Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Mỹ: Đảng Dân Chủ muốn bỏ câu «Xin Chúa giúp con» khỏi lời tuyên thệ Hạ viện



Mỹ: Đảng Dân Chủ muốn bỏ câu
«Xin Chúa giúp con»
khỏi lời tuyên thệ Hạ viện





Đức Trí

Theo Fox News, các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên tại Hạ viện Hoa Kỳ đã lên kế hoạch bỏ một đoạn liên quan đến Chúa khỏi lời tuyên thệ của nhân chứng.

Fox News dẫn một dự thảo từ Ủy ban cho hay những chữ «xin Chúa giúp con» bị đặt trong ngoặc đỏ, tức là sẽ bị loại ra nếu bản dự thảo này được thông qua. Các thành viên Đảng Dân chủ muốn thay thế bằng «theo sự nghiêm minh của pháp luật» trong câu tuyên thệ.

2 lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Quốc hội: Chuck Schumer và Nancy Pelosi

Câu tuyên thệ khai chứng sẽ bị đổi thành: «Ông/bà có nghiêm trang thề hoặc khẳng định dưới sự nghiêm minh của pháp luật, rằng lời khai mà ông/bà sẽ đưa ra là sự thật, toàn bộ sự thật và không gì ngoài sự thật hay không?»

Một nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhận xét việc thay đổi này phản ánh xu thế dịch chuyển mạnh về cánh tả của Đảng Dân chủ.

«Thật không thể tin được, nhưng không ngạc nhiên khi Đảng Dân chủ cố gắng loại bỏ Chúa ra khỏi thủ tục ủy ban tại một trong những hành động đầu tiên của họ khi chiếm đa số Hạ viện», Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa Hà viện Liz Cheney nói với Fox News.

«Họ thực sự đã trở thành đảng của Karl Marx».

Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên là Raul Grijalva, một thành viên Đảng Dân chủ. Ủy ban này dự định sẽ bỏ phiếu về quy định mới trong tuần này.

Trước đó, Đảng Dân chủ đã từng cố bỏ «Chúa» ra khỏi các văn kiện của mình. Năm 2012, một sự kiện gây ầm ĩ Hội nghị quốc gia Đảng Dân chủ (DNC), khi mà lãnh đạo đảng này tìm cách đưa lại liên hệ với Chúa vào trong cương lĩnh Đảng, sau khi bị chỉ trích mạnh mẽ từ phía Đảng Cộng hòa vì đã xóa bỏ các nội dung về «Chúa».

Phiên bỏ phiếu để đưa «Chúa» trở lại đã chứng kiến sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều đại diện trong Đảng Dân chủ. Nhiều người hét lên «không», và chủ tịch phiên họp đã phải yêu cầu bỏ phiếu 3 lần trước khi kết luận «chấp thuận» trước sự la ó của nhiều người.

Cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt các thành viên Đảng Dân chủ mới với cương lĩnh xã hội chủ nghĩa. Alexandria Ocasia Cortez, thành viên chính thức của phong trào Xã hội chủ nghĩa Dân chủ nước Mỹ đã thắng một ghế vào Hạ viện.

Ngoài ra, dự thảo luật mới của Đảng Dân chủ còn có một đặc điểm thể hiện xu hướng của cánh tả tại Mỹ: xóa bỏ ranh giới giới tính giữa đàn ông và phụ nữ, cũng như sợ làm tổn thương những người tự nhận là thuộc các giới tính khác. Những từ như «ông ấy hay bà ấy» (his/her) sẽ được thay bằng một đại từ chung là «họ» (their), và những đoạn có nhắc tới «chairman» (chủ tịch, có từ man-đàn ông), sẽ chỉ còn là «chair».



Đức Trí 

Share:

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Cuộc Chạy Đua MARATHON 100 Năm



Cuộc Chạy Đua MARATHON 100 Năm

Lê Quốc 

Nguồn: Diễn Đàn Người Dân Việt Nam   Ngày đăng: 2019-01-25


Tiến sĩ Micheal Pillsbury (phải) 
trong ngày ra mắt quyển sách 
«The Hundred - Year Marathon» 
tại Đại Học Columbia.

CHIẾN LƯỢC BÍ MẬT CỦA TRUNG QUỐC ĐỂ THAY THẾ MỸ TRONG VAI TRÒ SIÊU CƯỜNG LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI.
 (The Hundred -Year Marathon: China's secretStrategy to Replace America as the Global Superpower) - by Michael Pillsbury.
Cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Cọng đã âm ỉ từ lâu trong não trạng của các lãnh tụ CS Trung Cộng, khởi sự từ Mao Trạch Đông và bùng nổ đời thứ V của vương triều đỏ: Tập Cận Bình.
Phía Trung Cộng: Lợi dụng chánh sách sai lầm của nhiều trào Tổng Thống Hoa Kỳ, Trung Cộng đã cài một mạng lưới gián điệp khắp các cơ quan trọng yếu của Mỹ: Từ Ngũ giác Đài, các Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế đến các cơ quan Hành Pháp, Lập Pháp, cả đến cơ quan tối cao về chiến lược CSIS (Center for strategic and International studies) hoặc NSA (National Strategic Agency) của Hoa Kỳ.
Giám Đốc FBI Christopher Wray cảnh báo: Nguy cơ gián điệp TQ trên khắp 50 tiểu bang của Mỹ - từ lãnh vực nông nghiệp, đến lãnh vực công nghiệp cao, tạo ra mối đe dọa lớn nhứt cho Hoa Kỳ. (Báo Business Insider)
Phía Hoa Kỳ: Áp dụng một chánh sách sai lầm là nuôi dưỡng Trung Cộng cho giàu mạnh lên, với hy vọng là khi dân chúng có đời sống khá giả hơn sẽ áp lực làm thay đổi thể chế CS thành chế độ Tự Do Dân Chủ, gia nhập Cộng Đồng thế giới. Và TQ sẽ là một thị trường lớn lao 1 tỷ, 4 trăm triệu người cho Hoa Kỳ. Nhưng kết quả ngày nay chứng minh Hoa Kỳ đã sai lầm. Hoa Kỳ cũng như các nước Tây Phương đã không hiểu tường tận người CS - nhứt là Cộng Sản Tàu, Cộng sản Á Châu.
Nhân vật khám phá ra đường đi nước bước, chiến lược bí mật kéo dài cả trăm năm của Trung Cộng chính là Tiến sĩ Michael Pillsbury - Giám Đốc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Hudson Institute - cũng là tác giả quyển sách nổi tiếng «The Hundred -Year Marathon» do nhà xuất bản Henry Holt and Co. phát hành năm 2015.

CHIẾN TRANH MỸ- TRUNG ĐÃ PHÁT KHỞI TỪ NÃO TRẠNG CÁC LÃNH TỤ CỘNG SẢN
Bản chất của dân du mục Hán Tộc là bành trướng lãnh thổ, xâm chiếm nước người. Bản chất nầy lại nẩy mầm, sinh sôi nẩy nở trên đất CS, sẽ là một cái họa lớn cho nhân loại. Đức Đạt Lại Lạt Ma nhận xét: «Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời».
Hai khuynh hướng bành trướng của nòi Hán và chiến tranh của chủ nghĩa CS, sáp nhập với nhau, dưới sự lãnh đạo hiện nay của Đại Đế Đỏ Tập cân Bình, đang gây sóng gió khắp thế giới - đặc biệt là muốn soán ngôi Hoa Kỳ. Thử xem lịch sử cận đại của dòng Hán tộc Cọng Sản Trung Hoa:
Nhìn lại lịch sử cận đại của Hoa Lục - dù là thể chế Dân Chủ hay Cộng sản - các lãnh tụ đều nuôi mộng làm bá chủ thế giới:
- Tôn trung Sơn: Lãnh tụ phát động cuộc Cách Mạng Dân chủ, lật đổ vương triều Mãn Thanh, tuyên bố: «Trung Quốc phải chiếm vị trí siêu cường quốc đứng đầu thế giới».
- Mao trạch Đông: Thực hiện bước «Đại nhảy vọt, vượt Anh, đuổi kịp Mỹ»: «Trong vòng 75 năm nữa, TQ có thể bắt kịp và vượt qua Mỹ» (Lưu minh Phúc dẫn từ sách «Giấc mộng Trung Hoa»).
- Đặng tiểu Bình: «Ẩn mình chờ thời» (Thao quang dưỡng hối): Ẩn mình, che giấu thực lực, để chờ thời cơ chín muồi đứng lên giành vị trí đệ nhứt siêu cường làm bá chủ thế giới.
- Tập cận Bình - đời thứ năm, kể từ Mao trạch Đông thành lập CHNDTH (1949) theo chủ trương trổi dậy của Hồ an Cương - Giáo sư Đại Học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và«Giấc mộng Trung Hoa» của Lưu minh Phúc (Liu Ming Fu).
Ông Tập - tại Đại Hội ĐCSTH 19 ngày 18-10-2017 - đọc bài diễn văn 3000 từ, dài 3 tiếng, 23 phút, nhắc lại 26 lần từ siêu cường hoặc cường quốc, nhấn mạnh «Giấc mộng Trung Hoa»: «Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa - giấc mơ lớn nhứt của Trung Quốc trong thời kỳ cận đại là Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049».
Ông Tập cận Bình ôm giấc mộng Trung Hoa, với vũ khí «Nhất Đới Nhất Lộ» và chương trình «Made in China 2025» đi chinh phục thế giới.
Bằng chứng rõ ràng và cụ thể: Những lời tuyên bố trên đây của Tôn dật Tiên và 5 thế hệ CS - kể từ Mao Trạch Đông - chứng minh các ông con Trời - dù Dân Chủ hay Cộng Sản - đều muốn xâm lấn các nước khác và đến Tập cận Bình - tham vọng càng lớn hơn gấp bội: Lớn hơn cả Mao, vượt qua Đặng, bỏ đàng sau Giang, Hồ, tàn bạo hơn cà Tần thủy Hoàng, Ngô Khởi qua cuộc thanh trừng đẫm máu «Đả hổ diệt ruồi», tiếp tục tiêu diệt Pháp Luân Công để bán nội tạng, tàn sát và đồng hoá các sắc tộc Mông, Hồi, Mãn, Tạng và đặt quan Thái Thú người Việt để cai trị Việt Nam. Không cần phải che giấu, Chủ Tịch Tập cận Bình đã công khai ý đồ thực hiện «Giấc mộng Trung Hoa» trong buổi thăm viếng Viện Bảo Tàng Trung Hoa và trong bài diễn văn đọc tại ĐHĐCS 19 mơ làm bá chủ toàn cầu.
Ông Tập cận Bình lấy tay che mặt trời.
Trước đây, qua mấy trào Tổng Thống Hoa Kỳ, từ Nixon bắt tay Tàu cộng năm 1972, hy sinh VNCH, hy sinh 58, 000 nhân mạng chiến sĩ Mỹ, 3 triệu thanh niên hai miền Nam Bắc - đến Bush cha, Bush con, Clinton. Obama- Hillary đều sai lầm trong chánh sách nuôi dưỡng cho Trung Cộng mạnh lên, mơ rằng nhân dân họ khá giả là họ chuyển biến thành thể chế Tự Do dân chủ, gia nhập cộng Đồng các nước Dân Chủ thế giới. Thực tế cho thấy Hoa Kỳ đã sai lầm: «Nuôi ong tay áo». Quả thật vậy - nay Trung Cộng mạnh lên, đủ sức quay lại cắn Mỹ, trở thành một địch thủ đáng gờm của Mỹ và một đại họa cho cả thế giới.
Tiến sĩ M. Pillsbury đã xác nhận sự sai lầm nầy trong tác phẩm của ông:

CUỘC CHẠY ĐUA MARATHON 100 NĂM 1949 - 2049
Năm 1949 Mao thành lập nước CHNDTH. Năm 2049 - hậu duệ đời thứ V Tập cận Bình tuyên bố sẽ làm lễ kỷ niệm 100 năm thành lập CHNDTH tại Hoa Lục. Mức đến của cuộc đua Marathon 100 năm nầy:
Trung Quốc là một đệ nhứt siêu cường thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới.
Đây là cuộc chạy đua không công bằng. Trung Cộng đã đi trước 69 năm. Đi trên giấc ngủ yên, lòng tự mãn và chánh sách sai lầm của Hoa Kỳ. Họ đi hết 2/3 thời gian 100 năm. Tổng Thống D. Trump chính thức đối phó công khai với Tàu Cộng năm 2018. Như vậy Trung Cộng đã đi trước 2018-1949 = 69 năm.
Hoa kỳ chỉ có 31 năm đề chạy Marathonvới Trung Cộng.
Đây là cuộc chạy đua khủng khiếp để vuợt Mỹ, soán ngôi Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới.
Tác giả quyển sách «The Hundred -Year Marathon» vạch trần những âm mưu trong chiến lựợc dài hạn 100 năm của TQ, để mong trở thành một siêu cường thay thay thế Mỹ.
1. - Tiến sĩ Michael Pillsbury - người đã từng trải qua những vai trò tình báo tại LHQ, giữa CP Mỹ và Liên sô. Ông tinh thông tiếng Hán, hiểu biết sâu sắc về các thuật ngữ của ngôn ngữ ngoại giao, những bí mật về các mưu mô xảo huyệt, các thủ đoạn gian manh trí trá, những âm mưu lừa đảo, những chiến thuật tiến thoái, những đòn gián điệp và phản gián, những mưu mỹ nhân kế, khổ nhục kế, những ngón ngoại giao phong bì hiện các nhà ngoại giao Tây Phương gọi là «bẫy nợ Ngoại giao» (Debt-Trap- Diplomacy). Tác giả đã khám phá rằng những đòn phép trên đã được các lãnh tụ Cộng sản nghiên cứu kỷ lưởng từ Binh Pháp Tôn Tử, các truyện Tam Quốc, Chiến Quốc Sách của lịch sử hai ngàn năm trước của họ, để áp dụng vào hoàn cảnh hiện đại.
2. - Trong cuộc chạy đua nầy, các lãnh tụ CS còn áp dụng chiến thụật ngụy trang, che giấu thật kỷ ý đồ hoặc hành động, để cho Mỹ ngủ yên trên sức mạnh và tinh thần tự mãn của mình. Trong khi Trung Cộng âm thầm thực hiện từng bước đi trong cuộc chạy đua Marathon 100 năm. (Sđd)
3. - Từ 50 năm nay, Hoa kỳ theo đuổi một chánh sách ngây thơ: «Hợp tác và xây dựng», nhiều đời Tổng Thống Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho tư bản Hoa Kỳ ào ạt đầu tư vào thị truờng nhân công rẻ mạt, để thu lợi nhuận. Tương kế tựu kế, Trung Cộng bắt buộc các nhà đầu tư Mỹ phải giao nạp bí mật kỹ thuật sản xuất, để đổi lấy giấy phép hành nghề. Mặt khác, TQ còn gửi gián điệp kinh tế xâm nhập vào các công Ty, xí nghiệp Mỹ để ăn cắp sở hữu trí tuệ, ăn cắp dữ kiện công nghệ, để bắt chước sản xuất những phiên bản rồi xuất cảng qua Mỹ với giá rẻ hơn. Mỹ còn đào tạo cho TQ hơn 1 triệu SV tốt nghiệp ĐH trở về bắt chước các mẫu mã hàng hóa Mỹ, Nhựt và Châu Âu, để sản xuất những mặt hàng y như hàng Mỹ, giá rẻ để cạnh tranh với hàng Mỹ, Nhựt và Liên Âu. Theo counterfeit Report - cơ quan tư nhân chống hàng giả thì TQ sản xuất 80% hàng giả trên thế giới. TQ còn xin Mỹ can thiệp để vào WTO, để lợi dụng mọi sơ hở, cạnh tranh bất chánh và hưởng qui chế tối huệ quốc vì thuộc nước nghèo chậm tiến. TQ tung người vào Mỹ «để tán tỉnh các học giả, thao túng các cố vấn của họ, các nhà chính trị nổi tiếng và những nhận vật hay tổ chức được xem là thân TQ và phải biết kiên nhẫn để tránh không bị bao vây.» (M. Pillsbury - Sđd)
4. - Tiến sĩ M. Pillsbury còn tìm tiếp xúc với những nhân vật đào tẩu, bất đồng chánh kiến với CS như tỷ phú Quách văn Quý (hiện sống ở New York) và nhiều nhân vật khác, để tìm hiểu những bí mật, những mâu thuần trong nội bộ Đảng Cộng Sản TQ.
5. - Nghiên cứu về phía Mỹ, tác giả còn khám phá ra một sự thật mà báo chí ít ai nhắc tới: «Tất cả các lãnh đạo Hoa Kỳ từ thời Nixon-Kissinger cho đến nay, đều đánh giá sai lầm về chủ trương và mục đích của Trung Quốc. Bằng chứng làm chấn động giới chính trị Hoa Kỳ: Quyết định của Jimmy Carter và Kissinger về việc sẵn sàng yểm trợ cho TQ nhiều mặt, trong đó có mặt Khoa học kỹ thuật, để hiện đại hóa Quốc Gia nầy» (M. Pillsbury - sđd)
6. - Trả lời phỏng vần của ký giả Hélène Vissìère báo Le Point (Pháp), Ông M. Pillsbury nói: «Người Trung Quốc có vẻ như bị mê hoặc trước sự biến đổi của Mỹ thành một siêu cường. Họ nghiên cứu xem chánh sách thương mãi và công nghiệp đã giúp Mỹ vượt qua Anh Quốc và Đức như thế nào. Tôi đã sững sờ khi thấy ở thư viện trường Đảng, bên cạnh các sách về thời chiến quốc, có cả một phần dành cho kỹ thuật quản lý của Mỹ» (M. Pillsbury - Sđd)
7. - Sách của M. Pillsbury còn dẫn một bằng chứng động trời khác: Chính vị Tổng Thống nổi tiếng của Hoa Kỳ Ronald Reagan cũng phạm một sai lầm lớn là «ký quyết định số NSDD 11 năm cho phép Ngũ giác Đài đem kỹ thuật tối tân về tên lửa, hải quân và không quân, bộ binh để chuyển hóa QĐND/ TQ thành lực lượng chiến đấu có tầm vóc quốc tế» (M. Pillsbury, The Hundred-Year Marathon).
 (Có lẽ đây là thời chiến tranh lạnh, Tổng Thống Ronald Reagan dùng chiến lược giúp Trung Cộng mạnh lên để liên minh đối phó với Liên Sô).
8. - Mặt trận gián điệp: Kể từ thời Nixon - Kissinger (1972) - lợi dụng sự ngây thơ và sai lầm của CP/ Mỹ xem TQ chỉ là một nước nghèo, yếu kém - các lãnh tụ CS thiết lập một mạng lưới tình báo, cài điệp viên vào khắp các cơ quan đầu não từ Trung Ương đến địa phương Hoa Kỳ.
Giám Đốc FBI Christopher Wray tường trình trước Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 10-10-2018, về tình hình gián điệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ và cảnh cáo rằng gíán điệp TQ có mặt khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Nó bao gồm mọi thứ từ hạt ngô ở Iowa đến các «turbin» gió ở Massachusetts, từ nông nghiệp đến công nghệ cao. (Business Insider). Đây là một mối đe dọa lớn nhứt cho nền An Ninh Hoa Kỳ xuất phát từ Bắc Kinh.
Phỏng vấn của báo Le Point về chiến lược quân sự của TQ, tác giả quyển sách cho biết:” Người TQ hiện nay không đi chinh phục thế giới như những nước khác kiểu Hitler của Đức và Tojo của Nhật trong thế kỷ qua. Họ thực tiễn hơn. Mối đe dọa thật sự là sự thiếu vắng cải tổ và sự say mê những kẻ độc tài như Assad hay Mugabe. Họ tập trung phát triển loại vũ khí có thể giúp đánh bại kẻ thù hùng mạnh hơn bằng cách tấn công vào những điểm yếu của đối phương. Quyển sách chiến lược mới của TQ đánh giá Mỹ yếu trên phương diện An Ninh mạng và không gian điện não. QĐNDTQ đã thiết lập được 16 đơn vị gián điệp chuyên trách tấn công tin học. và đã phát triển một chương trình vũ khí bí mật, để phá hủy các vệ tinh Mỹ.
Tiến sĩ Michael Pillsbury nhận định: «Qua nghiên cứu, tôi được biết từ đời Mao đến nay, giới diều hâu TQ luôn luôn muốn nước họ sẽ thay thế Mỹ ở vị trí lãnh đạo kinh tế và quân sự của thế giới vào năm 2049, tức là năm kỷ niệm 100 năm ngày Mao lên cầm quyền».
«Kế hoạch nầy được biết dưới tên “Cuộc chạy đua Marathon 100 năm” mà không được ai nói đến. Nhưng bây giờ Bắc Kinh đã bắt đầu lên tiếng một cách công khai dưới trào của Chủ Tịch Tập cận Bình».
«Nếu Mỹ muốn cạnh tranh thì Mỹ phải thay đổi hoàn toàn quan điểm và nhìn nhận TQ là một đối thủ cạnh tranh chứ không phải một QG cần cứu trợ, phải nhận dạng những lãnh vực mà Mỹ có thể gây sức ép, thuyết phục các nước lân cận thiết lập một liên minh, để buộc TQ bớt hung hăng và phải bảo vệ các nhà ly khai Trung Quốc, hổ trợ giới cải cách và nghiên cứu thời kỳ chiến quốc». Ông M. Pillsbury nói tiếp.
Sách của Tiến sĩ Michael Pillsbury xuất bản năm 2015. Tổng Thống D. Trump lên cầm quyền năm 2017. Chánh phủ D. Trump đã hiểu rõ TQ. QH Mỹ cũng đã thức tỉnh và quyết tâm chống Trung Cộng qua Luật Ủy nhiệm Quốc Phòng (NDAA) 716 tỷ, 3 $USD, với một số phiếu cao nhứt của Thượng Viện 87/10
Riêng chánh phủ D. Trump đang quyết liệt đối phó với TQ. Chiến tranh thương mãi chỉ là một cái cớ để T. T Trump mở mặt trận đánh toàn diện vào Trung Quốc. Mỹ nhứt định không để cho TQ chiếm vị trí siêu cường của mình.
Mặc dù Mỹ đã sai lầm và đã chậm 2/3 đoạn đường 100 năm. Nhưng là một nước siêu cường, Mỹ có đầy đủ sức mạnh để ngăn chặn Trung Cộng. Cuộc chiến, dù cam go - kẻ thù, dù mưu mô xảo quyệt - nhưng Mỹ có nền văn minh khoa học cao nhứt thế giới, thể chế tam quyền phân lập, Mỹ xưa nay không xâm lăng lãnh thổ của bất cứ nước nào, đủ chứng minh với thế giới chính nghĩa về phía mình.
Mỹ đã thực sự hành động:
* Chiến tranh thương mãi đang quyết liệt với Trung Cộng.
- Ban hành Luật ủy quyền Q. P (NDAA)
- Mở mặt trận qui mô chống gián điệp Trung Cộng tại Mỹ:
*Sa thải, bắt và truy tố các nhà bác học gián điệp tại Viện Ung Thư Anderson TX.
* Bắt nhiều kỷ sư Mỹ gốc Hoa, trong đó có kỷ sư Xiaoqing Zheng bị tội ăn cắp dữ kiện công nghệ «turbin» của CGE. Còn nhiều vụ tương tự khắp nước Mỹ, không thể kể ra hết.
* Mỹ khởi tố 3 vụ gián điệp TQ lấy cắp bí mật công nghệ động cơ máy bay phản lực dùng cho máy bay chở hành khách. Bộ Tư Pháp Mỹ nêu rõ tên các điệp viên nầy thuộc sở An Ninh tỉnh Giang Tô: Chai Meng, Zhang Zhang Gui, Liu chun Liang, đã ăn cắp kỹ thuật cốt lõi của động cơ turbin cho các công ty hàng không thương mãi TQ.
* Báo cáo của Bloomberg phát giác TQ cấy chip nhỏ hơn hạt gạo vào 30 Công Ty Mỹ bao gồm cả Amazon, Apple, các Ngân Hàng lớn và các nhà thầu lớn của CP. Các cuộc điều tra của An Ninh Mỹ cho biết: Các con chip nhỏ hơn hạt gạo cho phép kẻ tấn công tạo ra một cánh cửa tàng hình, để xâm nhập bất kỳ mạng máy tính nào. Chỉ đưa ra vài thí dụ điển hình, còn rất nhiều vụ án khác, không kể hết được.
*Kiểm soát gắt gao, trục xuất các công Ty TQ là cơ sở hoạt động cho TQ như các đại công Ty ZTE, Huawei, Alibaba.
**Ngăn chặn không cho Công Ty TQ hay công Ty trá hình TQ mua các công ty sx sản phẩm chiến lươc của Mỹ như công ty Qualcom (sản xuất chip chiến lược) v.v…
Tình báo TQ xâm nhập vào Mỹ từ năm 2012 - theo báo Washington Free Beacon- con số lên đến 25, 000 người và hơn 15, 000 điệp viên tuyển dụng, để gia tăng hoạt động do thám tại Mỹ. - Chánh phủ Trump chủẩn bi trục xuất 100, 000 người Hoa tị nạn tại Mỹ
*Trục xuất 350, 000 SV/ TQ du học tại Mỹ.
*Đóng băng tài sản các quan chức TQ
*Đóng băngTài sản và doanh nghiệp nhà nước TQ
*Cấm các chánh phủ, các tổ chức kinh doanh hoặc các các cá nhân chuyên gia làm ăn với TQ - thậm chí có thể ngăn cấm TQ sử dụng ngoại hối bằng đô la Mỹ. (Thời Báo Hồng Kông)
* - Phá kế hoạch 1000 mgười của TQ
Tóm lại Trung Quốc chuẩn bị cuộc chạy đua nầy 69 năm trước Mỹ: Phát khởi từ trong não trạng của Mao trạch Đông năm 1949 và các lãnh tụ 5 đời kế tiếp - ý đồ vượt Mỹ, thể hiện từng bước cạnh tranh với Mỹ. Đặng tiểu Bình mở cửa cải cách kinh tế thu hút vốn đầu tư ngoại quốc (FDI). Kinh tế TQ càng mạnh, tham vọng càng lớn, cuộc chạy đua càng tăng tốc. Đến đời thứ V, họ Tập không cần giấu giếm đã công khai mức đến của cuộc chạy đua là năm 2049 - kỷ niệm 100 năm thành lập CHNDTH- Trung Quốc sẽ là đệ nhứt siêu cường thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới.
Đi trên con đường ngây thơ «nuôi ong tay áo» suốt 69 năm (1949 - 2018) - Mỹ đã tỉnh giấc từ khi D. Trump xuất hiện. Chỉ còn 31 năm để chạy đua với Trung Quốc. Dù trễ nhưng còn kịp…
Cuộc thương chiến chỉ là cái cớ, là Diện - không phải là Điểm. Điểm của Trung Cộng là đánh gục Mỹ để làm bá chủ thế giới. Điểm của Mỹ là ngăn chặn Trung Cộng không cho vượt Mỹ và thay thế Mỹ trong vị trí siêu cường. Do đó, Mỹ không thể ngưng. Trung Cộng không thể lùi. Như vậy, là một cuộc chiến phải có kẻ thắng người bại. Một cuộc chiến «một mất, một còn» giữa Mỹ và Trung Cộng.
Về kết quả cuộc đua ghê gớm nầy, báo Le Point (Pháp) hỏi: «Có thể có chiến ttranh bùng nổ ra không»? Ông Pillsbury trà lời: Có đấy, có thể xẩy ra một cuộc chiến tranh ngoài ý muốn. Trung Quốc có thói quen tung ra những cú đánh cảnh cáo: «Họ can thiệp vào Triều Tiên năm 1950, rồi Ấn Độ năm 1962. Họ cho rằng cuộc tấn công phủ đầu thường đem lại chiến thắng.»
Cuộc chạy đua Marathon 100 năm khủng khiếp nầy phản ảnh một cuộc chiến vô cùng phức tạp, khốc liệt không chỉ trên bình diện quân sự như các cuộc chiến tranh khác trong quá khứ - mà là một cuộc chiến toàn diện trên mọi lãnh vực: Kinh tế chính trị, thương mãi, Khoa học Kỹ thuật, ý thức hệ…
Thêm một bằng chứng Mỹ quyết liệt trong mặt trận chống Trung Quốc: Bộ Tư Pháp Mỹ yêu cầu Canada bắt và dẫn độ bà Mạnh vãn Chu (Meng Wanzhou) - Phó Chủ Tịch kiêm Giám đốc Tài Chánh công Ty Huawei – Công Ty sản xuất «chip tối tân 5 G» lớn nhứt của Trung Quốc tại Mỹ. Mỹ ra tay ngăn chặn và phá vỡ Huawei - công Ty tình báo ngụy trang thực hiện kế hoạch «Made in China 2025» để vượt Mỹ và thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới.
Thê giới đang nín thở chờ xem diễn tiến ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. /.
Lê Quốc

Share:

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Tháp thần Trung Quốc



Tháp Thần Trung Quốc



Dương Thanh-Phương 
(Yang Xifan)


Xifan Yang – Journalistin und Autorin


Cộng Sản trung quốc đang hoàn thiện mạng lưới điện tử để kiểm soát dân. Nhưng tại sao dân lại không phản đối? Bài của Dương Thanh-phương (Yang Xifan), phóng viên của Die Zeit tại Pê-kinh (Die Zeit số 3 ngày 10.01.2019).
Người dịch: Phạm Hồng-Lam.
Tựa do người dịch đặt.

 

Danh sách sổ đen được cập nhật hàng ngày. Đã có trên 12 triệu danh tính trên trang mạng của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao (TA), gồm tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, tội vi phạm. Từng ngày, từng giờ, từng phút danh sách kết án về tội «phá vỡ lòng tin» cứ dài thêm theo sau mỗi nhát búa đóng xuống bàn của các quan tòa.
Sơn-phương, 46 tuổi, ở thành phTangshan, tỉnh Hồ-bắc (Hebei). Đương sự đã phá vỡ niềm tin do nhân dân trao phó, khi đương sự gây ra tai nạn xe hơi và không bồi thường cho nạn nhân.
Quý-châu, 18 tuổi, quận Hua, tỉnh Hà-nam (Henan). Đương sự trốn nhiệm vụ quân dịch trong tỉnh bất an Tân-cương (Xinjiang) và bỏ trốn về nhà.
Tính, 60 tuổi, quận Taojiang, tỉnh Hồ-nam (Hunan). Dắt chó đi chơi. Chó chồm lên một ông già về hưu, làm ông trượt té gãy xương. Đương sự còn nông già tính ra 3000 âu kim tiền bồi thường.
Việt-linh, 45 tuổi, thành phố Linfen, tỉnh Sơn-tây (Shanxi). Tỉ phú với một hệ thống công ti làm phim điện tử và bán điện thoại số - cho tới khi thất bại và không còn trả được nợ nữa.
Hứa, 40 tuổi, đơn vị hành chánh Trùng-khánh (Chonqging). Bị kết án «làm tổn hại thanh danh» và «phao tin đồn». Ông này trước đó là một nhà báo phóng sự điều tra và đã khám phá ra nhiều vụ tham nhũng.
Trong thời Trung Cổ, ai bị tố là đã không tuân thủ quy luật của cộng đồng, người đó bị trói vào một cây cọc nơi công cộng. Người qua lại có quyền nhạo báng, nhổ nước bọt, ném bất cứ một thứ gì lên đương sự. Trang mạng của TA giờ đây biểu hiện cho thời Trung Cổ kĩ thuật số, nó là cọc bêu xấu tội nhân lớn nhất xưa nay chưa từng có. Những người bị bêu tên trên đó dĩ nhiên không bị người khác nhổ lên mặt. Nhưng họ không còn được phép mua nhà nữa. Không được mua vé máy bay. Không được lập công ti. Không còn được bước lên xe lửa tốc hành nữa.
Nhà nước bêu tên những người phá vỡ niềm tin ra nơi công luận. Điều đó không có nghĩa là những người này muốn công khai nói về số phận của họ. Dĩ nhiên cũng chẳng ai muốn liên hệ với báo chí ngoại quốc. Họ sợ lại gặp phải những khó khăn khác, nhiều người tránh né vì mắc cở. Vì thế người đàn ông ngồi nơi hàng ghế sau cùng của một quán cà-phê ở đâu đó trên miền bắc Trung Quốc này, với hai điện thoại cầm tay không ngừng reo để trước mặt, cũng chẳng phải là người có tên thật là Vương Việt-du. Bức tường nơi anh ngồi có treo những tấm hình nạm bạc của Marilyn Monroe và Bruce Willis. Bên ngoài cửa quán, gió như cắt da, những người đàn bà trùm khăn trên đầu đứng rán và chào bán khoai lang chiên đàng sau mấy cái lò rỉ sét. Đây hẳn không phải là vùng đất đầy ánh đèn lấp lánh của Trung Quốc, nơi sinh thành của anh Vương dễ mến, mà là nơi anh tự chọn tới đây để tị nạn.
Vương kể chuyện mình như sau: tại quê hương, gia đình anh có một công ti vận chuyển, chủ yếu chuyên chở bê-tông, Vương lo chuyện tài chánh. Những năm 2000´ là thời gian béo bở, trong nghành xây dựng chẳng ai kí hợp đồng, chỉ cần một bữa nhậu và cái bắt tay là có thể bắt đầu công việc làm ăn. Nhưng rồi năm 2014 khách hàng quan trọng nhất của Vương bị phá sản và chẳng bao lâu gia đình Vương ngồi trên đống nợ tính ra khoảng 3 triệu âu kim. Vì không có hợp đồng, cá nhân Vương phải chịu trách nhiệm. Cơ sở bị đấu giá. Các trương mục bị đóng. Khi các chủ nợ sai một nhóm đầu gấu tới siết, Vương hoảng sợ, đưa vợ con với hai chiếc va-li phóng một mạch 2500 cây số tới đây trốn. Một tòa án đưa tên anh lên bảng đen.
Với món tiền mặt do thân nhân cho trên đường lẫn trốn, Vương mua một chiếc xe con cũ và cố gắng kiếm sống bằng cách chở người qua đường. Cho đến lúc bị cơ quan tín chỉ xã hội rút giấy phép hành nghề, cho dù anh đã phấn đấu có được hàng ngàn đánh giá tích cực: Anh bị loại do «kiểm tra hậu cảnh», có lẽ vì có tên trên bảng đen của tòa án.
Vương biết hàng trăm trường hợp như thế. Anh mở một diễn đàn trao đổi, để những người bị khinh miệt như anh trao đổi với nhau. Nhiều người vừa khóc vừa gọi điện cho anh ban đêm. Một chị cho biết, chị bị kết án phá vỡ lòng tin, vì bên đơn có liên hệ tốt với quan tòa. Những người khác phải mất việc, vì chủ đọc được tên của họ trên danh sách đen của tòa án. «Đa số những người có tên trên danh sách đen là vì thiếu nợ. Họ cũng muốn trả cho xong, nhưng không làm sao trả được.» Vương cho hay, anh biết nhiều người đã trả hết nợ, nhưng không hiểu sao tên họ vẫn nằm trên danh sách. Có lẽ là do sự chuyên quyền của tòa án, anh nghĩ.
Sở dĩ hôm nay Vương dám ngồi đây nói chuyện với nhà báo, chỉ duy nhất là vì anh muốn «làm rõ một điều». Anh nói: «Chẳng có luật lệ nào giúp chúng tôi cả. Cái hệ thống ở Trung Quốc đối xử với chúng tôi như những người bị loại ra lề.»
 Trên các chuyến tàu lửa người kiểm vé nhắc nhở qua loa phóng thanh: «Lưu ý, yêu cầu hành khách không được hút thuốc trong toa, và đừng đi lậu. Ai vi phạm sẽ bị ghi tên vào danh sách những kẻ phá vỡ lòng tin!»
Trong các phi trường người kiểm soát cảnh báo: «Hành khách không được mang theo máy lửa hoặc dao theo mình – Đừng hành động như kẻ làm hại đến lòng tin!»
Trong một số thành phố ở Trung Quốc có bảng chỉ dẫn bên đường: «Không chạy ẩu, và đừng lái xe khi say – Đừng làm hại tới tín chỉ xã hội của quý vị!»
Mỗi người có một «tín chỉ xã hội» - đó là tiêu đích của các nhà cầm quyền Pê-kinh. Trong tương lai nhà nước canh kiểm (canh chừng và kiểm soát) qua mạng kĩ thuật số (digital) này muốn đánh giá mọi người dân, mọi công ti, mọi cơ quan qua cách ứng xử của họ có đúng với khuôn thước nhà nước muốn hay không. Dưới con mắt phương tây, danh sách đen của TA là điều kinh khủng. Nhưng đó chỉ mới là giai đoạn đầu. Nếu các kế hoạch của nhà cầm quyền thành hiện thực, thì hiện thực này cũng chỉ là một yếu tố của một xã hội - đánh giá (Rating-Gesellschaft) bao trùm.
Và rồi nhà nước không chỉ nắm tóc những ai bị coi là đã trốn thuế hoặc đã trốn thuế thật, những kẻ lừa đảo, tham nhũng. Nó sẽ đồng thời khen thưởng những ai ứng xử tích cực, đã giữ đúng luật, đó là những người thành thật, những anh hùng lao động, những nhân dân bình thường. Tín chỉ xã hội của họ, nghĩa là sự tin tưởng của nhà nước vào họ, sẽ được nâng cấp.
Khen và trách, thưởng và phạt. Tất cả những thứ này gắn liền với mình ngày đêm như bóng với hình. Hệ thống tín chỉ xã hội của Trung Quốc đang trong giai đoạn hình thành từng mảng đây đó. Nhưng danh sách đen đã được thực hiện khắp nước. Tín chỉ xã hội mới chỉ được bắt đầu thử nghiệm ở một số nơi. Ở những nơi này nhà nước đã ứng xử như một công ti vốn dành ưu tiên cho khách hàng trung thành của mình. Ở Đông-trang (Rongcheng), người dân nào hăng hái việc đảng, giúp tiền hoặc hiến máu cho bộ đội, được thành phố giảm cho tiền lò sưởi và được sử dụng miễn phí xe đạp của thành phố. Ở Thẩm-trấn (Shenzhen), chính quyền lập một quầy mua vé nhanh ở phi trường dành cho những ai đặc biệt đáng tin cậy. Trong thành phố này ai lái xe vượt đèn đỏ và rơi vào ống kính máy hình, sẽ gian nan với những hậu quả. Chính quyền cho biết: «Ai lạm dụng trong phạm vi lòng tin, người đó sẽ nhận được những hạn chế tại mọi nơi.»
Đó là cuộc thí nghiệm xã hội lớn nhất trong thời đại chúng ta: Cả một dân tộc chịu để cho người ta điều khiển động thái của mình? Các nhà cầm quyền Trung Quốc trong tương lai sẽ tổng kết được mọi kiến thức của từng người trong các ngân hàng dữ liệu – và từ đó có thể kiểm soát hoàn toàn được mọi người dân? Và rồi một nhóm người ưu tuyển sẽ giáo dục 1,4 tỉ con người như dạy dỗ một đám con nít, kịp thời khen thưởng hoặc khiển trách chúng đúng lúc?
Cơn ác mộng của Orwell. Năm 1984 cho thế kỉ 21. Như thế, đối với phương tây dân chủ, mọi chuyện có thể đã rõ: Người dân trung quốc bị đàn áp, ngay từ lúc này bởi kĩ thuật điện tử số (digital). Chỉ có một điều trái khoáy, đó là kết quả thăm dò ý kiến của Genia Kostka.
Kostka là nữ giáo sư về Trung Quốc Học tại Đại Học Berlin. Đầu năm 2018 bà hỏi hơn 2000 người Trung Quốc về các kế hoạch của nhà cầm quyền. Bà đã ngạc nhiên: «80% coi hệ thống tín chỉ xã hội là tích cực.» Bà thêm: cho dù ta thêm vào yếu tố người dân trong các nước độc tài thường có khuynh hướng nói theo chính quyền, thì yếu tố này cũng chẳng làm thay đổi kết quả, vì nó đã quá rõ ràng. Và nhất là, theo bà, giới có học và có của lại tán đồng tín chỉ xã hội nhiều hơn. Hỏi các bạn bè, người quen hoặc kẻ gặp trên đường tại Pê-kinh, Thượng-hải (Shanghai) hoặc Thành-đô (Chengdu), thì câu trả lời gần như luôn là tán đồng.
Có thể có hai lối giải thích. Hoặc là hầu hết người dân trung quốc chỉ muốn phục tùng nhà nước như những người máy. Hoặc là họ có những lí do để tán đồng kế hoạch của nhà nước...
  Vân-châu (Wenzhou) nằm trong một eo biển phía đông nam, một thành phố với nhiều triệu dân cư; lịch sử mới mẻ của thành phố này giải thích cho ta hiểu, vì sao có nhiều người Trung Quốc nhìn vào hệ thống tín chỉ xã hội như một cơ may. Trong một công viên cách vùng đi bộ 20 phút lái xe, Dư Đông-phong đang đứng chờ trước một gian hàng triển lãm nhỏ - đó là «Viện Bảo Tàng Đức Hạnh» (VBT). Dư 38 tuổi, mặc áo sọc ô vuông xanh với quần ka-ki, là cán bộ lãnh đạo trong Ủy Ban Phát Triển Và Kế Hoạch của thành phố. Anh khai trương VBT này trước đây nửa năm. Viện có mục đích đưa người dân thành phố trở lại thành người chân chính.
Là vì đức hạnh đã bị tổn thương trong thành phố này. Và không chỉ thành phố này mà thôi.
Dư dẫn rảo khắp VBT. Trên tường treo đầy chứng chỉ hạnh kiểm mà thành phố đã trao cho các nhân dân gương mẫu. Này là chứng chỉ của một anh sinh viên đã cứu hai cháu bé gái khỏi tai nạn xe lửa. Kia là chứng chỉ của một người bán cá 80 tuổi, vì bác có mặt ở chợ đều đặn suốt tháng suốt năm, để kí cóp trả nợ cho con cái. Dư đứng lại trước một bức ảnh chụp năm 1999. ảnh chụp một núi giày cao bằng một tòa nhà đang bốc cháy. Anh nói: «Đây là thời điểm đen tối nhất của thành phố chúng tôi.»
Khi tôi còn nhỏ, Dư kể, đôi giày của tôi vừa đi chưa được một ngày đã hư. Vân-châu trước đây nổi tiếng về loại «giày một ngày» này. Con buôn âm thầm sản xuất hàng nhái hiệu ngoại quốc, đôi khi cả hiệu trung quốc. «Sáng ra xỏ vào chân, chiều tối vứt vào đống rác».
Khắp nước đều biết loại giày một ngày của Vân-châu. Người chủ của một hãng sản xuất giày ở Trung Quốc, người bị thiệt hại nặng nề vì loại giày nhái đó, đã kêu gọi dân chúng tẩy chay. Ông cho chất một núi thứ hàng đó và châm lửa đốt. Đây là hình chụp vụ đốt giày đó. Phong trào lan ra khắp nước. Năm 2002 thành phố bắt đầu ra lệnh bắt phạt những kẻ làm giày nhái.
Rồi tới hè 2011 Vân-châu lại gặp một khủng hoảng nữa. Một sáng một chiều hàng trăm công ti xí nghiệp bị phá sản, dịch vụ mua bán bất động sản ngắc ngoải. Lí do: nạn tín dụng bóng (Schattenkredit).
Kinh tế Vân-châu gồm trên 90% xí nghiệp nhỏ và vừa của tư nhân. Vì những xí nghiệp loại này khó vay được tiền của ngân hàng nhà nước, nên họ phải tìm cách vay mượn qua trung gian. Các ông trung gian trao tiền tay trực tiếp, thường chẳng có hợp đồng gì cả và lãi có thể tới 40%. Rồi bong bóng bể. Các ông trung gian ngồi trên đống tiền chết lên tới hàng tỉ. Chẳng còn ai biết ai mắc nợ ai. Các băng đầu gấu của các tổ chức siết tiền lượn khắp thành phố, các chủ xí nhiệp nhảy từ lầu cao tự tử.
«Sự thành thật rơi vào khủng hoảng» Dư nói. Lãnh đạo thành phố tìm mọi cách đưa dân trở về đường ngay, và theo họ, cải tạo là phương cách hay nhất. Vì thế sau đó Dư không những đã khai trương VBT mà còn góp phần xây dựng một hế thống tín chỉ xã hội cho thành phố. Vân-châu là một trong những địa điểm thí nghiệm hệ thống tín chỉ xã hội của nhà nước Trung Quốc.
Cùng với các chuyên viên lập trình, Dư lập nên một chương trình ứng dụng (App) mang tên «Vân-châu đáng được hưởng tín dung». Huy hiệu là hình một con chim trắng đang dang cánh, chữ trung quốc có nghĩa là «lòng tin». Thay vì các người trung gian, giờ đây chính thành phố mở ra một trung tâm dịch vụ để giúp tư nhân vay vốn. Qua hệ thống mạng điện tử người cho vay có thể tìm hiểu người vay, xem họ đã vay ai chưa và có trả tiền đúng hẹn không. Địa chỉ của người vay ở đâu. Người đó còn nợ tiền mua nhà bao nhiêu. Có trả thuế đều đặn không. Người đó có quên biên lai trả tiền điện tháng nào không. Đậu xe ẩu bị bắt phạt mấy lần. Dĩ nhiên người vay ngược lại cũng có thể tìm hiểu kẻ cho mình vay.
Kể thừ khi App được đưa lên mạng, tiền bắt đầu chu chuyển trở lại ở Vân-châu, và người ta dễ dàng hơn để đặt kế hoạch trở lại. Đây là lí do đầu tiên cắt nghĩa tại sao người Trung Quốc coi hệ thống tín chỉ xã hội là điều tích cực.
Ngay tự ban đầu nhà nước trung quốc quả thật muốn lập một hệ thống kiểm tra tín dụng cổ điển. Một loại hệ thống kiểm soát nợ (Schufa) như ở Đức. Chỉ thế thôi. Nhưng cái mà Vân-châu hiện nay có, Dư hãnh diện nói, còn hay hơn Schufa của Đức nhiều. Chẳng bao lâu, nhà nước hiểu ra, với hệ thống này họ có thể làm được nhiều thứ khác nữa, chứ không chỉ để điều khiển tín dụng mà thôi!
Giờ đây App của Dư Đông-phong còn hoàn thành những vai trò khác nữa. Ở Vân-châu, trước khi bước vào một siêu thị, khách hàng có thể tầm tra xem siêu thị này trước đây có bán thức ăn đồ uống gây độc hại không. Bệnh nhân có thể biết ông bà bác sĩ kia đã bán phạt nào chưa vì tội chữa bậy. Người cho thuê nhà có thể biết người sắp thuê nhà của mình có nợ nần hay chạy làng lần nào chưa. Muốn xem tín chỉ xã hội của người khác, các tư nhân phải có phép của chủ nhân của nó. Hồ sơ của các công ti xí nghiệp và các cơ quan chính quyền được mở công khai.
Xem ra Dư xác tín, là nhờ hệ thống tín chỉ xã hội mà đời sống ở Vân-châu tốt đẹp hơn. Người dân không còn phải lo bị lừa: «Những tay phá vỡ lòng tin không còn cơ hội thoát lưới nhà nước nữa.» 

Đã từ lâu người Trung Quốc sống trong một xã hội chụp giựt của tư bản rừng rú
Để hiểu nỗi lo sợ trước việc phá vỡ lòng tin nơi người Trung Quốc xuất phát từ đâu, ta phải trở về với thập niên 1970´. Thời đó những người thống trị Trung Quốc đang gặp khủng hoảng về tính chính đáng pháp lí của họ. Sau nhiều chục năm nội chiến, chết đói và những chiến dịch đấu tranh giai cấp tương tàn, người ta nhận ra: Chủ nghĩa mác-xít đã thất bại. Phải cần một mô hình xã hội mới. Cần ổn định và phát triển kinh tế. Nhưng quyền thống trị thì đảng cộng sản phải bám giữ.
Muốn vậy, phải làm sao với một dân như dân tộc Trung Quốc, một dân tộc mà nhà cách mạng Tôn Dật Tiên đã có lần gọi là «một đống cát rời». Đặng Tiểu Bình, người cầm quyền lúc đó, ngước trông đây đó để tìm mẫu gương – và ông đã thấy Singapour. Ở đây, các nhà cầm quyền xem ra đã thực hiện được cái không thể làm nổi: đã gom chặt cái đống cát lại, biến dân họ thành một xã hội phồn vinh và kĩ luật. Thị trường tự do và luật lệ nghiêm nhặt xem ra là công thức đưa tới thành công cho nước này. Đặng muốn biến Trung Quốc thành Singapour.
Thị trường tự do hoạt động khá tốt. Đặng tháo cũi xổ lồng cho một phép lạ kinh tế mà từ trước tới lúc đó chưa ai thực hiện được trên đất nước này. Ở Vân-châu là những xí nghiệp sản xuất giày dép, nơi khác là các công ti lắp ráp xe hơi, kĩ nghệ cơ điện. Đứng ngoài mà nhìn thì Trung Quốc ngày nay quả là một hệ thống được tổ chức hoàn hảo, một Singapour vĩ đại, trong đó mỗi người chu toàn vai trò của mình. Ngày một ngày hai ở đây xuất hiện những phi trường mênh mông và những thành phố hàng triệu người, nhiều đập nước to lớn, xe lửa chạy nhanh và đúng giờ hơn tại Đức.
Phần luật lệ nghiêm nhặt thì trái lại không thành công. Đống cát rời ra như chưa bao giờ có.
Sau bốn chục năm phát triển kinh tế liên tục, cuộc sống hàng ngày của hầu hết người dân trở nên bất an và hỗn loạn hơn bao giờ hết. Nhà cầm quyền ra hết luật này tới nghị quyết kia, mà có mấy ai theo. Tư pháp kết án một cách áp đặt, tùy tiện, và trong toàn quốc chỉ có khoảng 200.000 luật sư, tính so theo đầu người, tại Đức có nhiều gấp 14 lần hơn. Một phần lớn dân Trung Quốc không đóng thuế. Hiếm có một cán bộ nào không tham nhũng. Hiếm có một bạn kinh doanh nào không lừa đảo.
Người Trung Quốc đau khổ vì nạn bon chen của xã hội tư bản rừng rú. Và đây là lí do thứ hai để họ chấp nhận hệ thống tín chỉ xã hội, cả ở Vân-châu lẫn các nơi khác: Các khẩu hiệu về «Lòng tin» và «Sự thành thật» không chỉ là những câu tuyên truyền. Quả thật đa số người Trung Quốc mong ước có sự trong sáng, có luật lệ rõ ràng và văn minh trong xử thế xã hội. Nhiều người tự hỏi, sống dưới một chế độ độc tài nhưng trật tự có tốt hơn dưới một chế độ độc tài hỗn độn không? Đảng có lí không, khi họ vận dụng nguồn dữ liệu điện tử không lồ (Big Data) để thực hiện sự hứa hẹn từ mấy chục năm nay: biến đất nước thành Singapour? Phải chăng lòng tin được tạo thành do từ trên?
Các dán mở đường đầu tiên tại địa phương, nay đã lên đến 40 dự án, bắt đầu thí nghiệm từ năm 2010. Đấy là cái văn hóa thí nghiệm đặc thù của hệ thống cai trị tại Trung Quốc: thử từ những bước nhỏ, để xem cái nào vận hành, rồi áp dụng cái ấy ra toàn quốc. Cả việc phát triển kinh tế cách đây bốn chục năm cũng khởi đầu như thế, bắt đầu từ một vài khu kinh tế đặc biệt trong một số vùng.
Năm 2015 nhà nước có thêm một sáng kiến. Họ ủy cho một số công ti kĩ thuật, song song với các thành phố đang thử nghiệm, lập ra những hệ thống tín chỉ xã hội riêng cho mình. Nhà nước có ý đồ riêng. Các công ti sẽ chuyển khối dữ liệu khổng lồ cần thiết cho nhà nước, để nhà nước kềm giữ người dân. Dữ liệu điện tử được coi là xăng dầu của thế kỉ 21. Càng nhiều người dân nạp dữ liệu mình cho máy, máy tính càng thông minh, độc tài kĩ thuật số càng làm việc hữu hiệu hơn. Vì thế những nhân dân như Trần Việt dưới đây rất cần cho Trung Quốc.

Ngay cả người ăn xin cũng nhận tiền tặng qua điện thoại di động
Trần Việt, 32 tuổi, ngồi trên chiếc ghế ni-lông trong xưởng sửa xe của anh ở ngoại ô Pê-kinh. Anh bận chiếc áo ngắn tay có chữ «Surfing Long Beach». Trần là một con cá nhỏ hưởng lợi nhỏ từ cuộc phồn thịnh kinh tế (Boom). Anh kể, từ một người dân quê ở làng, anh đã làm việc cật lực để trở thành chủ của xưởng sửa xe hơi Volkswagen này. Ngày nay anh có nhà riêng, có tiền cho vợ và hai con đi nghỉ mát ở bãi biển.
Được hỏi làm sao quản trị xưởng này, anh chỉ lên một cái kệ trống trơn sau lưng. Đây là chìa khóa của câu chuyện.
Trần nói, anh đã hủy hết tất cả các hồ sơ của ngân hàng. Hiện nay anh thực hiện mọi giao dịch tiền nong qua điện thoại di động, bằng một cái App có tên Alipay: Anh vay mượn tiền ngân hàng, trả tiền cho các dịch vụ cung cấp, đặt tã cho con, mua phở cho mình, tất thảy đều qua trực tuyến (online). Và khi có việc ra đường, gặp một người ăn mày làm mình mủi lòng, anh lấy điện thoại ra quẹt số mật mã (QR-code) do người ăn mày đưa. Trần đánh vào máy số tiền muốn cho. Ngay lập tức khoản tiền hiện lên trên mặt chiếc điện thoại của người ăn xin – qua Alibay. Ở Trung Quốc hiện có nhiều người ăn xin sử dụng kĩ thuật này.
Hiếm có một quốc gia nào có cuộc sống hàng ngày với mức độ kĩ thuật số cao như ở đây, và có số lượng người say mê phương tiện kĩ thuật mới nhiều như ở đây. Gọi thợ đấm bóp tới nhà, trả tiền điện nước, mua vé xi-nê, lấy hẹn bác sĩ, giải quyết hẹn với các cơ quan, tất thảy những thứ đó dân trong các thành phố lớn đều giải quyết bằng điện thoại di động.
Alipay thuộc sở hữu của Alibaba - một thứ Amazon của Trung Quốc. Đại công ti điện tử này là một trong số các công ti được nhà nước ủy nhiệm cách đây ba năm. Hệ thống tín chỉ xã hội của Alibaba hiện có khoảng 500 triệu người dùng, bằng tổng số người dân Liên Quốc Âu châu. Mỗi người có một số điểm, số điểm này phản ảnh tình trạng tín chỉ xã hội của người đó. Alibaba giữ kín không cho biết hệ thống tín chỉ đó vận hành ra sao, cũng giống như Coca-Cola giữ kín công thức nước uống của mình. Chỉ biết: Trần càng mua hàng hay trả tiền nhiều, số điểm của anh càng tăng; số điểm cũng tăng lên, nếu anh nối mạng với nhiều người khác. Anh cho hay: «Tôi có được 756 điểm rồi». Tối đa là 950 điểm. Xem ra Trần rất hài lòng.
756 điểm, gần giống như được thẻ vàng trong trò gom góp hải lí của các hãng hàng không. Phần thưởng: Trần giờ đây có thể thuê khách sạn mà không phải đặt tiền cọc. Nếu phải vào bệnh viện, anh được vào ngay phòng khám, khỏi phải xếp hàng chờ. Muốn đi du lịch Singapour, Luxemburg, Nhật hay Canada, anh nhận được ngay hộ chiếu từ các nước đó thông qua một thủ tục nhanh. Trên trang điện tử của chính quyền Luxemburg có ghi: «bạn hàng chiến lược» của Alibaba. Đại công ti này hiện có sức mạnh đến nỗi nó đòi hỏi được chế độ ưu tiên cho khách hàng của nó không những nơi các công ti khác, mà cả nơi những định chế công và ngay cả nơi các quốc gia.
Đến một lúc, chính quyền trung quốc đâm sợ các công ti này. Năm 2017 họ không trao cho Alibaba và các công ti khác việc xây dựng hệ thống tín chỉ xã hội của nhà nước nữa. Họ sợ nguy cơ các công ti lợi dụng hệ thống này để gia tăng quyền lực của thị trường riêng, mà ít quan tâm tới «sự ổn định xã hội». Họ sợ rằng, việc kiểm soát toàn dân vượt khỏi tầm tay của đảng cộng sản. Điều này không có nghĩa là sự cộng tác với các công ti là không có ích. Qua các công ti, họ đã thuyết phục được hàng trăm triệu người dân về sự thoải mái của việc đánh giá bằng điện tử. Xem ra những ai làm tín chỉ xã hội với Alibaba đều có lợi, chứ chẳng thiệt thòi gì.
Trần Việt chẳng lo nghĩ gì về việc anh trao mọi dữ kiện cho máy, về việc đưa toàn bộ công việc quản trị lên trực tuyến. «Là một cá nhân, tôi chẳng quan trọng gì.» Nghe như thể một sự dễ dãi chấp nhận số phận, nhưng Trần cho đó là thái độ «thực tế».
Lớn lên từ một căn chòi đất, Trần chỉ biết, nhờ điện số hóa (Digilitalisierung) mà cuộc sống được cải tiến. Rời xưởng sửa xe của anh…, tôi nghĩ tới sự quyến rũ của tiện nghi. Đó là lí do thứ ba khiến đa số dân Trung Quốc chẳng âu lo gì về kế hoạch canh kiểm của nhà nước bằng điện tử.
 «Đám đông có con mắt tinh», đó là một khẩu hiệu cũ dưới thời Mao, một thời cộng sản chủ trương người chống người, học sinh tố cáo thầy cô, vợ chồng tố cáo nhau. Trong nhiều thành phố nhỏ và nhiều làng xã miền sâu miền xa chính quyền giờ đây lại làm sống lại câu khẩu hiệu tuyên truyền cũ. Nhưng hôm nay chẳng ai phải khó nhọc theo dõi từng cá nhân làm hại nhân dân để tố cáo nữa. Công việc này đã có trăm con mắt máy ghi hình của nhà nước.
Một người đàn ông ở xã An-huy, xã có 3000 nhân khẩu thuộc tỉnh Tứ-xuyên, đang bật lửa đốt bao rác trong một ngày mùa đông, có lẽ để sưởi ấm, thì bỗng từ góc đường bên kia nổi lên tiếng loa yêu cầu anh giữ trật tự. Thoạt tiên loa xướng tên anh rồi ra lệnh: «Dập tắt lửa ngay lập tức!». Có thể nhìn cảnh hoảng hốt của người đàn ông ấy trên màn Video đầu năm 2017. Anh ta tắt vội đống lửa và chạy biến mất.
Dương Liêu-quân, 55 tuổi, cho chạy lại đoạn Video với nụ cười mãn nguyện. Bà là bí thư đảng bộ xã An-huy, một phụ nữ thanh lịch và quả quyết. Hiếm khi cán bộ ở Trung Quốc chịu nói công khai về các phương pháp kiểm soát của họ. Nhưng Dương xem ra cũng hãnh diện với vai trò của mình, chẳng khác chi anh cán bộ Dư Đông-phong ở Vân-châu và anh Trần Việt trong xưởng sửa xe. Bà Dương là một trong những phụ nữ lãnh đạo hiếm hoi trong vùng này. Bà có thể vào phòng quan sát của xã với 16 màn hình thu nhận phim từ 24 máy hình treo khắp các ngõ ngóc của xã. 24 «con mắt thần», tên gọi chính thức ở đây, có thể xoay 360 độ, cứ mỗi ba cái lại gắn với một cái loa. «Chẳng có chi thoát được máy hình của chúng tôi», Bà nói.
Người ta thấy những ngôi nhà gạch xám. Những cây ăn trái thẳng hàng. Thỉnh thoảng cũng có những nhân dân phá rối. Bà Dương chỉ vào người trên màn hình nói: «Những người lối xóm, gia đình đương sự và mọi người chung quanh đó đều nghe được những gì loa nói. Từ đó ở An-huy chẳng còn ai dám đốt rác ở trên đường!»
Trong những thành phố lớn mắt thần đã được gắn ở hầu hết các đường phố, công viên và bãi đậu xe. Công an Pê-kinh sở hữu loại mắt thần mắc nhất, có thể kéo (Zoom) bảng số xe cách xa 1,6 cây số lại gần. Các loại khác có thể chụp khuôn mặt, có thể nhận diện giọng nói, phân tích các cử động và đếm số người qua lại, chúng được trang bị kĩ thuật nhìn ban đêm, xuyên sương mù và hệ thống chuyển dữ kiện qua WiFi. Công ti chuyên về trí khôn nhân tạo mới mọc Sense-Time của Trung Quốc với số vốn 4,5 tỉ đô-la có lẽ là công ti chế tạo kĩ thuật canh kiểm tối tân nhất thế giới hiện nay.

Chính quyền có chương trình canh kiểm toàn bộ không gian công cộng trong nước

Giờ tới lượt các làng xã. Ở An-huy, bà Dương kể, trước đây cứ mỗi lần tết đến là gia súc, thịt nguội và dầu ăn cứ bị đánh cắp hoài. Mấy tay ăn cắp muốn nhà mình có một lễ tết thật tươm tất. Ngày nay nạn ăn cắp hầu như chẳng còn. Đánh nhau, đậu xe trái chỗ, buôn gánh trái phép gần như hết hẳn. Vừa rồi có một người cha thất lạc đứa con gái năm tuổi. Ông không vội vã chạy tìm khắp hang cùng ngõ hẻm. Ông chỉ cần bật vô tuyến truyền hình ở nhà, vào kênh «24 mắt thần». Mọi người dân trong xã có thể dùng máy truyền hình của mình để thông báo những gì bất thường trên đường xá tới phòng quan sát của xã. Có thể phòng quan sát đã không nhận ra được những cái bất thường kia... Và người cha đã tìm thấy con ở một ngách đường.
Bà Dương phấn khởi cho hay, dân trong xã giờ đoàn kết hơn. Họ không những thấy được những hình ảnh từ mắt thần, mà còn có thể theo dõi tài chánh của xã, từng số tiền chi cho mỗi bóng đèn đường và mỗi bóng đèn giao thông. Chính sự kết hợp giữa trong sáng và canh kiểm làm cho người dân An-huy lóa mắt.
Nhưng chỉ sau nửa tiếng đồng hồ phỏng vấn sự phấn khởi của bà Dương kết thúc. Ông trưởng phòng tuyên truyền trên quận gọi điện thoại. Gió đã đưa tin cuộc phỏng vấn tới tai ông, và ông yêu cầu phải chấm dứt ngay cuộc nói chuyện không có phép với báo ngoại quốc.
Chính quyền Pê-kinh có một kế hoạch, trong tương lai sẽ dùng máy thu hình canh kiểm toàn bộ không gian công cộng trên toàn quốc. Khối lượng dữ kiện có được qua hệ thống này sẽ được nối vào hệ thống tín chỉ xã hội, để có thể theo dõi hành vi thái độ của từng người dân, một khi họ bước ra khỏi nhà. Một công tác vĩ đại. Hệ thống này đang được thí nghiệm ở Tân-cương.
Không đâu trên thế giới hệ thống canh kiểm này đã đạt mức độ hoàn hảo như tại Tân-cương ở phía tây Trung Quốc, nơi dân tộc Uiguren theo đạo Hồi phải rơi vào một cuộc phân biệt đối xử điện tử nặng nề dưới danh nghĩa chống khủng bố. Tân-cương là nơi thí nghiệm Big-Data của bộ máy công an: Các phòng trà đều có gắn máy hình, mỗi chiếc xe hơi theo luật phải gắn máy định vị GPS. Nhà nước đang xây dựng một ngân hàng dữ liệu nhận diện người, với ảnh chụp, dấu tay, mẫu DNA và hình chụp con ngươi của mỗi người dân. Các chương trình đánh hơi soi xét tường tận các mạng lưới WLAN công cộng. Các điện thoại di động phải cài một «phần mềm chống gián điệp», phần mềm này có cái tên thật trớ trêu: Phần mềm này kiểm soát toàn bộ mọi sinh hoạt trực tuyến (online). Theo Human Rights Wacht hiện thời tất cả các dữ liệu đều được nối về một hệ thống chung; nhờ tiến trình học tập của máy, nó sẽ báo trước cho biết, ai sẽ là người có chiều hướng phạm tội ở một lãnh vực nào. Nếu máy phun ra dấu hiệu khả nghi, người đó sẽ bị lôi vào trại cải tạo.
Tân-cương có mười triệu dân Uiguren. So với con số này thì dân Trung Quốc đa phần hãy còn đang sống trong vòng «tự do». Họ không thể nào tưởng tượng được, nhà tù lại cũng là một phần của hệ thống tín chỉ xã hội trong hình thái cực điểm của nó. Đó là lí do thứ tư của sự chấp nhận các kế hoạch của nhà nước. Phần đông dân chúng của nước này chưa có kinh nghiệm bản thân về hệ thống canh kiểm toàn diện này của đảng.
Ý hướng ban đầu của chế độ là tới năm 2020 sẽ hoàn tất việc lắp ráp toàn bộ hệ thống canh kiểm. Dự tính về thời gian này hẳn sẽ không thực hiện được. Nhiều ủy ban và nhóm làm việc tại các đại học hiện đang phải làm sáng tỏ điều cốt lõi này: Làm sao để nối kết được tất cả dữ liệu từ 33 tỉnh và vùng quản lí đặc biệt, từ 2852 quận huyện, 19.322  thành phố và 623.669 làng xã? Làm sao thu thập dữ kiện của 500 triệu dân ở các vùng thôn quê xa xôi không có trực tuyến? Và làm sao có thể cân đo và trình bày được giá trị của từng cá nhân đối với xã hội?
Ở Vân-châu, thành phố với «Viện Bảo Tàng Đức Hạnh», khởi đầu chỉ nghĩ tới một bảng điểm duy nhất cho mỗi người dân – họ muốn làm việc với người dân giống như Alibaba với khách hàng của nó. Chương trình này hiện đã bị các nhà lập kế hoạch vứt bỏ. Không thể nhìn bảng điểm thấp của người chủ nấu bếp, để đánh giá tình trạng vệ sinh của một nhà hàng, bởi vì có thể anh ta ít điểm là vì bị phạt khi đi xe bút không mua vé. Không thể lấy một điểm duy nhất để đánh giá toàn bộ con người, vì xã hội tân tiến quá phức tạp, mỗi người ngày ngày phải đóng nhiều vai trò. Cả ở Trung Quốc cũng thế.
Một thành phố thí nghiệm khác thoạt tiên cho mỗi người 1000 điểm. Người đó lo lắng phục vụ bố mẹ già trong gia đình: được 50 điểm. Lái xe trong lúc say hoặc hối lộ quan chức: trừ 50 điểm. Thực tế như một trò chơi xã hội. Ai được 970 điểm, thuộc vào hạng A (ưu). Ai dưới 600 điểm, rơi vào hạng D (liệt), và bị tất cả coi là người phá vỡ lòng tin. Kiểu điểm theo đầu người này bị ngay các cơ quan truyền thông nhà nước phê bình, và sau nhiều chống đối công khai, chính quyền tỉnh phải bỏ.
Hệ thống tín chỉ xã hội ít gây thắc mắc cho đa số người dân Trung Quốc. Nhưng hệ thống đó sẽ mang bộ mặt như thế nào? Điều này đã tạo ra những tranh luận khá ồn ào... Một trong những khuôn mặt hàng đầu hướng dẫn cuộc tranh luận này là Trịnh Xuân-hồng, giáo sư luật học và là giám đốc «Trung Tâm Nghiên Cứu Về Luật Tín Chỉ Xã Hội» tại Capital Normal University ở Pê-kinh, một cơ quan cố vấn quan trọng cho nhà nước. Trịnh 68 tuổi, đảng viên, còng lưng, bận chiếc quần xếp ngắn nhiều màu. Ông có một cuộc sống như cách đây nhiều chục năm: đạp xe đạp rỉ sét tới đại học, đón phóng viên trong một căn hộ ở tầng áp mái chất đầy bát dĩa, phích đựng nước bằng sứ và nhiều thùng đồ kỉnh kỉnh khác.
«Trung Quốc đã phá sản về mặt đạo đức», ông nói. Trên bàn viết kê sát chiếc giường ngủ có một miểng giấy khổ A4, trên đó có một chữ tiếng Hán: «Sứ Mạng», như một lời động viên cho ông làm việc. Trong những ngày này Trịnh đang tra khảo bộ Luật Dân Sự của Đức. Ông muốn tìm gương các nước khác cho Trung Quốc đi theo. Ông nói, dân Trung Quốc cần phải tham gia hệ thống tín chỉ xã hội, và một cái «quyền được quên» cũng cần phải được áp dụng: phải xóa điểm xấu sau năm năm. Yêu cầu này của ông đã được chính quyền lắng nghe.
Ông khẳng định cần phải kiểm soát đạo đức. Như nhiều người Trung Quốc cùng thế hệ, ông coi nhà nước như một người cha có nhiệm vụ giáo dục con cái. Ai lỗi luật, phải «bị săn đuổi như đuổi chuột băng qua đường». Trịnh nói nhiều về nhu cầu phải trở lại cái thời thành thật và khó khăn của ngày xưa. Và đây là lí do cuối cùng, để Trung Quốc muốn có hệ thống tín dụng xã hội: Nhiều người nắm quyền ngày nay vừa yêu vừa ghét sự tiến bộ. Sở dĩ họ thúc đẩy tiến bộ, là vì nó cần thiết, để họ tiếp tục nắm quyền. Nhưng là người đã trải qua kinh nghiệm thời trước, nên họ đồng thời cũng rất đau khổ vì thời này. Những người như Trịnh cảm thấy có sứ mạng phải hàn gắn lại những vấn đề mà thế hệ của họ đã gây ra.
Trịnh là một người theo ý thức hệ, mà cũng chẳng phải là người nặng ý thức hệ. Người ta nhận ra nơi ông nỗi trăn trở dằn vặt trước câu hỏi, một xã hội sung túc và nhiều thành phần cá nhân chủ nghĩa như hiện nay liệu có thể thật sự quay trở về lại được như thời Mao trước đây, thời tuổi trẻ của Trịnh, bằng đường lối canh kiểm điện tử không?
Các cỗ máy truyền thông nhà nước không ngớt ca ngợi thành tích của kế hoạch canh kiểm toàn diện, trực tuyến cũng như không trực tuyến (offline). Dĩ nhiên những ca ngợi này – vẫn còn - mang nhiều nội dung tuyên truyền. Nhưng các nhà nắm quyền biết mình cần những thứ đó, vì họ tin rằng, cứ hát riết rồi sẽ có ngày người dân nhập tâm.
Triết gia người Anh Jeremy Bentham trong thế kỉ 18. đã khám phá ra tháp thần (Panoptikum): một nhà tù hình tròn, ở giữa là một cái tháp. Từ trên tháp cao chỉ cần một người thôi cũng đủ nhìn thấy tất cả, còn chính người đó thì chẳng ai thấy. Tháp thần về sau trở thành biểu tượng cho nhà nước canh kiểm tân thời. Cái gian manh trong khám phá của Bentham là nhà tù cũng vẫn đạt được sự hữu hiệu của nó, dù người lính trên tháp chẳng cần phải canh. Có lẽ cũng chẳng cần tới ai đứng trên đó nữa. Chỉ cần biết là mình có th bị canh chừng, là cũng đủ để tù nhân vâng lời.
Trong một thành phố tại miền trung Trung Quốc chính quyền đặt một máy hình ở ngã tư giao thông và bên cạnh dựng một màn hình vĩ đại. Chính quyền cho biết, ai chạy ẩu, tên, ảnh và số căn cước của người đó sẽ hiện – ngay – trên màn hình. Song thật ra, theo sự tìm hiểu của New York Times, thì phải đợi một tuần sau hoặc lâu hơn hình mới xuất hiện. Hoặc là nó chẳng xuất hiện. Chẳng phải máy điện tử, mà là ông cán bộ đã phải rị mọ xem, so ảnh và đưa hình lên màn ảnh.
Dù vậy, ở ngã tư ấy hiện nay hiếm có kẻ vượt đẻn đỏ.
Trong xã An-huy, theo bà bí thư đảng bộ cho hay, ở một số nơi lượng tội phạm xuống thấp, ngay cả những nơi có đặt máy, nhưng máy không hoạt động.
Và trong thành phố thí nghiệm Đông-trang chính quyền cho biết, số nợ vay không trả tụt xuống 26%, con số «phá phách và hành động thiếu văn minh nơi công cộng» tụt xuống 40%. Cần biết là cuộc thí nghiệm ở Đông-trang chưa mở hết ga.

Có thể trong tương lai một thứ độc tài mềm và tinh vi sẽ nắm quyền ở Trung Quốc
Một nền kinh tế kế hoạch sẽ thất bại, nếu hoạch định sai hoặc không ai theo. Có thể những nhà cầm quyền Trung Quốc hẳn sẽ thành công trong việc tạo ra một nền kinh tế kế hoạch điện tử, trong đó mỗi người tuân thủ vai trò của mình. Nền kinh tế này sẽ cung ứng cho đa số dân chúng nhiều thuận lợi hơn là bất lợi, tham nhũng và bất tín sẽ giảm, tuân thủ luật lệ sẽ tăng. Và rồi trong tháp thần trung quốc một nền độc tài mềm và tinh vi sẽ ngự trị trên đa phần người dân. Gây mê và dụ dỗ thay vì lo sợ và khiếp hãi. Phục vụ ngày đêm 24 giờ liên tục thay vì bạo động. Chỉ những ai không tuân luật, sẽ bị phiền hà.
Cả Vương Việt-du, kẻ phá vỡ lòng tin đang tự tị nạn, người khởi đầu cho bài viết này, cũng sẽ dùng những kĩ thuật để dọ thám. Anh mua hàng và thanh toán qua điện thoại di động và siêng năng gom góp điểm qua App của Alipay. «Cái đó đã trở thành thói quen», Anh nói. Lúc này Anh mới chỉ có 552 điểm, nhưng Vương dự tính sẽ cố gắng gom điểm tiếp.
Giờ đây Vương lại có thể du lịch bằng máy bay. Anh đã tìm ra được kẽ hở, để qua đó mua vé, dù có tên trên sổ đen. Anh giúp những người bị khinh thường như Anh mua vé. Cụ thể bằng cách nào, Anh không thể nói. Và thêm: ngay nhà nước cũng không biết được.
Hỏi Anh, một người đang bị hệ thống điện tử kết án, nghĩ thế nào về hệ thống tín chỉ xã hội, Anh cho hay: Trên đại thể tôi tán thành chuyện đó.


Ghi thêm của người dịch:
Một vài gợi ý để cùng suy nghĩ sau khi đọc bài phóng s
1. Sự phá sản đạo đức tại Trung Quốc (cũng như tại Việt Nam) hiện nay là do đâu?
Tại sao trong quá khứ dân tộc này đã không hư hỏng đến như thế?
2. Có nhất thiết phải dùng hệ thống canh kiểm toàn diện để «hoàn thiện hóa» một con người, một dân tộc không? Và hệ thống này có thành công không?
 


Share: