Đọc Thánh Kinh,
suy niệm và cầu nguyện
theo phương pháp Lectio Divina
suy niệm và cầu nguyện
theo phương pháp Lectio Divina
I. Sự cần thiết của Thánh Kinh
trong đời sống Kitô hữu
trong đời sống Kitô hữu
Gặp gỡ và cảm nghiệm được Thiên Chúa, biết và hiểu rõ được đường lối và thánh ý của Thiên Chúa trong đời sống mình, nhất là để phân biệt Thần Khí của Thiên Chúa với những thần khí sai lạc đang đầy giẫy trong thời cuối cùng hiện nay[1], là điều rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển đời sống tâm linh của người Kitô hữu. Để thực hiện được những yêu cầu cần thiết đó, việc đọc Thánh Kinh, nhất là Tân Ước, đồng thời suy niệm và cầu nguyện theo những gì Thiên Chúa soi sáng cho ta qua Thánh Kinh là phương tiện chắc chắn và bảo đảm nhất. Để phán quyết một lý thuyết thần học, tu đức, triết học hay một mặc khải tư, v.v… thì ngay cả những bậc có trách nhiệm cao nhất trong Giáo Hội cũng phải dựa vào Thánh Kinh, nhất là Tân Ước, như một tiêu chuẩn chắc chắn nhất, để có được sự soi sáng bảo đảm nhất từ Thiên Chúa.
Trong lịch sử Giáo Hội, đọc và suy niệm Thánh Kinh là một trong 3 nền tảng của đời sống tu trì trong các đan viện; 2 nền tảng kia là: cử hành phụng vụ và lao động.
Chính vì thế, Phong trào CFC (Couples For Christ) luôn khuyến khích các thành viên đọc Kinh thánh ít nhất 15 phút mỗi ngày, và chia sẻ Lời Chúa trong Thánh Kinh khi họp nhóm (tốt nhất là hàng tuần). Thậm chí việc đọc Thánh Kinh và suy niệm được coi là một bổn phận trong Giao Ước CFC mà các thành viên cần chu toàn mỗi ngày.
II. Mục đích của việc đọc Kinh Thánh trong CFC
Giúp các thành viên CFC biết cách đọc, hoặc một mình hoặc với người khác, các bản văn Kinh thánh để hiểu được quan niệm, cách nhìn, cách suy nghĩ, tâm tình và hành động của Đức Giêsu cũng như của các ngôn sứ thật (tức phản ảnh cách nhìn của Thiên Chúa) hầu áp dụng vào đời sống Kitô hữu của mình.
Các thành viên CFC không chỉ được khuyến khích bắt chước lời nói và hành động của Đức Giêsu, mà qua việc đọc Kinh thánh, còn phải khám phá được quan niệm, cách nhìn, tâm tình và chiều hướng suy nghĩ của Ngài về mọi vấn đề trong lãnh vực tâm linh cũng như trong những thực tế của cuộc sống. Quan niệm hay cách nhìn có đúng thì suy nghĩ mới đúng được. Và suy nghĩ có đúng thì lời nói và hành động của mình mới đúng được. Chỉ bắt chước lời nói và hành động của Đức Giêsu mà không hiểu được Ngài quan niệm hay nhìn vấn đề thế nào, thì nhiều khi ta sẽ hành động một cách sai lạc. Chẳng hạn ta đọc thấy Ngài chỉ trích thậm tệ các kinh sư thời của Ngài (x. Mt 23,13-26), ta bèn bắt chước Ngài chỉ trích thậm tệ các kinh sư thời đại, thì coi chừng có thể ta hành động không đúng ý Ngài.
Để giúp các thành viên CFC rút ra được nhiều ích lợi cho đời sống tâm linh khi đọc Kinh thánh và chia sẻ Lời Chúa, chúng tôi xin đề nghị một phương pháp được nhiều hội đoàn trong Giáo Hội khuyến khích các thành viên theo, đó là phương pháp “Lectio Divina”.
Đây là một phương pháp cầu nguyện hay đối thoại hai chiều với Chúa, trong đó ta nghe Chúa nói với ta, hướng dẫn, chỉ lối cho ta, và ta đáp lại theo những gì Chúa nói với ta. Chúa nói với ta qua lời của Ngài trong Kinh thánh, và qua “tiếng nói vô thanh” của Ngài phát xuất từ nội tâm của ta. Phương pháp cầu nguyện này có một lịch sử lâu đời trong Giáo Hội, khởi đầu được các tu sĩ trong các đan viện áp dụng như một nền tảng của đời sống tu trì. Do ích lợi thực tế cho sự phát triển đời sống nội tâm, Giáo Hội hiện nay khuyến khích những Kitô hữu muốn nên thánh hãy áp phương pháp cầu nguyện này.
III. Phương Pháp “Lectio Divina” (Holy Reading )
“Lectio Divina” được thực hiện theo 6 bước, thường kéo dài khoảng một tiếng:
1. Chuẩn bị (Preparing).
2. Đọc và tìm hiểu bản văn (Reading and understanding).
3. Suy niệm (Thinking about).
4. Cầu nguyện (Praying).
5. Chiêm niệm (Meditating).
6. Áp dụng vào đời sống (Applying in the life).
1) Bước 1: Chuẩn bị (Preparing)
a. Ý thức
· Xác định đoạn Thánh Kinh mà ta sẽ đọc
– hoặc chọn đoạn nào phù hợp với nhu cầu tâm linh của mình vào thời điểm lúc ấy;
– hoặc lấy các bài đọc trong thánh lễ Chúa nhật vừa qua, hay Chúa nhật tới; hoặc các bài đọc trong thánh lễ hôm nay;
– hoặc đọc theo một bảng chương trình đọc Thánh Kinh, hay do người trưởng nhóm chọn;
– hoặc đọc theo ngẫu hứng (random), mở đại một trang nào đó trong sách Thánh Kinh.
· Ý thức Thiên Chúa đang hiện diện trong đền thờ tâm hồn mình, ngay trong thân xác của mình ([2]).
b. Im lặng và cầu nguyện
· Giữ tâm hồn im lặng, thanh thản. Dẹp bỏ mọi suy nghĩ, tính toán khác… Dành trọn 100% khoảnh khắc và bầu trời ý thức của mình lúc này chỉ để lắng nghe tiếng Chúa nói từ trong nội tâm ta, và qua đoạn Kinh thánh sắp đọc.
· Cầu nguyện với Thánh Thần Thiên Chúa đang ngự trong tâm hồn mình với tâm tình mong muốn nghe được tiếng Chúa nói để biết được cách Thiên Chúa nhìn vấn đề và để biết được thánh ý Ngài hầu quyết tâm áp dụng vào đời sống thực tế của mình (chứ không chỉ để hiểu biết xuông) ([3]).
2) Bước 2. Đọc và tìm hiểu bản văn (Reading )
a. Đọc đoạn văn Kinh Thánh đã chọn
· Đọc thật chậm rãi từng chữ từng câu, vừa đọc vừa suy nghĩ, tìm hiểu ý nghĩa của từng câu. Cùng nhau đọc đi đọc lại 2, 3 lần.
· Sau đó, ai thấy câu nào đánh động mình nhất, có thể đọc lên cho mọi người nghe. Sẽ có trường hợp nhiều người được đánh động bởi cùng một câu thì cứ lập lại câu ấy.
· Điều quan trọng là:
– đọc với tâm tình yêu mến, với ý hướng lắng nghe, trong tinh thần cầu nguyện;
– với mục đích tìm hiểu xem: qua câu Kinh Thánh ấy Đức Giêsu quan niệm, suy nghĩ và hành động thế nào? Tâm tình Ngài thế nào?
– suy nghĩ xem: đối với Ngài, điều nào là cốt yếu, điều nào là phụ thuộc?
– đồng thời sẵn sàng thay đổi bản thân để quan niệm, suy nghĩ và hành động giống như Đức Giêsu theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
b. Khảo sát bản văn
· Tùy nghi sử dụng những câu hỏi nền tảng:
– 6 câu hỏi nền: Who? (ai?), What? (gì?/nào?), When? (khi nào?), Where? (ở đâu?), Why? (tại sao?), How? (thế nào?/làm sao?)
– How long? (bao lâu?) How far? (bao xa?) How much/many? (bao nhiêu?) How to do? (làm thế nào?)
– Đức Giêsu quan niệm thế nào mà nói hay hành động như vậy? Ngài coi điều gì quan trọng hơn điều gì?
· Chi tiết những câu hỏi trên:
ü Ai? (Who?)
– Những ai được bản văn nói tới?
– Họ là ai?
– Ai làm gì cho ai?
– Ai đúng? Ai sai?
ü Gì? Nào? (What?)
– Trong những người ấy, mỗi người nói gì? làm gì?
– Phản ứng mỗi người thế nào?
ü Ở đâu? Khi nào? (Where? When?)
– Câu chuyện, từng lời nói/hành động xảy ra ở đâu? khi nào?
– Từ đâu? Tới đâu? Từ khi nào? Tới lúc nào?
ü Tại sao? (Why?)
– Tại sao họ nói/hành động/phản ứng như vậy?
– Nguyên nhân nào? Động lực nào thúc đẩy họ?
(Hỏi “tại sao” với từng lời nói, hành động, phản ứng của mỗi người)
ü Làm sao? Thế nào? (How?)
– Cách thức họ nói/làm/đặt vấn đề?
– Mất bao lâu? Đi bao xa?
– Tới mức nào? Nghiêm trọng tới đâu?
ü Đức Giêsu quan niệm thế nào mà nói/hành động như vậy?
– Đối với Ngài, điều gì là mục đích, điều gì là phương tiện? Điều gì là cốt yếu, điều gì là phụ thuộc? ([4])
– Ngài hành xử thế nào đối với những điều cần phải phân biệt như vậy? ([5])
– Ngài có quan niệm giống như người đồng thời với Ngài, với những người lãnh đạo tôn giáo thời Ngài không?
– Ngài quan niệm giống/khác ta ở chỗ nào?
– Giáo Hội và truyền thống của Giáo Hội có cùng quan niệm với Ngài không? Có cùng phân biệt điều quan trọng và điều phụ thuộc giống Ngài không?
– Các lý thuyết thần học, triết học, các mặc khải tư… có phản ánh đúng quan niệm của Ngài không?
c. Kết luận rút được từ đoạn Kinh thánh này
ü Về Đức Giêsu:
– Có khám phá ra điều gì về con người Đức Giêsu không?
– Có điều gì mới lạ về quan niệm của Đức Giêsu không?
– Có gì khác lạ trong cách phản ứng của Đức Giêsu không?
ü Về những người khác:
– Có khám phá điều gì về bản chất con người của họ không?
– Tự đặt mình trong địa vị của từng người trong bản văn, ta sẽ phản ứng thế nào?
3) Bước 3: Suy niệm (Thinking about)
Sau khi đã khảo sát và hiểu được ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh, tôi có những suy nghĩ gì về ý nghĩa bản văn này? Nó có thể ảnh hưởng gì đến bản thân và cách sống của tôi? Hãy coi bản văn này như là chính Chúa gửi cho tôi, nói với tôi, chứ không phải cho ai hay với ai khác.
ü Qua bản văn Kinh thánh này, Chúa muốn nói gì với tôi?
– Chúa muốn cho tôi bài học gì?
– Chúa muốn tôi phải coi trọng điều gì hơn điều gì?
ü Tôi phải thay đổi thế nào để giống Chúa từ quan niệm, tâm tình đến hành động?
ü Tôi có quyết tâm điều gì không? Nếu có, cụ thể là gì? Được thể hiện thế nào?
4) Bước 4: Cầu nguyện (Praying)
Cầu nguyện ở đây không phải chỉ là xin xỏ Chúa điều này điều nọ, mà là cuộc đối thoại đầy tâm tình với Chúa, giữa hai người yêu nhau: Chúa yêu ta và ta yêu Chúa. Đối thoại chứ không phải độc thoại, nghĩa là chủ yếu ta lắng nghe tiếng Chúa nói qua bản văn Thánh Kinh và qua tiếng Ngài phát ra từ trái tim của ta. Và ta đáp lại tiếng Ngài với tâm tình tin tưởng, yêu thương, cảm phục, biết ơn, phó thác, sẵn sàng vâng theo ý Ngài. Hãy hỏi Ngài những gì ta còn thắc mắc, và lắng nghe Ngài giải đáp…
Điều kiện để có thể nghe được tiếng Ngài là tâm trí ta phải im lặng, không để cho chuyện này việc kia làm xao động. Do đó, phải dẹp hết tất cả mọi lo toan, tính toán. Nếu không dẹp được thì hãy đem những lo toan, tính ấy trình bày với Ngài để xin Ngài chỉ cho cách giải quyết theo tinh thần bản văn Kinh thánh ta vừa đọc và suy niệm.
5) Bước 5: Chiêm niệm (Contemplating )
Chiêm niệm là:
– Ý thức thật rõ ràng Thiên Chúa hay Đức Giêsu đang hiện diện trong chính bản thân ta, vì bản thân ta chính là đền thờ sống động của Ngài (xem 2Cr 6,16; 1Cr 3,16; 1Cr 6,19); đồng thời cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc vì điều ấy;
– Nhìn ngắm hình ảnh hay bản chất của Đức Giêsu (gồm tình yêu, quan niệm, cách suy nghĩ, cách phản ứng và hành động của Ngài), đồng thời mong ước và để Ngài in hình ảnh hay bản chất của Ngài vào con người của ta, biến ta trở nên giống Ngài, trở nên hình ảnh trung thực của Ngài (cũng yêu thương, cũng quan niệm, cũng suy nghĩ, cũng phản ứng và cũng hành động giống như Ngài, giống như con người của Ngài trong bản văn Thánh Kinh trên);
– Bình thường, “cái tôi” của ta chiếm trọn bầu trời ý thức của ta, cái gì ta cũng quy về “cái tôi” của ta, coi “cái tôi” của ta là trung tâm của vũ trụ. Bây giờ, hãy thay thế “cái tôi” ấy của ta bằng con người của Đức Giêsu, để Ngài chiếm trọn bầu trời ý thức của ta. Hãy để Ngài làm chủ hữu thể của ta, toàn bộ con người ta chỉ là dụng cụ của Ngài, để ta có thể nói như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20), và tương tự: «Tôi làm, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô làm trong tôi», «Tôi nói, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô nói trong tôi», v.v...
6) Bước 6: Áp dụng vào đời sống (Applying in the life)
ü Quyết tâm trở thành một con người mới giống Đức Giêsu
– Điều quan trọng và căn bản là thay đổi quan niệm giống như quan niệm của Đức Giêsu được tỏ lộ trong bản văn Kinh thánh vừa đọc, vừa suy niệm.
– Có thay đổi quan niệm giống như Ngài, ta mới suy nghĩ và hành động giống Ngài được.
ü Nêu lên một thay đổi cụ thể về quan niệm cũng như hành động
– Chỉ cần quyết tâm thay đổi một điểm mà mình cho là quan trọng nhất, và tập trung vào điểm cần thay đổi đó.
– Đừng quyết tâm thay đổi nhiều điểm quá, cuối cùng ta chẳng thay đổi được gì cả.
– Nên nhớ rằng một điểm thay đổi thôi cũng đòi hỏi ta phải cố gắng hết mình mới thành công.
[1] “Thần khí” được nhắc tới rất nhiều trong Thánh Kinh. Có rất nhiều chỗ “Thần Khí” được viết hoa, có nghĩa là Thần Khí của Thiên Chúa, và thường được hiểu là Thánh Thần. Nhưng cũng có một số chỗ “thần khí” được viết thường, có nghĩa là “cái tâm”, “nội tâm”, “tinh thần”, như trong Ga 3,6; 4,22-24; 1Cr 12,10; 1Cr 15,44-46; Gl 4,29; Ep 1,17; 1Ga 4,2; Kh 1,4-6; 13,15; v.v… Có khi “thần khí” (viết thường) được hiểu theo nghĩa xấu, như Rm 11,8; 1Tm 4,1b; 2Tm 1,7a; 1Ga 4,1.3; Kh 16,14; v.v… Câu 1Ga 4,6 cho ta thấy có 2 loại “thần khí” (viết thường): tốt và xấu. Về thần khí xấu, có thể từ ma quỷ, chúng ta cần để ý hai câu của Thánh Phaolô và Gioan: «Thần khí phán rõ ràng: vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ» (1Tm 4,1) và «Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian» (1Ga 4,1).
Thánh Gioan cho người thời của ngài một tiêu chuẩn để phân biệt thần khí thật và thần khí giả: «Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Kitô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi» (1Ga 4,2-3). Ngày nay, tiêu chuẩn để phân biệt này có thể hiểu là: thần khí nào nói và làm đúng theo quan niệm, tư tưởng, nói và hành động của Thiên Chúa được diễn tả trong Thánh Kinh, thì đó là thần khí thật đến từ Thiên Chúa. Ngược lại, thân khí nào đi ngược lại tinh thần của Kinh thánh, nhất là của Đức Giêsu trong Tân Ước, thì đó là thần khí giả.
[2] «Chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống» (2Cr 6,16);
«Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» (1Cr 3,16);
«Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19);
«Tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở trong anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang» (Cl 1,25-27).
[3] «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá (…) Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát» (Mt 7,24.26)
[4] Về điều cốt yếu và phụ thuộc, Đức Giêsu trách những người Pharisêu: «Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: “Ai chỉ Ðền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Ðền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc”. Ðồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Ðền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các người còn nói: “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề thì bị ràng buộc”. Ðồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn?» (Mt 23,16-19).
[5] Khi trách những người Pharisêu, Đức Giêsu cho biết lập trường của Ngài về điều chính yếu và phụ thuộc thế nào: «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, nhân ái và thành thật. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà»
0 nhận xét:
Đăng nhận xét