Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Chay1: Bị cám dỗ là dịp để chúng ta chứng tỏ tình yêu


CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ I Mùa Chay

(05-03-2017)


Bị cám dỗ là dịp để chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và với những giá trị cao quý


ĐỌC LỜI CHÚA

  St 2,7-9.3,1-7: (4) Rắn nói với người đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu! (5) Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. (6) Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.

  Rm 5,12.17-19: (19) Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.


  TIN MỪNG: Mt 4,1-11

Ðức Giê-su chịu cám dỗ


(1) Bấy giờ Ðức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. (2) Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. (3) Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! (4) Nhưng Người đáp: Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.

(5) Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, (6) rồi nói với Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.

(7) Ðức Giêsu đáp: Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.

(8) Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, (9) và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi. (10) Ðức Giêsu liền nói: Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.

(11) Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người. 


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Ðức Giêsu cũng bị cám dỗ. Ðiều ấy mạc khải cho ta biết những gì? Bị cám dỗ có phải là điều gì xấu xa không? 
2.   Cơn cám dỗ đưa ta đến một tình thế phải lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu, hoặc giữa hai điều tốt, tốt nhiều và tốt ít. Như thế những dịp bị cám dỗ giúp chúng ta chứng tỏ điều gì? Cám dỗ là điều tốt hay điều xấu?

Suy tư gợi ý:

1.   Ðã là con người, ai cũng bị cám dỗ

Nếu không có bài Tin Mừng hôm nay, người ta dễ dàng nghĩ rằng sở dĩ Ðức Giêsu hoàn toàn vô tội là vì Ngài không bị hề cám dỗ. Nhưng đoạn Tin Mừng này cho thấy chính Ðức Giêsu - dù là Con Thiên Chúa, có bản tính thần linh hoàn toàn trong sạch - cũng bị ma quỉ cám dỗ. Thật là một mạc khải bất ngờ, đáng ngạc nhiên và rất lý thú, đồng thời cũng là điều an ủi chúng ta, tạo động lực cho chúng ta thắng những cơn cám dỗ xảy đến.

Ðức Giêsu là Thiên Chúa mà cũng bị cám dỗ, nên chúng ta vốn là người phàm, nếu có bị cám dỗ, dù nặng nề tới đâu, cũng là chuyện dễ hiểu. Ðiều đó có nghĩa: đã là con người thì đều bị cám dỗ. Và sự kiện Ðức Giêsu bị cám dỗ chứng tỏ Ngài đích thực là con người y như chúng ta. Kinh Thánh cho biết Ngài cũng yếu đuối như chúng ta, nhờ vậy Ngài rất thông cảm với sự yếu đuối cũng như tội lỗi của chúng ta: «Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15). Qua câu Kinh Thánh trên, ta lại được biết rằng tuy bị cám dỗ như ta, nhưng Ngài khác với ta ở chỗ không hề phạm tội, nghĩa là Ngài đã luôn luôn thắng mọi cơn cám dỗ, không bao giờ sa ngã.

2.   Tội lỗi có thể là sự chọn lựa SAI giữa hai điều tốt

Thiên Chúa đã chấp nhận để cho chúng ta - kể cả Ðức Giêsu - bị cám dỗ. Ðiều đó cho thấy cám dỗ không phải là một điều xấu. Trái lại, có thể đó là một điều cần thiết. Thật vậy, bị cám dỗ là một dịp để ta chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân, và sự vâng phục của ta đối với Ngài. Vì một người không thể chứng tỏ rằng mình yêu mến, vâng phục, nếu không hề bị thử thách, nghĩa là chưa có cơ hội để không vâng lời, không yêu mến. «Lửa thử vàng, gian nan thử người công chính» (Cn 17,3), «Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?» (Nguyễn công Trứ).

Khi bị cám dỗ, có khi ta phải chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu. Ðiều này thường xảy ra cho người có tâm linh còn non yếu, để họ có dịp chứng tỏ họ đứng hẳn về phía tốt. Còn những người đã lên tới những bậc thang tâm linh cao, thì khi bị cám dỗ, họ thường phải lựa chọn giữa hai điều đều là tốt cả, nhưng lương tâm buộc họ phải chọn điều tốt hơn, để chứng tỏ sự quyết tâm tiến tới trọn hảo. Chẳng hạn trong cơn cám dỗ đầu tiên của Ðức Giêsu, việc biến đá thành bánh để ăn khi đói chẳng có gì là xấu. Trái lại, ăn khi đói còn là một điều cần thiết để sống còn. Sớm muộn gì thì Ngài cũng phải ăn để sống, nhưng có thể lúc đó chưa tới thời hạn ăn như Ngài đã quyết định từ đầu. Như vậy Ngài phải chọn lựa giữa hai điều đều là tốt cả: một là thỏa mãn nhu cầu ăn để sống, hai là tự chủ để thực hiện đúng điều mình đã quyết định từ trước về thời hạn nhịn ăn khi mà nhịn thêm ít lâu nữa cũng chẳng hại gì. Quyết định nào cũng đều chứng tỏ lập trường của mình là đã coi trọng cái nào hơn cái nào.

Nhờ có hai đối tượng phải lựa chọn mà ta chứng tỏ được ta quí đến mức độ nào cái giá trị mà ta chọn lựa. Nếu phải lựa chọn một viên kim cương khá to với một lượng vàng, chắc chắn ai cũng chọn viên kim cương, và sự lựa chọn ấy không chứng tỏ được giá trị đích thực của viên kim cương. Nhưng nếu phải lựa chọn giữa 100 lượng vàng với viên kim cương, mà ta chọn viên kim cương, thì chứng tỏ ta đã coi viên kim cương có giá trị hơn số vàng ấy (đương nhiên có người chọn khác ta). Thiên Chúa cũng muốn ta chứng tỏ rằng ta coi tình yêu của Ngài giá trị hơn nhà cửa, ruộng vườn, của cải, thậm chí hơn cả anh em, cha mẹ, vợ con của ta, bằng cách tạo dịp để ta lựa chọn giữa Ngài và những giá trị ấy. Chẳng hạn, Ngài nói: «Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,37-38). Dịp phải lựa chọn như vậy chính là một thứ cám dỗ. Thiên Chúa đã thử lòng Abraham khi yêu cầu ông sát tế Isaac, con trai duy nhất của mình, để thờ phụng Thiên Chúa. Đương nhiên ông bị cám dỗ từ chối yêu cầu này, nhưng ông đã thắng cơn cám dỗ ấy. Tuy nhiên, Thiên Chúa không để ông giết con của ông, Ngài chỉ thử lòng ông thôi. Qua cơn cám dỗ ấy, ông chứng tỏ được ông đặt nặng tình yêu đối với Thiên Chúa hơn tình yêu đối với đứa con mà ông yêu quý nhất trên đời, và Thiên Chúa rất hài lòng về cái tâm của ông (x. St 22,1-18). 

3.   Những nhu cầu chính đáng trong những cơn cám dỗ

Trong ba cơn cám dỗ của Ðức Giêsu, ta thấy những cơn cám dỗ luôn luôn dựa trên những nhu cầu và giá trị hết sức thực tế và chính đáng của đời sống con người. Những cơn cám dỗ luôn luôn đặt ta giữa hai loại giá trị: một là những giá trị hết sức thực tế của đời sống, hai là những giá trị tâm linh (tình yêu đối với Thiên Chúa, với tha nhân, chân lý, công lý, lý tưởng, v.v.). Nhờ đó ta có dịp chứng tỏ ta coi trọng giá trị nào hơn. Sau đây là những nhu cầu thực tế của đời sống được dùng trong những cơn cám dỗ: 

a. Ứng với cám dỗ thứ nhất của Ðức Giêsu là nhu cầu sự sống (sự an toàn bản thân, ăn uống, tình dục, sự thoải mái, giàu sang): Sự sống là một giá trị rất lớn Thiên Chúa ban cho ta, ta có nhiệm vụ quí trọng và bảo vệ nó, nhưng không phải là với bất cứ giá nào. Có những giá trị còn cao hơn sự sống. Chẳng hạn giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và chính sự sống mình, các thánh tử đạo xưa đã chọn tình yêu Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận cái chết. 

Trong cuộc đấu tranh cho công lý, chống áp bức bất công, những người đấu tranh như Martin Luther King (người Mỹ da đen), ÐGM Oscar Romero (ở Salvador), LM Jerzy Popieluszko (ở Ba Lan), đã coi công lý, tình yêu đối với người nghèo, người bị áp bức hơn sự an toàn bản thân, thậm chí hơn cả mạng sống mình. Chắc chắn họ cũng rất quí sự sống và sự an toàn bản thân, nghĩa là cũng sợ chết, sợ bị tra tấn, sợ phiền nhiễu. Nhiều khi họ bị cám dỗ chọn lựa sự sống, sự an toàn bản thân hơn những giá trị kia. Nhưng lựa chọn cuối cùng và dứt khoát của họ là chọn công lý xã hội và tình thương đối với với những kẻ bị áp bức hơn chính sự an toàn bản thân. 

Ngược lại, ta cũng thấy có biết bao người vì muốn được an toàn bản thân, muốn bảo vệ nồi cơm hay sự thoải mái đang có được của mình, của gia đình mình, mà sẵn sàng câm lặng trước bất công, sẵn sàng đồng lõa hoặc làm tay sai cho những thế lực gây bất công. Họ đã quí sự sống và nồi cơm, địa vị của họ hơn công lý.

b. Ứng với cám dỗ thứ hai của của Ðức Giêsu là nhu cầu phình to bản ngã (muốn được nổi danh, được nể phục, được coi là quan trọng, được khen tặng, được thỏa mãn tự ái và tính kiêu ngạo): Ai cũng cho «cái tôi» của mình là quan trọng, muốn mình là cái rốn của vũ trụ, và không muốn bị ai xúc phạm. Trong một chừng mực nào đó, thì điều đó là tốt, nhờ đó mới phát sinh lòng tự trọng, giữ uy tín, muốn thăng tiến, v.v. Nhưng vượt quá chừng mực đó thì trở thành điều xấu. Nói chung, danh thơm tiếng tốt, uy tín, sĩ diện. đều là những giá trị hết sức cao quí, đến nỗi Nguyễn công Trứ để phải thốt lên: «Ðã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông», hoặc «Không công danh thà nát với cỏ cây», hay «Trót sinh ra thì phải có chi chi, chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu»

So với những loại giá trị bình thường, ta nên coi danh dự, công danh của mình cao hơn. Vì không coi trọng danh dự, uy tín, ta sẽ bị coi là tiểu nhân. Nhưng vẫn có những giá trị cao hơn công danh, uy tín, đó là những giá trị tâm linh như đã nói trên. Nếu để thăng tiến, phát triển bản thân mà ta phải đối xử thiếu tình người, phải hạ kẻ khác xuống, coi người khác là công cụ, là bàn đạp, là vật hy sinh cho mình, sẵn sàng đội trên đạp dưới, thì có nghĩa là ta đã coi những giá trị ấy cao hơn công lý và tình thương. Tội lỗi phát sinh từ sự lựa chọn sai trái ấy.

c. Ứng với cám dỗ thứ ba của của Ðức Giêsu là nhu cầu thống trị (thích quyền lực, thích làm chủ để điều khiển, muốn mọi sự phải xẩy ra theo ý mình): đây cũng là một nhu cầu rất lớn trong tâm lý con người. Ai cũng thích người khác chiều ý mình, thích áp đặt ý mình lên người khác. Quyền lực cũng là một giá trị. Trong xã hội, cần phải có những người có quyền lực, có quyền ép buộc người khác làm theo lệnh mình. Nhưng quyền lực ấy là để phục vụ xã hội, để tạo an ninh, trật tự và công lý trong xã hội, làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Quyền lực này có thể đạt được một cách chính đáng bằng tài năng và đức độ của mình nhằm phục vụ xã hội. Nhưng cũng có thể đạt được bằng những phương tiện không chính đáng nhằm được hưởng những đặc quyền đặc lợi trong xã hội chứ không phải để phục vụ. Người sử dụng quyền lực luôn luôn phải lựa chọn giữa hai giá trị: lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Nếu hành động vì lợi ích tập thể thì là thánh thiện, nếu chỉ vì lợi ích cá nhân thì là tội lỗi.

Thiên Chúa luôn luôn muốn chúng ta đặt nặng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân trên hết mọi sự, mọi giá trị: «Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ» (Mc 12,33). Nhờ có những cơn cám dỗ và thắng được những cơn cám dỗ ấy mà chúng ta mới chứng tỏ được lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, hay những giá trị tâm linh tới mức độ nào.


CẦU NGUYỆN

Chúa nói với tôi: «Những cám dỗ xảy đến với con là do thánh ý của Cha. Cha muốn con có dịp chứng tỏ tình yêu của con đối với Cha, và đối với những giá trị tâm linh mà Cha hằng yêu quí, như Công Lý, Tình Thương và Lòng Thành Thật (Mt 23,23). Nếu con yêu mến Cha thật sự, con phải chứng tỏ được tình yêu ấy trong những thử thách ấy. Sự thành công hay thất bại trong những cơn cám dỗ ấy giúp con xác định được tình yêu của con đối với Cha như thế nào, nó giúp con hiểu biết chính con hơn».

Nguyễn Chính Kết





Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét