Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Giang-sinh - Thiên Chúa nhập thể để cùng chia sẻ đau khổ với chúng ta, vì đau khổ cần thiết cho chúng ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Chúa Giáng Sinh (lễ đêm)
(25-12-2018)


Thiên Chúa nhập thể
để cùng chia sẻ đau khổ với chúng ta,
vì đau khổ cần thiết cho chúng ta



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 9,1-6: (5) Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. 

  Tt 2,11-14: (11) Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  (12) Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.

  TIN MỪNG: Lc 2,1-14

Đức Giêsu ra đời.
(1) Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.  (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri.  (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.  (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.  (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.  (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.  (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.


Những người chăn chiên đến viếng thăm

(8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.  (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.  (10) Nhưng sứ thần bảo họ : «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân :  (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.  (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.»  (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.»



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu có gặp nhiều nghịch cảnh như chúng ta không? Giữa Ngài và ta, ai nhiều nghịch cảnh hơn ai? Ta có thể rút ra kết luận gì về điều này? 
2. Có cha mẹ nào yêu thương con mà lại bắt con phải chịu đau khổ một cách vô ích hoặc không cần thiết không? Nếu các ngài cứ bắt ép con mình phải chịu đau khổ, thì người con phải hiểu đau khổ ấy thế nào? có cần thiết hay không? 
3. Vì yêu con người, Thiên Chúa muốn chia sẻ đau khổ với con người. Nếu ta yêu tha nhân, ta sẽ phải làm gì khi thấy họ phải đau khổ?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu cũng gặp bao nghịch cảnh như chúng ta

Đức Giêsu chính là Thiên Chúa nhập thể, mặc lấy thân phận con người y hệt như chúng ta, chỉ khác với chúng ta ở chỗ không có tội lỗi mà thôi. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài cũng gặp biết bao nghịch cảnh như chúng ta, thậm chí ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ và khi vừa mới sinh ra. 

Gần tới ngày Ngài chào đời thì cha mẹ Ngài phải lên đường đến một nơi cách nhà mình trên 120 cây số vì lệnh kiểm tra dân số của chính quyền. Tại nơi xa lạ này, gia đình Ngài đã không kiếm được một chỗ trọ để Ngài chào đời một cách xứng với phẩm giá một con người. Vì thế, hai ông bà đã phải chấp nhận cảnh sống bụi đời là tìm một chuồng chiên bò nào đó ở ngoài đồng để sinh con và tạm trú qua ngày. Và Đức Giêsu đã sinh ra trong một chuồng chiên bò. Ôi, thật là nhục nhã! Nghịch cảnh đâu đã hết, nó còn theo Ngài suốt cuộc đời: nào là phải trốn sang Ai Cập, rồi trở về Nadarét, nào là cảnh nghèo khổ, nào là tình trạng bị giới lãnh đạo tôn giáo ghen ghét và bách hại, bị dân chúng và cả môn đệ mình phản bội, bị đánh đòn, bị xỉ vả nhục nhã, bị chết thảm thương, v.v… Xét về hoàn cảnh, chúng ta may mắn hơn Ngài rất nhiều. Ngài vốn là Thiên Chúa, giầu sang quyền quí vô cùng, thế mà phải chịu như vậy. Chúng ta là ai mà lại mong muốn được ưu đãi hơn Ngài? Suy nghĩ điều ấy sẽ phát sinh một niềm an ủi rất lớn cho chúng ta.



2. Đau khổ và nghèo khó có giá trị của nó

Thân phận con người là một thân phận đau khổ và nghèo khó như một hậu quả tất yếu của tội nguyên tổ. Nếu đau khổ hoàn toàn không có ích lợi gì cho chúng ta, chắc chắn vì yêu thương chúng ta vô hạn, Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng vô biên để giải phóng chúng ta hoàn toàn khỏi mọi đau khổ. Nhưng nếu Thiên Chúa vẫn để chúng ta phải đau khổ, và chính Ngài cũng sẵn sàng đau khổ cùng với chúng ta, tất nhiên đau khổ ấy phải có ích lợi rất lớn cho chúng ta. Nếu không như thế, thì phải kết luận rằng: một là Ngài là người tàn ác, không yêu thương gì chúng ta, hai là Ngài không toàn năng, nghĩa là không đủ khả năng để giải phóng chúng ta khỏi đau khổ. Nếu Ngài yêu thương ta vô cùng lại toàn năng, mà lại để chúng ta đau khổ, ắt nhiên đau khổ ấy phải rất cần thiết và rất ích lợi cho chúng ta.

Một minh họa tuy què quặt nhưng giúp ta dễ hiểu điều ấy: Cha mẹ yêu thương con không bao giờ muốn con phải khổ, dù chỉ là khổ một chút xíu. Nhưng nếu cha mẹ bắt con cái mình phải uống một thứ thuốc rất đắng, hay phải chịu roi vọt rất đau đớn, và chính cha mẹ cũng phải vất vả vô cùng mới kiếm được thứ thuốc đắng ấy, hay phải quặn ruột nhìn con khóc thét dưới lằn roi, tất nhiên thuốc đắng hay roi vọt ấy phải là cần thiết hoặc ích lợi cho đứa con. Thật vậy, thà bắt con khổ vì uống thuốc, đau vì roi vọt, còn hơn để con phải bệnh hoạn tật nguyền suốt đời, hay trở nên người hư hỏng hoặc vô giá trị sau này. 



3. Đau khổ rất cần thiết và ích lợi để nên thánh, để hạnh phúc

Kinh nghiệm cho ta thấy đau khổ nhiều khi rất cần thiết để đạt được những ích lợi lớn hoặc để tránh những tổn thất nặng nề, chẳng hạn như: «quân trường thấm mồ hôi, chiến trường ít đổ máu», «gieo trong nước mắt thì gặt giữa vui mừng» (Tv 126,5-6). Kinh điển Phật giáo cũng nói: «Tất cả các phiền não đau khổ đều là hạt giống Như Lai. Tương tự như nếu mình chẳng lặn xuống biển sâu thì không thể tìm thấy châu báu vô giá. Cũng vậy, nếu mình chẳng chịu ngụp lặn trong bể cả phiền não, ắt mình không thể tìm được của báu là cái trí tuệ biết hết tất cả» (Kinh Duy-Ma-Cật, Phẩm 8: Phật Đạo). Theo Phật giáo, phiền não đau khổ là hạt giống Như Lai, sinh ra trí tuệ giải thoát. 

Ta thấy: trên đời, những người có bản lãnh đều là những người phải kinh qua rất nhiều đau khổ, đều được đào luyện trong đau khổ. Đau khổ dạy cho chúng ta –thậm chí cả Đức Giêsu– nhiều bài học quí giá: «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8). Ngay cả đối với Đức Giêsu, đau khổ cũng rất cần thiết để Ngài trở nên vị lãnh đạo hoàn hảo: «Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa con người tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10). Muốn sử dụng ai, Thiên Chúa thường dùng đau khổ để sửa dạy, để thánh hóa, để huấn luyện người ấy nên hoàn hảo: «Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt» (Dt 12,6). Gương của các thánh chứng minh điều ấy. 

Như vậy, đau khổ có giá trị của nó, và chịu đựng đau khổ không phải là một chuyện vô ích. Nếu đau khổ và nghèo khó cần thiết và ích lợi cho chúng ta, mà Thiên Chúa lại không bắt chúng ta đau khổ và nghèo khó, thì chắc chắn Ngài chưa phải là người yêu thương chúng ta đích thực: vì «yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi». Hoặc Ngài chỉ yêu chúng ta một cách thuần túy tình cảm và điều ấy sẽ làm chúng ta hư hỏng: «con hư tại mẹ, cháu hư tại bà». 



4. Thiên Chúa cùng chịu đau khổ và nghèo khó với con người

Dù đau khổ và nghèo túng là cần thiết cho chúng ta chứ không phải cho Thiên Chúa, nhưng nếu Ngài để chúng ta phải quằn quại trong đau khổ một mình, còn Ngài chẳng biết một chút gì về đau khổ, thì chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn trong đau khổ, và chúng ta khó có thể tin được rằng Ngài yêu thương chúng ta. Nhưng nếu Ngài đã muốn cùng chịu đau khổ với chúng ta, và còn muốn chịu đau khổ hơn cả chúng ta nữa, thì điều đó chứng tỏ rằng Ngài đã yêu thương chúng ta đích thực.

Qua cuộc giáng sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đích thân xuống thế làm người để cùng chịu đau khổ và nghèo nàn với chúng ta. Ngài đã dùng đau khổ của chính mình để xoa dịu những đau khổ của con người, đã dùng thương tích của chính Ngài để chữa lành những vết thương của con người (xem 1Pr 2,24b). Điều ấy làm chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài đối với chúng ta là vô bờ bến, đồng thời cũng nhận ra giá trị của đau khổ và sự nghèo khó. 



5. Hãy bắt chước Ngài chia sẻ đau khổ với những người chung quanh ta, nhất là những người nghèo túng, bị áp bức bất công

Nếu tình yêu đích thực đã thúc đẩy Thiên Chúa phải chia sẻ thân phận đau khổ và nghèo nàn của chúng ta, thì ta có thể rút ra một kết luận cho việc thể hiện tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Nếu chúng ta nói mình yêu ai, mà khi người ấy gặp đau khổ, chúng ta không hề cảm thấy phải làm điều gì để giảm bớt đau khổ cho người ấy, hoặc không tìm cách cùng chia sẻ đau khổ với người ấy, thì chúng ta chỉ là kẻ nói dối, tình yêu ấy chỉ là tình yêu ngoài môi miệng. Hễ yêu ai, thì khi thấy người ấy đau khổ, ta không thể khoanh tay đứng nhìn mà không làm gì. Nếu không làm giảm được đau khổ với người ấy, thì cũng có thể làm một việc gì để tỏ ra thông cảm. 

Chúng ta nghèo, Thiên Chúa cũng đã trở nên nghèo cùng với chúng ta. Vậy, làm sao chúng ta có thể nói rằng mình yêu thương người nghèo, khi chúng ta vẫn vui vẻ sống trên nhung lụa, và không hề quan tâm làm một điều gì cho người nghèo bớt nghèo. Làm sao ta có thể nói rằng mình yêu quê hương, trong khi mà quê hương đang đau khổ, đang tuột dốc xuống bờ vực thẳm, với bao nhiêu người bị bắt bớ, bị đàn áp một cách bất công, ta vẫn thản nhiên như người ngoài cuộc, chỉ biết hưởng thụ cuộc sống an vui mà may mắn đã dành cho ta?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã cho Đức Giêsu nhập thể thành người để chia sẻ thân phận làm người với chúng con: cũng đau khổ, cũng nghèo khó, cũng đói cũng khát như chúng con. Qua sự nhập thể ấy, xin cho con nhận ra tình thương vô biên của Cha và sự cần thiết của những đau khổ trong đời sống của con. Con tin rằng Cha yêu thương con vô cùng và khôn ngoan vô biên, không bao giờ để con phải chịu đựng đau khổ một cách vô lý và không cần thiết. Con biết rằng hễ Cha để đau khổ xảy đến với con, ắt nhiên đau khổ ấy phải có ích lợi cho con, dù con không hiểu được ích lợi thế nào. Xin cho con biết chấp nhận đau khổ như Đức Giêsu, đồng thời biết yêu thương và cảm thông với đau khổ của mọi người chung quanh con. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ thứ 4 Mùa Vọng:
Thăm viếng là cách biểu lộ tình yêu thương
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/12/vong4a.html). 


Share:

Vong4a - Thăm viếng là cách biểu lộ tình yêu thương




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng

(23-12-2018)


Thăm viếng là cách biểu lộ tình yêu thương



ĐỌC LỜI CHÚA

  Mk 5, 1-4a: Phần ngươi, hỡi Bêlem Épphrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítrael. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa (…) Quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. 

  Dt 10, 5-10: Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, Vì đó chỉ là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 

  TIN MỪNG: Lc 1, 39-45

Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét

Hồi ấy, Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng: «Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Ta học được những gì trong việc Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét? Thăm viếng có phải là một việc mà tình yêu đòi buộc phải có không? 
2. Thăm viếng cũng là dịp đem Chúa đến cho người khác. Nhưng đem Chúa đến cho người mình thăm viếng bằng cách nào? 
3. Giữa những hành động cụ thể biểu lộ yêu thương đích thực, và những lễ tế, kinh kệ làm theo thói quen, theo luật buộc, Thiên Chúa ưa chuộng cái nào?

Suy tư gợi ý:

1. Viếng thăm là một hành động biểu lộ tình thương

Vừa nghe sứ thần truyền tin cho biết bà Êlisabét có thai được sáu tháng, cô Maria liền vội vã lên đường đến thăm bà. Bà Êlisabét sống ở miền núi, chắc chắn cuộc hành trình của Maria lên miền núi để thăm người bà con không tránh được mệt nhọc, vất vả. Chắc chắn việc Maria đến thăm bà Êlisabét là do sự thúc đẩy của yêu thương. Nếu Cô không đến thăm thì bà Êlisabét chẳng trách Cô được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Cô biết bà ấy mang thai. Vả lại chính Cô cũng đang mang thai, mà đường xá lại xa xôi. Nhưng tình thương đã thúc đẩy Cô đi, vì Cô rất giàu tình thương. Và cũng chính vì giàu tình thương mà Cô xứng đáng làm Mẹ của Đức Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. 

Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực. Tương tự như lời thánh Giacôbê: «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2, 26). Cũng vậy, tình yêu không việc làm, không được biểu lộ là tình yêu chết. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người mình yêu, làm cho người mình yêu trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Câu tục ngữ «Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua» có nghĩa như thế! 

Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui hoặc buồn. Đức Phật nói: «Yêu nhau mà không được ở gần nhau, mà phải xa cách nhau thì sẽ đau khổ», Ngài gọi cái khổ ấy là «ái biệt ly khổ». Tục ngữ có câu: «Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!» (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm). Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau. Vì thế, chúng ta hãy năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Mà đã là người Kitô hữu, tất nhiên chúng ta có rất nhiều người mình phải yêu mến, nhất là những người lâm cảnh đau khổ, túng thiếu, những người lâm vào thế kẹt, những người cần chúng ta tới thăm viếng hơn cả. Đến thăm nhau là một cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của Kitô giáo.



2. Đến thăm để đem Chúa đến cho người mình thương

Khi Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, Ngài cũng đem Chúa đến cho bà ấy. Nhờ Đức Maria mang Chúa đến, không chỉ bà Êlisabét vui mừng, mà hài nhi trong bụng bà cũng vui theo mà «nhảy lên» trong bụng mẹ. Và chắc chắn cũng chính vì Đức Maria mang Chúa đến, mà niềm vui của bà Êlisabét và hài nhi mới tăng lên một cách lạ thường như thế. Sự hiện diện của Đức Maria cùng với bào thai Giêsu chẳng những mang niềm vui, mà còn biến đổi hai mẹ con bà Êlisabét, khiến hai người được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria, đồng thời tin vào Thiên Chúa vững mạnh hơn.

Như thế, đến thăm không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta, chứ không phải ta, sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện.

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Có những người nói về Chúa rất nhiều và rất hay, nhưng họ không thật sự có Chúa trong bản thân họ. Chúa là tình thương, ta chỉ mang được Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đức Maria có nói gì về Chúa với bà Êlisabét đâu! Do đó, ta chỉ có thể mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến họ với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình. 



3. Hãy là hiện thân của Chúa khi đi thăm viếng

Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây 2000 năm, để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Có thể nói việc xuống thế làm người của Đức Giêsu chính là cuộc thăm viếng của Thiên Chúa đến với nhân loại. Trong cuộc thăm viếng này, Đức Giêsu đã đem Thiên Chúa, là chính Tình Yêu, đến với nhân loại. 

Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người. Do tình yêu vô biên phổ quát của Ngài, Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Nhưng hiện nay Ngài không thể làm điều đó bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính chúng ta làm điều ấy. Ngài muốn trở thành chính bản thân chúng ta để làm những công việc ấy, và chúng ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó. 

Ngài muốn dùng chính bản thân chúng ta để thăm viếng những người chúng ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm trí của ta. Qua ta, Ngài muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Vì thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương, thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn. 

Vấn đề là ta có muốn trở nên hiện thân của Ngài hay không. Ngài không bao giờ muốn ép buộc ta, thúc bách ta, nhưng luôn luôn mời gọi ta. Ta có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi không? Nếu có, hãy đáp lại lời mời ấy một cách quảng đại. Đó là cách chứng tỏ cụ thể nhất rằng ta yêu mến Ngài. Yêu mến Ngài thì phải yêu thương giống như Ngài, chứ không phải yêu Ngài bằng cách dâng lên Ngài thật nhiều thánh lễ, đọc thật nhiều kinh kệ, và quỳ hàng giờ trước nhà tạm. Nếu ta yêu Ngài thật sự, thì hãy yêu Ngài, phục vụ Ngài trong những người anh chị em gần gũi ta, như Thánh Phanxicô Khó khăn đã biểu lộ trong kinh Hòa Bình:  «Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người» . Khi ta đến với họ, Ngài cũng muốn ta coi họ như hiện thân của Ngài, nghĩa là như chính bản thân Ngài.

Ngài đã chẳng từng nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi!» (Mt 7,21). Mà ý muốn của Thiên Chúa là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nói lên sự chán ngấy của Ngài về việc giữ đạo theo kiểu dâng thật nhiều lễ tế, đọc kinh kệ thật nhiều nhưng thiếu tình yêu thương tha nhân: «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bò mập, Ta đã ngấy (…) Thôi đừng đem những lễ vật vô ích ấy đến nữa. Ta ghê tởm khói hương, ta chịu không nổi những ngày đầu tháng, những ngày sabát, ngày đại lễ, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình (…) Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, vì tay các ngươi đầy những máu…» (Is 1,11-15). 

Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô cũng viết những ý tưởng tương tự: «Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, Vì đó chỉ là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền» (Dt 10,8). Qua lời thánh Phaolô, ta thấy tình yêu đích thực thì làm Chúa hài lòng hơn rất nhiều so với những lễ tế được cử hành chỉ vì muốn tuân thủ lề luật! Thật vậy, lễ tế hay việc làm dù tốt lành đến đâu nhưng không do tình yêu thúc đẩy thì chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Thiên Chúa: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi»  (1Cr 13,3).



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin giúp con trở thành hiện thân của Chúa để giúp Chúa phục vụ mọi người qua chính bản thân của con. Xin cho con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh con. Xin giúp con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu của con để năng đến gặp gỡ họ, thăm viếng họ, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của họ. Xin giúp con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.


Share:

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Vấn đề trục xuất khỏi Hoa Kỳ



Vấn đề trục xuất khỏi Hoa Kỳ

Vũ Linh

Trong thời gian gần đây, việc trục xuất dân tỵ nạn Việt lại được khui ra trong một nỗ lực xuyên tạc để đánh TT Trump của TTDC và truyền thông tỵ nạn, cũng như của vài người muốn hù dọa, khai thác sự lo sợ của dân tỵ nạn vì mục đích kinh doanh, gây hoang mang lớn trong cộng đồng. Diễn Đàn này xin làm sáng tỏ vấn đề.

Luật lệ Mỹ rất rõ ràng:

1) Tất cả di dân trước khi được nhập quốc tịch Mỹ, đều phải qua một thời gian «thử thách» -probation- là thời kỳ gọi nôm na là «thời thẻ xanh». Trong thời gian đó, không được phạm tội gì hết. Nếu phạm tội thì sẽ không được vào quốc tịch mà sẽ bị trục xuất về xứ gốc. Dân tỵ nạn Việt được vào Mỹ qua một đạo luật đặc biệt được TT Ford ký năm 1975, và sau đó, qua những luật về nhân đạo, đoàn tụ gia đình dưới thời TT Carter năm 1978, nhưng vẫn phải qua thủ tục này. Tội nặng hay nhẹ, đáng trục xuất hay không, do Tòa Di Trú quyết định theo luật hiện hành, không phải do TT Trump quyết định. TT Trump không có quyền trục xuất hay không trục xuất ai hết. Hầu hết các quan tòa Di Trú tại Cali đều do các tổng thống Clinton, Bush và Obama bổ nhiệm, không liên quan gì tới TT Trump.

2) Sau khi đã nhập quốc tịch thì không còn bị trục xuất được nữa, cho dù vi phạm bất cứ tội nặng nào, ngoại trừ trường hợp khai gian khi làm đơn xin thẻ xanh hay xin vào quốc tịch. Khai gian như không khai là khi ở VN đã bị án hình sự, đã là đảng viên đảng CS, khai gian tình trạng cá nhân (ví dụ qua Mỹ với vợ bé mà khai là vợ lớn chính thức, đi làm lãnh tiền mặt bạc ngàn nhưng khai thất nghiệp ăn tiền trợ cấp tháng này qua năm nọ,…). Nếu bị bắt vì khai gian thì có thể bị lấy lại quốc tịch Mỹ rồi trục xuất. Đây cũng là quyết định của Tòa Di Trú theo luật hiện hành. Những trường hợp này khá hiếm.

Đây là những luật đã có không biết từ đời nào ở Mỹ rồi, không phải luật do TT Trump mới chế ra.

Dân tỵ nạn VN cũng không khác gì di dân từ các nước khác, cũng có nhiều người phạm tội. Những người này trên nguyên tắc phải bị trục xuất về VN. Tuy nhiên, vì quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và CSVN, câu chuyện khá rắc rối.

TT Clinton là tổng thống đầu tiên (không phải TT Trump) muốn trục xuất những người phạm pháp về VN, nên đã điều đình với CSVN. Nhưng CSVN chỉ chịu nhận lại những người qua Mỹ từ sau ngày 12 tháng 7 năm 1995 là ngày Mỹ công nhận CSVN. Những người qua Mỹ trước đó, phạm tội, CSVN không nhận lại dựa trên cái cớ là khi đó Mỹ chưa công nhận CSVN nên thoả ước nhận lại «Việt kiều» không thể có giá trị.

Từ thời đó cho đến nay, đã có một hai trăm «Việt kiều», tức là công dân VC qua đây du lịch hay du học sau 12/7/1995 phạm tội, bị bắt và mau mắn trục xuất về lại VN. Trong khi đó, cũng có hơn 8.000 người VN qua trước 12/7/1995, tỵ nạn phạm tội trong thời kỳ chưa vào quốc tịch Mỹ bị bắt. Tình trạng họ thuộc loại «lửng lơ», cư trú bất hợp pháp, không được vào quốc tịch Mỹ, nhưng cũng không thể trục xuất về VN được vì CSVN không nhận. Nên nhớ cho rõ, tuyệt đại da số những người này đã phạm tội và bị bắt trong nhiều đời tổng thống, từ Clinton qua Bush đến Obama, trước khi ông Trump làm tổng thống.

Cả 3 tổng thống Clinton, Bush, Obama (chứ không phải chỉ có TT Trump) đều muốn trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp, cố gắng điều đình và «thuyết phục» CSVN nhận lại những người này nhưng chưa có kết quả. Nói những người này bị TT Trump bắt nhốt và sẽ bị Trump trục xuất là xuyên tạc thô bạo nhất.

Tháng Giêng 2008, Mỹ và CSVN ký thêm một thoả ước về việc trục xuất hay dẫn độ những công dân CSVN đi du lịch hay du học sau 12/7/1995, không liên quan gì đến dân tỵ nạn qua Mỹ trước năm 1995. Báo thiên tả The Atlantic viết thoả ước 2008 này «bảo vệ những công dân VN qua Mỹ trước tháng 7/1995» là sai. Fake news của TTDC!

Một tờ báo tỵ nạn Việt ngữ loan tin về chuyện này, trích dẫn dân biểu DC Alan Lowenthal của Cali «Sáng nay, tôi cùng với 25 đồng viện khác tại Hạ Viện gởi thư cho Tổng Thống Donald Trump, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, và Bộ Trưởng Nội An Kirstjen Nielsen, yêu cầu họ tôn trong thỏa thuận Mỹ ký với Việt Nam năm 2008, theo đó, những người Việt Nam tị nạn đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, không bị trục xuất». Fake news 100%!

Dưới đây là nguyên văn thông cáo chính thức của tòa đại sứ VC ghi rõ thoả ước 2008 này chỉ bảo đảm «công dân VN» (Vietnamese citizens) tức là dân VC, qua sau 12/7/1995 nếu phạm pháp phải được trả về VN theo đúng luật Mỹ, trong trật tự và nhân đạo. Không có điều khoản nào «theo đó, những người Việt Nam tị nạn đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, không bị trục xuất».

Thỏa ước này ghi rõ «Vietnamese citizens are not subject to return to Vietnamunder this Agreement if they arrived in the United States before July 12, 1995». Cái đoạn chót «under this Agreement» đã bị nhiều người cắt xén, cố tình hiểu sai là «Vietnamese citizens are not subject to return to Vietnam», tức là công dân VN không thể bị trả về VN, trong khi câu này chỉ có nghiã là những người qua trước 12/7/1995 không thể bị trả về trong khuôn khổ hay điều kiện của thỏa ước này (not subject to return under this Agreement). Nói cách khác, thỏa ước 2008 không thi hành cho dân Việt qua trước 12/7/1995 đúng như thông cáo của tòa đại sứ VC viết.

Phiá Mỹ có ý định bao gồm luôn những người tỵ nạn trước 1995, nhưng phiá VC cương quyết không chấp nhận.

Nguyên văn thỏa ước 2008:

Câu hỏi cho những dân biểu DC và TTDC Mỹ cũng như Việt: trường hợp dân tỵ nạn trước 12/7/1995 phạm tội, cả bốn tổng thống Mỹ, Clinton, Bush, Obama và Trump đều bắt nhốt, không cho vào quốc tịch Mỹ, và điều đình để trục xuất họ về VN, sao bây giờ mới phản đối? Sao không phản đối dưới thời các tổng thống trước? Điều khoản nào trong thỏa ước 2008 cấm trục xuất dân tỵ nạn trước 1995, xin vui lòng trích dẫn nguyên văn để tôi có dịp sửa sai và xin lỗi độc giả được không?

Để tóm tắt vấn đề, đây là những điểm chính:

- Hơn 8.000 dân tỵ nạn qua Mỹ trước 12/7/1995 phạm tội, đã bị bắt từ thời Clinton đến Bush, Obama và Trump, không được vào quốc tịch Mỹ, nhưng cũng không thể bị trục xuất về VN được vì CSVN không nhận. Cho đến nay, chưa ai biết tình trạng «lửng lơ» của những người này sẽ được giải quyết như thế nào.

- Từ thời TT Clinton qua đến Bush, Obama và Trump, Mỹ vẫn áp lực và điều đình với CSVN mà CSVN vẫn chưa chịu nhận những người qua Mỹ trước 12/7/1995. CSVN vẫn chưa nhận, nghĩa là những người này sẽ không bị trục xuất được, bất kể TT Trump muốn hay không muốn. Thân nhân của những người này không nên bị dụ dỗ, thuê luật sư dỏm để bảo vệ, tốn tiền vô ích. Càng không nên tin fake news của TTDC Mỹ cũng như Việt, tìm cách xuyên tạc để đánh TT Trump.

Cựu đại sứ Ted Osius cho biết ông chống việc «TT Trump đòi trục xuất dân tỵ nạn Việt», nên từ chức. Ông Osius không lương thiện. Việc trục xuất này đã được ba vị tổng thống trước TT Trump muốn thi hành chứ không phải là ý riêng mới của TT Trump. Ông Osius là người có cảm tình với CSVN (luôn luôn đeo cờ đỏ trên vạt áo và không chấp nhận nói chuyện khi có cờ vàng), và ủng hộ quan điểm của CSVN là không nhận đám dân tỵ nạn trước 1995 về nước lại. Ông Osius cũng thiếu lương thiện khi không tiết lộ là theo thủ tục hành chánh Mỹ, đại sứ là «đại diện cá nhân của tổng thống», nên mỗi khi có tổng thống mới, tất cả đại sứ Mỹ trên cả thế giới đều bị bắt buộc theo luật phải từ chức hết, chứ không phải chỉ có ông Osius từ chức vì bất đồng ý với TT Trump.

Mới đây, ông Osius lại tuyên bố ông «rất mừng vì TT Trump đã ngưng việc trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp vì bị chống đối mạnh» (hiểu ngầm là có công của ông Osius chống đấy). Fake news 100%! Chưa có một người tỵ nạn phạm pháp nào bị trục xuất về VN, cho nên không thể nói việc trục xuất dân tỵ nạn đã ngưng.

Ông Osius khinh thường dân tỵ nạn nên nói láo mà nghĩ không ai biết.

Anh Nguyễn Thanh Việt cho dù được giải Pulitzer về văn chương, nhưng lại hoàn toàn mù tịt hay phe đảng (vì đi học trường Mỹ từ nhỏ), khi anh viết bài đăng trên báo «phe ta» New York Times, la hoảng những người như anh có thể sẽ bị trục xuất về VN. Chuyện bá láp ngớ ngẩn! Anh ta vào quốc tịch Mỹ năm 4-5 tuổi gì đó, không phạm tội trước hay trong khi có thẻ xanh, đã là dân Mỹ hơn 30 năm, không có cách gì tòa nào có thể trục xuất anh về VN được. Anh nói lên chuyện này chỉ tự mình làm mất uy tín và tên tuổi của mình.


Vũ Linh

Share:

Năm cách ngăn ngừa bệnh Alzheimer’s



Năm cách ngăn ngừa bệnh Alzheimer’s
BS. Nguyễn Tuấn Hoàng
Theo những tin tức vừa công bố hôm thứ sáu ngày 16 tháng 11 thì có những gia tăng về số người Mỹ bị bệnh Alzheimer’s và bị chết vì bệnh này.
Vào năm 1999 thì tỷ lệ những người Mỹ bị bệnh Quên là 16.5 người tromg số 100 ngàn cư dân.
Tỷ lệ những người Mỹ bị bệnh Alzheimer’s gia tăng lên 25.4 người trong số 100 ngàn cư dân vào năm 2014.
Trong năm 2014 có 5.2 triệu người Mỹ bị bệnh Quên và trong số này có 94 ngàn người chết.
Theo nhận định của giới chức y tế thì số người bị bệnh Alzheimer’s ở Mỹ đã gia tăng cao hơn nữa trong những năm qua và trong những năm sắp tới, khi số người lớn tuổi ngày một nhiều.
Và đó cũng là lý do mà người ta phải tìm cách ngăn ngừa hay ít nhất làm chậm sự tiến triển của bệnh Quên.
Các giới chức y tế đã đưa ra một số cách thức ngăn ngừa bệnh Quên.
1. Đi bộ:
Những khảo cứu mới đây của các nhà khảo cứu của trường đại học y khoa British Columbia, Canada đã cho thấy là đi bộ giúp làm gia tăng những hoạt động của não bộ.
Người ta cần đi bộ ít nhất là ba lần trong một tuần và mỗi lần đi là 1 tiếng đồng hồ.
Ngoài việc đi bộ, người ta cũng có thể đi treadmill ở trong các phòng tập thể dục.
2. Tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng:
Kết quả của những cuộc khảo cứu cũng cho thấy là những người có những hoạt động xã hội tích cực, là những người ít có bị bệnh Quên, so với những người sống cô đơn, một mình.
Những hoạt động xã hội cộng đồng có thể là những buổi họp mặt, tham dự vào các hoạt động văn nghệ như hát karaoke, khiêu vũ hay những việc làm từ thiện.
3. Tránh đừng để bị chấn thương đầu:
Theo nhận định của hiệp hội Alzheimer’s thì có những liên hệ giữa những người bị chấn thương đầu đến bất tỉnh và bệnh Quên.
Cũng vì thế hiệp hội Alzheimer’s cũng khuyến cáo là người ta tìm mọi cách bảo vệ đầu, không nên để bị chấn thương: đi xe đạp hay đi xe gắn máy thì phải đội nón bảo vệ đầu.
Những người lớn tuổi thì tránh không nên bị té ngã, nhất là trong những ngày mùa đông đường xá trơn trượt.
4 Cẩn thận trong việc ăn uống:
Điều cần nhất là phải có đủ sinh tố D, là sinh tố cần cho não bộ và những nhận biết. Ngoài ánh nắng mặt trời, những thực phẩm có nhiều sinh tố D như cá tuna, cá salmon, sữa, nước cam có sinh tố D.
Những người sống ở xứ lạnh, khi mặt trời vắng bóng trong những ngày mùa đông, là những người có nguy cơ bị bệnh Quên.
Nếu xét là ăn uống không đủ sinh tố D, thì người ta có thể uống thêm sinh tố bán ở các dược phòng.
Ngoài việc thiếu sinh tố D, những người mập, bị bệnh tiểu đường, cao mỡ cũng là những người dễ bị bệnh Quên.
Những loại thực phẩm khác có nhiều sinh tố D là những rau trái và thịt đỏ.
Ngoài ra muốn ngăn ngừa bị bệnh Quên thì không nên uống diet soda: kết quả các cuộc khảo cứu cho thấy là có những liên hệ giữa việc dùng đường hóa học và bệnh Alzheimer’s.
5.Ngủ đầy đủ:
Khi người ta không ngủ đầy đủ, tức là não bộ của người này không có đủ thời giờ để làm sạch hệ thống glymphatic,loại ra khỏi não bộ những chất protein có tên là amyloid beta: chất này nếu không được lấy ra khỏi não bộ, sẽ đóng thành những vảy và là nguyên nhân gây bệnh Quên.

Chuyển qua chuyện thời sự về nền kỹ nghệ cao kỹ thì theo kết quả của những khảo cứu của trường đại học Surrey ở Anh quốc vừa công bố hôm thứ sáu ngày 16 tháng 11, thì việc phát triển loại xe không người lái, sẽ làm gia tăng số vụ làm tình ngay trên xe.
Bài khảo cứu này cũng được đăng tải trên tạp chí the Journal Annals of Tourism Research số mới đây.
Theo giáo sư Scott Cohen của trường đại học Surreyvà cũng là trưởng toán khảo cứu, thì một khi không phải lái xe, nhất là trong những chuyến lái xe đường trường, người ta sẽ ăn , ngủ và làm tình ngay trên xe vì có ..thì giờ!
Cũng theo giáo sư Cohen thì những chiếc xe không cần người lái sẽ trở thành một khách sạn cho người ta ngủ, một nhà hàng ăn và một phòng ngủ.
Bản tường trình cũng tiên đoán là với những chiếc xe không người lái được tung ta thị trường, sẽ tạo nên một ngành kỹ nghệ mới : nghề cho những ngày Kiều bán dâm lưu động!
Giáo sư Cohen cũng nói là mại dâm là một kỹ nghệ hợp pháp ở Anh và nhiều quốc gia Âu Châu, cho nên các nàng Kiều có thể bán dâm lưu động trên xe, nhất là trên những chiếc xe AV kín cửa cao rèm, vừa không sợ bị ai nhòm ngó, và vừa đỡ tốn kém.
Cũng theo bản khảo cứu thì 60 phần trăm những người Mỹ đã từng có lần làm tình trên xe.
Nói về tình người thì người ta có thể thấy rõ trong những cơn hoạn nạn.
Khi cụ Margaret Newsum năm nay 93 tuổi, nghe tin trên đài là đám cháy rừng đang tiến dần đến khu nhà cụ đang sống ở thị trấn Paradise, tiểu bang California, là cụ biết đã đến lúc phải di tản.
Nhưng người chăm sóc cho cụ đã không đến và cụ ở một mình không thân thích.
Cho nên cụ Newsum thu xếp lấy những thuốc men cần có, những vật dụng tùy thân và đi bộ ra ngoài đường, hy vọng sẽ có thể xin quá giang.
Đúng như cụ nghĩ, khi cụ ra khỏi nhà thì thấy ngay chiếc xe đổ rác quen thuộc đến lấy rác hàng tuần.
Cụ ngoắc tay xin quá giang và ông tài xế Dan Ray Cummings đã cùng vài người ở xung quanh nhà cụ, bế cụ lên chiếc xe đổ rác to lớn cồng kềnh.
Ông tài xế Cummings cũng đã được ông xếp thông báo là ông ta có thể ngừng công việc lấy rác và di tản ra khỏi khu vực càng sớm càng tốt.
Nhưng ông Cummings cũng nấn ná lại lấy thêm rác của nhiều căn nhà mà ông ta vẫn phải lấy rác hàng tuần, và hy vọng có thể cứu được những người hoạn nạn: quả đúng như ông nghĩ, ông đã cứu được cụ Newsum.
Khoảng cách con đường di tản không xa, nhưng vì số xe cộ của những người di tản quá đông, cho nên phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, mới giúp ông Cummings lái xe ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Cummings nghĩ là đưa cụ Newsum đến trung tâm tạm trú đông người là một chuyện thất sách.
Ông Cummings là một người cha đơn chiếc đã đưa cụ Newsum về tạm trú tại nhà của ông.
Bà chị ( hay em ) của ông Cummings và mấy đứa con của ông đã giúp thêm tiền nuôi cụ Newsum, trong những ngày chờ đợi được hồi hương.
Tin mừng là nhà của cụ không bị thiêu hủy vì thần Lửa.
Cụ Newsum đã nói với các phóng viên báo chí là cụ nghĩ cụ như một con mèo hoang, được những đứa con của ông Cummings thương mến nuôi nấng.
Khi có những cơn hoạn nạn, thì lúc đó người ta mới nhận ra là cũng có những tình người trong một thế giới điên đảo, đảo điên.
Chuyển qua chuyện thời sự ở Canadathì số người sinh sống ở Mỹ vượt biên giới qua Canada xin tỵ nạn ngày càng đông.
Theo những tin tức loan báo hôm thứ sáu ngày 16 tháng 11, số người vượt biên giới, vào Canada xin tỵ nạn và đang chờ đợi quyết định của hội đồng cứu xét di dân và tỵ nạn, đã lên đến trên 28 ngàn người.
Riêng trong các tháng 7, 8 và 9 trong năm nay, đã có trên 5 ngàn người vào Canada nộp đơn xin tỵ nạn so với con số 1,100 trong cùng thời gian 3 tháng của năm ngoái.
Trong khi đó với số nhân viên giới hạn, hội đồng cứu xét di dân và tỵ nạn chỉ cứu xét có 1,600 người trong vòng 3 tháng, và như thế số người xin tỵ nạn , đang chờ đợi sẽ còn gia tăng.
Chính quyền liên bang cho biết là sẽ bỏ thêm 74 triệu dollars, mướn thêm nhân viên cứu xét, cũng như tài trợ việc ăn ở và chăm sóc sức khỏe cho những người đang xin tỵ nạn.
Những người tỵ nạn từ các trường hợp khác, không phải là những người vượt biên giới, cũng gia tăng: hiện có 64 ngàn người đang xin tỵ nạn và chờ quyết định có được ở lại Canadahay không?
Cuối cùng là chuyện đi bộ để giảm cân.
Khi những đứa con của ông Roger Fraser cho quà Father’s Day là một cái Fibit, một đồng hồ theo dõi những hoạt động của người đeo, thì ông này đoán là ông cần có những thay đổi trong cuộc sống, mà món quà của đám con là một lời khuyến nhủ.
Ông Fraser sinh sống ở vùng Yellowknife, phía bắc của Canadavà về hưu được hai năm.
Cách đây 6 tháng ông Fraser đi khám bác sĩ và được bác sĩ khuyến cáo là nếu không giảm cân thì ông này có nguy cơ bị bệnh tiểu đường.
Ông Fraser nói với các phóng viên báo chí là khi ông nhận được những lời khuyến cáo thì ông ta nghĩ ngay là ông ta không hút thuốc, không uống rượu và cũng không muốn bị bệnh tiểu đường.. vì thế ông quyết định phải giảm cân.
Ông giảm cân bằng cách khởi đầu 1 ngày ông bước 2 ngàn bực thang và dần dần gia tăng số lượng. tính đến nay thì một ngày ông ta đi bộ từ 15 cây số cho đến 20 cây số, và ông ta đã giảm được 45 pounds( 20.5 ký lô).
Ông Fraser cũng cho biết là hiện nay ông ta cảm thấy thoải mái yêu đời, không cau có khi thời còn nặng cân.
Và ông ta cũng cho biết là áp xuất máu của ông cũng giảm đến độ không cần uống thuốc phòng trị áp xuất cao nữa.
Nếu không có thể đi bộ ngoài trời vì lý do thời tiết, người ta có thể đi bộ trong các shopping malls, hay đi tread mill , đi bowflex treadclimber … ở trong các gym.
Để có thể giảm 1 cân Anh trong 1 tuần thì người ta phải giảm 500 calories trong 1 ngày: cắt giảm số calories bằng cách ăn uống vừa đủ và đi bowflex treadclimber khoảng 50 phút 1 ngày, trong khi đi bộ với tốc độ bình thường chỉ cắt giảm được khoảng 200 calories mỗi giờ đi, nên sẽ phải đi chừng 2 tiếng rưỡi.
Nguyễn Tuấn Hoàng

Share:

Những kiến trúc trên vách đá nổi tiếng thế giới

Những kiến trúc trên vách đá
nổi tiếng thế giới


Được xây dựng từ hàng trăm, thậm chí cả hàng nghìn năm trước, nhưng những kiến trúc này vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của chúng. Nếu bạn sợ độ cao, bạn không nên đặt chân đến một trong những nơi này.
 Đây là những kiến trúc có thể gọi là nguy hiểm nhất thế giới: đền chùa, nhà thờ, lâu đài và các ngôi nhà được xây dựng trên những tảng đá nằm chênh vênh bên rìa núi. Một số kiến trúc chỉ có thể đến thăm quan bằng máy bay hoặc nếu bạn có kĩ thuật trèo núi siêu việt. 
Tuy thế, các kiến trúc vẫn đứng vững qua hàng trăm năm, thậm chí cả hàng nghìn năm bất kể vị trí nguy hiểm của nó. Lâu đời nhất là ngôi đền treo ở Sơn Tây ở Trung Quốc, xây từ những năm 491.


Ngôi nhà nguyện Saint-Michel d'Aiguilhe gần Le Puy-en-Velay, miền nam nước Pháp đã hơn 1000 năm tuổi, được xây trên đỉnh núi lửa cao 73 mét. Du khách muốn lên đây phải trèo lên 268 bậc thang tạc vào đá.


Hãy nhìn nhà thờ tuyệt đẹp này, nó nằm ở độ cao 40 mét trên đỉnh cột Katskhi ở Georgia. Trong nhiều thế kỉ, người dân địa phương chỉ có thể nhìn lên trên tàn tích bí ẩn. Cuối cùng, năm 1944, một nhóm các nhà leo núi đứng đầu là Alexander Japaridze đã leo lên đỉnh núi và khám phá phần còn lại của nhà nguyện. Chỉ những ai được phép mới được trèo lên núi đá để đi lên trên.


Meteora ở miền trung Hy Lạp có rất nhiều các tu viện tráng lệ. Tu viện Chúa Ba ngôi trong ảnh được xây từ năm 1392 và xuất hiện trong một bộ phim của James Bond. Du khách phải leo qua 140 bậc thang để đi vào thăm quan.


Thị trấn Bonifacio ở Corsica nằm ngay trên rìa của một núi đá vôi. Cách duy nhất để đến đây là đi bằng thuyền.


Ngôi chùa treo được xây tựa lưng vào một vách núi gần núi ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, vào năm 491.


Castellfollit de la Roca là một ngôi làng thời trung cổ đẹp như tranh vẽ được xây dựng trên núi đá bazan ở phía đông bắc Tây Ban Nha.


Ngôi đền Popa Taungkalat nằm trên đỉnh núi Popa ở Myanmar. Du khách phải kiên nhẫn leo 777 bậc để lên đến đỉnh.


Tòa nhà này nằm trên một tảng đá ở Gaztelugatxeko Doniene, trong vịnh Biscay, ngoài khơi Tây Ban Nha. Tòa nhà có tuổi đời từ thế kỉ thứ 10 với một cây cầu nối vào với đất liền.

Casas Colgadas, tức là ngôi nhà treo, ở tỉnh Cuenca, Tây Ban Nha


Tu viện Paro Taktsang là một phức hợp đền thờ Phật Giáo nằm trên dãy Himalaya ở Bhutan. Nó được xây vào năm 1692 nhưng gần như bị phá hủy hoàn toàn trong một trận hỏa hoạn vào năm 1998. Tuy nhiên, chính quyền Bhutan đã quyên góp tiên để khôi phục lại kiến trúc nổi tiếng này.


Lâu đài Swallow's Nest nằm trên rìa vách đá Aurora ở Crimea. Nó xây dựng vào năm 1911 và đã sống sót sau một trận động đất. Hiện nay, nơi đây mở cửa cho du khách thăm quan và có một nhà hàng bán đồ ăn Ý.


Ngọn hải đăng Nugget Point là một điểm thăm quan ở hòn đảo phía nam New Zealand. Một con đường dốc đưa du khách đến với kiến trúc tuyệt vời này. Nugget Point bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1870 và mất 4 năm để hoàn thành.

Đây là thị trấn Corte ở Corsica. Trên đỉnh núi đá là một thành cổ, một văn phòng du lịch và một bảo tàng của Corsica.


Ngôi làng Manarola đẹp như tranh vẽ đứng trên một vách đá ở phía Tây Bắc nước Ý. Nó nổi tiếng với loại rượu vang ngọt Sciacchetrà.


Làng Vernazza nhỏ bé nằm trên một vách đá ở bờ biển Cinque Terre nước Ý. Xe hơi không được phép hoạt động ở đây. Một thời, ngôi làng đánh cá này là địa điểm được hải quân Ý bảo vệ khỏi những tên cướp biển.


Tàn tích của lâu đài Dunnottar ở Stonehaven, Scotland không cao như các kiến trúc khác ở trên nhưng đây từng là nơi ở của người anh hùng dân tộc William Wallace, nữ hoàng Mary của Scots và vua Charles II. Lâu đài mở cửa quanh năm đón khách du lịch. 

Hữu Nguyên
Share: