là Thiên Chúa. Vì trong lịch sử nhân loại, sống lại để sống vĩnh cửu như thế - nghĩa là hiện nay, sau 2000 năm, Ngài vẫn đang sống, và sẽ còn sống mãi - thì chỉ có một mình Ðức Giêsu mà thôi.


2.   Ðức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Ðấng Mêsia, và cũng là con người như chúng ta

Các bài Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Chay muốn chứng tỏ Ðức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ngài chính là Ðấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã hứa, mà người Do Thái trông chờ hàng mấy trăm năm.

− Việc Ðức Giêsu chịu cám dỗ (Chúa Nhật thứ 1 mùa Chay) cho thấy Ðức Giêsu là người đích thực, Ngài rất thông cảm với sự yếu đuối của con người.

− Việc Ðức Giêsu hiển dung (CN 2 mùa Chay) cho thấy thần tính của Ngài, cho thấy Ngài là Con Thiên Chúa, được chính Chúa Cha giới thiệu.

− Câu chuyện về nước hằng sống với người phụ nữ Samari (CN 3 mùa Chay) cho thấy Ngài có khả năng đem lại sự sống vĩnh cửu cho con người, và Ngài tự xác nhận mình là đấng Mêsia mà mọi người trông đợi.

− Việc làm sáng mắt người mù từ khi mới sinh (CN 4 mùa Chay) cho thấy quyền năng đặc biệt của Ngài và cách Ngài hành xử theo tình yêu hơn là theo lề luật.

− Quyền năng ấy lại còn đặc biệt hơn nữa với bài tường thuật Đức Giêsu làm cho Ladarô chết 4 ngày sống lại (CN 5 mùa Chay). Trong bài Tin Mừng này, Ngài còn tự xác nhận mình chính là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ngài thì sẽ được sự sống đời đời.

− Cuối cùng, việc sống lại của Ngài (CN Phục Sinh) sau khi chịu tử nạn làm hy tế đền tội cho nhân loại cho thấy sự sống lại này là dấu chứng vĩ đại và chắc chắn nhất chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Ðấng Mêsia.

Bài Tin Mừng hôm nay − Đức Giêsu cho Ladarô sống lại − chứng minh một cách tổng hợp Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người, một con người đúng là con người, hết sức nhân bản. Ngài là Thiên Chúa, vì có khả năng làm cho kẻ chết sống lại. Là con người, vì khi đến nhà người mình yêu thương đã chết, Ngài cũng thổn thức trong lòng và xao xuyến (câu 33b), Ngài đã khóc (câu 35) khi đứng trước mộ Ladarô. Chắc hẳn Ngài đã tỏ ra xúc động rất nhiều đến nỗi những người có mặt ở đấy đã phải thốt lên: «Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!» (câu 36).

Như vậy, Ngài không chỉ yêu thương chúng ta bằng thứ tình yêu đầy tính thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, rộng rãi, và triệt để: «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1b). Ðến cùng ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai  kể cả Ngài  có thể yêu hơn được nữa: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13).

3. Hãy yêu thương như Ðức Giêsu đã yêu thương

Ðức Giêsu đã yêu thương ta và yêu thương mọi người bằng trái tim con người thế nào, Ngài cũng mời gọi ta yêu thương nhau, yêu thương tha nhân y như vậy: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12). Có yêu thương như thế, ta mới chứng tỏ được mình là người theo Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35). Do đó, ai không yêu thương anh em mình mà lại tự xưng mình theo Chúa thì đó là kẻ nói dối.

Tình yêu nhân bản của Ðức Giêsu được biểu lộ ra bên ngoài bằng sự xúc động mãnh liệt như trường hợp đối với Ladarô, nhất là bằng những hy sinh đến chết cho nhân loại. Tình yêu tuy ẩn sâu kín trong lòng con người không ai thấy được, nhưng nếu là tình yêu đích thực thì nó luôn luôn được biểu lộ ra ngoài thành những ánh mắt trìu mến, những cử chỉ yêu thương, lời nói dịu dàng, và nhất là bằng sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh thật sự cho người mình yêu. Tình yêu không thể dấu kín. Tình yêu dấu kín trong lòng là tình yêu đáng nghi ngờ. Nếu «đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17.26), thì một cách tương tự, tình yêu không được biểu lộ cụ thể là tình yêu giả hiệu. Chính Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại (Tt 3,4), và Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: «Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống» (1Ga 4,9). Vì thế, chúng ta hãy biểu lộ tình yêu của mình đối với mọi người bằng những cử chỉ, lời nói và hành động cụ thể.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã tỏ tình yêu của Cha một cách cụ thể cho nhân loại qua việc sai Ðức Giêsu là hiện thân của Cha đến thế gian chịu chết để cứu chuộc họ. Ðức Giêsu cũng biểu lộ tình yêu của Ngài một cách rất cụ thể qua việc khóc thương Ladarô, và qua việc hiến mình đến chết cho nhân loại. Xin giúp con cũng biết thật sự yêu thương những người chung quanh con, và biểu lộ tình yêu thương ấy thật cụ thể qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói và hành động. Amen.

Share:

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Chay4b - Đức ái là luật cao trọng nhất phải tuân giữ



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay

(26-3-2017)

(Bài đào sâu)


Đức ái là luật cao trọng nhất phải tuân giữ




  TIN MỪNG: Ga 9,1.6-9.13-16.34-38

Ðức Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Luật Môsê, cũng là luật của Thiên Chúa, cấm rất ngặt không được làm việc ngày sabát. Ai lỗi luật có thể bị tử hình (x. Xh 31,14-15; 35,2). Vậy tại sao Đức Giêsu lại chữa bệnh rất nhiều lần trong ngày sabát bất chấp lề luật như thế? Ngài làm gương mù hay gương sáng cho chúng ta vậy? 
2.   Nếu có trường hợp thi hành một điều luật nào đó trong luật Chúa hay luật Giáo Hội mà đi ngược lại đòi hỏi của đức ái, tức luật yêu thương của Đức Giêsu, thì ta phải làm theo luật nào?


Suy tư gợi ý:

1. Hai cung cách giữ đạo khác nhau

Trong bài Tin Mừng này, ta thấy hai não trạng hay hai cung cách giữ đạo khác nhau giữa Đức Giêsu và người Pharisêu. Một đằng nhìn thấy con người để yêu thương, và còn một đằng chỉ nhìn thấy lề luật, nguyên tắc để tuân giữ. Nghĩa là một đằng quan trọng hóa con người, còn một đằng quan trọng hóa lề luật. 

Đức Giêsu khi thấy một người mù cần được giúp đỡ, thì Ngài động lòng thương và ra tay cứu giúp, bất chấp hôm đó là ngày sabát, là ngày mà luật Môsê cấm ngặt không được làm việc. Như vậy, Ngài coi việc cứu người quan trọng hơn việc giữ luật sabát. Còn người Pharisêu coi việc giữ luật sabát quan trọng hơn việc cứu người. Theo họ, thà để người khác bị mù, bị thiệt hại, bị chết, còn hơn là vi phạm lề luật của Thiên Chúa.



2. Quan niệm khác nhau giữa người Pharisêu và Đức Giêsu

Hai thái độ ngược nhau đó luôn luôn tồn tại trong cách giữ đạo của các tín đồ trong mọi tôn giáo. Thái độ nào cũng có những lý do chính đáng của nó. Thái độ nào cũng đúng, nhưng đúng ở những mức độ tâm linh cao thấp khác nhau.

Theo quan điểm của người Pharisêu thì luật giữ ngày sabát là luật Môsê, cũng là luật của Thiên Chúa. Vì thế, theo họ, người công chính phải tuân giữ lề luật, càng công chính thì càng phải giữ luật một cách chi tiết. Do đó, khi thấy Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày sabát, họ bàn thảo với nhau: «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát» (Ga 9,16). Họ quan niệm: nếu Đức Giêsu là người của Thiên Chúa thì tất nhiên Ngài phải giữ luật Môsê, thậm chí còn nghiêm chỉnh hơn chính họ nữa. Quan điểm của họ quả hết sức hợp lý vì nó hoàn toàn được xây dựng trên rất nhiều đoạn Kinh Thánh khuyên người ta phải giữ luật (x. Đnl 27,26; 30,10; Gs 22,5; 23,6; 1V 2,3; v.v…). Vì thế, đối với họ, việc giữ luật tôn giáo là vô cùng quan trọng. Do đó, nếu có sự xung đột giữa một bên là giữ luật Chúa, một bên là đòi hỏi của lương tâm và đức ái, thì phải ưu tiên cho việc giữ lề luật.

Nhưng quan điểm của Đức Giêsu thì khác hẳn. Đành rằng luật Môsê là luật của Thiên Chúa, nhưng khi có xung đột giữa luật của Thiên Chúa với những đòi hỏi của tình yêu hay đức ái, thì phải ưu tiên tuân theo luật của đức ái. Nếu ngày sabát mà tình yêu hay đức ái đòi buộc phải làm việc, phải chữa bệnh, thì phải chấp nhận lỗi luật sabát mới đúng với ý Thiên Chúa. Đức Giêsu đưa ra trường hợp rất cụ thể khi chữa bệnh cho một người phụ nữ bị quỷ ám: «Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?» (x. Lc 13,10-17).

Vì thế, cho dù lỗi luật sabát có thể dẫn đến tử hình, nhưng Đức Giêsu hoặc các tông đồ đã nhiều lần lỗi luật sabát vì lý do bác ái hay vì một lý do chính đáng khác. Chẳng hạn, vào các ngày sabát, các môn đệ Đức Giêsu bứt bông lúa mì (x. Mt 12,1-8; Mc 2,23-28; Lc 6,1-5); Đức Giêsu chữa người bị bại tay (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11); chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17); chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6); chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18); chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41), tất cả đều được làm vào ngày sabát. 

Ngài đã bị các kinh sư và luật sĩ cảnh cáo nhiều lần về việc Ngài lỗi luật ngày sabát, và tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài vẫn bất chấp, vẫn cứ lỗi luật sabát vì lý do đức ái, và bất chấp nguy hiểm. Ngài không hề khuyên bảo người bệnh hãy đến với Ngài vào ngày khác thì Ngài mới chữa bệnh cho. Cũng không bảo họ đừng đến với Ngài vào ngày sabát để Ngài giữ luật sabát cho trọn vẹn. Đó chẳng phải là một mẫu gương để chúng ta noi theo sao, hỡi những người theo Đức Giêsu và những kẻ tự hào mình theo Ngài?


3. Tình yêu hay đức ái ví như hiến pháp, luật lệ khác ví như các khoản luật

Điều ấy cho thấy luật bác ái cao trọng hơn bất cứ loại luật nào, dù là luật thành văn của Thiên Chúa như luật Môsê, hay luật của Giáo Hội và những luật lệ do con người lập ra. Vì trong Kitô giáo, đức ái được ví như hiến pháp, còn tất cả những luật lệ thành văn khác đều chỉ được ví như luật pháp mà thôi. Luật pháp phải thể hiện tinh thần của hiến pháp, giúp hiến pháp được thực hiện trong những trường hợp cụ thể trong đời sống. Vì thế, trường hợp nào mà thi hành một điều khoản của luật pháp trở thành vi phạm hiến pháp thì trường hợp ấy, ta không nên thi hành khoản luật ấy. Nếu ai vẫn cứ thi hành khoản luật ấy, thì người ấy vi phạm hiến pháp. Nếu vì muốn thi hành cho đúng hiến pháp mà đành phải vi phạm một điều khoản trong luật pháp, thì việc vi phạm đó không còn là vi phạm nữa. Vì mục đích của luật pháp là để thực hiện hiến pháp, chứ không ngược lại.

Đức ái chính là hiến pháp, là luật tối thượng bao trùm tất cả mọi khoản luật, nên thánh Phaolô đã dám quả quyết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8; x. 18,10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Lời tuyên bố của hai vị thánh này thật rõ ràng. Thánh Âu Tinh cũng nói: «Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis).

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa truyền qua Môsê. Thế mà khi có sự xung đột giữa luật Môsê và đức ái hay điều lương tâm đòi buộc, thì Đức Giêsu đã chấp nhận lỗi luật Môsê (tức luật Chúa) chứ không chấp nhận lỗi đức ái hay lỗi luật lương tâm. Hiện nay, luật của Đức Giêsu đã thay thế luật Môsê, và luật của Ngài là luật yêu thương, nên yêu thương chính là luật tối thượng, đúng như thánh Giacôbê đã nói ở trên (Gc 2,8). Luật Môsê là luật của Thiên Chúa mà còn vậy, huống chi những luật do con người lập ra. Ai coi việc thi hành đức ái nhẹ hơn một khoản luật nào đó do con người lập ra, thì câu sau đây của Đức Giêsu đáng để cho họ suy nghĩ: «Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân» (Mt 15,8-9). Vậy, chúng ta phải theo lập trường của Đức Giêsu hay của người Pharisêu?


4. Mục đích của lề luật là hình thành đức ái trong lòng con người

Cũng như một cây non cần phải buộc vào một cọc thẳng để cây mọc thẳng lên. Nhưng khi cây đã mọc thẳng và các mô mộc trong cây đã cứng cát rồi, thì người ta bỏ cọc đi. Luật lệ giống như cái cọc thẳng ấy để giúp cho tâm linh còn non yếu mọc thẳng lên. Nó có nhiệm vụ hình thành đức ái ở trong ta. Khi đức ái của ta đã được hình thành và trở nên vững chắc, thì ta phải hành động theo sự đòi hỏi của đức ái đã được hình thành ấy ở trong ta. Lúc ấy lề luật đã đóng hết vai trò và nhiệm vụ của nó.

Thật vậy, theo thánh Phaolô, «lề luật được lập nên không phải cho người công chính, mà cho người tội lỗi» tức chưa hiểu biết được cốt tủy của sự công chính (x. 1Tm 1,8-10). Ngài cũng nói: «Không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,20-21; x. Gl 3,11). Sự công chính không hệ tại việc giữ luật lệ: «Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích» (Gl 2,21); mà do việc có thực hành đức ái hay tình thương đích thực ở trong lòng hay không. Vì sự công chính hay thánh thiện hệ tại việc mình có trở nên giống Thiên Chúa hay không, có Thiên Chúa ở trong mình hay không. Mà Thiên Chúa tự bản chất chính là tình yêu, là đức ái (x. 1Ga 4,8.16).


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con hiểu được sự cần thiết của lề luật trong sự phát triển tâm linh. Nhưng cũng cho con hiểu được sự giới hạn và vai trò nhất thời của lề luật. Mục đích của lề luật chính là hình thành đức ái hay tình yêu đích thực ở trong con. Nếu giữ lề luật trọn hảo nhưng đức ái chân thật vẫn không hình thành được trong lòng con, thì việc giữ luật ấy có ích lợi gì? Xin Cha cho con hiểu được điều ấy.

Share:

Chay4a - Tình yêu là luật tối thượng



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay

(26-3-2017)


Tình yêu là luật tối thượng;
Thực hiện tình yêu là mục đích của lề luật




ĐỌC LỜI CHÚA

  1Sm 16,1b.6-7.10-13a: (7) Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.

  Ep 5,8-14: (8) Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; (9) mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.


  TIN MỪNG: Ga 9,1.6-9.13-16.34-38

Ðức Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh


(1) Ði ngang qua, Ðức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. (6) Nói xong, Ðức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, (7) rồi bảo anh ta: Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa. Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

(8) Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao? (9) Có người nói: Chính hắn đó! Kẻ khác lại rằng: Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi! Còn anh ta thì quả quyết: Chính tôi đây.

(13) Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisêu. (14) Nhưng ngày Ðức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sabát. (15) Vậy, các người Pharisêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy. (16) Trong nhóm Pharisêu, người thì nói: Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát ; kẻ thì bảo: Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy? Thế là họ đâm ra chia rẽ. (33) Anh ta nói: Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì. (34) Họ đối lại: Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư? Rồi họ trục xuất anh.

(35) Ðức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: Anh có tin vào Con Người không? (36) Anh đáp: Thưa Ngài, Ðấng ấy là ai để tôi tin? (37) Ðức Giêsu trả lời: Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây. (38) Anh nói: Thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Luật Môsê - do Thiên Chúa ban hành - kết án rất nặng những người lỗi luật sabát. Tại sao Ðức Giêsu lại dám chữa bệnh trong ngày lề luật cấm làm việc? Ngài không tuân hành luật lệ chính Chúa Cha, Cha của Ngài, ban hành sao? Ngài làm gương xấu chăng? Ngài hành động theo nguyên tắc nào? 
2.   Lề luật có phải là mục đích của con người không? Mục đích của lề luật là gì? Giữa mục đích của lề luật và chính lề luật, cái nào trọng hơn? Con người phải thực hiện cái nào?
Suy tư gợi ý:

1.  Ðức Giêsu xem ra không nghiêm chỉnh giữ luật Môsê

Một trong những lý do khiến cho người ta không nhận ra các vị ngôn sứ trong thời đại của mình là các ngôn sứ ấy có vẻ như không sống đúng theo quan niệm triết học, thần học hay đạo đức của người đương thời. Người ta có lý của người ta. Lý của họ căn cứ trên sách vở đàng hoàng, họ cũng nói có sách, mách có chứng chứ không phải vô căn cứ. Thật vậy, một trong những điều khiến các kinh sư Do Thái không nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế mà họ đang trông chờ, vì họ lý luận: «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát» (Ga 9,16).

Luật Môsê chỉ định rõ ràng phải thi hành thật nghiêm chỉnh luật nghỉ ngày sabát: «Ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi» (Xh 20,10). Vi phạm ngày sabát là một trọng tội đáng tử hình: «Các ngươi phải giữ ngày sabát, vì đó là ngày thánh đối với các ngươi. Kẻ nào vi phạm điều ấy, thì sẽ bị xử tử; phải, kẻ nào làm việc trong ngày ấy, sẽ bị khai trừ khỏi dân nó» (Xh 31,14; xem 35,2; Ðnl 5,14). Như vậy, theo quan niệm của các kinh sư Do Thái, một người xuất phát từ Thiên Chúa ắt phải tuân giữ luật sabát thậm chí nghiêm chỉnh hơn họ. Nghĩ như thế xem ra rất hợp lý.

Thế mà Ðức Giêsu lại chữa bệnh trong ngày sabát, là điều không được phép làm trong ngày ấy, mà câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình. Dưới mắt các kinh sư Do Thái, Ngài đã vi phạm luật này không phải chỉ có lần này, mà đã rất nhiều lần (xem Mt 12,1-2; 12,12-13; Lc 13,13; 14,3-4; Ga 5,8-11; 9,14). Nếu chiếu theo luật Môsê, Ngài đáng bị tử hình. Vì thế, rất nhiều lần họ tìm cách hãm hại và giết Ngài là để thi hành luật Môsê (xem Mt 12,14; Mc 3,6; 11,8; 12; v. v.). Ðể tránh hành động theo kiểu các kinh sư Do Thái, nhất là đối với những ngôn sứ của thời đại, chúng ta cần hiểu rõ hơn về lề luật.


2. Vai trò và giới hạn của lề luật

Trong xã hội cũng như Giáo Hội, không thể không có lề luật. Lề luật làm cho xã hội có tôn ti trật tự, nhờ đó có an ninh, tính mạng, của cải của mọi người được tôn trọng và bảo đảm. Trong tôn giáo, lề luật giúp mọi người thực hiện được lý tưởng của tôn giáo; lề luật là bản đồ chỉ dẫn con người tiến bộ trong lãnh vực tâm linh. Nói chung, trong xã hội con người, dù nhỏ bé như gia đình, hội đoàn, hay lớn lao như quốc gia, thế giới, xã hội nào cũng cần có luật lệ.

Tuy nhiên, luật lệ không phải là một cái gì tuyệt đối mà tất cả mọi người phải tuân theo trong tất cả mọi trường hợp. Có những điều còn cao trọng hơn lề luật: đó là tình yêu được phản ánh nơi lương tâm. Theo luân lý Kitô giáo, người Kitô hữu phải coi mệnh lệnh của lương tâm đã được giáo dục của mình hơn cả luật của chính Giáo Hội, và đương nhiên cả luật đời nữaTình Yêu là luật tối thượng, là luật của Thiên Chúa, được biểu hiện nơi lương tâm ngay thẳng của con người. Ðối với cá nhân, lương tâm ngay thẳng là tiêu chuẩn cuối cùng mà con người phải theo khi có những xung đột giữa các tiêu chuẩn phải theo, trong đó có lề luật. Sách Giáo lý chung viết: «Con người luôn luôn phải vâng theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình» (số 1800).


3. Luật lệ vì con người, chứ không phải con người vì lề luật

Trong Kitô giáo, luật lệ không phải là những nguyên lý tuyệt đối phải tuân theo, nó chỉ là một phương tiện bất toàn, vì trong nhiều trường hợp, phương tiện này lại đi ngược lại với mục đích. Xin đan cử một trường hợp mà tôi đã từng gặp: 

Một buổi chiều Chúa nhật nọ, một lương y ở một vùng quê rất hiếm thầy thuốc kia đang chuẩn bị đi lễ vì sáng chưa đi, thì có một bệnh nhân sốt rét đến năn nỉ hết lời xin ông ta chữa bệnh, vì bệnh thì nặng mà nhà thì quá xa, vả lại trời sắp tối. Nhưng vị lương y nghĩ tới luật Giáo Hội buộc nặng phải đi dự lễ, nên ông ta đã quyết liệt từ chối mặc cho người bệnh ra sao thì ra, sau khi ông đã giải thích rõ lý do tại sao ông phải từ chối. − Trường hợp này, ông thầy thuốc tuy giữ đúng luật Giáo Hội, nhưng lại hành động ngược lại với cốt tủy và mục đích của lề luật là tinh thần yêu thương (mến Chúa và yêu người). 

Một trường hợp khác: luật Chúa đòi hỏi người Kitô hữu phải luôn luôn nói sự thật, vì sự dối trá thường gây thiệt hại cho tha nhân hoặc cho chính mình. Mục đích của luật này là thực hiện đức ái. Nhưng trong một số trường hợp cá biệt (chẳng hạn bí mật quốc gia, hay khi bị kẻ địch điều tra về đồng bạn cùng chiến đấu cho lý tưởng, hay thầy thuốc với bệnh nhân ung thư), lời nói thật có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội, cho ích lợi chung, hay cho người vô tội, thì riêng trong trường hợp đó, việc nói sự thật đi ngược lại với mục đích của luật buộc nói sự thật. Những trường hợp tương tự như thế, người Kitô hữu không nên câu chấp vào lề luật. Đức Giêsu nói: «Ngày sabát (hay lề luật) được làm ra vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì ngày sabát (hay lề luật)» (Mc 2,27).

Theo thánh Phaolô, «Lề Luật là thánh và điều răn cũng là thánh, đều đúng và tốt» (Rm 7,12; 1Tm 1,8) vì nó diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng cũng theo Phaolô, «lề luật không phải được lập ra cho những người công chính...» mà cho những người còn yếu đuối, non nớt về trí huệ, về tâm linh (1Tm 1,9). Vì thế, không thể căn cứ vào việc giữ lề luật nghiêm chỉnh của một người mà cho rằng người ấy là công chính: «Sự công chính không hệ tại việc giữ luật pháp, vì nếu như vậy thì cái chết của Ðức Kitô trở nên vô ích» (Gl 2,21). Sự công chính đòi hỏi một cái gì cao hơn nữa. Về vấn đề này, thánh Phaolô nói rất rõ và rất nhiều: «Không ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ Lề Luật, đó là điều hiển nhiên, vì người công chính sống bởi đức tin» (Gl 3,11); «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội» (Rm 3,20); «Người ta được nên công chính vì tin chứ không phải vì làm những gì luật dạy» (Rm 3,28), v.v.


4.  Sự lợi hại của lề luật

Lề luật có thể là một con dao hai lưỡi: một đằng rất cần thiết và có lợi cho tâm linh, nhưng đằng khác có những bất lợi. Chẳng hạn khi người ta giữ luật một cách hoàn hảo thì họ lại dễ ỷ vào đó để tự hào, kiêu căng, tự cho mình là công chính, như trường hợp người Pharisiêu vào đền thờ cầu nguyện cùng với người thu thuế (xem Lc 18,9-14). Chính sự tự hào đó đã phá đổ tất cả mọi công trình giữ luật của ông. Một nhược điểm khác của lề luật là: tuy soi sáng cho tâm trí, nhưng lại không đem lại sức mạnh nội tâm để sống theo sự soi sáng đó. Người ta có thể biết rất rõ lề luật dạy phải làm thế này thế kia, nhưng không vì biết rõ luật mà người ta có động lực thúc đẩy để làm những điều luật đòi buộc, mà lắm khi lại bị thúc đẩy làm những điều trái với Lề Luật: «Ðiều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm» (Rm 7,14). Chính vì thế mà người Do Thái, tuy có Lề Luật của Thiên Chúa - tức Luật Môsê - nhưng họ cũng tội lỗi không kém gì dân ngoại (xem Rm 2,17-18.21-24).

Ðiều quan trọng mà người Kitô hữu phải củng cố chính là tình yêu. Trong Kitô giáo, tình yêu chính là mục đích của lề luật: lề luật giúp người ta thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu làm cho người ta nên giống Thiên Chúa, hay nên công chính. Do đó, lề luật chỉ là phương tiện, còn tình yêu mới chính là mục đích. Ðang khi lề luật không phải là một động lực thúc đẩy người ta làm điều thiện, thì tình yêu chính là một động lực rất mạnh. Nếu theo như Phaolô, «lề luật không phải được lập ra cho những người công chính» (1Tm 1,9), thì điều đó có nghĩa là lề luật không được lập nên cho những người có tình yêu đích thực. Người có tình yêu đích thực - đối với Thiên Chúa và mọi người - thì chỉ cần hành động theo sự đòi hỏi hay thúc đẩy của tình yêu. Chính Ðức Giêsu hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu chứ không theo sự soi sáng của lề luật (xem Mt 12,11-12). Thánh Âu Tinh cũng nói: «Cứ yêu đi đã rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis). Người có tình yêu đích thực thì khi hành động theo tình yêu thúc đẩy, họ tự nhiên sẽ làm đúng với lề luật. Và nếu họ có làm gì khác với lề luật, thì trường hợp đó, họ đã làm đúng hơn và cao hơn mức lề luật đòi hỏi.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con đang sống trong một thế giới đầy bất công. Tình yêu thúc đẩy chúng con phải làm một cái gì. Nhưng có biết bao nhiêu nguyên tắc của luân lý, của xã hội, của Giáo Hội ngăn cản chúng con: nào là không được bạo động, không nên dùng sức mạnh, không nên làm chính trị, v.v. Nhưng người cha hay người mẹ sẽ làm gì khi đứa con nhỏ của mình gặp nguy hiểm, đang bị hãm hiếp? Họ sẽ làm theo tình yêu thúc đẩy, hay sẽ theo luật lệ của xã hội? Lạy Cha, chúng con phải làm theo cái gì, theo sự thúc đẩy của tình yêu, của lương tâm, hay theo những nguyên tắc của con người, của xã hội, thậm chí của Giáo Hội đặt ra? Xin Cha hãy soi sáng cho chúng con. Ý Cha muốn thế nào?

Share:

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

GiaoHoiVietNamDangMatDanDanhHieuTruongNu

Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh:
Giáo Hội Việt NamĐang Mất Dần
Danh Hiệu "Trưởng Nữ"


[Asia News phỏng vấn Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh]

Hiện nay, "không có hy vọng nào về tự do hơn cho các tôn giáo” ở Việt Nam - Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên giám mục Giáo phận Kon Tum (Tây Nguyên) nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin AsiaNews của Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo Hải ngoại (PIME).
Đức Cha còn nói rằng cuộc hội kiến gần đây tại Vatican giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch nước Trần Đại Quang nâng "hy vọng cho tự do tôn giáo". Vậy mà không có cuộc gặp nào "mang lại bất kỳ kết quả mà mọi người đang mong đợi", không loại trừ tình hình nó còn có thể tồi tệ hơn.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Thưa, Đức Cha có nhận xét gì về cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Việt Namvới Đức Giáo Hoàng. Hiện đã có năm phiên họp và các chuyến thăm của phái đoàn đại diện hai bên, nhưng chúng ta có thể nói điều gì về sự tiến bộ trong tự do tôn giáo và tự do cho Giáo Hội tại Việt Nam không?
Đức Cha Oanh: Chúng tôi đều hy vọng rằng tự do tôn giáo sẽ được tiến triển mỗi khi có một cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Việt NamVatican. Chúng tôi đang mong muốn nhìn thấy sự tiến bộ. Nhưng từ những kinh nghiệm thì phải nói rằng, dù đã rất nhiều lần lãnh đạo Việt Nam ở các cấp đến hội kiến Đức Giáo Hoàng, cả trong quá khứ và thời điểm hiện tại, nhưng không thấy có lần nào mang lại bất kỳ kết quả thỏa lòng mong đợi cả. Mà tình hình có thể còn trở nên tồi tệ hơn so với trước cuộc gặp.

Hỏi: Luật mới về hoạt động tôn giáo được chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn chỉ vài ngày trước cuộc gặp giữa chủ tịch nước với Đức Giáo Hoàng thì như thế nào?
Đức Cha Oanh: Theo kinh nghiệm của tôi, dưới sự cai trị của cộng sản thì có rất nhiều pháp lệnh về tôn giáo. Nhưng pháp lệnh lần này bị nhiều người coi là tồi tệ nhất. Nó còn tồi tệ hơn cả pháp lệnh ban đầu hồi năm 1946.
Như bạn biết, ở Việt Nam không có những điều kiểu như Tam quyền phân lập (Trias Politica) hoặc Phân quyền chuyên biệt (Separation of Powers) giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp trong chính phủ. Tất cả các bạn có thể thấy rằng, chẳng quan tâm đến chuyện luật đã được soạn thành văn, chính quyền địa phương và các cán bộ đóng vai trò “chính họ là luật”. Đời sống tôn giáo đang bị ảnh hưởng bởi các pháp lệnh thì các tín hữu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các điều luật, pháp lệnh được tạo ra nhằm phục vụ cho những người tin vào nguyên tắc "kết quả biện minh cho phương tiện". Họ trở nên dễ bị cám dỗ trong việc hối lộ để có được đặc quyền đối với tôn giáo. Tôi nghĩ rằng một xã hội mà con người nếu được tôn trọng và được bảo vệ tốt thì ai cũng sẽ bình đẳng trước pháp luật; do đó, không cần thiết có một pháp lệnh như vậy dành cho các tín đồ của các tôn giáo.

Hỏi: Đức Cha miêu tả tình hình của Giáo Hội tại Việt Nam như thế nào? Chúng con có ghi nhận về rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực bác ái; chúng con cũng biết về các nhà hoạt động Công Giáo bị cầm tù; ngoài ra chúng con còn thấy có vụ khởi kiện về vấn đề ô nhiễm môi trường (Tập đoàn Formosa); đấu tranh cho chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông, những việc loan báo Tin Mừng trong xã hội Việt Nam?
Đức Cha Oanh: Cảm ơn Asia News và các cơ quan truyền thông quốc tế khác đã lưu tâm và đưa tin về tình hình Giáo Hội tại Việt Nam. Chúng tôi cầu nguyện sao cho những ghi nhận của quý vị sẽ mang đến một bức tranh chuẩn xác về Giáo Hội của chúng tôi và tình hình của đất nước chúng tôi đến cho những người khác được xem thấy.
Các bản thống kê cho biết việc loan báo Tin Mừng trong xã hội Việt Nam đã đi xuống dốc. Nếu xem bản thống kê mới nhất sẽ thấy rằng Giáo Hội tại Việt Nam đang mất dần danh hiệu "Trưởng nữ của Giáo Hội tại Á Châu" và đã tụt xuống thứ 5 sau các quốc gia: Philippines, Nam Hàn, Đông Timor và Lebanon.
Một Giáo Hội được nhận định là không loan báo Tin Mừng hoặc bỏ quên việc truyền giáo là khi Giáo Hội đó không quan tâm đến, cũng như không đứng về phía người nghèo. Đặc biệt, khi Giáo Hội đó bỏ qua những người nghèo, người bị áp bức, người dân bé mọn, như bản thống kê đã lưu ý.

Hỏi: Chính phủ Việt Nam dường như đang ở giữa một bên là cái lối cổ hủ của chủ nghĩa cộng sản (với những đồng chí, như Trung Quốc) còn một bên là nỗ lực để thể hiện tính hiện đại và cởi mở, thu hút đầu tư nước ngoài, làm ăn với những người bạn mới (như Hoa Kỳ). Vậy chính phủ Việt đang đứng ở đâu?
Đức Cha Oanh: Thật không may, Việt Nam là một đất nước nhỏ nằm gần một nước lớn. Chúng ta đều nghe thấy cụm từ "cá lớn nuốt cá bé". Ngoài ra, trong nhiều năm qua, giới hoạt động chính trị ở Việt Nam đã chọn con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, gây ra cuộc nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam trong nhiều năm. Việt Namđã quá tụt hậu đằng sau, và nay là lúc tồi tệ nhất. Nhiều người nói với tôi rằng chủ nghĩa Mác-Lênin trong tầng lớp lãnh đạo Việt Nam ngày nay là chỉ còn là một bức bình phong. Họ thực sự cũng mệt mỏi với nó. Người ta bây giờ nói rằng khẩu hiệu “vô sản, vô giai cấp” không còn phù hợp nữa. Cán bộ ngày nay trở thành những nhà ‘tư bản đỏ’ giàu có bẩn thỉu và họ có thể còn phong kiến và độc tài hơn bất kỳ phú hộ nào trong thời phong kiến hồi xưa.
Quyết định đi theo hướng chính trị nào là một trong những khó khăn mà các nhà lãnh đạo Việt Namphải đối diện, gọi là "chính sách đu dây". Chúng tôi phải cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Việt Namđược khôn ngoan và sáng suốt trong việc lèo lái đất nước đi đúng hướng trong khi phải tôn trọng, bảo vệ và đứng về phía nhân dân, vì họ không thể thực hiện bất cứ điều gì mà không có nhân dân. Mọi thứ chỉ có thể thực hiện được với sự hỗ trợ của nhân dân. Bá quyền của kẻ thù cũng chẳng là gì nếu đối diện nó với sự hỗ trợ của nhân dân, và sẽ yên tâm rằng chúng tôi có thể giữ được toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của chúng tôi, xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi giàu mạnh hơn, cũng như mang lại hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam, với điều kiện là họ phải tôn trọng và sát cánh với người dân, trước hết là tự do tôn giáo phải được công nhận. Trong điều kiện hiện nay, không có hy vọng nào về tự do hơn cho các tôn giáo. (AsiaNews)
Chân Phương



Share: