Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

HNVH11-Chuong-10


Thích ứng và Hội Nhập Văn Hóa 
trong việc Phúc Âm hóa



Chương 10



Hội Nhập Văn Hóa Theo Chiều Dọc






Tình trạng Kitô giáo hiện nay


Số tín hữu Kitô giáo đang sút giảm

Tỷ lệ người Kitô hữu nói chung và người công giáo nói riêng so với dân số hiện nay đang sút giảm và sẽ còn sút giảm, nhất là tại châu Âu trong những thập niên qua. Chẳng hạn tại Pháp, Ý... trước đây là những quốc gia Kitô giáo, tỷ lệ người Kitô hữu so với dân số lên đến 70–80%, thế mà hiện nay số người Kitô hữu sống đạo [*1] chỉ còn khoảng 5% trở xuống. Người ta dự đoán, tình trạng Kitô giáo tại các nước Á châu trong tương lai cũng sẽ xảy ra tương tự như tại châu Âu khi các nước này cũng được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và tục hóa như tại châu Âu. Đó là tình trạng báo động khiến tất cả mọi người Kitô hữu phải tự hỏi «tại sao?», đồng thời «phải suy nghĩ lại về cách sống và cách loan báo Tin Mừng của mình» [*2].
[*1] Nghĩa là còn lui tới nhà thờ, còn lãnh nhận các bí tích. 
[*2] NGUYỄN NGỌC SƠN, Người Mục Tử Cộng Đồng hướng về tương lai, Tòa Giám mục TP. Hồ Chí Minh xuất bản, 1996, trang 78 (số 68), và trang 78 (số 67).

Nguyên nhân

Nguyên nhân của tình trạng trên có thể do cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo, phong cách sống đạo của người Kitô hữu, và cũng rất có thể do một số đường lối cũ xưa của Giáo Hội... không đáp ứng được nhu cầu tâm linh đã thay đổi của con người thời đại. Tất cả những nguyên nhân kể trên đều là do thiếu thích ứng hoặc thiếu hội nhập văn hóa, không phải chỉ theo chiều ngang, mà chủ yếu là theo chiều dọc.


Hai chiều hội nhập văn hóa

Sự thích ứng và hội nhập văn hóa có hai chiều: chiều ngang và chiều dọc. Chiều ngang là sự thích ứng và hội nhập văn hóa theo không gian, từ nơi này sang nơi khác, từ người thực hiện phúc âm hóa thuộc những dân tộc có nền văn hóa này sang người được phúc âm hóa thuộc những dân tộc có nền văn hóa khác. Chiều dọc là sự thích ứng và hội nhập văn hóa theo thời gian, từ người truyền giáo thuộc thế hệ trước sang người thụ giáo thuộc thế hệ sau. Thích ứng và hội nhập văn hóa chiều ngang chúng ta đã nói đến rất nhiều trong tập sách này. Bây giờ chúng ta nói đến thích ứng và hội nhập văn hóa chiều dọc.



Hội nhập văn hóa chiều dọc


Hội nhập văn hóa chiều ngang bớt quan trọng

Hội nhập văn hóa chiều ngang rất cần thiết khi có sự khác biệt lớn giữa văn hóa của những người phúc âm hóa với văn hóa của dân tộc được phúc âm hóa. Nhưng ngày nay, do các phương tiện thông tin và giao thông rất tối tân, các dân tộc qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau càng ngày càng nhiều, nên các dân tộc trên thế giới đang có khuynh hướng tiến tới một nền văn hóa chung. Sự khác biệt về văn hóa giữa dân tộc này với dân tộc khác không còn đáng kể nữa. Do đó, việc hội nhập văn hóa chiều ngang tuy vẫn quan trọng, nhưng không còn quan trọng như xưa nữa.


Thế giới thay đổi nhanh chóng

Ngày nay, thế giới thay đổi hết sức nhanh chóng, và càng ngày càng nhanh hơn. Những khám phá và những phát minh mới của khoa học đã làm thay đổi nếp sống của thế giới, của xã hội, và do đó, cũng làm thay đổi cách quan niệm, lối suy nghĩ và phong cách sống của con người thời đại. Những vấn đề khó khăn mà thế hệ trước phải đối đầu không còn nữa, thế hệ sau phải đối đầu với những khó khăn mới, nhiều khi khác hẳn, đến nỗi người thế hệ trước nhiều khi không hiểu nổi.

Chẳng hạn việc khám phá ra vô số các thiên thể còn lớn hơn mặt trời gấp triệu lần, và thái dương hệ chỉ là một không gian hết sức nhỏ bé trong giải Ngân Hà, và giải Ngân Hà cũng chỉ là một trong hàng tỉ thiên hà của vũ trụ mênh mông, khiến người thuộc thế kỷ 17, 18 về sau không thể nào coi trái đất hay con người trên đó là trung tâm của vũ trụ như người xưa. Việc khám phá ra hai nền toán học phi Euclide [*3] đã khiến người ta phải đặt lại vấn đề và phải hiểu cho đúng hơn giá trị cũng như cách áp dụng nguyên lý bất mâu thuẫn của triết học Tây Phương. Nhiều quan niệm ngày xưa được coi là chân lý thì ngày nay chỉ làm cho người thời đại phì cười. Nhiều phát minh hay giả thuyết của khoa học hiện nay đang khiến người ta thay đổi cách nhìn hay quan niệm về thế giới và vạn vật. Chúng ta không nên lãnh đạm với những thay đổi này mà nên quan tâm để có những cách giải thích chân lý thích hợp với não trạng mới của người thời đại.
[*3] Xem cước chú số 1 ở trang 200.
Sự bùng nổ thông tin, sự bình đẳng nam nữ, việc sinh sản vô tính, thụ thai trong ống nghiệm, hiện tượng đồng tính luyến ái, bệnh sida, nạn ma túy... hoặc những chủ thuyết mới về tự do, dân chủ... đang là những vấn đề mà người thời đại phải đối diện. Chúng có thể gây ra những phản ứng khác nhau nơi người Kitô hữu.


Cần thích ứng với thế hệ sau

Thế giới hiện nay thay đổi thật nhanh chóng, nên não trạng, quan niệm, lề lối suy nghĩ, cách sống của thế hệ sau khác với thế hệ trước khá nhiều. Vì thế, việc truyền giảng Tin Mừng từ thế hệ trước sang thế hệ sau đòi hỏi phải có sự thích nghi, phải hội nhập văn hóa: một thứ thích ứng và hội nhập văn hóa cần mang tính sáng tạo và được thời đại hóa nhiều hơn. Nếu không thích ứng và hội nhập văn hóa như thế, việc rao giảng Tin Mừng sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp.


Thích ứng để biến cải

Thích ứng với thế hệ sau không có nghĩa là chiều theo hay làm theo khuynh hướng và ý muốn của họ. Mà là thay đổi cách thức và phương pháp ứng xử của mình sao cho thích hợp với bản chất hay khuynh hướng của họ để đạt được mục đích mình mong muốn, là biến cải họ theo tinh thần Đức Kitô. Tương tự như trong vấn đề giáo dục con cái, nếu muốn thành công, cha mẹ không thể chỉ áp dụng một phương pháp hay cách thức giáo dục duy nhất cho tất cả những đứa con của mình. Mà phải thay đổi phương pháp hay cách thức theo tâm tính, khuynh hướng, trình độ của từng đứa con: đứa đã lớn khác với đứa còn nhỏ, đứa lắm tình cảm khác với đứa thiên lý trí... Không thay đổi cách thức cho phù hợp thì thường bị thất bại.


«Hòa» mà không «đồng»

Thích ứng còn có nghĩa là hòa với họ mà không đồng với họ. Nghĩa là không trở nên giống như bản chất của họ, mà chỉ tìm cách giống như họ ở một vài khía cạnh vô hại nào đó để gần gũi họ, tạo thiện cảm nơi họ. Hãy nghe thánh Phaolô trình bày cách thích ứng của ngài: «Mặc dầu là người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái tôi đã trở nên Do Thái để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa mà sống theo luật Đức Kitô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên đủ kiểu đủ loại vì mọi người, để bằng mọi cách cứu lấy một số người» [*4].
[*4] 1Cr 9,19-22
Thái độ hòa mà không đồng chính là chủ trương của Trang Tử. Cho dẫu mình không cùng tư tưởng, lập trường với họ, suy tư của mình có thể cao hơn, đúng hơn họ, nhưng mình vẫn hòa mình với họ, sống giống như họ, để giúp đỡ, phục vụ và biến đổi họ. Trang Tử viết: «Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa». Không hòa với người khác được, đó cũng là dấu chứng mình còn kém cỏi và cao ngạo.


Tính chất của thế hệ trẻ

Vì thế, người Kitô hữu khi loan báo Tin Mừng cần phải tìm hiểu văn hóa của người thời đại, nhất là của những thế hệ sắp tới để loan báo Tin Mừng cho thích hợp. Một linh mục Việt Nam nhận định: «Thế giới ngày nay đề cao tự do, nên rất sợ những định chế có vẻ ép buộc của Giáo Hội. Họ đề cao khoa học kỹ thuật thực nghiệm, nên rất sợ những tín điều mầu nhiệm của Giáo Hội...» [*5]. Thế hệ trẻ là như thế, và chúng ta đang phải rao giảng Tin Mừng cho họ, trong chính bối cảnh văn hóa ấy.
[*5] Sđd., trang 19.
Thích tự do dân chủ

Từ cuối thế kỷ 18 đến nay, thế giới càng ngày càng đề cao tự do dân chủ và càng không thể chấp nhận những thể chế độc tài, thích dùng quyền bính để áp đặt mọi người. Vì thế, càng ngày càng người ta càng dị ứng với những hình thức áp đặt cho dẫu là vi tế. Ai cũng thích dân chủ hơn là độc tài, thích được đề nghị làm hơn là bị ra lệnh làm. Điều đó ta có thể thấy được cả nơi các em nhỏ: càng ép buộc chúng thì chúng càng có khuynh hướng muốn làm ngược lại.

Do đó, những người có trách nhiệm trong Giáo Hội nên hiểu rõ tâm lý của người thời đại để tránh những hình thức áp đặt chừng nào có thể. Đừng hành động như thời thế giới còn thể chế quân chủ. Chẳng hạn người trên không nên thường xuyên lấy quyền của mình để đơn phương quyết định một điều gì liên quan đến cộng đoàn, hoặc tự mình chỉ định người lãnh đạo một cộng đoàn mà không thèm hỏi ý kiến hay thăm dò ý muốn của những người trong cộng đoàn ấy. Trường hợp này, tốt nhất nên dùng phương thức bình bầu khi có thể được. Đối với người thời đại, ý của bề trên không phải lúc nào cũng được coi là ý Chúa, là sáng suốt, là đúng hơn ý của mọi người như quan niệm của người thời trước. Mà ý Chúa hay sự sáng suốt rất nhiều khi lại được biểu hiện nơi ý kiến chung của bề dưới.

Các Kitô hữu thuộc những thế hệ trước có thể chấp nhận tương đối dễ dàng các định chế mang tính ép buộc trong Giáo Hội. Nhưng ngày nay, việc chấp nhận ấy trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu Giáo Hội vẫn khăng khăng với những định chế được coi là bất di dịch ấy, rất có thể trước con mắt của người thời đại, Giáo Hội trở nên một cơ cấu dị thường, lạc lõng, để rồi cuối cùng người ta đành phải âm thầm tách rời khỏi Giáo Hội như tình trạng Giáo Hội Âu Châu trong những thập niên qua.


Não trạng khoa học thực nghiệm

Ngày nay, khoa học đang phát triển mạnh và chi phối cách suy tư và hành động của con người, nên tinh thần của người thời đại và thế hệ trẻ là đầu óc khoa học thực nghiệm: «Chỉ tin sau khi đã chứng minh» [*6], hay chỉ chấp nhận sau khi đã kiểm chứng bằng thực tế. Trình độ dân trí ngày nay cũng cao hơn xưa rất nhiều. Do đó, người ta khó chấp nhận tin những gì không có cơ sở thực tế. Vì thế, khi trình bày sứ điệp cũng như những giáo huấn Kitô giáo, chúng ta nên tránh tính cách giáo điều, mà nên làm nổi bất tính hợp lý hay tất yếu của sứ điệp hay giáo huấn ấy. Những kiểu nói: chúng ta phải thế này, phải thế kia, mà không nói lên được những lý do khiến người ta phải như thế, không còn thúc đẩy người ta thực hiện những điều ấy được nữa.
[*6] Qui tắc thứ nhất của Descartes trong Discours de la Méthode.




Phải thay đổi cách sống và cách rao giảng Tin Mừng


Nhu cầu tâm linh con người thay đổi

Đời sống văn hóa của người thời đại, nhất là của các thế hệ trẻ không còn giống như những thế hệ cũ. Vì thế, nhu cầu tâm linh của họ cũng thay đổi. Những nề nếp cũ của Giáo Hội đã từng làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của những thế hệ cũ, hiện nay có thể không còn thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của các thế hệ mới. Mà nếu nhu cầu tâm linh của họ không được thỏa mãn, đương nhiên họ sẽ tự động đi tìm những tổ chức khác có khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ hơn.

Thật vậy, nhu cầu tâm linh của con người mỗi thời đại mỗi thay đổi, tương tự như nhu cầu thể chất. Chẳng hạn cách đây một trăm năm, một người bình dân Việt Nam có thể sẽ rất hãnh diện và cảm thấy mình giầu vì có được một chiếc xe đạp, nhờ nó, anh có thể đi nhanh gấp nhiều lần người đi bộ. Nhưng ngày nay, một người trung bình mà chỉ có một chiếc xe đạp, cho dẫu là đẹp và tiện lợi gấp nhiều lần chiếc xe đạp xưa, thì có thể có mặc cảm là mình nghèo và cảm thấy buồn phiền. Anh ta mong có một chiếc cub hay một chiếc dream.

Có những món hàng cách đây khoảng 10 năm bán chạy như tôm tươi trên thị trường, nhưng chỉ vài ba năm sau, cũng món hàng ấy với chất lượng và hình thức y như cũ bán lại bị ế. Tại sao? vì nhu cầu của con người đã thay đổi, món hàng cũ không còn hợp với nhu cầu và thị hiếu của họ. Nếu nhà sản xuất không chịu thay đổi chất lượng, mẫu mã... họ có thể bị phá sản vì hàng không bán được.


Người thời đại vẫn có nhu cầu tâm linh

Nhu cầu tâm linh có phần nào tương tự. Ngày nay, tại châu Âu, nhiều người đã bỏ Kitô giáo, chắc chắn không phải vì họ không còn nhu cầu tâm linh nữa. Bằng chứng là nhiều khi họ lại chuyển sang một giáo phái khác, hay một tôn giáo khác hy vọng được thỏa mãn nhu cầu đó hơn. Vả lại, con người không chỉ là vật chất mà còn là tâm linh, nên đã là con người thì luôn luôn có cả nhu cầu vật chất lẫn tâm linh. Nhu cầu tâm linh không bao giờ mất đi nơi con người, và theo nguyên lý âm dương, bụng càng lớn thì lưng cũng càng lớn, nên nhu cầu thể chất càng lớn thì nhu cầu tâm linh cũng lớn theo.

Việc nhiều người không còn sống theo Kitô giáo đòi hỏi người Kitô hữu phải nghiêm túc xét lại «mẫu mã» và «chất lượng» những gì mình đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ. Họ bỏ Kitô giáo có thể vì «mẫu mã» và «chất lượng» cũ không còn thích hợp hay không đáp ứng được nhu cầu tâm linh hiện tại của họ.


Cần thay đổi cách nhìn và cách sống đạo

Do đó, người Kitô hữu cần phải thay đổi cách nhìn cũng như cách trình bày Tin Mừng và sứ điệp Kitô giáo để chúng phù hợp hơn với thế hệ trẻ (với những ưu tư, khát vọng, thao thức, não trạng, tâm lý, khuynh hướng, quan niệm, cách suy nghĩ...). Người Kitô hữu cũng cần thay đổi cung cách sống đạo của mình để «có sức thu hút anh em ngoài Kitô giáo và làm phát triển Giáo Hội» hơn [*7].
[*7] Sđd., trang 78 (số 67).

Làm chứng bằng bình an và vui tươi

Do tinh thần khoa học và đầu óc thực nghiệm, người ta chỉ có thể chấp nhận Kitô giáo là hay nhất, tốt nhất và nên theo khi có những chứng cứ cụ thể chứng tỏ điều đó. Chứng cứ lôi cuốn và thuyết phục họ nhất là họ thấy những người Kitô hữu chung quanh thường xuyên sống trong bình an và vui tươi bất chấp nghịch cảnh, đồng thời sống yêu thương nhau và yêu thương mọi người. Phản chứng nhất của Tin Mừng là sự lo lắng, nỗi buồn phiền và cách cư xử thiếu tình thương của người Kitô hữu [*8].
[*8] Thử đặt mình là một người ngoài Kitô giáo, làm sao ta có thể nghĩ rằng Kitô giáo là một tôn giáo đúng nhất, hay nhất, cứu độ nhất, khi những người Kitô hữu mà ta biết đều sống không hạnh phúc, không tốt hơn, không xả kỷ hơn những người ngoài Kitô giáo? Ta còn có thể dựa vào chứng cớ cụ thể nào nữa?

Thật vậy, con người thời đại trọng thực tế hơn lý thuyết, khác hẳn với người xưa trọng lý thuyết hơn thực tế. Họ đòi hỏi lý thuyết phải được chứng minh bằng thực tế. Một lý thuyết được gọi là đúng khi áp dụng vào thực tế nó đem lại kết quả tốt, cho dù lý thuyết có nhiều chỗ có vẻ như khó hiểu và không hợp lý. Trái lại, một lý thuyết có vẻ tuyệt vời, lý luận mạch lạc và rất có cơ sở, hứa hẹn một kết quả tốt, nhưng khi áp dụng vào thực tế lại đem lại một kết quả không vừa ý, thì lý thuyết ấy luôn luôn bị coi là chưa đúng.


Thách thức của người thời đại

Vì thế, người Kitô hữu cần xét lại xem cách sống của mình đã chứng tỏ được niềm tự hào của mình là đúng chưa? Người thời đại làm sao có thể chấp nhận được Kitô giáo là tôn giáo đúng nhất, hay nhất, đem lại hạnh phúc nhất, khi mà trước mắt họ, đời sống của người Kitô hữu không tốt hơn, không vui tươi hạnh phúc hơn những người thuộc các tôn giáo khác? khi mà những người rao giảng Kitô giáo đôi khi lại đối xử với nhau không hơn gì những người ngoại đạo? khi mà người Kitô hữu không dấn thân cho tha nhân hơn những người khác?

Thách thức của Mahatma Gandhi xưa nói với người Anh cũng là thách thức của người thời đại nói với chúng ta. Ông rất say mê con người Đức Giêsu Kitô, rất thích tinh thần bát phúc của Ngài, và ông sống một cuộc đời rất phù hợp với Tin Mừng, nhưng ông không theo Kitô giáo và không chấp nhận Kitô giáo là đúng hơn, tốt hơn tôn giáo của ông chỉ vì lối sống của người Kitô hữu mà ông biết không hơn gì những người đồng đạo của ông. Ông thách thức người Anh là những người vừa đem Kitô giáo đến với dân tộc ông, vừa nô lệ hóa dân tộc ông: «Các anh chỉ cần sống đúng như tôn giáo các anh chỉ dạy, thì chắc chắn toàn dân Ấn Độ sẽ trở thành Kitô hữu hết». Sự thách đố này quả là nhức nhối đối với rất nhiều Kitô hữu.


Chứng tỏ bằng thực tế hơn bằng lời nói

Thời nay, người ta đã quá kinh nghiệm về những hàng quảng cáo trên tivi, báo chí hay ngoài đường phố. Mọi quảng cáo đều nói sản phẩm của mình rất tốt, nhưng muốn biết sản phẩm đó có thật sự tốt hay không thì luôn luôn phải kiểm chứng bằng thực tế. Vì thế, để phúc âm hóa, để giới thiệu cho đồng bào chung quanh rằng tôn giáo của chúng ta là tôn giáo siêu việt, từ trời xuống, và họ nên theo để được cứu độ, tốt nhất chúng ta nên chứng tỏ điều đó bằng lối sống tốt đẹp đầy yêu thương của mình song song với những điều tốt đẹp chúng ta nói về tôn giáo mình. Những lời nói xuông không đi với chứng từ cụ thể không có sức lôi cuốn thế hệ trẻ.


Cần trình bày Đức Kitô sống động

Cần có Đức Kitô sống động trong mình

Để rao giảng và trở nên «nhân chứng sống động của Tin Mừng Đức Kitô, thì phải có Ngài hiện diện cách sống động trong mình» [*9]. Có như thế, những lời rao giảng của mình mới có sức thu hút mãnh liệt. Thật vậy, chỉ có Đức Kitô mới có sức thu hút, lôi cuốn người khác theo Ngài như chúng ta từng thấy trong các sách Tin Mừng [*10]. Tự sức chúng ta, hay những bài thuyết giảng của chúng ta không thể làm cho người ta say mê và theo Ngài. Ý thức được điều đó, chúng ta cần phải luôn luôn cảm nghiệm được Đức Kitô hiện diện trong bản thân mình, đồng thời sống kết hợp mật thiết với Ngài. Có cảm nghiệm được như thế, chúng ta mới giúp người khác cảm nghiệm được như chúng ta, và lời rao giảng của chúng ta mới sống động. Nếu không lời rao giảng của chúng ta chỉ giống như lời của con vẹt, hay của người «nhai lại bã mía» [*11].
[*9] Sđd., trang 88 (số 82). 
[*10] Khi Ngài kêu gọi Simon và Anrê (Mc 1,16-18), Giacôbê và Gioan (Mc 1,20), và Lêvi (Mc 2,14), tất cả đều đi theo Ngài ngay tức khắc. 
[*11] Kiểu nói của Thiền tông Phật giáo để chỉ những người không cảm nghiệm được thực tại, mà chỉ lập lại những lời nói của những người đã cảm nghiệm được. Giống như một người thấy người khác ăn mía khen ngọt, cũng bắt chước nhai lại bã mía người ta vứt ra rồi khen ngọt, cho dù chẳng thấy ngọt ngào chút nào.


Cần cảm nghiệm Đức Giêsu sống động

Người thời đại hay thế hệ trẻ ngày nay «không chịu nổi những lý thuyết mơ hồ trong một cuộc sống đầy những vấn đề thiết thực phải lo toan. (...). Chúng ta đã biến Giêsu thành một nhân vật trong quá khứ mà quên đi một Giêsu sống động ở hiện tại, một Thiên Chúa hằng sống đang ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14) và ở trong chúng ta (x. Gl 2,20)» [*12]. Việc rao giảng phải được thực hiện làm sao để «người dạy cũng như người học đều cảm nghiệm được Đức Giêsu sống động trong đời mình» [*13], một sự hiện diện đầy sức mạnh, quyền năng và tình yêu chan hòa trên đời sống họ.
[*12] Sđd., trang 90 (§3). 
[*13] Sđd., trang 91 (§1).

Đáp ứng lại những đòi hỏi chính đáng do tính thực nghiệm của người thời đại, chúng ta phải biến tôn giáo của mình thành một thực tại cảm nghiệm được. Mà bản chất tôn giáo của chúng ta từ nguyên thủy chính là một thực tại cảm nghiệm được. Trong quá trình phát triển, Kitô giáo đã bị lý thuyết hóa một cách trầm trọng và đánh mất đi bản chất nguyên thủy của nó: một tôn giáo để sống chứ không phải để biết.

Trọng tâm của Kitô giáo là Đức Kitô, một con người hiện nay vẫn đang sống động, sẵn sàng ban sự sống, sức mạnh, quyền năng, tình yêu, trí tuệ, hạnh phúc cho những ai thật sự đến với Ngài, sống với Ngài, thân thiện với Ngài. Đức Kitô đó luôn luôn hiện diện trong bản thân mỗi người. Làm sao cảm nghiệm được Đức Kitô và làm cho người khác cũng cảm nghiệm được như vậy, đó chính là điều mọi Kitô hữu phải làm [*14].
[*14] Vivekananda có kể lại việc cảm nghiệm Thiên Chúa một cách cụ thể và thật sự của thầy mình là Ramakrishna, một đạo sĩ Ấn giáo. Ông viết: «Tôi lẻn đến gần người và hỏi người câu mà cả đời tôi thường hỏi kẻ khác: “Thưa ông, ông có tin Thượng Đế không?” “Có”, người trả lời. -“Vậy ông có thể chứng minh việc ấy được không?” “Được”. -“Bằng cách nào?”, “Vì tôi thấy Thượng Đế như tôi thấy anh bây giờ, chỉ có điều là một cách mãnh liệt hơn nhiều”. Câu trả lời này làm tôi cảm phục ngay. Đây là lần thứ nhất tôi gặp một người dám nói rằng mình đã thấy Thượng Đế, rằng tôn giáo là một sự thực mà ta có thể cảm biết và giác xúc một cách vô cùng cường liệt hơn là ta có thể cảm giác vạn vật» (JOHN YALE, Tôn giáo là gì? Bản dịch của Vương gia Hớn, An Tiêm xb, SàiGòn 1970, trang 21-22). Xem thêm ANTHONY DE MELLO (s.j.), Contact with God, Loyola University Press, Chicago 1991, trang 37-38.

Đừng quá chú trọng đến kiến thức, giáo điều

Nhưng rất tiếc trong quá khứ và hiện tại «cách đào tạo tu sĩ, chủng sinh, cũng như cách giảng dạy của các linh mục, giáo lý viên đối với giáo dân đang làm cho người ta khó mà cảm nhận được Đức Giêsu sống động trong mình (...), một Đức Giêsu đang yêu, đang chết và sống lại trong chính con người mình» [*15].
[*15] Sđd., trang 89 (số 84).
Thật vậy, trong quá khứ, chúng ta đã quá chú trọng đến kiến thức hay giáo điều về Thiên Chúa, về Đức Kitô, mà ít chú trọng đến việc cảm nghiệm quyền năng và sự hiện diện sống động của Thiên Chúa hay Đức Kitô nơi bản thân. Cái được gọi là «đức tin» của người Kitô hữu lắm khi chỉ là chấp nhận xuông những kiến thức hay giáo điều ấy. Những thứ ấy cho dẫu có đúng và chính xác đến đâu, cũng không trực tiếp đem lại sự sống và sức mạnh tâm linh cho con người. Chỉ có sự kết hiệp và cảm nghiệm Thiên Chúa thật sự mới đem lại sức sống cho con người [*16].
[*16] Tương tự như đối với người đói, thì những lý thuyết tuyệt vời về một loại thức ăn cho dù hết sức bổ dưỡng cũng không làm cho người đó hết đói. Người đói không cần biết nhiều về thức ăn, mà cần ăn chính thức ăn đó.
Vì thế, thế giới cần cảm nếm và hưởng thụ chính Thiên Chúa hay Đức Kitô gấp trăm ngàn lần việc hiểu biết những lý thuyết hay giáo điều nói về các Ngài. Nếu những lý thuyết hay giáo điều ấy chỉ là cớ gây chia rẽ trong hàng ngũ các Kitô hữu [*17], thì chúng ta không nên coi chúng quá quan trọng [*18].
[*17] Trong quá khứ, sự hiệp nhất Giáo Hội đã bị tổn thương rất nhiều chủ yếu vì những tranh luận vô bổ về lý thuyết thần học. Chẳng hạn thật sự sống với Chúa Thánh Thần thì người ta không đặt nặng bằng tranh luận xem Chúa Thánh Thần nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con hay bởi Chúa Cha qua Chúa Con. Người ta làm như có thể xác định được dứt khoát, như 2+2=4, những thực tại siêu việt mà con người không thể hiểu và kiểm chứng được ấy bằng ngôn ngữ nhị nguyên của con người. Rất tiếc là trong vô số những tranh luận tương tự như thế, việc xác định dứt khoát thế này hay thế kia của trọng tài chẳng đem lại ích lợi bao nhiêu mà cái hại to lớn trước mắt là gây chia rẽ trầm trọng trong Giáo Hội: biết bao nhiêu giáo phái phát sinh ra và tách rời Giáo Hội Mẹ vì những tranh luận vô bổ ấy! 
[*18] Ở đây không có ý coi thường sự quan trọng của lý thuyết, mà có ý nhấn mạnh đến cảm nghiệm thật sự. Dẫu sao cảm nghiệm vẫn quan trọng hơn lý thuyết rất nhiều.


Sẵn sàng thay đổi những gì có thể thay đổi

Luật Môsê mà cũng phải thay đổi

Để dễ dàng thích ứng với nhu cầu tâm linh của con người thời đại, nhất là của những thế hệ tương lai, chúng ta cần phải sẵn sàng thay đổi những gì có thể thay đổi. Thời các Tông Đồ, còn gì linh thánh hơn phép cắt bì và luật Môsê, là những cái được coi là xuất phát từ chính Thiên Chúa nên sẽ không bao giờ thay đổi? Thế mà khi chúng không còn thích hợp với con người thời ấy, các Tông Đồ đã mạnh dạn bãi bỏ [*19] bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của những Kitô hữu gốc Do Thái [*20].
[*19] Chữ «bãi bỏ» này xem ra mâu thuẫn với tinh thần của đoạn Kinh Thánh: «Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ mà để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi cho đến khi mọi sự được hoàn thành» (Mt 5,17-18). Chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen đoạn Kinh Thánh này, vì trong thực tế, các tông đồ đã bãi bỏ luật Môsê và ngày nay chúng ta không còn phải giữ luật Môsê nữa. Bãi bỏ ở đây là để xây dựng, tương tự như phá nhà cũ đi để xây nên ngôi nhà mới đẹp hơn, lớn hơn. Luật cũ đã được bãi bỏ để thay thế vào đó một Luật mới hoàn chỉnh hơn, thích hợp hơn.
[*20] Xem Cv 15,5.
Nếu Giáo Hội không can đảm như các Tông Đồ, dám thay đổi những gì từ xưa đến nay vẫn được coi là linh thánh, là không thể biến đổi, nhưng hiện nay thật sự không còn phù hợp với con người thời đại nữa, thì e rằng Giáo Hội không thể làm tròn sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó.


Luật lệ, tín điều, giáo lý... chỉ là phương tiện

Phép cắt bì và luật Môsê có linh thánh tới đâu thì cũng là để phục vụ con người, chúng không linh thánh bằng chính con người, vì con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» [*21], là «con cái Thiên Chúa» [*22], «được thông phần bản tính của Thiên Chúa» [*23]. Cũng vậy, mọi giáo lý, tín điều, luật lệ, triết lý, thần học... đều được lập nên vì con người, để phục vụ con người, chứ không ngược lại. Những cái đó chỉ là phương tiện của con người, và con người mới là mục đích của chúng. Chúng phải thích ứng với con người, chứ không phải con người phải thích ứng với chúng.
[*21] St 1,26.27.
[*22] Ga 1,12; 1 Ga 3,1.2.
[*23] 2 Pr 1,4.
Vì thế, bao lâu chúng không còn thích hợp hay cản trở con người đến với Chúa và đến với nhau, thì những người có trách nhiệm hướng dẫn lãnh đạo Giáo Hội nên bãi bỏ. Các Tông Đồ đã làm điều đó trước chúng ta và làm gương cho chúng ta.


Cần phân biệt cái không thể thay đổi với cái có thể thay đổi

Cần phân biệt chân lý và cách diễn tả chân lý

Vậy, để thích ứng với con người thời đại mới, nếu cần phải thay đổi, chúng ta nên sẵn sàng thay đổi những gì có thể thay đổi và chỉ cương quyết giữ lại những gì cốt tủy không thể thay đổi được. Muốn thế, ta cần phải phân biệt những gì không thể thay đổi với những gì có thể thay đổi, những gì là mục đích với những gì là phương tiện, những gì là cốt tủy với những gì tùy phụ. Chẳng hạn, trong giáo huấn của Đức Kitô, - là Ngôi Lời đã nhập thể vào ngôn ngữ và văn hóa của con người - và trong giáo huấn của Giáo Hội, cần phân biệt đâu là yếu tố cốt tủy của sứ điệp, và đâu là yếu tố văn hóa được dùng để diễn tả sứ điệp. Lẫn lộn hai yếu tố đó, ta sẽ không quyết đoán được những gì có thể thay đổi và những gì không thể thay đổi.

Những lời trong Kinh Thánh, không phải lời nào cũng là chân lý nguyên vẹn, trong trạng thái nguyên tuyền của nó. Mỗi câu trong Kinh Thánh luôn luôn được hình thành bởi hai yếu tố: sứ điệp hay chân lý và cách thức diễn tả sứ điệp hay chân lý ấy. Có thể phân biệt nhưng không thể tách biệt hai yếu tố ấy.


Chân lý có thể được diễn tả thành nhiều cách

Tương tự như trong triết học Tây Phương, một vật được cấu tạo bằng chất thể và mô thể, hay trong triết học Đông Phương, bằng thể và tướng, chẳng hạn một chiếc nhẫn vàng, thì vàng là thể hay chất thể, còn nhẫn là tướng hay mô thể. Cũng chính vàng với số lượng đó, người ta có thể làm thành những vật khác nhau: dây chuyền, bông tai, bức tượng nhỏ, v.v... Tất cả những vật đó tuy khác nhau, nhưng đều là miếng vàng đó, chỉ thay hình đổi dạng mà thôi.

Một đoạn Thánh Kinh có thể được phân tích thành chất thể (hay chân lý chưa được định thức, chưa được diễn tả) và mô thể (hay cách thức diễn tả). Tương tự như một câu nói có thể được phân tích thành ý và lời. Cũng một chân lý, một ý tưởng, nhưng có thể được biểu hiện thành nhiều cách thức khác nhau, hay nhiều lời khác nhau. Chân lý hay ý tưởng chỉ là một và không thể thay đổi, nhưng cách thức diễn tả hay lời thì có thể thay đổi nhiều kiểu, tùy thuộc vào cách dùng từ hay quan niệm săn có của mỗi người, hoặc tùy thuộc vào nền văn hóa của mỗi dân tộc. Không nên coi hai yếu tố cấu tạo đó (một bất biến, một thay đổi) là một khối duy nhất không thể thay đổi. Chính vì lầm hai yếu tố này là một, mà trong quá khứ, nhiều nhà thần học mới hiểu những huyền thoại trong Cựu Ước hoàn toàn theo nghĩa đen: Thánh Kinh kể thế nào thì sự thật y như vậy.

Chẳng hạn như trong trình thuật Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, sứ điệp cốt tủy là «con người và vũ trụ xuất phát từ Thiên Chúa», còn những chuyện cụ thể như trình tự tạo dựng trong 7 ngày, lấy bùn đất nặn hình người, thổi hơi... là những yếu tố thuộc văn hóa, để thích ứng với trình độ và khuynh hướng của người thời đó. Còn trong ngôn ngữ, một câu hay một đoạn văn thì gồm ý và lời: cùng một ý tưởng, nhưng có thể diễn tả bằng nhiều lời khác nhau, hay nhiều lời khác nhau nhưng cùng diễn tả một ý [*24]. Cần nắm được ý và không chấp vào lời.
[*24] Một minh họa: Một vị vua muốn tìm hiểu hậu vận của mình thế nào, nên mời những thầy tử vi, chiêm tinh giỏi nhất nước đến. 
Thầy thứ nhất nói: «Hậu vận của bệ hạ thật đáng buồn: những năm cuối cùng cuộc sống của bệ hạ rất cô đơn, vì bao nhiêu người thân như hoàng hậu, cung phi, và các bạn hữu thân thiết đồng trang lứa với bệ hạ đều chết hết. Chỉ một mình bệ hạ còn sống, nên bệ hạ sống rất cô đơn». Nghe thế, nhà vua rất buồn bực và ra lệnh chém ông thầy thứ nhất đã tiên báo những điềm gở cho mình. 
Ông thầy thứ hai nói: «Hậu vận của bệ hạ thật tốt đẹp không ai bằng: bệ hạ trường thọ hơn tất cả mọi người đồng thời với bệ hạ. Mọi người đều ca tụng sự trường thọ của bệ hạ và cho rằng Trời hậu đãi bệ hạ hơn tất cả mọi người, cho bệ hạ hưởng vinh hoa phú quí lâu dài hơn ai hết». Nghe xong, nhà vua vui hẳn lên, và ra lệnh thưởng cho ông thầy thứ hai này rất nhiều vàng bạc.


Cần hiểu một cách tổng quát hơn

Những minh họa trên về lời và ý chỉ là những minh họa nghèo nàn cho một thực tế tổng quát, phong phú và rộng lớn hơn. Để dễ hiểu về vấn đề này, ta đặt một giả sử (đương nhiên đã không xảy ra, nhưng vẫn là một khả thể đối với Thiên Chúa): nếu Thiên Chúa chọn dân Ấn Độ làm dân riêng để Ngôi Lời sau này sẽ nhập thể tại Ấn Độ, thì Cựu Ước được viết ra có giống như hiện chúng ta có không? Chắc chắn sẽ khác. Trình thuật hình thành vũ trụ sẽ dùng những yếu tố văn hóa Ấn Độ để diễn tả. Và trong trường hợp đó, nếu chúng ta chỉ hiểu theo nghĩa đen, thì có thể chúng ta sẽ đi đến những kết luận về chân lý rất khác với những kết luận dựa trên Cựu Ước đang có hiện nay. Nhưng nếu loại được những yếu tố văn hóa khác biệt ra, ta sẽ nhận ra ngay hai trình thuật trong hai bản Cựu Ước (một thật, một giả sử) là hai cách diễn tả khác nhau của một chân lý duy nhất: vũ trụ vạn vật xuất phát từ Thiên Chúa.

Đây là một vấn đề rất khó đòi hỏi phải nghiên cứu sâu xa để phân biệt được đâu là những yếu tố thuộc sứ điệp hay chất thể, và đâu là những yếu tố thuộc cách diễn tả (tức văn hóa) hay mô thể. Phân biệt như thế, chúng ta mới an tâm khi phải thay đổi cách diễn tả chân lý để phù hợp với con người thời đại. Và có phân biệt như thế, chúng ta mới dễ nhận ra những cách diễn tả khác với cách của chúng ta trong các tôn giáo khác có thể chỉ nhắm đến một chân lý duy nhất.

Trong thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, xã hội đang thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh. Xã hội đang được công nghiệp hóa, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa... khiến đời sống được nâng cao hơn nhưng lại bận rộn hơn xưa rất nhiều. Xã hội thay đổi như thế, nên trong việc truyền giáo hóa và phúc âm hóa thế giới, chúng ta cũng cần phải thay đổi những gì có thể thay đổi và được phép thay đổi để thích ứng với nhu cầu tâm linh mới của con người hiện đại. Giáo Hội thời sơ khai đã thích ứng một cách hết sức mềm dẻo với xã hội thời đại ấy, đó là một Giáo Hội trẻ, đầy sức sống.

Nếu một Giáo Hội địa phương không còn khả năng thay đổi để thích ứng với xã hội của mình, đó là dấu hiệu cho thấy Giáo Hội đó đang già cỗi và không còn sức sống. Vì thế, các Giáo Hội địa phương cũng như Giáo Hội toàn cầu cần phải luôn luôn chứng tỏ sự trẻ trung của mình. Tuy nhiên, để giữ sự hiệp thông, sự thay đổi của một Giáo Hội địa phương cần phải tùy thuộc vào tinh thần chung của Giáo Hội toàn cầu. Và Giáo Hội toàn cầu cũng cần phải thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu thay đổi của các Giáo Hội địa phương. Có tương quan hai chiều như thế, sự thích ứng của Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu sẽ không phương hại đến sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Nguyễn Chính Kết



Mời đọc tiếp:


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét