CHIA SẺ TIN MỪNG
Lễ Đêm Giáng Sinh
(24-12-2016)
(Bài 1)
(Bài 1)
Những nghịch lý trong biến cố Giáng Sinh
ĐỌC LỜI CHÚA
• Is 9, 1-6: (5) Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.
• Tt 2, 11-14: (12) Chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian.
• TIN MỪNG: Lc 2, 1-20
Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem
(1) Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
(8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ». (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương».
(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: «Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết». (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
(8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ». (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương».
(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: «Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết». (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Đức Giêsu không sinh ra trong cảnh giàu sang, uy quyền cho xứng với địa vị Con Thiên Chúa, mà lại sinh trong cảnh thấp hèn nhất của con người?
2. Toàn dân Do Thái đều trông đợi Đấng Cứu Thế đến, thế mà khi Ngài đến, Ngài lại không báo cho ai, kể cả những người chính thức đại diện cho dân, mà chỉ báo cho các mục đồng, là những kẻ hèn kém nhất trong dân?
3. Những người quyền thế trong dân về tôn giáo cũng như xã hội khi biết Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, họ đã làm gì? phản ứng thế nào? Tại sao họ phản ứng như vậy? Não trạng của họ đúng đắn và hợp với đường lối của Thiên Chúa không?
Suy tư gợi ý:
1. Hoàn cảnh ra đời của Đức Giêsu
Theo thông lệ đã bao đời, cứ 14 năm một lần, hoàng đế Rôma lại ra lệnh kiểm tra dân số trên toàn đế quốc để có cơ sở thu thuế và tuyển lính. Mọi người dân đều phải về nguyên quán mình để khai hộ khẩu. Vì Bêlem là nơi sinh trưởng của vua Đavít, tổ tiên của Giuse, nên Giuse phải đưa Maria vợ mình đang mang thai từ Nadarét về Bêlem khai hộ khẩu. Hành trình từ Nadarét về Bêlem khoảng 80 dậm (#130 km). Vì phương tiện di chuyển quá đơn sơ, hai vợ chồng nghèo phải vất vả lắm mới tới nơi. Nơi đất lạ, vì nghèo không tìm được chỗ trọ, hai vợ chồng phải tá túc đỡ ở một chuồng súc vật ngoài đồng cỏ. Không may, Maria đã đến ngày sinh con, hai vợ chồng nghèo đành phải sinh con ngay tại nơi trọ nghèo nàn ấy.
2. Đức Giêsu chấp nhận cảnh thấp hèn ngay từ khi sinh ra đời
Không có gì nhục nhã và đau lòng cho bằng phải ra đời trong một chuồng súc vật, chẳng những thiếu đủ mọi thứ mà còn dơ bẩn, hôi hám! Thử hỏi: cả 90 triệu dân Việt, một dân tộc hiện đang bị xếp vào loại nghèo khổ nhất thế giới, đã có mấy người phải sinh ra trong cảnh tệ hại như thế? Thế mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa vô cùng cao sang, cũng chính là Vua Vũ Trụ, lại phải sinh ra trong hoàn cảnh như thế! Tuy nhiên, tất cả mọi việc xảy ra đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa, đều ứng nghiệm những gì các ngôn sứ đã loan báo mấy trăm năm trước về Đấng Cứu Thế (x. Is 7,10-14, v.v...[a*])
Đang khi nhân loại ai cũng tìm sự giàu sang, quyền thế, địa vị, danh dự cho mình và người thân mình, thì Thiên Chúa Cha lại tìm sự nghèo khó, thấp hèn, nhục nhã cho Người Con vô cùng yêu quí của mình. Suốt đời mình, Đức Giêsu cũng hành động tương tự: đang khi nhân loại ai cũng tìm đủ cách đưa mình lên thật cao, thì Đức Giêsu lại tìm đủ cách để tự hạ mình xuống thật thấp. Chính vì con người cứ muốn tự đưa mình lên thật cao và sẵn sàng đè người khác xuống nên nhân loại mới phát sinh ra muôn vàn giống tội và phải chịu biết bao khổ ải. Vì thế, muốn cứu chuộc nhân loại, Đấng Cứu Thế phải hành động ngược lại khuynh hướng tội lỗi ấy là tự hạ mình xuống thật thấp để nâng mọi người lên. Đúng như thánh Phaolô nói: «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8, 9). Để cứu rỗi nhân loại, nếu Thiên Chúa đã phải theo đường lối ấy, thì những kẻ muốn cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu rỗi, lẽ nào đi ngược lại đường lối ấy mà thành công được? Nghĩa là nếu cứ thích mình được đề cao, thích sống trên đầu trên cổ người khác, thì cứu rỗi được ai?
3. Những kẻ được loan báo về việc giáng sinh của Đức Giêsu
Có sự nghịch lý quá lớn trong việc Con Thiên Chúa vô cùng cao sang lại chấp nhận cảnh vô cùng nghèo hèn để giáng sinh hầu cứu chuộc con người. Tuy nhiên vẫn còn một nghịch lý rất lớn khác trong biến cố này. Khi Ngài sinh ra thì toàn dân Do Thái – kể cả giới lãnh đạo Do Thái giáo (các thượng tế, tư tế, kinh sư, luật sĩ…) – đang trông chờ và mong đợi Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã từng loan báo trước đó mấy trăm năm. Mấy trăm năm toàn dân mong đợi, thế mà khi Đấng Cứu Thế đến, Thiên Chúa đã chẳng sai các thiên sứ đến báo tin cho các vị chức sắc cao cấp trong tôn giáo Do Thái cũng như nhà cầm quyền Do Thái, là những người chính thức đại diện cho tuyển dân của Ngài. Mà chỉ báo tin cho các mục đồng, đại diện cho hạng người hèn kém nhất trong tôn giáo và trong xã hội! Quả thật, dưới con mắt loài người, Thiên Chúa tỏ ra «chẳng biết điều» tí nào! Ngài chẳng biết cách xử sự theo kiểu loài người! Tại sao vậy?
Đối với Thiên Chúa, kẻ có giá trị trước mắt Ngài là những tâm hồn đơn sơ chân thành, sẵn sàng đón nhận chân lý, chứ không phải là những người có chức tước trong xã hội hay tôn giáo, dù có cao cấp đến đâu! Hãy thử xét xem thái độ của các mục đồng và những kẻ quyền thế thời đó. Các mục đồng khi được báo tin, thì hối hả đến và thờ lạy Đấng Cứu Thế vừa sinh. Họ có thể tin ngay rằng đứa bé yếu đuối và nghèo nàn kia, được sinh ra trong cái chuồng súc vật của họ, chính là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Cho dẫu chính họ, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội và tôn giáo, cũng không bao giờ nỡ sinh con mình ở cái nơi dơ dáy thấp hèn ấy! Tuy nhiên, cảnh thấp hèn ấy không phải là điều cản trở họ tin. Bài Tin Mừng cho biết niềm tin và thái độ của họ sau khi gặp hài nhi Giêsu: «Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa» (Lc 2,20).
Còn những kẻ quyền thế trong xã hội và tôn giáo thì sao? Họ không thể tin được điều ấy. Não trạng họ rất khác với các mục đồng! Làm sao họ có thể tin và chấp nhận được Đấng Cứu Thế của toàn dân lại sinh ra thấp hèn như vậy! Mà dẫu họ có được báo tin, họ cũng chẳng thèm đến với Đấng Cứu Thế thấp hèn và nghèo nàn ấy làm gì! Người khác phải đến với họ, chứ làm gì có chuyện họ phải đến với người khác, trừ trường hợp người khác đó giàu sang hay có địa vị cao hơn họ! Cứ xem phản ứng của họ thì biết: Khi được các nhà chiêm tinh phương Đông tới báo tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra thì vua Hêrôđê và những nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm gì? Hêrôđê thì cho quân đi tìm giết con trẻ Giêsu ngay, bất chấp phải giết oan bao đứa trẻ khác. Các vị thượng tế và kinh sư thì cũng chỉ ngồi nhà chờ các nhà chiêm tinh đến cho biết kết quả, mặc dù họ biết rất rõ Đấng Cứu Thế phải sinh ra tại Bêlem. Và khi các nhà chiêm tinh không trở lại, họ cũng bỏ qua luôn.
4. Hai thái độ khác nhau
Truyền thống Kitô giáo cho rằng Tổng lãnh Thiên thần Luxifer vì không chấp nhận được Con Thiên Chúa nhập thể làm người, nghĩa là Thiên Chúa mà lại sống trong thân phận hèn kém hơn mình, nên đã phản loạn chống lại Thiên Chúa. Não trạng đó cũng là não trạng của rất nhiều người, kể cả các Kitô hữu bình dân và cao cấp! Mặc dù Đức Giêsu làm nhiều phép lạ tỏ tường, được dân chúng tin theo rất đông, nhưng giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái xưa không thể chấp nhận được Ngài là Đấng Cứu Thế. Tại sao? Vì họ thấy Ngài là người nghèo hèn (x. Mt 8,20 [b*]), thất học (x. Ga 7,15 [c*]), lại nói và làm rất nhiều điều ngược lại quan niệm của họ, như lỗi luật ngày sábát (x. Mt 12,1-14; Lc 6,6-11; ...[d*]), không chịu ăn chay (x. Mt 9,14 [e*]), ăn không rửa tay (x. Mt 15,1-2; Lc 11,38 [f*]), giao thiệp với những hạng người tội lỗi (x. Mt 9,10-11; Lc 5,29-30 [g*]), v.v… Họ cho rằng họ là chân lý, nên ai nói hay hành động khác với họ đều sai. Nếu những người ấy có quyền phép thì đó là quyền phép ma quỷ (x. Mt 9,32-34; 12,23-24 [h*]).
Đối với họ, chỉ những điều mà người có uy quyền trong tôn giáo nói mới là chân lý thôi! Chân lý không thể phát xuất từ môi miệng những hạng bình dân, thấp kém trong xã hội hay tôn giáo được. Do đó, khi các ngôn sứ xuất hiện – thường xuất thân từ giới bình dân, nghèo hèn – thì đều bị họ chê bai và ném đá vì những lời nói mà họ cho là ngang ngược (x. Mt 23,37; Lc 6,23 [i*]). Họ chỉ ca tụng và ưu đãi những ngôn sứ giả là những người có uy quyền, lại nói vừa lòng họ, lọt lỗ tai họ (x. Lc 6,26 [k*]). Cũng vậy, khi Đức Giêsu đến, những mặc khải mới về chân lý của Ngài không sao lọt tai họ được, nên họ phải tìm cách trừ khử cho bằng được!
Ngày nay, con người – kể cả các tín đồ trong mọi tôn giáo – vẫn thường có não trạng như thế. Người có thế giá trong tôn giáo nói bất cứ điều gì cũng được họ cho là đúng, là có giá trị, cho dù họ thấy có gì đó không hợp lý. Cũng có khi họ mù quáng đến độ không thể thấy được sự bất hợp lý trong những lời nói đó. Còn những người bình dân, thấp hèn mà nói, thì dù có hợp lý đến đâu, cũng đều vô giá trị. Chính vì thế, nếu thời nay những ngôn sứ của Thiên Chúa có đến, chắc chắn cũng các vị cũng phải đồng số phận hẩm hiu với những ngôn sứ các thời đại trước thôi! Và dẫu chính Đức Giêsu có đến lần nữa, Ngài cũng sẽ bị đối xử tương tự. Ngài lúc nào cũng vẫn là «viên đá vấp phạm» (x. Rm 9,33; 1Pr 2,8 [l*]) cho nhiều người. Nhưng phúc thay những ai không vấp phạm vì Ngài! (x. Mt 11,6; Lc 7,23 [m*]).
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con nhận thức rằng người được Thiên Chúa sai đến, dù có thấp hèn đến đâu cũng vẫn là người của Thiên Chúa. Xin cho con ý thức được rằng chân lý dù được phát biểu bởi trẻ con hay người thấp hèn dốt nát cũng vẫn là chân lý. Còn sai lầm dù được phát biểu bởi kẻ cao sang quyền thế cũng vẫn là sai lầm. Đừng để con đồng hóa lý của kẻ mạnh, kẻ có quyền với chính chân lý. Để nhờ đó, con có thể nhận ra Cha nơi những anh em nghèo hèn chung quanh con, và nhận ra chân lý dẫu được phát biểu bởi những người mà con cho thấp kém.
Nguyễn Chính Kết
_______________________________________
Phụ chú:
Một số câu Kinh thánh được giới thiệu nhưng không trưng dẫn trong bài. Xin trưng ra đây để tiện cho những ai muốn đào sâu thêm:
[a*] Is 7,10-14, v.v... => Xin xem ở cuối phần phụ chú này: Một số lời tiên tri về sự giáng sinh của Đức Kitô.
[b*] Mt 8,20 => «Ðức Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”».
[c*] Ga 7,15 => «Người Dothái lấy làm ngạc nhiên. Họ nói: “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!”»
[d*] Mt 12,1-14 => «Khi ấy, vào ngày Sabát, Ðức Giêsu băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Ðức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì, khi vua và thuộc hạ đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Ðền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Ðền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát”. Ðức Giêsu bỏ đó mà đi vào hội đường của họ. Tại đây, có người bị bại một tay. Người ta hỏi Ðức Giêsu rằng: “Có được phép chữa bệnh ngày sabát không?” Họ hỏi thế là để tố cáo Người. Người đáp: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sabát, lại không nắm lấy nó và kéo lên sao? Mà người thì quý hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày sabát được phép làm điều lành”. Rồi Ðức Giêsu bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra và tay liền trở lại bình thường lành mạnh như tay kia. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Ðức Giêsu.»
Lc 6,6-11 => «Một ngày sabát khác, Ðức Giêsu cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pharisêu rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh chỗi dậy, ra đứng giữa đây !” Người ấy liền chỗi dậy và đứng đó. Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Ðức Giêsu không.»
[e*] Mt 9,14 => «Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Ðức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”»
[f*] Mt 15,1-2 => «Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”»
Lc 11,38 => «Ðức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì trước tiên Người không rửa tay trước bữa ăn.»
[g*] Mt 9,10-11 => «Ðức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”»
Lc 5,29-30 => «Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Ðức Giêsu rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”»
[h*] Mt 9,32-34 => «Họ vừa đi ra thì kìa người ta đem đến cho Ðức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Ðám đông kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ítraen, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pharisêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”.»
Mt 12,23-24=> «Tất cả dân chúng đều sửng sốt và nói: “Ông này chẳng phải là Con vua Ðavít sao?” (24) Nghe vậy, những người Pharisêu nói rằng: “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bêendêbun”.»
[i*] Mt 23,37 => «“Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!"»
Lc 6,23 => «Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.»
[k*] Lc 6,26 => «Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.»
[l*] Rm 9,33 => «Này đây Ta đặt tại Xion một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho ngã ; nhưng kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.»
1Pr 2,7b-8 => «Viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, 8 và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã . Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa.»
[m*] Mt 11,6 => «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi»
Lc 7,23 => «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi»
[1*] Một số lời tiên tri về sự giáng sinh của Đức Kitô:
Sự ra đời và cuộc sống của Đức Giêsu đã được thánh Máthêu xác nhận: «Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ» (Mt 1,22).
Xin trưng ra đây một số lời của các ngôn sứ đã ứng nghiệm vào việc giáng sinh và cuộc sống của Đức Giêsu:
Is 7,10-14 => «Một lần nữa Đức Chúa phán với vua A-khát rằng: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.” Ông I-sai-a bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en» (Ứng nghiệm vào việc Đức Giêsu sinh ra từ sự thụ thai đồng trinh của Đức Maria).
Mk 5,1 => «Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa» (Ứng nghiệm vào nơi Đức Giêsu sinh ra).
St 3:15 => «Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó» (ứng nghiệm vào Đức Maria).
Is 9,5-6 => «Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít» (Tiên báo một con trẻ ra đời thuộc dòng Đavít sẽ có quyền năng và tạo lập hòa bình).
Ds 24:17 => «Tôi thấy nó, nhưng chưa phải bây giờ, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên: Một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en» (Ứng nghiệm vào ngôi sao dẫn đường cho 3 vị đạo sĩ đến gặp Đức Giêsu vừa giáng sinh).
Os 11:1 => «Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về» (Ứng nghiệm vào việc Trẻ Giêsu phải trốn sang Ai Cập và trở về Nadarét)
Gr 31:15 => «Đức Chúa phán thế này: "Người ta nghe có tiếng khóc ở Ra-ma, tiếng khóc than ai oán: Đó là tiếng bà Ra-khen khóc thương con cái mình, bà không muốn được an ủi về những người con ấy, vì nay chúng chẳng còn» (Ứng nghiệm vào việc các hài nhi tại Bêlem bị lính của Hêrôđê sát hại).
Is 53:2b-10 => «Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ»
0 nhận xét:
Đăng nhận xét