Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

TN13b - Những ưu tiên cần thiết trong tình yêu

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên

(02-7-2017)

Bài đào sâu

Những ưu tiên cần thiết trong tình yêu


  TIN MỪNG: Mt 10,37-42

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Một người từ bỏ mọi sự – những người thân yêu, tương lai sự nghiệp, của cải ruộng vườn – để theo Chúa, có phải người ấy coi rẻ những thực tại ấy không? Chúa có muốn ta khinh chê hay trân trọng những thực tại trần gian?
2.   Chúa nói: «Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,37). Phải chăng Ngài không muốn ta yêu thương cha mẹ ta? Như thế có bất hiếu không?
3.   Trong thực tế đời thường, ưu tiên chọn lựa Thiên Chúa cụ thể là gì?
4.   Giữa Thiên Chúa và nhân loại, Thiên Chúa và Giáo Hội, Thiên Chúa và tổ quốc, Thiên Chúa và những việc tốt đẹp ta đang làm cho Ngài, ta phải ưu tiên chọn ai? Bạn đã khi nào phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những đối tượng đặc biệt đó chưa? Bạn đã chọn lựa thế nào?


Suy tư gợi ý:

1.   Chỉ khi chọn lựa, ta mới chứng tỏ mình quý cái nào hơn

Bình thường, tất cả mọi của cải, đồ đạc trong nhà, ta đều quý, đều coi là có ít nhiều giá trị khiến ta muốn giữ lại. Nếu bị mất, dù chỉ một cây kim, một cây viết, ta đều tiếc xót không nhiều thì ít, tùy theo giá trị của nó lớn hay nhỏ. Dù không khinh chê vật gì, nhưng khi cần phải bỏ nhà để di tản chẳng hạn, ta chỉ đem theo những gì cần thiết nhất, giá trị nhất, và bỏ lại tất cả những thứ khác. Những thứ phải bỏ lại ấy không phải là không có giá trị. Nhưng ta bắt buộc phải bỏ chúng lại vì không mang theo được.

Có những trường hợp thật ngặt nghèo buộc ta phải chọn lựa giữa hai thứ mà ta yêu hoặc quý nhất trên đời. Chẳng hạn giữa cha và mẹ, giữa vợ (hoặc chồng) và con, giữa đứa con này với đứa con kia, v.v… Cả hai đều vô cùng quý giá đối với ta. Nhưng nếu ta chỉ có thể chọn một, nghĩa là chọn cái này thì phải bỏ cái kia, thì từ bỏ bất kỳ cái nào trong hai cũng đều làm ta đau đớn, xót xa, đều tạo cho ta vết thương lòng… Chỉ khi thực tế phải chọn lựa như vậy, ta mới chứng tỏ ta quý cái nào hơn cái nào, coi cái nào quan trọng hơn cái nào. Nếu không, chẳng ai biết được giữa hai người hai vật mà ta đều yêu quý, ta quý người nào vật nào hơn.



2. Người theo Chúa, phải ưu tiên chọn Ngài hơn tất cả

Đối với với những ai thật sự muốn theo Đức Giêsu, Ngài đều đặt họ vào một chọn lựa giữa Ngài với những đối tượng mà họ yêu quý, trân trọng nhất trên đời. Chỉ khi ta sẵn sàng chọn Ngài và sẵn sàng chấp nhận mất hay từ bỏ đối tượng ta vô cùng yêu quý kia, thì ta mới thật sự xứng danh theo Ngài. Thật vậy, Ngài đòi hỏi ta phải quý Ngài hơn bất kỳ người nào, vật nào, cho dù ta có quý mến hay gắn bó người hay vật ấy tới đâu. Ngài nói: «Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,37-38). Vì Ngài chính là kho báu hay viên ngọc quý mà Ngài nói đến trong dụ ngôn Mt 13,44-46: phải sẵn sàng bán hết tất cả mọi thứ mình có, thậm chí tới đồng xu cuối cùng, mới có thể mua được kho báu hay viên ngọc ấy. «Sẵn sàng» ở đây là một thái độ tâm linh mà Ngài đòi hỏi tuyệt đối phải có; chứ trong thực tế, chẳng mấy khi Ngài bắt ta phải thật sự «bán hết» tất cả rồi mới đạt được Ngài. Thật vậy, khi ta đã có được thái độ sẵn sàng tuyệt đối ấy, lắm khi Ngài còn cho ta thêm gấp bội những gì ta đã có nữa: «Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau» (Mc 10,29-30).

Câu Mt 10,37-38 vừa nêu – «Ai yêu cha mẹ hơn Thầy…» – không có nghĩa là Ngài bảo ta không được yêu thương quý mến cha mẹ, con cái mình. Trái lại, qua giới răn của Ngài, ta thấy Ngài đòi hỏi ta phải yêu thương, trước hết là những người thân thuộc, rồi đến người ngoài, và thậm chí cả kẻ thù nữa. Để chứng tỏ ta đích thực yêu thương họ, Ngài muốn ta phải thật sự quên mình, sẵn sàng hy sinh cho họ. Ngài chỉ yêu cầu ta – những kẻ muốn thật sự theo Ngài – phải đặt Ngài lên trên tất cả những gì ta yêu quý nhất trên đời. Và nếu có yêu thương quý mến ai, thì đều phải vì Ngài mà yêu thương, vì nhận ra họ là hình ảnh hay hiện thân của Ngài.

Trong thực tế đời thường, ưu tiên chọn lựa Thiên Chúa là coi việc thực hiện thánh ý của Ngài quan trọng hơn làm theo ý riêng mình hoặc ý muốn hay lệnh truyền của bất kỳ ai khác, dù người ấy là cha mẹ, bề trên, vua chúa, chính quyền hay giáo quyền. Mà thánh ý Ngài chính là mọi người biết yêu thương và hy sinh cho nhau (x. Ga 13,34-35;15,12.17). Thánh ý Ngài cũng được phản ảnh qua tiếng lương tâm của ta khi lương tâm ấy được xây dựng trên nền tảng đức ái. Ngoài ra thánh ý Ngài còn được biểu lộ qua lệnh truyền của cha mẹ, bề trên, vua Chúa, chính quyền, giáo quyền khi lệnh truyền này không phản lại tinh thần yêu thương của Ngài. Thánh ý Ngài cũng đòi hỏi ta hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chính đáng của tập thể, hoặc hy sinh lợi ích của tập thể nhỏ (chẳng hạn gia đình mình) cho lợi ích chính đáng của tập thể lớn (chẳng hạn xã hội, tổ quốc mình).



3. Những trường hợp chọn lựa đặc biệt

Trong đa số hay trong hầu hết các trường hợp, quan niệm hay lệnh truyền của cha mẹ, bề trên, vua chúa, chính quyền, giáo quyền thường được coi là phù hợp với quan niệm hay lệnh truyền của Thiên Chúa. Vì thế, ta phải vâng theo lời chỉ dạy và lệnh truyền của những người trên ấy, nhất là khi ta chưa xác định được quan niệm và ý muốn của Thiên Chúa thế nào. Tuy nhiên không phải quan niệm và ý muốn của họ luôn luôn phù hợp với quan niệm và ý muốn của Thiên Chúa. Khi ta biết rõ quan niệm hay lệnh truyền của những bậc bề trên ấy không phù hợp với quan niệm hay lệnh truyền của Thiên Chúa, thì ta «phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29). Vâng lời các bậc bề trên trong trường hợp này không phải là đức vâng lời, nghĩa là không đẹp lòng Thiên Chúa.

Nếu không gặp những trường hợp ngặt nghèo khiến ta phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những gì ta yêu quý nhất, thì ta không biết được ta yêu mến Thiên Chúa đến mức nào, vì trên nguyên tắc, ta vẫn chủ trương phải yêu quý Ngài hơn hết mọi sự. Và ta tưởng mình thật sự yêu Ngài như vậy. Nhưng khi phải chọn lựa giữa Ngài với một người hay một vật nào đó mà ta yêu quý, ta mới thấy mình không yêu mến Thiên Chúa như mình tưởng. Rất có thể trong những trường hợp cụ thể nào đó, đối tượng ưu tiên ta chọn không phải là Thiên Chúa (hay Đức Giêsu), mà là một nhân vật, một tập thể, hay một thực tại nào đó. Có những trường hợp đặc biệt mà ta phải chọn một trong hai, như:

● Giữa Thiên Chúa và người mình yêu thương nhất trên đời: Chẳng hạn có người được Chúa mời gọi hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa để làm tông đồ chuyên nghiệp cho Ngài, nhưng cha mẹ họ thì lại muốn họ lập gia đình để nối dõi tông đường, hay gia đình họ chỉ muốn họ dành trọn tình yêu, thì giờ, sức lực cho gia đình. Hoặc như đôi nam nữ kia yêu thương nhau thật chân thành và tha thiết, nhưng một người cảm thấy tiếng Chúa mời gọi hiến dâng cuộc đời mình cho Ngài, đang khi người mình yêu chỉ muốn mình dành cả cuộc đời mình cho họ.

● Giữa Thiên Chúa và sự nghiệp: Một thanh niên có tương lai thật tươi sáng, có thể tạo lập được một sự nghiệp lớn lao. Nhưng chàng lại nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi mình dấn thân phục vụ người nghèo, người bị áp bức, tranh đấu cho công lý trong một xã hội đầy bất công. Từ bỏ sự nghiệp để nghe theo tiếng Chúa trong trường hợp này là cả một hy sinh.

Giữa Thiên Chúa và tổ quốc: Một người đang sống trong một đất nước có tham vọng chinh phục những nước chung quanh. Điều này nhiều khi buộc người dân phải hành động thất đức đối với những người thuộc các nước chung quanh. Nhiều người nhận ra làm như thế là đi ngược lại tinh thần yêu thương đồng loại của Thiên Chúa. Nhưng nếu mình không chấp hành lệnh của đất nước thì không khỏi gặp phiền nhiễu, bị tẩy chay, chụp mũ…

Giữa Thiên Chúa và Giáo Hội: Trong những trường hợp bình thường, Thiên Chúa và Giáo Hội được đồng hóa với nhau: làm theo ý Giáo Hội cũng chính là làm theo ý Thiên Chúa. Nhưng không phải là luôn luôn như vậy. Những người có ơn gọi làm ngôn sứ đôi khi nhờ Thánh Thần soi sáng, có thể nhận ra rõ rệt Giáo Hội đang theo một quan niệm hay một con đường chưa đúng như đã từng xảy ra trong lịch sử. Tiếng Chúa thúc giục trong lòng họ phải làm một điều gì đó để giúp Giáo Hội đi đúng ý Thiên Chúa hơn. Nhưng lên tiếng theo như đòi hỏi của lương tâm mình thường rất dễ bị chụp mũ là chống phá Giáo Hội, có thể bị giáo quyền kết án, «dứt phép thông công», bị đồng đạo tẩy chay, xa lánh, mất đi những quyền lợi tinh thần hay vật chất mà mình đang được hưởng từ Giáo Hội… Như trường hợp thầy dòng Galilê, nữ thánh Jeanne d’Arc, và mới đây là hai nhà thần học Karl Rahner và Yves Congar, v.v… Nếu cứ «mũ ni che tai, ai sai mặc kệ» thì cuộc đời sẽ thật an toàn và thuận lợi, còn làm theo lương tâm thì thật nguy hiểm và cuộc đời có thể sẽ gặp nhiều bất trắc. Vậy thì phải chọn lựa theo ai? Các ngôn sứ đều bị đồng đạo mình bách hại (x. Mt 5,12), «ném đá» (x. Mt 23,27) khi còn sống. Chờ đến lúc đồng đạo mình hiểu mình, nhận ra mình hoàn toàn đúng, thì mình đã hóa ra người thiên cổ (x. Mt 23,29-31). Số phận các ngôn sứ đích thực hầu hết đều như vậy. Trong những trường hợp này, có rất nhiều người lựa chọn: thà làm người của Giáo Hội thì có lợi cho mình hơn là làm người của Thiên Chúa, của sự thật, của công lý. Làm ngôn sứ đích thực quả thật không dễ!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nếu con không ưu tiên chọn Cha hay Đức Giêsu mà chọn một đối tượng nào khác, thì suy cho cùng, hóa ra con chỉ lựa chọn chính con, vì những lợi ích trần tục nào đó của con. Nhưng Đức Giêsu cho biết: «Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được» (Mt 10,39). Nghĩa là kết cuộc kẻ chọn chính mình, vì lợi ích của mình, lại là kẻ mất mát và thiệt thòi nhiều nhất. Xin cho con biết khôn ngoan và can đảm dám coi nhẹ chính bản thân và lợi ích của con để luôn luôn dành mọi ưu tiên cho Cha hay Đức Giêsu. Amen.


Share:

TN13a - Yêu mình cách sáng suốt và yêu mình cách ngu xuẩn




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên

(02-7-2017)



Yêu mình cách sáng suốt
và yêu mình cách ngu xuẩn




ĐỌC LỜI CHÚA

  2V 4,8-11.14-16a: (9) Bà ấy nói với chồng: «Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. (10) Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó».

  Rm 6,3-4.8-11: (8) Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. (11) Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.

  TIN MỪNG: Mt 10,37-42

Từ bỏ mình để theo Đức Giêsu

(37) «Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. (38) Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. (39) Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy

(40) «Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. (41) Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. (42) Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu».



CHIA SẺ


Câu hỏi gợi ý:
1. Yêu bản thân mình có phải là điều tốt hay chính đáng không? Tại sao? Nhưng tại sao Đức Giêsu lại nói: «Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được» (Mt 10,39). Có gì mâu thuẫn và không hợp lý chăng?
2. Tại sao yêu Chúa và yêu tha nhân thì sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu, được sự sống đời đời? Có thể lý giải cách nào không?

Suy tư gợi ý:

1.  «Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất»

Người ta ai cũng yêu mình. Đó là điều rất tự nhiên và chính đáng. Chính Đức Giêsu đã từng nói: «Hãy yêu đồng loại như yêu chính mình» (Mt 19,19). Thánh Phaolô cũng nói: «Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Không ai ghét thân mình bao giờ» (Ep 5,28-29). Chính vì yêu mình, nên ai cũng có bản năng tự vệ, tự giữ lấy mạng sống, và không ai chịu liều mất mạng sống mình nếu không phải vì những lý do rất đặc biệt. Thế mà Đức Giêsu lại nói: «Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được» (Mt 10,39). Có gì mâu thuẫn và không hợp lý chăng?

Ai cũng yêu mình, nhưng có hai cách yêu: yêu mình cách sáng suốt, và yêu mình cách ngu xuẩn. Yêu mình cách sáng suốt là yêu làm sao để chính mình được hạnh phúc. Còn yêu mình cách ngu xuẩn là yêu mình nhưng lại làm cho mình đau khổ. Vấn đề mấu chốt của việc yêu mình sáng suốt là ở chỗ nhận định được mình là gì, và những gì là mình.



2.  Yêu mình cách sáng suốt và yêu mình cách ngu xuẩn

a) Minh họa 1: Một người thích uống rượu, thích ăn những đồ ăn nhiều chất mỡ. Nhưng bác sĩ khuyên anh ta đừng uống rượu kẻo hại gan, đừng ăn đồ nhiều mỡ kẻo hại mạch máu. Nhưng anh ta nghĩ: gan không phải là mình, mạch máu cũng không phải là mình, chúng làm sao thây kệ chúng, không liên quan gì tới mình cả. Mình thương mình thì mình cứ ăn uống cho thỏa thích, vì cổ nhân bảo: «Vui xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng sộc nó thì theo sau»! Chẳng bao lâu sau, anh bị viêm gan và cao huyết áp trầm trọng, phải đau đớn rất nhiều, và cuối cùng chết sớm.

Cái sai lầm của anh này là nghĩ gan của mình, dạ dày của mình, phổi của mình… không phải là mình, nên không thương chúng, bỏ mặc chúng không thèm chăm sóc, để rồi chúng bị thương tổn, bị bệnh. Khi chúng bị bệnh thì bản thân anh cũng bị bệnh theo. Lúc đó anh mới biết chúng cũng là mình, thương chúng chính là thương mình, chăm sóc chúng chính là chăm sóc mình. Còn thương mình kiểu cứ ăn uống cho mình được thỏa thích bất chấp chúng ra sao thì ra, chính là làm hại mình, là tự giết mình.

b) Minh họa 2: Một anh có vợ và một bầy con, nhưng anh chẳng quan tâm gì tới vợ con, anh chỉ biết lo cho bản thân anh, thậm chí còn đánh đập vợ con không thương tiếc khi bị trái ý. Anh còn mèo chuột lăng nhăng làm vợ con rất đau khổ. Chẳng bao lâu sau anh bị bệnh, không còn làm được việc gì. Lúc này anh rất cần vợ con nuôi dưỡng, chăm sóc anh. Nhưng vì anh đã đối xử quá tệ với vợ con, nên bây giờ anh bị hất hủi và đau khổ. Bây giờ anh mới nhận ra thương vợ con là thương chính bản thân mình, và chăm sóc vợ con cũng là chăm sóc chính bản thân mình.

Chúng ta còn có thể đưa ra nhiều minh họa khác chứng tỏ quần áo ta mặc, đôi giày ta đi dưới chân cũng là bản thân ta, những người sống chung quanh ta cũng chính là bản thân ta, v.v… Bên Phật giáo, từ ngữ «tăng thân» có nghĩa là thân được thêm vào bản thân của ta, bao gồm tất cả mọi người, mọi vật trong vũ trụ mà ta có cảm tưởng là ở bên ngoài ta. Theo giáo lý Đức Phật, tất cả mọi chúng sinh và tất cả những vật vô tri trong vũ trụ cũng là bản thân ta. Ta yêu chúng cũng là yêu chính ta, ta ghét chúng cũng là ghét chính ta. Ta làm cho chúng tốt đẹp hạnh phúc cũng chính là làm cho ta nên tốt đẹp hạnh phúc. Ta làm cho chúng xấu xa đau khổ cũng chính là làm ta nên xấu xa đau khổ. 

Vì thế, yêu mình một cách sáng suốt chính là biết yêu thương tất cả mọi người, mọi vật. Yêu mình một cách ngu xuẩn là do quan niệm về mình một cách quá giới hạn, tưởng rằng mình chỉ là thân xác mình, và chỉ biết đối xử tốt với nó, còn mặc kệ không thèm quan tâm chăm sóc đến những gì không phải là thân xác mình.



3.  Thiên Chúa chính là bản thân sâu thẳm nhất của ta

Thánh Âu-Tinh nói: «Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn chính bản thân tôi thân mật với tôi» (Deus intimior intimo meo). Nói cách khác, Thiên Chúa còn là tôi hơn cả chính bản thân tôi, Thiên Chúa là «cái tôi» sâu xa nhất của tôi. Chính vì thế, yêu Chúa bao nhiêu thì cũng là yêu mình bấy nhiêu. Và tương tự, yêu tha nhân thế nào cũng chính là yêu mình thế nấy. Thiên Chúa, tha nhân, và bản thân ta, một cách nào đó chỉ là một. Theo triết lý nhất nguyên của Đông phương, thì «vũ trụ vạn vật đồng nhất thể», nghĩa là toàn thể những gì hiện hữu chỉ là một bản thể duy nhất, được thể hiện thành muôn vật dưới muôn hình vạn trạng trong thế giới hiện tượng. Trong nhãn quan của triết lý này, ta cảm thấy rất dễ hiểu việc yêu Thiên Chúa, yêu tha nhân cũng là yêu chính bản thân ta.

Chỉ có một điều là ta có thể cảm nghiệm được thân xác ta là ta một cách trực tiếp, nhưng phải có trí tuệ cao mới có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa hay tha nhân cũng chính là ta một cách gián tiếp. Thực ra, ta chỉ có thể cảm nhận một cách trực tiếp nhất ý nghĩ của ta là ta, rồi mới cảm nghiệm được thân xác ta với các cơ quan của nó là ta. Vì thế, những gì ta lo cho thân xác ta thì có hậu quả thấy được ngay trước mắt. Còn những gì ta lo cho Thiên Chúa, cho tha nhân thì phải một thời gian sau – nghĩa là lâu hơn ít nhiều – mới thấy được hậu quả nơi ta.

Điều ấy có khác gì hai cách dùng tiền: một đằng là dùng tiền để mua ngay những gì cần thiết hay ích lợi cho bản thân, một đằng là dùng tiền để kinh doanh hầu có lợi lâu dài về sau. Cách trước thì sự hưởng thụ ích lợi đến ngay với mình, nhưng chỉ một thời gian là hết. Cách sau thì sự hưởng thụ đến với mình có thể rất chậm, nhưng sẽ rất lâu dài, thậm chí không bao giờ hết. Từ đó ta hiểu được tại sao yêu Thiên Chúa và tha nhân thì có được sự sống đời đời hay hạnh phúc vĩnh cửu, còn lối sống ích kỷ thì chỉ có được sự sống hay hạnh phúc tạm bợ mà thôi, để rồi sau đó là sự chết hay đau khổ lâu dài.



4.  Hãy yêu Thiên Chúa hơn cả cha mẹ, anh em, con cái mình

Như đã nói trên, Thiên Chúa và tha nhân một cách nào đấy cũng chính là bản thân mình, nên yêu Thiên Chúa và tha nhân cũng là yêu chính bản thân mình. Nhưng theo quan điểm của thánh Âu-Tinh như đã nói trên, Thiên Chúa mới chính là bản thân mình một cách sâu xa nhất. Vì thế, để yêu mình một cách sáng suốt và để đem lại hạnh phúc lâu dài, người ta nên hy sinh bản thân cho tha nhân và Thiên Chúa. Và yêu tha nhân cũng chính là yêu Thiên Chúa. 

Thiên Chúa thì trừu tượng, không thấy được, nên yêu Chúa một cách cụ thể là yêu tha nhân, nhưng hãy ưu tiên yêu người gần gũi với mình nhất, rồi đến những người xa hơn, và phải yêu thương tất cả không trừ một ai, dù là kẻ thù. Thánh Gioan viết: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). 

Nhưng giả như có sự xung đột giữa việc yêu Chúa và yêu tha nhân, thì ta luôn luôn phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa. Nhưng một cách thực tế, yêu Thiên Chúa luôn luôn đồng nghĩa với yêu tha nhân, nên trong những trường hợp có sự xung đột này, ta thường phải hy sinh tình yêu tha nhân mang tính cá biệt cho tình yêu tha nhân mang tính đại đồng. Một cách cụ thể là phải đặt tình yêu chung lên tình yêu riêng, tình yêu đối với thế giới, với quê hương đất nước, với xã hội và Giáo Hội lên trên tình yêu đối với cha mẹ, anh em, con cái. Và làm như thế mới chính là yêu cha mẹ, anh em, con cái một cách sáng suốt nhất.

Trong một nhãn quan bao quát như trên, ta hãy đọc lại bài Tin Mừng hôm nay, ta sẽ thấy bài Tin Mừng trở nên dễ hiểu hơn trước rất nhiều.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, bây giờ con mới hiểu rõ tại sao mà con phải yêu Cha và yêu tha nhân. Bây giờ con mới hiểu yêu Cha và yêu tha nhân chính là yêu bản thân con một cách sáng suốt nhất, là đem lại hạnh phúc lâu dài cho bản thân con. Bây giờ con mới hiểu câu nói của thánh Phanxicô Salê: «Chính lúc quên mình (để yêu Thiên Chúa và tha nhân) là lúc gặp lại bản thân». Xin cho con biết yêu con bằng cách yêu Thiên Chúa và tha nhân một cách tích cực và chân thành. Amen.



Share:

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Phong-Trao-CFC

cfc



GIỚI THIỆU 
PHONG TRÀO CFC

(COUPLES FOR CHRIST)



Kính mời
Quý Vị theo dõi Video
Anh Gioan Baotixita ĐỖ VĂN LỘC

giới thiệu về 
Phong trào CFC
hay COUPLES FOR CHRIST

tiếng Việt là
NHỮNG CẶP VỢ CHỒNG SỐNG CHO ĐỨC KITÔ

Để nghe và xem video, 
xin bấm chuột vào các hình
hoặc vào những hàng chữ này 



COUPLES FOR CHRIST là gì? 

Couples For Christ (viết tắt là CFC) là một phong trào (movement) nhằm canh tân và củng cố đời sống gia đình Kitô hữu.

Các thành viên CFC cam kết với Chúa và với nhau, mong muốn lớn lên và trưởng thành như người tôi nam, người tớ nữ của Thiên Chúa, đồng thời chu toàn ơn gọi tiên quyết của mình là đưa các gia đình trở về dưới quyền lãnh đạo của Chúa Giêsu Kitô và phục vụ vương quốc của Thiên Chúa.

CFC là một công trình của Chúa Kitô nhằm nâng đỡ các cặp vợ chồng Kitô hữu và thành lập các nhóm gia đình Kitô hữu cam kết dấn thân cho việc loan báo Tin mừng, giành thế giới lại cho Chúa Kitô và giải thoát con người toàn diện nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

CFC lớn lên qua việc thiết lập các đơn vị tại địa phương thuộc về các giáo xứ.



CFC bắt đầu ở đâu và như thế nào?

CFC khởi đầu ở Manila năm 1981 từ một nhóm 16 cặp vợ chồng Kitô hữu địa phương, cố gắng sống Tin Mừng và loan báo Tin Mừng cho các cặp vợ chồng khác bằng cách qui tụ họ lại với nhau tại tư gia. Qua các buổi cầu nguyện, học hỏi thảo luận hàng tuần về Tin Mừng và về môi trường xã hội, các cặp vợ chồng này được dẫn vào tương quan sống động với Chúa Kitô và canh tân đời sống trong quyền năng Chúa Thánh Thần. 

CFC trở thành chương trình canh tân đời sống gia đình Kitô hữu có thể thực hiện được tại nhiều giáo xứ và nơi các cặp vợ chồng Kitô hữu muốn thực hiện ước mơ sống đời Kitô hữu của họ trong mối tương quan tương trợ sống động giữa họ với nhau, và với các cặp vợ chồng khác.

Qua nhiều năm, CFC đã đem lại nhiều hoa trái cho sứ vụ toàn cầu và thành nguồn lực quan trọng trong việc canh tân đời sống gia đình Kitô hữu cũng như trong Giáo Hội.

Ngày 25 tháng 4 năm 2005 Tòa thánh đã chính thức công nhận CFC là một hiệp hội giáo dân được phép hoạt động trong Hội thánh qua Sắc chỉ số: 779/05/S-61/B-91 Pontificum Consilium Pro Laicis. CFC có mặt tại 160 quốc gia và các vùng lãnh thổ thuộc 5 Châu lục (xin xem Sắc chỉ [Decree] ở cuối trang blog này).



Tại sao lại có thừa tác vụ như thế?

Đây là kế hoạch của Thiên Chúa vì gia đình là đơn vị nền tảng của xã hội. Thế nhưng trong thế giới ngày nay, lại có nhiều thế lực vô tình hay cố ý đang muốn hủy hoại nền tảng của gia đình. CFC muốn đem sức mạnh và ánh sáng của Chúa cho những ai đang gặp thử thách về đời sống gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay.


CFC định làm gì để canh tân gia đình Kitô hữu?

Canh tân cá nhân: 

Khi muốn quan tâm đến gia đình, trước tiên người chồng/ người vợ cần đổi mới lời cam kết của họ với Thiên Chúa. CFC đi theo hướng sứ điệp nền tảng của Kitô giáo và công bố nó một cách mới mẻ, để người nghe có thể thực hiện được cam kết canh tân tương quan của họ đối với Thiên Chúa và theo một cách thức cho phép họ có thể cảm nghiệm rõ hơn về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống.

Canh tân gia đình: 

Khi một cặp vợ chồng canh tân cam kết của họ đối với Thiên Chúa, họ cũng đổi mới cam kết của họ đối với nhau và đối với đời sống gia đình Kitô hữu của mình. Dần dần, đời sống mới mà họ tìm được trong Chúa thấm nhuần vào tất cả các tương quan gia đình của họ. 

Canh tân Giáo hội: 

Khi các gia đình được canh tân, họ tạo thành một mạng lưới các gia đình cùng cam kết không chỉ để hỗ trợ lẫn nhau, mà còn góp phần củng cố Giáo hội mà họ là thành viên.


Ai có thể trở thành thành viên của CFC? 

Bất cứ căp vợ chồng Kitô hữu nào cũng có thể trở thành thành viên CFC. 

Ngoài ra, CFC còn có các chương trình riêng cho: 

  1. Thiếu nhi (Kids For Christ): Tuổi từ 4 đến 12.
  2. Thiếu niên (Youth For Christ): Tuổi từ 13 đến 21.
  3. Độc thân (Singles For Christ): Đã đi làm nhưng chưa kết hôn.
  4. Tôi tớ (Servants Of The Lord): Dành cho các anh vì hoàn cảnh chỉ đi một mình.
  5. Nữ tỳ (Handmaids Of The Lord): Dành cho các chị vì hoàn cảnh chỉ đi một mình.




Làm thế nào để trở thành thành viên CFC?

Ai muốn là thành viên CFC, phải qua chương trình sống đời Kitô hữu - hay "Christian life program" (Gọi tắt là CLP).

Chương trình sống đời Kitô-hữu: Gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Các chân lý nền tảng của Kitô Giáo
  Bài 1: Tình yêu của Thiên Chúa.
  Bài 2: Đức Giêsu Kitô là ai?
  Bài 3: Làm người Kitô hữu có nghĩa là gì?
  Bài 4: Sám hối và vững tin.

Giai đoạn 2: Đời sống Kitô hữu đích thật.
  Bài 5: Lý tưởng người Kitô hữu: Yêu mến Thiên Chúa
  Bài 6: Lý tưởng người Kitô hữu: Yêu thương người lân cận.
  Bài 7: Gia đình Kitô hữu.
  Bài 8: Đời sống trong Chúa Thánh Thần.

Giai đoạn 3: Đời sống Kitô hữu tràn đầy Thánh Thần.
  Bài 9: Đón nhận quyền năng Thánh Thần.
  Bài 10: 5 phương thế lớn lên trong Thánh Thần.
  Bài 11: Đời sống và sứ mạng của CFC.
  Bài 12: Sự thay đổi trong Đức Kitô.

Cam kết hiến thân phụng sự Chúa qua Giao Ước CFC.



Tham dự viên có phải đóng góp gì không?

Thưa không. Chỉ xin tham dự viên dành thời gian và sống tâm tình cởi mở vui tươi.



Sau khóa Sống Đời Kitô hữu là gì?

Sau khóa Sống Đời Kitô hữu, các anh chị dấn thân qua giao ước sẽ được quy tụ lại trong nhóm từ 5 đến 7 cặp và sinh hoạt hang tuần tại nhà riêng do một trưởng nhóm hướng dẫn.



Mục đích của sinh hoạt nhóm là gì?

Mục đích của nhóm là tạo nên môi trường hỗ trợ đời sống Kitô hữu của thành viên, cung cấp phương thế, ý nghĩa nhằm khích lệ và làm tăng trưởng đời sống thiêng liêng, tình bạn, tình huynh đệ. Đồng thời giúp nhau vượt qua những khó khăn ngăn cản việc sống đời Kitô hữu cách trưởng thành hơn.



Nội dung buổi họp nhóm là gì?

Có 4 nội dung chính:

1. Cầu nguyện: Gồm hai phần: Ngợi khen cảm tạ và cầu xin/ chuyển cầu.

2. Chia sẻ lời Chúa: Theo phương pháp Lectio Divina, hoặc phương pháp khác thích hợp.

3. Học hỏi, thảo luận: Theo đề tài của chương trình sau khóa Sống Đời Kitô hữu.

4. Thân hữuThông tin và cầu nguyện kết thúc.




CFC có gì khác với các đoàn thể khác không?

Có một số khác biệt:

1. CFC nhấn mạnh đến việc canh tân sâu xa đời sống thiêng liêng riêng của thành viên.

2. CFC tập trung vào cặp vợ chồng và chú trọng đến việc vợ chồng cùng giúp nhau trong đời sống Kitô hữu.

3. CFC tiếp tục cung cấp sự tương trợ, huấn luyện theo một chương trình lâu dài bất kể khó khăn thử thách

4. CFC tập trung vào việc loan báo Tin Mừng cho các cặp vợ chồng, cho các gia đình theo lời mời gọi của Giáo Hội nhằm xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống trần gian này. 


Chuyển dịch từ Couples For Christ Phần giới thiệu 2016.



Để tìm hiểu thêm, xin liên lạc:

1. Gioan B. Đỗ Văn Lộc / Magdalen Vũ Thị Thu Hạnh
  Điện thoại: +1-832-904-4061. 
  Email: doloc99@yahoo.com


2. Couples For Christ USA office
  Address: 315 West Maple Ave, Monrovia, California 91016 USA 


3. International office
  Address: 156 20th Avenue, Cubao, Quezon City, Philippines. 




Share:

TN12b - Tình yêu giúp ta dễ dàng vượt thắng sợ hãi




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 12 Thường Niên

(25-6-2017)

Bài đào sâu


Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân
giúp ta dễ dàng vượt thắng sợ hãi




  TIN MỪNG: Mt 10,26-33

Hãy nói giữa ban ngày, đừng sợ



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Cảm thấy sợ hãi khi gặp nguy hiểm là điều tốt hay xấu? Tại sao?
2. Trước hai tệ hại – cái lớn cái nhỏ – mà ta không thể tránh cả hai, thì ta nên đón nhận cái nào? Khi chịu cái hại nhỏ để tránh được cái hại lớn, thì ta nên vui lòng đón nhận hay miễn cưỡng chấp nhận?
3. Cái gì khiến cho một người mẹ xông vào đám cháy để cứu con mình? Tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại có thể giúp ta thắng vượt sợ hãi không?
4. Thiên Chúa có quan tâm tới ta khi ta chấp nhận nguy hiểm vì tình yêu Ngài không?


Suy tư gợi ý:

1. Biết sợ hãi là một ơn huệ của Thiên Chúa

Một trong những điều rất thông thường thuộc bản năng của con người là biết sợ hãi. Bản năng biết sợ hãi là do Thiên Chúa đặt để ngay trong bản tính con người, nhờ đó con người – và cả loài vật nữa – mới biết tự vệ và tránh được những khó khăn, bất lợi, tai nạn, đau khổ, chết chóc có thể xảy đến với mình. Bản năng biết sợ ấy là điều tốt lành: Thiên Chúa muốn con người biết sợ hãi, và có rất nhiều nỗi sợ hãi là tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa. 

Thật vậy, sau khi tạo dựng con người. Ngài đã nói với con người: «Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết» (St 2,16-17). Qua câu Thánh Kinh này, ta thấy Thiên Chúa muốn con người biết sợ chết, và việc xa tránh cái chết bằng cách vâng lời Thiên Chúa là một sự khôn ngoan. Trong một số trường hợp nào đó, người không biết sợ có thể là do thiếu trí khôn, thiếu sáng suốt, không nhận ra những nguy hiểm đang xảy đến với mình. Người ta thường dùng từ ngữ «điếc không sợ súng» để chỉ những người này.


2. Phải sợ cái đáng sợ hơn, và chấp nhận cái tệ hại nhỏ hơn

Tuy nhiên giữa những điều tệ hại, có những tệ hại nhỏ hơn và có những tệ hại lớn hơn. Người khôn ngoan là người nhận định chính xác tệ hại nào lớn hơn, tệ hại nào nhỏ hơn. Khi có hai điều tệ hại mà ta không thể tránh được cả hai, thì người khôn ngoan phải biết sợ và tránh điều tệ hại lớn hơn cho dù chưa xảy đến, vì nó gây đau khổ nhiều hơn; đồng thời biết chấp nhận tệ hại nhỏ hơn cho dù nó sẽ xảy ra ngay trước mắt. Thật là ngu xuẩn nếu ta tránh tệ hại nhỏ để phải chịu tệ hại lớn hơn.

Tuy nhiên, người có bản lãnh, có trí tuệ, mặc dù biết sợ, nhưng luôn luôn làm chủ được bản năng biết sợ của mình để can đảm chấp nhận những tệ hại nhỏ hơn trước mắt hầu tránh được những tệ hại lớn hơn; hoặc can đảm chấp nhận những tệ hại cho cá nhân mình hầu tránh những tệ hại lớn hơn cho tập thể hay xã hội. Một khi đã nhận thức và chấp nhận điều tệ hại nhỏ hơn, thì ta không còn sợ hãi nó nữa. 

Người hèn nhát là người sợ khổ, sợ chết đến nỗi không dám làm theo đòi hỏi của lương tâm, sẵn sàng tránh những tệ hại nhỏ cho cá nhân mình để bắt cả xã hội hay tập thể phải gánh chịu những tệ hại lớn lao vì mình… Cũng cần phân biệt: người nhát gan vẫn có thể không hèn, mà người có bản tính bạo dạn đôi khi lại rất hèn.

Đức tin giúp chúng ta nhận ra được rằng: tệ hại lớn nhất trên đời là những gì làm thiệt hại cho linh hồn mình, cho sự sống vĩnh cửu của mình đời sau. Vì thế, người có đức tin có thể chấp nhận dễ dàng những tệ hại chóng qua ở đời này hầu đạt được những lợi ích lâu dài cho đời sống vĩnh cửu mai hậu. Trong chiều hướng này, Đức Giêsu khuyên ta: «Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục» (Mt 10,28). 

Bị giết chết thân xác là một trong những điều đáng sợ nhất ở đời này, nhưng với cái nhìn sâu xa của đức tin thì bị «tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục» còn đáng sợ hơn bội phần. Vì thế, thà bị giết thân xác mà cứu được linh hồn mình thì vẫn có lợi hơn. Nhưng than ôi, biết bao người lại sẵn sàng chấp nhận bị «tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục» để tránh khỏi cái khổ cực hay cái chết thể xác, hoặc để thân xác được hưởng những vui sướng chóng qua ở đời này. Trước mặt thế gian, họ được coi là khôn ngoan, nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ là những kẻ ngu xuẩn nhất (xem thêm Mt 5,29-30).


3. Tình yêu giải phóng khỏi sợ hãi

Tuy nhiên, chỉ biết so sánh giữa hai tệ hại để tránh tệ hại lớn và chấp nhận tệ hại nhỏ thì có vẻ tính toán quá. Thiên Chúa muốn ta hành động theo sự thúc đẩy của tình thương chứ không chỉ theo sự co cụm của sợ hãi, hay theo sự tính toán hơn thiệt. Thánh Gioan viết: «Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo» (1Ga 4,18). 

Tình yêu giúp ta vượt thắng sợ hãi, để không còn sợ hãi nữa. Hình ảnh một bà mẹ yếu ớt không ngần ngại xông vào căn nhà đang cháy để cứu đứa con của mình đang bị mắc kẹt trong đó là một minh họa sống động nói lên điều ấy. Chính khi thắng được sợ hãi để thể hiện tình yêu, ta mới chứng tỏ được tình yêu ấy là lớn lao và chần thật: «Friend in need, friend indeed» (bạn lúc cùng khốn mới là bạn thật). Tình yêu – đối với Thiên Chúa và tha nhân – có thắng vượt được sợ hãi mới chứng tỏ là tình yêu chân thực. Thắng vượt được nỗi sợ càng lớn bao nhiêu thì tình yêu của ta càng chứng tỏ được là lớn lao bấy nhiêu.

Chính nhờ tình yêu và lòng nhiệt thành với Thiên Chúa và tha nhân mà ta dám chấp nhận tất cả. Nó giúp ta vượt được những nỗi sợ hãi mà thế gian có thể gây cho ta khi loan báo Tin Mừng, khi làm tông đồ, khi tranh đấu cho chân lý, công lý và tình thương. Càng sẵn sàng chấp nhận đau khổ, sẵn sàng «vác thánh giá» vì yêu thương, ta càng bớt sợ hãi. Tình yêu càng tăng thì sợ hãi càng giảm; do đó sở dĩ sợ hãi nhiều là do yêu thương ít.



4. Niềm tin vào sự quan phòng giúp ta bớt sợ hãi

Nhưng không phải là cứ chứng tỏ tình yêu bất chấp nguy hiểm thì chắc chắn ta sẽ gặp phải nguy hiểm và khốn khổ đâu. Vì Thiên Chúa luôn quan phòng và chở che ta. Đức Giêsu nói: loài chim sẻ chẳng đáng giá bao nhiêu thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Thiên Chúa, huống chi chúng ta là những con người quý giá hơn chim sẻ vô cùng (x. Mt 10,29-31). Chúng ta quý giá trước mặt Thiên Chúa đến nỗi Ngài đã hy sinh Con của Ngài để chúng ta «ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời» (Ga 3,16); và «Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi» (Rm 5,8; x. 1Cr 15,3). 

Vì thế, không có gì xảy ra cho chúng ta mà không do ý muốn yêu thương của Ngài. Do đó, ta đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi ta phải dấn thân, khi lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy ta phải mạnh dạn rao giảng, khi tình yêu đối với người nghèo khổ thúc giục ta phải tranh đấu, lên tiếng cho công lý, chống lại áp bức bất công.



5. Đừng quá sợ nguy hiểm khi làm việc cho Thiên Chúa

Khi sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã báo trước những khó khăn mà các ông sẽ gặp phải: «Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói» (Mt 10,16); «Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết» (Mt 10,17-18). 

Nếu Đức Giêsu đã gặp nguy hiểm và bị bách hại, chắc chắn những người tiếp tục sứ mạng của Ngài cũng phải như vậy: «Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là quỉ vương Bendêbun, huống chi là người nhà» (Mt 10,24-25). Nhưng trong bài Tin Mừng này Đức Giêsu đã lập lại 3 lần câu «đừng sợ!» (Mt 10,26.28.31).

Trước nguy hiểm mà đừng sợ sao được? Chỉ có tình yêu và hạnh phúc do tình yêu ấy đem lại mới giúp ta thắng vượt sợ hãi và chấp nhận nguy hiểm: «Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế» (Mt 5,11-12). Hoạn nạn vẫn có thể xảy ra để trắc nghiệm niềm tin và lòng trung thành của ta đối với Thiên Chúa: «Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát» (Mt 10,22). 

Đau khổ vì Ngài, hay chết vì Ngài không bao giờ là vô ích: «Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài; nếu ta cùng đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài» (2Tm 2,11-12; x Rm 6,8; 8,17). Và «những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta» (Rm 8,18).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Cha dành cho con. Cho con biết đáp lại tình yêu ấy một cách quảng đại bằng sự dấn thân không sợ hãi cho công việc của Cha, cho việc tạo bình an và hạnh phúc cho những người chung quanh con. Xin cho con dám chấp nhận mọi đau khổ có thể xảy đến vì sự dấn thân của con. Chỉ như thế con mới chứng tỏ được tình yêu của con đối với Cha và với mọi người là chân thực.


Share: