Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Bài thơ cho nước



Bài thơ cho nước

April 17, 2018

Lời giới thiệu

Bài thơ này là của một bạn trẻ, rất trẻ gửi đến cho Trang Cựu Chiến Binh/NV với hình ảnh của tác giả. Nhưng để giữ an ninh cho tác giả, có thể còn đang ở trong nước, nên Trang CCB/NV xin không đưa hình tác giả lên báo.


1- Tôi sinh ra giữa lòng Cộng Sản
Và lớn lên dưới ảnh Bác Hồ
Bao nhiêu năm viết «Độc lập-Tự do…
và Hạnh phúc» nhưng chưa từng thấy thế.

2- Đất nước tôi có bao người tuổi trẻ
Đều lầm tin vào lịch sử đảng truyền
Họ nói rằng: Bác là thánh, là tiên
Người đưa nước thoát khỏi vòng nô lệ.

3- Nhưng trong tôi thắp muôn vàn lý lẽ
Cuộc chiến nào mà đảng thắng – nước thua?
Dân làm giặc mà đảng lại làm vua
Trên danh nghĩa «kẻ tôi đòi trung hiếu»

4- Đất nước tôi tất thảy do đảng liệu
Đảng phân công, quản lý hết cuộc đời
Từ cây kim, sợi chỉ đến chén cơm, manh áo dù rách nát, nhỏ nhoi
Thì tất cả đều nhờ ơn của đảng

5- «Yêu tổ quốc» có nghĩa là «yêu đảng»
«Chống chính quyền» là «phản bội quê hương»
Bao người vì non sông với niềm tin vào ngày mai nước Việt hùng cường
Đều lần lượt chịu tù đày, khổ ải

6- Đất nước tôi có gì không độc hại
Từ thức ăn, nước uống đến không khí ô nhiễm tràn lan
Từ nhu yếu phẩm của đứa trẻ sơ sinh đến cụ già sắp lìa khỏi trần gian
Đều tẩm độc vào xác – hồn nước Việt

7- Có nơi đâu mà người dân thua thiệt
Bằng thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa thế này không?
Máu dân oan đã nhuộm đỏ sông Hồng
Loài hung bạo chiếm hết trời-đất-biển…

8- Đất nước tôi với mọi điều trái ngược
Ngược văn minh, ngược tiến hóa loài người
Những phát ngôn của quan chức nực cười
Ngược đời thế, nhưng «tài tình lãnh đạo»

9- Ươn hèn nhất, bọn bút nô – tuyên giáo!
Với hàng trăm tờ báo, đài vô tuyến-truyền hình
Ngoài mị dân, ru ngủ, chỉ những tin «cướp-giết-hiếp» hay bản nhạc «đúng quy trình»
Còn nhục nước họa dân thì muôn đời nín lặng

10- Đất nước tôi với sưu cao thuế nặng
Còn hơn thời phong kiến, thực dân
Những trạm BOT mọc lên khắp tỉnh thành
Cùng hàng vạn «áo vàng» chực rình thu mãi lộ.

11- Ôi chân lý mà bao người «giác ngộ»
Làm suy đồi đạo đức mấy ngàn năm
Đưa quốc dân vào chia rẽ-thù hằn
Và kiềm tỏa đường tương lai dân tộc

12- Đất nước tôi mất dần vào Trung Quốc
Mất Hoàng Sa, rồi mất đến Trường Sa
Mất Biển Đông, Bản Giốc, rồi những nơi trọng yếu của nước nhà
Đảng biết rõ, nhưng làm ngơ tất cả.

13- Từ có đảng, biết bao điều tai họa
Như mệnh trời muốn thử thách người Nam
Mà đảng vẫn huênh hoang nào «thắng lợi vẻ vang»
Nào «thời đại Hồ Chí Minh,» nào «dân giàu nước mạnh»

14- Đảng hào nhoáng với ngai vàng lấp lánh
Còn dân đen thì đói khổ, nghèo nàn
Những ủy ban, hội đồng… đều mang mác «nhân dân»
Chỉ kho bạc là của riêng «nhà nước»

15- «Đổi mới» rồi «kiến tạo» với bao đời Thủ tướng
Bao đời tổng bí thư từ Chinh, Duẩn, Linh, Mười…
Bao sai lầm mà đảng chẳng nên người
Sợi kinh nghiệm rút kiếp nào cho hết

16- Đảng cứ sống và dân thì cứ chết
Cứ chết dần trong mơ ước tàn phai
Trong căn bệnh ung thư hay tai nạn giao thông… rồi sẽ đến một mai
«Chết từ từ» để giết nòi giống Việt.

17- Tôi xấu hổ khi nói cùng thứ tiếng
Và viết chung ngôn ngữ với một đảng đê hèn
Hít thở bầu khí quyển màu đen
Bóp nghẹt tự do ở dưới triều Cộng Sản

18- Tôi sinh ra giữa lòng Cộng Sản
Nhưng tôi là một người Việt Tự Do
Trong tim tôi là lý tưởng Quốc Gia
Và chính nghĩa là chủ trương dân tộc

19- Xin cảm ơn những tấm gương bất phục
Và những người yêu Nước của hôm nay
Đã dấn thân vào những chốn đọa đày
Vẫn khí khái cất cao lời tranh đấu.

20- «Ghét Cộng Sản» chẳng bao giờ là xấu
«Yêu đồng bào» từ giòng máu Việt Nam
Chúng ta là con cháu xứ Văn Lang
Và thề quyết làm sáng danh Hồng-Lạc

21- Hỡi những người trai, cô gái Việt
Hãy đứng lên vì non nước lầm than
Diệt bá quyền, lật đổ lũ tham tàn
Cho không thẹn với hồn thiêng sông núi

22- Hãy bước đi theo tiếng đời thúc gọi
Triệu tấm lòng vì đất nước-quê hương
Sẽ noi gương anh dũng của Trưng Vương
Mang ý chí Diên Hồng xây đắp nền Cộng Hòa tự chủ.

(Cho quê hương Việt Nam, mùa Xuân 2018)

Share:

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

TN30b - Khiêm nhường tự hạ có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên

(27-10-2019)

Bài đào sâu


Ôi kỳ diệu thay sự khiêm nhường tự hạ!
Nó có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện,
bất chính thành công chính!



  TIN MỪNG: Lc 18,9-14

Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế


Câu hỏi gợi ý:
1. Theo cách suy nghĩ thông thường của bạn, khi nghe hai người trong bài Tin Mừng cầu nguyện, bạn đánh giá ai công chính hơn ai? Cách phán đoán của Đức Giêsu về sự công chính có khác với cách của bạn không? Khác chỗ nào? 
2. Những người tập luyện được nhiều nhân đức hơn người, làm được nhiều việc tốt lành hơn người, nhưng lại tự hào và lên mặt về sự hơn người đó, thì sẽ được Thiên Chúa đánh giá thế nào? 
3. Đọc bài Tin Mừng bạn rút ra được bài học gì cho mình? cho cách xử sự hằng ngày và cho công việc nên thánh của mình?


Suy tư gợi ý:

1.  Cách phán đoán của Đức Giêsu khác với cách của ta

Qua lời cầu nguyện của hai người trong bài Tin Mừng này, ta biết tất cả những điều tốt lành mà người Pharisêu khoe với Chúa rằng mình đã làm đều là sự thật, và tình trạng tội lỗi mà người thu thuế thú nhận trước mặt Chúa cũng đều là sự thật. Nếu để ta xét đoán, ta sẽ dễ cho rằng người Pharisêu kia mới là người công chính, còn người thu thuế đích thực là tội lỗi. 

Nhưng câu kết luận của Đức Giêsu làm chúng ta phải ngạc nhiên: «Tôi nói cho các ông biết: người này (tức người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (tức người Pharisêu) thì không» (Lc 14,18). Ta thấy phán đoán của Đức Giêsu về sự công chính khác hẳn cách phán đoán của chúng ta. Đương nhiên, chúng ta phải lấy cách phán đoán của Ngài làm mẫu mực cho cách phán đoán của ta, và phải chỉnh lại cách suy nghĩ của ta theo cách của Ngài.



2.  Tự đề cao mình khiến mình bớt giá trị trước mặt Thiên Chúa

Như vậy, điều khiến cho một người nên công chính không phải là những việc tốt lành mà họ làm được cho bằng động lực đã thúc đẩy họ làm những việc ấy. Nếu họ làm những điều tốt để được mọi người khen thưởng, khâm phục, chứ không phải vì yêu Chúa hay thương tha nhân mà làm, thì những điều tốt ấy chỉ có giá trị trước mặt người đời chứ không chắc có giá trị trước mặt Thiên Chúa

Đức Giêsu đã nói về những hành động ấy như sau: «Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,1-2).

Làm điều tốt đẹp để được khen đó là làm vì một động lực vị kỷ, tự kiêu. Đương nhiên, chẳng mấy ai trên đời thoát được tính vị kỷ, muốn tự đề cao mình: người ta chỉ hơn nhau ở chỗ vị kỷ ít hay nhiều mà thôi. Muốn nên thánh, ta phải tập luyện hằng ngày để tính vị kỷ hay tính thích được đề cao của ta càng ngày càng giảm đi. Sự thánh thiện và tính vị kỷ hay độ phình lớn của cái tôi tỷ lệ nghịch với nhau. Lời của Gioan Tẩy giả có thể coi là một định luật: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30)

Cái tôi của ta càng nhỏ đi thì đời sống thần linh hay sự sống của Đức Kitô càng lớn lên trong ta, và giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa càng lớn. Ngược lại, cái tôi của ta càng phình lớn, thì sự sống của Đức Kitô ở trong ta hay giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa càng nhỏ đi. «Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên» (Mt 23,12; Lc 14,11; 18,14).

Người nào hay tìm cách để được mọi người đề cao, khen thưởng thì cũng thường tự coi mình là hơn người và thích chê bai người khác: hạ người khác xuống để mình được nổi bật lên. Những người này dù có làm được biết bao điều tốt lành, thực tập biết bao nhân đức để được người khác nể phục, dù có lên được những bậc thang cao trong Giáo Hội hay xã hội thì vẫn là con số 0 trước mặt Thiên Chúa. Họ không được Thiên Chúa coi là người công chính.



3.  Tự hạ, tự coi thường mình lại làm mình tăng giá trị lên trước mặt Thiên Chúa

Qua bài Tin Mừng ta thấy tội lỗi hay những hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn hay kiêu ngạo. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi, nên đã làm mất đi sự công chính của mình. Nhưng hành động khiêm nhường, biết nhìn nhận sự bất chính và tội lỗi của mình đã lập tức biến anh ta nên người công chính trước Thiên Chúa, bất chấp quá khứ tội lỗi của mình. Tương tự như vậy, tên trộm bị đóng đinh bên phải Chúa, tôi nghĩ chưa chắc anh ta đã phạm ít tội hơn tên trộm bên trái, nhưng chỉ vì anh ta nói được câu: «Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!» mà đã được Đức Giêsu hứa: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc 23,41-43)

Ôi thật là kỳ diệu sự khiêm nhường tự hạ, biết nhìn nhận thực trạng hèn kém của mình! Nó có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính! Ngược lại, cũng thật quái lạ, tính kiêu ngạo, tự mãn, tự đề cao, có thể biến những điều tốt thành xấu, công chính thành bất chính!



4.  Bài học về khiêm nhường tự hạ

Nếu thế thì tại sao ta lại không rút ra một bài học cho mình? cho lý tưởng nên thánh của mình? Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, của nhân đức. Tất cả những tài năng, nhân đức dường như không có giá trị tự nó (en soi) trước mặt Thiên Chúa. Chúng chỉ trở nên có giá trị khi đi chung với sự khiêm nhường, tự hạ. Cũng như những số 0 (không, zéro) dù nhiều tới đâu cũng chẳng làm cho con số do chúng tạo thành có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bởi số 1, thì lập tức mỗi số 0 sau đó đều trở nên có giá trị: càng nhiều số 0 đi sau số 1, thì giá trị con số do chúng tạo thành càng tăng lên. Mỗi số 0 sau số 1 đều làm cho con số đã có tăng giá trị lên gấp 10 lần.

Đức Gioan-Phaolô I (1912-1978) nói: «Trên thiên đàng không thiếu bọn thu thuế và đĩ điếm nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hỏa ngục có cả hồng y giám mục nhưng không có người khiêm nhường». Nếu đúng như vậy thì bí quyết để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu là khiêm nhường, tự hạ, và ai khiêm nhường tự hạ thì dường như không thể xuống hỏa ngục được! Còn muốn xuống hỏa ngục thì chỉ cần kiêu ngạo là đủ, và kẻ kiêu ngạo thì dường như không thể vào thiên đàng được!

Trong cuộc đời, ta thấy có nhiều người sống trong sạch như các thiên thần, hoặc làm được rất nhiều việc lành như những vị thánh, nhưng họ lại kiêu ngạo, tự hào không kém gì ma quỉ về sự tốt lành của họ. Chính vì thế, họ không phải là đối tượng của Nước Trời. Thật là uổng, tất cả những nhân đức họ tập được, những việc lành họ làm được, chỉ vì kiêu ngạo mà biến thành công dã tràng! Như vậy, ai tự đưa mình lên thì coi chừng kẻo bị hạ xuống tới tận hỏa ngục! 

Còn ai tự hạ mình xuống thì rất có thể sẽ được đưa lên tới tận thiên đàng! Đức Giêsu đã chẳng nói: «Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu sao?» (Mc 10,31; xem Mt 20,16; Lc 13,30). Vậy thì dại gì mà kiêu căng, khoe khoang, tự mãn! dại gì mà lên mặt chê bai kẻ khác! Chính khi ta chê bai kẻ khác với mục đích để mình nổi bật lên, thì hành động của ta lại trở thành đáng chê hơn kẻ bị ta chê!

Về sự khiêm nhường và kiêu ngạo, Karl Marx nói: «Khiêm nhường bao nhiêu đều không đủ, Chỉ chút kiêu ngạo cũng quá nhiều!»Vì thế, hãy khiêm nhường được chừng nào hay chừng nấy, và đừng kiêu căng hay tự mãn chút nào cả!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Thánh Kinh cho con biết Cha rất thích kẻ khiêm nhường, và rất ghét kẻ kiêu căng. Đức Giêsu là hình ảnh trung thực nhất của Cha đã sống một cuộc đời hết sức khiêm nhường, đầy tinh thần tự hủy và vị tha tới tận cùng, đến nỗi Ngài không còn sống cho bản thân mình mà hoàn toàn sống cho Cha và tha nhân. Xin cho con biết sống như Đức Giêsu: quên mình, tự hạ, để có thể sống yêu thương và hòa đồng với tất cả mọi người chung quanh con. Amen.


Share:

TN30a - Sự công chính theo quan niệm của Đức Giêsu rất khác với quan niệm của chúng ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên

(27-10-2019)


Sự công chính theo quan niệm của Đức Giêsu
rất khác với quan niệm của chúng ta



ĐỌC LỜI CHÚA

  Hc 35,12-14.16-18: (12) Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. (13) Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.

  2Tm 4,6-8.16-18: (8) Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

  TIN MỪNG: Lc 18,9-14

Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

(9) Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: (10) «Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. (11) Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. (13) Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (14) Tôi nói cho các ông biết, người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên».




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có ngạc nhiên về cách đánh giá của Đức Giêsu về hai người trong bài Tin Mừng trên không? Nếu là bạn, bạn đã đánh giá hai người ấy thế nào?

2. Bạn rút ra bài học gì về quan điểm của Đức Giêsu về sự thánh thiện? Bạn phải thay đổi cách đánh giá của bạn theo Đức Giêsu hay theo người đời?

3. Theo Đức Giêsu, sự công chính hệ tại điều gì? tại sự vô tội? tại những việc đạo đức mình làm được? tại việc giữ luật nhiệm nhặt? hay tại tình yêu? tại lòng khiêm nhượng? tại sự hối cải?

Suy tư gợi ý:
1.  Cách đánh giá của Đức Giêsu thật đáng ngạc nhiên

Đọc đoạn Tin Mừng trên, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và kinh sợ. Ngạc nhiên vì kết luận rất bất ngờ của Đức Giêsu so với cách suy nghĩ đánh giá của chúng ta. Kinh sợ vì thấy chính mình nhiều khi cũng hành xử y hệt người Pharisêu ấy. Người Pharisêu trong đoạn Tin Mừng tự hào về những việc mình làm, điều đó không phải là không có lý do chính đáng. Chắc hẳn ông ta đã thật sự làm được những điều mà ông ta kể ra với Thiên Chúa. Bài Tin Mừng viết, «Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng…». Từ «nguyện thầm» cho ta thấy những việc tốt lành đạo đức ông kể ra là chỉ để cho Chúa nghe, chứ không phải để khoe khoang với mọi người. Cho nên những việc ấy là có thật. Chẳng những ông tuân giữ luật Môsê cũng là luật Chúa một cách nhiệm nhặt, mà còn làm tốt hơn những gì luật ấy buộc nữa. Chẳng hạn luật Môsê chỉ buộc kiêng ăn mỗi năm một lần vào ngày lễ tạ tội, tức ngày 10 tháng 7 của lịch Do Thái (x. Lv 16,29), thế mà ông đã ăn chay mỗi tuần hai lần. Nghĩa là nhiều hơn gấp 104 lần luật buộc! (104 = 52 tuần x 2). Chính những việc làm xem ra tốt lành ấy đã khiến ông tự hào mình đạo đức, khiến ông rơi vào tình trạng mà sách Cách Ngôn nói: «Có hạng người cứ cho mình là trong sạch, dù chưa được gột rửa khỏi vết nhơ» (Cn 30,12).

Nhưng rõ ràng theo quan điểm của Đức Giêsu thì ông không phải là người công chính trước mặt Thiên Chúa, mặc dù trước mặt mọi người, ai cũng phải công nhận ông ta là người rất đạo đức. Điều đó hẳn phải làm ta ngạc nhiên. Nhưng ta còn ngạc nhiên hơn nữa khi Đức Giêsu lại coi người thu thuế tội lỗi kia – là người công chính sau khi ông cầu nguyện cách khiêm cung như thế. Mặc dù người thu thuế chắc chắn đã phạm nhiều tội hơn người Pharisêu kia. Quả thật, cách suy nghĩ, đánh giá của Đức Giêsu ngược hẳn với cách thường tình của chúng ta, kể cả của những Kitô hữu «cao cấp». Nhưng là người Kitô hữu, chúng ta phải học cách suy nghĩ và đánh giá của Đức Giêsu, chứ không phải tiếp tục cố chấp với cách suy nghĩ của mình.

Thiên Chúa cũng sẽ xét xử chúng ta dựa trên cách suy nghĩ và đánh giá của Đức Giêsu chứ không theo cách của chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, sẽ có một sự đảo lộn không ngờ so với những suy nghĩ hay dự đoán của con người, vì có «những điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa» (Lc 16,15). Vì thế, ngày ấy có thể xảy ra như sau: 

− «Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót» (Mt 20,16; Mc 10,31; Lc 13,30)

− «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12)

− «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác» (Mt 7,22-23).



2.  Sự công chính theo quan điểm của Đức Giêsu

Rõ ràng Đức Giêsu không phán đoán theo kiểu con người, kể cả những Kitô hữu «cao cấp». Sự công chính không chính yếu hệ tại những việc đạo đức, những lễ nghi tôn giáo mà ta làm được, cho dù nhiều tới đâu. Lời của thánh Phaolô soi sáng cho ta phần nào: «Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,2-3). Như vậy, tất cả những việc tốt lành mà ta làm được, dù nhiều đến đâu, nếu không phát xuất từ tình yêu đích thực, thì trước mặt Thiên Chúa, vẫn chỉ là một con số không to tướng.

Những việc làm tốt đẹp ấy nếu thật sự phát xuất từ tình yêu, thì ta sẽ không bao giờ kể ra để được mọi người khen ngợi, kể cả việc kể ra với Thiên Chúa. Khi kể ra để được khen ngợi, thì việc kể ra đó chứng tỏ ta làm những việc ấy không phải do tình yêu, mà do ý muốn được khen ngợi là đạo đức, là có tình yêu, là giỏi giang, là tuyệt hảo. Và như thế thì ta «đã được phần thưởng rồi» (Mt 5,2.5), nên Thiên Chúa không còn phải thưởng cho ta nữa.

Nếu ta kể công với Thiên Chúa, thì hóa ra ta làm những việc ấy chỉ để Ngài trả công như thể ta là người làm công. Họ làm việc để được trả lương hơn là làm vì tình yêu, khác với con cái trong nhà làm vì yêu thương cha mẹ chứ không để được cha mẹ trả công. Trường hợp này, Thiên Chúa, Đấng vô cùng công bằng, luôn trả công cho ta xứng đáng bằng một phần thưởng nào đó có thể ngay ở đời này; nhưng Ngài không thể kể ta là người công chính đáng được hưởng thứ phần thưởng vốn chỉ dành cho những người có tình yêu đích thực. Cũng như ông chủ có thể trả lương sòng phẳng cho những người làm công, nhưng không bao giờ chia gia tài cho họ, mà chỉ chia gia tài cho con cái, cho dẫu con cái làm được ít việc cho ông hơn người làm công. Cũng vậy, trước con mắt Thiên Chúa, giá trị của một công việc dù nhỏ bé nhưng được làm vì tình yêu thì vẫn vô cùng lớn hơn giá trị của một công việc dù to tát nhưng lại làm vì một động lực khác.



3.  Trường hợp hai người cầu nguyện trong dụ ngôn

Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng trên, người Pharisêu tưởng rằng ông có thể cậy vào việc giữ lề luật và những việc đạo đức của mình để tự hào là công chính trước mặt Thiên Chúa. Nhưng thánh Phaolô cho biết, «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy» (Rm 3,20; Gl 2,16); «Dân Ítraen tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó.  Tại sao thế? Vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm» (Rm 9,31-32). Sự công chính không đến từ việc làm hay việc tuân giữ lề luật, mà đến từ việc tin vào ân sủng của Thiên Chúa và sống phù hợp với niềm tin ấy.

Do đó, càng cậy vào việc giữ luật và những việc mình làm để tự hào về sự công chính của mình thì càng trở nên bất chính trước mặt Thiên Chúa. Vì «Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường» (Gc 4,6; Pl 5,5). Do đó, ta đừng bao giờ tự hào về sự thánh thiện hay những việc làm tốt đẹp của mình. Thánh Phaolô nói rất rõ: «Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin sẽ làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính» (Rm 4,5)

Trước khi sa ngã, chắc chắn thiên thần Lucifer còn trong trắng, thánh thiện và hiểu biết về Thiên Chúa hơn ta bây giờ rất nhiều. Nhưng ‘ông’ đã trở nên xấu xa tội lỗi vì tính kiêu ngạo và vì niềm tự hào về sự trong sạch, thánh thiện của ‘ông’. Do đó, kiêu ngạo là đầu mối mọi tội lỗi, nó xấu xa và tác hại hơn bất kỳ tội ác nào, và nó biến mọi điều tốt lành có thể rất lớn lao của ta thành vô giá trị trước Thiên Chúa.

Còn người thu thuế, tuy rằng ông tội lỗi thật, ông đã từng phạm nhiều tội ác, nhưng ông đã hối hận và thành thật nhận chân tình trạng tội lỗi của mình. Qua sự đánh giá của Đức Giêsu, ta thấy đối với Thiên Chúa, tuy tội lỗi làm mất lòng Thiên Chúa nặng nề, nhưng tình yêu được thể hiện bằng tâm hồn khiêm nhượng lại làm đẹp lòng Ngài. Thật vậy, thánh Phêrô nói: «Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr 4,8; x. Tb 12,9)

Kẻ thánh thiện nhất trên đời cũng vẫn có tội, vì trước mặt Thiên Chúa, «không ai là người công chính, dẫu một người cũng không» (Rm 3,10). Vấn đề không phải là mình tội lỗi nhiều hay ít, mà là mình có được Thiên Chúa tha thứ hay không: «Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!» (Rm 4,7-8). Chính tình yêu và lòng khiêm nhường thống hối khiến Chúa tha thứ tất cả và «không kể là có tội». Do đó, một người vô cùng tội lỗi nhưng một khi đã thật lòng thống hối, thì trước mặt Thiên Chúa, người ấy công chính hơn một người ít phạm tội, làm được nhiều việc phúc đức, nhưng lúc nào cũng tự hào về sự vô tội hay đạo đức của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta biết điều ấy. Đó là tin vui cho những người tội lỗi, vì họ chỉ cần thật lòng thống hối là được nên công chính; nhưng lại là tin buồn cho những người kiêu ngạo, thích tự hào về sự đạo đức hay thánh thiện của mình.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, có thể nói: trước mặt Cha, tính ích kỷ và kiêu ngạo của một người che lấp tất cả mọi sự tốt đẹp của người ấy, khiến người ấy trở thành bất chính. Và tình yêu thương và lòng khiêm nhượng của một người có thể che lấp được những tội lỗi xấu xa của người ấy. Vậy, xin Cha giúp con biết sống yêu thương, khiêm nhượng và trừ tuyệt tính ích kỷ và kiêu ngạo trong con.


Share:

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Làm sao để áp huyết không cao?



Làm sao để áp huyết không cao?

BS Nguyễn văn Hoàng



Cái ống màu vàng (aorta) là đại động mạch, máu bơm vào đó từ tâm thất trái (left ventricle) Aortic valve chận không cho máu đã bơm ra bị dội về.

Mấy hôm nay «chiến đấu» với Đàm «cao máu» nên nhân tiện chúng tôi xin viết vài hàng phiếm luận về cao áp huyết. Có những kiến thức trong bài này vô cùng căn bản, nếu quý vị nào biết qua rồi xin miễn thứ cho. Bên dưới là một bài viết cũ, tựa đề là «Nhức đầu», nhưng cũng ít nhiều liên quan đến áp huyết”.

 
Bây giờ chúng ta bắt đầu vào năm thứ nhì của đại học y khoa, môn sinh lý học. Tuy sinh lý đây chỉ có nghĩa là cái nguyên lý của sự sống, không có nghĩ là «sinh lý» kiểu sương sương của phòng the, nhưng cũng hứng thú vô cùng.

Đầu tiên, chắc ai cũng biết người Việt mình thường nói áp huyết của một người là «mười lăm/tám» (15/8) hay mười bảy/chín (17/9), còn ở Úc thì người ta nói 150/80, hay 170/90.

Vậy các con số ấy là gì?


Lấy ví dụ áp huyết một người là 120/80, thì có nghĩa là áp suất máu trong động mạch là 120 mm thủy ngân và 80 mm thủy ngân, tức là có hai con số để đo áp suất trong động mạch, một số trên và một số dưới. Chúng tôi có xem qua tự điển trong google, họ ghi rằng systole là sự thu súc của trái tim, nó cũng «dễ hiểu» như nghe tiếng LaTinh. Thôi thì mình gọi số trên là systole (hay systolic blood pressure) và số dưới là diastole (hay diastolic blood pressure) cho nó giống tiếng... Mỹ hơn tiếng La Tinh.

Coi vậy chớ không phải ai cũng biết tại sao áp huyết của ta lại có số trên, systole, và số dưới, diastole.


Số là trái tim chúng ta có hai thì, bóp vô và phồng ra. Khi tim bóp vô, máu phọt vào động mạch, khi tim phồng ra, thì máu từ tĩnh mạch chảy vô tim, còn máu từ động mạch thì không chảy ngược vô tim vì các valve tim chận sự hút ngược máu từ động mạch.

Vậy con số trên của áp huyết là áp suất của máu trong động mạch khi tim bóp vô, đẩy máu vào động mạch và số dưới là khi tim nhả ra, hay phồng ra. Khi máu được bơm vào động mạch, áp suất tăng cao, nên con số trên cao, còn khi tim nhả ra, không bơm vô động mạch thì áp suất thấp xuống, nên ta có systole cao hơn diastole.

Bây giờ mình tìm hiểu xem làm sao mà người ta đo máu, nguyên tắc để biết số trên và số dưới của áp huyết như thế nào.


Không biết các vị thần y của phương Đông có ngón tay nhạy cảm thế nào, nhưng theo Tâyhọc thì nguyên lý của nó căn bản nhưng cũng khá ảo diệu.

Đầu tiên chúng ta nên biết sơ về hiện tượng turbulence, tức là sự náo động, lộn xôn, mất trật tự. Đôi khi bà con đứng cạnh một dòng sông bát ngát, lượng nước trôi theo dòng hàng ngàn thước khối mỗi giây, nhưng vẫn không nghe tiếng ầm ầm. Nhưng khi bà con mở một vòi nước phông tên trong nhà, lượng nước chảy chỉ là hạt cát trong sa mạc so với dòng sông, nhưng lại nghe xì xì rất lớn.

Tại sao vậy? Nhưng khi vặn rôbinê lỏng thêm một chút thì lại không nghe xì xì ì xèo như trước. Tại sao vậy?


Khi nước chảy trong dòng sông những phân tử nước chảy trật tự, lớp trên theo trên, lớp dưới theo dưới, như dòng xe chạy êm đềm trên xa lộ. Nhưng trong ống nước, khi từ ống lớn chảy qua cái vòi nhỏ thì ở chổ miệng vòi nhỏ, các phân tử nước không còn được chảy lớp lang như trước mà những đứa ở phía ngoài bị chạm vào thành ở chỗ ống hẹp, khiến nó dội lại, cuộn lên cuộn xuống, va chạm lẫn nhau, như cả đoàn xe hơi đang chạy trên freeway 6 lane thì không sao nhưng bỗng bị chui vô 1 lane, thì cụng nhau chát chúa, tạo nên tiếng động.


Áp dụng nguyên tắc này, người ta bơm cái cuff (cái vòng bơm hơi chung quang cánh tay khi đo máu) lên quá áp xuất của máu. Lúc ấy động mạch sẽ bị chẽn cứng lại, như kẹt xe, không có tiếng động gì cả. Rồi tư từ người ta giảm áp suất trong cuff.   


Đến một lúc nào đó thì áp xuất bên ngoài tương đương với áp suất bên trong động mạch, và rồi sau đó giảm tiếp, hơi thấp hơn áp động mạch một tí. Khi ấy, máu trong động mạch bắt đầu có cơ hội chui qua một lỗ nhỏ trong động mạch khi tim bóp lại, như đường 6 lane chui vào 1 lane, tạo nên hiện tượng turbulence của máu, nghĩa là các phân tử máu va chạm nhau, như nước chảy từ ống lớn chui qua lỗ nhỏ. Nó sẽ tạo ra tiếng «xì, xì», mỗi khi tim bóp vào, bơm máu. Tiếng xì đầu tiên mà người đo máu nghe được chính là số bên trên của áp huyết, hay systole.


Tiếng xì xì đồng nhịp với sự co thắt của tim tiếp tục nhịp cho đến khi áp suất bên ngoài, tức là áp suất của cái cuff vòng cánh tay mình, giảm xuống đến mức độ bằng hoặc thấp hơn áp suất của động mạch khi tim phồng ra, hay nhả ra. Lúc ấy thì hiện tượng đường 6 lane chui vô 1 lane không còn nữa, xe chạy thong thả trong 6 lane xuyên xuốt, không đụng ầm ầm, không có turbulence, và do đó không còn tiếng «» nữa. Tiếng xì cuối cùng chính là diastole.

Người đo máu mắt thì ngó cột thủy ngân, tai thì nghe các tiếng xì xì (nhưng thường thì nghe như «tục tục» hay «bịch, bịch»). Họ ghi nhận áp suất ở tiếng «bịch» đầu tiên, gọi là số trên, systole, và tiếng bịch cuối cùng, là số dưới, diastole.

Thế là xong phần nguyên lý đo áp huyết.

Áp huyết bao nhiêu là vừa?


Người ta thường nói 120/80 là trung bình. Các bà, các cô VN hay Á đông hễ thấy áp huyết 106/62, chẳng hạn, thì xanh mặt. «Ôi, tui thiếu máu», «ôi, tui bị áp huyết thấp, chóng mặt quá, nhức đầu quá»

Ngay cả nhiều BS cũng hát bè theo, «Ồ, áp huyết của chị hơi thấp»

Rầu thấy mồ luôn, chẳng thiếu máu cũng chẳng bị áp huyết thấp chi cả.

Thưa bà con, nhiệm vụ của trái tim là làm sao bơm máu đi châu thân, đến «tiền tuyến» hay mô ngoại vi như ngón tay, ngón chân, một cách hiệu quả. Con voi bự như cái đình, ắt cần trái tim bơm rất mạnh, áp huyết cao, mới đẩy máu tới cái chóp đuôi của nó được. Còn con chuột nhắt thì nhỏ xíu, có cần cái máy bơm khổng lồ với công suất của trái tim con voi, áp huyết của con voi chăng? Dĩ nhiên là không.


Tây y bắt nguồn từ người phương Tây, ông nào bà nấy như con voi, còn mình thì chỉ hơn con chuột nhắt một chút. Con số 120/80 là trung bình cho người Tây Phương nhưng không phải như vậy mới là chuẩn. Người đàn bà, con nít, áp huyết thấp hơn như vậy là thường, chẳng bệnh hoạn gì cả. Chỉ khi nào áp huyết của mình bình thường khoảng 145/95, nay bỗng tuột cái rẹt xuống còn 90/45, thì lúc ấy mới có vấn đề.

Áp huyết bao nhiêu thì gọi là cao, bao nhiêu là thấp?


Theo sách y, nếu con số trên từ 140 trở lên, hoặc con số dưới từ 90 trở lên thì là áp huyết cao. Nhưng định nghĩa này chỉ có tính tương đối. Còn nếu con số trên dưới 80, con số dưới dưới dưới 40 thì thấp.

Câu hỏi kế tiếp của quý vị là sao áp huyết của tôi là 178/67, vậy thì cao hay thấp?   

Số trên thì cao, số dưới thì dưới trung bình.


Đây là hiện tượng cao áp huyết thường thấy ở người cao niên. Quý vị sẽ thấy cái gap, sự cách biệt giữa số trên và số dưới khá xa (nếu áp huyết 120/80 thì sự cách biệt giữa hai con số là 40mmHg (thủy ngân)), trong trường hợp áp huyết 178/67 thì sự cách biệt đến 111mmHg, khác quá xa.

Tại sao như vậy?

Vấn đề không nằm ở trái tim mà ở động mạch. Khi ta còn trẻ, động mạch mềm, dễ co giãn. Khi tim bóp cái xịt, máu phọt ra, động mạch sẽ chìu ý mà nở ra dễ dàng, do đó tuy khi tim đập áp huyết có cao hơn khi tim nhả ra, nhưng không tăng quá cao.


Người già, động mạch của họ như cái ống nước cao su bị phơi nắng hàng mấy chục năm trường (nói như vậy thôi, chớ đương nhiên động mạch thì không phơi nắng được), nó so cứng lại, mất tính mềm dẻo, đàn hồi. Và thế là khi trái tim bóp cái xịt, động mạch không thèm nở ra, khiến lòng mạch chật chội, áp huyết tăng cao. Nhưng khi tim nhả ra, không bóp máu, thì động mạch dù sơ cứng cũng không ảnh hưởng đến áp suất vì không bị máu bơm thêm vào.   

Do sự sơ cứng của động mạch trong người già, quý cao niên thường có systole, con số trên cao, và cách biệt giữa số trên và dưới khá xa. Nói đây là bệnh cao áp huyết cũng được, nhưng nhìn hiện tượng cao áp huyết này như một lẽ thường của sự lão hóa thì cũng không sai. Hầu như, chỉ hầu như, đương nhiên già thì bị.

Những người tập thể thao nhiều, đông mạch co giãn hoài, cộng với đời sống điều độ, thì ít bị sơ cứng động mạch hơn. Ngày xưa người ta quan niệm áp huyết (systole) của một người già bằng với số tuổi của họ cộng với 100. Nghĩa là nếu cụ 75, có áp huyết 175 (số trên) là chuyện thường ngày ở huyện.


Rầu nhất hạng là người thường không hiểu về tác hại của áp huyết, hở mỗi chút là mỗi lo.

Áp huyết của một người, trong một ngày, lên xuống ì xèo, không thể vì một lần đo thấy 178/99 rồi xanh mặt chao dao, tưởng như mình sắp đứt gân máu. Khi ta nóng giận, tức tối, đau đớn, khó chịu, thiếu ngủ, căng thẳng, áp huyết đều tăng.

Nhưng áp huyết cao chỉ có hại nếu nó cao trường kỳ. Nó sẽ làm hư hao động mạch. Vì bộ phận nào của ta cũng đều cần máu nuôi dưỡng, mạch dẫn đến cơ quan nào hư thì cơ quan đó «dẹo niềng». Mạch lên não hư thì tai biến mạch máu não, tức là stroke, mạch dẫn đến (bắp thịt của) tim hư thì bị nhồi máu cơ tim. Mạch dẫn đến mắt hư thì... đui. Mạch dẫn đến dương vật hư thì... liệt. Đơn giản chừng ấy.

Vậy làm sao để áp huyết không cao?


Trước khi dùng thuốc thì tập thể dục, thể thao, ăn uống vừa phải (ít chất mặn). Nếu áp huyết vẫn cao thì uống thuốc. Quý vị nào muốn dùng thuốc cỏ, thuốc Nam, rau cần, vân vân thì cứ dùng. Chúng tôi cho rằng các thứ thuốc Nam này cũng có dược tính nhưng liều lượng cần thiết, phản ứng phụ và hiệu nghiệm ra sao, chúng tôi không biết (và cũng KHÔNG CẦN BIẾT vì chúng tôi chỉ cần uống một viên thuốc bằng ăn mấy bó rau).

Nếu ai đó quan niệm rằng uống dược thảo sẽ không bị phản ứng phụ, không bị «nóng», tốt hơn thuốc tây, thì trước khi kết luận, xin điều nghiên qua một ít thống kê xem người xưa dùng thuốc cỏ có ít bị tai biến mạch máu não, nói nôm na là trúng gió, có ít bị nhồi máu cơ tim, có sống dai hơn người dùng thuốc Tây thời nay không.

Tóm lại, quan niệm của chúng tôi vô cùng đơn giản.


* Thứ nhất, không ai tránh được bệnh và chết (trừ phi chết bắt đắc kỳ tử), nên khỏi cần lo lắng về bệnh tật, chắc chắn nó sẽ đến với ta. Không lo cũng bệnh mà lo thì càng... dễ bệnh hơn.

* Thứ hai, khi cái xe của chúng ta bị hư, vì không biết về cơ khí, tôi giao phó nó cho anh thợ hay kỹ sư. Bệnh nhân cũng nên có thái độ này đối với sức khỏe của mình, giao cho BS lo. Tiếc là trong đời hành y của tôi, số người Việt không giỏi tiếng Anh mà có quan niệm và thái độ điềm tĩnh này chiếm KHÔNG ĐẾN 10%, chưa chắc đến 5%.

Kết quả là áp huyết của họ cao vì lo lắng những chuyện không đáng lo.


Cuối cùng, chúng tôi quan niệm người ta bệnh trầm kha và chết mỗi ngày, mình vẫn dửng dưng. Nếu khi mình bệnh mà mình lo lắng thái quá thì vừa chứng minh lòng vị kỷ, vừa tổn tâm hao trí. Đời sẽ mất vui.
BS Nguyễn văn Hoàng


Share: