CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên
(22-10-2017)
Bài đào sâu
(22-10-2017)
Bài đào sâu
Lệnh của con người và thánh ý Thiên Chúa
• TIN MỪNG: Mt 22,15-21
Nộp thuế cho Xêda
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Người trong tập thể, trong xã hội hay giáo hội… phải vâng phục bề trên mình. Điều đó đúng hay sai? Đúng tuyệt đối hay có luật trừ? Khi nào có luật trừ?
2. Đức Giêsu có khi nào không tuân hành luật Môsê không? Các tông đồ có luôn luôn vâng lời các nhà lãnh đạo Do Thái giáo không? Tại sao? Các Ngài theo nguyên tắc nào?
Suy tư gợi ý:
1. Bối cảnh bài Tin Mừng
Nước Do Thái thời Đức Giêsu là một nước bị đế quốc Rôma đô hộ. Dân Do Thái phải đóng thuế cho đế quốc. Về vấn đề này, trong nước có hai khuynh hướng chính trị đối lập, thậm chí thù nghịch nhau:
– Phe Hêrốt (quốc doanh) là phe thân chính quyền, chủ trương ủng hộ đế quốc Rôma để đế quốc bảo vệ ngai vàng và quyền cai trị của mình. Phe này chủ trương bắt dân đóng thuế cho đế quốc. Trong tôn giáo, phái Sađốc cũng theo lập trường chính trị này (các tư tế thường thuộc phái này).
– Phe dân chúng (yêu nước) là phe đứng về phía nhân dân và tôn giáo. Phe này không muốn tùng phục đế quốc xâm lược, và thường tìm cơ hội để nổi dậy dành lại độc lập cho đất nước. Vì thế, họ chủ trương chống lại việc nộp thuế. Trong xã hội có phái Zêlốt, và trong tôn giáo có phái Pharisêu đứng về phe này.
Người dân nào theo phe Hêrốt thì bị dân chúng oán ghét, tẩy chay. Còn ai đứng về phe dân chúng thì bị chính quyền để ý, gây khó dễ. Do đó, chủ trương nộp thuế hay không là một vấn đề rất nhạy cảm đối với dân chúng. Vì thế, để âm mưu gài bẫy Đức Giêsu hầu hại Ngài, những người Pharisêu đã đặt vấn đề với Ngài, buộc Ngài phải tuyên bố lập trường về vấn đề nhạy cảm này. Đức Giêsu biết âm mưu thâm độc của họ:
(1) Nếu Ngài trả lời nên nộp thuế thì Ngài sẽ bị dân chúng tẩy chay, họ sẽ không thèm nghe giáo huấn của Ngài nữa;
(2) Ngược lại, nếu Ngài trả lời không nên nộp thuế, thì phe Hêrốt sẽ có cớ để tố cáo Ngài chống lại pháp luật;
(3) Nếu Ngài không trả lời, thì Ngài chứng tỏ mình không có lập trường, là người dốt nát, Ngài sẽ bị mất uy tín của một đạo sư.
Cách nào thì cũng đều gây rắc rối cho Ngài. Nhưng Ngài đã trả lời một cách rất khôn ngoan, hợp lý, vừa thoát khỏi bẫy của những kẻ muốn hại Ngài, vừa đưa ra được một nguyên tắc soi sáng cho con người, nhất là cho các Kitô hữu phải sống trong một tình thế xã hội phức tạp tương tự như xã hội thời Ngài. Thật vậy, con người trong một xã hội luôn luôn bị giằng co bởi uy quyền của thế lực trần tục và đòi hỏi của lương tâm, của thánh ý Thiên Chúa, v.v… Thật khó xử.
Sau khi bắt họ xác định hình trên đồng tiền là của ai, và họ trả lời là của Xêda thì Ngài trả lời: «Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa» (Mt 22,21). Với câu trả lời này, âm mưu của họ thất bại.
2. Hai nguyên tắc đúng nhưng đôi khi đối nghịch nhau
Trong các tập thể, ta thường phải dưới quyền và phải tuân phục người lãnh đạo tập thể ấy. Trong gia đình có cha mẹ, trong xã hội có chính quyền các cấp, trong Giáo Hội có giáo quyền. Tất cả những người lãnh đạo ấy đều là con người, họ có thể ra lệnh đúng với thánh ý Thiên Chúa, mà cũng có thể ngược lại với thánh ý Ngài. Nếu lệnh của họ phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, thì không có vấn đề, người Kitô hữu phải vâng phục họ. Không vâng phục họ chính là không vâng phục Thiên Chúa. Nhưng nếu lệnh của họ đi ngược lại thánh ý Ngài như đã từng xảy ra biết bao lần trong lịch sử, thì ta sẽ lâm vào tình trạng xung đột nguyên tắc hay xung đột bổn phận, rất khó xử.
Có hai nguyên tắc đôi khi xung đột nhau:
– Một đằng phải vâng phục người lãnh đạo, vì họ là đại diện cho Thiên Chúa, và vì quyền họ nắm trong tay đến từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: «Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt. Cần thiết phải phục tùng họ, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm» (Rm 13,1-2.5; x.1Pr 2,13-14.17b).
– Một đằng «phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29). Thánh Phêrô đã nói thế để phản đối giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái khi họ cấm ông không được rao giảng Tin Mừng.
3. Vấn đề đặt ra
Một tập thể, một đất nước, một giáo hội… luôn luôn phải có người lãnh đạo, nếu không thì sẽ lâm vào tình trạng «vô chính phủ», rất hỗn loạn và thật tai hại. Người xưa nói: «Nhất nhật vô vương đảo huyền thiên hạ» (một ngày không vua, thiên hạ đại loạn), «Nước một ngày không thể không vua» (Đại Việt sử thi). Nếu có người lãnh đạo mà người dưới không tuân phục, thì cũng mất trật tự, không ổn định, tập thể không thể tồn tại hay phát triển được. Người lãnh đạo thường tài đức hơn người, nên lệnh truyền của họ thường phản ảnh đúng thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, trên nguyên tắc, Kitô giáo chủ trương con người phải vâng phục bề trên của mình. Chủ trương này thật hợp tình hợp lý.
Nhưng đã là con người thì đều có tự do đối với lương tâm, đồng thời cũng rất yếu đuối và hay thay đổi. Trong mỗi thời điểm, họ có thể làm theo lương tâm, theo thánh ý Thiên Chúa, mà cũng có thể không làm theo lương tâm mà làm theo lợi ích riêng tư của họ. Do đó có rất nhiều trường hợp lệnh trên không phù hợp với lẽ phải, đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa, bất lợi cho lợi ích chung. Rất nhiều người lãnh đạo khi được đưa lên nắm quyền thì là người rất tài đức, xứng đáng được mọi người tuân phục. Nhưng khi nắm quyền hành trong tay một thời gian, họ liền bị biến chất, vì quyền hành có khả năng tha hóa con người. Người Pháp có câu: «Le pouvoir corrompt par nature» (quyền hành tự bản chất làm hư hỏng con người).
Trường hợp vua Saun trong Cựu ước là một điển hình (1Sm 9,15-17). Khi Saun được Thiên Chúa chọn làm vua Do Thái thì ông là người xứng đáng. Nhưng sau đó ông bị biến chất nên đã bị Thiên Chúa truất phế để lập Đavít lên thay thế (1Sm 28,16-18). Thật vậy, biết bao người lãnh đạo ban đầu giống như một minh quân, nhưng cầm quyền lâu năm lại biến thành bạo chúa. Chính vì thế trong các xã hội dân chủ, người lãnh đạo tập thể luôn luôn có một nhiệm kỳ nhất định. Người lãnh đạo nào vẫn giữ được tài đức thì có thể được tái nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa. Không ai được giữ chức lãnh đạo vô thời hạn cả. Đó là một nguyên tắc xã hội thật sáng suốt và khôn ngoan, phù hợp với tình trạng dễ thay đổi của con người. Những tập thể chủ trương "ai lãnh đạo thì lãnh đạo vô thời hạn" thì tập thể ấy thường bị thoái hóa theo thời gian.
Vậy, trong một tập thể, như gia đình, cộng đoàn, xã hội hay giáo hội, ta phải theo nguyên tắc nào? phải vâng phục ai? nhất là khi lệnh của người lãnh đạo không phù hợp với lẽ phải, với lương tâm, với thánh ý Chúa?
4. «Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa»
Qua câu nói của Đức Giêsu, ta thấy cần phải phân biệt những gì thuộc lãnh vực trần tục, và những gì thuộc lãnh vực lương tâm. Hai lãnh vực này có thể phân biệt rõ ràng, điều đó không có nghĩa là chúng hoàn toàn độc lập với nhau, hay không có sự bao trùm lên nhau. Những gì hoàn toàn thuộc lãnh vực trần tục, không liên quan đến lương tâm, thì ta phải hoàn toàn tuân phục người lãnh đạo. Chẳng hạn nhà nước buộc người dân đến tuổi trưởng thành phải làm căn cước, hay khi kinh doanh, bán nhà, bán xe phải đóng thuế, v.v… hoặc khi Giáo Hội buộc các tín hữu muốn kết hôn phải trình sổ rửa tội, phải rao ở nhà thờ, v.v… thì ta phải tuân phục.
Nhưng trong những việc liên quan đến lương tâm, thì ta phải làm theo lương tri và lương tâm đúng đắn của mình. Không thể lấy lý do luật nhà nước hay luật Giáo Hội để làm ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, được phản ảnh qua lương tri và lương tâm mình. Chính Đức Giêsu đã bất chấp luật sabát của Môsê – tức luật tôn giáo – để làm theo đòi hỏi của tình yêu đại đồng (x. Mt 12,1-8; 12,9-14; Lc 13,10-17; 14,1-6; Ga 5,1-18; 9,1-41). Phêrô đã bất chấp lệnh cấm của giới lãnh đạo tôn giáo để làm theo đòi hỏi của Thiên Chúa là rao giảng Tin Mừng (x. Cv 5,27-33). Các thánh tử đạo trên thế giới đã trung thành với Thiên Chúa bất chấp lệnh cấm đạo của chính quyền.
Mục đích của đức vâng phục Kitô giáo là để thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Khi nào sự vâng phục không phải là thực hiện thánh ý Thiên Chúa thì không còn là nhân đức nữa. Nếu vâng lời bề trên để thực hiện một tội ác thì chẳng những không công phúc gì, mà còn mang tội đồng lõa nữa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, việc sống theo đạo của Cha trong xã hội con người thật khó! Vì con người có luật của con người, và Thiên Chúa có luật của Thiên Chúa, hai luật này con đều phải tôn trọng, nhưng đôi khi lại trái ngược nhau. Lúc đó con biết làm theo luật nào? Nhiều khi con đã nhân danh luật của con người, của tôn giáo, để khỏi phải làm theo đòi hỏi của lương tâm, của tình yêu. Làm như thế có đúng không? Có đẹp lòng Cha không? Xin hãy cho con đủ tình yêu và can đảm để sống đúng thánh ý Cha, được soi sáng qua lương tri và lương tâm của con. Amen.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét