Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

TN33a - Đạo đức không chỉ là tránh điều ác.




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 33 Thường Niên

(19-11-2017)

Đạo đức không chỉ là tránh điều ác



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cn 31,10-13.19-20.30-31: (10) Tìm đâu ra một người vợ đảm đang? Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. (11) Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. (12) Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng. (20) Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.

  1Tx 5,1-6: (2) Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. (3) Khi người ta nói: «Bình an biết bao, yên ổn biết bao!», thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

  TIN MỪNG: Mt 25,14-30

Dụ ngôn những yến bạc

(14) Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. (15) Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, (16) người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. (17) Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. (18) Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

(19) Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. (20) Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: «Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây». (21) Ông chủ nói với người ấy: «Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!» (22) Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: «Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây». (23) Ông chủ nói với người ấy: «Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!» (24) Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: «Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. (25) Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!» (26) Ông chủ đáp: «Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, (27) thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! (28) Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. (29) Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. (30) Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Người có một yến bạc đem chôn giấu đi, có làm điều gì thiệt hại cho ông chủ, hay làm điều gì gian ác đối với ông không? Tại sao người ấy bị phạt? Lý do bị phạt là gì? 
2.   Người chỉ cố gắng tránh điều ác chứ không nỗ lực làm điều thiện, có được gọi là người đạo đức, tốt lành chưa? Quan niệm của Đức Giêsu về vấn đề này thế nào? 
3.   Tài năng Thiên Chúa ban cho ta là để ta hãnh diện với mọi người hay là để ta đem ra phục vụ mọi người? Ta có trách nhiệm gì khi được Thiên Chúa ban cho nhiều ơn huệ hơn mọi người không?


Suy tư gợi ý:

1.   Trách nhiệm đối với những ân huệ Thiên Chúa ban

Dụ ngôn trên nói lên một sự thật đang xảy ra trong thực tế đời sống hằng ngày của ta. Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn huệ khác nhau: sức khỏe, trí khôn, tài giỏi, năng khiếu, thì giờ, nhà cửa, tiền bạc, nghề nghiệp, cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, v.v… kẻ ít người nhiều, người được ân này kẻ được ân khác. Đó là những yến bạc mà Thiên Chúa ban cho mỗi người cách khác nhau. 

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là mỗi người đều có trách nhiệm đối với những ân huệ đã nhận được. Chúng ta phải sử dụng ân huệ ấy đúng ý Thiên Chúa, phải dùng những ân huệ ấy để sinh lợi ích cho Ngài, cho tha nhân bên cạnh chúng ta. Người được Ngài ban cho nhiều thì cũng bị Ngài đòi hỏi nhiều, người được ban ít thì bị đòi hỏi ít. Và chúng ta ai nấy đều phải trả lẽ trước mặt Ngài về những ích lợi mình làm ra được từ những ân huệ ấy.

Như vậy, những ân huệ Ngài ban, ta có nhiệm vụ quản lý chúng hơn là làm chủ chúng. Nghĩa là ta không nên sử dụng chúng theo ý riêng ta, mà theo ý của Ngài. Do đó, đừng vội mừng vì được Ngài ban cho nhiều, và cũng đừng vội buồn vì được Ngài ban cho ít. Được ban nhiều thì đòi hỏi cũng nhiều, được ban ít thì đòi hỏi cũng ít. Thế mới công bằng! Dù nhiều hay ít, ai cũng phải sử dụng những ân huệ Ngài ban để tạo ích lợi cho Ngài, cho Giáo Hội Ngài, cho tha nhân.



2.   Quan niệm về đạo đức theo dụ ngôn những yến bạc

Điều chúng ta cần lưu tâm là người được một nén tuy không hề làm điều gì ác, không làm mất mát hay thiệt hại gì cho ông chủ, thế mà bị ông chủ phạt, bị «quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 25,30). Anh ta bị phạt vì đã được chủ giao cho một yến bạc, nhưng không làm lợi ra được thành một yến khác vì đã cất kỹ nó vào một chỗ. 

Suy nghĩ về dụ ngôn này này khiến chúng ta phải thay đổi ít nhiều quan niệm về đạo đức. Chúng ta thường tưởng rằng hễ mình không làm điều gì ác thì mình là người vô tội, công chính. Nhưng không phải thế. Theo tinh thần của dụ ngôn, một khi đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa mà ta lại không dùng ân huệ đó để tạo lợi ích cho Thiên Chúa và tha nhân, thì ta trở thành kẻ có tội, cho dù ta không hề làm một điều gì thất đức cả. Đó là ý nghĩa của cụm từ «những điều thiếu sót» trong kinh Cáo Mình: «Tôi đã phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót». 

Ít ai quan tâm tới tội phạm do thiếu sót. Nhưng rất có thể trong cuộc đời ta, những tội lớn nhất, nhiều nhất của ta và vì đó mà ta bị luận phạt nhiều nhất lại là thứ tội này. Dù là tội gì, thì căn bản của tội vẫn là do thiếu tình yêu.



3. Đạo đức không chỉ là trách điều ác

Cũng vậy, trong bài Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng, những kẻ bị kết án không phải chỉ là những người đã từng làm điều ác, mà còn là biết bao người không hề làm một điều gì ác. Lý do khiến họ bị kết án chính là: «Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng» (Mt 25,42-43). 

Chữ «Ta» trong câu này chính là Đức Giêsu được hiện thân thành tha nhân của ta, nhất là những kẻ nghèo hèn bé mọn. Như vậy, theo Đức Giêsu, người không làm điều gì ác chưa phải là người đạo đức, tốt lành, giống như biết bao Kitô hữu đang quan niệm. Thật vậy, nhiều Kitô hữu, kể cả trí thức, người dạy giáo lý, hễ cảm thấy mình không làm điều ác thì liền nghĩ mình vô tội, thậm chí còn tự hào mình đạo đức nữa.

Nguyên tắc đạo đức chung của con người là «tránh ác, hành thiện». Nếu ta chỉ tránh điều ác nhưng không cố gắng làm điều thiện, thì ta mới thực hiện được một phần rất nhỏ của nguyên tắc ấy thôi. Vì tránh ác thì tương đối dễ, còn hành thiện trong những trường hợp mà lương tâm đòi buộc thì đòi hỏi phải hy sinh, vất vả hơn rất nhiều. 

Tránh ác hay không làm ác thì không cần nhiều khả năng, không phải hy sinh nhiều, vì làm một điều gì đó thì mới cần tới khả năng và hy sinh, chứ không làm thì cần gì khả năng, cvần gì phải hy sinh? Thật vậy, một trẻ nhỏ, một con vật, có khả năng gì đâu, nên chúng có thể không làm điều gì ác cả. Nhưng không thể nói chúng là đạo đức. Như thế, rõ ràng là không bao giờ làm điều ác, chưa thể nói là người đạo đức được.

Thiên Chúa đã ban cho ta mỗi người một số khả năng là để ta làm điều thiện, nhất là để làm theo những đòi hỏi của tình yêu trong lòng ta. Nếu khả năng Thiên Chúa ban cho ta mà ta không chịu dùng để làm những điều ích lợi, thì ta sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Do đó, nhiều khi ta tưởng mình vô tội, tưởng mình đạo đức khi thấy mình chưa hề nhúng tay làm điều gì ác. Nhưng rất có thể Thiên Chúa vẫn kết án ta là tội lỗi, chỉ vì ta đã không làm những gì mình phải làm. Tuy nhiên, hai người cùng ít làm điều thiện y như nhau, người nào có nhiều khả năng hơn thì tội người ấy lớn hơn.



4.   Càng nhiều khả năng, trách nhiệm càng lớn

Vì thế, người có nhiều khả năng, nhiều điều kiện để làm điều thiện, thì càng phải ý thức trách nhiệm của mình. Thông thường, càng nhiều khả năng, nhiều tài, nhiều của, càng có địa vị cao, chức vụ lớn, càng trí thức, càng giỏi giang, càng được suy tôn, thì ta càng cảm thấy sung sướng và hãnh diện trước mặt người đời, nhất là trước những người kém cỏi hơn mình. Nhưng khi đọc dụ ngôn này, ta càng cảm thấy run sợ trước trách nhiệm của ta. Trong quá khứ, có biết bao trường hợp ta phải ra tay, phải hành động, phải can thiệp, phải cứu giúp, phải lên tiếng bênh vực, phải nói lên sự thật, phải minh oan, phải khuyên can… mà ta đã không làm gì cả, đang khi ta có thể làm những điều ấy tốt hơn và hữu hiệu hơn ai hết. Thậm chí ta có sứ mạng hay trách nhiệm hành động hay can thiệp. Tệ hơn nữa, ta không hề cảm thấy mình có lỗi gì cả, vẫn cứ tự hào mình vô tội, mình đạo đức, và chẳng thấy cần hối hận điều gì. Chỉ vì ta thấy mình không hề làm điều gì gian ác! Dụ ngôn này cho thấy quan niệm như thế là sai lầm!

Điều ngăn trở khiến ta không muốn làm điều thiện, điều cần thiết hoặc ích lợi cho tha nhân, cho xã hội, đó chính là ta thiếu tình yêu. Tình yêu chính là yếu tố thiết yếu nhất của đạo đức, của sự thánh thiện. Chính tình yêu làm ta nên giống Thiên Chúa hơn bất kỳ điều gì khác, vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). 

Nhưng rất nhiều Kitô hữu lại quan niệm cốt yếu của đạo đức hay thánh thiện là ở một điều gì khác: kẻ thì bảo hệ tại việc giữ luật lệ cho hoàn hảo, người cho rằng hệ tại việc cầu nguyện cho nhiều, kẻ khác cho rằng hệ tại việc thực hành chăm chỉ các nghi thức tôn giáo, kẻ khác nữa cho rằng hệ tại làm điều tốt này việc tốt kia… Thật ra, tất cả những chuyện ấy đều tốt, nhưng chúng chỉ là phương tiện để giúp ta hình thành hay củng cố tình yêu trong lòng ta. Nếu chúng không nhắm hay không đạt được mục đích ấy thì chúng đều trở thành vô ích. Thánh Phaolô xác định điều ấy: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3)



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con được Cha ban cho biết bao ơn huệ, thậm chí hơn rất nhiều người. Thế mà con chỉ biết cám ơn Cha, ca tụng tình yêu thương của Cha, chứ không hề nghĩ đến trách nhiệm phải sử dụng những ơn huệ ấy để làm ích lợi cho Cha, cho Giáo Hội, cho xã hội và tha nhân chung quanh con. Biết bao lần lương tâm và tình yêu trong con đòi buộc con phải ra tay cứu giúp, bênh vực, minh oan cho người khác, nhưng con đã không làm. Xin giúp con nhận ra đó là tội lỗi. Con chưa hề có ý thức tội lỗi về những việc phải làm mà không làm. Xin tha thứ cho con. Con cảm thấy cần phải sám hối và thay đổi lại quan niệm của con.



Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét