Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

TN20b - Đức tin sống động rất cần thiết cho đời sống tâm linh

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 20 Thường Niên

(20-8-2017)

Bài đào sâu

Đức tin sống động,
chứ không phải đức tin theo lý thuyết,
rất cần thiết cho đời sống tâm linh



  TIN MỪNG: Mt 15,21-28

Đức Giêsu chữa con gái người đàn bà Canaan


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.       Tại sao Đức Giêsu lại đối xử với người phụ nữ Canaan một cách có vẻ kém nhân bản như thế? Ta có nên bắt chước Ngài cư xử như thế với người ngoại giáo không?
2.       Đức Giêsu thử thách niềm tin người phụ nữ Canaan. Ngài có thử thách ta như vậy không? để làm gì? có cần thiết và ích lợi cho ta không?

Suy tư gợi ý:

1. Thái độ đạo sư của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này

Để hiểu thái độ của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này, ta nên đặt Ngài ở vị thế của một đạo sư Đông phương chứ không phải của một người thông thường. Các đạo sư Đông phương nhiều khi có những cách hành xử khác thường, với mục đích giáo dục (cho một bài học) hoặc thử thách (gây khó khăn) người đệ tử. Đó không phải là những hành động Ngài muốn làm gương để mọi người bắt chước. 

Chẳng hạn thiền sư Đơn Hà chẻ tượng Phật trong chùa ra làm củi để sưởi vì đệ tử kiếm củi không ra. Mục đích của ông không phải để các đệ tử từ nay cứ thế mà bắt chước ông, mà để dạy cho họ biết Phật không phải là những bức tượng bằng vật chất, mà là một thực thể sinh động và thiêng liêng ở ngay trong tâm hồn của mỗi người, như ông vẫn thường nói: «Tức Tâm tức Phật». Ông làm thế vì thấy các đệ tử quá chú trọng vào những nghi thức bề ngoài trước tượng Phật, mà quên bổn phận quan trọng hơn rất nhiều là phải ý thức tâm mình mới là Phật đích thực, và phải tu tâm, tức tập sống cho xứng với phẩm giá cao quí đó.



2. Giải thích tình huống trong bài Tin Mừng

Đức Giêsu và và môn đệ lúc này đang ở miền Tia và Xiđôn, không thuộc vùng đất của Do Thái. Đây là một dịp tốt khiến Ngài ý thức lại sứ mạng loan báo Tin Mừng cho dân ngoại và cứu độ họ. Còn Canaan là một trong những tên cũ của vùng Palestin, vốn là một dân tộc thù nghịch với Dân Do Thái từ thời các tổ phụ đến nay. 

Ban đầu, Thiên Chúa hứa cho Abraham vùng đất của dân Canaan (x. St 12,6-7; 15,18), và dân Do Thái đã phải chiến đấu rất cam go – khi thắng khi bại – với họ để chiếm lấy đất ấy (x. Xh 23,23-24; Gs 3,10; Tl 1,9-10). Thái độ cố hữu của người Do Thái là tỏ ra không ưa người Canaan , nếu không muốn nói là ghét và khinh bỉ họ. Thái độ lãnh đạm, khó chịu và muốn xua đuổi của các tông đồ đối với người phụ nữ Canaan là một điển hình: xem ra các ông chẳng có cảm tình với bà. Trong bài Tin Mừng này, người phụ nữ Canaan đại diện cho dân ngoại.

Tâm tình của Đức Giêsu đối với bà này không phải giống như các tông đồ hay người Do Thái, vì Ngài cũng có sứ mạng đối với dân ngoại, nên Ngài cũng rất yêu thương họ. Nhưng Ngài lại tỏ thái độ xem ra không thân thiện lắm đối với bà này vì Ngài có dụng ý của Ngài. Thái độ của Ngài là một sứ điệp chủ yếu cho các tông đồ và người Do Thái hơn là cho bà ấy. Ngài chỉ muốn thử thách bà ấy một chút thôi.



3. Thái độ và chủ ý của Đức Giêsu

Người phụ nữ Canaan này có đứa con gái bị quỷ ám, đương nhiên là đáng thương. Bà xin Ngài chữa cho con bà. Nhưng Ngài lại nói với các môn đệ : «Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi». Thực ra Tin Mừng và ơn cứu độ là dành cho mọi người, mọi dân tộc, nhưng trước tiên là dành cho dân Do Thái, sau mới tới các dân tộc khác. Tuy nhiên, mỗi sự mỗi việc đều có thời điểm của nó. Vào thời điểm Đức Giêsu nói câu này, Tin Mừng và ơn cứu độ đang ở giai đoạn dành cho người Do Thái. Chính Ngài đã từng ra lệnh cho các môn đệ: «Tốt hơn, anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen» (Mt 10,6). Nhưng sẽ tới thời điểm Đức Giêsu ra lệnh cho các ông: «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ …» (Mt 28,19).

Đối với các môn đệ, Đức Giêsu muốn chuẩn bị báo trước cho các ông sơ đồ sự việc sẽ xảy ra: Tin Mừng và ơn cứu độ được Ngài rao giảng ưu tiên cho người Do Thái, và sau đó người Do Thái có nhiệm vụ đem Tin Mừng và ơn cứu độ ấy đến với muôn dân. Nhưng sơ đồ ấy đã không xảy ra, vì chính người Do Thái đã từ chối ưu tiên ấy. Dụ ngôn những tá điền sát nhân (x. Mt 21,33-46; Mc 12,1-12; Lc 20,9-19), và dụ ngôn tiệc cưới (x. Mt 22,1-14; Lc 14,15-24) nói lên sự từ chối ấy. Vì thế, Tin Mừng và ơn cứu độ được đem ra rao giảng cho dân ngoại. Thánh Phaolô cũng nói lên điều ấy trong thư Rôma 9,25-33. 

Đức Giêsu đến với người Do Thái, nhưng nói chung họ đã không tin Ngài, thậm chí đã giết Ngài. Trái lại, chính dân ngoại lại tin vào Ngài, và vì thế họ được cứu độ. Điều quan trọng để được cứu là họ phải tin vào Ngài, điều này được chứng tỏ trong việc Ngài cứu con gái người phụ nữ Canaan có niềm tin rất đáng trân trọng này.


Đức Giêsu, với tư cách một đạo sư, đã thử thách lòng tin của người phụ nữ Canaan. Vả lại, qua việc biểu lộ niềm tin của bà ta, Ngài cũng muốn cho các môn đệ thấy rằng: ai tin vào Ngài, dù là dân ngoại, đều được Ngài xót thương và cứu độ. Chính vì thế, Ngài đã nói với bà những lời mà khi nghe ta cũng phải chạm tự ái thay cho bà, và có thể ta thầm trách Đức Giêsu đã quá tàn nhẫn, hoặc đã quá coi thường dân ngoại. Vì Ngài ví dân Do Thái như con cái trong nhà (=con người), còn dân ngoại như chó (=thú vật) chỉ đáng ăn đồ thừa của con cái; như vậy quả thật là quá đáng! Nhưng Ngài cố ý nói như thế để thử thách niềm tin của bà chứ không phải Ngài khinh bỉ bà như thế. Vả lại, Đức Giêsu chỉ làm phép lạ khi người ta biểu lộ niềm tin. Ngài không thể làm phép lạ cho họ khi họ không tin (x. Mt 13,58). Người phụ nữ Canaan này đã tỏ ra niềm tin, lòng khiêm nhường và sự kiên nhẫn rất đáng khen, chính vì thế, bà đã được toại nguyện.



4. Thiên Chúa thử thách để củng cố và thánh hóa ta

Trong cuộc đời, rất nhiều khi ta bị/được Thiên Chúa thử thách, nghĩa là Ngài cố tình để ta lâm vào cảnh đau khổ, cùng khốn, khó khăn. Cả cuốn sách về ông Gióp trong Kinh Thánh nói lên sự thử thách có thể tới mức rất khủng khiếp của Ngài. Và thái độ của Đức Giêsu đối với người phụ nữ Canaan là một thí dụ. Nhưng cuộc thử thách nào cũng phát xuất từ tình thương vô biên của Ngài đối với ta. Vì thử thách trong một mức độ nào đó là rất cần thiết để giúp con người tiến bộ, phát triển đức độ hoặc tài năng. Qua thử thách ta mới được rèn luyện nên vững vàng, bản lãnh. Và nhờ có thử thách ta mới chứng tỏ được đức tin, đạo đức, tài năng hay bản lãnh của ta tới mức độ nào. 

Vì thế, Thiên Chúa luôn luôn thử thách con người, nhất là những người yêu mến Ngài và được Ngài yêu mến, những người Ngài đã tuyển chọn và kêu gọi, mục đích là để họ thăng tiến và xứng đáng hưởng vinh quang (x. Rm 8,30). Đến nỗi thánh Têrêxa Avila khi bị thử thách quá độ đã phải kêu lên: «Chúa đối xử với bạn thân của Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn thân là phải!». Vì thế, ta hãy tạ ơn Chúa khi được Ngài thử thách. Thử thách xong mà lại được toại nguyện như người phụ nữ Canaan thì thử thách đó cũng đáng mong ước!



5.       Hãy rút kinh nghiệm bài học lịch sử

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói với các tông đồ: «Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi» (Mt 15,24). Thiên Chúa và Đức Giêsu đã dành cơ hội ưu tiên cho người Do Thái trong việc tiếp nhận Tin Mừng và ơn cứu độ. Nhưng lịch sử cho thấy: chính người Do Thái đã từ chối ưu tiên ấy; thậm chí hiện nay đa số người Do Thái trên thế giới vẫn còn giữ đạo của Môsê, hay đạo của Cựu ước. Vì thế, các tông đồ đã quay sang rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, tức những người ngoài Do Thái thời đó. Và «dân ngoại» đã tiếp nhận Tin Mừng của Đức Giêsu, đã trở thành Kitô hữu, và hiện nay đã chiếm tới 1/3 thế giới, tức khoảng 1 tỷ người, trong đó có chúng ta.

Hiện nay, các Kitô hữu – chiếm 1/3 thế giới – đã thay thế dân Do Thái trong việc làm cầu nối giữa Thiên Chúa với thế giới, và có nhiệm vụ đem Tin Mừng đến cho 2/3 thế giới còn lại. Bài học lịch sử từ sự kiện dân Do Thái từ chối ưu tiên mà Thiên Chúa dành cho họ khiến chúng ta phải coi chừng kẻo chính chúng ta, Giáo Hội Công giáo hiện nay, lại đi vào chính vết xe đã đổ ấy. 

Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống ba «điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23), là ba điểm cốt yếu về thực hành trong Do Thái giáo hay Kitô giáo. Nhưng rất có thể là chính người Kitô hữu lại coi thường những điều cốt yếu ấy để quan trọng hóa những điều phụ thuộc như các lễ nghi, những hình thức bề ngoài… không khác gì các Pharisêu thời trước (Mt 23,13-32; Mc 12,40; Lc 11,39-48; 20,47). 

Đang khi ấy, rất có thể người ngoài Kitô giáo lại sống những điều quan trọng ấy hơn chúng ta. Thật thế, nhiều tín đồ các tôn giáo khác sống tốt hơn chúng ta về những điều ấy. Vì thế, một cách nào đó, chúng ta không đáp ứng được điều Thiên Chúa chờ mong nơi chúng ta, là trở thành cầu nối giữa Ngài và tôn giáo, mà còn lại từ chối sự ưu tiên trong việc lãnh nhận ơn cứu độ vì cách sống thiếu tình thương của mình. Thánh Phaolô đã nói về tình trạng «chéo cẳng ngỗng» này trong rhư Rôma (x. Rm 2,12-29. Vậy, hãy cẩn thận để tránh vết xe đi trước đã đổ.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con học được những bài học mà Đức Giêsu đã muốn cho con học qua cách hành xử của Ngài đối với người phụ nữ Canaan. Xin cho con nhận ra tình thương của Cha trong những cơn thử thách, những khi gặp khó khăn đau khổ, vì mục đích của Cha khi thử thách là muốn con thăng tiến hơn trên con đường hoàn thiện. Xin cho con trở thành cầu nối vừa giới thiệu vừa đem Cha đến với những người sống chung quanh con. Amen.



Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét