CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 23 Thường Niên
(04-9-2016)
Những điều kiện cần thiết nhất để theo Chúa
ĐỌC LỜI CHÚA
· Kn 9,13-18: (15) Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.
· Plm 9b-10.12-17:(9b)Tôi, Phaolô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu.
· TIN MỪNG: Lc 14,25-33
Vác thập giá mình mà đi theo Đức Giêsu
(25) Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: (26)«Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được».
Từ bỏ hết những gì mình có
(28)«Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: (30)«Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc».(31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? (32) Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Theo Đức Giêsu, nhưng chỉ theo được nửa chừng rồi bỏ, có thể gây nên những thiệt hại nào cho bản thân, cho Giáo Hội và tha nhân?
2. Đức Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài những điều kiện căn bản nào? Phải hiểu những điều kiện ấy thế nào?
Suy tư gợi ý:
1. Cần tự lượng sức mình trước khi quyết định theo Chúa
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu yêu cầu những ai theo Ngài, trước khi quyết định theo, hãy tự lượng sức mình xem có thể trung thành theo Ngài tới cùng không. Nếu thấy mình theo nổi thì hãy quyết định theo, để một khi đã theo thì theo một cách triệt để, không luyến tiếc, không theo cách lưng chừng. Nếu thấy mình theo không nổi, thì nên rút lui sớm. Quả thật, có nhiều người quyết định theo Ngài cả cuộc đời, nhưng chỉ theo Ngài được một thời gian, sau đó bỏ Ngài luôn, hoặc công khai hoặc âm thầm. Những người theo không nổi mà lại không muốn mang tiếng bỏ Ngài, nên vẫn tiếp tục mang danh theo Ngài, nhưng trong thực tế thì đã bỏ Ngài từ lâu.
Sống trong một tình trạng giả dối như thế, tâm hồn thường bị dằn vặt, mất bình an, nên khó mà được hạnh phúc. Về mặt tâm linh, tình trạng giả dối ấy cản trở sự thăng tiến tâm linh, làm cho mình ngày càng thoái hóa. Tình trạng này chỉ được cải thiện khi dám chấp nhận sống chính danh, nghĩa là sống thành thật với chính mình và người khác. Nghĩa là: hoặc sống cho đúng với danh nghĩa theo Chúa, hoặc chấp nhận từ bỏ danh nghĩa ấy với tất cả những quyền lợi đi kèm. Điều này lại đòi hỏi một sự từ bỏ khác.
Vì thế, trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người xây tháp hay ông vua đi giao chiến phải tự liệu xem mình có thành công hay không rồi hãy khởi sự công việc. Vì nếu không thành công thì thật là nguy hại, thà đừng manh động gì thì hơn. Ý của Ngài là khuyên những người có ý định theo Ngài hãy suy nghĩ cho kỹ, lượng sức mình xem có khả năng theo Ngài tới cùng không. Tự sức mình, chẳng ai có khả năng ấy, nhưng với ơn Chúa cộng với sức riêng mình, ta có thể làm được tất cả: «Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi làm được tất cả» (Pl 4,13). Vậy, vấn đề còn lại là có trông cậy vào ơn Chúa và có trung thành cố gắng mỗi ngày không.
2. Điều kiện để theo Chúa
Để giúp những ai muốn theo Ngài tự lượng sức mình, Ngài thẳng thắn đưa ra những điều kiện cần phải có để theo Ngài: «Ai đến với tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được». Trong câu Ngài nói, có 3 điều kiện:
a. «Bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em» :
Câu này không có nghĩa là bỏ bê những người thân yêu nhất của mình và tỏ ra vô trách nhiệm đối với họ. Vì làm như vậy là bất hiếu và bất nghĩa, trái với điều răn thứ tư của Thiên Chúa. Nhiều người theo Chúa hiểu câu này theo nghĩa đen nên đã làm cho cha mẹ và người thân mình rất đau khổ. Ý của Đức Giêsu là ai theo Ngài thì phải coi việc theo Ngài quan trọng nhất, quan trọng hơn nghĩa vụ đối với tất cả những người thân yêu mình, kể cả cha mẹ, vợ con, anh chị em mình. Nghĩa là khi có sự xung đột giữa việc theo Ngài và bổn phận thảo hiếu hay tình nghĩa anh em, khiến ta chỉ có thể chọn một trong hai, thì phải ưu tiên cho việc của Ngài hơn. Còn nếu không có sự xung đột ấy, thì người theo Chúa phải sống có tình có nghĩa hơn ai hết, nhất là đối với cha mẹ, vợ con, anh chị em mình. Không phải cứ theo Chúa thì có quyền vô trách nhiệm đối với cha mẹ như những người Pharisêu xưa từng chủ trương (x. Mt 15,5-6).
b. «Và cả mạng sống mình nữa» :
Câu này cũng không có nghĩa là bỏ bê bản thân mình, không chăm sóc nó. Trái lại, người theo Chúa cần phải biết chăm lo bản thân: sức khỏe tinh thần và thể chất, sự hiểu biết về Chúa, về con người và về thế giới, khả năng lý luận, và các tài năng khác, để có thể phục vụ cách hữu hiệu. Câu này nên hiểu là khi có sự xung đột giữa ý của mình và ý của Chúa, việc của mình và việc của Chúa, thì luôn luôn phải ưu tiên thực hiện ý của Ngài, việc của Ngài. Người theo Chúa phải nói được như Đức Giêsu: «Tôi không làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 5,30).
Trong việc theo Chúa, «từ bỏ chính mình» (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23) vẫn là điều quan trọng nhất. Nghĩa là sống tinh thần tự xóa mình (kenosis) như Đức Giêsu (x. Pl 2,6-8), cụ thể nhất là coi nhẹ «cái tôi» của mình (bao hàm ý muốn riêng, ý kiến riêng, việc riêng của mình). Một khi đã từ bỏ «cái tôi» của mình rồi, thì tất cả mọi thứ khác ta đều từ bỏ được cách dễ dàng. Trái lại, dù đã từ bỏ được tất cả mọi thứ, nhưng chưa từ bỏ được «cái tôi», thì rồi «cái tôi» ấy sẽ lại vun vén về cho nó tất cả những gì nó đã từ bỏ. Và cuối cùng hóa ra chẳng từ bỏ điều gì cả.
Muốn biết ta đã từ bỏ được «cái tôi» của mình hay chưa, thì cứ việc xét xem khi có ai nói động chạm đến «cái tôi» của ta, ý kiến riêng hay quyền lợi của ta, ta phản ứng thế nào. Nếu ta nổi điên lên và phản ứng thật mạnh, tìm cách trả thù hay hạ kẻ xúc phạm ta xuống, thì điều đó chứng tỏ ta chưa hề từ bỏ «cái tôi» của mình. Trái lại, kẻ đã từ bỏ «cái tôi» của mình, sẽ không phản ứng gì, hoặc sẽ phản ứng cách nhẹ nhàng, từ tốn, nhất là biết thật sự khách quan xét xem người động chạm đến mình và quyền lợi mình có thiện chí xây dựng và có hợp lý không. Nếu thấy người ấy đúng, thì chính mình sửa sai và chân thành cám ơn người ấy. Nếu thấy người ấy sai, thì có thể bỏ qua, không chấp nhất, hoặc dùng lời lẽ khiêm tốn sửa sai người ấy.
Có thể nói tư cách của một người theo Chúa được thể hiện rõ nét nhất trong việc từ bỏ «cái tôi» của mình. Chưa từ bỏ được «cái tôi» ấy thì chưa thể tự hào mình là người thật sự theo Chúa. Đây là nền tảng của tình yêu đích thực, của lòng đạo đức chân thật và sự thánh thiện. Ai chưa từ bỏ được «cái tôi» của mình, thì dù có bao nhiêu nhân đức, dù được mọi người khen là thánh thiện, thì nhân đức hay sự thánh thiện ấy chỉ là tạm bợ, không có nền tảng. Chẳng khác gì chúng được xây trên cát, khi gặp mưa to gió lớn, tức gặp thử thách – chẳng hạn khi bị xúc phạm, bị mất quyền lợi, v. v… – là bị cuốn trôi hay sụp đổ hoàn toàn, và «cái tôi» ấy sẽ hiện ra nguyên hình vì cái mặt nạ đẹp đẽ của mình đã bị lột mất (x. Mt 7,24-27).
c. «Vác thập giá mình» :
Thập giá vào thời Đức Giêsu là hình phạt của đế quốc Rôma dành cho những kẻ xấu, ác, có tội và bị luật pháp kết án. Thập giá còn dành cho những người Do Thái yêu nước có những hành vi nhằm lật đổ ách thống trị tàn bạo của đế quốc. Những người yêu nước này được dân chúng coi là anh hùng, là người tốt, nên ngấm ngầm mến phục và ủng hộ. Vác thập giá là một cực hình, và bị đóng đinh trên ấy là một thứ đau đớn và nhục nhã cực độ. Do đó, thập giá tượng trưng cho những đau khổ, nhục nhã mà con người phải chịu không chỉ vì tội lỗi mình, mà còn vì theo Chúa, vì những lý tưởng cao đẹp, vì tình yêu đối với tha nhân nữa. Vì thế, một trong những điều kiện căn bản để theo Chúa là phải chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi, vừa để đền tội cho chính mình và người khác, vừa để chu toàn bổn phận trong đấng bậc mình, vừa để hy sinh cho việc xây dựng Nước Trời, tạo hạnh phúc hay giảm bớt đau khổ cho tha nhân. Đức Giêsu đã vác thập giá và chịu đóng đinh trên thập giá là để hy sinh, chịu đau khổ hầu cho nhân loại được sống và sống hạnh phúc. Đó cũng chính là mục đích của Ngài khi đến trần gian.
Khi theo Chúa, chúng ta nhằm mục đích gì? Có phải để được chia sẻ vinh quang của Ngài, để được «ngồi bên hữu, bên tả» Chúa như ước muốn của hai tông đồ Giacôbê và Gioan (x. Mc 10,35-37) chăng? nghĩa là để được ăn sung mặc sướng, được ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ? Thực ra ai theo Chúa thì cuối cùng cũng sẽ được hưởng vinh quang và hạnh phúc với Chúa, nhưng đó chỉ là hậu quả hay phần thưởng của việc theo Chúa, của việc cùng đau khổ và cùng chết với Ngài hầu cứu nhân độ thế, chứ đó không thể là mục đích của việc theo Chúa được. Ai theo Chúa vì mục đích ấy thì không thể theo Ngài đến cùng được. Chúa sẽ nói với họ như đã nói với Giacôbê và Gioan: «Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?» (Mc 10,38).
Theo Chúa chủ yếu là để bắt chước Ngài, sống theo tinh thần của Ngài, tất nhiên phải vác thánh giá, chịu đau khổ vì hạnh phúc của tha nhân như Ngài. Vì thế Ngài mới nói: «Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi». Theo Chúa mà không tự xóa mình, không sẵn sàng chấp nhận đau khổ, thiệt thòi để người khác được hạnh phúc, chỉ tìm sung sướng cho bản thân một cách ích kỷ, thì chỉ là theo Chúa cách «hữu danh vô thực», hoặc chỉ theo Chúa vài chục phần trăm trong những gì có lợi cho mình mà thôi!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, tâm trạng của con khi đi theo Đức Kitô nhiều khi cũng giống như tâm trạng của Giacôbê và Gioan: muốn được vinh quang, được đề cao, được nắm quyền bính, được mọi người kính trọng. Chứ không biết rằng theo Ngài thì việc đầu tiên là phải bắt chước Ngài. Điều cần thiết nhất nơi Ngài mà con phải bắt chước là tinh thần xóa mình và sẵn sàng vác thánh giá, đúng như Ngài đã tuyên bố rõ ràng, không hiểu cách khác được. Xin giúp con quên mình và vị tha hơn để có thể làm được điều ấy.
(Nguyễn Chính Kết)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét