Tổ chức tình báo của Việt cộng tại miền Nam trường hợp một số các trùm điệp viên – Cụm A. 22 YS
Các trùm điệp viên – Cụm A. 22
Để đối phó với các tổ chức tình báo của Cộng hoà Việt Nam tất nhiên Việt Cộng cũng có một mạng lưới gián điệp và phản gián. Trong những điệp viên mà Việt Cộng từng tuyên dương thành tích có thể kể Trần Quốc Hương tức Mười Hương, trùm tình báo của Việt Cộng tại miền Nam với các cán bộ dưới quyền gồm Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Xuân Ẩn, và Phạm Ngọc Thảo vv... Tuy nhiên những người mà Việt cộng đề cao này hầu hết đã bị các cơ sở tình báo quốc gia, nhất là Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung khám phá và bắt giữ ngoại trừ Phạm Xuân Ẩn, còn Phạm Ngọc Thảo thì bị bắn chết.
Một điều đáng lưu ý là các trùm điệp viên Mười Hương, Nhạ, Thuý, Thảo đều là những người thuộc đạo Công giáo gốc, học trường Nhà Dòng và được các linh mục miền Nam tận tình che chở, nâng đỡ và coi như những người thân tín khiến cho các lực lượng an ninh quốc gia gặp không ít trở ngại trong công tác. Ngay cả Phạm Ngọc Thảo đã năm trong tầm quan tâm của Đoàn Công tác miền Nam và còn được báo cáo lên Tổng thống Diệm mà Thảo vẫn hoạt động khơi khơi không bị ngăn chặn gì.
Trường hợp Trần Quốc Hương tức Mười Hương
Trần Quốc Hương (sinh năm 1924) là một cán bộ cộng sản gộc, có chân trong ban chấp hành trung ương, từng chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Cộng tai miền Nam trong thời kỳ 1954 - 1975. Hương từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ CS như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh..., từng bị bắt giam trong nhà tù Pháp và Việt Nam Cộng hòa.
Sau 30.04.1975 ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sau đó làm Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy sau đó kiêm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Sơ lược tiểu sử
Trùm gián điệp tên thật là Trần Ngọc Ban có bí danh là Mười Hương, sinh năm 1924 tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Học hết lớp nhất tại trường tiểu học Phủ Lý, Trần Ngọc Ban lên Hà Nội nhập học ở trường dòng phố Nhà Chung. Thời gian này Ban đổi tên là Hương và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943.
Kháng chiến bùng nổ, Hương làm trong đội Công tác chuyên liên lạc giữa Trung Ương với các Chiến khu.
Năm 1949, tình cờ Trần Hiệu, Phó tổng giám đốc Nha Công an phụ trách tình báo gặp Mười Hương và lập tức nhận ra đây chính là người mà ông cần. Trần Hiệu bèn xin Mười Hương về với mình và được Trường Chinh chấp thuận. Lê Đức Thọ lúc đó đại diện Xứ ủy Nam bộ ra Trung Ương báo cáo, nghe tiếng Hương nên đã xin ông cùng vào Nam để hoạt động về tình báo. Ông bắt đầu vào Nam, cộng tác ngay với hai ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm. Công việc đầu tiên là mở lớp huấn luyện tình báo, học viên chủ yếu tuyển lựa trong lực lượng công an. Ông là cấp trên trực tiếp của các điệp viên cộng sản: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.
Theo lời kể của Mười Hương, «Tôi được cử vào Nam được vài tháng thì Ngô Đình Diệm cũng được đưa về làm thủ tướng thay Bửu Lộc. Các cơ sở nội thành tôi nắm một phần, một phần do anh Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) nắm. Tôi là một trong ba người có điều kiện ở Sài Gòn không bị lộ. Anh Cao Đăng Chiếm trước là giám đốc Công an ở Nam Bộ, nhiều người biết mặt, do đó không được ở Sài Gòn, không được ra khỏi căn cứ U Minh. Thỉnh thoảng anh Năm Xuân cũng vọt lên Sài Gòn họp nhưng cũng rất hạn chế đi lại vì tình hình khá nguy hiểm. Tôi ở lại Sài Gòn, dù một số đám di cư có thể biết nhưng tôi có giấy tờ giả bán hợp pháp. Chúng tôi tự đánh giá: tình hình khó khăn vì Diệm bắt đầu có chính sách tố Cộng: anh Năm Xuân, Bí thư Khu ủy miền Đông, cho biết trước anh ở đó có tới 23 ngàn đảng viên, về sau chỉ còn 800. Không có một chi bộ nào, chỉ liên lạc đơn tuyến. Nhiều người bi quan...»
Sau một thời gian ngắn ông bị Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung của Dương Văn Hiếu bắt vào tháng 6.1957 và đem ra giam tại Huế. Theo lời kể lại của Mười Hương thì phương thức hoạt động của Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung có nhiều đặc thù mà các ngành an ninh, tình báo khác của Cộng Hòa Việt Nam không thể so sánh được.
Trong nhà tù không song sắt này, công an mật vụ cùng với người tù sinh hoạt chung. Hầu hết các tù nhân này bị bắt cóc, không có xử án, không có thời hạn giam giữ. Các nhân viên Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung thường bảo các tù nhân là « ... Chúng tôi không như bên công an đâu... Chúng tôi không cần bằng chứng để buộc tội, để làm cung, để tư tòa, kêu án. Một là chấp nhận chính sách, về hợp tác với chúng tôi. Hai là không có ngày về với gia đình. Anh muốn chọn đường nào?»
Trong cuốn sách của tác giả Dư Văn Chất, một điệp viên Việt cộng khác viết:
«Đoàn Công tác đặc biệt miền Trung gồm hai thành phần: cán bộ quốc gia và cán bộ kháng chiến đã chuyển hướng. Đoàn được cố vấn Ngô Đình Cẩn tổ chức như một đoàn thể cách mạng quốc gia do chính cố vấn chỉ đạo trực tiếp. Đoàn không chịu sự chi phối, điều hành của bất kỳ một cơ quan nhà nước hay đoàn thể chính trị nào hết. Đó là một tổ chức siêu chính phủ, siêu đảng phái, không có hệ thống ngành dọc, ngành ngang, cấp trên và chân rết địa phương... nhưng bất cứ ở ngành nào cần, hoặc địa bàn nào cần có sự hiện diện của nó là nó có mặt.»
Nó không có quy định giới hạn hoạt động, vì thế phạm vi và quyền hạn hết sức rộng rãi, hoạt động hết sức linh hoạt. Nó không phải cơ quan nhà nước nên không bị pháp luật chi phối. Nhưng nó lại được sử dụng mọi hình thức hợp pháp với quyền lực cao nhất...
Đoàn vào Sài Gòn hoạt động với nhiệm vụ chiêu hồi các cấp ủy liên khu Năm và tình báo chiến lược về với Chính nghĩa Quốc gia.”
Chính vì có mưu đồ sử dụng những người kháng chiến nên Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung dùng thủ đoạn đặc biệt: thuyết phục, dụ dỗ chuyển hướng thì tin dùng; còn nếu trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Cộng sản thì có thể bị giam giữ vô hạn định, không cần án xử.
Các cán bộ tình báo Việt cộng ngán Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung hơn các cơ quan khác tuy nhiên sau cuộc đảo chính 1963 lật đổ ông Diệm, các tướng lãnh trong Quân đội Quốc gia lo thanh trừng phe phái của Diệm, không quan tâm tới tù chính trị cũ, nên cho thả rất đông và rất dễ các cán bộ cộng sản không điều tra gì ngoài hồ sơ sẵn có, vì những quyền lợi nhỏ nhoi và trong dịp đó họ đã thả luôn Mười Hương.
Khi thả Mười Hương, hồ sơ còn ghi : «Đương sự ngưng hoạt động năm 1955, hơn nữa không gia nhập Đảng Cộng sản và đã bị giam giữ sáu năm».
Khi được đưa về Sài Gòn thẩm cung lại, Mười Hương kể ông vẫn giữ lời khai cũ:
«Tháng 6 năm 1958, đang đi ở Gò Vấp bị xe Jeep chặn lại bắt, không rõ lý do gì. Trước là thầy giáo, có tham gia kháng chiến. Đến năm 1953, gặp khó khăn, vợ có mang, tản cư khổ nên về thành. Gần Hiệp định Genève, biết Việt Minh thắng lợi, trở về sợ ngượng nên di cư vào Nam, vẫn đi dạy học.
Khi được chất vấn: thế tại sao lại bị giam lâu như người mắc tội quan trọng? Vì người ta muốn tôi phải làm cái việc lương tâm tôi không cho phép làm..
Việc gì? Chỉ những người kháng chiến xưa cho họ bắt. Bắt tôi nhận tội đã làm chức này, chức nọ mà thực tôi không làm gì cả. Chứng cứ tội phạm không có. Kết hợp thêm chút lo lót, nên tôi được thả ngày 18.5.1964. Bọn chúng còn đùa: “Này, tụi tôi thả ông anh ra về kịp ăn sinh nhật Cụ Hồ nhá!».
Mười Hương và Phạm Xuân Ẩn
Theo lời Mười Hương kể:
«Lúc tôi vào Nam, anh Ẩn đang làm thư ký nhà đoan, đưa tin tức tình báo về việc quân Pháp vận chuyển vũ khí. Anh báo ra những tin tức tàu đến tàu đi, chở hàng hóa, vũ khí ra các miền.
Anh Ẩn rất giỏi tiếng Anh, sau đó làm ở cơ quan MACV (Cơ quan viện trợ Mỹ). Khi anh Ẩn đưa tôi tới nhà đám sĩ quan Mỹ mà Ẩn quen, tôi thấy đám Mỹ này thích Ẩn lắm.
Tôi nghĩ Ẩn phải đi học báo chí tại Mỹ, về viết báo Mỹ hẳn hoi chứ không phải chỉ về làm báo lá cải kiểu Tiếng Chuông cũng không ra gì. Anh phải hiểu rõ văn hóa Mỹ, học được những cái hay của văn hóa Mỹ, thấy rõ tính cách con người Mỹ để có thể nghĩ và viết như người Mỹ. Cho nên suốt cuộc đời hoạt động của Ẩn sau này, cách ứng xử của anh ấy tôi ưng lắm. Kết hợp văn minh hiểu biết với nhân văn, văn hóa Việt Nam mới ra được con người như Ẩn.
Công tác tình báo giống như vở kịch. Người lãnh đạo nghĩ ra mục tiêu còn thành công là do người tình báo sáng tạo và can đảm.»
Mười Hương và Phạm Ngọc Thảo
Theo lời kể của Mười Hương:
«...Khi quân ta đi tập kết sau Hiệp định Genève, anh Phạm Ngọc Thảo được chỉ thị ở lại. Đồng chí Lê Duẩn có ý định dùng lợi thế của Thảo, giới thiệu với anh Năm Xuân tức Mai Chí Thọ. Lúc đó, tôi, anh Năm Xuân và Cao Đăng Chiếm là ba người của Ban Địch tình Xứ ủy (tiền thân của Ban An- Ninh miền Nam ). Anh Năm Xuân lúc đó là phó ban nhưng anh không thể về Sài Gòn nhiều vì đã quá nhiều người biết, cán bộ miền Tây cũng như miền Đông. Phong trào lúc này khó khăn nên dễ đụng bọn người xấu lắm. Anh Chiếm cũng vậy, Đảng không cho phép sống ở Sài Gòn, dễ bị địch bắt. Anh Năm Xuân đành đi về theo kiểu con thoi. Anh giao nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo cho tôi liên hệ vì tôi có điều kiện ở hợp pháp tại Sài Gòn. Tôi với danh nghĩa thầy giáo dạy kèm có thể đi lại tự do hơn...»
Ngày nhận nhiệm vụ, ông Mười Hương đến gặp Phạm Ngọc Thảo và họ thảo luận đường lối hoạt động. Riêng việc này cũng phải bàn luận, cân nhắc hết cả một buổi sáng. Ông Mười Hương phân tích:
«Không thể để Phạm Ngọc Thảo giấu đi cái lý lịch kháng chiến của anh ấy được vì nhiều người đã biết. Anh ấy đã làm đến chức tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10. Ai lại không biết. Anh ấy còn làm Trưởng ban Quân báo Nam Bộ. Mặt khác, anh Thảo lại là con của một gia đình trí thức Công giáo rất lớn. Cả nhà đều là dân Tây. Pháp rất nể trọng gia đình này, tin dùng ngang cỡ gia đình Nguyễn Văn Xuân, Pétrus Ký - những gia đình dòng họ trí thức lớn làm việc với Pháp
Phải nhìn thấy đặc điểm của anh em họ Ngô. Họ không là loại thân Pháp kiểu bơ sữa như Tâm, Hữu, mà cố gắng thể hiện tinh thần quốc gia theo kiểu của mình, quốc gia chống Cộng. Họ muốn tìm những người yêu nước nhưng chống cộng. Vậy nên Thảo phải nhập vào hàng ngũ quốc gia với tư cách đó, một người tài giỏi, có đi kháng chiến vì yêu nước nhưng có tinh thần Quốc gia, không Cộng sản. Anh em Diệm rất cần. Tôi nói với Thảo: anh phải làm thế nào làm cho Ngô Đình Thục tin anh, ông ấy sẽ có tiếng nói giúp».
Làm sao để họ tin? Ông Mười Hương bàn với Phạm Ngọc Thảo: Hãy cứ dựa vào lý lịch gia đình mình. Nói rằng gốc rễ như vậy, Cộng sản không bao giờ tổ chức, phát triển anh vào Đảng. Cộng sản chọn lý lịch giai cấp công nông chứ không chọn những người có lý lịch như Thảo.
«Anh phải thông qua các linh mục dưới Mỹ Tho, mới học ở Thụy Sĩ về thì phải, để đến với Ngô Đình Thục. Anh nên nói anh thấy Việt Minh đứng dậy đánh Tây xâm lược nên anh theo họ. Còn họ không tổ chức, phát triển anh vào Đảng vì gia đình anh là gia đình đại phong kiến, thân Tây. Phải nói anh Thảo đã đóng vai này rất giỏi, như chúng ta đã từng biết qua cuộc đời tình báo của anh. Có lần anh ấy nói với Ngô Đình Thục: “Cha ạ, ta chống Cộng phải rồi. Nhưng chống kiểu này ta thua họ thôi. Việt Minh đi tập kết, theo đúng Hiệp định thì hai năm họ sẽ về, cha gặp lại con, vợ gặp lại chồng. Vậy mà chúng ta ép vợ người tập kết phải bỏ chồng, ép mẹ không được nhận con. Việc làm như thế, Chúa cũng không cho phép. Chúng ta chống Cộng như thế thì lại lòi ra Việt Minh nó nhân ái hơn mình”.»
Được hoạt động dưới vỏ bọc công khai, hợp pháp là một thầy giáo dạy kèm, ông Mười Hương sau đó đã tiếp tục liên lạc với nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo bằng cách đơn giản, cổ xưa nhưng lại an toàn, bất ngờ nhất. Họ có những dấu mật hiệu quy định ở đâu đó. Thí dụ, ông đi qua cửa nhà Thảo, tìm xem một dấu hiệu nhỏ ở đâu đó để biết có thể vào. Khi muốn đến gặp, ông cũng làm một dấu hiệu kín đáo nào đó để đến. Họ đã trao đổi, tìm ra đường hướng hoạt động của một điệp viên. «Ý Thảo nhận xét rất đúng: Anh em nhà họ Ngô này phải qua đảo chính lên xuống nhiều lần thì mới hạ bệ được...»
Anh Thảo còn cho biết ở vị trí của anh có thể cung cấp nhiều tin tình báo, không rõ Trung ương có cần không. Tôi bảo anh:
«Anh có nhiệm vụ là xây dựng ảnh hưởng, có lực lượng chính trị bên cạnh anh để dùng. Anh phát huy bằng uy tín chính trị cá nhân của anh chứ đừng ham mê tổ chức thêm ai cả. Dễ bị lộ lắm. Đừng tham việc. Dứt khoát là không tổ chức cơ sở. Ý anh phân tích đúng rồi đó: sẽ có đảo chính. Vậy anh cứ tạo xung quanh mình lực lượng chính trị dễ tác động. Khi chúng đảo chính, anh có thế lực, ảnh hưởng đến đám sĩ quan cao cấp. Anh tuyệt đối không tổ chức mạng lưới gì cả.»
«“...Thời kỳ anh em Diệm Nhu lập Đảng Cần lao Nhân vị còn theo gợi ý của Huỳnh Văn Lang mời cả Phạm Ngọc Thảo vào ban lãnh đạo. Khi ban lãnh đạo Cần lao Nhân vị họp ở Viện Hối đoái của Huỳnh Văn Lang, có một cơ sở của ta đóng vai người phục vụ bán thuốc lá phục vụ hội nghị đó. Người cán bộ cơ sở này tất nhiên không thể biết được vai trò Phạm Ngọc Thảo nên về báo cáo lại với giọng giận dữ:
“Cái thằng Thảo ấy tệ lắm. Trước đây nghe nói nó có kháng chiến. Vậy mà vào cái hội nghị ấy, nó phát biểu chống cộng hung hăng lắm. Có ai nói đâu, chỉ Thảo nói, Nhu nói. Khi ra hành lang, còn nghe Nhu nói bằng tiếng Pháp với những người thân cận nhận xét về Thảo: đích thực là một anh dân tộc chủ nghĩa đậm chất Nam Bộ.»
Huỳnh văn Lang có lẽ cũng bị lừa như Nhu vậy, cứ đinh ninh Thảo là người quốc gia chống cộng và sau này trong vụ Phật giáo tại Huế, còn mưu toan cùng Thảo làm đảo chính anh em ông Diệm Nhu nhưng không thành. Hồi đó Huỳnh Văn Lang là tổng bí thư Liên Kỳ bộ đảng Cần lao Nhân vị, đứng thứ hai chỉ sau có Ngô Đình Nhu.
Tôi gặp Thảo, động viên: «Ông đóng vai thế là ăn. Nhưng đừng hăm hở quá. Cứ từ từ. Cần thì cứ viết báo, dùng các tích cũ để nói kiểu nước đôi, như Mao Tôn Cương ngày xưa bình trận Xích Bích...»
Anh Thảo đã làm theo, viết nhiều bài về quân sự trên tờ Bách Khoa của Huỳng Văn Lang được sĩ quan địch rất phục.
Ông Mười Hương làm việc với Phạm Ngọc Thảo một thời gian thì ông bị bắt. Ông vẫn nhớ hình dáng người điệp viên tài năng ấy: «Người vừa tầm. Hơi đen, khỏe mạnh, linh hoạt và dũng cảm. Đã làm được những việc kỳ tích. Sau khi tôi ra tù lúc Diệm đổ, không liên lạc với anh ấy nữa, theo đúng nguyên tắc. Nhưng tôi biết anh qua nhiều nguồn khác. Anh đã từng làm đến tỉnh trưởng Bến Tre, thả cả ngàn cán bộ ta bị bắt. Trong số đó có cả anh Bảy Thanh (Võ Viết Thanh, sau là trung tướng Công an, uỷ viên trung ương đảng và làm chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh).»
Mười Hương vô Nam lần thứ hai
Năm 1964 sau khi được chính quyền quốc gia thả ra khỏi nhà tù, Mười Hương được lệnh ra miền Bắc. Lúc đó Trung ương Cục miền Nam cũng muốn giữ ông ở lại và Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) lúc đó đã bố trí cho ông đi học chính trị trên Miền ba tháng, và bản thân ông cũng muốn ở lại nhưng Trung ương gọi ra vì ông đã bị lộ.
Vậy là từ khi hai miền chia cắt theo hiệp định Genève đến nay đã mười năm, ông đi, để lại gia đình, vợ con ở lại miền Bắc, nay ông trở lại quê nhà, cũng với bao nhiêu khó khăn, làm thủ tục giấy tờ ở Nam Vang lâu tới nửa năm. Ngoài Bắc mọi người đã tưởng ông bị bắt lại (do lúc đó địch cũng bắt được anh Hai Xô ở Nam Vang). Về đến Hà Nội, ông được đưa lên K5 ở Quảng Bá như mọi cán bộ chiến trường miền Nam ra thường ở đó dưỡng bệnh. Ra tới nửa tháng vẫn không gặp ai, không biết tin tức gia đình, nóng ruột tới mức ông phải liều đi tìm, đến khi gặp được mọi người, ông mới biết vợ mình đang đi học nước ngoài và đã có gia đình khác.
Đến việc phân công công tác mới cho ông, lãnh đạo muốn ông về lại ngành công an, vì dù sao ông cũng đã tiếp xúc trực tiếp với kẻ địch rồi. Bộ Công an đưa ông về phụ trách tình báo kỹ thuật. Ông Mười Hương trở thành Đại tá Cục trưởng.
Hồ và Bộ Chính trị nhận định phải đề phòng khả năng địch đánh bộ binh ra miền Bắc. Ông Trần Quốc Hoàn giao chuẩn bị phương án đề phòng. Theo đó, có phương án giao cho Cục Chính trị của Bộ Công an tuyển ba lớp nữ trinh sát đặc biệt gồm 100 cháu độ tuổi từ 12 đến 15 để đào tạo kỹ năng hoạt động địch hậu.
Năm 1968 chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân, chiến trường miền Nam lại xin ông trở vào. Lần này ông đi cùng đoàn cán bộ cao cấp, có cả đồng chí Đinh Đức Thiện. Lộ trình đi sang Trung Quốc, về Phnom Pênh, rồi từ đó về Sài Gòn.
«Tôi trở vào Nam sau khi chiến trường Mậu Thân đã ở cuối đợt một. Bom đạn dữ lắm. Các anh bố trí tôi ở Ban An- ninh Miền, phụ trách an ninh đô thị và trinh sát vũ trang vì tôi trước đó hoạt động đô thị.»
Năm 1970 ông làm Trưởng ban An- ninh Sài Gòn- Gia Định cho đến tận năm 1975.
Mười Hương và thành phần thứ ba
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết mục đích đem lại Hoà bình cho Việt Nam, Bộ Chính trị Việt cộng tráo trở tiếp tục cuộc chiến tranh tổng hợp bằng ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao trong khi Kissinger thoả mãn với giải thưởng Hoà bình Nobel, có những hoạt động lợi cho Việt cộng, phản bội lại đồng minh Cộng hoà Việt Nam.
Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam giao cho Mười Hương tuyển chọn thanh niên, sinh viên... cài vào hoạt động trong lực lượng thứ ba. Trong số những người được tuyển chọn có nhóm của họa sĩ Ớt tức Huỳnh Bá Thành báo Điện Tín, và Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Lý Quí Chung... Các sinh viên thì có Huỳnh Tấn Mẫn, Đoàn Văn Toại, Dương Văn Đầy, vv...
Sau ngày chiếm được miền Nam , trong lần gặp Dương Văn Minh, Lê Đức Thọ hỏi
«Những ngày tháng Tư có nhiều lực lượng tác động đến ông, công an có, tình báo có, trí vận có, lực lượng thứ ba có... Lực lượng nào tác động mạnh nhất để ông ra tuyên bố sáng 30 tháng Tư đó?».
Dương Văn Minh trả lời: «Nhóm họa sĩ Ớt».
Khi ban Quân quản Sài Gòn thành lập, Mười Hương là Phó bí thư Thường trực, phụ trách tổ chức.
Mười Hương và Dương Văn Minh
Mười Hương kể (nguyên văn):
«Là vì thế này, tôi biết thằng Minh nó lên được là nhờ phong trào Phật giáo. Phong trào Phật giáo thì phải nói Huế, miền Trung chứ không phải Sài Gòn. Thế cho nên tôi mới tìm các ông này (các thành viên Cụm Điệp báo A10 sau này, lúc bấy giờ chủ yếu là học sinh, sinh viên ở Sài Gòn – N.L), tôi dứt khoát phải đi vào sinh viên, học sinh thì mới gây nên được. Tìm mấy ông này, tôi bảo các ông ấy cứ đi, cứ đưa ông Minh ra quốc hội đi. Ông Mai Chí Thọ còn nói với tôi thế này: “Ông nên nhớ quốc hội của họ độc diễn đấy nhé!”. “Tôi biết độc diễn chứ, nhưng mà bây giờ không có thằng nào dám chống lại cái việc hòa bình do Mỹ chủ xướng đâu. Cho nên, cứ đưa thằng Minh lên”».
Ông Mười Hương kể tiếp:
«Tôi có một cơ sở cùng đi lính Tây với thằng Minh (Dương Văn Minh – N.L). Ông cơ sở của tôi mới đến hỏi Minh, tại làm sao trước thì mày không làm (làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa – N.L) mà bây giờ mày ra thì ra gặm xương à? Thằng Minh nó bảo, tao không có thiết gì cái Tổng thống miền Nam đâu, mà có khi dính vào đấy mình lại dơ. Cậu kia cậu ấy bảo, nó bảo thì mày cứ làm, cái quyền hành của mình mày có thể đóng góp vào cái hòa bình chứ. Thằng Minh bảo, để tao ở đây tao làm được cái gì để chấm dứt chiến tranh. Thế cho nên tôi biết cái tư tưởng hòa bình của nó từ lúc ấy. Thế cho nên đến lúc các ông này (Cụm Điệp báo A10 – N.L) mới đấu tranh (tổ chức biểu tình chống Nguyễn Văn Thiệu, ủng hộ Dương Văn Minh – N.L), làm cho tiếng tăm nó lên cho nó hợp pháp, hợp hiến. Nó không phải là cái tổng thống bỏ phiếu của Mỹ đâu. Thế cho nên các ông ấy mới làm ồn lên. Đưa ra quốc hội nó chỉ hơn nhau có năm phần thôi, nhưng mà tiếng tăm của Dương Văn Minh khác hẳn».
Việt Cộng khinh thị Minh Tồ như vậy mà Dương Văn Minh vẫn cúi đầu phục vụ cho bọn chúng thì chúng ta hiểu vận nước đã tới hồi mạt tận cùng rồi. Tất nhiên Mười Hương cũng kể lể có phần tự tâng bốc, quên rằng y đã từng bị bắt nhưng lại được bên quốc gia dưới thời Minh Tồ thả ra cùng với rất nhiều cán bộ Việt cộng khác một cách vô tội vạ, không suy tính lợi hại. Dương Văn Minh rất đắc tội với đất nước, đưa đẩy tới việc trở thành một chư hầu của tàu khựa và trong tương lai có thể thành một tỉnh, mà vẫn có người bênh vực cho Minh thì hết nói.
Mười Hương và Vũ Ngọc Nhạ
Cũng theo lời kể của Mười Hương thì với Vũ Ngọc Nhạ, ông chỉ thị:
«Anh Nhạ phải bám chặt lấy cha Từ». Mười Hương kể tiếp,
« Tôi nhớ vào khoảng năm 1946 thì phải, Bác Hồ yêu cầu chuẩn bị cho Bác một chuyến đi quan trọng. Đích thân Bác đi gặp cha Lê Hữu Từ, định mời về làm cố vấn cho Chính phủ. Tôi ngạc nhiên thưa với Bác là trong Quốc hội lúc đó, đại biểu Công giáo là cha Phạm Bá Trực rồi, ở các địa phương cũng có các linh mục trong Mặt trận rồi, sao bây giờ Bác còn đích thân đi mời cha Lê Hữu Từ nữa. Lúc đó Bác mới giải thích cho chúng tôi hiểu rằng thời kỳ ấy, ảnh hưởng của các dòng tu đều khác nhau. Dòng Châu Sơn ở Nho Quan của cha Từ là dòng “khổ hạnh”, có uy tín lớn lúc đó, được bên Tòa Thánh trân trọng nhất nên cũng cần mời họ giúp cho Chính phủ.»
«Tôi biết Vũ Ngọc Nhạ vào thời kỳ chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, ai cũng náo nức muốn tham gia chiến dịch lịch sử này. Nhưng tôi không được tham dự mà lại được phân công đi xuống Khu Tả ngạn. Nhiệm vụ của chuyến đi này là tôi phải chọn cán bộ để gài theo những người di cư vào Nam . Tôi đã chọn được hai anh cán bộ của Thị ủy Thái Bình là Vũ Ngọc Nhạ và Vũ Hữu Ruật.»
Khi chuẩn bị vào Nam hoạt động, Vũ Ngọc Nhạ có giấy chứng nhận do cha Hoàng Quỳnh cấp, chứng nhận Nhạ là trung úy tự vệ của Phát Diệm trong lực lượng Công giáo. Như vậy, tôi nghĩ Nhạ phải tận dụng mối quan hệ này bám cha Quỳnh để qua đó quen thân được với cha Lê Hữu Từ. Cha Từ rất thân với cha Quỳnh. Mười Hương dặn dò Nhạ:
«Anh cứ bám cha Quỳnh. Ông Quỳnh vào đây cũng có hụt hẫng. Xa giáo sứ, con chiên Phát Diệm rất khổ. Anh hãy làm một con chiên ngoan, chăm sóc cha Quỳnh lúc thường, lúc ốm đau, đưa cả con cái tới thăm ông ta để tạo quan hệ gia đình gần gụi. Tranh thủ được tình cảm ông Quỳnh rồi sẽ tìm được mối quan hệ với giám mục Từ. Chính mối quan hệ này cho phép anh Nhạ lập được nhiều chiến công sau này, có lần thoát chết được.»
«Ông cùng với Vũ Ngọc Nhạ trao đổi, cứ nói là Ngô Đình Diệm thân Mỹ, Mỹ nắm được Công giáo, nhưng không phải. Công giáo Việt Nam lúc ấy vẫn là Pháp nắm. Mỹ bỏ nhiều tiền ra nên có ảnh hưởng lớn. Kết quả cuộc trao đổi này là một nhận định quan trọng: Ngô Đình Diệm muốn nắm nhưng chưa nắm được các dòng tu Công giáo thân Pháp như dòng của Lê Hữu Từ. Chính đó là chỗ Nhạ có thể phát huy được.»
«Qua các tin tức của Nhạ, tôi thấy lúc đó có một mâu thuẫn: Diệm rất cần ông Từ nhưng chưa nắm được. Một hôm, Nhạ bảo tôi: Cha Từ than phiền là Tổng thống tin Mỹ quá. Tôi liền nói ngay với Nhạ: Đây là hơi hướng Pháp chê hơi hướng Mỹ của Ngô Đình Diệm đấy.. Nếu Ngô Đình Diệm muốn dựa vào Công giáo mà không dựa được vào cha Từ là hớ. Tôi bảo Nhạ: “Làm thế nào anh nói đến tai Ngô Đình Diệm ý này: nếu không liên kết được với cha Từ sẽ khó khăn”. Phải biết rằng ông Diệm rất cần ông Từ mà không nắm được, vì một anh thân Mỹ, còn một anh thì thân Pháp.”»
Khi Vũ Ngọc Nhạ bị bắt và chuyển về Tòa Khâm thì ông Mười Hương đã bị bắt từ trước và chuyển sang phòng tối cách đó 200 mét, đằng sau Nha Cảnh sát Trung Việt. Ngô Đình Cẩn là người khá đặc biệt. Trong số tù nhân, nếu ai theo Công giáo thì chủ nhật Cẩn cho đi lễ.
Mười Hương tìm cách bí mật liên lạc, nhắn ông Nhạ giữ nguyên vỏ bọc, cứ hướng cũ mà đi thôi. Vũ Ngọc Nhạ đã thành công khi liên lạc với cha xứ và tự tiếp cận Ngô Đình Cẩn. Ông Nhạ nhờ cha Hồng chuyển thư cho giám mục Lê Hữu Từ, trong thư viết bằng giọng mập mờ như đã quen biết.
Cha Từ thấy ông Nhạ là người Công giáo Phát Diệm, tìm hiểu về ông qua cha Quỳnh, rồi ra Huế thăm dò. Cha Từ dùng ông Nhạ tác động lại Cẩn, bắt tay Nhu Diệm. Ngô Đình Cẩn thì dùng ông Nhạ để kết thân với cha Từ. Và từ đó, mối quan hệ của ông Vũ Ngọc Nhạ với gia đình họ Ngô được nâng lên một bước cao hơn.
Tiểu sử Vũ Ngọc Nhạ, tướng tình báo Việt Cộng
Nhạ tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh 30 tháng 3 năm 1928 tại xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (quê cha) nhưng từ nhỏ sống tại quê mẹ - Giáo xứ Phát Diệm, Ninh Bình.
Thời thanh niên, ông có vào học ở trường dòng một thời gian, rồi lên Hà Nội để học thi bằng Tú tài. Đầu năm 1945, sau cuộc đảo chính 9 tháng 3, ông làm quen với một cán bộ Việt Minh là Hoàng Minh Vân và được người này hướng dẫn tham gia cách mạng
Cuối năm 1946, ông tham gia chiến đấu chống Pháp tái chiếm Đông Dương tại mặt trận Hà Nội. Sau khi Việt Minh rút khỏi Hà Nội, ông trở về Thái Bình, tham gia công tác dân vận của chính quyền Việt Minh tại địa phương, phụ trách khối Công giáo vận, với bí danh là Lê Quang Kép. Năm 1951, để tiện hoạt động trong vùng bị Pháp kiểm soát, ông đã nhờ người em trai làm một chứng minh thư giả mang tên Vũ Ngọc Nhạ.
Năm 1953, qua sự giới thiệu của Bí thư Liên khu ủy Khu 3 là Đỗ Mười, ông được Trần Quốc Hương tuyển chọn vào cơ quan tình báo quân sự để đào tạo cán bộ hoạt động trong giới Công giáo.
Xuống tàu vào miền Nam
Năm 1954, sau hiệp định Geneva , Hoàng Minh Đạo, thủ trưởng cơ quan tình báo quân sự đã tung một số điệp viên chiến lược vào miền Nam để chuẩn bị cho thời kỳ «hậu Hiệp định Genève». Vũ Ngọc Nhạ là một trong số những điệp viên đó.
Năm 1955, Nhạ cùng vợ và con gái xuống tàu Hải quân Pháp lẫn vào 1 triệu người Công giáo di cư vào Nam . Bản lý lịch với cái tên mới: Vũ Đình Long, dùng sử dụng khi vào Nam của ông có hầu hết các chi tiết xác thực: sinh ngày 30 tháng 3 năm 1928 tại xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình; tham gia Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến; vào Đảng Cộng sản năm 1947, năm 1951 trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình; năm 1952, bất mãn vì bị kỳ thị do gia đình là địa chủ và Công giáo, nên trở về Phát Diệm tham gia «Tổng bộ tự vệ Phát Diệm», một tổ chức chống Cộng do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo; giữa năm 1954, sang Pháp, nhưng không lâu lại trở về Hải Phòng và xuống tàu di cư vào Sài Gòn tháng 12 năm 1955.
Sau khi vào Nam , Nhạ cùng gia đình cư trú tại giáo xứ Bình An, không lâu sau chuyển sang sinh sống khu chợ Thị Nghè. Nhạ xin được một chân đánh máy trong Bộ Công chánh. Trong thời gian này, ông chủ yếu tập trung vào việc xây dựng vỏ bọc an toàn, nên thường xuyên lui tới giáo xứ Bình An và văn phòng Hội cựu tự vệ Công giáo Phát Diệm, qua đó chiếm được cảm tình của linh mục Hoàng Quỳnh và trở thành người giúp việc cho Giám mục Lê Hữu Từ.
Từ khi vào Nam, ông thường dùng các tên gọi như Hai Long, Hai Nhạ, Hai Nhã theo thứ bậc của người miền Nam và ông cũng được linh mục Hoàng Quỳnh đặt một tên gọi riêng là Hoàng Đức Nhã.
Tuy vậy, cuối tháng 12 năm 1958, Nhạ cũng bị một nhân viên phản gián của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung, tên là Nguyễn Tư Thái (tự Thái đen) nhận diện và bị Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung bắt giữ và bị giam để chờ xác minh tại trại giam Tòa Khâm, Huế.. Do sự vận động của linh mục Hoàng Quỳnh, ông không bị kết tội vì không đủ chứng cứ, nhưng vẫn bị tạm giữ đến tận giữa năm 1961.
Người giúp việc của Giám mục Lê Hữu Từ
Một sơ hở lớn của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung là tập trung giam giữ khá nhiều tình báo viên tại trại Tòa Khâm mà không cách ly họ với nhau. Trong thời gian bị giam giữ tại Tòa Khâm, Vũ Ngọc Nhạ đã nhận được sự chỉ đạo của trùm tình báo Mười Hương, khi đó cũng bị giam tại Tòa Khâm. Từ đó, ông đã chuyển phương cách hoạt động, xây dựng sự tín nhiệm của «Ông Cố vấn chỉ đạo miền Trung» Ngô Đình Cẩn bằng tờ trình «4 Nguy cơ đe dọa chế độ» viết vào cuối năm 1959. Tờ trình này đã gây được sự chú ý của Ngô Đình Cẩn và sau đó cả của Ngô Đình Nhu lẫn Ngô Đình Diệm.
Do sự dự đoán chính xác của ông về khả năng xảy ra đảo chính và cuộc đảo chính đã diễn ra sau đó vào ngày 11.11.1960, gia đình họ Ngô đã chú ý đến ông và nhờ đó ông thoát khỏi sự giam cầm kéo dài trong hơn 2 năm.
Tờ trình «4 Nguy cơ đe dọa chế độ» được viết trên cơ sở mối quan hệ giữa giới Công giáo với anh em họ Ngô. Chính yếu tố này đã gây được sự chú ý, cộng với bức bình phong «người giúp việc cho Giám mục Lê Hữu Từ» mà Vũ Ngọc Nhạ được sử dụng như một người liên lạc và cung cấp thông tin giữa anh em họ Ngô với giới Công giáo di cư. Chính ở vị trí này, ông không những thu được nhiều tin tình báo có giá trị, mà còn có ảnh hưởng nhất định đến một số thông tin trao đổi giữa hai bên. Từ đó, ông bắt đầu có biệt danh ông cố vấn.
image022
Cụm Tình Báo Việt cộng A.22 Trong Dinh Độc Lập.
Xây dựng Cụm tình báo chiến lược A.22
Sau cuộc đảo chính 1.11.1963, thế lực chính trị của Công giáo phát triển nhanh. Lúc bấy giờ, vai trò lãnh đạo Công giáo được chuyển vào tay linh mục Hoàng Quỳnh. Cuối năm 1965, do sự tranh giành quyền lực quyết liệt trong «nhóm tướng trẻ», tướng Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng Vũ Ngọc Nhạ giữ vai trò liên lạc viên giữa tướng Thiệu và Công giáo, qua sự giới thiệu của Linh mục Hoàng Quỳnh, nhằm tìm chỗ dựa chính trị. Là một điệp viên, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo sử dụng vai trò này để tạo dựng các mối quan hệ và gây ảnh hưởng đến giới chính trị gia cả trong dân sự lẫn quân sự.
Được xem như một cố vấn cho tướng Thiệu trong lĩnh vực quan hệ với giới Công giáo, ông nhanh chóng trở thành một «Ông cố vấn» lần thứ hai, với sức ảnh hưởng đến chính giới còn mạnh hơn so với thời anh em Diệm - Nhu, nhất là từ sau khi tướng Thiệu đắc cử Tổng thống vào năm 1967.
Để khai thác một cách triệt để hơn ảnh hưởng và nguồn thông tin lớn, cấp trên của ông đã mở rộng nhiệm vụ của ông thành cụm tình báo A.22 (vốn là mật danh riêng của ông) do Nguyễn Văn Lê làm Cụm trưởng, ông làm Cụm phó trực tiếp phụ trách lưới tình báo. Toàn bộ cụm A.22 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Đức Trí, Chỉ huy phó Tình báo quân sự tại miền Nam .
Bút tích của TT Nguyễn Văn Thiệu viết cho Nhạ
Ban đầu cụm phát triển thêm Nguyễn Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật đều là những tình báo viên mà Vũ Ngọc Nhạ đã bắt liên lạc lúc ông bị giam ở Tòa Khâm. Sau phát triển thêm Nguyễn Xuân Đồng, và quan trọng nhất là vào đầu năm 1967, cụm được bổ sung Lê Hữu Thúy (hay Thắng), mật danh A.25.
Các điệp viên này đều được giao nhiệm vụ «chui sâu leo cao» vào những chức vụ quan trọng để có thể thu thập thông tin chiến lược và có thể tác động đến chính quyền. Thành công lớn nhất của Cụm A.22 là cắm được một cơ sở của Lê Hữu Thúy là Huỳnh Văn Trọng (nguyên chánh văn phòng cho Bộ trưởng Quốc gia Việt Nam thập niên 1950), vào vị trí Phụ tá tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Chính Huỳnh Văn Trọng còn được Tổng thống Thiệu cử đi dẫn đầu một phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ để thăm dò thái độ của Chính phủ Johnson đối với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời thu thập được nhiều thông tin tình báo chiến lược. Theo lời Trọng kể công sau này thì Trọng trong khi đi du thuyết đã làm ngược lại ý định của Thiệu là đã làm cho các nhân viên bộ Ngoại giao và một số dân biểu lẫn thượng nghị sĩ cảm thấy Mỹ phải rút ra khỏi Việt Nam là hợp lý
Vụ án Huỳnh Văn Trọng và 42 điệp báo viên
Ở Sài Gòn năm 1964 có tờ Trinh Thám của Hoàng Hồ, một cán bộ Việt cộng. Báo nầy đăng nhiều bài viết có hại cho quân đội và nhân dân miền Nam trong chiến tranh ý thức hệ chống Cộng Sản và Đệ Tam Quốc Tế. Các bài viết mang bút hiệu Khánh Hà. Truy tầm Khánh Hà, Thiếu Tá Phan Hữu Nghi biết tên thật của hắn là Lê Hữu Thúy. Chẳng ai xa lạ, Lê Hữu Thúy, một cán bộ tình báo chiến lược Cộng Sản được lồng vào Nha An Ninh Quân Đội và trở thành một đàn em thân tín của Đỗ Mậu. Hắn ta đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt bắt, tống giam nhưng được «cách mạng 1/11» qua sự can thiệp của Đỗ Mậu trả tự do. Trước khi bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt bắt cũng như sau khi được «cách mạng 1/11» trả tự do, hắn đã mua chuộc được cảm tình sâu nặng của Thiếu Tướng Đỗ Mậu, nguyên Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội và sau nầy là Phó Thủ Tướng. Hắn được ông Đỗ Mậu che chở mọi mặt và chống đỡ cho hắn đến kỳ cùng. Nhiều sĩ quan tình báo chán nản khi đặt vấn đề kiểm tra hành tung của hắn chỉ vì e ngại ông Đỗ Mậu, một nhân vật sành sõi trong đầu cơ chính trị và rất uy quyền dưới mọi thời đại.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Đỗ Mậu không ngớt lời ca ngợi Tổng Thống Ngô Đình Diệm như một vị thánh sống và các đảng viên Cần Lao Nhân Vị được tâng bốc đề cao đến tận mây xanh nhưng chính ông đã tham dự bộ đầu não đảo chính ông Diệm vì theo nhiều nguồn tin ông bất mãn việc Tổng thống Diệm không chịu ban cho ông cái lon Tướng. Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ông Đỗ Mậu tỏ ra trung thành với giáo hội Phật giáo hơn cả các vị chân tu, các hòa thượng và các thượng tọa.
Sau khi bị loại ra khỏi chính trường, không còn cơ hội giành quyền đoạt chức, ông Mậu viết «Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi» chửi rủa không tiếc lời Tổng Thống Ngô Đình Diệm để nhờ các cơ sở tôn giáo không thích ông Diệm bán sách giùm thu vào nhiều vạn Mỹ kim theo ước tính của một thân hữu có hiệu sách ở Westminster Ông Đỗ Mậu về sau còn được Lê Hữu Thúy, một cán bộ tình báo Việt cộng từng được Đỗ Mậu che chở lúc này trở thành Cục phó Cục tình báo Hải ngọai vận động với Mặt Trận Tổ Quốc mời về thăm Việt Nam năm .... và được Mặt trận đón rước rất linh đình. Trong một cuộc phỏng vấn Đỗ Mậu còn tuyên bố ông tin tưởng Việt Nam cộng sản sẽ thành một quốc gia giầu mạnh trong vòng hai chục năm. Ông Mậu đã qua đời và để lại những nhận xét không mấy tốt đẹp dù rất vô tư của thế nhân dành cho ông ta: một con người ham danh lợi tới thành kẻ vô ân bạc nghĩa. Các con cháu của Đỗ Mậu cũng được Lê Hữu Thuý mời về thăm Việt Nam để đề cao chính sách hoà hợp hoà giải và Việt kiều là khúc ruột thân thương ngàn dặm.
Mãi đến giữa năm 1968, khi Ngành Đặc Biệt có một trưởng khối mới, với không khí công tác mới, dự án «Hỏa Tiễn» để truy lùng các cán bộ Việt cộng nằm vùng được chấp thuận khai triển và cố vấn Mỹ được triệu dụng để yểm trợ về kỹ thuật.. Thiếu Tá Phan Hữu Nghi, trưởng F.41 được dịp thỏa chí, thỏa lòng, không còn ấm ức và đã lập được kỳ công xứng đáng được nêu cao là khám phá ra cụm tình báo Việt cộng. Nhưng cũng vì thế là sau này Thiếu Tá Phan Hữu Nghi ôm trọn 17 cuốn lịch trong lao tù Cộng Sản với danh từ mỹ miều là trại cải tạo.
E.4 giám thị chặt chẽ Lê Hữu Thúy và được biết nhà hắn ở trong khu vực Đồng Ông Cộ, đường Hàng Xanh, thuộc ngoại ô Gia Định. Thiếu Úy Lê Văn…. được ủy thác móc nối kết nạp mật báo viên hay cảm tình viên trong vùng để dễ theo dõi và giám thị Lê Hữu Thúy. Ông ….được kín đáo gọi trình diện Trưởng Ngành Đặc Biệt để được khích lệ và dặn dò những điều cần thiết phải thi hành. Thiếu Úy Lê Văn…. đã làm tròn trách vụ một cách tuyệt hảo đáng khen …
Do kết quả giám thị và báo cáo của Z28, khối đặc biệt biết được những người đến nhà Lê Hữu Thúy thì nhiều nhưng đáng chú ý có : Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Thị Nuôi.
Lệnh giám thị các nhân vật trên được ban hành và kết quả sơ khởi cho biết Huỳnh Văn Trọng tùng sự tại Phủ Tổng Thống. Nghi vấn đầu tiên: đây phải chăng là đầu mối về các báo cáo liên hệ đến Phủ Tổng Thống mà quân đội Quốc gia VN đã tịch thu trong các cuộc hành quân ở biên giới Việt-Miên ? Đây phải chăng là nguồn thông tin giúp các đơn vị Cộng Sản tập kích chính xác vào Phủ Tổng Thống ngày mộng Một Tết năm Mậu Thân như đã trình bày trên ? Ngành Đặc Biệt tự nhủ lòng một lần nữa «đánh xả láng bất kể tai to mặt lớn nào».
Phối trí viên Hoa Kỳ của E4 (Nha Hoạt Vụ) là ông Jim Potrack được yêu cầu yểm trợ tối đa phương tiện kỹ thuật. May mắn thay Jim lại là bạn lâu năm của Nghi vì đã cùng làm việc trong các hoạt động phản tình báo. Ông Jim Patrack đã cho chụp không ảnh vùng Lê Hữu Thúy ở. Không ảnh giúp định đoạt ngôi nhà nào thuận tiện nhất làm «nhà an toàn» để thiết trí các phương tiện kỹ thuật kiểm thị và kiểm thính. Một căn nhà được thuê, các máy điện tử tối tân được dùng để ghi âm và ghi ảnh. Nhân viên quản thủ «nhà an toàn» là Thượng Sĩ Danh Bao, người Việt gốc Miên, ít giao dịch, ít nói vốn lầm lì nên được đồng nghiệp đặt bí danh là «thầy trụ trì chùa Miên».
Mọi việc đang tiến hành êm xuôi chờ ngày buông màn kết thúc công tác thì một biến cố xảy ra.
Một bà (quên tên) cư trú tại quận 2 Sài Gòn làm nghề bán dạo hột xoàn. Bà ta nhận ở một bà khác giao cho một số hột xoàn để mang đến từng nhà gạ bán. Vào tháng 5/1969 bỗng nhiên bà ta mất tích. Con cái, những người trong họ và bạn bè đổ xô đi tìm. Ty Cảnh Sát Quốc Gia Quận Nhì được báo cáo và cũng sốt sắng truy lục khắp nơi. Hàng tuần lễ trôi qua nhưng tuyệt nhiên không ai tìm được dấu tích nào của bà ấy. Rồi một đêm con gái bà ấy thấy bà ta hiện ra trong mộng và báo rằng mẹ đã bị họ giết chết và xác được chôn tại địa chỉ ấy (?). Cả nhà kéo đến Ty Cảnh Sát Quận Nhì để xin truy tầm xác mẹ. Trước một tin tức do mộng mị, Ty Cảnh Sát chỉ biết khuyên gia đình nên bình tĩnh. Vài đêm sau, bà ta lại hiện về trong mộng và lại nhắc lại xác bà vẫn còn đó ở địa chỉ đã được báo trong giấc chiêm bao hôm trước. Người con gái lại đến Ty Cảnh Sát, nóng lòng vì mẹ, cô ta khóc lóc cầu khẩn. Cuối cùng ông Trần Minh Công, Trưởng Ty, cho nhân viên đến địa chỉ được báo để an ủi gia đình nạn nhân hơn là truy lùng can phạm và khám xét hiện trường. Oái oăm thay, như được khiến xui và chỉ dẫn, cảnh sát quận nhì đã tìm thấy một ít dấu đất mới rồi từ đó tìm thấy xác bà bán hột xoàn chôn dưới gầm giường của Thượng Sĩ Danh Bao, nhân viên Ngành Đặc Biệt, bí danh «thầy trụ trì chùa Miên». Hắn ta bị câu lưu vì can đại hình tội cố sát và cướp đoạt hột xoàn. Lúc bị giam và thẩm cung hắn cứ xin gặp Trung Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Ngành Đặc Biệt. Ông Trần Minh Công bèn đích thân trình lên Thiếu Tướng Trần Văn Hai và hẹn gặp ông Nguyễn Mâu vào trưa hôm ấy. Thiếu Tướng Hai đã gọi điện thoại trước cho ông Mâu. Nếu gặp ông Công, câu chuyện sẽ như thế nào và do đó ông Mâu đã tránh mặt, xin lỗi không gặp ông Công được. Công tác «Hỏa Tiễn» đã đến lúc gay cấn lại đứng trên bờ vực bị phát giác và đổ vỡ. Một biến cố khác lại xảy ra: một sáng người ta tìm thấy Danh Bao chết trong trại giam Ty Cảnh Sát Quận Nhì. Kết quả điều tra sơ khởi cho rằng hắn đã tự tử bằng cách xé quần áo đang mặc nhét vào mồm. Có người cho rằng Ngành Đặc Biệt bắt buộc phải thanh toán Danh Bao để bảo vệ công tác được xếp vào hàng quan trọng nhất. «Nhà an toàn» Đồng Ông Cộ được tiếp tục hoạt động. Các máy ghi ảnh, ghi âm tiếp tục chứng tỏ là hữu hiệu và là phương tiện phối kiểm báo cáo của các toán giám thị và của mật báo viên do cán bộ điều khiển Lê Văn…
Cuối cùng Ngành Đặc Biệt có thể xác nhận một cách không nhầm lẫn rằng Huỳnh Văn Trọng, điệp viên Cộng Sản được gài vào Phủ Tổng Thống và đang giữ chức vụ Cố Vấn Chính Trị, một chức vụ cao được nể nang và trọng vọng.
Riêng Vũ Ngọc Nhạ đóng vai giáo sư ôm chặt linh mục Hoàng Quỳnh bằng mọi giá để báo cáo tình hình thuộc giáo hội Công giáo cũng như phản ứng chính trị của Công giáo đối với từng quyết định của các tôn giáo khác hay của chính phủ. Linh mục Hoàng Quỳnh thì vô tình trong lúc Vũ Ngọc Nhạ lại rất khéo léo, dư khôn ngoan để vừa thu thập tin tức vừa sách động, xúi giục, ly gián theo chỉ thị của Trung Ương Cục Miền Nam. Ví dụ: họ xúi giục Tòa Tổng Giám Mục huy động thanh niên Công giáo kéo ngã tượng đài Quách Thị Trang vì công trường nầy chẳng là của riêng dành cho một hội đoàn hay giáo phái. Cũng may Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn sáng suốt không mắc bẫy.
Qua các máy ghi âm và ghi hình, Ngành Đặc Biệt còn biết bọn Thúy, Nhạ, Trọng mưu định thuyết phục Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong kỳ cải tổ nội các sắp đến sẽ mời Huỳnh Văn Trọng ra làm Thủ Tướng hay Phó Thủ Tướng Đặc Trách Xây Dựng và Phát Triển Nông Thôn, Vũ Ngọc Nhạ làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, Lê Hữu Thúy làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, Bùi Nhượng Thắng làm Bộ Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi, Nguyễn Xuân Hòe giữ Bộ Kinh Tế Tài Chánh. Họ còn được lệnh của Hà Nội cố gắng phối hợp với Trần Ngọc Liễng, Lý Quí Chung thành lập chính phủ ba thành phần.
Tổng Thống Thiệu trước bầu cử đã tiếp xúc với linh mục Hoàng Quỳnh. Trong những dịp nầy, Vũ Ngọc Nhạ được đặc biệt giới thiệu và tiến cử. Vũ Ngọc Nhạ được mời tham dự vào bộ tham mưu Phủ Tổng Thống. Hắn được Tổng Thống Thiệu trao cho một danh thiếp có chữ ký và hắn đã dùng danh thiếp nầy để hù dọa nhiều người kể cả nhân viên Ngành Đặc Biệt được bố trí bên cạnh Linh Mục Hoàng Quỳnh. Tuy nhiên theo chỉ thị của Cục Nghiên Cứu của Việt cộng hắn không nhận chức vụ được mời tại Phủ Tổng Thống nhưng nhường lại cho Huỳnh Văn Trọng vì trong qúa khứ Huỳnh Văn Trọng đã từng được các chức sắc Cao Đài tiến cử và được chính quyền Nguyễn Phan Long dưới thời cựu hoàng Bảo Đại thu dụng như một viên chức trung cấp tại văn phòng Thủ Tướng. Cục Nghiên Cứu Cộng Sản cho rằng Trọng quen với sinh hoạt «cung đình» và dễ thành công hơn.
Trọng có con trai đầu trong binh chủng nhảy dù, Đại Úy Huỳnh Văn…. nhưng vô can hoàn toàn không biết hành tung của hắn. Cục An Ninh Quân Đội được thông báo và Ngành Đặc Biệt đã không áp dụng một biện pháp nào khác.
Ngành Đặc Biệt quyết định đã đến lúc phải triệt hạ cụm tình báo chiến lược khá nguy hiểm này. Nội vụ được đem ra thảo luận với Thiếu Tướng Trần Văn Hai. Ông ta rất hoan hỉ nhưng cho rằng Tổng Thống Thiệu cần được tường trình trước khi Ngành Đặc Biệt hành động để tránh va chạm tự ái của vị nguyên thủ quốc gia.
Thiếu Tướng Hai lên Phủ Tổng Thống mang theo chúng tôi vì nếu được hỏi về nội vụ trong chi tiết chúng tôi sẽ bổ túc. Tổng Thống Thiệu nghe phúc trình mà nét mặt thay đổi từng hồi lúc đỏ gay vì tức giận, lúc lại tái xanh có lẽ vì cơn xúc động đi đến tột độ. Ông ta muốn phải có nghị định giải chức Huỳnh Văn Trọng và công bố trên đài phát thanh trước khi y bị bắt.
Sau cùng , Tổng Thống Thiệu nói :
« Đáng lẽ , tôi phải được thông báo khi công tác Ngành Đặc Biệt đang tiến hành.»
Thiếu Tướng Hai nhìn chúng tôi mà không đáp. Tôi rất ngập ngừng trả lời :
-Khi chưa có đủ bằng chứng và tài liệu …thì chưa dám trình lên .
Tổng Thống lại hỏi tiếp :
-Có muốn nói gì thêm ? Trình bày gì thêm ?
Thiếu Tướng Hai lại nhìn tôi không nói. Chúng tôi đang đứng trước một tình huống rất tế nhị. Chúng tôi, với cấp bậc Trung Tá không thể không chột dạ khi phải đối đáp với một nguyên thủ quốc gia. Trong thế «chẳng đặng đừng» chúng tôi đành buột miệng:
«-Xin tuân hành mệnh lệnh của Tổng Thống – chỉ câu lưu ông Huỳnh Văn Trọng sau khi đài phát thanh công bố nghị định giải chức – nhưng xin cho nghị định chỉ được công bố đúng 12 giờ đêm , tức 0 giờ ngày 20 tháng 6. Việc dự thảo nghị định và chuyển đạt nghị định xin trong bí mật hoàn toàn. Kính xin Tổng Thống chấp thuận .
Tổng Thống Thiệu và Thiếu Tướng Hai cùng nhìn chúng tôi gật đầu tỏ ý tán thưởng, chấp thuận và hiểu rõ những gì đang được ước tính trong đầu chúng tôi.
Ngày N, Zero giờ, đài phát thanh Sài gòn công bố nghị định bãi chức Cố Vấn Chính Trị Phủ Tổng Thống Huỳnh Văn Trọng. Tất cả các toán hành động của F.41 đã mai phục sẵn. Lời của xướng ngôn viên đài phát thanh được dùng như hiệu lệnh. Tại nhà Huỳnh Văn Trọng đường Lê Lợi, mọi người được yêu cầu giữ yên vị. Thiếu Tá Nghi , chỉ huy trưởng cuộc hành quân cảnh sát rất đặc biệt nầy tuyên đọc nghị định bãi chức và lệnh xét nhà của Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn. Huỳnh Văn Trọng, nguyên Cố Vấn Chính Trị Phủ Tổng Thống lập tức bị còng tay. Nhiều tài liệu quan trọng được tịch thu đại lược gồm có vài lệnh hành quân của quân lực, lược ghi các cuộc hội kiến giữa Tổng Thống Thiệu và các Đại Sứ, kế hoạch bình định và kinh tế hậu chiến, nhiều vi phim (micro film).
Lưới A22 do Vũ Ngọc Nhạ làm cụm trưởng, gồm: Nguyễn Xuân Hòe, công cán ủy viên phủ Tổng thống; Vũ Hữu Ruật, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Sài Gòn; Hoàng Hồ, nghị sĩ dân biểu Sài Gòn; Lê Hữu Thúy, công cán ủy viên Bộ chiêu hồi và Huỳnh Văn Trọng, cố vấn chính trị đối ngoại của Tổng thống Thiệu được Thiệu rất tin dùng và từng cử làm trưởng phái đoàn của chính phủ Thiệu, sang Mỹ để hội đàm cùng chính phủ Mỹ để tìm kế sách đối phó với phe Cộng sản ở Hội nghị Paris.»
Đồng loạt bị bắt giữ có Vũ Ngọc Nhạ, Thiếu Tướng Tình Báo Việt Cộng tại nhà ở Thị Nghè; Lê Hữu Thúy phái khiển tình báo chiến lược ở Đồng Ông Cộ; Lê Thị Nuôi cán bộ tình báo chiến lược ở đường Nguyễn Trãi. Tại mỗi nơi, nhiều tài liệu, vi phim, mật mã đã được tìm thấy và tịch thu. Bùi Nhượng Thắng, Vũ Hữu Ruật, Phạm Xuân Hòe cũng sa lưới cùng ngày giờ. Tất cả có đến 50 cơ sở bị bắt giữ và truy tố trước tòa án quân sự. Có 41 người bị kết án tù vì phá hoại an ninh quốc gia và đồng lõa. Tuy nhiên, Cụm trưởng Tư Lê đã kịp thời trốn thoát.
Kế hoạch phá vỡ Cụm tình báo đã được chuẩn bị rất chu đáo. Ông Ralph Mc GeHee , một nhân vật cao cấp C.I.A. viết trong tác phẩm «Deadly Deceipt : my 25 years in the C.I.A» trang 153 chương 4 rằng :
«Năm 1969 , công tác “Hỏa Tiễn” đã đưa đến kết quả bắt được 50 cán bộ Cộng Sản mai phục tại văn phòng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và các bộ thuộc chính phủ Việt Nam . 41 người đã bị đưa ra tòa xét xử và bị kết án. Trung Tá đặc trách Ngành Đặc Biệt đã cẩn trọng triệt để không để lộ ra ngoài việc bắt giữ dự liệu. Chỉ có vài cán bộ Ngành Đặc Biệt được chuẩn bị phiếu danh bản cho từng nghi can sẽ phải bắt giữ. Chiều đến, ông gọi đoàn đặc nhiệm đến văn phòng và lập tức họ được ngăn cách với bên ngoài, giao cho từng tổ danh bản của từng mục tiêu phải bắt cho bằng được.»
Kết qủa: Cụm tình báo chiến lược A.22 bị triệt hạ. Trần Quốc Hương và Lê Trung Hưng hai nhân vật quan trọng nhất của Cục Nghiên Cứu hết khoe khoang tài cán. Toàn thể anh chị em Ngành Đặc Biệt, Trung Tá Nguyễn Mâu và Thiếu Tá Phan Hữu Nghi đã hoàn tất vẻ vang nhiệm vụ của ngành Cảnh sát đặc biệt.
Sau đó tòa án quân sự mặt trận lưu động Vùng 3 đã tuyên án Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Xuân Hòe án Chung thân khổ sai, những thành viên khác bị kết án từ 5 năm đến 20 năm.
Tiếp tục hoạt động
Đầu năm 1973, Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng được đưa về trại giam Chí Hòa quản thúc theo quy chế tù chính trị theo Hiệp định Paris . Trong thời gian này, nhờ sự giúp đỡ của linh mục Hoàng Quỳnh, Vũ Ngọc Nhạ nối lại mối quan hệ với các tổ chức chính trị thuộc «Lực lượng thứ 3» do tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Tuy nhiên, ngày 23.7.1973, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã trao trả ông tại Lộc Ninh cho phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi được trao trả, cuối năm 1973, ông được đưa về Phòng tình báo quân sự để làm công tác xác minh. Đầu năm 1974, sau khi đã kiểm tra thông tin, ông được khôi phục hoạt động bí mật và được công nhận quân hàm Trung tá Quân đội Việt cộng. Tháng 4.1974, ông trở về hoạt động bán công khai tại Củ Chi, với mục đích xây dựng một cụm tình báo chiến lược mới do ông làm cụm trưởng, xây dựng cơ sở tình báo và nối lại quan hệ với các tổ chức chính trị thuộc Lực lượng thứ 3, đặc biệt là khối Công giáo. Tháng 1.1975, ông trở lại Sài Gòn, sống bất hợp pháp và hoạt động trong Lực lượng thứ 3 với tư cách là một đại biểu Công giáo. Ngày 30.4.1975, ông có mặt bên cạnh tướng Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập, chứng kiến những giờ phút cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Thất sủng và được tưởng thưởng
Sau năm 1975, toàn bộ Hồ sơ mật về Cụm tình báo chiến lược A.22 của Nha Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia được thu hồi nguyên vẹn.. Tuy nhiên, thân phận thực của Vũ Ngọc Nhạ vẫn chưa được xác nhận vì Việt cộng nghi ngờ ông đã cộng tác với chính quyền quốc gia. Mãi đến năm 1976, ông mới được điều về làm chuyên viên Cục 2 với quân hàm Thượng tá. Năm 1981, ông được thăng Đại tá. Tuy nhiên, ông chỉ được giao các công tác nghiên cứu và tổng hợp các báo cáo để phúc trình cho các lãnh đạo cao cấp của nhà nước như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh.
Mãi đến năm 1987, khi cuốn tiểu thuyết «Ông cố vấn: hồ sơ một điệp viên» của Hữu Mai xuất bản, thân thế và sự nghiệp của ông mới được công chúng biết tới. Để tưởng thưởng sự hoạt động của ông, năm 1988, Nhà nước Việt Nam phong hàm Thiếu tướng cho Vũ Ngọc Nhạ. Cụm tình báo chiến lược A.22 và Đại tá Lê Hữu Thúy được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Một bộ phim phỏng theo tiểu thuyết «Ông cố vấn» cũng được sản xuất và đã có một số phóng sự về ông và cụm tình báo A.22 được công chiếu trước khi ông mất.
Lấy tin tức tình báo từ quan chức cao cấp
Trả lời cho câu hỏi vì sao Vũ Ngọc Nhạ, một người ở miền Bắc, không hề có họ hàng thân thích, cũng chưa từng gặp gỡ, làm việc với anh em họ Ngô lại trở thành người nhà, là người tin cẩn của họ, ông Nhạ nói:
«Chính bản thân tôi cũng không ngờ. Có điều, tôi đi tới được cái đích ấy là cả một chặng đường dài mưu tính mạo hiểm.
Từ cái “vỏ bọc” mà tổ chức bọc cho tôi. Gia đình tôi đóng vai một gia đình giáo dân di cư vào Nam . Dựa vào ảnh hưởng của đức cha Lê (giám mục Lê Hữu Từ - PV), cha Hoàng (linh mục Hoàng Quỳnh - PV) ở nhà thờ Bình An và Phát Diệm mà tôi có dịp quen biết nhiều người. Chế độ Ngô Đình Diệm rất cần sự ủng hộ của các linh mục này. Tôi đã thể hiện mình là cái cầu nối cho họ đến với nhau. Từ đó, dần dần tôi chiếm được lòng tin của Ngô Đình Cẩn - cố vấn miền Trung. Cẩn “bắc cầu” cho tôi sang cha Thục, ông Nhu và Ngô Đình Diệm.
Là phụ tá của đức cha Lê, thân cận của gia đình Ngô Tổng thống, tôi có điều kiện tiếp cận với các quan chức cao cấp trong Chính phủ miền Nam, với Toà thánh Vatican, Giáo chủ Pie XI, Khâm sứ Toà thánh Sài Gòn, Đức Hồng y Spelman Mỹ. Qua đây tôi nắm được khá nhiều tin tức quan trọng của Mỹ và chính quyền miền Nam. Anh em họ Ngô coi tôi như người ruột thịt. Một hôm họp gia đình có đủ Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn và tôi, Ngô Đình Diệm tự đặt biệt danh 5 con rồng cho 5 anh em. Diệm bảo: “Từ nay Giám mục Ngô Đình Thục là Hồng Long, tôi Ngô Đình Diệm là Bạch Long, chú Nhu là Thanh Long, chú Cẩn là Hắc Long, thầy Hai (tức Vũ Ngọc Nhạ) là Hoàng Long. Đã là anh em trong nhà, thầy Hai không cần phải ý tứ gì”. Từ đó anh em Ngô Đình Diệm càng tin và quý tôi. Tuy nhiên, bọn CIA và mật vụ lại càng “để mắt” đến tôi».
Vũ Ngọc Nhạ tự đề cao tài năng của mình nhưng trên thực tế bị bắt đến 2 lần. Lần thứ nhất bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt của ông Dương Văn Hiếu dưới thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa bắt giữ. Sau một thời gian được giáo dục, y quyết định trở về hợp tác với cơ quan Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, hằng tháng y được phát lương như tất cả anh em trong đoàn.
Sau khi Đệ I Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, Vũ Ngọc Nhạ tái hoạt động trong tổ chức Tình Báo Chiến Lược A-22 và lần này y và toàn bộ tổ chức Tình Báo Chiến Lược A-22 sa lưới Trung tá Nguyễn Mâu, Trưởng Ngành Cảnh Sát Đặc Biệt của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, Đệ II Việt Nam Cộng Hòa.
Ngoài ra, Cụm A-22 còn có những nhân vật sau đây bị bắt giữ:
– Huỳnh Văn Trọng
- Phạm xuân Hòe
- Lê Hữu Thúy, Phái khiển Tình Báo
- Vũ hữu Ruật
- Bùi Nhượng Thắng
- Lê thị Nuôi
Và năm mươi [50] cơ sở của bọn chúng bị bắt giữ, tất cả đã bị truy tố trước tòa.
Trường hợp Lê Hữu Thúy
Lê Hữu Thúy còn được gọi là Năm Thúy hay Thắng, hoặc bí danh Lê Thụy và khi viết báo, ông còn nhiều bút danh như Khánh Hà, Nhị Hà, Nhị Hồ...
Thúy sinh năm 1926 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa, trong một gia đình nhà Nho khá giả xuất thân khoa bảng. Bố mất sớm, mẹ ông nuôi ông và 4 chị em gái. Thuở nhỏ, ông theo học tại trường trung học Alexandre de Rhodes của Nhà chung Thanh Hóa và tốt nghiệp Tú tài. Tại đây, ông làm quen với một linh mục dòng Đa Minh, cha Thiên Phong Bửu Dưỡng, vốn là một giáo sư triết học nổi tiếng tại Hà Nội.
Năm 1945, Thúy gia nhập Đoàn thanh niên Cứu quốc, một tổ chức của Mặt trận Việt Minh. Năm 1947, ông công tác tại Ty Công an Thanh Hóa. Do có trình độ học vấn khá, sau khi tham gia kháng chiến một thời gian, ông được cấp trên điều động sang công tác tình báo, được huấn luyện phục vụ cho hoạt động sau này. Năm 1949, ông được bí mật kết nạp Đảng. Tháng 6 năm 1950, ông được lệnh hồi cư về Hà Nội hoạt động với bí danh A.25.
Thúy vừa theo học Đại học với giáo sư Bửu Dưỡng, vừa đi dạy kiếm sống tại trường trung học Nam Đồng của Dòng Chúa Cứu Thế ở Ô Chợ Dừa Hà Nội. Cũng trong thời gian này, từ năm 1951, ông tham gia hoạt động xã hội trong nhóm trí thức mang tên «Chi hội hòa bình» tại Hà Nội và làm quen với Huỳnh Văn Trọng, một cơ sở của ông về sau này, qua sự giới thiệu của linh mục Bửu Dưỡng. Ông cũng bắt đầu viết báo, cộng tác với tuần báo «Đạo binh đức Mẹ», do linh mục Nguyễn Ngà là chủ bút.
Vào Nam và bắt đầu hoạt động tình báo
Tháng 10.1954, theo chỉ thị của cấp trên, ông theo các đồng bào miền Bắc di cư vào Nam . Thời gian đầu, với kinh nghiệm viết báo ở Hà Nội, ông tham gia cộng tác viết bài cho báo Đời Mới, chủ bút là Trần Văn Ân. Báo này là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Bình dân Nam Việt, nằm dưới ảnh hưởng của tướng Bảy Viễn, theo khuynh hướng chống Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Đầu năm 1955, được sự giới thiệu của Huỳnh Văn Trọng, khi đó là Đổng lý văn phòng cho Tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm, một người của đảng Dân xã Hòa Hảo, ông chuyển sang làm công cán ủy viên tại văn phòng Bộ này, trợ lý cho Huỳnh Văn Nhiệm. Cùng năm, ông lập gia đình với bà Ngô Thị Như.
Thâm nhập Phong trào Cách mạng Quốc gia
Cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm chủ trương dẹp lực lượng Bình Xuyên và các giáo phái. Chính phủ liên hiệp đổ, nhờ linh mục Bửu Dưỡng giới thiệu, Lê Hữu Thúy viết bài cộng tác cho báo «Tinh thần» của Nha tổng tuyên úy Công giáo, rồi gia nhập Phong trào Cách mạng Quốc gia, một tổ chức ủng hộ Ngô Đình Diệm. Được sự giới thiệu của Nguyễn Thiệu, Chủ tịch Phong trào tại Đô thành Sài Gòn, ông gia nhập đảng Cần lao Nhân vị để đảm bảo vị thế chính trị trong chính quyền mới.
Trở thành Thiếu úy Nha An ninh Quân đội
Trong thời gian sinh hoạt tại Phong trào Cách mạng Quốc gia, ông tiếp cận với một đồng hương Thanh Hóa là ông Võ Văn Trưng, một dân biểu, Ủy viên Trung ương Phong trào, một trong nhưng người thân cận của Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ. Năm 1956, ông làm chủ nhiệm Tuần báo «Sinh lực», do ông Võ Văn Trưng đỡ đầu. Đầu năm 1958, khi Đại tá Đỗ Mậu được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha An ninh Quân đội, nhờ sự tiến cử của Võ Văn Trưng và Nguyễn Thiệu, thậm chí cả của Trần Kim Tuyến, ông được tuyển vào An ninh Quân đội, với cấp bậc Chuẩn úy đồng hóa, về sau được thăng Thiếu úy.
Bị bắt và giam giữ tại Huế
Tuy nhiên, thời gian của ông hoạt động không lâu. Theo tiểu thuyết «Điệp viên giữa sa mạc lửa» do chính ông viết với bút danh Nhị Hồ, thì từ năm 1955, một hồi chánh viên tên là Nguyễn Gia đã tố giác ông là đảng viên Cộng sản. Tuy nhiên, chi tiết này đã không được chú ý đến vì ông đươc các cha xác nhận là một tín đồ ngoan đạo và đã hoạt động cho các tổ chức công giáo.
Theo một số tài liệu, Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung, do ông Dương Văn Hiếu là Trưởng đoàn, phát hiện kể từ năm 1958, mỗi khi phát hiện hay tình nghi một «điệp viên Cộng sản» hoạt động trong quân đội, thường thông báo cho Nha An ninh Quân đội điều tra để loại trừ, nhưng chỉ ít lâu sau là những người này đã tự dưng biến mất. Do đó đã nghi ngờ sự rò rỉ từ Thiếu úy An ninh Quân đội Lê Hữu Thúy và đã bí mật bắt giữ ông vào cuối năm 1959 mà không thông báo cho Nha An ninh Quân đội biết khiến Đỗ Mậu rất căm hận đoàn Công tác đặc biệt miền Trung.
Từ năm 1960, ông bị chuyển ra Huế và giam giữ tại trại giam Tòa Khâm. Điều bất ngờ là tại đây cũng tập trung nhiều cơ sở cũ của ông như Nguyễn Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật, thậm chí có cả cấp trên của ông là Mười Hương. Việc giam giữ này kéo dài đến năm 1963, sau khi cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm thì ông được thả tự do cùng với rất nhìều cán bộ Việt cộng, và theo tường thuật của Minh Chuyên (Tiền Phong Online), thì chính vợ ông đã đốt hồ sơ mật tại trại Tòa Khâm để phi tang chứng cứ các điệp viên tại đây.
Trường hợp Huỳnh Văn Trọng và 42 điệp báo viên
Lợi dụng mối quan hệ thuộc cấp với Đỗ Mậu (lúc này đã là Thiếu tướng), cộng với việc thủ tiêu tài liệu của vợ, Thúy vẫn giữ được thế chính trị để hoạt động trở lại. Ông tiếp tục với nghề ký giả, viết bài cho báo Trinh Thám, do Hoàng Hồ làm chủ nhiệm.
Năm 1966, ông nhận nhiệm vụ phối hợp với Vũ Ngọc Nhạ để xây dựng lá bài chính trị trong chính trường Sài Gòn: là Huỳnh Văn Trọng, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Việt nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Huỳnh Văn Trọng từng là đổng lý văn phòng cho một bộ trưởng dưới thời Bảo Đại – Huỳnh Văn Nhiệm, bị bỏ rơi hoàn toàn dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm nên tỏ ra bất mãn và chỉ làm công việc dạy học cho các nhân viên dân sự Mỹ tại Sài gòn. Sau khi Ngô Đình Diệm tiêu diệt thế lực giáo phái, do sợ liên lụy, Huỳnh Văn Trọng đã vào sống ẩn cư ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế tại Kỳ Đồng. Tuy không còn tiếp tục dạy học cho các nhân viên Tòa đại sứ Hoa Kỳ nhưng Huỳnh Văn Trọng vẫn còn những mối liên lạc cũ tại đây.
Năm 1967, ông vào Bộ Thông tin – Chiêu hồi, giữ vị trí Công cán Ủy viên, phụ trách công tác chiêu hồi. Chính tại vị trí này, ông đã thu thập được rất nhiều thông tin góp phần vô hiệu hóa nhiều hồi chánh viên được chính phủ quốc gia tung trở lại hoạt động cho Mặt trận Giải phóng miền Nam .
Trong suốt gian đoạn 1965-1968, Thúy đã thu thập được nhiều thông tin có giá trị về chiến lược của Mỹ với kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh; phát hiện kịp thời một số cuộc hành quân lớn của Mỹ. Trong công tác chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông đã lập được bản đồ hành quân khu tam giác Bến Lức - Đức Hòa - Chợ Lớn giúp lực lượng Quân Giải phóng có thể đột nhập thuận lợi, an toàn.
Sau khi bị đưa ra thụ án tại Côn Đảo, nhờ sự quen biết, ông được giao làm phụ kế toán, hưởng chế độ không phải ở trại giam, được ở Khu trú 1 do Ban An ninh đảo quản lý, được hưởng một số sinh hoạt tự do hạn chế như giao dịch, đi lại trong khu vực quy định, chơi thể thao, tắm biển...
Tháng 7 năm 1973, ông được phía Việt Nam Cộng hòa trao trả theo quy chế tù binh. Sau khi kiểm tra thông tin, ông được công nhận quân hàm Thượng úy Việt cộng. Tuy nhiên, giống như hầu hết các cán bộ tình báo khác, thân phận thực của ông vẫn chưa được xác nhận công khai. Mãi đến năm 1990, ông mới được phục hồi đảng tịch, được thăng vượt cấp từ thượng úy lên Đại tá.
Hoạt động tình báo của ông được khắc họa và đề cao trong cuốn tiểu thuyết «Điệp viên giữa biển lửa» do chính ông viết dưới bút danh Nhị Hồ.
Theo lời Mười Hương kể: «Lúc kháng chiến chống Pháp, anh Thúy là cán bộ Công an. Đến cải cách ruộng đất, do gia đình thuộc tầng lớp phú hào và địa chủ nên anh bị đưa ra khỏi ngành. Nhưng sau đó Trần Hiệu ở Nha Tình báo móc nối lại, tổ chức đưa anh Thúy đi Nam cùng đợt và làm việc với Vũ Ngọc Nhạ. Sau này khi cấp trên giao anh Nhạ cũng giao luôn cả anh Thúy làm việc trực tiếp với tôi.»
Mười Hương nhận thấy cái đặc điểm nổi trội của Lê Hữu Thúy: «Anh ấy là cử nhân văn chương, quen nhiều quan chức cao cấp. Anh được Ngô Đình Diệm đưa anh vào giống như một phái viên chính phủ bên cạnh Hòa Hảo, làm việc với thứ trưởng Bộ Nội vụ của Diệm kiêm công cán ủy viên Huỳnh Văn Nhiệm. Khi xảy ra nhiều vụ lộn xộn giữa các giáo phái, chúng tôi lại đưa anh vào với Bình Xuyên. Đám Bảy Viễn dùng anh liên lạc với Phòng Nhì Pháp để xin tiền vì Bảy Viễn dựa vào tiền của Pháp để chống Diệm.»
Mười Hương đã cài cho Lê Hữu Thúy xâm nhập vào lực lượng Hòa Hảo, nằm sâu trong hậu trường sân khấu chính trị miền Nam, với tên hoạt động Lê Nguyên Vũ, đã củng cố được lòng tin của Diệm Nhu, vừa làm vai trò phụ tá cho Thứ trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm, vừa làm cả cho giám đốc Sở nghiên cứu chính trị Trần Kim Tuyến lẫn giám đốc Nha An Ninh quân đội Đỗ Mậu.
Mười Hương cũng tự tâng bốc trong vịệc điều khiển Lê Hữu Thúy chứ thật ra theo Dương Văn Hiếu thì Thúy chỉ được Đỗ Mậu đồng hóa làm một thiếu úy quèn và phụ trách an ninh trong nha An Ninh Quân đội nhưng sau đó bị Dương Văn Hiếu khám phá là người của Việt cộng và bắt giam khiến Đỗ Mậu căm thù Dương Văn Hiếu và vì vụ lộ tẩy này mà Đỗ Mậu trở nên kẻ phản bội với ông Diệm nhất là ông Diệm tỏ vẻ khinh miệt Đỗ Mậu không chịu cho Đỗ Mậu lên cấp tướng.
Trường hợp Vũ Hữu Ruật
Vũ Hữu Ruật sinh năm 1922 tại huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà-Thái Bình). Vì gia đình tương đối khá giả, có cha là Chánh tổng nên ông được học hết trung học. Tháng 8-1945 ông tham gia cách mạng tại địa phương, tháng 5-1948 được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.
Sau hiệp định Geneva, ông đem cả gia đình từ Thái Bình lên Hà Nội rồi tháng 10-1954 di cư vào Nam và được một cán bộ VNQDĐ tên Đản giới thiệu với Lê Ngọc Chấn và sau vài lần gặp gỡ Chấn đồng ý thu nạp ông vào hệ phái Việt Quốc của Chấn, làm thư ký riêng cho Chấn. Ngày 26-1-1955, tại cuộc họp của ban chấp hành Việt Quốc thuộc hệ phái của Chấn, ông được cử phụ trách việc giao thông liên lạc.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1955 ông được Chấn, Đản cử tới khu căn cứ ở tỉnh Long Xuyên của lực lượng vũ trang Hòa Hảo để làm việc với các người lãnh đạo Dân Xã (Việt Nam dân chủ xã hội đảng, tổ chức chính trị của khối Phật giáo Hòa Hảo). Giữa năm 1955, vì các đảng phái và giáo phái đối lập bị Diệm dẹp, Lê Ngọc Chấn cũng bị gạt ra khỏi Chính phủ nên Vũ Hữu Ruật đã tìm cách vận động, tới đầu năm 1956 thì chuyển được sang làm Thư ký tại Phòng pháp chế của Nha công vụ vừa thành lập tại Tổng nha giám đốc hành chính trực thuộc Phủ Tổng thống.
Theo chỉ đạo của tổ chức, ông đã thâm nhập Đảng Cần lao Nhân vị của Diệm-Nhu, đồng thời duy trì quan hệ tốt với Việt Quốc, Việt Cách, Dân Xã, Đại Việt quốc dân đảng (Đại Việt), Đại Việt duy dân đảng (Duy Dân)... Thời gian này, ông thu thập, báo cáo được nhiều tin tức có giá trị, nổi bật là hoạt động của phái đoàn cố vấn hành chính Mỹ, chủ trương phát hiện, tiêu diệt cơ sở cách mạng trong bộ máy ngụy quyền, chủ trương xây dựng lực lượng bảo an, dân vệ ở các địa phương…
Công việc đang tiến triển thì ngày 3-12-1958 ông bị Đoàn công tác đặc biệt miền Trung bắt giữ và đầu năm 1959 đưa ông ra Trại tòa Khâm ở Huế cùng với nhiều cán bộ Việt cộng khác.
Sau cuộc đảo chính tháng 11.1963 ông được trả tự do, trở về Sài Gòn.
Tháng 8-1964 ông được Vũ Ngọc Nhạ chắp nối liên lạc, sau đó tiếp tục hoạt động trong tổ điệp báo của Vũ Ngọc Nhạ, tới tháng 5-1968 thì được tách ra để lập một tổ điệp báo mới, do ông làm tổ trưởng.
Cuối năm 1964 ông trở thành ủy viên Kỳ ủy Bắc Việt của Việt Quốc thuộc hệ phái Lê Ngọc Chấn, Chu Tử Kỳ, Bùi Mỹ. Cuối năm 1965, nhờ sự giới thiệu của Chu Tử Kỳ và Bùi Mỹ, ông làm quen rồi mau chóng chiếm được cảm tình của Nguyễn Văn Hướng, nguyên Xứ bộ trưởng Xứ bộ Nam Việt của Đại Việt, là chiến hữu thân cận của Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia.
Cuối tháng 3-1968, Hướng (lúc này là tổng thư ký Phủ tổng thống) bố trí ông làm Tổng ủy viên tuyên truyền - nghiên cứu - huấn luyện trong Lực lượng tự do dân chủ, một tổ chức do Hướng và Nguyễn Văn Kiểu (thủ lĩnh Đại Việt, anh ruột Thiệu) vừa lập nên để hậu thuẫn trực tiếp về chính trị cho Thiệu (lúc này là tổng thống). Sau đó ít lâu, tại đại hội của lực lượng này, ông trúng cử vào Ban chấp hành, trở thành Đệ nhất phó tổng thư ký.
Tháng 5-1969, khi lực lượng này liên kết với 5 đảng phái chống Cộng khác là Đại Việt của Hà Thúc Ký, Dân Xã của Trình Quốc Khánh, Việt Quốc của Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hòa Hiệp, Lực lượng đại đoàn kết của Nguyễn Gia Hiến, Nhân Xã (Việt Nam nhân xã cách mạng đảng) của Trương Công Cừu để thành lập Mặt trận quốc gia dân chủ xã hội do Thiệu làm chủ tịch, ông được bầu làm Phó tổng thư ký mặt trận. Thiệu, Hướng, Kiểu dự kiến tới đại hội của mặt trận này vào cuối năm 1969 sẽ đưa ông lên làm Tổng thư ký.
Với các vị thế này, Ruật đã thu thập được một số tin tức, tài liệu có giá trị về tình hình của các đảng phái chính trị dưới chế độ miền Nam .
Triển vọng lớn về nghiệp vụ đang mở ra trước mắt, việc tham gia chính quyền trung ương miền Nam đang ở trong tầm tay thì tháng 7-1969 Vũ Hữu Ruật lại bị địch bắt do những vết lộ cũ. Cuối tháng 11-1969, ông bị tòa án miền Nam kết mức án 7 năm tù khổ sai, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Giữa năm 1973, ông được địch trao trả tại Lộc Ninh.
Trường hợp Nguyễn Văn Minh tức Ba Minh
(Theo Sự kiện và nhân chứng)
Nhiều tác giả nói nội dung cuộc họp tối quan trọng tháng 12-1974 giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh để đối phó với tình hình chính trị và quân sự đã bị tiết lộ cho Việt Cộng bởi một điệp viên cộng sản trong hàng ngũ quốc gia.
Theo Snepp, người điệp viên cộng sản này đã gửi cho Bộ Chính Trị Bắc Việt nội dung cuộc họp tháng 12-1974 giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lãnh để đưa ra chiến lược của miền Nam trước viễn ảnh quân đội Bắc Việt tấn công vào năm sau, 1975.
Sự mô tả của Snepp dựa vào một đoạn trong hồi ký «Đại thắng Mùa Xuân» của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Tướng Dũng nói nội dung cuộc họp này đã được tình báo Bắc Việt lấy được ngay ít lâu sau buổi họp.
Merle Pribbenow nhận xét cho đến ngày hôm nay, ngoài đoạn văn kể trên của tướng Văn Tiến Dũng, Hà Nội chỉ đưa ra thêm một tiết lộ khác liên quan bản phúc trình tình báo này. Tiết lộ đó nằm trong hồi ký «Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: Hồi ức», của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ấn hành năm 2000. Trong hồi ký, tướng Giáp nói vào sáng ngày 12.12.1974, tình báo quân đội tường trình cho ông biết về những toan tính và mệnh lệnh của Tổng thống Thiệu tại cuộc họp.
Cả hai nguồn tin chính thức của Hà Nội đều không cho biết ai là người cung cấp thông tin. Vậy nhà tình báo ấy là ai?
Kể từ khi kết thúc chiến tranh, Đảng Cộng Sản đã công bố thông tin về nhiều điệp viên hoạt động bên trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong số các điệp viên nổi tiếng này, liệu có ai là người đã chuyển cho miền Bắc nội dung cuộc họp kể trên?
Mạng lưới Vũ Ngọc Nhạ - Huỳnh Văn Trọng đã bị phá vỡ năm 1969. Một điệp viên cao cấp khác nằm trong Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội và Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo là Đặng Trần Đức tức Ba Quốc thì đã trốn vào vùng căn cứ cách mạng sáu tháng trước cuộc họp tháng 12-1974. Hai tình báo Phạm Xuân Ẩn, và Đinh Văn Đệ, khi đó là Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, cũng có thể là các mật báo viên. Tuy nhiên, cả hai không có khả năng tiếp cận nội dung cuộc họp này, trừ phi một nhân viên Việt Nam Cộng Hòa đã tuồn tin ra cho họ.
Theo giả thuyết của tác giả Merle Pribbenow, người điệp viên có nhiều khả năng nhất trong trường hợp này không phải là một sĩ quan miền Nam cao cấp, cũng không làm việc tại Phủ Tổng thống, cũng không nằm trong nhóm tùy tùng thân cận của ông Thiệu mà là thượng sĩ Nguyễn Văn Minh (tức Ba Minh).
Ba Minh sinh năm 1933 ở Sài Gòn trong một gia đình gốc Bắc, là một hạ sĩ quan phụ trách tài liệu mật trong văn phòng của Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân lực VN Cộng hòa.
Mặc dù nhân viên cấp thấp này tất nhiên không thể được dự cuộc họp trong Phủ Tổng thống năm 1974, nhưng biên bản và mệnh lệnh được đưa ra trong cuộc họp có thể đi qua tay người thư ký này. Bài báo trên tờ Quân đội Nhân dân năm 2005 không nhắc đến cuộc họp tháng 12-1974, nhưng cho biết Ba Minh thường xuyên bí mật chuyển đi cho Việt cộng các loại thông tin tương tự, như kế hoạch của các quân khu miền Nam, nội dung trao đổi giữa tướng Cao Văn Viên với các viên chức Mỹ.
Bốn năm sau khi gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa, năm 1963 Ba Minh được đưa vào làm tại văn phòng của tướng Nguyễn Hữu Có, và vài năm sau, ông được chuyển lên văn phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên.
Năm 1973, sau Hiệp định Hòa bình Paris , Phòng Tình Báo Chiến Lược của Trung Ương Cục Miền Nam tìm kiếm các nguồn tình báo mới. Có vẻ như liên lạc giữa họ và Ba Minh đã gián đoạn nhiều năm, và chỉ đến lúc đó, liên hệ mới được nối lại. Theo tài liệu của Việt Nam, sau khi được liên hệ, ông Minh nhanh chóng trở thành người báo tin thường xuyên và các tin này đều có giá trị đích thực.
Việt Cộng cho biết Ba Minh thường thức đêm để chép tay các bức điện, kế hoạch (vì lý do an ninh, ông không chịu sử dụng máy ảnh để chụp tài liệu). Từ đầu năm 1974 đến khi kết thúc cuộc chiến, Ba Minh đã chuyển cho phía cộng sản một khối lượng lớn các báo cáo quân sự.
Ngày 30.4.1975, khi xe tăng Bắc Việt tiến vào trụ sở Tổng Tham Mưu Trưởng, Ba Minh đã chờ họ tại đó. Ông trao chìa khóa phòng tướng Viên và trao lại tất cả các hồ sơ mật của quân đội Việt Nam Cộng Hòa mà tướng Viên không hề cho thiêu hủy chắc vì lo chạy qúa vội vã.
Sau này, thượng sĩ Nguyễn Văn Minh được Việt cộng phong làm «Đại Tá Anh Hùng Tình Báo», như một sự tưởng thưởng cho công trạng của ông vào những năm cuối của cuộc chiến.
Dưới đây là Bài của Lữ Giang nói về Ba Minh:
Đại tướng Cao Văn Viên tức mình phải nói: «Tài liệu của Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Tham Mưu Trưởng chưa đọc mà Hà Nội đã đọc hết rồi»
Theo tài liệu Việt cộng thì người giữ chìa khoá tủ hồ sơ mật của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH và là người thân tín nhất của Đại tướng Cao Văn Viên lại là một đại tá Việt Cộng, mang bí số H-3. Người nầy được phép ra vào văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng bất cứ lúc nào cũng được, không cần phải xin phép. Người tin cẩn nầy được giữ chìa khoá tủ hồ sơ mật của văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Đó là thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Minh, thư ký đánh máy của văn phòng Đại tướng Cao Văn Viên. Nằm vùng suốt 10 năm, từ Nguyễn Hữu Có rồi Đại tướng Cao Văn Viên, đến ngày 30-4-1975 mà vẫn chưa bị lộ. Ba Minh giữ toàn bộ tài liệu mật của Bộ Tổng Tham Mưu gồm hồ sơ hơn một triệu quân của Việt Nam Cộng Hòa cùng toàn bộ giấy tờ thuộc văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng, không bỏ sót một tờ nào, rồi giao lại cho Việt Cộng.
Cho mãi đến năm 2006, CIA Mỹ cũng chưa biết người đó là ai.
Năm 2006, trong một cuộc hội thảo quốc tế về Tình Báo Trong Chiến Tranh Việt Nam, Merle Pribbenow, cựu nhân viên CIA cho biết: «Đúng là phải có một điệp viên Cộng Sản nằm vùng ngay trong lòng Bộ Tổng Tham Mưu. Dường như không phải là một sĩ quan cao cấp, không phải là một tùy viên thân cận Tổng thống Thiệu nhưng chắc chắn là người nầy đã gởi ra Bộ Chính trị Bắc Việt những tin tình báo chiến lược».
Thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1943, học hết tiểu học, cao 1.7 m, nặng 40kg, có vợ và 10 con, thường xuyên nghiên cứu và đánh số đề, lương hàng tháng không đủ nuôi gia đình nên Việt Cộng xuất tiền mua một chiếc xe Honda để y chạy xe ôm. Đó là phương tiện chuyển tài liệu mật một cách công khai mà không bị nghi ngờ. Ba Minh là người che giấu thân phận rất kín, luôn luôn đánh số đề và chạy xe ôm.
Đường dây giao liên chung quanh người Việt Cộng nằm vùng nầy gồm nguyên cả gia đình, vợ tên Đinh Thị Nữ, em gái tên Nguyễn Thị Nguyệt (bí số H-4), em rể và em trai là Nguyễn Văn Chí, (cảnh sát áo trắng).
Lịch hẹn trao tài liệu ban đầu là 2 tháng một lần, rồi nhồi lên mỗi tháng một lần và thời điểm cao nhất là 5 ngày một lần. Hàng chục giao liên được cử để phục vụ cho đường dây của H-3, Nguyễn Văn Minh, họ phải thề độc là bị bắt, bị đánh ngay cả sắp bị giết cũng không được khai ra H-3.
Tài liệu của Việt Cộng cho biết chưa đầy một năm, Ba Minh chuyển ra 90 tài liệu, mỗi bản hàng chục trang giấy pelure viết tay. Những tài liệu quan trọng được gọi là «tài liệu vàng».
«Tài liệu Ba Minh gởi về rất sớm. Ngay từ tháng 2.1974 mà kế hoạch quân sự năm 1975 của Sài Gòn đã nằm trong văn phòng bộ chỉ huy Hà Nội», một cán bộ cho biết như thế.
Tài liệu vàng gồm có:
- Kế hoạch năm 1974-1975 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.
- Những thư của Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự DAO về kế hoạch Mỹ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa. (DAO=Defense Attaché Office).
- Tất cả những văn bản mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gởi cho Cao Văn Viên cũng đã qua tay thượng sĩ nhất H-3 Nguyễn Văn Minh nầy. Thậm chí những tài liệu thuộc diện tối mật chỉ có 5 người được đọc cũng được Ba Minh lưu vào tủ hồ sơ mật rồi báo cáo cho Việt cộng.
Giữa tháng 4, 1975, Bộ Chính Trị nêu vấn đề, nếu Việt cộng đánh lớn, liệu Mỹ có nhảy vào cứu nguy miền Nam hay không?
Giải đáp câu hỏi nầy là công lao của đồng chí Nguyễn Văn Minh, là thượng sĩ giữ hồ sơ tuyệt mật của Cao Văn Viên. Lúc đó, thư của Tổng Thống Mỹ gởi cho Thiệu: «Cuộc chiến tranh VN coi như đã chấm dứt đối với Mỹ, chi viện 700 triệu đô la, còn mọi việc khác thì tùy theo quý ngài định liệu».
Bản sao bức thư được gởi cho Cao Văn Viên. Ba Minh lập tức chép lại, gởi ra bộ chỉ huy miền. Nhờ tài liệu nầy mà Bộ Chính Trị nắm được điểm yếu của địch, nên nêu phương châm tấn công «Thần tốc - Táo bạo - Chắc thắng».
Trường hợp Huỳnh Văn Trọng
(Bài viết của Phan Nhân: «Ông cố vấn Huỳnh Văn Trọng là ai?»)
I.- Nội dung sự việc :
Trong Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, có một đơn vị chuyên đảm trách nhiêm vụ An ninh và Tình báo, đó là ngành Ðặc Biệt. Phương tiện chánh yếu để thu lượm tin tức, từ bạn cho tới kẻ thù, ngành Ðặc Biệt đã xử dụng những mạng lưới mật báo trên khắp mọi địa bàn, mọi tổ chức, từ trong Nam ra tới ngoài Bắc, cái nôi của bọn Cộng sản Việt Nam. . .
Vào trung tuần tháng 6.1968, theo báo cáo của Tình báo viên Z.23, sau nhiều lần đến sửa nhà cho tên Thúy tại hẻm không số đường Bạch Ðằng, Gia định, đương sự đã được tên này tin tưởng và tiết lộ nhiều tin tức liên quan đến các hoạt động của Việt cộng tại miền Nam Việt Nam.
Y đặc biệt đề cao sự giúp đỡ của hai nước đàn anh Liên Xô và Trung cộng cho Việt Cộng và hết sức ca ngợi những chiến tích của Việt Cộng tại miền Nam.
Y còn khoe khoang là hiện nay cách mạng đã có mặt hầu hết mọi nơi trong các phủ bộ chánh yếu của Việt Nam Cộng Hòa, do đó, mọi tin tức dù bí mật đến đâu, bọn chúng cũng đều nắm vững và kịp thời báo cáo về cấp trên để có biện pháp đối phó.
II.- KẾT QUẢ ÐIỀU TRA :
Qua báo cáo sự việc, S2B nhận thấy đây có thể là một đầu mối khả tín, vì qua những lần thử thách trước đây, Tình Báo Viên (TBV) thường cung cấp nhiều tin tức có giá trị cao, nên đã bí mật mở cuộc điều tra, để tìm hiểu về lai lịch của tên Thúy, cùng tất cả những dữ kiện liên hệ tới thân nhân, bạn bè, nghề nghiệp v.v. . .
Kết quả điều tra sơ khởi, ghi nhận tên thật của y là Lê Hữu Thúy, cư ngụ tại . . . đường Bạch Ðằng, Gia Ðịnh, hiện làm việc tại Bộ Chiêu Hồi, với chức vụ là Công cán ủy viên. Qua toán giám thị báo cáo, hàng ngày y đi làm bằng chiếc xe Mobylette tự động màu xanh xám, loại xe mà các cán bộ Tình báo Cộng sản thường dùng theo kinh nghiệm đánh phá các tổ chức tình báo chiến lược trước đây mà S2B được biết. Phải chăng Lê Hữu Thúy không thoát khỏi thông lệ này. Theo tiền tích ghi nhận, tên Thúy trước đây, thời đệ nhất Cộng Hòa, đã bị Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt miền Trung bắt giữ vì tội hoạt động gián điệp, dưới quyền điều khiển của tên đại tá Lê Câu, Cục trưởng Cục Tình Báo miền Nam của Cộng sản.
Tưởng cũng nên nhắc lại là cả Thúy lẫn Lê Câu đều bị Đoàn Công tac Đặc biệt Miền Trung trước đây khám phá ra tung tích và bị bắt giam cùng đồng bọn Vũ Ngọc Nhạ, Vũ Hữu Ruật, Huỳnh Văn Trọng nhưng sau cuộc đảo chính 1.11.1963 lại được Hội đồng Cách mạng của Dương Văn Minh trả tự do trong khi những người có công trong việc truy bắt bọn điệp viên Việt cộng này lại bị bắt giam gồm cả Dương Văn Hiếu và tổng giám đốc CSCA là đại tá Nguyễn Văn Y.
Với kết quả ghi nhận, dù ngắn gọn, nhưng cũng đủ cho S2B đánh giá, có thể tên Thúy đang tái hoạt động cho Cộng sản. Nhưng để xác định về tổ chức, thành phần nhân sự . . . của nhóm này, còn cần có nhiều thời gian điều tra, theo dõi tiếp. Một toán giám thị đặc biệt, gồm toàn những cán bộ giỏi của S2B đã được bố trí giám sát chặt chẽ mọi hành tung thường nhật của tên này 24/24 giờ. Ðồng thời lợi dụng ưu thế xâm nhập, nhờ tình báo viên Z.23 đã được tên Thúy tin tưởng, giao sửa những hư hỏng vặt vãnh trong nhà, S2B đã hướng dẫn TBV Z.23 bí mật lắp đặt một hệ thống nghe lén để ghi tất cả nội dung các cuộc tiếp xúc của đối tượng với những phần tử liên hệ trong tổ chức.
Sau một thời gian theo dõi, S2B đã phát hiện được một «mục tiêu» rất đáng quan tâm. Ngày . . . tháng . . . năm 1969, mục tiêu đến tiếp xúc với tên Thúy vào lúc 8 giờ tối, cũng xử dụng chiếc xe Mobylette màu xanh xám. Hai bên đã bàn thảo nhiều về tình hình chính trị Thế Giới, trong đó có sự thắng thế của khối Cộng sản Quốc tế, cầm đầu là Liên Xô, thế mạnh của Cộng sản Việt Nam trong khối thứ 3, những chiến thắng dồn dập của Việt Cộng tại miền Nam v.v. . . Trong đó có đề cập tới ưu thế của Cộng sản Bắc Việt trong bàn Hội nghị sắp diễn ra tại Paris vào đầu năm 1969. Rõ rệt đây là sinh hoạt nội bộ của cấp cơ sở và tên lạ mặt này chắc chắn là một cấp chỉ huy của Lê Hữu Thúy. Vậy y là ai ? Ðang làm gì, ở đâu ?
Kết quả điều tra sau đó, cho biết kẻ lạ mặt này tên là Vũ Ngọc Nhạ, với tiền tích hoạt động như sau :
- Trước đây, y nguyên là Tổ trưởng điệp báo Cộng sản, dưới quyền điều khiển của tên Lê Câu, Ðại tá Cục Trưởng cục Tình báo miền Nam, đã bị Ðoàn Công tác Miền Trung và Ty Công An Tỉnh Thừa Thiên bắt giữ thời Ðệ nhất Cộng Hòa và được phóng thích sau cuộc đảo chánh 1/11/1963. Sau đó, tên này tiếp tục sống dưới danh nghĩa của một nhà giáo và được che chở với chiêu bài của một tín đồ ngoan đạo, y tìm cách xâm nhập vào sinh hoạt của các Linh Mục có thế lực và có quá trình chống cộng tích cực để dễ dàng hoạt động như Linh Mục Hoàng Quỳnh ở giáo xứ Bình An (Quận 7) , Linh Mục Nhuận (?) ở nhà thờ Tân Ðịnh, là Cha đỡ đầu của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.v.v. . . Nhờ tác phong ăn nói dịu dàng, lễ phép, lại hiểu biết nhiều về tình hình chính trị quốc tế và quốc nội, nhất là gốc đạo dòng. . . nên được hầu hết các Cha thương mến. Các kế hoạch y đệ trình để «đánh phá Cộng sản» rất được các Linh Mục này chú ý như kế hoạch sử dụng những cựu kháng chiến, những hồi chánh viên có khả năng và kinh nghiệm. . . Mục đích của y là để Cộng sản có dịp cài người của chúng vào sâu trong chánh quyền của ta qua con đường giả trá hồi chánh sau này. Hầu hết các đề nghị của y đều được các Cha ủng hộ mạnh mẽ và đã lần lượt giới thiệu lên cho Tổng Thống. (Nhờ vậy, sau 30/4/1975 y mới có dịp huênh hoang, tự xưng mình là «Cố vấn» của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa). Sau đó, mọi hoạt động của bọn này đã được từ từ bao vây và xiết chặt.
Ngày . . . tháng . . . năm 1969, toán theo dõi phát hiện, mục tiêu xuất hiện từ nhà tại Hàng Xanh, Gia Ðịnh - dùng xe Mobylette di chuyển về hướng Ðại lộ Thống Nhất, chạy thẳng về Dinh Ðộc Lập, đến cổng sau gởi xe và đi vào bên trong. Ðộ nửa giờ sau thì trở ra, lấy xe và đi trở về nhà.
Y đã gặp ai trong đó? Tổ chức này quả có phần lợi hại và là một mục tiêu hết sức hấp dẫn của Khối Ðặc Biệt. Có phải chăng chính tên Vũ Ngọc Nhạ này là người mà Lê Hữu Thúy đã tiết lộ với TBV/ Z. 23 là tổ chức của y đã cài được người vào tận dinh Tổng Thống ? Trong chiều hướng đó, Khối Ðặc Biệt nhất định phải vén cái màn bí mật này càng sớm càng tốt.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, toán theo dõi ưu tú của S2B đã phát hiện được một sự kiện quan trọng :
Ngày . . . tháng . . . năm 1969, «mục tiêu» xuất hiện tại nhà, cũng dùng xe Mobylette đi về hướng Saigon . Khi đến góc đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, y ngừng lại, gởi xe và vào nhà hàng Brodard ngồi uống nước và chờ đợi. Ðộ 10 phút sau, một người đàn ông trạc chừng 60 tuổi, ăn mặc khá lịch sự xuất hiện, đến bắt tay y, rồi ngồi xuống cạnh bên, tay cầm theo một bao thơ lớn màu vàng, khá nặng, dường như có một quyển sách bên trong ( theo báo cáo của toán giám thị ). Hai bên tiếp xúc nhau khoảng nửa giờ thì người đến sau đứng dậy giã từ và để lại bì thư trên bàn cho tên Nhạ.
Toán giám thị theo dõi sát tên này. Ðương sự đến chiếc xe Citroen loại 2 ngựa màu xám mang bảng số EB . . . đậu bên vệ đường, mở máy, di chuyển về đường Tự Do, đến Nhà Thờ Ðức Bà thì chạy về hướng Nguyễn Du, sau đó quẹo về đường Huyền Trân Công Chúa, tức ngả sau Dinh Ðộc Lập và chạy thẳng vào bên trong.
Không còn nghi ngờ gì nữa. «Mục tiêu» này chắc chắn phải có sự liên hệ mật thiết với Vũ Ngọc Nhạ. Dồn hết mọi nỗ lực, các chiến sĩ vô danh Cảnh Sát Quốc Gia quyết định phải biết cho kỳ được nơi cư ngụ của mục tiêu quan trọng này. Ðến 8:30 giờ tối, mục tiêu trở ra, hướng về đường Tự Do, đến số . . . thì dừng lại, tắt máy xe Citroen, lên lầu, đến phòng số . . . thì mở cửa vào trong. Ðến khoảng 10 giờ thì tắt đèn. Ðây là nơi cư ngụ của mục tiêu.
Sưu tra tờ khai gia đình, ghi nhận chủ hộ có tên là Nguyễn Văn Tư. Kết quả sưu tra văn khố, đương sự vô danh. Qua cách phục sức, luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, lúc nào cũng thắt cà-vạt, thỉnh thoảng lại mặc áo Veston đi làm, chứng tỏ mục tiêu không phải là một «nhân vật tầm thường», ít ra cũng thuộc hàng Chủ sự hay Chánh Sở gì đó.
Khối Ðặc Biệt đã bí mật chụp ảnh tên này và qua ảnh phóng đại, Trung tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Ðặc Biệt, xác nhận đây chính là tên Huỳnh Văn Trọng, Cố vấn của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, mà có lần, Trung tá Nguyễn Mâu đã được gặp nhân dịp vào dinh Ðộc Lập yết kiến Tổng Thống Thiệu.
Kết quả sưu tra hồ sơ Ðặc Biệt, ghi nhận trước đây Huỳnh Văn Trọng có vào khu theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau bỏ mật khu trở về thành hoạt động trong các đảng phái chính trị tại miền Nam .
Với một quá khứ mù mờ như vậy, tại sao Huỳnh văn Trọng lại lọt được vào dinh Ðộc Lập và làm đến chức Cố vấn cho Tổng Thống? Lẽ ra, với chức vụ quan trọng như vậy, y phải được điều tra thật cẩn thận trước khi được tin dùng. Vấn đề điều chuẩn an ninh nhất định không được bỏ qua. Ðàng này rất tiếc nhưng không quá muộn, vì dù sao đương sự cũng đang được lọt vào «đôi mắt xanh» của anh em Cảnh Sát Ðặc Biệt rồi!
III.- Biện pháp đối phó :
Nỗ lực tiếp tục điều tra theo dõi 3 mục tiêu đầu sỏ này, S2B ngày càng thu thập thêm nhiều bằng cớ quan trọng khác, xác nhận cả ba Thúy, Nhạ và Trọng đang cùng nằm trong một tổ chức Tình báo Chiến lược, đã ăn sâu gốc rễ vào dinh Ðộc Lập. Chúng có cả hộp thư an toàn, hệ thống giao liên vào mật khu và lịch trình tiếp xúc được ấn định trước.
Nhưng công tác còn cần được nuôi dưỡng thêm một thời gian nữa, vì dù sao, đây chỉ mới là giai đoạn đầu của mục tiêu xâm nhập được đề ra, là bọn đầu não của chúng, Phòng Tình Báo Chiến Lược, thuộc Trung Ương Cục miền Nam, trực thuộc Cục Nghiên Cứu Bắc Việt. Do đó, mật vụ mang ngụy danh «Ðống Ða» được thành hình.
Ðể thực hiện kế hoạch này, Khối Ðặc Biệt lần lượt làm những việc sau đây:
- Thứ nhất: Thẩm tra lại sự trung thực của Tình Báo Viên bí số Z 23, qua máy kiểm tra nói dối. Kết quả xác nhận những báo cáo của TBV/ Z 23 từ trước đến nay đều ở mức độ cao, khả tín.
- Thứ hai: Báo cáo kết quả điều tra sơ khởi lên Thủ Tướng Chính Phủ để có biện pháp. Sau đó, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đã đích thân đến Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (lúc chưa thành Bộ Tư Lệnh) trực tiếp gặp TBV/ Z 23 để hỏi chi tiết nội vụ. Trong tinh thần tiếp xúc cởi mở, trước sự chứng kiến của Chuẩn Tướng Trần văn Hai, Tổng Giám Ðốc CSQG lúc bấy giờ và Trung Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Ðặc Biệt, TBV/ Z 23 đã kể lại tất cả nội vụ. Thủ Tướng lắng nghe mọi chi tiết báo cáo của Tình Báo Viên. Sau cùng, Thủ Tướng Chính Phủ đã đưa ra 2 đề nghị để khích lệ, tùy TBV lựa chọn:
1/ Sau khi phá vỡ lưới tình báo của Việt cộng có kết quả, TBV sẽ được tuyển chọn chánh thức vào làm nhân viên CSQG, ngành Ðặc biệt, với ngạch Phó Thẩm Sát Viên tập sự, tương đương với Trung sĩ sau này.
2/ Tình báo viên sẽ được đi du lịch Hoa Kỳ 10 ngày, mọi chi phí Chính Phủ sẽ đài thọ.
Hai điều kiện đưa ra thật hấp dẫn, nhưng TBV/ Z 23 thưa với Thủ Tướng: «Kính thưa bác, cháu vốn dĩ ít học, không biết chút gì về ngoại ngữ nên không dám đi Mỹ một mình. Sau này nếu cháu làm việc có kết quả, cháu chỉ xin bác cho cháu được thật sự vào làm việc trong ngành Cảnh Sát để có cơ hội tiếp tục phục vụ đất nước, như vậy là cháu mãn nguyện lắm rồi, không dám mơ ước gì hơn nữa».
Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, Thủ Tướng nói: «Bác hứa với cháu là nếu cháu làm việc có kết quả, Bác sẽ cho cháu được nhập ngạch thẳng vào ngành CSQG như cháu mong muốn. Chuẩn Tướng Trần văn Hai và Trung Tá Nguyễn Mâu sẽ đích thân làm việc này giúp cháu, cháu cứ yên tâm và làm việc cho tốt».
(Tưởng cũng cần nói rõ là một nhân viên Cảnh Sát khi được tuyển dụng vào ngành CSQG, cấp bậc khởi đầu là Cảnh Sát Viên Phù động Ðồng Hóa Công Nhật. Với ngạch này, ít nhất là 5 năm sau, nếu chịu khó làm việc, tạo được thành tích đáng kể mới hy vọng được nhập ngạch thực thụ với cấp bậc Phó Thẩm Sát Viên tập sự. Z 23 đã được Thủ Tướng hứa cho nhập ngạch ngay sau khi công tác phá vỡ có kết quả, quả thực là một tưởng thưởng khá đặc biệt, ít ai được ? Tuy nhiên, sự tưởng thưởng này nếu đem so sánh với Việt cộng tưởng thưởng cho thượng sĩ Minh, thư ký của Cao Văn Viên lên chức đại tá và tuyên dương là Anh hùng thì qủa là chưa tương xứng với công lao).
Sau buổi tiếp xúc, gặp gỡ TBV/ Z 23, Thủ Tướng Khiêm đã quyết định trình nội vụ lên Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Ðây là một sự kiện lịch sử có một không hai trong quá trình hoạt động Tình báo của Khối Ðặc Biệt. Thuyết trình viên cho Tổng Thống là Trung Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Ðặc Biệt.
Tổng Thống Thiệu hết sức chú ý, lắng nghe từng chi tiết một. Sắc diện biến đổi từng lúc tùy theo nội dung sự việc mà Trung Tá Mâu trình bày. Sự xúc động nổi lên rõ rệt trên nét mặt đầy âu lo của Tổng Thống: một kẻ địch nguy hiểm đang nằm cạnh mình bấy lâu nay mà mình không hay biết!
Trải qua gần 3 tiếng đồng hồ căng thẳng đến cực độ, Trung Tá Trưởng Khối đã đi đến kết luận:
«Ðây là một tổ chức Tình Báo Chiến Lược của Cộng Sản Bắc Việt, đã xâm nhập sâu vào cơ cấu chánh quyền ta qua sự điều khiển trực tiếp của Cục Nghiên Cứu miền Bắc
Tổ chức này hiện nằm trong tay của ta, nhưng Khối Ðặc Biệt còn cần thêm một thời gian nữa để thu thập đầy đủ tài liệu và chứng cớ cũng như toàn bộ nhân sự của tổ chức để đánh phá. Ðây quả là một thử thách cam go cho cả Khối Ðặc Biệt và Tổng Thống, vì nó đòi hỏi một sự cẩn trọng và đấu trí hết sức gây cấn, chỉ một sơ hở nhỏ cũng đủ gây nghi ngờ cho những tên điệp báo cáo già này và sẽ đưa đến sự đổ vỡ toàn bộ cho công tác».
Tổng thống Thiệu đã hết sức đắn đo suy nghĩ. Các cán bộ Cảnh Sát Đặc Biệt của Trung Tá Mâu có đủ khả năng cáng đáng công tác lớn lao và nguy hiểm này hay không? Kế hoạch xâm nhập có bảo đảm được an toàn cá nhân cho Tổng Thống? Nỗi lo âu đang canh cánh trong lòng Tổng Thống. Ông muốn làm sao Khối Ðặc Biệt sớm đánh phá tổ điệp báo nguy hiểm này.
Thấu hiểu nỗi âu lo của Tổng Thống, qua những giọt mồ hôi luôn rịn ra trên trán, Trung Tá Mâu tuyên hứa với Tổng Thống sẽ làm hết sức mình để chấm dứt công tác trong một thời gian ngắn nhất. Nhưng việc trước tiên mà Khối Ðặc Biệt mong mỏi, là Tổng Thống tiếp tục duy trì mọi liên hệ với hai tên Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng một cách bình thường. Tổng Thống không nên hạn chế việc ra vào Dinh Ðộc Lập của hai tên này, nhất là tên Huỳnh Văn Trọng. Hãy để cho y vẫn tiếp tục vai trò «cố vấn» của mình bằng cách trao cho y những tài liệu, kế hoạch không có giá trị, để y mặc tình báo cáo cho bọn Cộng sản Bắc Việt để chúng nghiên cứu khai thác.
Kết quả vở bi hài kịch này đã được trình diễn khá xuất sắc. Trải dài gần một năm nuôi dưỡng, Huỳnh Văn Trọng không hề mảy may nghi ngờ gì về vai trò Cố Vấn «bù nhìn» của mình. Tài liệu vẫn được y chuyển về mật khu tới tấp.
Ðối với Vũ Ngọc Nhạ, mỗi lần đi câu hay đi săn về, Tổng Thống không quên gởi biếu cho y, khi thì một con cá (mua ngoài chợ), khi thì một miếng thịt nai (ở Long Thành), khiến y lúc nào cũng vênh vênh tự đắc. Y có biết đâu, sau lưng của y, lúc nào cũng có một toán theo dõi ngày đêm, bám sát mọi hành vi của y. Nhất nhất mọi hoạt động của y đều được bí mật thu hình. Nhờ vậy, sau khi đánh phá, cho y xem qua mọi sinh hoạt hàng ngày của mình qua màn ảnh TV, y gần như chết lặng không chối được nửa lời.
IV - Phá vỡ cụm tình báo chiến lược của Việt cộng :
Sau khi nắm vững được toàn bộ tổ chức điệp báo lợi hại này, nhận thấy việc nuôi dưỡng không còn hữu ích nữa, Khối Ðặc Biệt đã đệ trình kế hoạch phá vỡ cụm tình báo của Việt cộng vào ngày N. nào đó thuận lợi nhất.
Ngày N. đã đến.. Khi toán giám thị phát hiện vào lúc 15 giờ ngày. . . tháng . . . năm 1970, tên Vũ Ngọc Nhạ xuất hiện từ nhà ở đường Hàng Xanh- Gia Ðịnh di chuyển về hướng Saigon, chạy thẳng về Ngã Sáu Chợ Lớn, đến góc đường Nguyễn Tri Phương ố Minh Mạng thì dừng lại, dẫn xe lên lề và đứng bên đường chờ đợi. Ðộ 10 phút sau, một nữ giao liên mà Khối Ðặc Biệt đã phát hiện trước trong lúc giám thị công tác này, xuất hiện. Tay y thị xách một cái túi nhỏ đi ngang qua mặt tên Nhạ. Sau khi nhận nhau, tên Nhạ lẳng lặng đi theo sau. Ði được một đoạn ngắn, nhìn kỹ trước sau thấy không có gì khả nghi, cả hai bắt đầu trao đổi tài liệu. Vũ Ngọc Nhạ nhận cái túi nhỏ từ tay giao liên, đồng thời trao lại cho y thị một gói nhỏ bằng bao thuốc lá, và chia tay. Tên nữ giao liên đi thẳng về phía chợ An Ðông, còn Vũ Ngọc Nhạ quay trở lại lấy xe và chạy thẳng về nhà.
Không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt hoặc một đối tượng nào, toán giám thị thứ hai tiếp tục bám sát nữ giao liên và khi đến một đoạn đường vắng vẻ nhất, bí mật mời y thị lên xe, chạy về cơ quan S2B với đầy đủ tang chứng. Cái hộp nhỏ mà Vũ Ngọc Nhạ vừa trao cho y thị, bên trong có 3 ống thuốc đựng đầy «vi phim» sao chụp tài liệu «kế hoạch kinh tế hậu chiến» của Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Tài liệu này đã được Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu giao cho Huỳnh Văn Trọng một tháng trước đó theo đề nghị của Khối Ðặc Biệt.
Xúc tiến kế hoạch đánh phá, ngay trong ngày hôm đó, tại dinh Ðộc Lập, Tổng Thống đã mở một bữa tiệc nhỏ để khoãn đãi «Ông Cố vấn» với lời cảm tạ sau cùng trước khi chấm dứt nhiệm vụ của Huỳnh Văn Trọng.
Ngay đêm đó, khi vừa về đến nhà thì tên Trọng đã bị bắt giữ cùng lúc với Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy và cả bọn, khoảng 25 tên.
Cần nói thêm một điều, việc bắt giữ bọn này không đúng với «sách vở», là ngay khi bắt tên nữ giao liên đáng lẽ là phải bắt ngay Vũ Ngọc Nhạ ngay chiều hôm đó, nhưng S2B không làm việc này vì 2 lý do :
- Phải chờ Tổng Thống ký quyết định bãi chức «Cố vấn» của Huỳnh Văn Trọng xong mới bắt luôn Nhạ và tất cả đồng bọn.
- Dù S2B luôn theo sát bọn này, nhưng vẫn đề phòng trong tổ chức của chúng có nhóm phản gián theo dõi đi theo để bảo vệ cuộc tiếp xúc, trao đổi với nữ giao liên, nếu bắt Vũ Ngọc Nhạ giữa chốn thanh thiên bạch nhật sẽ là điều hết sức nguy hiểm, vì đồng bọn có thể được báo động và bôn tẩu, làm cuộc phá vỡ công tác không đem lại kết quả như mong muốn.
Theo lời khai của Vũ Ngọc Nhạ, chiếc túi nhỏ mà y đã nhận của nữ giao liên lúc ban chiều, trong có chứa một chỉ thị mật của căn cứ gởi cho đương sự : bức thư này được viết bằng một loại mực kín chỉ có thể mã hóa bằng một loại hóa chất đặc biệt do Liên Xô cung cấp. Chữ chỉ hiện lên và biến mất sau đó 15 phút.
Tại hộp thơ đường Trần Quang Khải, Ða Kao, nhân viên CSĐB đã tịch thu được một số vi phim, đã vào sẵn trong các ống thuốc tây, nội dung chụp lại các tài liệu mà Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy đã đánh cắp được từ Phủ Tổng Thống và Bộ Chiêu Hồi, trong đó có những kế hoạch vô giá trị mà Tổng Thống Thiệu đã đưa cho Huỳnh Văn Trọng trước đây mà chúng chưa kịp chuyển về căn cứ.
Trước những chứng cớ rành rành như vậy, cả 3 tên đầu sỏ đều thành khẩn nhận tội. Riêng Vũ Ngọc Nhạ đã tâm sự với người viết bài này, là y không bao giờ nghĩ rằng tổ chức của y có thể bị phát hiện, vì Tổng Thống Thiệu đối xử với y như một người thân trong gia đình. Y có ngờ đâu, đó chẳng qua cũng chỉ là kế hoạch của Khối Ðặc Biệt đề ra nhằm ru ngủ y mà thôi. Sau này nằm trong tù chắc y có dịp nghiền ngẫm và thấm thía lắm . . . Y còn khoe khoang là có lần đã được Tổng Thống Thiệu ngỏ ý mời y làm Cố vấn cho Tổng Thống, nhưng y từ chối, vì y biết rằng, nếu y công khai chường mặt, sớm muộn gì cũng bị ngành an ninh của ta lột mặt nạ. Do đó y đã giới thiệu Huỳnh Văn Trọng với Tổng Thống và y chỉ đứng trong bóng tối điều khiển sẽ có lợi hơn.
Trong suốt cuộc điều tra theo dõi, S2.B đã theo dấu từng tên một, để từ đó có thể phăng lần ra những đồng bọn và manh mối khác. Nhưng trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới những tên quan trọng có liên hệ mật thiết với Huỳnh văn Trọng, ông Cố Vấn, mà thôi.
Cuộc đấu trí đầy hứng thú đã chấm dứt, kèm theo gần 25 tên cán bộ và cơ sở của Tổ Ðiệp Báo này hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Trong đó có 3 tên đầu sỏ : Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng và Lê Hữu Thúy với 3 bản án chung thân, nằm ngoài Côn Ðảo.
(Tàiliệu http://canhsatquocgia.org/D_1-2_2-79_4-87/ong-co-van-huynh-van-trong-la-ai.)
Chú thích:
Theo Tú Gàn thì CSVN đã cho thực hiện ba tác phẩm sau đây để tuyên truyền phản lại những sự thất bại về tình báo của họ ở miền Nam . Đó là những tài liệu không xác thực. Người ta tưởng những tài liệu đó chỉ đánh lừa được dân miền Bắc vì họ bị bưng bít không hiểu gì về tình hình, không ngờ nó cũng đã đánh lừa được cả các cấp của Việt Nam Cộng Hòa và những người chống Cộng!
Sau đây là ba tác phẩm tuyên truyền bịp bợm của địch:
(1) Bộ phim «Ván Bài Lật Ngửa» gồm 8 tập của đạo diễn Khôi Nguyên (tên thật Lê Hoàng Hoa), do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Sài Gòn sản xuất từ 1982 đến 1987. Bộ phim này kể về quãng đời hoạt động của điệp viên Phạm Ngọc Thảo và tôn Phạm Ngọc Thảo là «một điệp viên siêu hạng». Tiểu thuyết «ván bài lật ngửa» “ của tác giả Trần Bạch Đằng lấy bút hiệu Nguyễn Trương Thiên Lý đã chuyển thể thành phim.
(2) Bộ truyện «Ông Cố Vấn, Hồ Sơ Một Điệp Viên» của nhà văn Hữu Mai, viết về cuộc đời hoạt động của điệp viên Vũ Ngọc Nhạ trong khoảng thời gian từ năm 1958 đến năm 1975 và vụ án Huỳnh Văn Trọng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1987, bao gồm 3 tập.
Vũ Ngọc Nhạ thật ra chi là tên liên lạc giữa Huỳnh Văn Trọng và Việt Cộng, thỉnh thoảng có theo Trọng vào Dinh Độc Lập gặp Thiệu. Câu chuyện chỉ có thế thôi nhưng CV chuyên tự thổi phồng lên để khoe khoang tài cán dù đã bị tóm bắt trọn ổ.
(3) Cuốn «Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời» của Nguyễn Thị Ngọc Hải. Đây là cuốn tiểu thuyết viết rất bừa bãi vì bà Hải không biết chút gì về tổ chức chính quyền miền Nam nên cứ phang bừa thành ra lố bịch.
Cụm tình báo chiến lược A 22 & A 25
Cuối năm 1958, sau khi phanh phui ra hầu hết các tổ tình báo của Việt Cộng đang hoạt động trong Đô thành Sài Gòn, Đoàn Công Tác Đặc Biệt do ông Dương Văn Hiếu lãnh đạo, đã quyết định bắt hai cụm tình báo chiến lược, đó là cụm A.22 và cụm A.25. Cụm A.22 của Nhạ hoạt động tại Bộ Công Chánh và Giao Thông và cụm A.25 của Thúy hoạt động tại Nha An Ninh Quân Đội do Đỗ Mậu làm Giám Đốc. Cả hai cụm này được gọi là «Cụm Tình Báo Chiến Lược» vì do Cục Tình Báo Chiến Lược ở Hà Nội tổ chức và điều hành chứ không phải do các tổ chức tình báo địa phương. Hai cụm này về sau phối hợp hoạt động trong vụ Huỳnh Văn Trọng.
1..- Tổ chức tình báo của Hà Nội
Gọi là «Cụm Tình Báo Chiến Lược», nhưng thật sự mỗi «cụm» chỉ có 3 người gọi theo danh từ của Việt cộng là: Phái khiển, cán bộ và cơ cán. Đó là tổ tam tam. Phái khiển (agent) được coi như tổ trưởng, có nhiệm vụ thu lượm tin tức và lập báo cáo bằng mật mã.. Cán bộ là người chuyển báo cáo của phái khiển đến cơ cán. Cơ cán có nhiệm vụ giao thông liên lạc, chuyển tài liệu đi cho cấp chỉ huy. Các chỉ thị từ trên xuống, đã được chuyển ngược lại. Phái khiển và cơ cán không biết nhau. Họ chỉ gởi và nhận báo cáo qua cán bộ.
Một thì dụ cụ thể: Cụm A.22 ở Bộ Công Chánh gồm có: Phái khiển là Nguyễn Trọng Văn, tức Chất, tức Mạnh. Cán bộ là Vũ Ngọc Nhạ và Cơ Cán là Phạm Văn Đường. Cả ba đều là thư ký đánh máy công nhật B3 ở Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh, do Kỹ sư Nguyễn Sỹ Cảnh làm chánh sự vụ. Kỹ sư Cảnh là cha vợ của Cao Đăng Chiếm. Ba tên này đã được Kỹ sư Cảnh tuyển dụng.
Năm 1959, cụm tình báo này đã bị tóm gọn, kể cả Kỹ Sư Nguyễn Sỹ Cảnh, nhưng Vũ Ngọc Nhạ đồng ý hợp tác nên năm 1961 đã được phóng thích dưới danh nghĩa một cán bộ hồi chánh bị quản chế, hàng tháng phải trình diện cơ quan an ninh, nhưng trong thực tế Nhạ đã hoạt động đắc lực cho Đoàn Công Tác Đặc Biệt trong công tác lấy tin tức. Lương của Nhạ do Đoàn Công Tác trả.
Tính đến cuối năm 1959, Đoàn Công Tác Dặc Biệt đã phá vỡ khoảng 60 cụm tình báo chiến lược của Hà Nội do Mười Hương chỉ huy. Chúng tôi còn lưu giữ được 45 tên phái khiển điều khiển các cụm tình báo này như Nguyễn Thiên (Đà Nẵng), Nguyễn Đình Quảng (tự Giáo, tự Minh Vân), Nguyễn Tuyên (nhân viên Phủ Tổng Thống), Nguyễn Văn Mãi (tự Hội, tự Ba Tam, sau này là Đại Tá), Phạm Kim Thịnh (anh em cột chèo với Mai Chí Thọ), Hoàng Đình Phương (Sở Ngoại Viện) v.v. Đây là thất bại rất lớn lao của Mười Hương. Nhưng nay các cơ quan truyền thông của đảng CSVN đã viết ngược lại với nhiều chuyện bịa đặt.
2.- Bắt cụm tình báo A 25 của Lê Hữu Thúy
Theo Ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt, mỗi khi phát hiện một cán bộ tình báo của Việt Cộng hoạt động trong quân đội, Đoàn thường thông báo cho Nha An Ninh Quân đội điều tra để loại trừ. Đại Tá Đỗ Mậu đã cử Trung Úy Đạt liên lạc với Đoàn Công Tác Đặc Biệt để xin tài liệu và phối hợp công tác. Tuy nhiên, kể từ năm 1958, mỗi khi Đoàn thông báo cho Đại Tá Đỗ Mậu một cụm tình báo nào của Việt Cộng đang hoạt động trong quân đội thì chỉ ít lâu sau là những người này đã biến mất, như trường hợp của Trung Úy Thịnh ở Phòng I Bộ Tổng Tham Mưu, các điệp viên khác ở Quân Đoàn III.... Đoàn đã liên lạc với Đại Tá Phước, Trưởng Phòng II, để yêu cầu xem lại việc này. Đại Tá Phước điều tra và xác nhận rằng các sĩ quan có tên trong danh sách của Đoàn Công Tác gởi qua đều đã đào ngũ ! Vậy ai đã thông báo cho họ biết để trốn tránh?
Trước tình trạng này, Đoàn đã quay mũi dùi vào Nha An Ninh Quân Đội của Đại Tá Đỗ Mậu để điều tra thì phát hiện ra Lê Hữu Thúy tự Thắng, Trưởng Phòng An Ninh của Nha An Ninh Quân Đội là một điệp viên của Cục 2 Quân Báo Việt Cộng đang chỉ huy một cụm tình báo quan trọng tại đây, đó là Cụm A.25. Cụm này gồm có Lê Hữu Thúy là Phái khiển, Nguyễn Xuân Hòe là Cán bộ, và Vũ Hữu Ruật là Cơ Cán.
Trong bài đăng trong báo Quân Đội Nhân Dân nói trên, Lê Hữu Thúy cho biết «khi đi hoạt động cách mạng tôi đã “kết thân” với Trần Kim Tuyến», người lãnh đạo cơ quan mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm. Nhưng sự thật không phải như thế. Lê Hữu Thúy chưa bao giờ gặp Trần Kim Tuyến và chính Trần Kim Tuyến là người đã ra lệnh bắt Lê Hữu Thúy.
Vốn là một ký giả không có tiếng tăm gì, Lê Hữu Thúy có bằng Tú Tài nên đã đi sĩ quan Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp, Thúy đã chạy tiền để được Đại Tá Đỗ Mậu can thiệp xin cho về làm việc tại Nha An Ninh Quân Đội, sau đó được Đỗ Mậu giao cho làm Trưởng Phòng An Ninh!
Nắm được bằng chứng như trên, nhưng vì sợ đụng chạm với Đỗ Mậu, Đoàn Công Tác đã phải trình nội vụ lên ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rồi âm thầm lén bắt Lê Hữu Thúy mà không cho Đại Tá Đỗ Mậu hay biết. Khi biết Lê Hữu Thúy đã bị Đoàn Công Tác bắt, Đại Tá Đỗ Mậu rất tức giận. Nhưng ông không dám xin gặp ông Nhu ngay mà đến gặp ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống, tố cáo Đoàn Công Tác đã lộng hành, không coi ai ra gì hết, và nhờ ông Nguyễn Đình Thuận dẫn vào gặp Tổng Thống Diệm để trình bày sự việc đã xẩy ra. Sau khi nghe Đỗ Mậu trình bày, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho biết trước khi Đoàn Công Tác bắt Lê Hữu Thúy, ông Trưởng Đoàn Dương Văn Hiếu đã trình hồ sơ cho Tổng Thống xem và Tổng Thống ra lệnh bắt.
Sau vụ này, Đại Tá Đỗ Mậu đã bị ông Nhu xài xể rất nặng lời. Từ đó, Đại Tá Đỗ Mậu không còn liên lạc với Đoàn Công Tác như trước nữa và để tâm thù ông Dương Văn Hiếu vì đã làm mất «uy tín» của ông trước Tổng Thống và ông Cố Vấn! Sau đó Đỗ Mậu còn tham dự vào việc đảo chính ông Diệm trong khi đang làm Giám đốc nha An-Ninh Quân đội nên đã dấu kín việc các tướng lãnh mưu toan đảo chính.
Lê Hữu Thúy chuyển hướng?
Sau khi bắt Lê Hữu Thúy, Đoàn Công Tác chỉ giữ Lê Hữu Thúy một thời gian ngắn để khai thác tin tức về hoạt động của cụm tình bào A.25, rồi chuyển ra Trại Toà Khâm ở Huế.
Trại Toà Khâm lúc đó là trại chuyển hướng các cán bộ Việt Cộng do ông Lê Văn Dư chỉ huy. Ông Lê Văn Dư vốn là Trưởng Chi Công An Quận Hương Thủy. Khi Đoàn Công Tác vào Nam hoạt động, ông Lê Văn Dư được đưa về làm Trưởng Ban Khai Thác của Nha Công An Trung Việt và phụ trách Trại Toà Khâm. Từ năm 1958 – 1961, ông Dư được cử làm Trưởng Ty Công An Cảnh Sát Thừa Thiên - Huế, nhưng vẫn kiêm chức vụ nói trên.
Theo ông Lê Văn Dư và các nhân viên phụ trách Trại Chuyển Hướng Tòa Khâm cho biết Lê Hữu Thúy là người có trình độ cao nhất trong số cán bộ cộng sản bị bắt. Vì được ưu đãi và thuyết phục bằng nhiều cách, Lê Hữu Thúy đã chuyển hướng, sau đó được chọn làm một trong các cán bộ của trại có nhiệm vụ khai thác tin tức từ các cán bộ cộng sản bị bắt và thuyết phục họ chuyển hướng. Cũng theo ông Lê Văn Dư, Lê Hữu Thúy là một cán bộ làm việc có phương pháp, có nhiệt tình và đem lại nhiều kết quả.
Đối với các cán bộ cộng sản chẳng những không chịu chuyển hướng mà còn quậy phá hay xúi giục các tù nhân khác nổi loạn, trại thường áp dụng biện pháp kỷ luật bằng cách tách rời ra rồi đưa lên giam ở Khu Chính Hầm.. Lê Hữu Thúy bao giờ cũng tham gia quyết định áp dụng kỷ luật đối với những cán bộ quậy phá này.
Khu Chín Hầm nằm trên một quả đồi nhỏ có độ cao khoảng 35m, cách Huế khoảng 6 km về phía Tây Nam, dưới chân núi Thiên Thai (còn gọi là núi Ngũ Tây hay núi Ba Đồn), trên đường đi Nam Giao. Hầm này được Pháp xây cất năm 1941, khoét sâu vào trong lòng đồi, gồm 9 gian được đúc bằng bê tông cốt sắt để chứa đạn, nên thường được gọi là Khu Chín Hầm. Từ 1956, Khu Chín Hầm trở thành trại kỷ luật, nơi Công An Huế dùng để giam giữ các cán bộ Việt Cộng không chịu hợp tác và luôn chống phá. Tại đây có một trung đội Bảo An phụ trách canh gác. Các hầm giam ở đây còn tương đối dễ chịu hơn các phòng kỷ luật tại các trại tù của đảng CSVN, nhất là tại các trại Cổng Trời, Sơn La, Thanh Liệt, Thanh Cẩm, v.v. Các tù nhân bị kỷ luật vẫn được ăn uống đầy đủ.
Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963 ba ngày, nhóm Phật Giáo đấu tranh ở Huế đã đến bao vây Khu Chín Hầm và yêu cầu phóng thích các cán bộ CS này mà họ gọi là các «Phật tử bị đàn áp» trong đó. Thế là «Cách Mạng» bị bắt buộc phải thả ra giữa những tiếng reo hò ! Còn các cán bộ Việt cộng khác ở Trại Toà Khâm được Mai Hữu Xuân nhận tiền và ra lệnh phóng thích dần. Về sau, khi ông Hà Thúc Ký lên làm Tổng Trưởng Nội Vụ, do áp lực của Phật Giáo, ông cũng phải ra lệnh phóng thích hết những người còn lại, trong đó có Lê Hữu Thúy. Thế là thời mạt vận của Miền Nam bắt đầu. Hãy can đảm « Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ» và nhìn nhận miền Nam đã thua vì các lầm lỗi của chính mình trước hơn ai hết.
Lê Hữu Thúy hoạt động trở lại
Sau khi được phóng thích, Tướng Đỗ Mậu đã che chở cho Lê Hửu Thúy đi làm nghề ký giả lại.
Trong cuốn «Ông Cố Vấn, Hồ sơ một điệp viên» Lê Hữu Thúy nói rằng nhờ Huỳnh Văn Trọng giới thiệu, Thúy đã được vào làm công cán ủy viên Bộ Nội Vụ, nhưng chuyện đó là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Lê Hữu Thúy không bao giờ làm công cán ủy viên Bộ Nội Vụ. Nhờ sự giới thiệu và xin xỏ của Đỗ Mậu, năm 1968 Bác Sĩ Phan Quang Đán, một chính khách giữ chức Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trưởng Bộ Thông Tin - Chiêu Hồi, đã tuyển dụng Lê Hữu Thúy làm công cán ủy viên bộ này, vì theo hồ sơ báo cáo, khi ở Trại Toà Khâm, Thúy đã hồi chánh (chuyển hướng) và làm công tác chiêu hồi rất tốt. Trong chế độ Miền Nam , công cán ủy viên không bao giờ là Phụ Tá Tổng Trưởng như Thúy kể. Công cán ủy viên chỉ làm các công tác lặt vặt do tổng trưởng giao phó. Riêng Thúy phụ trách công tác chiêu hồi và như thế cũng đã tệ hại qúa rồi vì các cựu Việt cộng chiêu hồi, hoạt động cho quốc gia đều bị Thúy báo cáo cho Việt cộng biết đê có biện phap ngăn ngừa.
Cuốn tiểu thuyết «Ông Cố Vấn, Hồ sơ một điệp viên» của Hữu Mai còn có viết nhiều đoạn nói về các hoạt động khác của Lê Hữu Thúy, nhưng đó cũng chỉ là những chuyện hoang đường.
Tuy nhiên, ngoài chức vụ công cán Ủy viên, Thúy vẫn tiếp tục viết cho tờ Trinh Thám do Hoàng Hồ làm chủ nhiệm, dưới bút hiệu Khánh Hà. Những bài của Khánh Hà viết thường có khuynh tuyên truyền cho Việt Cộng nên Phòng E/41 thuộc Tổng Nha Cảnh Sát được lệnh theo dõi. Các điều tra viên khám phá ra Khánh Hà chính là Lê Hữu Thúy !
Sau khi theo dõi, cảnh sát khám phá ra các thành viên trong hai cụm tình bào A.22 và A.25 đã hoạt động trở lại dưới cái tên mới là cụm tình báo H10-A22 do Lê Hữu Thúy làm Phái khiển.
Nhóm này đang yễm trợ giải pháp hoà hợp hoà giải của Huỳnh Văn Trọng (đại diện Tổng Thống Thiệu) và Phạm Hùng (đại diện Đảng Bộ Miền Nam ). CIA khám phá ra vụ này nên tìm cách phá.
Theo sự thúc đẩy của William James Porter, cố vấn Mỹ, ngày 14.7.1969 Tổng Nha Cảnh Sát quyết định giao cho đơn vị S2/B theo dõi và bắt toàn bộ các phần tử liên hệ, kể cả Huỳnh Văn Trọng.
Các máy thu thanh và thu hình đã được gắn tại các khu vực quanh nhà của Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, Huỳnh Văn Trọng và các điểm giao liên ở cầu Bình Lợi, Đồng Ông Cộ, Hàng Xanh, Chợ Lớn....
Phân giải những âm thanh và hình ảnh thu được, cơ quan CIA cung cấp cho Tổng Nha Cảnh Sát những tài liệu hữu ích. Nhờ vậy, cảnh sát đã phát hiện toàn bộ nhóm điệp viên này gồm Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Bùi Phượng Thắng, Lê Thị Nuôi, Nguyễn Xuân Hòe, Lê Văn Giáp, v.v.. Tất cả trên dưới 50 người. Ngày 20.9.1969 Tổng Nha Cảnh Sát đã mở cuộc hành quân xúc toàn bộ nhóm tình báo này và lập hồ sơ truy tố ra toà.
Trong phiên toà ngày 29.11.1969, lúc 22 giờ Tòa đã tuyên án như sau: Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy và Nguyễn Xuân Hòe khổ sai chung thân. Tám người bị khổ sai 20 năm, 5 người bị khổ sai từ 5 đến 7 năm. Các bị can khác bị tù từ 3 tháng đến 3 năm và 11 người được hưởng án treo. Toà không tuyên án tử hình người nào, vì Huỳnh Văn Trọng là người của Tổng Thống Thiệu.
Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy và Nguyễn Xuân Hòe đã bị đưa ra giam ở Côn Sơn cho đến ngày trao trả cho Hà Nội.
Trường hợp Đỗ Mậu
Tất cả những công tác mà Thúy lập được đều do Đỗ Mậu yểm trợ, có lẽ là do vô tình không biết Thúy là điệp viên của Việt Cộng nên còn cho Thúy nắm hồ sơ lý lịch của toàn thể nhân viên thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, từ khi chạy tỵ nạn sang Hoa Kỳ sau tháng Tư.1975 thì người Việt tại Mỹ nghi ngờ Đỗ Mậu chuyển hướng và ngả sang Việt Cộng cho nên mọi người không ngạc nhiên khi tờ Việt Báo xuất bản tại Orange County ngày 29.7.2000 loan báo: «Lần đầu tiên từ sau 1975, một cựu tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa vừa từ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam đã xuất hiện trên đài truyền hình của nhà nước CSVN.»
Tờ báo viết tiếp:
«Chiều thứ tư 26.7.2000, đài truyền hình CSVN - phát từ Hà Nội, được truyền qua vệ tinh sang Bắc Mỹ - đã phát hình cựu thiếu tướng Việt Nam Cộng Hòa Đỗ Mậu, vừa từ California về thăm quê hương. Phóng sự truyền hình từ Hà Nội cho thấy cựu tướng Đỗ Mậu được Mặt Trận Tổ Quốc VN, cơ quan ngoại vi của Đảng Cộng Sản, đón tiếp. Sau đó, trả lời cuộc phỏng vấn của đại diện Đài Truyền Hình CSVN, cựu tướng Đỗ Mậu tuyên bố ông tin tưởng rằng chỉ trong 20 năm sắp tới, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng CS sẽ trở thành một đất nước thực sự giầu mạnh.»
Cuộc trở về tuyên truyền cho Cộng Sản này của Đỗ Mậu đều do Lê Hữu Thúy sắp xếp,lúc bấy giờ là Cục Phó Cục Tình Báo Hải ngoại cuả Việt cộng.
Từ đó đến nay, các con cháu của Đỗ Mậu trở về Việt Nam đều được Lê Hữu Thúy đón tiếp nồng hậu. Một người cháu của Đỗ Mậu sau khi về Việt Nam ở với Lê Hữu Thúy mấy tháng, đã trở lại Hoa Kỳ viết một loại bài tấn công Tú Gàn. Chuyện huyền thoại và sự thật về Lê Hữu Thúy còn dài, chúng tôi sẽ trở lại một dịp khác.
Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục «Mỗi tuần một chuyện» sẽ thấy trong đó.
Trường hợp Đại tá Đinh Văn Đệ
Đinh Văn Đệ sinh năm 1924, theo đạo Cao Đài, mồ côi cha năm 15 tuổi, gia cảnh mẹ góa con côi rất khó khăn nhưng nhờ được bà con giúp đỡ nên đã học hết trung học đệ nhất cấp rồi đi dạy học. Sau tháng 8-1945, Đinh Văn Đệ theo cách mạng được vài tháng thì thực dân Pháp quay trở lại. Tên tỉnh trưởng người Pháp thấy Đinh Văn Đệ nhanh nhẹn, giỏi tiếng Pháp nên lấy làm thư ký riêng.
Ít lâu sau, vì quan hệ với bạn bè tham gia kháng chiến, Đinh Văn Đệ bị bọn Pháp bắt giam một tháng. Ra tù, Đinh Văn Đệ lên Sài Gòn mở quán bán sách rồi mở lớp dạy tư. Khi bị bọn Pháp «động viên» đi học trường sĩ quan Thủ Đức, Đinh Văn Đệ đã lo lót để khỏi phải đi song không thoát. Ra trường, Đinh Văn Đệ về làm ở Bộ Tổng tham mưu, sau được Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ tin cậy, giao làm chánh văn phòng, thăng cấp đại úy; giữa năm 1957 được thăng vượt cấp lên trung tá nhưng sau vụ Diệm bị đảo chính hụt lần thứ nhất thì bị nghi ngờ là dính líu với lực lượng đảo chính và bị quản thúc hơn một tháng.
Diệm đổ, Đinh Văn Đệ được cử làm Thị trưởng Đà Lạt, sau kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức, tới năm 1966 thì được thăng cấp đại tá và chuyển sang làm tỉnh trưởng Bình Thuận. Cuối năm 1967 Đinh Văn Đệ từ chức tỉnh trưởng, ứng cử vào Hạ viện ngụy, trúng cử và trở thành Phó chủ tịch Hạ viện. Đệ liền được Việt cộng móc nối trở lại năm 1969 với bí danh điệp viên U4 dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Mười Hương.
Người có công đầu, móc nối, tác động, xây dựng U 4, là Đinh Văn Út, chú của Đinh Văn Đệ. Út có bí danh là Chín Mẫn, sinh năm 1919 tại Châu Đốc. Chín Mẫn thuộc phòng tình báo T4 của Thành Ủy Sài Gòn Gia Định, thuộc Trung Ương Cục miền Nam, còn gọi là Cục R, hay B2 và «Ông Cụ».
Năm 1969, Đinh Văn Đệ cung cấp cho Việt cộng tài liệu kinh tế hậu chiến của Việt Nam Cộng Hòa, chính Đệ lấy xe riêng đưa người và tài liệu đến nơi an toàn. Cũng năm nầy, Đệ thoả thuận và tiếp nhận toàn bộ qui ước liên lạc, mực mật, giấy viết mực mật, thuốc hiện mực mật, vật ngụy trang, mật khẩu giao liên… nói chung, Đinh Văn Đệ, Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, đã chính thức trở thành một gián điệp của Việt Cộng, mang bí số U 4 trực thuộc phòng Tình báo mật danh J.22 của Cục R (còn gọi là B2). Một người em của Đinh Văn Đệ là Đinh Văn Huệ, trước làm chính trị viên tiểu đoàn giao thông vũ trang thuộc J. 22.
Đinh Văn Đệ kể những chiến công của y như sau:
1). Kế hoạch oanh kích Lộc Ninh
«“Sau khi ta (Việt cộng) giải phóng Phước Long ngày 6-1-1975, đồng chí Phạm Hùng muốn biết địch (Việt Nam Cộng Hòa) có ý định tái chiếm Phước Long hay không? Tôi được giao phó nhiệm vụ trả lời câu hỏi nầy.
Trước hết, tôi điện qua Phủ Thủ Tướng, mời Tổng trưởng Quốc Phòng ra điều trần trước Hạ Viện, tại sao thất thủ Phước Long? Trách nhiệm của ai?
Tại buổi điều trần, Tổng trưởng QP đổ mồ hôi hột, bối rối vì bị chất vấn sôi nổi, tới tấp. Tôi binh vực và đề nghị, mỗi lần điều trần như thế nầy vất vả lắm, vậy Bộ QP cấp cho tôi cái giấy được tự do ra vào các nơi liên hệ, để hỏi trực tiếp các cấp chỉ huy phần hành. Thế rồi, với tờ giấy trong tay, tôi đến Phòng Hành Quân, thì gặp ngay người quen biết cũ, là một chuẩn tướng, ông ta nói: “Đại ca đừng lo. Ai lại dại gì kéo quân đi lấy lại nơi mà mình phòng thủ đã bị thất bại. Tôi sẽ trả thù bằng cách dội bom cho nát Lộc Ninh».
Tôi báo cáo tin đó. Vài hôm sau, địch (Việt Nam Cộng Hòa) đã ném bom Lộc Ninh, nhưng quân ta tránh được thiệt hại.
2). Trung Ương Cục ở đâu?
«Trung Ương Cục Miền Nam (TWCMN) hay Cục R, B2, «Ông Cụ», là cơ quan đại diện cho Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, để chỉ đạo chiến trường miền Nam . Ban An ninh TWCMN do thiếu tướng Cao Đăng Chiếm phụ trách từ năm 74 đến 75.
Ban An Ninh T4 thuộc về Thành Ủy Sài Gòn Gia Định do Mười Hương phụ trách.
TWCMN hỏi tôi là địch (Việt Nam Cộng Hòa) có biết Cục R ở đâu không?
Tôi gọi điện qua Bộ QP/Việt Nam Cộng Hòa xin 3 chiếc trực thăng, cho tôi là Chủ tịch Ủy Ban QP/HV, cho Trung tướng Tôn Thất Đính, nghị sĩ, Chủ tịch UB/QP Thượng Viện và cho Trung tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng, mỗi người một chiếc trực thăng, thành lập một phái đoàn đi ủy lạo binh sĩ đang cố thủ tại Pleiku, Đà Nẳng và Bến Cát (SĐ 5 đóng ở Bình Dương). Đi đến đâu tôi cũng hỏi các cấp chỉ huy “Địch nó biết rõ vị trí của ta, vậy ta có biết Cục R ở đâu không? Tôi đúc kết các câu trả lời và báo cáo về Cục R.»
3). Đi Mỹ xin viện trợ với mục đích để cắt viện trợ
«Tôi tham gia phái đoàn sang Mỹ để xin viện trợ khẩn cấp, vì Thiệu ngoan cố, cố chống giữ. Phái đoàn chia nhau đi “vận động hành lang” với các cơ quan và chính khách Mỹ. Trước khi đi, tôi suy nghĩ, làm thế nào để vận động xin viện trợ mà kết quả là bị cắt viện trợ. Khi sang Mỹ, mỗi dân biểu, nghị sĩ đều có nhân viên của toà đại sứ đi kèm, nếu sơ hở là bị lộ ngay.
Với cái chiêu “nói vậy mà không phải vậy”, làm cho các đại biểu trong đoàn thấy tôi là người tận tâm, tha thiết nhất trong việc xin viện trợ để cứu chế độ Sài Gòn.
Với mục đích làm cho Mỹ nản chí và bỏ cuộc, tôi đưa ra hình ảnh của người lính Việt Nam Cộng Hòa không còn muốn chiến đấu, đã bỏ chạy bằng cách níu càng trực thăng, trốn ra khỏi chiến trường, thì người Mỹ hiểu ngay là họ phải làm gì.
Khi tiếp phái đoàn, Tổng thống G. Ford cho biết: “Thôi các bạn cứ yên tâm ra về, tôi sẽ cử một viên tướng qua thị sát tình hình rồi sẽ có quyết định sau”. Nghe vậy, tôi hiểu là Mỹ đã bỏ cuộc”.
Theo chỉ thị của trên, Đinh Văn Đệ đã đưa một gián điệp mang bí danh “Số 6” vừa tốt nghiệp cao học nước ngoài vào làm việc trong Ủy Ban QP của Hạ Viện QH/Việt Nam Cộng Hòa».
(Trúc Giang)
Tóm lại Việt cộng đã gài được điệp viên vào các cơ sở quan trọng nhất và cao nhất của chính quyền quốc gia, từ phủ Tổng thống tới Quốc hội và bộ Tổng Tham Mưu cũng như nha An Ninh Quân đội. Tuy các ổ tình báo này sau đó hầu hết đã bị lực lượng an ninh quốc gia tóm trọn nhưng chúng cũng đã tạo ra được những thành quả hệ trọng đã góp phần làm sụp đổ chế độ Cộng hoà Việt Nam.
Chính Trần Kim Tuyến cũng nói, «Nếu quả thật Phạm Xuân Ẩn là gián điệp Việt cộng thì hậu qủa rất tai hại bởi vì những điều tôi biết thì Ẩn cũng biết cả.»
./.
Lời bàn của Nguyễn Thượng Vũ
Chương 104 của cuốn sách Hoàng Xuân Thảo về Triều Đại Hồ Chí Minh chú trọng về các cán bộ cao cấp phản gián của Cộng Sản nằm vùng tại Miền Nam . Đây là một khía cạnh bí mật mà cho tới giờ phút này, chúng ta vẫn chưa biết hết..
Người coi toàn diện của Phản Gián Cộng Sản Miền Nam là ông Mười Hương, một cán bộ gốc Công Giáo, đảng viên kỳ cựu của Cộng Sản ngoài Bắc. Sau năm 1975, ông Mười Hương trở về Hanoi và vẫn được trọng dụng. Có cuốn sách in tại Hanoi cách đây vào khoảng hơn 20 năm có viết về ông Mười Hương.
Tôi nghe nói ông ta là một người thanh liêm, không ăn tiên, không tham nhũng. Tuy nhiên là 1 người gốc Công Giáo thì ông Mười Hương cũng chưa/ không bao giờ dám mong được 1 địa vị lớn hơn với chế độ Cộng Sản.
Trung Tá Phạm Ngọc Thảo thì chết trước năm 1975, nhiều người nói là Thảo bị Hùng Sùi / Trung Tá Nhẩy Dù /Cảnh Sát được lệnh giết chết vì sợ Thảo sẽ được các điệp viên Cộng Sản nằm vùng cứu sau này.
Việc Thảo ngày trước là 1 sĩ quan Cộng Sản thì quá rõ ràng rồi.
Vấn đề là Thảo có thật tình hồi chánh hay không ?
Tôi có ăn cơm với Trung Tá Hùng « sùi » nhiều lần và có hỏi ông có đúng là ông thủ tiêu Phạm Ngọc Thảo hay không ?
Anh Hùng « Sùi » không phủ nhận và cũng không xác nhận việc này. Theo cách TT Hùng trả lời thì tôi nghĩ anh Hùng có trách nhiệm về việc này.
Học Giả Huỳnh Văn Lang có tiếp xúc với Thảo nhiều năm, anh Lang tin tưởng là Thảo có hồi chánh thật sự.
Bà Phạm Ngọc Thảo có mang mấy đứa con sang Mỹ sinh sống 2-3 năm (tôi không rõ ngày tháng) trước khi Saigon thất thủ.
Tôi được cho biết là con của Phạm Ngọc Thảo đang hành nghề bác sĩ tại Orange County .
Cá nhân tôi, tôi nghĩ là ông Thảo có theo Quốc Gia thật tình.
Lẽ dĩ nhiên lòng người khó đo lường hơn bể sâu, không ai dám chắc.
Ông Vũ Ngọc Nhạ là người Thái Bình.
Thái Bình là nơi quê quán của BS Vũ Ngọc Anh, BS Vũ Ngọc Hoàn là thượng cấp của tôi thời xưa. Tôi không biết Nhạ có họ hàng gì với gia đình anh BS Hoàn hay không. ?
Các gián điệp Cộng Sản thay đổi tên và lý lịch như ta thay áo, không thể nào biết được thực hư.
Có điều là Vũ Ngọc Nhạ len vào làm gián điệp Cộng Sản qua sự che chở và đỡ đầu của Linh Mục Hoàng Quỳnh, môt người lãnh đạo uy tín của Công Giáo Phát Diệm, nhất là sau khi Đức Giám Mục Lê Hữu Từ qua đời.
Trong những năm 1974-1975 thì ta thấy Linh Mục Hoàng Quỳnh lên đường, xuống đường rất nhiều tại Saigon cùng với các cán bộ Cộng Sản khác trong giới sinh viên, làm báo và giới Phật Giáo với nhiều tăng ni có mặt nữa.
Rất nhiều người nghĩ Linh Mục Hoàng Quỳnh vì quá tin cậy các người như Vũ Ngọc Nhạ, vì quá thanh liêm, quá ghét sự tham nhũng trong chính quyền Saigon, nên ngài mới đi biểu tình như vậy, làm nguy khốn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu từ bên trong.
Gần 50 năm đã qua, tôi lắm khi tự hỏi các ngài linh mục hay cựu linh mục thời đó như cha Ngọc Lan, cha Thanh Lãng, cha Hoàng Quỳnh… có phải các ngài chỉ bị lợi dụng vì cả tin các cán bộ như Vũ Ngọc Nhạ mà thôi, hay chính các ngài là các người chủ chốt, giật dây các người như Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng và Mười Hương chăng ?
Bây giờ các nhân vật chủ chốt qua đời hết cả rồi, biết hỏi ai bây giờ ?
Nguyễn Thượng Vũ