Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Dụ ngôn bí ẩn: Con chim lông trắng báo hiệu vận mệnh Trung Quốc và Tập Cận Bình





Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc khiến người ta không khỏi liên tưởng đến dự ngôn về vận mệnh của bộ máy chính quyền, từng được tiết lộ qua cuốn sách bí mật lưu truyền trong dân gian: «Thiết Bản Đồ».


10 năm trước, Trung Quốc luôn tự hào rằng Mỹ là siêu cường nhưng Trung Quốc mới là bá chủ, Mỹ có thể gây ảnh hưởng nhưng Trung Quốc mới thực sự là mối đe dọa toàn cầu.

10 năm sau, cả Trung Quốc chao đảo vì căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, các công ty phương Tây đồng loạt rút lui khỏi đại lục, dân chúng đặc khu lũ lượt biểu tình phản đối chính phủ, giới nhà giàu ôm tiền tháo chạy ra hải ngoại, còn tầng lớp bình dân thì nín thở mong chờ một cuộc đổi đại thay triều.

8 năm trước, khi hai giáo sư kinh tế học người Mỹ là Peter Navarro và Grey Autry ra mắt cuốn «Chết bởi Trung Quốc» (Death by China), Trung Quốc giống như gã khổng lồ tham lam và bất khả chiến bại. Đó là một Trung Quốc đang càn quét khắp châu Phi, thao túng thị trường châu Úc, thâm nhập vào châu Âu, và khống chế các công ty châu Mỹ. Đó là một Trung Quốc ngang ngược trên Biển Đông, gây hấn trên lãnh hải Nhật Bản, lấn chiếm bờ cõi Ấn Độ, nhăm nhe biên giới Nga, và chèn ép lãnh thổ Bắc Hàn…

8 năm sau, những tên tuổi hàng đầu như nhà đầu cơ tiền tệ George Soros hay học giả David Shambaugh… đều đồng tình rằng ‘Trung Quốc sắp sụp đổ’; còn dân chúng trong nước thì khắc khoải đợi chờ ngày chính quyền giải thể. Ngày hôm nay, Trung Quốc chỉ còn là gã khổng lồ đang thất thế: kinh tế thì khủng hoảng, quan trường thì hủ bại, nội bộ tranh giành đấu đá, hàng hóa bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, giới lãnh đạo bị thế giới lên án, thậm chí người Trung Quốc ra hải ngoại cũng bị xa lánh và cô lập.

5 năm trước, khi lãnh đạo ĐCSTQ – ông Tập Cận Bình – giương cao tinh thần «Giấc mộng Trung Hoa», người ta tưởng như Trung Quốc sắp vươn mình trỗi dậy. Cùng với chiến dịch «đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi» từng được thực hiện quyết liệt trong vài năm trước đó, nào ai có thể thoát khỏi cái gọi là «lưới trời» của Đảng?


Trung Quốc đang sa lầy trong ván cờ thương chiến Mỹ – Trung: Ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019 để thảo luận về chiến tranh thương mại. (AP/Susan Walsh)

5 năm sau, giấc mộng Trung Hoa dường như đang vỡ mộng. Trong khi ĐCSTQ tiếp tục sa lầy trong ván cờ thương chiến Mỹ – Trung, thì vị lãnh đạo tối cao của đảng cũng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, hứng chịu đủ mọi búa rìu dư luận.

Trong bối cảnh ĐCSTQ phải đối mặt với nguy cơ tứ bề, còn ngài chủ tịch thì bế tắc giữa tình thế ‘nội công ngoại kích’, cư dân mạng Trung Quốc đều băn khoăn tự hỏi: Phải chăng viễn cảnh sắp tới cũng chính là những gì được nói đến trong dự ngôn «Thiết Bản Đồ»?
«Thiết Bản Đồ» là cuốn sách được bí mật lưu truyền trong dân gian. Người ta không biết ai là tác giả, cũng không rõ cuốn sách đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó từng được coi là cuốn thiên thư trong gia đình của một vị tú tài họ Lý đời nhà Thanh. Đây là một cuốn sách đã ố vàng, bên trong là những lời miêu tả cùng với hình vẽ, mỗi bức vẽ đều có chứa thiên cơ.

Vì sao gọi là «Thiết Bản Đồ» (hình vẽ chắc chắn như tấm thép)? Chính là bởi mỗi dự ngôn trong bức vẽ đều là thế cục đã định sẵn, vốn dĩ đã được an bài, giống như những chiếc đinh đóng trên ván sắt vậy, không cách nào có thể thay đổi được.

Hình ảnh cuốn sách với tiêu đề «Thiết Bản Đồ» từng được lan truyền trên Internet. (Kongfzf.com)

Bởi «Thiết Bản Đồ» tiết lộ kết cục vận mệnh của các triều đại, hơn nữa lại vô cùng chuẩn xác, nên các vương triều trong lịch sử coi đó là sách cấm. Tuy vậy nó vẫn được lưu truyền bí mật trong dân gian.

Lần cuối cùng cuốn sách được trông thấy là vào năm 1951, nhưng ngay sau đó đã bị chính quyền địa khu tịch thu mất. Từ đó trở đi, câu chuyện về cuốn sách chỉ còn là truyền thuyết.

Năm 2014, tác giả Trương Thuỵ Kỳ thuộc hội nhà văn Quảng Châu kể rằng, ông ngoại của Trương Thuỵ Kỳ vốn là một cư sĩ trong Đạo giáo, thuộc trường phái Chính Nhất Đạo. Ông đã nhiều lần nhắc đến một cuốn sách kỳ lạ tên là «Thiết Bản Đồ», trong đó có những câu bí ẩn nói về thời hiện đại, như: «Bồng đầu nữ tử giá bồng đầu, thiết đầu lư tử mãn nhai du» (cô gái tóc xõa gả cho người tóc xõa, con lừa bằng sắt chạy khắp đường — được phỏng đoán là dự ngôn về lối sống phóng túng của người hiện đại và sự xuất hiện của xe gắn máy). Nhưng lời tiên tri về vận mệnh của ĐCSTQ thì mãi tới cuối năm 2017 mới được hé lộ qua một bài viết của tác giả Minxin (Dân Hân) đăng trên mạng Chánh Kiến.

Vậy thì, dự ngôn «Thiết Bản Đồ» nói gì về thời cuộc của Trung Quốc ngày nay?


Đồ hình cuối cùng trong cuốn sách được cho là lời tiên đoán về vận mệnh của ĐCSTQ. Nội dung bức vẽ rất đơn giản:

Trên bầu trời giữa hai khe núi, bốn con chim màu đen lần lượt bay từ ngọn núi này sang phía ngọn núi kia. Nhưng giữa sườn của ngọn núi bên phải, một con chim màu trắng bị va vào vách đá, máu đỏ loang lổ. Bên dưới bức hình là dòng chữ: «Bạch vũ mao điểu nhi chàng tử tại sơn giá biên», nghĩa là: Con chim lông trắng bị đụng chết ở bên ngọn núi này.

Hình vẽ minh hoạ lời dự ngôn trong «Thiết Bản Đồ».
(Ảnh: chinanewscenter.com)

Trong bức tranh xuất hiện 5 con chim, nhưng tâm điểm lại tập trung vào nhân vật cuối cùng, tức ‘con chim lông trắng’. Điều trùng hợp là nếu chiết tự thì sẽ thấy chữ «» ( – bộ lông) kết hợp với chữ «Bạch» ( – màu trắng) sẽ tạo thành chữ «Tập» (), cũng chính là tên họ của ông Tập Cận Bình viết theo chữ phồn thể.

Con chim lông trắng ở vị trí thứ 5. Nếu nhìn lại các thế hệ lãnh đạo của ĐCSTQ, sẽ thấy ông Tập cũng chính là vị lãnh đạo nối nghiệp đời thứ 5: Mao Trạch Đông – Đặng Tiểu Bình – Giang Trạch Dân – Hồ Cẩm Đào – Tập Cận Bình.

Những năm 80 của thế kỷ trước là thời trị vì của ông Đặng Tiểu Bình. Khi ấy tại Tứ Xuyên có một vị cao nhân tiên đoán rằng, sau thời ông Đặng thì số mệnh của ĐCSTQ sẽ gói gọn trong bốn chữ: «Giang – Hồ – Tập – Vô». Sau này khi Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lần lượt lên nắm quyền, người ta đã không khỏi kinh ngạc. Và khi ông Tập bước lên vũ đài chính trị, thì không còn ai dám nghi ngờ lời dự ngôn ấy nữa.

Vậy còn «» thì sao? Chữ «» này có thể hiểu là không có ai, hoặc cũng có thể hiểu là người lãnh đạo kế tiếp có họ đồng âm với chữ «».

Nhưng điều bất ngờ là kể từ Đại hội Đảng lần thứ 19 (năm 2017), ĐCSTQ đã không xác định người kế nhiệm. Đến ngày 11/3/2018, Quốc hội Trung Quốc chính thức gỡ bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ của vị trí lãnh đạo tối cao, cho phép ông Tập Cận Bình giữ chức chủ tịch suốt cuộc đời. Điều ấy nói lên rằng, rất có thể ông Tập sẽ là vị lãnh đạo cuối cùng, cũng tức là nói, tiếp sau ông Tập sẽ không còn ai nối nghiệp nữa.

(Shutterstock/Creativecommons/Getty Images/Đại Kỷ Nguyên minh hoạ)

Trở lại với bức đồ hình, sẽ thấy 5 con chim đã tiết lộ vận mệnh của đảng: Bốn con chim đầu tung cánh cũng giống như thời hoàng kim của ĐCSTQ, có thể tung hoành trên vũ đài chính trị, lạm thế, lộng quyền. Nhưng đến con chim thứ 5 lại là một cảnh tượng thật bi ai: bị đâm đầu vào vách núi, chẳng những không thể cất cánh, mà còn ngã xuống thật đáng thương.

Có thể cái chết trong bức hình không hẳn là «chết» theo nghĩa bề mặt, nhưng chắc hẳn đó sẽ là viễn cảnh ảm đạm vô cùng.


Có ý kiến cho rằng, bức đồ hình đã tiết lộ hai điều: Một là, ĐCSTQ sẽ gặp đại nạn vào thời ‘con chim lông trắng’. Và hai là, hết thảy món nợ máu trong lịch sử sẽ liên lụy tới người đứng đầu.

Trong lịch sử, ĐCSTQ đã gây ra bao cuộc tàn sát đẫm máu lên những người dân vô tội: từ giết hại địa chủ và phú nông trong «Cải cách ruộng đất», tới làn sóng giết người của Hồng vệ binh trong «Đại cách mạng văn hoá», đến việc tàn sát sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn, cho tới cuộc đàn áp tín ngưỡng và bức hại các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt rúng động hơn cả là giết người còn sống để cướp lấy nội tạng trong các nhà tù và bệnh viện khắp Trung Quốc.

Dưới thời Mao Trạch Đông, nhân dân điêu đứng vì «Cải cách ruộng đất» và «Cách mạng văn hoá». Dưới thời Đặng Tiểu Bình, trí thức và thanh niên phải hàm oan vì «Thảm sát Thiên An Môn». Dưới thời Giang Trạch Dân, những người tu luyện bị bức hại tàn khốc vì các cuộc đàn áp tín ngưỡng. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, hoạt động bức hại vẫn diễn ra trong âm thầm và bí mật. Cả bốn vị tiền nhiệm đều đã lui về hậu trường, nhưng món nợ máu của gần 100 năm lịch sử vẫn cần phải tìm người kết toán.. Người ấy sẽ là ai, nếu không phải là vị lãnh đạo cuối cùng?

(1) Cảnh Hồng vệ binh của ĐCSTQ đập phá đền Khổng Tử trong thời «Đại cách mạng Văn hóa».

(2) Đấu tố và giết hại những người bị gán nhãn «địa chủ» và «phần tử xấu» trong «Cải cách ruộng đất».

(3) Bắt giữ và đàn áp các học viên Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn, năm 1999.

(4) Thảm sát học sinh-sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn, ngày 4/6/1989.
(Getty Images/Wikipedia Commons)

4 con chim đầu màu đen, mang sắc màu của hắc ám, tội ác. Còn con chim thứ 5 màu trắng lại có phần trong sạch, không phải là người gây ra tội ác nhưng lại phải gánh chịu hậu quả sau cùng.

Nhìn lại bức đồ hình sẽ thấy một sự tương đồng: 4 con chim đầu màu đen, mang sắc màu của hắc ám, tội ác. Còn con chim thứ 5 màu trắng lại có phần trong sạch, không phải là người gây ra tội ác nhưng lại phải gánh chịu hậu quả sau cùng. Viên Bân, nhà bình luận thời sự của Hồng Kông đã không ngần ngại chỉ ra rằng: Chính quyền Trung Quốc đến lúc khí số sắp hết, vận mệnh sắp tàn. Ở cương vị là nhà lãnh đạo, ông Tập nên sáng suốt đưa ra lựa chọn tương lai cho chính mình, không nên trói chặt mình làm kẻ thế thân cho đảng.

Tháng 6/2002, tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, một vết nứt vỡ trên vách núi đã để lộ ra hàng chữ bằng đá có niên đại 270 triệu năm, gọi là «tàng tự thạch» (tảng đá mang chữ). Tin tức về «tàng tự thạch» đã từng được truyền hình và các trang mạng tại đại lục đăng tải, và sau đó cũng trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Trong giới hạn bài viết này người viết mạn phép không đi sâu vào chi tiết, mà chỉ có thể tóm tắt lại rằng dòng chữ trên đá viết: «Trung Quốc Cộng sản Đảng vong», nghĩa là: Đảng Cộng sản Trung Quốc diệt vong. Phải chăng đó cũng chính là vận mệnh của đảng, là Thiên ý tiết lộ cho con người thế gian?

Hình ảnh «Tàng Tự Thạch» 270 triệu năm tuổi xuất hiện trên tấm vé vào tham quan. (NTD.tv)

Nếu quay trở lại quá khứ của 10 năm trước đây, chẳng có ai dám bàn luận rằng ĐCSTQ sẽ có ngày lung lay dao động. Nhưng ngày hôm nay người ta đã tự tin bàn luận rằng ĐCSTQ khó có thể tiếp tục duy trì. Một chính quyền bức hại chính con dân của mình, một chính quyền hung hăng gây hấn với anh em và bạn bè quốc tế, và một chính quyền không từ thủ đoạn giữa sân chơi toàn cầu… Một chính quyền như thế sao có thể mãi mãi vững bền?

Từ xưa đến nay, thuận theo ý trời thì hưng thịnh, nghịch lại ý trời ắt tai ương. Trung Quốc của ngày hôm nay nguy cơ tứ bề, toàn bộ xã hội như ngồi trên đống lửa, lòng dân luôn mong ngóng cục diện rối ren sớm đến hồi kết thúc, để mảnh đất Thần Châu được trở về với vùng trời sáng trong.

(Ảnh bìa: Adobestock/Kongfz/Creativecommons/Đại Kỷ Nguyên minh hoạ)
Share:

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Nhân trường hợp Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt: nghĩ về nội tình Giáo hội Việt Nam



Nhân trường hợp 
Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt:
nghĩ về nội tình Giáo hội Việt Nam

Vinh Mỹ
Vừa qua một nhóm người công giáo Việt Nam đã đệ trình Đức Thánh Cha Phanxico thỉnh nguyện thư xin cứu xét trường hợp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã bị bức bách phải xin từ chức Tổng Giám Mục Hanoi vì «lý do sức khỏe» đến nay đã gần 7 năm. Ngài hiện đang ở trong một nhà dòng khổ tu nơi xa vắng, như một ngọn đèn bị bỏ dưới bục, Thỉnh nguyện thư xin Đức Thánh Cha cho đặt ngọn đèn này lại trên giá nến bằng cách giao cho Ngài một trọng trách trong Giáo hội để Ngài được phục vụ dân Chúa theo đúng khả năng của Ngài.
Tuy nhiên, trường hợp Đức Cha Kiệt chỉ là cái phần nổi của một tảng băng lớn trong đời sống hiện tại của Giáo hội Việt Nam. Đường khổ nạn của Đức Cha Kiệt không phải chỉ mới bắt đầu khi ngài phải từ chức, mà đã xảy ra trước đó 2 năm, khi ngài nhận được lá thư ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Đức Hồng Y Bertone ra lệnh cho Ngài phải đình chỉ ngay lập tức những buổi cầu nguyện tập thể, và phải rút ngay Thánh giá và tượng thánh ra khỏi tòa khâm sứ Tòa thánh, nơi mà chính phủ cộng sản muốn chiếm đoạt và Đức Cha Kiệt và giáo dân nhất định bảo vệ.
Như thế, Đức Cha Bertone đã bắt buộc Đức Cha Kiệt phải chấm dứt một cuộc đối kháng bất bạo động, chỉ bằng lời cầu nguyện, khi nhà cầm quyền cộng sản vi phạm công lý và các quyền con người của con cái Chúa.
Việc can thiệp này của Đức Cha Bertone trực tiếp vào vấn đề nội bộ của một Giáo hội địa phương là một điều tối kỵ và tệ hại mà trước đây Giáo hội Balan, đặc biệt là Đức Hồng y Giáo chủ Wyszynski và Tổng Giám Mục Wojtyla (sau là Giáo Hoàng Gioan Phaolo II) đã một thời cực lực phản đối. Các ngài đã «bắn tin cho Tòa thánh hiểu rằng không có chuyện chấp thuận dù trong ý tưởng, sự có mặt ở Balan một đại diên thường trực của Tòa Thánh» (1).
Và Tổng Giám Mục Wyszynski trong Đại Hội đồng Giám mục năm 1978 đã lặp lại những lời khuyến cáo về cái gọi là đối thoại với cộng sản và vai trò thực sự của Ban Tôn Giáo chính phủ, cơ quan được thiết lập trong các nước cộng sản Đông Âu để tìm hết cách tru diệt các tôn giáo. Ngài tuyên bố rõ ràng: «Tòa Thánh không được thảo luận với họ, nhất là không được qua mặt hàng giám mục địa phương.». Mgr Tomasek, giáo chủ Tchèque cũng đồng quan điểm và xin «ngưng ngay chính sách can thiệp của Vatican».
Rõ ràng là Đức Cha Bertone của Tòa Thánh đã coi khinh đấng bản quyền Giáo hội địa phương, phủ nhận quyền lãnh đạo và thực thi nhiệm vụ của Ngài, làm mất uy thế của Ngài trước giáo dân, tự tiện hiến dâng cho cộng sản cái mà Đức Cha Kiệt đã từ chối nhân danh công lý và vì lợi ích Giáo hội.
Thứ đến, Đức Cha Bertone đã vi phạm chỉ thị của Đức Hồng y Ottaviani, chưởng lý Thánh bộ Giáo lý Đức tin của Giáo triều La mã. Theo chỉ thị đó thì nhân viên ngoại giao Vatican «không được làm suy giảm hay làm chán nản khí thế phản kháng của người công giáo trong các nước cộng sản». (2)
Tuy nhiên đó không phải là một lầm lỗi của một cá nhân Đức Cha Bertone! Cũng không phải là một trường hợp riêng lẻ chỉ xảy ra một lần ở Việt Nam; nhưng đó là hành động thường xuyên của Vatican kể từ đầu thập niên sáu mươi khi Vatican áp dụng chính sách ngoai giao Ostpolitik, chủ trương thỏa hiệp với các chế độ cộng sản. Chinh sách đó đã gây nên không biết bao nhiêu là đau khổ cho con cái Chúa sống dưới chế độ độc tài cộng sản trị, chỉ vì họ muốn chống lại sự áp bức bất công của chế độ.
Đức Hồng y Alois Stepinac, Giáo chủ Yougoslavie, chứng nhân và nạn nhân của chính sách đó đã phải kêu lên: «cộng sản không là gì khác mà chính là «hình ảnh sống động của hỏa ngục, một “mendacium incarnatum” (hiện thân của dối trá); với nó mọi thỏa hiệp hoặc cộng tác bất kỳ dưới hình thức nào đều bất khả thi, xét theo quan điểm công giáo» (thư đề 3 tháng 10 năm 1956). Và lịch sử chứng minh ngài đã nói đúng.
Trường hợp Đức Cha Kiệt cũng không khác vói trường hợp Đức Tổng Giám Mục Mindszenty Hồng y Giáo Chủ Hung gia Lợi trước đây. Ngài bị trục xuất khỏi Budapest năm 1971 do sự dàn dựng của Vatican với chính phủ Hung mặc dầu Ngài nhất mực kháng cự. Hai năm sau, Ngài lại bị Đức Thánh Cha Phaolo VI cách chức Tổng Giám Mục Esztergom (kèm chức Giáo chủ), để có thể bổ nhiệm Laszlo Lekaï, một Giám mục thân cọng lên thay, từ đó hàng Giáo phẩm Hung hoàn toàn chịu tuyên thệ trung thành với chính phủ cộng sản.
Tổng Giám Mục Mindszenty bị cách chức vì suốt 10 năm trời Vatican đã làm hết cách để xin ngài tự nguyện làm đơn xin từ chức (vì lý do sức khỏe?!) nhưng Ngài luôn luôn từ chối. Từ năm 1963 Vatican đã cử Đức Hồng y König Tổng Giám Mục Vienne rồi Tổng Giám Mục Casaroli đến Budapest nhiều lần để khuyên dụ mà không được. Ngài giải thích rằng Ngài không thể vâng theo Đức Giáo Hoàng vì: «chức Giáo chủ không những làm Ngài trở thành thủ lãnh một Giáo hội bị áp bức mà còn làm Ngài thành một một biểu tượng quốc gia, một chiến hào cho sự phản kháng và hy vọng của dân tộc Hung». Trong hồi ký, Đức Hồng y trách cứ vị ngoại giao Vatican «đã không nghe tiếng nói của Giáo hội Hung chính thống bị chính quyền bịt miệng, ít chú trọng đến số phận của giáo dân». Ngài còn nói: «Ngoại giao Vatican không hiểu gì thực tế cứ để cho cộng sản lôi kéo vào những cuộc thương thảo có lợi cho chúng, và chỉ mang lại nhiều khó khăn thêm cho người công giáo Hung…» Ngài còn nói với Tổng Giám Mục Casaroli trong buổi tiếp kiến tháng 4 năm 1964: «Nếu thiên hạ không làm con lừa thì bolchevich đã chết tiệt từ lâu… ». (3)
Đức Thánh Cha Phaolo VI đã xử sự như thế - theo như Ngài nói – «không phải vì không biết, hoặc bất chấp những gì xảy ra cho Giáo hội sau bức màn sắt, nhưng vì thấm nhuần đức nhẫn nhục Công giáo và để tránh một tai nạn khủng khiếp hơn». Ngài thật sự khiếp sợ như thế vì Ngài đinh ninh rằng, các thể chế cộng sản tàn ác sẽ thống trị bất tận (!) và phải tìm cho Giáo hội không phải một cách sống «modus vivendi», mà một lối để khỏi chết «modus non moriendi» như Đức Hồng Y Villot đã nhận xét. Chính vì thế mà Ngài đã truyền chức Giám mục cho những người do cộng sản đề cử, và bỏ rơi những chủ chăn chân chính bị cộng sản tru diệt.
Hành động như thế, Vatican đã trúng kế cộng sản vì chính sách của các nước đó là «thành lập một Ủy ban tôn giáo quốc doanh, qui tụ những người công giáo trung thành với chế độ cộng sản; tiếp theo là thiết lập một giáo hội càng ngày càng xa rời rồi dần đi đến ly khai với Roma; giai đoạn cuối cùng là từng bước một dùng thủ đoạn hủy diệt đời sống tôn giáo, trước hết là lo việc thành lập một đội ngũ giám mục quốc doanh do việc thủ tiêu những giám mục trung thành với giáo hội và thay vào đó bằng những giám mục do chế độ lựa chọn và đề cử, thứ đến biến lễ nghi công giáo thành thứ nghi lễ chỉ có hình thức hoặc biến thành lễ hội trần tục».
May cho Giáo hội, tiến trình đó đã được Giáo Hoàng Gioan Phaolo II chận lại, hay đúng hơn là chuyển hướng, ngài «tâm niệm rằng Ospolitik dưới thời hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm là một sai lầm». (4)
Balan và các nước Đông Âu đã đứng lên diệt trừ cộng sản và thiết lập lại các chế độ tự do dân chủ, bình thường hóa quan hệ với Vatican, (thứ quan hệ mà các nước cộng sản đã lợi dụng để nhử Vatican bỏ mồi chạy theo bắt bóng, hy sinh cả những giá trị cao quí nhất của Giáo hội đó là giáo lý và truyền thống), không để thần quyền (Giáo hội) bị thế quyền (nhà nước) chi phối khi họ ngụy biện nói là «để cứu các linh hồn, chúng tôi có đủ can đảm để thương thảo cả với ma quỉ!». đó chỉ là cách nói lộng ngôn, trái hẳn với giáo lý và Phúc âm của Chúa. (5)
Bức tường Bá Linh đã bị giật sập, chế độ cộng sản đã bị đào thải ở Âu châu, nhưng nó còn ngự trị trên ba bốn nước trong đó không may, và khốn nạn thay có nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Và như chúng ta đã thấy, Ostpolitik vẫn tiếp tục được Đức Cha Bertone và Vatican triệt để áp dụng như không có gì đã xảy ra! Vatican vẫn chạy theo ve vãn chế độ cộng sản làm khổ cho dân công giáo việt nam. Nếu chỉ là việc tiếp đón niềm nở ở Roma những lãnh tụ cộng sản Việt nam thì là việc nhỏ, chỉ làm những giáo dân chứng kiến phải buồn lòng. Nhưng khi Vatican thỏa thuận để cộng sản ưu tiên trong việc bổ nhiệm các Giám mục thì Vatican đã để thế quyền can thiệp và chi phối phạm vi thần quyền của Giáo hội.
Tình hình đã xảy ra tại Việt Nam là «Khi một địa phận trống ngôi, Tòa Thánh để cử 3 ứng cử viên và chính thể cộng sản loại bỏ những người không vừa ý họ» (6)
Có khi cả 3 người đều không vừa ý và bị loại cả 3 và phải chờ mãi cho đến khi có người được cộng sản chấp thuận. Vị được cộng sản lựa chọn đó sẽ được Giáo hội tấn phong làm đấng chăn chiên đích thực được Chúa Thánh Linh lựa chọn để điều khiển Giáo hội theo đúng con đường của Chúa! Thật là nghịch lý!
Tất cả các Giám mục, Tổng Giám mục Việt nam hiện nay đều được bầu theo một qui trình đó, kể cả Tổng Giám Mục Kiệt. Trên thực tế, Giáo hội Việt Nam đang được diều khiển bởi hàng Giám mục được lựa chọn bởi chính thể vô thấn cộng sản, thù nghịch vói công giáo! Như thế chúng ta mới hiểu tại sao khi giáo dân công giáo phản kháng những tàn ác bất công và vi phạm nhân quyền, tự do, kể cả tự do tôn giáo, thì không cần chính thể cộng sản phải lên tiếng, giám mục tự nguyện biết phải lo đền ơn cộng sản bằng cách dùng quyền Giáo hội ban cho để dập tắt mọi đối kháng của giáo dân, cấm cả cầu nguyện cho những người bị áp bức, cấm than vãn, cấm cả rên khóc!
Những Giám mục gây thiệt hại là những vị im tiếng, những vị mà Đức Giáo Hoàng Bênêdicto gọi là chó câm, không chịu sủa khi kẻ trộm vào nhà! Có một vài vị xông xáo tỏ ra mình bênh vực con chiên, chống lại bất công tàn ác cộng sản, nhưng với thời gian và sau vài «vụ la ó», người ta thấy rõ đó chỉ là thứ lửa chắn, đốt lên để dập tắt ngọn lửa đấu tranh của dân công giáo, giúp giữ an ninh trật tự cho cộng sản. Chính quyền cộng sản nắm chặt họ băng cách cho ăn cà rốt và ăn đòn.
Trở lại trường hơp Đức Cha Kiệt! Đức Cha Kiệt bị cộng sản đòi phải rời ghế Tổng Giám Mục Hà nội vì chính họ đã loại ra những ứng viên sáng giá khác và nhận cho Ngài chức vụ đó với hy vọng Ngài cũng sẽ ngoan ngoãn như những vị khác. Thế mà nay Ngài lại xử sự chống lại những đòi hỏi của họ. Chắc họ thầm nghĩ: nếu họ không chọn thì Ngài đâu được chức vị đó! Họ cho đó là một sự phản bội và hình phạt phải là cân xứng: Phải cách chức Ngài! Họ vận dụng những điệp viên nằm vùng ở Vatican (mấy Đưc ông người việt) và ở tòa đại sứ Viet Nam ở Ý thương thảo đổi chác với Tòa thánh, và kết quả là Đức Cha Kiệt «bị» từ chức, rồi chỉ vài tuần sau đó Vatican được chấp thuận gửi một đại diện không thường trực tới Việt Nam.
Bình luận hai sự kiện nầy ký giả Sandro Magister đã viết như sau trong tờ La Chiesa Cattolica xuất bản tại Roma ngày 3/8/2010: «Cái giá phải trả cho một thỏa thuận ngoại giao: Vatican được phép cử một đại diện tới Việt Nam nhưng buộc phải thay Tổng Giám Mục Hà nội vì ông làm mất lòng họ».
Để kết thúc, tôi xin trich dẫn điểm 2 của bản thỉnh nguỵện gồm 31 điểm do ông Augustin Navratil và một nhóm giáo dân Tiệp khắc ban bố năm 1986, dưới sự bảo trợ của Hồng y Tomasek để đòi tự do tôn giáo: «Chúng tôi đòi hỏi các giới chức nhà nước không được can thiệp vào việc tuyển chọn các giám mục. Sự bổ nhiệm đó phải là việc nội bộ của Giáo hội, nhà nước không được can thiệp vào» không lẽ người công giáo Việt Nam cũng phải thỉnh nguyện như thế (mutatis mutandis) với cả Tòa Thánh!
__________
 (1) Lecomte La vérité l’emportera toujours sur le mensonge pp. 64-67;
 (2) Ottaviani in: la politica del dialogo p. 83, 84) ;
 (3) Philippe Chenaux. L’Eglise catholique et le communiste en Europe p. 276
 (4) Lecomte. -La vérité l’emportera toujours sur le mensonge p. 72
 (5) Leconte - p. 61
 (6) «Au Vietnam cette procédure est codifiée par un accord avec le Saint-Siège. Lorsqu’un diocèse est vacant, Rome présente trois candidats et les autorités vietnamiennes excluent ceux qui ne leur conviennent pas.» in: Chiesa cattolica, Roma 3/8/2010.

Share:

Đức Vâng Phục trong đời sống Kitô hữu



Đức Vâng Phục
trong đời sống Kitô hữu


Nguyễn Chính Kết


Đức Vâng Phục là một đức tính căn bản và trụ cột trong tổ chức Giáo Hội và trong đời sống tâm linh Kitô giáo. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu để thực hành nhân đức này một cách đúng đắn. Nhiều Kitô hữu chỉ hiểu Đức Vâng Phục theo nghĩa cạn cợt là bề trên bảo sao thì làm đúng như vậy, mà không nhìn ra mục đích của Đức Vâng Phục là thực hiện Thánh Ý của Thiên Chúa. Do đó, khi vâng lời chỉ vì luật buộc, chỉ vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng khen, chứ không nhằm thực hiện thánh ý Thiên Chúa, nhất là khi biết lệnh của bề trên không phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa mà vẫn cứ vâng lời, thì sự vâng lời đó không phải là nhân đức.
Vâng lời là một cách tích cực góp phần xây dựng Giáo Hội và cũng làm thăng tiến đời sống tâm linh của chúng ta, nên người Kitô hữu cần hiểu rõ Đức Vâng Phục là gì để vâng phục cho đúng.

***
Tính xã hội và tính Giáo Hội của Đức Vâng Phục
Con người là một con vật có tính xã hội, nên mọi người muốn tồn tại và phát triển đều phải sống thành xã hội. Xã hội nhỏ nhất là gia đình, lớn hơn là lớp học, trường học, cộng đoàn, quốc gia, giáo hội, và lớn nhất là thế giới. Xã hội nào cũng có thể ví như một thân thể, trong đó mỗi cá nhân là một phần thân thể. Thân thể nào cũng có một bộ óc để chỉ huy, lãnh đạo và thống nhất toàn thân thể. Sự sống còn và phát triển của toàn thân tùy thuộc vào sự sáng suốt lãnh đạo của bộ óc, và quan trọng hơn nữa là sự vâng phục của mọi phần thân thể đối với bộ óc.
Nếu các phần thân thể không chịu tuân lệnh của bộ óc, thì dù bộ óc có lãnh đạo sáng suốt tới đâu, thân thể cũng không thể tồn tại, thống nhất và phát triển tốt đẹp được. Và các bộ phận trong một thân thể như thế đương nhiên không tránh được số phận hẩm hiu, buồn thảm. Đối với xã hội, Giáo Hội, hay một cộng đoàn, sự vâng phục cũng cần thiết như vậy. Không có sự vâng phục, xã hội cũng như Giáo Hội không thể có trật tự, có sức mạnh để tồn tại và phát triển tốt đẹp và lâu dài.
Chính vì thế, các linh mục, tu sĩ, vốn là rường cột của Giáo Hội, và tất cả những ai muốn tận hiến cho lý tưởng sống trọn lành, cần phải tuyên khấn hay tự nguyện thực hành Đức Vâng Phục như một nhân đức căn bản của đấng bậc mình. Giáo dân, tuy không tuyên khấn giữ đức vâng lời, nhưng lương tâm Kitô hữu luôn buộc họ phải vâng lời những người có trách nhiệm hướng dẫn hay lãnh đạo mình: con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy, tôi tớ vâng lời chủ, thợ thuyền vâng lời giám đốc… Ngoài ra trong Giáo Hội, người giáo dân phải vâng lời giám mục, cha xứ, hội đồng giáo xứ của mình. Và trong xã hội, người dân phải tuân hành pháp luật và vâng lời chính quyền các cấp.
Nhờ Đức Vâng Phục, của giáo sĩ cũng như giáo dân, Giáo Hội mới có thể đứng vững và luôn luôn phát triển bất chấp những hoàn cảnh lịch sử hết sức khó khăn. Công Đồng Vatican II xác nhận: «Đức Vâng Phục là sức mạnh đặc biệt của các thừa tác viên Chúa Kitô, Đấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại» (TG 24,2). Nếu người ta nói: «Kỷ luật là sức mạnh của quân đội», thì ta có thể nói: «Đức Vâng Phục chính là sức mạnh của Giáo Hội».
Trong ba nhân đức của sự trọn lành Kitô hữu và của đời sống tận hiến, hai nhân đức Thanh Khiết và Thanh Bần mang nhiều tính cách cá nhân, nên có thể gọi là tư đức, còn Đức Vâng Phục rõ ràng mang nhiều tính xã hội và Giáo Hội, nên có thể gọi là công đức. Thật vậy, Đức Vâng Phục như một chất keo liên kết tất cả mọi giới, mọi cộng đoàn, mọi thành phần trong Giáo Hội lại với nhau thành một khối vững chắc và duy nhất. Vì thế, Đức Vâng Phục là nền tảng và là trụ cột nâng đỡ tòa nhà Giáo Hội. Như vậy, xét về khía cạnh xã hội và Giáo Hội, Đức Vâng Phục quan trọng hơn hai nhân đức kia. Nó là một yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của Giáo Hội. Giáo Hội Công giáo là một giáo hội phẩm trật, nên Đức Vâng Phục là nhân đức hết sức nền tảng của Giáo Hội.
Tương quan hai chiều của Đức Vâng Phục
Trong thân thể, sự vâng phục thật là quan trọng và tối cần thiết. Nhưng các phần thân thể cho dẫu có tuyệt đối vâng phục bộ óc, mà bộ óc lại không có khả năng lãnh đạo sáng suốt và khôn ngoan – chẳng hạn như trường hợp bộ óc bị bệnh – chắc chắn thân thể và mọi phần thân thể sẽ bị thiệt hại. Vì thế, hai chiều trong tương quan giữa lãnh đạo và vâng phục đều quan trọng và cả hai đều phải được thực hiện tốt đẹp.
Trong xã hội con người, hai chiều ấy tương quan với nhau vừa mật thiết vừa mang tính hỗ tương. Lãnh đạo cho dù sáng suốt tới đâu, nếu không có người vâng phục thì trở nên vô ích, chẳng làm nên tích sự gì. Còn vâng phục cho dù mau mắn và tuyệt đối đến đâu, nếu không có người lãnh đạo sáng suốt thì chẳng những không có lợi mà đôi khi còn có hại. Bề trên có lãnh đạo sáng suốt thì bề dưới mới dễ «tuân phục» (vừa tuân lại vừa phục), và bề dưới có tuânphục thì bề trên mới phát huy hết khả năng lãnh đạo và sự sáng suốt của mình. Do đó, khi nói về Đức Vâng Phục, công bình thì phải nói đến cả hai chiều trong tương quan song phương ấy. Chỉ đòi hỏi bề dưới phải vâng phục, mà không nói tới việc bề trên phải lãnh đạo khôn ngoan sáng suốt, thì quả có phần nào thiên lệch.
Người lãnh đạo tốt phải là người vâng phục tốt
Đương nhiên, để có sự sáng suốt khôn ngoan mà lãnh đạo, chính bề trên cũng cần biết vâng phục: vâng phục Thiên Chúa. Nhưng vì Thiên Chúa không trực tiếp ra lệnh, nên con người cần phải nhận ra mệnh lệnh hay ý muốn của Ngài qua lương tri và lương tâm trưởng thành của mình, qua luật pháp của Chúa, của quốc gia, của tu viện, qua các bổn phận đột xuất và thường hằng của đấng bậc mình, cụ thể nhất qua lệnh của các bề trên và qua ý kiến của các bề dưới mình.
Như vậy, bề trên không phải là người lãnh đạo tuyệt đối, mà chỉ là người lãnh đạo trung gian giữa bề trên cấp cao hơn và bề dưới, hay là một trong nhiều trung gian giữa Thiên Chúa và những người dưới quyền mình. Như thế nghĩa là: không phải khi làm bề trên là cứ việc tùy tiện ra lệnh theo ý riêng mình, vì khi bề trên ra lệnh cho bề dưới, thì lệnh đó phải nhắm thi hành một nhiệm vụ mà bề trên cấp cao hơn đã trao phóù cho mình. Như vậy, chính khi lãnh đạo hay ra lệnh cho bề dưới, bề trên phải thi hành Đức Vâng Phục đối với bề trên cấp cao hơn. Chẳng có một thứ bề trên nào dưới trần gian này mà không có bề trên cấp cao hơn để mình vâng phục. Thiên Chúa là chính là bề trên cấp cao nhất mà tất cả mọi bề trên -cũng như mọi người -đều phải vâng phục. Nhưng chính Ngài cũng phải hành động theo bản tính Thiên Chúa của mình, vì Ngài không thể phản bội chính mình, nghĩa là Ngài cũng phải «vâng phục» chính mình, vâng phục «lương tri»hay bản tính hoàn hảo của mình. Và chắc chắn Ngài chính là mẫu gương vâng phục hoàn hảo nhất cho chúng ta.
Như vậy, ngay cả các bề trên cũng phải vâng phục, thậm chí phải là gương mẫu cho bề dưới về Đức Vâng Phục nữa. Mình có ý hướng vâng phục Thiên Chúa, vâng theo tiếng lương tâm hay bề trên của mình, thì lúc đó, lệnh của mình mới thực sự biểu hiện Thánh Ý của Thiên Chúa cho bề dưới. Nếu bề trên không chịu vâng phục Thiên Chúa, không nghe theo tiếng lương tâm hay nghe theo lệnh bề trên cao cấp hơn mình, thì lệnh mình ra cho bề dưới không phải là Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, khi tuyển chọn một người làm bề trên, ngoài những tiêu chuẩn về tài đức khác, người có trách nhiệm tuyển chọn phải chọn người nào mà mình tin tưởng rằng người đó hằng vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, sẵn sàng vâng phục bề trên cấp cao hơn, để ai vâng phục người đó thì cũng là vâng phục Thiên Chúa.
Vậy, cả người ra lệnh lẫn người thi hành lệnh, cả bề trên lẫn bề dưới, đều phải vâng phục (vâng phục Thiên Chúa, vâng phục bề trên của mình). Như thế là chẳng ai nên làm theo ý riêng mình cả. Và khi nhắm thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa, thì cả bề trên lẫn bề dưới đều thực hành Đức Vâng Phục.
Vâng phục bề trên là vâng phục Thiên Chúa
Những người được trao quyền làm bề trên của ta một cách hợp pháp, thì quyền đó phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua các vị đại diện cho Ngài ở trần gian, hoặc qua những người được các vị đại diện đó ủy quyền. Vì thế, thông thường mà nói, vâng phục bề trên chính là vâng phục Thiên Chúa.
Trong một nước, quyền lãnh đạo quốc gia được ủy thác cho Tổng Thống hay Chủ Tịch nước. Trên nguyên tắc, tất cả mọi người đều phải tuân lệnh vị nguyên thủ đó. Nhưng dân trong nước thì đông và việc nước thì vô số, làm sao vị nguyên thủ đó có thể ra lệnh trực tiếp trong từng việc cho từng người dân được? Ông phải phân quyền cho những người trung gian, đại diện cho ông trước dân chúng: trực tiếp dưới ông là thủ tướng, rồi tới các bộ trưởng, các tỉnh trưởng, huyện trưởng, xã trưởng… và cuối cùng là các chú công an xã, các ấp trưởng, tổ trưởng… Ngay cả những người lãnh đạo cấp thấp nhất này cũng đều nhận quyền hướng dẫn dân chúng từ vị nguyên thủ quốc gia đó. Vì thế, người dân tuân lệnh họ là gián tiếp tuân lệnh vị nguyên thủ, trái lệnh họ là trái lệnh vị nguyên thủ và có thể bị luật pháp trừng trị. Và vị nguyên thủ quốc gia đó lại phải vâng phục ý muốn chung của toàn dân.
Quyền bính từ Thiên Chúa xuống đến các vị bề trên -cho dù là cấp thấp nhất -của chúng ta cũng như thế. Vì thế, vâng phục các ngài là vâng phục chính Thiên Chúa, là tuân theo Thánh Ý Ngài.
Cốt tủy của Đức Vâng Phục là tình yêu
Mục đích của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa
Như đã nói trên, chẳng có ai là không phải vâng phục, dù là bề trên hay người ra lệnh. Và mọi hành vi vâng phục, cho dù là vâng phục ai đi nữa, rốt cuộc vẫn phải là vâng phục Thiên Chúa, là thi hành Thánh Ý Cha trên trời. Nếu vâng phục ai, cho dù thật mau mắn và tuyệt đối, mà không có mục đích thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, thì sự vâng phục đó không phải là nhân đức, không phải là Đức Vâng Phục.
Như vậy, cần phải phân biệt giữa sự vâng phục thông thườngnhân Đức Vâng Phục. Sự vâng phục của tên ăn cướp đối với chủ tướng của mình không phải là Đức Vâng Phục. Cũng vậy, một bề dưới tuân lệnh bề trên chỉ vì sợ hãi, vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng là nhân đức, hoặc sẵn sàng tuân hành một lệnh trái với Thánh Ý Thiên Chúa của bề trên (mà mình đã biết rõ là sai trái) … thì đó không phải là Đức Vâng Phục. Đức Vâng Phục đòi hỏi người vâng phục phải có ý hướng muốn thi hành Thánh Ý Thiên Chúa. Thiếu ý hướng đó thì hành vi vâng phục không phải là Đức Vâng Phục. Như vậy, cũng là vâng phục, nhưng có thứ đúng thứ sai, thứ có công thứ có tội, thứ là cộng tác thứ là đồng lõa, thứ là nhân đức thứ không là nhân đức.
Và nếu cốt tủy của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa thì ra lệnh cho bề dưới với mục đích thi hành đúng Thánh Ý Thiên Chúa, thì cũng chính là thực thi Đức Vâng Phục.
Ý Chúa quan trọng hơn lề luật, ý bề trên, bổn phận…
Đối tượng của Đức Vâng Phục không phải chỉ là lệnh bề trên, mà còn là vâng phục lề luật, tiếng lương tâm, là thi hành tốt đẹp những bổn phận đột xuất cũng như thường ngày của mình… Tất cả những việc ấy là những hình thức cá biệt của Thánh Ý Thiên Chúa. Làm những việc ấy chính là thi hành Thánh Ý Chúa. Đó là nguyên tắc chung.
Tuy nhiên, nguyên tắc trên vẫn có thể có những trường hợp ngoại lệ, những kẽ hở của nó: những việc ấy không phải trường hợp nào cũng là Thánh Ý Thiên Chúa. Thánh Ý Thiên Chúa phải là sự thể hiện tình yêu – tình yêu đối với Thiên Chúacũng như đối với tha nhân – và thể hiện trật tự tốt đẹp trong mọi sự, mọi lãnh vực. Nhưng có những trường hợp tuân giữ đúng như luật định, làm đúng bổn phận, hay nhắm mắt vâng lời bề trên… lại là trái với tình yêu, với trật tự chung, và do đó, không phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Đây là điểm tế nhị mà không phải lúc nào cũng có thể phân định được rõ ràng. Trên nguyên tắc, những khoản luật cụ thể trong luật Chúa, luật Giáo Hội, luật dòng, lệnh của bề trên, bổn phận của ta, và ngay cả lương tâm ta, đều được coi là Thánh Ý Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, không thể hoàn toàn đồng hóa chúng với Thánh Ý Thiên Chúa. Và đây có thể là những thử thách rất tế nhị để chứng tỏ ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có tinh tế hay không, hay ta chỉ yêu Chúa và tha nhân một cách hình thức, theo nguyên tắc, theo luật định. Yêu như thế không phải là yêu đúng nghĩa.
Trong Thánh Kinh ta thấy Đức Giêsu không phải lúc nào cũng tuân giữ đúng như luật Môsê dạy. Luật Môsê cấm rất ngặt làm việc hay chữa bệnh vào ngày Sabbat, nhưng có những lần Ngài lại chữa bệnh vào ngày đó (x. Mt 12,9-14; Ga 5,1-18; 9,1-34). Luật Môsê khuyên không nên giao tiếp với những người tội lỗi, xa tránh những người phung hủi kẻo bị ô uế, nhưng Ngài lại ăn uống với bọn người thâu thuế và tội lỗi (x. Lc 5,29), giao tiếp và chữa lành những người phung hủi, v. v… Tại sao? Vì tình yêu đối với tha nhân đòi hỏi Ngài phải làm theo sự thúc bách của nó, chứ không phải theo lề luật.
Đối với Ngài, Thánh Ý Thiên Chúa là tình yêu hơn là Lề Luật, cho dù Luật đó là Luật của Thiên Chúa. Khi có sự mâu thuẫn giữa lề luật và tình yêu, lúc đó lề luật không hẳn đã phản ảnh đúng Thánh Ý Thiên Chúa. Chính Thánh Kinh cũng xác nhận việc giữ luật một cách máy móc không có tình yêu không làm người ta nên công chính trước Thiên Chúa (x. Rm 3,20.28; Gl 2,16). Dụ ngôn «Người Samari nhân hậu» (x. Lc 10,29-37) cũng nói lên điều ấy. Vị tư tế hay người Do Thái có thể không muốn chạm vào nạn nhân vì không muốn bị ô uế theo Luật Môsê. Nhưng Đức Giêsu không đồng ý với thái độ vị luật ấy khi tình yêu đòi hỏi phải làm khác với lề luật.
Tôi đã từng chứng kiến tận mắt một trường hợp tương tự. Vào một buổi chiều Chúa Nhật nọ, có hai anh em trong đó một người bị sốt rét rất nặng đến xin một y sĩ chữa bệnh. Đây là vùng quê, cả vùng chỉ có một ông y sĩ. Không may cho người bệnh hôm đó vì đã đến đúng lúc ông y sĩ phải đi lễ Chúa Nhật. Lúc đó lễ ở nhà thờ đã bắt đầu, ông có đi xe thật nhanh tới đó thì cũng trễ lễ mất 5,10 phút. Lễ sáng ông không đi được vì bận việc, trong ngày chỉ còn duy nhất thánh lễ này để ông thi hành «điều răn thứ ba của luật Hội Thánh», lỗi điều răn này theo Giáo Luật là tội nặng. Vì thế, bất chấp lời năn nỉ tha thiết xin cứu mạng của người nhà bệnh nhân, ông dứt khoát ra đi «để giữ trọn luật Chúa», phó thác việc sống chết của bệnh nhân cho Chúa quan phòng…
Như thế, ông y sĩ đã hành động vì lề luật chứ không phải vì yêu thương: người ta có chết thì kệ người ta, còn tôi, tôi giữ luật đã, giữ luật thì «chắc ăn»hơn. Ông giống như những kinh sư Do Thái xưa: thà để cho bệnh nhân lỡ mất cơ hội khỏi bệnh -cho dẫu là lâu năm khó chữa -còn hơn là để mình vi phạm luật ngày Sa-bát (x. Ga 5,1-18; 9,1-34). Rõ ràng Đức Giêsu không hành động như thế nếu không muốn nói là đả kích.
Đức Vâng Phục phải thể hiện Đức Ái
«Thiên Chúa là Tình Yêu» (1 Ga 4,8), và đạo của Ngài là Đạo Tình Yêu: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau»(Ga 13,35). Tất cả mọi lề luật, mọi nhân đức, mọi nghi thức, hay tiếng lương tâm… đều chỉ qui về một mối là Tình Yêu. Cốt tủy của Đức Vâng Phục là thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Mà Thánh Ý của Thiên Chúa cuối cùng cũng chỉ là làm sao để Tình Yêu được thể hiện nơi con người, trong bản thân mỗi người, trong gia đình, trong xã hội, trong Giáo Hội. Vì thế, cái làm cho hành vi vâng phục trở thành nhân đức cũng là Đức Ái, là tình yêu thương thực sự. Hành vi vâng lời nào phản lại yêu thương thì không phải là nhân đức.
Cũng trong tinh thần ấy, Thánh Âu Tinh nói: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm». Nghĩa là: hễ hành động do tình yêu sáng suốt thúc đẩy, thì sẽ luôn luôn hợp với Thánh Ý Thiên Chúa, cho dù hành động đó đôi khi không phù hợp với lề luật hay lệnh truyền của bề trên. Do đó, không phải cứ tuân hành lề luật cho tốt, cứ nhắm mắt làm theo lệnh bề trên là luôn luôn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Tình Yêu vẫn là yếu tố tối quan trọng để làm cho một hành động có giá trị trước Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: «Cho dù tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có Tình Yêu, thì chẳng ích lợi gì cho tôi» (1 Cr 13,3). Tương tự như vậy, cho dù tôi có giữ luật từng ly từng chút như các kinh sư Do Thái xưa, có luôn luôn tuân hành bề trên một cách tuyệt đối đi nữa, nếu không có Tình Yêu, thì những hành động ấy chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn «thèm lòng chứ không thèm thịt», như Đức Giêsu đã trưng dẫn lời của ngôn sứ Hôsê: «Ta muốn Tình Yêu chứ đâu muốn lễ tế» (Mt 12,7 // Hs 6,6). Do đó, vâng phục chỉ thực sự là nhân đức khi có tình yêu bên trong.
Trong cuộc sống thường ngày, khi làm cha mẹ hay bề trên, ta dễ nhận ra có một số trường hợp đặc biệt, mà con cái không vâng lời ta thì lại hợp ý ta hơn. Chẳng hạn, ngày tết, cha mẹ bảo con cái đừng tốn tiền trong việc mua lễ vật biếu tết mình vì thấy chúng nghèo. Ta không muốn việc lễ tết trở thành gánh nặng cho chúng, làm thiệt hại đến con cái của chúng, cũng là cháu chắt mình. Nhưng ta sẽ cảm thấy khá hài lòng khi chúng không làm theo lệnh ấy, vì sự bất tuân đó phát xuất từ tình yêu của chúng đối với ta. Hay như bà mẹ chồng thường la rầy nàng dâu mỗi lần nàng đi chợ mua quà về cho bà. Miệng bà la, nhưng lòng bà rất vui vì cảm thấy nàng dâu thương yêu mình: bị la rầy mà vẫn cứ mua cho mình, và bà cảm thấy thương nàng dâu hơn. Nếu nàng dâu cứ vâng lời bà thì cô không chứng tỏ được lòng quí mến của mình đối với mẹ chồng.
Đương nhiên các bề dưới không nên lạm dụng lý do đó để bất tuân lệnh bề trên. Đó chỉ là một thí dụ điển hình chứng minh rằng giữa ý muốn của Thiên Chúa và luật lệ của Ngài, giữa ý của bề trên với lệnh của bề trên không phải lúc nào cũng là một. Trong những trường hợp có sự khác biệt như thế, ta nên làm theo ý của Chúa hay ý của bề trên hơn là những luật lệ hay những lệnh truyền bên ngoài.
Đương nhiên những trường hợp này đòi hỏi nhiều tình yêu cũng như sự tinh tế mới nhận ra được.
Đức Vâng Phục đòi hỏi sự đối thoại
Đối thoại để biết rõ ý Chúa hơn
Bản chất và mục đích của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, nên Đức Vâng Phục, tự bản chất, đòi hỏi phải có sự đối thoại. Nhờ đối thoại, Thánh Ý Thiên Chúa mới được nhận biết chính xác, đúng mức. Nhờ đối thoại, lệnh của bề trên mới có nhiều cơ may đúng với Thánh Ý Thiên Chúa hơn. Vì khi bề trên ra lệnh, vấn đề quan trọng không phải là lệnh của mình có được tuân hành không, mà là Thánh Ý Thiên Chúa có được thi hành hay không. Làm sao một bề trên có thể tự hào là mình luôn luôn sáng suốt, biết rõ Thánh Ý Thiên Chúa để ra lệnh, mà không cần bàn hỏi ai, nhất là bàn hỏi với những người có nhiệm vụ thi hành lệnh của mình? Sự khôn ngoan thận trọng mà bản chất Đức Vâng Phục đòi hỏi – tức Thánh Ý Thiên Chúa phải được thực hiện – buộc rằng vâng phục phải được thực hành trong đối thoại, nhất là trong những việc quan trọng, để bề dưới không chỉ «vâng» mà còn «phục» nữa.
Ý Chúa cũng được biểu hiện qua quan điểm của bề dưới
Đối tượng của Đức Vâng Phục là Thánh Ý Thiên Chúa, nên dù là bề trên hay bề dưới, ai cũng phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa mà thực hiện. Nền linh đạo cổ truyền thường chỉ nói một chiều: bề dưới phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa nơi lệnh của bề trên, mà ít nói tới bề trên cũng phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa nơi ý kiến, quan điểm của bề dưới. Tục ngữ Việt Namcó câu: «Ý dân ý Trời» nói lên tinh thần đó – đương nhiên dân ở trong câu tục ngữ này phải hiểu là đa số bề dưới, chứ không phải chỉ là một cá nhân hay một thiểu số bề dưới nào.
Trong thực tế, quan điểm của bề trên không phải lúc nào cũng đúng hơn, cũng phù hợp với Ý Chúa hơn quan điểm của bề dưới. Lịch sử Giáo Hội cũng như lịch sử các dân tộc cho ta thấy có vô số trường hợp bề dưới suy nghĩ đúng hơn, cao hơn, hợp với Thánh Ý Thiên Chúa hơn bề trên.
Đúng ra bề trên nên mong muốn cho bề dưới điều đó, và vui mừng khi thấy bề dưới được như thế, vì «con hơn cha là nhà có phúc». Vả lại, có nỗ lực giúp cho bề dưới suy nghĩ đúng hơn mình thì xã hội, thế giới, trong đó có giáo xứ, dòng tu, chủng viện, giáo phận, Giáo Hội… mới tiến hóa được. Bề trên mà lúc nào cũng nghĩ rằng chỉ có mình là đúng, thì bề dưới khó bề mà tiến lên được.
Bề trên thường suy nghĩ đúng hơn bề dưới, nhưng không phải luôn luôn.
Bề trên có năng hỏi ý kiến bề dưới, có cho phép bề dưới tham dự vào trách nhiệm mà Chúa trao phó cho mình, thì bề dưới mới khôn lên, mới phát huy sáng kiến và tinh thần ý thức trách nhiệm trong việc thi hành Thánh Ý Thiên Chúa. Một vị bề trên hành xử như vậy thường được bề dưới yêu mến, kính phục và cảm thấy vui tươi thoải mái khi vâng lời ngài. Bề trên nào không chịu tìm hiểu quan điểm, ý kiến, cách suy nghĩ của bề dưới, mà luôn luôn coi thường bề dưới, chỉ biết ra lệnh theo ý riêng và theo suy nghĩ riêng của mình, thường chỉ làm cho bề dưới hoặc bất mãn, bất phục, hoặc chỉ vâng lời như một cái máy, không cần biết đến ý Chúa mà chỉ biết đến ý bề trên thôi. Vâng lời như thế không phải là Đức Vâng Lời. Vị bề trên như thế có lẽ đã nhắm thi hành ý riêng mình hơn ý Chúa, và thường là người độc tài, độc đoán, hay bảo thủ lập trường của mình. Bề trên mà hành động như thế thì chính vị ấy đã lỗi Đức Vâng Lời.
Tuy nhiên, tâm lý đó rất dễ hiểu và dễ xảy ra, vì bề trên thường là bậc thầy của bề dưới, do sinh ra trước cả một thế hệ, nên vừa được học hỏi nhiều hơn vừa lắm kinh nghiệm hơn. Vì thế bề trên dễ nghĩ rằng mình luôn luôn nghĩ đúng hơn bề dưới. Thực ra bề trên chỉ có khả năng nghĩ đúng hơn, và thường nghĩ đúng hơn bề dưới, chứ không phải luôn luôn nghĩ đúng hơn. Thật vậy, bề trên dù có giỏi hay kinh nghiệm gấp trăm lần bề dưới, cũng không hẳn đã nhìn thấy hết được những gì bề dưới nhìn thấy. Vả lại, bề trên tuy hiểu biết và kinh nghiệm nhiều, nhưng thành kiến và định kiến cũng nhiều, tính nhậy bén thích ứng với hoàn cảnh mới không bằng tuổi trẻ, nên có thể có những vấn đề bề dưới thấy rõ và đúng hơn bề trên. Ai làm bề trên thì cũng đã từng có thời gian làm bề dưới, nên chắc chắn có kinh nghiệm rằng: thời gian đã chứng tỏ có một số suy nghĩ của mình cuối cùng lại đúng hơn của bề trên mình.
Cách nhìn của bề trên và bề dưới thường bổ túc cho nhau để thấy rõ ý Chúa hơn
Như vậy, không phải là chỉ bề trên mới có lý hay chỉ bề dưới mới có lý. Mà là bề nào cũng có lý của mình, nhưng bình thường không bề nào nhìn thấy ý Chúa một cách toàn diện cả. Bề trên thấy khía cạnh này mà không thấy khía cạnh kia, còn bề dưới thì lại thấy ngược lại. Thánh Ý Thiên Chúa là một thực tại không đơn giản, không đơn thuần một mặt, mà có thể có nhiều mặt, và thường vượt khỏi cách nhìn của loài người. Vì nhiều mặt, nên mỗi người thường chỉ thấy được một hay vài mặt, người thấy mặt này, kẻ thấy mặt kia, khó có ai thấy được mọi mặt. Muốn thấy ý Chúa một cách toàn diện hơn thì phải có đối thoại, trao đổi giữa bề trên và bề dưới, giữa những khuynh hướng khác biệt nhau để bên này thấy được cái nhìn – mà mình còn thiếu – về Thánh Ý Thiên Chúa của bên kia, và nhờ đối thoại như vậy, hai bên mới có sự thông cảm yêu thương nhau.
Việc đối thoại nên là sáng kiến của bề trên
Việc đối thoại nên khởi từ gợi ý của bề trên hơn từ bề dưới. Bề trên có chủ trương đối thoại, có thiện chí muốn nghe ý kiến của bề dưới, thì bề dưới mới dám an tâm bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình, đôi khi khác hẳn hoặc ngược hẳn với suy nghĩ của bề trên. Tâm lý của bề dưới thường rất ngại ngùng và dè dặt khi phải trình bày một ý kiến ngược lại với lệnh truyền hay với cách suy nghĩ của bề trên.
Nếu bề trên thực sự có tinh thần đối thoại để tìm ra Thánh Ý Thiên Chúa một cách khách quan hơn, thì nên kiên nhẫn nghe bề dưới trình bầy hết ý kiến của họ, rồi tự mình suy xét thêm trước khi quyết định. Dẫu sao quyết định cuối cùng cũng là do bề trên, nên bề trên có nghe bề dưới trình bày thì chẳng những không hại gì, mà còn làm cho quyết định của mình trở nên sáng suốt, khách quan hơn, do mình thấy được nhiều chiều kích của vấn đề hơn.
Đương nhiên đối thoại không nên là cách để bề trên dùng chỉ với mục đích thuyết phục bề dưới hiểu và chấp nhận lập trường đã có sẵn mà mình quyết tâm không bao giờ thay đổi, bất chấp ý kiến của bề dưới hay hoặc dở. Đối thoại phải là cách để hai bên cùng tìm Thánh Ý Chúa: mỗi bên đều nhận ra một khía cạnh nào đó của ý Chúa. Nhờ đối thoại mà cả hai bên đều thấy ý Chúa sáng tỏ hơn.
Vâng lời Thiên Chúa hơn loài người
Điều quan trọng là Thánh Ý Thiên Chúa được thực hiện, nên bổn phận của bề dưới không phải chỉ là vâng phục bề trên, mà còn phải làm cho sự vâng phục của mình, hay sự việc sẽ xảy ra trong tương lai phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa nữa. Vì khi vâng phục bề trên, ta không nhắm vâng phục chính vị bề trên ấy, mà vâng phục Thiên Chúa qua mệnh lệnh của bề trên.
Thứ linh đạo xưa chủ trương «vâng phục tối mặt» -chỉ biết đến ý bề trên chứ không cần biết đến ý của Thiên Chúa, hay hoàn toàn đồng hóa ý của bề trên với ý của Thiên Chúa – không còn hợp thời nữa. Vì thực ra, ý của bề trên không phải lúc nào cũng phù hợp với ý của Thiên Chúa, vì bề trên cũng là một con người, có thể đúng mà cũng có thể sai, có thể đẹp lòng Chúa mà cũng có thể không, có thể thánh thiện mà cũng có thể tội lỗi, có thể muốn thực thi Thánh Ý Thiên Chúa mà cũng có thể chống lại. Mà bổn phận của chúng ta là vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục bất cứ người nào khác, cho dù là vâng phục Chúa thông qua loài người.
Vì thế, khi nhận ra có sự mâu thuẫn rõ ràng giữa ý bề trên với ý Thiên Chúa, bề dưới có bổn phận phải trình bày với bề trên ý kiến của mình, để nhờ sự góp ý đó, bề trên có thể nhận ra ý của Thiên Chúa rõ ràng hơn. Và với ý hướng tìm Thánh Ý Thiên Chúa, bề trên sẽ lắng nghe với tinh thần cởi mở. Biết bề trên ra lệnh sai trái mà vẫn cứ vâng phục, thì vô tình hay hữu ý, ta đã làm trái ý Chúa, hay một cách nào đó là đồng lõa phạm tội với bề trên. Do đó, khi việc vâng phục trái với lương tri hay lương tâm ta, ta không buộc phải vâng phục, và không ai có quyền hợp pháp ép buộc ta làm một điều trái với lương tâm mình.
Quyết định cuối cùng vẫn là ý của bề trên
Tuy nhiên, «vâng phục tối mặt» hay vâng phục mù quáng vẫn có giá trị của nó, nhất là khi người vâng phục chưa có đủ khả năng nhận định được đâu là phù hợp, đâu là trái nghịch với ý Thiên Chúa. Đó là trường hợp vâng phục của trẻ em, của những người chưa đủ trí khôn để phán đoán, hay của những người bối rối không dám nhận định dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Hay là trường hợp của chính chúng ta trong những phạm vi vượt khỏi khả năng phán đoán của mình. Thật vậy, trong những trường hợp đặc biệt, khi ta không xác định được Thánh Ý Thiên Chúa thế nào, thì cách tốt nhất là vâng phục bề trên, vì bề trên thường có nhiều khả năng nhận biết ý Chúa hơn ta, và có nhiều ơn Chúa soi sáng hơn ta.
Cũng vậy, trong trường hợp bề dưới đã trình bày hết ý kiến của mình nhưng bề trên lại quyết định cách khác, thì bề dưới cứ việc an tâm tuân hành ý bề trên và coi đó là Thánh Ý Thiên Chúa. Trừ trường hợp biết chắc chắn và rõ ràng rằng ý bề trên đi ngược lại Thánh Ý Thiên Chúa, lúc đó, đức vâng lời đòi buộc mình phải vâng phục Thiên Chúa hơn bề trên.
Tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X (Đà Lạt) nơi tôi có hân hạnh được tu học, mỗi lần các vị bề trên học viện họp lại với nhau để bàn về một vấn đề gì quan trọng, thì hầu như buổi họp nào cũng là một cuộc tranh luận sôi nổi, ý kiến của bất kỳ người nào, cho dù của linh mục viện trưởng cũng có thể bị phê bình một cách gay gắt, kịch liệt. Nhưng tất cả mọi phê bình, chỉ trích, phản đối, thậm chí bực tức chỉ xảy ra trong buổi họp đó, hay trong những buổi họp kế tiếp nếu chưa giải quyết xong. Một khi đã có quyết định của linh mục viện trưởng – người có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng – thì vấn đề coi như đã giải quyết dứt khoát. Tất cả mọi vị hướng dẫn khác trong học viện đều thi hành quyết định đó một cách vui vẻ, mau mắn, coi đó là Thánh Ý Thiên Chúa, và không bao giờ đưa ra phê bình chỉ trích, tỏ vẻ bất mãn hay đặt lại vấn đề với nhau nữa. Điều đáng lưu ý nữa là trước những buổi họp quan trọng như thế, thì vị giám luật hoặc giám học đã họp tất cả các chủng sinh trong học viện lại -họp chung tất cả hoặc họp theo từng lớp -để hỏi ý kiến họ về một số vấn đề có liên quan đến chính họ và đến học viện. Và những ý kiến khác nhau của họ luôn luôn được nêu lên trong những buổi họp quan trọng ấy để tất cả các vị hướng dẫn cùng cứu xét.
Được hỏi ý kiến như thế, mọi người đều cảm thấy mình được góp phần vào quyết định chung của các bề trên, vào quyết định mà chính mình sẽ phải thi hành. Được góp phần như thế, mọi người đều cảm thấy mình được trân trọng, và thấy quyết định của bề trên không phải là một cái gì hoàn toàn của người khác áp đặt trên mình. Và sự vâng phục của họ đối với những quyết định ấy trở nên ý thức hơn, tự nguyện hơn, vui vẻ hơn.
Cần đối thoại trong cầu nguyện và tìm Thánh Ý Thiên Chúa
Khi cả hai bề – bề trên lẫn bề dưới – đều nhắm thực hiện ý Thiên Chúa chứ không phải ý mình, và cả hai đều chân thành tìm hiểu ý Ngài, thì thường không có gì khó khăn trong vấn đề đối thoại. Và sự cảm thông lẫn nhau cũng trở thành dễ dàng. Trong một giáo xứ nọ, hễ cha sở và cha phó bất đồng ý kiến với nhau về cách giải quyết một vấn đề, thì thay vì tiếp tục tranh luận, cả hai đều vào nhà nguyện nửa tiếng để đặt mình trước nhan Thiên Chúa, cầu nguyện, tìm hiểu ý Ngài và xin ơn soi sáng. Kinh nghiệm của hai vị linh mục này là: nhờ cầu nguyện và tìm hiểu Thánh Ý Chúa mà sau đó hai vị luôn luôn tìm được một giải pháp ổn thỏa, sáng suốt hơn tất cả những ý kiến riêng của mỗi người trước đó, và cả hai đều cảm thấy thỏa mãn.
Kết luận
Mục đích của Đức Vâng Phục là thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa đồng thời duy trì và phát triển trật tự tốt đẹp trong đời sống cá nhân cũng như trong cộng đoàn, hay trong xã hội, Giáo Hội. Đức Vâng Phục do đó luôn luôn mang hai chiều kích: cá nhân và xã hội. Hai chiều kích đó phải hòa hợp với nhau: vừa phải làm cho đời sống cá nhân tốt đẹp, vừa phải làm cho trật tự xã hội được hoàn hảo. Tất cả đều phải được thực hiện trong tinh thần yêu thương của Đức Ái Kitô giáo.
Nếu cả bề trên lẫn bề dưới đều nhắm thực thi Thánh Ý Thiên Chúa và thể hiện tình yêu thương thì Đức Vâng Phục sẽ trở nên dễ dàng không có gì trở ngại. Đức Vâng Phục không phải chỉ là nhân đức của bề dưới, mà còn là của bề trên nữa. Khi bề trên lãnh đạo, hướng dẫn đúng ý Chúa, đúng theo đường hướng của Giáo Hội, của dòng tu, hay của bề trên cấp cao hơn mình, và quan trọng là thực hiện điều đó trong tinh thần phục vụ, yêu thương, đối thoại, thì đó chính là thực hành Đức Vâng Phục. Chính nhờ Đức Vâng Phục này mà lệnh truyền của bề trên mới trở thành Thánh Ý Thiên Chúa cho bề dưới. Và bề dưới, khi thực hành Đức Vâng Phục, không những làm cho đời sống cá nhân mình thánh thiện lên mà còn là cách xây dựng và thánh hóa Giáo Hội nữa.
Nhờ Đức Vâng Phục, các Kitô hữu sát tế ý riêng mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Hy lễ đó là hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, vì sát tế ý riêng cũng là sát tế chính mình. Sát tế những thứ khác không có giá trị bằng. Và đó cũng là phương thế hữu hiệu bậc nhất để tự thánh hóa bản thân. «Hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi thì mãi mãi vẫn chỉ là hạt lúa, nhưng nếu chết đi thì nó sẽ sinh hoa kết trái gấp trăm» (Ga 12,24). Đức Vâng Phục làm cho «cái tôi» của ta chết đi, nhường chỗ cho Đức Kitô ở trong ta lớn lên. Chính Đức Kitô đã nêu gương sát tế ấy cho chúng ta: «Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá» (Pl 2,8).

Nguyễn Chính Kết



Share: