CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 17 Thường Niên
(30-7-2017)
(30-7-2017)
Điều chính yếu nhất để nên thánh
là «từ bỏ chính mình» để yêu thương
là «từ bỏ chính mình» để yêu thương
• 1 V 3,5.7-12: (11) Thiên Chúa phán với Salomon: «vì ngươi chỉ xin sự khôn ngoan, chứ không xin sống lâu, xin của cải, (12) nên Ta làm theo ý ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi chẳng ai sánh bằng, và sau ngươi chẳng ai bì kịp».
• Rm 8,28-30: (8) Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người.
• TIN MỪNG: Mt 13,44-52
Dụ ngôn kho báu và ngọc quý
(44) «Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. (45) Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
(47) «Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (49) Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, (50) rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
(51) «Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?» Họ đáp: «Thưa hiểu». (52) Người bảo họ: «Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ».
CHIA SẺ
(44) «Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. (45) Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Dụ ngôn chiếc lưới
(47) «Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (49) Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, (50) rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
(51) «Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?» Họ đáp: «Thưa hiểu». (52) Người bảo họ: «Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ».
Câu hỏi gợi ý:
1. Trong dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý, tại sao Đức Giêsu cho rằng phải «bán tất cả những gì mình có» (Mt 13,44) – nghĩa là không chừa lại gì cả – thì mới mua được kho báu và viên ngọc quý ấy? Điều ấy có ý nghĩa gì trong đời sống Kitô hữu?
2. Trong thực tế đời thường, những người theo Chúa đích thực có luôn luôn phải sống nghèo nàn, thiếu thốn vì đã từ bỏ tất cả không? Đòi hỏi trong dụ ngôn là phải «bán tất cả những gì mình có» cần được hiểu theo nghĩa nào?
3. Điều chính yếu nhất, căn bản nhất của việc theo Chúa, của việc tìm sự sống đời đời là gì? Bạn đã xác định chính xác điều chính yếu ấy chưa?
Suy tư gợi ý:
1. «Vui mừng đi bán tất cả những gì mình có» trước tiên phải là một thái độ nội tâm
Trong dụ ngôn này, để mua được kho báu hay viên ngọc quý, người mua phải «vui mừng đi bán tất cả những gì mình có» (Mt 13,44) thì mới mua được kho báu hay viên ngọc ấy. Với dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói: để đạt được sự sống đời đời, con người phải sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì mình có thì mới xứng đáng với sự sống ấy. Đối với Thiên Chúa, thái độ nội tâm quan trọng hơn việc làm bên ngoài. Người Việt vẫn nói: «Thèm lòng chứ không thèm thịt». Đức Giêsu cũng nói: «Ta muốn tình yêu chứ không cần lễ vật» (Mt 9,13; 12,7). Đương nhiên ai có thái độ nội tâm thật sự, thì thái độ ấy tất nhiên phải thể hiện thành hành động khi cần, hoặc khi có điều kiện thể hiện. Vậy điều chính yếu nhất để đạt được sự sống đời đời là thái độ sẵn sàng từ bỏ mọi sự, không chừa lại cho mình một thứ gì.
Thiên Chúa luôn đòi hỏi những ai theo Ngài một thái độ như vậy trong nội tâm. Một khi ta đã thật sự có thái độ ấy – thường được biểu lộ tự nhiên bằng những hành động cụ thể – thì Ngài không nhất thiết buộc ta phải tiếp tục từ bỏ thật sự bằng hành động. Ngài đã biết rõ lòng ta rồi! Trái lại, trong rất nhiều trường hợp, Ngài còn ban cho ta nhiều điều vượt khỏi tầm mơ ước của ta. Chính Đức Giêsu nói: «Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau» (Mc 10,29-30). Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ngài vẫn luôn đòi hỏi ta phải có thái độ nội tâm là sẵn sàng từ bỏ mọi sự.
2. Điều chính yếu nhất là từ bỏ «cái tôi» của mình
Điều quan trọng nhất mà ta phải ưu tiên từ bỏ, không phải là những gì thuộc vật chất hay quyền lực – cho dù ta vẫn phải sẵn sàng từ bỏ bất kỳ lúc nào – cho bằng từ bỏ chính «cái tôi» của ta. Nếu ta chưa từ bỏ chính «cái tôi» của ta, thì tất cả những gì ta đã từ bỏ, vẫn bị kể như chưa từ bỏ gì cả. Có từ bỏ chính «cái tôi» của ta, thì tất cả những từ bỏ khác của ta mới có giá trị. Vì thế, với những kẻ muốn theo Đức Giêsu, muốn làm môn đệ Ngài, Ngài đưa ra những điều kiện thật rõ ràng: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24; Lc 9,23). Một người không từ bỏ chính mình, dù có chính thức mang danh theo Ngài, thì cũng chỉ là theo Ngài kiểu «hữu danh vô thực» mà thôi. Và việc từ bỏ chính mình phải được thể hiện bằng việc sẵn sàng chấp nhận «vác thập giá mình», nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những thiệt hại, mất mát, đau khổ xảy đến với mình vì sự từ bỏ ấy.
3. Muốn biết ta đã từ bỏ chính mình chưa, thì hãy tự xét xem
Muốn biết ta đã từ bỏ chính mình, tức từ bỏ «cái tôi» của mình chưa, ta chỉ cần xét xem ta phản ứng thế nào trong một vài trường hợp điển hình sau đây:
– Khi có ai nói động chạm đến «cái tôi», đến lòng tự ái của ta, đến quyền lợi, quyền bính, danh dự của ta?
– Khi ta muốn một ai đó gọi ta bằng ông, bằng bố, bằng bác, mà họ lại gọi ta bằng chú, bằng anh, thậm chí bằng em? Ta muốn họ xưng là con, là cháu, mà họ lại xưng là tôi?
– Khi ta đưa ý kiến của ta ra, mà có ai đưa ý kiến ngược lại?
– Khi có ai muốn sửa một lỗi nào đó của ta làm thiệt hại đến việc chung, hay làm mọi người khó chịu?
Nếu phản ứng của ta là nổi giận lên ngay, tỏ vẻ khó chịu tức khắc, muốn ăn thua đủ, muốn “đì” người xúc phạm đến ta, hoặc tìm cách chống chế, chối phăng lầm lỗi mình, chẳng cần xét xem ta có thật sự lỗi lầm hay không… Phản ứng như vậy chứng tỏ ta còn đặt nặng «cái tôi» của mình quá mức, chưa từ bỏ mình chút nào cả, hoặc chưa từ bỏ được bao nhiêu. Con đường tâm linh của ta như thế mới chỉ chập chững những bước đầu tiên thôi; đích thánh thiện mà ta nhắm tới còn xa lắm, phải nói là “xa tít mù khơi”!
4. Nền tảng của việc theo Chúa, của sự thánh thiện
Trong đời sống Kitô hữu, rất nhiều khi ta không nhận chân ra được đâu là điều chính yếu, là điều cốt tủy, mặc dù lời Chúa nói lúc nào cũng cứ rõ rành rành! Vì không nhận ra điều chính yếu nên ta cứ lo thực hiện những điều tùy phụ vốn chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa khi mà điều chính yếu Ngài yêu cầu ta thì ta chẳng quan tâm thực hiện.
Điều kiện duy nhất mà Ngài buộc ta phải có để theo Ngài là «từ bỏ chính mình» và «vác thập giá mình», nhưng thử hỏi những người tự cho rằng mình đang theo Chúa đã thật sự coi điều này là chính yếu chưa, chứ chưa nói tới việc đã thực hiện được điều đó hay chưa! Khi ta chưa thật sự «từ bỏ chính mình», thì mọi việc đạo đức của ta dù lớn lao đến đâu cũng chẳng có giá trị bao nhiêu. Vì lúc ấy ta làm mọi sự vì ta, chứ không phải vì Chúa hay vì tha nhân, mặc dù xem ra là như vậy.
Rất có thể ta làm những việc có vẻ vị tha, tốt lành chỉ là để được khen ngợi, được nể phục, được thăng tiến bản thân, hoặc để Chúa trả công bội hậu sau này, v.v… chứ không phải vì yêu thương. Nếu ta chưa thật sự từ bỏ mình, thì hầu như mọi thứ tình yêu của ta chỉ là tình yêu vị kỷ: ta chỉ yêu bản thân mình mà thôi, nhưng lại yêu mình qua tha nhân chứ không phải yêu chính tha nhân… Ta cho ra tình yêu là để nó lại trở về với chính mình.
Tình yêu đích thực được định nghĩa bằng sự ra khỏi chính mình để đến với Chúa hay tha nhân. Nếu ta chưa từ bỏ mình, thì mọi sự ra khỏi chính mình chỉ là giả tạo bề ngoài chứ không có thực chất. «Từ bỏ mình» chính là điều kiện nền tảng của tình yêu chân thực. Không «từ bỏ mình» thì không bao giờ có tình yêu chân thực. Và chỉ có tình yêu chân thực mới làm cho các hành động của ta, dù nhỏ mọn nhất, trở nên có giá trị lớn lao.
Không có tình yêu, thì việc làm của ta, dù vĩ đại đến đâu, cũng là vô giá trị trước Thiên Chúa (x. 1Cr 13,3). Từ bỏ mình chính là nền tảng của tình yêu, và tình yêu chính là gốc rễ của sự thánh thiện. Sự thánh thiện không có một nền tảng nào khác ngoài tình yêu. Vì thánh thiện là giống như Thiên Chúa, mà «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16).
Điều chính yếu mà Thiên Chúa muốn ta làm, ta lại không làm, mà cứ mải mê làm những điều tùy phụ, thì ta sẽ phải rất ngạc nhiên khi đến trước tòa Chúa. Ngài đã cảnh báo trước: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?” Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,22-23).
Chúng ta thử nghĩ xem: làm sao những người coi «cái tôi» của mình quá quan trọng có thể sống hòa thuận được với nhau trên thiên đàng? Cho dù họ có giữ được đủ mọi lề luật, làm đủ mọi việc lành phúc đức ở trần gian này?
Để trồng lúa, điều quan trọng nhất không có không được, là ta phải có hạt lúa. Có hạt lúa rồi mới nói đến chuyện bón phân, tưới nước, làm cỏ… Nếu ta chỉ chăm lo chuyện bón phân, tưới nước, làm cỏ mà không hề nghĩ đến chuyện mua hạt giống, thì mọi sự ta làm dù chăm chỉ và tốn công tới đâu cũng vô ích. Vì thế, chúng ta cần phải đặt lại vấn đề cho đúng, kẻo việc giữ đạo của ta trở thành «xôi hỏng, bỏng không», chẳng được gì cả!
Thiết tưởng điều căn bản nhất của việc giữ đạo, của việc theo Chúa, chính là «từ bỏ chính mình». Kẻ từ bỏ chính mình để sống yêu thương thật sự, thì dù không mang danh theo Chúa cũng là những người theo Chúa đích thực. Còn kẻ vẫn coi «cái tôi» của mình là quan trọng nhất, thì dù có mang danh theo Chúa cách chính thức đến đâu, cũng chỉ là theo Chúa cách giả tạo mà thôi!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, dụ ngôn chiếc lưới của Đức Giêsu cho biết, ngày tận thế, những người gọi là theo Chúa sẽ bị tách ra làm hai: kẻ theo đích thực và kẻ chỉ theo Chúa cách giả danh. Tiêu chuẩn mấu chốt để phân biệt chính là sự «từ bỏ chính mình» mà Đức Giêsu đã đòi hỏi những ai theo Ngài phải có, như điều kiện tiên quyết và chính yếu. Xin Cha giúp con nhận ra việc từ bỏ mình là chính yếu và quan trọng đến thế nào. Và hãy giúp con biết ưu tiên thực hiện điều ấy trước tất cả những điều tốt lành khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét