Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Ps3b - Đức Giêsu đến để giải phóng tâm linh con người



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh 
(30-4-2017)

(Bài đào sâu)

Đức Giêsu đến để giải phóng tâm linh con người



ĐỌC LỜI CHÚA



  TIN MỪNG: Lc 24,13-35

Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Tâm trạng của hai môn đệ trên đường về Emmau thế nào? Tại sao họ lại như vậy? Họ trông chờ gì ở Đức Giêsu? Ngài có đáp lại sự chờ mong đó không? 
2.   Sứ mạng của Đức Giêsu có phải là trở nên một vị anh hùng giải phóng dân tộc Ngài không? Ngài giải phóng ai? Và giải phóng khỏi cái gì? 
3.   Giữa việc giải phóng thể chất, tinh thần, và việc giải phóng tâm linh, bạn coi cuộc giải phóng nào quan trọng hơn? Bạn đang chủ yếu tìm thứ giải phóng nào?

Suy tư gợi ý:

1.   Nỗi thất vọng của các môn đệ và nhiều người khác trước cái chết của Đức Giêsu

Hai môn đệ Đức Giêsu trên đường về Emmau lòng đầy chán nản, thất vọng. Suốt ba năm theo Ngài, họ những mong Ngài sẽ trở thành nhà giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ hà khắc của đế quốc Rôma. Hai ông hy vọng Ngài sẽ thành công, sẽ làm vua, và các ông sẽ trở thành những vị cận thần của Ngài. Suốt ba năm đó, họ có một giấc mơ thật đẹp. 

Nhưng những điều họ mơ ước và hy vọng tràn trề suốt ba năm nay bỗng nhiên sụp đổ chỉ trong một buổi chiều khi nghe tin Ngài thật sự đã bị đóng đinh vào thập giá và đã chết vô cùng nhục nhã. Công lênh theo Ngài suốt ba năm tan thành mây khói, hóa ra chẳng được tích sự gì. Ngài chết rồi thì ắt hẳn đám 12 tông đồ của các ông sẽ rã đám. Ai nấy đều phải trở về với cuộc sống bình thường, với nghề nghiệp tầm thường của mình như ba bốn năm trước. Thế là «mèo lại hoàn mèo», dân lại hoàn dân, ngư phủ vẫn lại là ngư phủ…

Trong một đất nước bị đô hộ khắc nghiệt bởi ngoại bang, người dân nào cũng đều mơ một ngày nào đó đất nước được giải phóng, được độc lập, người dân được tự do, no ấm, được sống trong thanh bình… Và khi Đức Giêsu xuất hiện, biết bao người quen biết Ngài đã nghĩ rằng Ngài sẽ giải phóng đất nước. Vì Ngài đã thấy tận mắt cảnh lầm than của dân chúng, và nhu cầu cấp thiết cũng như mơ ước được giải phóng của họ. Nhưng với cái chết, Ngài đã làm cho bao người mơ ước hay hy vọng như thế phải thất vọng. Vì sao? − Vì sứ mạng mà Thiên Chúa trao cho Ngài không phải là chuyện ấy.


2. Đức Giêsu không phải chỉ là một anh hùng giải phóng dân tộc

Giả như Đức Giêsu chỉ là một nhà giải phóng dân tộc, thì các môn đệ và nhiều người Do Thái thời ấy sẽ sung sướng và mãn nguyện biết bao! Khi ấy, có thể Ngài sẽ lập nên một triều đại lâu dài, tốt đẹp và oai hùng hơn Đavít, Salômon, tổ phụ Ngài. Và dân Do Thái sẽ được sống trong thanh bình, ấm no, đất nước được hùng cường có thể một vài trăm năm. Nhưng rồi sao? 

Nếu chỉ như thế thì Ngài cũng đâu hơn gì bao nhiêu so với các vị minh quân ở nhiều nước trên thế giới. Các vị này cũng làm cho đất nước mình thái bình thịnh vượng một thời gian rất dài. Nhưng hết triều đại thanh bình ấy xong thì lại đến thời điên đảo loạn lạc như ta từng thấy trong lịch sử các nước trên thế giới. Kết cục Ngài cũng chỉ là một vị minh quân nổi tiếng, gương mẫu của một đất nước, rồi… chấm hết. Mọi sự rồi đâu lại vào đấy, vẫn y như cũ, nhân loại chẳng có gì thay đổi.

Sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ như vậy. Ngài muốn giải phóng con người từ nền tảng, gốc rễ, chứ không chỉ ở ngọn. Nguồn gốc của mọi đau khổ nơi con người là tội lỗi, tính ích kỷ, thiếu tình thương. Và nguồn gốc của tội lỗi, tính ích kỷ, thiếu tình thương là do không nhận biết Thiên Chúa là nguồn gốc của mình, cũng là nguồn hạnh phúc, nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương vô tận của mình. 

Nếu không giải quyết đau khổ từ nguồn gốc đầu tiên của nó, mà chỉ giải quyết ở ngọn, nghĩa là chỉ triệt tiêu những nguyên nhân trước mắt gây ra những đau khổ cụ thể, thì đau khổ chỉ tạm thời vắng bóng rồi sẽ trở lại ngay. Như thế có khác gì để giải quyết nạn đói, ta cho dân chúng một vài tấn gạo, ăn hết số gạo đó là nạn đói lại tiếp tục. Trong các quốc gia, có biết bao vị anh hùng đã giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của bạo chúa, đem lại thanh bình no ấm. Nhưng tất cả đều chỉ được một thời gian rồi các dân tộc lại bị chiến tranh, bị lầm than rên xiết dưới ách thống trị của những ông vua, những tên quan tham tàn khác.

3.   Sứ mạng của Đức Giêsu là giải phóng tâm linh

Do đó, Đức Giêsu đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, là nguyên nhân của đau khổ. Đồng thời giới thiệu cho con người biết Thiên Chúa, để con người khi thật sự kết hợp với Ngài, sẽ cảm nghiệm được nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc đích thực ngay trong bản thân mình. Đó chính là sự sống đời đời có thể khởi sự ngay ở trần gian và sẽ triển nở viên mãn trong đời sống mai hậu: «Sự sống đời đời chính là con người nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô» (Ga 17,3). 

Với nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc này, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể bình an, hạnh phúc và tràn đầy sức mạnh tinh thần. Thứ bình an và hạnh phúc này là thứ không bị lệ thuộc vào ngoại cảnh, mà Đức Giêsu đã từng nói đến: «Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Sự bình an và hạnh phúc ấy «không ai lấy mất được» (Ga 16,22). 

Có được thứ bình an và hạnh phúc này thì dù có phải sống trong tù ngục, con người vẫn có thể hạnh phúc. Không có sự bình an và hạnh phúc này thì dù có được tự do hay được đủ mọi thuận lợi bên ngoài, con người vẫn không thật sự hạnh phúc. Vì họ đang bị ràng buộc và bị nô lệ hóa bởi chính bản thân họ, bởi tội lỗi, bởi bản năng và những tham vọng ích kỷ của họ.

4. Giải phóng tâm linh là giải phóng khỏi «cái tôi» ích kỷ

Mục đích của Đức Giêsu khi đến trần gian là giải phóng con người khỏi tội lỗi để con người được hạnh phúc thật sự. Bản chất của tội lỗi chính là sự ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, chỉ lo tránh đau khổ cho bản thân và chỉ biết tìm hạnh phúc cho bản thân mình. Nhất là sẵn sàng vì bản thân mình mà làm người khác đau khổ, thiệt thòi. Chính sự ích kỷ này là nguyên nhân gây nên đau khổ cho bản thân và tha nhân. Đó là phong cách sống của «con người cũ», con người sống theo xác thịt. Để có hạnh phúc đích thực, con người cần được giải phóng khỏi «cái tôi» ích kỷ ấy.

Sự giải phóng này đòi hỏi «cái tôi» ích kỷ ấy hay «con người cũ» phải chết đi, phải lột xác. «Con người cũ» có chết đi, thì nó mới có thể sống lại để thành «con người mới». Chết đi chính là sẵn sàng chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi, bị hạ bệ, nhưng đó là cái giá không có không được mà ta phải trả để có thể bước vào hạnh phúc và vinh quang đích thực. Chính Đức Giêsu cũng đã phải trải qua quá trình ấy, như Ngài đã giải thích cho hai môn đệ ở Emmau: «Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?» (Ga 24,26). Lẽ nào ta lại muốn đi một con đường khác với Ngài?


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, được giải phóng để được sống trong một chế độ tự do, dân chủ là nhu cầu cấp thiết và là điều mong ước của mọi người dân đang bị mất tự do và bị đàn áp. Nhưng còn một nhu cầu cần thiết và đáng mong ước hơn, đó là được giải phóng về mặt tâm linh. Nghĩa là được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, của sự ác, của tính ích kỷ, và của chính bản thân mình. Chỉ khi tâm linh của mọi người được giải phóng, thì nền tự do và dân chủ của họ mới được bảo đảm và vững bền. Xin Cha hãy giải phóng con khỏi con người ích kỷ của con, để tâm con bao trùm được cả những người chung quanh con, để con có thể coi họ như chính bản thân con.


Share:

Ps3a - Yêu tha nhân, hình ảnh của Thiên Chúa, cũng chính là yêu Thiên Chúa



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh 
(30-4-2017)

Yêu tha nhân, hình ảnh của Thiên Chúa, cũng chính là yêu Thiên Chúa



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 2,14.22-33: (23) Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Ðức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. (24) Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.


  1Pr 1,17-21: (21) Nhờ Ðức Kitô, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.


  TIN MỪNG: Lc 24,13-35

Ðức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau


(13) Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. (15) Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

(18) Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay. (19) Ðức Giêsu hỏi: Chuyện gì vậy? Họ thưa: Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. (20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. (21) Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23) không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.

(25) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! (26) Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (27) Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

(28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép Người rằng: Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. (30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau: Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?

(33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. (34) Những người này bảo hai ông: Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn. (35) Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có bao giờ bạn nghĩ: rất có thể mình cũng sẽ gặp trường hợp tương tự như hai môn đệ làng Emmau: một người nào đó nói chuyện với mình, yêu cầu mình giúp đỡ, lại chính là Ðức Giêsu không? 
2. Có thể rút ra bài học gì từ bài Tin Mừng hôm nay về sự đồng hóa giữa Ðức Giêsu và tha nhân (tha nhân là Ðức Giêsu, Ðức Giêsu là tha nhân của ta)? 
3. Có người chủ trương: yêu người chính là yêu Thiên Chúa. Chủ trương ấy có nền tảng trong Kinh Thánh không? Hãy trưng dẫn một vài câu tiêu biểu.

Suy tư gợi ý:

1.   Hai tông đồ ở Emau không nhận ra Ðức Giêsu nơi người bộ hành cùng đi với mình

Một điều khá kỳ thú trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là các tông đồ đã sống với Ðức Giêsu suốt ba năm, đã từng nghe Ngài nói, giảng dạy, thế mà nay, khi Ngài sống lại, cùng đi với các ông, giảng dạy cho các ông, các ông lại không nhận ra Ngài. Có lẽ Ngài đã mang một bộ mặt xa lạ, đã đội lốt một người bộ hành như bao bộ hành khác. 

Ðiều các ông không ngờ được là người mà các ông tưởng là một bộ hành xa lạ ấy lại chính là Ðức Giêsu, Thầy mình. Các ông chỉ nhận ra Ngài khi Ngài đồng bàn với họ, chính xác là khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Nghĩa là khi các ông thấy có sự giống nhau giữa người bộ hành này với Thầy mình. Rất may là các ông đã đối xử với người bộ hành ấy rất tốt: chăm chú nghe người ấy nói, mời ở lại dùng bữa. Nếu không thì thật đáng tiếc.


2.   Coi chừng kẻo chính chúng ta cũng không nhận ra Ðức Giêsu nơi những người chung quanh ta

Ðiều kỳ thú đó cũng xảy ra một cách tương tự biết bao lần trong đời sống chúng ta. Chúng ta sống với những người chung quanh mình, mà không bao giờ hoặc rất ít khi ta nhận ra Thiên Chúa hay Ðức Giêsu ở nơi họ. Dường như đối với ta, Thiên Chúa hay Ðức Giêsu là người ở đâu đâu, ở trên trời, ở trong nhà tạm của nhà thờ, hoặc ở khắp nơi một cách thiêng liêng. Ngài có vẻ là một thực tại rất trừu tượng, nếu có cụ thể thì chỉ là những ảnh vẽ, những bức tượng bất động, vô hồn. Và tình yêu của chúng ta đối với Ngài cũng rất trừu tượng, rất bí tích, chỉ được thể hiện bằng sự hướng thiện, bằng việc năng cầu nguyện, năng tham dự và lãnh nhận các bí tích.

Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa hay Ðức Giêsu có thể chính là người bộ hành mà mình ngỡ là rất xa lạ. Nghĩa là Ngài có thể mặc lấy những bộ mặt khác nhau, hình dáng khác nhau, với những tính tình khác nhau, tư cách điệu bộ khác nhau nơi những người ta gặp trên đời, nơi những người sống chung quanh ta. Và tình yêu của chúng ta - nếu có - đối với Ngài thì phải được thể hiện cụ thể nơi những con người cụ thể ấy, chứ không phải một cách trừu tượng. 

Có thể nói: muốn yêu Ðức Giêsu, thì cách tốt nhất, cụ thể nhất và chắc chắn nhất là yêu những người chung quanh ta, và bất kỳ người nào ta gặp trong cuộc đời. Và cũng có thể nói một cách chắc chắn: nếu ta không yêu những người ấy, thì ta không thật sự yêu Ðức Giêsu hay yêu Thiên Chúa. Nếu ta tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa, yêu Ðức Giêsu bằng cách này hay cách khác, nhưng ta không hề yêu Ngài nơi những con người cụ thể chung quanh ta, thì tình yêu ấy chắc chắn chỉ là một ảo tưởng. Rất có thể ta đang yêu chính bản thân mình một cách ích kỷ, nhưng sự ích kỷ ấy lại mặc lấy một hình thức khôn khéo là yêu Thiên Chúa hay Ðức Giêsu một cách trừu tượng.

3.   Ðức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta

Có thể nói những người chung quanh ta là những Ðức Giêsu rất sống động, rất cụ thể. Hay nói một cách khác, trong một mức độ nào đó, họ chính là hiện thân của Thiên Chúa hay Ðức Giêsu. Chân lý này có một nền tảng rất vững chắc trong Kinh Thánh.

a. Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26.27; 9,6): Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa hay Ðức Giêsu mà không yêu hình ảnh hay hiện thân của Ngài. Khi hai người yêu thương nhau, họ rất quí hình ảnh của nhau, và hình ảnh đó là một biểu trưng có tính đại diện cho chính người trong ảnh. Nhiều người đã hôn ảnh của người mình yêu khi không có người yêu ở với mình. Coi thường hay xúc phạm đến hình ảnh của một người luôn luôn được coi là xúc phạm đến chính con người ấy. 

Hai môn đệ làng Emau nhận ra người bộ hành là Ðức Giêsu khi người ấy bẻ bánh giống như Ðức Giêsu. Kinh Thánh viết: «Con người được tạo dựng giống như Thiên Chúa» (St 1,26; 5,1), vậy thì ta có nhận ra tha nhân mà ta gặp có gì giống với Thiên Chúa như Kinh Thánh nói không? Nếu không thì tại sao? − Có thể ta chưa có con mắt đức tin nên không thấy được như vậy.

b. Tha nhân là con cái Thiên Chúa (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10): Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, đều gọi Thiên Chúa là Cha, và cùng là anh em với nhau. Con cái một cách nào đó là hiện thân của cha mẹ. Kinh nghiệm đời sống cho ta thấy: ai yêu cha mẹ tất nhiên cũng yêu thương anh chị em mình. Và ai không yêu thương anh chị em mình, chắc chắn tình yêu đối với cha mẹ cũng rất nhạt nhẽo hoặc giả tạo.

c. Từ những căn bản trên, Ðức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16): Ta làm gì cho tha nhân của ta, trước tiên là những người gần gũi ta nhất, rồi đến những người sống chung quanh ta, những người ta thường gặp, và tất cả mọi người, chính là làm cho Ngài. Ta yêu họ chính là ta yêu Ngài, ta ghét họ chính là ta ghét Ngài, hy sinh cho họ là hy sinh cho Ngài, làm hại họ là làm hại chính Ngài.



4.   Yêu tha nhân là yêu Thiên Chúa, và là chu toàn luật Chúa

Trong Cựu Ước, khi trình độ con người còn thấp, có sự phân biệt rõ rệt giữa Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, có hai điều răn quan trọng nhất là: «Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em» (Ðnl 6,5) và «hãy yêu người khác như chính mình» (Lv 19,18). Ðức Giêsu đã nhắc lại hai điều răn ấy như hai điều luật căn bản của Lề Luật cũ. 

Nhưng qua thời Tân Ước, khi trình độ của con người cao hơn, hai điều răn ấy được tóm lại thành một: hễ yêu Chúa tất nhiên phải yêu tha nhân, và hễ yêu tha nhân thật tình tất nhiên là đã yêu Chúa rồi. Thánh Gioan viết: «Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Vì thế, thánh Phaolô viết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10), «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê cũng nói: «Anh em làm điều tốt nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8).

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng này: tha nhân chính là hình ảnh, hay một cách nào đó, là hiện thân của Thiên Chúa hay Ðức Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tập nhìn họ là Emmanuel (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Thiên Chúa hay Ðức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở với chúng ta qua những người chung quanh ta.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, bài Tin Mừng hôm nay thật là tuyệt vời, nó cho con thấy và nhắc lại cho con một chân lý kỳ diệu: Những người gần gũi với con, sống chung quanh con một cách nào đó là hiện thân của Cha, của Ðức Giêsu. Vì thế, yêu Cha, yêu Ðức Giêsu tất nhiên phải yêu những người ấy. Và chỉ khi con yêu họ, con mới chứng tỏ được rằng con thật sự yêu Cha và yêu Ðức Giêsu. Xin giúp con yêu họ thật sự bằng hành động cụ thể.


Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài đào sâu. 

_____________________

Một số câu Kinh Thánh được giới thiệu nhưng không trưng dẫn:

Lc 20,36 => «Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại».

Ga 11,51-52 => «Ðức Giêsu sắp phải chết thay cho dân… để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối».

Rm 8,14 => «Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa».

Rm 8,16 => «Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa».

Gl 3,26 => «Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô».

1Ga 3,1.2 => «Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào :  Người yêu đến nỗi  cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa».

Mt 10.40 => «Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy».

Mt 18,5 => «Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy».

Mt 25,40 => «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy».

Mt 25,45 => «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy».

Lc 10,16 => «Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Ðấng đã sai Thầy».
Share:

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Ps2a - Cần cảm nghiệm hoạt động của Thánh Thần trong bản thân và đời sống mình

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh
(23-4-2017)

Cần cảm nghiệm hoạt động của Thánh Thần trong bản thân và đời sống mình



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 2, 42-47: (42) Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.

  1Pr 1, 3-9:  (3) Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Ðức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, (4) để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai.


  TIN MỪNG: Ga 20, 19-31

Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ


(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.

(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến.  (25) Các môn đệ khác nói với ông: Chúng tôi đã được thấy Chúa! Ông Tôma đáp: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin. (26) Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em. (27) Rồi Người bảo ông Tôma: Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. (28) Ông Tôma thưa Người: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! (29) Ðức Giêsu bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!

(30) Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Tại sao vừa gặp các tông đồ sau khi sống lại, Đức Giêsu đã yêu cầu các ông: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần»? Thánh Thần có cần thiết cho đời sống tâm linh của ta không? Cần đến mức độ nào? 
2.   Nếu các tông đồ không hề gặp được Đức Giêsu sống lại thì các ông có dám mạnh bạo rao giảng về sự sống lại của Ngài không? Đức tin có cần những chứng nghiệm thực tế mới có thể vững mạnh không? 
3.   Ta có thể chứng nghiệm được Thánh Thần trong đời sống mình không? Việc chứng nghiệm ấy có thể thực hiện được không? Có cần thiết không?

Suy tư gợi ý:

1. Vai trò quan trọng của Thánh Thần trong đời sống tâm linh

Lần đầu tiên gặp lại các môn đệ sau khi sống lại, Đức Giêsu đã «thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần» (Ga 20,22). Thánh Thần là một yếu tố vô cùng cần thiết cho đời sống tâm linh, siêu nhiên. Đời sống tâm linh của ta có tồn tại và phát triển hay không là do Thánh Thần. Thánh Thần chính là thần khí của Thiên Chúa, mà tâm linh của ta cũng là thần khí. Vì thế, điều làm cho ta «giống Thiên Chúa» (St 1,26) và là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,27) chính là ta có tâm linh, có thần khí. Thánh Thần chính là sự sống, sức mạnh, trí tuệ, tình yêu của tâm linh ta. Thánh Thần làm cho thần khí ta hoạt động và phát triển. Không một hoạt động nào của tâm linh ta, của Giáo Hội mà lại không do Thánh Thần tác động. Nhưng dường như đối với ta, Thánh Thần chỉ là một ý niệm trừu tượng, một thực tại mà ta thường không hiểu, không cảm nghiệm được. Vì thế, đời sống tâm linh của ta không phát triển, và ta không được biến đổi nên «con người mới», là con người sống theo thần khí.

Tại sao vậy? Vì chúng ta quá dễ dàng chấp nhận một thứ đức tin hình thức không nội dung, một thứ đức tin tương tự như một kiến thức không ăn nhập gì với cuộc sống thực tế. Đức tin hình thức là thái độ sẵn sàng chấp nhận và tuyên xưng ngoài miệng tất cả những gì Giáo Hội truyền dạy, mà không hề xác tín từ bên trong để có thể thật sự sống theo đức tin ấy. 

Đức tin kiểu này khiến chúng ta có ảo tưởng rằng mình có đức tin. Nhưng khi đụng chuyện – chẳng hạn khi gặp khó khăn, thử thách, khi hoàn cảnh đòi buộc ta phải dấn thân cho Thiên Chúa, cho tha nhân, cho chân lý, công lý và tình thương – bấy giờ ta mới nhận ra: thì ra ta đã thật sự tin bao giờ đâu!? Vì trong những hoàn cảnh ấy, ta hành xử chẳng khác gì những người không tin. Đúng ra, người có đức tin đích thực sẽ hành xử rất khác với những người không có đức tin. Một đức tin thật sự phải là một đức tin sống động, được xây dựng trên những kinh nghiệm thực tế của đời sống.


2.   Đức tin thực nghiệm của Tôma

Nếu các tông đồ không được gặp Đức Giêsu phục sinh bằng xương bằng thịt sau khi Ngài chết, mà chỉ được nghe Ngài tiên báo rằng Ngài sẽ sống lại sau khi chết 3 ngày, chắc chắn các ông sẽ không tin và không thể mạnh dạn rao giảng sự sống lại của Ngài. Vì thế, việc Tôma đòi hỏi phải «xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Người» (Ga 20,25) thì mới tin, là một đòi hỏi chính đáng. Và chỉ sau khi đã chứng kiến Đức Giêsu sống lại thật sự, các ông mới vững tin rao giảng. Có lẽ chính vì chúng ta sẵn sàng tin mà không hề đòi hỏi một chứng nghiệm nào của đức tin, nên đức tin của chúng ta chỉ là một thứ đức tin kiểu «ngọn đèn trước gió», khi gặp khó khăn, thử thách là đức tin của ta bị lung lay ngay. Và vì thế, đức tin yếu ớt ấy chẳng ảnh hưởng bao nhiêu lên cuộc sống của ta, chẳng làm ta sống mạnh mẽ, hạnh phúc, tích cực hơn những kẻ không có đức tin. Tệ hơn nữa, nhiều khi miệng ta mạnh mẽ tuyên xưng một đằng, mà đời sống và hành động của ta có vẻ như tuyên xưng ngược lại, một cách mạnh mẽ không kém.


3. Cần tăng triển đức tin một cách có phương pháp

Muốn có một đức tin sống động, chúng ta cần phải chứng nghiệm bằng cuộc sống những gì chúng ta tin. Chẳng hạn, muốn củng cố đức tin để ngày càng tin vững mạnh vào quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta phải thật sự chứng nghiệm quyền năng ấy. Trong những thử thách nho nhỏ, chúng ta hãy tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, tin rằng Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua thử thách ấy. Nếu chúng ta thật sự tin, ta sẽ thấy quyền năng Thiên Chúa thật sự biểu lộ trong trường hợp ấy. Nhờ có kinh nghiệm nho nhỏ ấy, chúng ta sẽ dám tin tưởng vào quyền năng của Ngài hơn khi gặp những thử thách lớn hơn. Và đức tin của ta vào quyền năng Thiên Chúa sẽ càng ngày càng lớn mạnh, khiến chúng ta có thể rất vững tin khi gặp những thử thách vô cùng lớn lao.

Trên con đường thăng tiến đức tin, phương pháp sư phạm đòi hỏi chúng ta phải thăng tiến từng bước một, không được đốt giai đoạn. Con đường thăng tiến đức tin tương tự như việc lên cầu thang, phải đứng trên bậc một và lấy bậc một làm nền tảng để bước lên bậc hai, và lấy bậc hai làm nền tảng để bước lên bậc ba. Một khi ta đã có kinh nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa trong những thử thách nhỏ, Thiên Chúa sẽ tạo nên những thử thách lớn hơn một chút đòi hỏi ta phải tin mạnh hơn một chút mới có thể vượt qua thử thách ấy cách tốt đẹp. Nếu ta dám dựa vào những chứng nghiệm về đức tin trong quá khứ như nền tảng để dấn thân cao hơn, sâu hơn trong đức tin, thì ta sẽ có được những chứng nghiệm đức tin cao hơn. Và cứ thế đức tin ta sẽ ngày lớn mạnh. Đức tin có lớn mạnh, đời sống tâm linh của ta mới phát triển.

Đó là phương pháp sư phạm của Thiên Chúa trong việc huấn luyện đức tin chúng ta. Chẳng hạn, để giúp các tông đồ tin vào việc sống lại của mình, Đức Giêsu đã phải chuẩn bị cho các tông đồ từ mấy năm trước. Bước đầu, Ngài cho các ông chứng kiến nhiều lần việc Ngài làm người chết sống lại: trường hợp con trai bà góa thành Nain (x. Lc 7,11-15), con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26), v.v… Và mấy ngày ngay trước khi bước vào cuộc tử nạn, Ngài đã làm cho Ladarô – đã chết 4 ngày và đã có mùi – sống lại trước mắt các ông (x. Ga 11,34-45). Nhờ những kinh nghiệm ấy, các ông mới có cơ sở để tin vào khả năng sống lại từ cõi chết của Ngài.


4. Phải chứng nghiệm Thánh Thần trong cuộc sống

Thánh Thần – hay Thần Khí của Thiên Chúa – là một thực tại vô hình, không ai thấy được bằng con mắt xác thịt, nhưng những biểu hiện của Thánh Thần thì rất cụ thể. Tương tự như dòng điện: không ai thấy được dòng điện, nhưng người ta có thể biết chắc chắn trong nhà hay trong phòng có điện hay không, nhờ những biểu hiện của dòng điện. Thật vậy, khi thấy đèn trong phòng sáng lên, quạt máy quay tít, bàn ủi nóng lên, ta có thể quả quyết có dòng điện đang chạy vào những dụng cụ ấy. Và đó chính là kinh nghiệm của chúng ta về dòng điện. Cũng vậy, khi ta thấy mình được thúc đẩy làm một điều gì tốt, như yêu thương và hy sinh cho người khác, tha thứ những lầm lỗi cho họ, hay khi ta cảm thấy muốn cầu nguyện với Thiên Chúa… ta biết ngay và biết chắc chắn rằng Thánh Thần đang hoạt động trong ta, thúc đẩy ta làm những việc ấy. Vì không có một việc gì tốt đẹp khởi lên trong lòng ta mà không phải do Thánh Thần. «Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa» (1Cr 2,11b); «Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó» (1Cr 12,11); «Hoa quả của Thần Khí là, bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23a).

Thánh Thần tràn ngập trong cuộc sống của ta, nhưng ta lại không ý thức và hiểu gì về Thánh Thần cả. Ta giống như một con cá, vì sống trong môi trường nước từ khi lọt lòng mẹ, nên không có một ý thức gì về nước cả. Nghe ai nói về nước ở chung quanh mình thì nó lấy làm lạ, và bắt đầu đi tìm nước. Tìm khắp ao hồ mà chẳng thấy nước nên nó cho rằng nước chỉ là một ý niệm mà người ta tưởng tượng ra. 

Khi ta ý thức về Thánh Thần, chứng nghiệm được những hoạt động của Thánh Thần trong bản thân ta, trong đời sống của ta, đồng thời ngày càng vững tin vào quyền năng của Thánh Thần, thì đời sống tâm linh và siêu nhiên của ta sẽ phát triển mạnh mẽ. Vậy chúng ta hãy theo tinh thần của Tôma, đòi hỏi mình phải kinh nghiệm thật sự về Thánh Thần, về quyền năng của Thánh Thần. Nhờ đó ta sẽ có kinh nghiệm về Thánh Thần thật sự, vì «ai tìm thì sẽ thấy» (Mt 7,8). Đức tin về Thánh Thần và quyền năng của Thánh Thần được xây dựng trên những chứng nghiệm thật sự mới chắc chắn và có tác dụng thật sự trong đời sống.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Thánh Kinh nói rất nhiều đến sự hiện diện của Thánh Thần trong đời sống Đức Giêsu, các tông đồ và Giáo Hội sơ khai. Nhưng Thánh Thần lại bị con lãng quên như thể không hề hiện diện trong đời sống của con. Chính vì thế, Ngài khó có thể tác động hữu hiệu để biến con thành một «con người mới sống theo Thần Khí» (Rm 8,5). Khiến con suốt bao năm vẫn cứ mãi mãi là một «con người cũ sống theo xác thịt» (2Pr 2,10), không hề được đổi mới. Xin giúp con chứng nghiệm được sự hiện diện của Thánh Thần trong đời sống của con, để nhờ đó con sẽ được đổi mới.


Share:

Ps2b - Đức tin cần dựa trên thực nghiệm



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh
(23-4-2017)

(Bài đào sâu)

Đức tin cần dựa trên thực nghiệm



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 2, 42-47: (42) Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.

  1Pr 1, 3-9:  (3) Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Ðức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, (4) để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai.


  TIN MỪNG: Ga 20, 19-31

Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ


(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.

(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: Chúng tôi đã được thấy Chúa! Ông Tôma đáp: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin. (26) Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em. (27) Rồi Người bảo ông Tôma: Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. (28) Ông Tôma thưa Người: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! (29) Ðức Giêsu bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!

(30) Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Người cứng tin như Tôma có gì hay hơn kẻ tin dễ dàng không? 
2.   Người thời đại này có dễ tin như những người thời đại trước không? Người thời đại sau thì sao? Tại sao lại như vậy? 
3.   Có cần phải thay đổi phong cách rao giảng Tin Mừng cho những thế hệ con cháu chúng ta không? Tại sao? Một cách thực tế phải thay đổi thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.   Tôma là một mẫu người có tính thực nghiệm

Khi chưa đích thực gặp lại thân xác đã sống lại của Ðức Giêsu, thì ngoài Tôma ra, các tông đồ khác dường như không cảm thấy có vấn đề gì trong việc tin Ngài đã sống lại. Các ông đã tỏ ra tương đối dễ tin. Nhưng riêng Tôma, ông không tin dễ dàng như thế, vì từ xưa đến nay, ông chưa hề nghe nói có một ai tự mình sống lại từ cõi chết bao giờ. Cứ bình thường mà xét, phải nói rằng Tôma khôn ngoan và thận trọng hơn các tông đồ khác.

Ðối với người như Tôma, Ðức Giêsu đã không phiền trách gì về sự cứng lòng tin của ông. Ngài chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng để bổ túc cho sự cứng tin hợp lý ấy: «Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!» (Ga 20,29). Và Ðức Giêsu đã cho phép Tôma được xỏ tay vào lỗ đinh ở tay và lỗ đòng đâm ở cạnh sườn Ngài (x. Ga 20,27). Nhưng có lẽ chính nhờ như thế mà Tôma sẽ tin chắc vào sự sống lại của Ngài hơn ai hết. Người cứng tin mà đã tin thì sẽ tin rất vững. Còn kẻ quá dễ tin thì cũng sẽ dễ dàng mất niềm tin, hoặc cũng sẽ dễ dàng tin những điều khác dù những điều ấy chưa đủ nền tảng để tin.


2. Con người thời nay và nhất là những thế hệ sau sẽ càng ngày càng có tính thực nghiệm giống như Tôma

Ngày nay, con người đã bước vào kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật, nên con người chịu ảnh hưởng của tinh thần khoa học thực nghiệm rất nhiều. Tinh thần khoa học thực nghiệm chính là tinh thần của Descartes (1596-1650): «Chỉ tin sau khi đã chứng minh». Và tinh thần ấy được thể hiện thành chủ trương «nghi ngờ có phương pháp và phổ quát» (doute méthodique et universel) của ông. Nghi ngờ để tìm tòi hầu đi đến kết luận chắc chắn. Tinh thần khoa học thực nghiệm ấy đòi hỏi con người trước khi đi đến một kết luận, cần phải trải qua ba giai đoạn: nhận xét, đưa ra giả thuyết, và thí nghiệm kiểm chứng như đòi hỏi của Claude Bernard (1813-1873).

Tinh thần ấy chính là tinh thần của Tôma, chính vì thế, các nhà khoa học Công giáo đã nhận thánh Tôma làm bổn mạng của các nhà khoa học. Riêng bản thân tôi, người viết bài này, cũng rất thích sự cứng tin của Tôma, và coi đó như một đức tính rất cần thiết để sự phán đoán và lời nói của mình có giá trị, đáng tin. Sự đáng tin không chỉ đòi hỏi đức tính chân thật, mà còn đòi hỏi sự phán đoán chính xác và chắc chắn. Một người hết sức thật thà không bao giờ muốn lừa dối ai, nhưng lại dễ tin và hay bị lường gạt, thì phán đoán và lời nói của người ấy không còn đáng tin nữa. Thiết tưởng những người rao giảng chân lý, ngoài đức tính chân thật, cần phải có sự chững chạc trong cách phán đoán để trở nên đáng tin trước mặt mọi người.

3. Ðối tượng phúc âm hóa trong tương lai là những thế hệ có đầu óc khoa học thực nghiệm như Tôma

Những nhà truyền giáo hiện nay tại Việt Nam thường thuộc lứa tuổi giao thời giữa hai thời đại: thời khoa học chưa ảnh hưởng mạnh và thời khoa học ảnh hưởng rất mạnh trên lề lối suy nghĩ của con người. Thời trước, người ta dễ tin những ai có uy tín (như các giám mục, linh mục, tu sĩ, hoặc ông bà cha mẹ, cô dì chú bác). Trẻ con dễ tin vào những điều người lớn nói, không đặt vấn đề điều đó đáng tin tới mức nào. Nhưng thời nay và nhất là những thế hệ mai sau, người ta không dễ tin như thế nữa. Họ thường đòi hỏi nói có sách, mách có chứng. Muốn họ tin thì phải có bằng chứng. Nếu không chứng minh bằng sự kiện thì ít nhất phải chứng minh được sự khả tín của điều mình nói. Ngoài ra, lập luận phải vững chắc, trình bày cần rõ ràng. Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng hay sứ điệp Kitô giáo không thể theo phương cách cũ mang nặng tính giáo điều được.

Ngày xưa, tại Việt Nam, trình độ văn hóa giữa linh mục và giáo dân có sự chênh lệch rất cao. Ngày nay, sự chênh lệch ấy giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn nữa. Rất nhiều giáo dân có trình độ văn hóa cao hơn những linh mục bình thường. Tuy nhiên các linh mục vẫn thường hơn giáo dân trong những kiến thức về thần học, giáo lý, v.v. vì người giáo dân hiện nay không được quan tâm đào tạo về mặt này, hoặc không có điều kiện để quan tâm. Vì thế, các linh mục thường đảm trách việc loan báo và rao giảng Tin Mừng cho giáo dân và người ngoại. Nhưng vì trình độ văn hóa của người bình thường ngày càng cao hơn, nên việc rao giảng Tin Mừng không còn dễ dàng như ngày xưa. Ðiều ấy đòi hỏi những người rao giảng Tin Mừng cũng phải có một tinh thần khoa học thực nghiệm trong cách rao giảng, cần chú trọng đến những bằng chứng xác thực, những lý luận chặt chẽ, cho dù đức tin không phải đến từ những thứ ấy. Nhưng nếu không chú trọng đến những thứ ấy, lời rao giảng sẽ bị từ chối ngay từ đầu.

4. Hội nhập văn hóa theo chiều dọc

Tại châu Á, Giáo Hội đã thành công rất khiêm nhường trong việc truyền giáo, không thành công rực rỡ như ở châu Âu. Một phần khá lớn là do thiếu hội nhập văn hóa, vì trước đây, có sự khác biệt về văn hóa giữa dân tộc truyền giáo với dân tộc được truyền giáo. Ngày nay, với việc toàn cầu hóa, sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc bị giảm thiểu rất nhiều, nên việc hội nhập văn hóa theo chiều ngang −theo không gian− không còn cần thiết và quan trọng như xưa. Trái lại, sự khác biệt về văn hóa giữa thế hệ trước với thế hệ sau ngày càng gia tăng. Lề lối suy nghĩ của các thế hệ sau càng ngày càng thấm nhuần tinh thần khoa học thực nghiệm hơn. Vì thế, nếu không có sự thích ứng khôn ngoan của thế hệ phúc âm hóa (thế hệ trước) với thế hệ được phúc âm hóa (thế hệ sau) trong việc diễn tả sứ điệp, chắc chắn việc phúc âm hóa sẽ thất bại. Do đó, hiện nay việc hội nhập văn hóa theo chiều dọc cần được Giáo Hội quan tâm và thực hiện nhiều hơn là hội nhập văn hóa theo chiều ngang.

5. Rao giảng bằng việc làm đi đôi với rao giảng bằng lời nói

Tinh thần khoa học thực nghiệm của con người thời đại đòi hỏi những dấu chứng cụ thể mới tin được. Do đó, những xác quyết trong rao giảng cần được chứng tỏ bằng thực tế đời sống. Thật vậy, ai mà tin được cái Tin mà chúng ta rao giảng là Tin Mừng khi chúng ta rao giảng nó với bộ mặt buồn so, ảo não? Ai mà tin được Tin Mừng này là Tin Mừng Giải Phóng khi mà người rao giảng nó vẫn sẵn sàng khom lưng làm nô lệ cho người, cho vật, cho sự này sự khác, hoặc cho chính bản thân? Ai mà tin được Tin Mừng này là Tin Mừng Cứu Ðộ khi mà nó không làm cho người người rao giảng nó hoặc theo nó sống tốt hơn, có tình có nghĩa hơn, và hạnh phúc hơn những người bình thường khác?

Thiết tưởng đã tới lúc chúng −những ai còn tha thiết với tiền đồ của Kitô giáo− cần đặt lại vấn đề sống đạo một cách nghiêm túcvà cần thành thật với chính lòng mình. Nếu ta cảm thấy Kitô giáo trong thực tế đã không đem lại một thứ hạnh phúc tự tại cho chúng ta, không tạo được một động lực đủ mạnh để thúc đẩy ta sống tốt đẹp hơn người ngoài, mà ta vẫn cứ mạnh miệng rao giảng như là một tôn giáo tốt nhất, hữu hiệu nhất, thì việc rao giảng của chúng ta đúng là một sự lừa dối có hệ thống. Nếu như thế chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về sự lừa dối ấy. 

Chúng ta tưởng mình có đức tin, nhưng trong thực tế, đức tin ấy đã chết hay mất đi từ lâu mà ta tưởng là ta vẫn còn đức tin. Vì đức tin không phải là thái độ chấp nhận xuông, hay chỉ là hành động tuyên xưng ngoài miệng, mà là một cái gì tự nhiên ảnh hưởng rất sâu xa vào đời sống, khiến ta thay đổi cách suy nghĩ và hành động trở nên tốt đẹp hơn, và đời sống ta hạnh phúc hơn rất nhiều. Nếu không được như thế, đức tin mà ta tưởng rằng ta có, không phải là đức tin đích thực.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, rất nhiều khi con chê trách Tôma là quá cứng tin, và tự hào mình dễ tin hơn nhiều. Nhưng trong thực tế, đức tin của con chẳng ảnh hưởng gì trên cuộc sống con bao nhiêu, nó chẳng làm con hạnh phúc hơn người không đức tin, chẳng làm con sống tốt đẹp và yêu thương hơn họ. Xin cho con nhận ra đức tin ấy chưa phải là đức tin đích thật. Xin Cha hãy ban cho con đức tin đích thực, thứ đức tin có khả năng thay đổi con người của con, làm con nên thật sự tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Amen.


Share:

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Ps1b - «Con người cũ» phải phục sinh thành «con người mới»



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Phục Sinh
 (16-4-2017)

(Bài đào sâu)

«Con người cũ» phải phục sinh
thành «con người mới»




  TIN MỪNG: Mt 28,1-10

Ngôi mộ trống


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn đã trải qua bao nhiêu mùa Chay và mùa Phục sinh rồi? Qua những mùa ấy, bạn có thật sự được biến đổi để thực hiện «con người mới»  không? Nếu không thì tại sao? Cần phải biết rõ nguyên nhân. 
2. Muốn được biến đổi thật sự nên «con người mới», đâu là điều quan trọng có tính quyết định và tất yếu? Đâu là những điều không quan trọng? 
3.  Thiên thần nói: «Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?» Ta có thể tìm gặp Đức Giêsu khi quá chú trọng đến những phương tiện để gặp Ngài không?

Suy tư gợi ý:

1.  Qua một mùa Chay, ta đã thấy mình được biến đổi chưa?

Hôm nay là lễ Phục Sinh. Thế là chúng ta đã qua mùa Chay thánh, mùa của ăn năn sám hối, của cải thiện đời sống. Nếu ta sống mùa Chay đúng với tinh thần phải có của mùa Chay, chắc hẳn ta đã cảm thấy mình như được phục sinh trở lại về mặt tâm linh, nghĩa là trở thành «con người mới». Nhưng ta thử xét lại xem dịp lễ Phục Sinh này, ta có trở thành «con người mới» thật sự không? Ta đã sống lại cùng với Đức Giêsu Phục Sinh chưa? Cuộc đời ta đã thật sự thay đổi chưa?

Cuộc đời Kitô hữu của ta đã trải qua không biết bao nhiêu là mùa Chay, còn được gọi là «mùa Xuân của Giáo Hội», với bao nhiêu cuộc tĩnh tâm, cấm phòng, canh thức… Nhưng nhìn lại bản thân, nhiều khi ta thấy mình chẳng được biến đổi bao nhiêu. Đáng lẽ mỗi dịp mùa Chay, ta phải tiến lên một bước trên con đường tâm linh. Nhưng hỡi ôi, đôi lúc ta thấy mình như thụt lùi, tình trạng tâm linh của ta hiện nay đôi khi không bằng ngày xưa. Nếu có tiến bộ, thì chẳng bao nhiêu, nghĩa là dường như ta chẳng thay đổi gì cả hay chẳng thay đổi bao nhiêu. Nhất là ta chưa cảm nhận được một sức mạnh đến từ bên trong giúp sống thánh thiện hơn, yêu thương hơn, vui tươi hạnh phúc hơn, đúng như một Kitô hữu đáng lý phải như thế.

Tóm lại, bản thân tôi hiện nay, dù trải qua bao nhiêu mùa Chay và mùa Phục sinh, dường như vẫn chỉ là «con người cũ», chưa hề được biến đổi ra «con người mới» bao giờ.


2.  Quá trình phải có để biến đổi

Làm việc gì, muốn thành công cũng đều phải có phương pháp, phải tuân theo một quá trình hợp lý và hữu hiệu. Vậy phải theo phương pháp hay quá trình nào mới có thể biến từ con người cũ sang con người mới? 

a) Quá trình biến đổi:

«Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại» (Lc 24,7). Đức Giêsu được biến đổi thành thân thể phục sinh bằng cách chịu đau khổ và chết đi. Chỉ sau khi chết đi, Ngài mới có thể sống lại. Ngài đã từng nói bóng gió về quá trình này, «Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn mãi mãi chỉ là hạt lúa; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác» (Ga 12,24). Do đó, muốn biến đổi «con người cũ» thành «con người mới», thì điều kiện không thể không có là «con người cũ» phải chết đi.

«Con người cũ» ở đây phải được hiểu là «cái tôi ích kỷ» mà ta luôn luôn muốn bảo vệ, muốn đề cao, muốn tất cả mọi người mọi sự phải quy hướng về, muốn là «cái rốn» của vũ trụ, muốn phình to lên để đè bẹp và lấn át những «cái tôi» khác… «Con người cũ» ấy phải chết đi, thì «con người mới»  kia mới sinh ra được. «Chết đi» ở đây không hiểu theo nghĩa đen, mà theo nghĩa tâm linh. «Chết đi» là dù nó đang có, dù ta đang cảm nghiệm nó một cách rất rõ ràng, ý thức về nó một cách rất sâu sắc, nhưng ta hãy coi nó như không có, như nó chẳng là gì cả, như nó không đáng ta phải quá bận tâm. Và tích cực hơn nữa là thái độ sẵn sàng chấp nhận để «cái tôi» ấy bị đau khổ, bị hạ giá, bị mất đi, bị quên lãng, thậm chí bị hủy diệt để ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân. Làm như thế là thực hiện tinh thần xóa mình, quên mình, từ bỏ mình của Đức Giêsu. Ngài đã từng nói: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23).

Thái độ tự xóa này phải là một thái độ chân thành, nghĩa là phải luôn luôn sẵn sàng trở thành hành động thực tế. Điều hết sức nghịch lý là khi «cái tôi» của ta càng sẵn sàng xóa mình, chấp nhận đau khổ hay bị hủy diệt, thì Thiên Chúa và tha nhân càng thấy «cái tôi» ấy của ta giá trị lên, và «cái tôi» ấy càng cảm thấy tràn đầy sức sống, sự mạnh mẽ của Thiên Chúa. Đúng như lời trong «Kinh Hòa Bình» của thánh Phanxicô Assi: «Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân… chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời» (chữ «chết đi» và «vui sống muôn đời» ở đây nên hiểu là một thái độ sống, chứ đừng hiểu theo nghĩa đen, mặc dù nghĩa đen cũng có phần đúng).

Bản thân hay con người ta phải trống đi «cái tôi», cùng với những thứ liên quan tới nó như «ý muốn của tôi», «ý kiến của tôi», chỉ khi ấy Thiên Chúa mới lấp đầy bản thân ta bằng sức mạnh của Ngài được. Làm trống rỗng «cái tôi» ấy là cách khôn ngoan nhất để nhận được sức mạnh vô biên của Thiên Chúa. Hãy dùng một minh họa để dễ hiểu. Giả như ta có một bình nước đang đựng một chất nước không đáng giá. Bây giờ ta muốn dùng nó để đựng một chất nước quý giá gấp ngàn lần. Lúc đó ta phải làm sao? Người khôn ngoan sẽ đổ hết tất cả nước cũ ra ngoài hầu có thể đổ vào đó tối đa thứ nước quý giá kia. Cũng vậy, bản thân ta như cái bình, muốn nhận được sức mạnh vô song của Thiên Chúa thì phải đổ bỏ hoàn toàn nước cũ kém giá trị kia đi là «cái tôi» của ta. Chỉ cần còn lại một ít nước cũ trong bình thì chất nước mới sẽ kém chất lượng và không thể chiếm trọn dung tích bình được.

Tóm lại, muốn cho «con người mới»  sinh ra, thì «con người cũ» phải chết đi. «Chết đi» được thực hiện trong tinh thần (chứ không phải bằng thân xác) là sẵn sàng chấp nhận đau khổ, nhục nhã, thiệt thòi, bất an, vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Còn là «con người cũ», ta chỉ có được những hạnh phúc mau qua được xây dựng bằng những thực tại trần gian. Trở thành «con người mới»  ta sẽ đạt được bình an và hạnh phúc siêu nhiên, bền vững, không ai lấy mất được (x. Ga 16,22; Rm 8,38-39), và tâm hồn ta mạnh mẽ hơn lên rất nhiều (x. Mt 11,12; Cv 1,8; 4,33; Pl 4,13).

Điều tôi khám phá ra và trở thành một kinh nghiệm quí báu của tôi, đó là khi tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ thứ đau khổ nào xảy đến, thậm chí phải chết đau đớn và nhục nhã, thì khó có điều gì xảy đến có thể làm tôi đau khổ. Vì sẵn sàng chấp nhận như thế, nên tôi phần nào trở nên «vô úy», không sợ hãi những điều mà trước đây tôi luôn luôn lo sợ. Nhờ vậy, tôi thấy tâm hồn mình mạnh mẽ hơn lên rất nhiều. Hóa ra càng sẵn sàng chấp nhận đau khổ, thì nghịch cảnh càng khó làm cho mình đau khổ. Và điều kỳ diệu hơn nữa là nghịch cảnh dường như ít xảy đến với tôi hơn. Các bạn cứ thử thí nghiệm như tôi đi, tôi nghĩ các bạn cũng sẽ thấy như vậy.

b) Bí quyết biến đổi:

«Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?» (Lc 24,5). Đây là một thái độ thông thường của rất nhiều Kitô hữu. Chúng ta muốn tìm sự sống, nhưng lại tìm ở những nơi, những thực tại không sự sống. Sự sống phát xuất từ Đức Giêsu, từ chính bản thân Ngài, từ Thần Khí của Ngài, hơn là từ lý thuyết của Ngài hay của bất kỳ ai, hơn là từ những công việc của Ngài. Vì thế, muốn tìm sự sống, ta phải gắn bó với bản thân Ngài, tiếp xúc thật sự với chính Ngài, trở nên một với Ngài, chứ không phải với bất kỳ cái gì khác với Ngài, dù là giáo lý của Ngài, lời nói của Ngài, những lý thuyết nói về Ngài…

Chỉ có Ngài hay Thần Khí của Ngài mới có thể ban cho ta sự sống chứ không phải những thứ khác. Giáo lý của Ngài, lời nói của Ngài, những lý thuyết nói về Ngài chỉ là những phương tiện ban đầu giúp ta hiểu Ngài, đến với Ngài, và nhờ đó ta kết hiệp được với Ngài, chứ những thứ đó không hề có khả năng đem lại sự sống cho chúng ta. Những thứ đó thường chỉ ví như những «văn tự chết»: «Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống» (2Cr 3,6). Tôi không phủ nhận sự cần thiết của giáo thuyết, giáo lý hay thần học, của các bí tích, các lễ nghi… Nhưng tất cả những thứ ấy chỉ là những phương tiện dẫn ta đến với Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Tất cả những thứ ấy tuyệt đối không thể ban cho ta sự sống hay sức mạnh. Nếu ta dùng tất cả những phương tiện ấy mà không nhắm gặp được chính bản thân Đức Giêsu, thì tất cả đều trở nên vô ích. Còn nếu ta quyết tâm tìm gặp chính Đức Giêsu, gặp chính Ngài, cảm nghiệm được Ngài, kết hiệp với Ngài, thì ta mới nhận được sự sống từ Ngài, mà không luôn luôn nhất thiết phải nhờ một phương tiện cố định nào.

Thật vậy, rất nhiều khi ta dâng thánh lễ, hay rước lễ chỉ là để dâng thánh lễ hay rước lễ, chứ không phải là để gặp Đức Giêsu. Tâm trí ta bị thu hút bởi thánh lễ, bởi việc rước lễ, chứ không phải bởi việc gặp Đức Giêsu. Chúng ta bị thu hút hoàn toàn bởi phương tiện ta dùng, mà quên đi chính mục đích. Chính vì thế, rất nhiều khi ta đến với phép Thánh Thể, đến với Thánh Lễ, rước lễ mà chẳng gặp được Đức Giêsu. Muốn gặp Đức Giêsu, ta phải tìm chính bản thân Đức Giêsu, Ngài rất dễ tìm, vì Ngài hiện diện khắp nơi, trong các tạo vật, nhất là nơi những người sống chung quanh ta, và nơi cung lòng của chính chúng ta.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con chỉ có thể trở thành «con người mới» khi «con người cũ» của con chết đi. Xin giúp con chết đi con người ích kỷ của con, để con người vị tha của con có thể sinh ra.


Nguyễn Chính Kết

Bấm vào đây . 
Share: