Nhờ đâu Đức Giêsu có khả năng
cứu giúp người khác lạ lùng như thế?
1. Tại sao người ta theo Đức Giêsu đông như thế?
Nhân loại thời nào cũng chìm đắm trong đau khổ. Con người có đủ mọi thứ khổ: giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ; có địa vị cũng khổ, không có địa vị cũng khổ; có con cũng khổ, không có con cũng khổ; bệnh thì khổ đã đành, mà không bệnh cũng vẫn thấy khổ… Vì thế, biết ai có thể giúp mình thoát khổ thì mình sẽ chạy đến người ấy. Vì thế, sở dĩ rất nhiều người đi theo Đức Giêsu xin Ngài cứu giúp vì Ngài luôn luôn có lòng cứu giúp những ai đau khổ, đồng thời Ngài cũng có quyền năng giúp họ thoát khổ [*].
[*] Đức Giêsu đã cứu chữa rất nhiều người bệnh tật đến với Ngài, sự việc này được các tác giả Tin Mừng kể ra một số trường hợp cụ thể như:
− Ga 4,46-54 => chữa đứa con sắp chết của một sĩ quan cận vệ của nhà vuaChung quanh ta cũng thế, có biết bao người đang đau khổ, nhiều người đau khổ tột cùng. Nhưng có được bao nhiêu người chạy đến với ta, hy vọng ta cứu giúp họ? Họ không hy vọng nơi ta, vì ta chưa có đủ lòng yêu thương để sẵn sàng hy sinh cứu giúp họ, và cũng vì ta không có khả năng cứu giúp họ nữa.
− Ga 5,1-9 => chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bétthêđa
− Mt 8,2-4 => chữa một người cùi (x. Mc 1,40-45; Lc 5,12-15)
− Mt 9,2-8 => chữa người bại liệt (x. Mc 2,3-12; Lc 5,17-26)
− Mt 12,9-14 => chữa người bị bại tay (x. Mc 3,1-6; Lc 6,6-11)
− Ga 9,1-7 => chữa một người mù từ thuở mới sinh
− Mc 8,22-26 => chữa người mù ở Bétxaiđa
− Mt 9,27-31 => chữa hai người mù
● và rất nhiều trường hợp khác:
− Cho kẻ chết sống lại: Mt 9,18-26 (//Mc 5,22-43; Lc 8,41-56); Lc 7,11-15; Ga 11,1-44
− Chữa người bị quỷ ám: Mc 1,21-28; Mt 12,22; Mt 8,28-34; Mt 9,32-34; Mt 15,21-28; Mt 17,14-21
− v.v...
2. Điều kiện phải có để có thể cứu giúp tha nhân đau khổ
Muốn cứu giúp những người đau khổ, điều quan trọng trước tiên là chính ta phải yêu thương họ, thật sự muốn cứu giúp họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, đau khổ cho họ. Đức Giêsu yêu thương mọi người đến nỗi sẵn sàng chịu đau khổ và chết cho họ. Tình yêu đích thực và mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài «đi tới đâu thì thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế» (Cv 10, 38). Tại sao một người mẹ dám chạy vào trong một căn nhà đang cháy để cứu con mình đang khi những người khác mạnh mẽ hơn lại không dám? Vì bà yêu thương con bằng một tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho con mình.
Điều quan trọng thứ hai là ta phải có khả năng cứu giúp họ. Không có khả năng ấy thì có muốn cứu giúp họ cũng không được. Nếu người mẹ vừa nói trên bị què chân không đi được thì dù có yêu con mãnh liệt, bà cũng không thể chạy vào căn nhà cháy được.
Nhưng làm sao để có khả năng cứu giúp ấy? Nhờ đâu mà Đức Giêsu có khả năng ấy?
3. Nhờ đâu mà Đức Giêsu có khả năng cứu giúp người khác?
Nếu có ai hỏi ta câu ấy, ta thường trả lời: Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng, làm gì cũng được, vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37). Nói thế rất đúng, nhưng ta quên rằng Ngài cũng hoàn toàn là con người, cũng bị giới hạn như chúng ta khi Ngài nhập thể làm người. Ngài cũng sợ hãi, cũng yếu đuối, mệt nhọc, buồn bã, cũng bị cám dỗ, bị thử thách về đức tin, về lòng trung thành… như chúng ta [**].
[**] Khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể thành con người Đức Giêsu,
● Ngài cũng giống chúng ta hầu như mọi phương diện:
− cũng lo sợ hồi hộp đến đổ mồ hôi máu và các thiên thần phải đến an ủi, khích lệ trước khi Ngài bị bắt để chịu tra tấn và bị giết (x. Lc 22,43-44).
− cũng cảm thấy tâm hồn buồn rầu, bị chao đảo: «Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được"» (Mt 26,37-38).
− Ngài sợ đến nỗi phải xin Chúa Cha tha cho khỏi chết: «Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này». Dẫu sợ nhưng vẫn sẵn sàng vâng ý Chúa Cha: «Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha» (Lc 22,42).
− Ngài cũng dạt dào tình cảm, cũng thổn thức, xao xuyến và khóc khi đứng trước mộ Ladarô: «Thấy cô Maria khóc, và những người Dothái đi với cô cũng khóc, Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. (...) Ðức Giêsu liền khóc. Người Dothái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”»
− Thầy đám đông lầm than vất vưởng, Ngài cũng mủi lòng: «Thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt» (Mt 9,36) .
● Ngoại trừ tội lỗi ra, Ngài giống như tất cả chúng ta về mọi phương diện, kể cả việc chịu ma quỉ cám dỗ và cũng phải chống trả cám dỗ (x. Mt 4,1-11). Thánh Phaolô đã xác nhận điều đó nhiều lần, chẳng hạn như:
− Ngài «mang thân phận yếu hèn» (2Cr 13,4; x. 1Tm 3,16).
– «Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện» (Dt 2,17).
– «Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15)
● Ngài trở nên hoàn hảo, có được những ưu điểm hơn người, cũng nhờ Ngài phải cố gắng, phải chiến đấu, phải trải qua biết bao đau khổ, nghĩa là cũng phải «trầy da tróc vẩy» mới được như thế, chứ không phải tự nhiên Ngài đã được như vậy đâu. Thánh Phaolô xác nhận:
− «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8).
− «Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10 ).
● Bản thân tôi, người viết bài này, cảm thấy Đức Giêsu như các sách Tân Ước diễn tả, rất gần gũi với tôi, dễ làm tôi yêu thương và được an ủi hơn một Đức Giêsu vốn đã hoàn hảo ngay từ khi sinh ra, chẳng cần phải luyện tập gì cả. Như vậy thì Ngài mới làm gương cho tôi được, nếu Ngài hoàn hảo ngay từ đầu, làm sao tôi bắt chước?Trong rất nhiều lần chữa bệnh cho người khác, Đức Giêsu nói với những người được Ngài cứu giúp: «Lòng tin của con đã cứu chữa con» (Mt 9,22; Mc 5,34; Lc 17,19), «Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi» (Mc 5,37; Lc 8,50).
Như vậy, để được cứu giúp, đức tin là chuyện tối cần thiết. Và đó cũng là điều kiện tối cần để có khả năng cứu giúp người khác. Tuy Thánh Kinh không nói trực tiếp như thế, nhưng ta có thể suy ra từ những lời của Đức Giêsu như: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em» (Lc 17,5-6).
Ngài nói ra câu ấy vì chính Ngài đã cảm nghiệm được chân lý ấy khi tin vào quyền năng của Thiên Chúa ở trong Ngài. Thánh Phaolô cũng nói: «Tôi có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Cũng vậy, chúng ta có thể làm được tất cả nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa trong bản thân chúng ta. Chính nhờ tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, cộng với tình yêu và ý chí mãnh liệt muốn cứu giúp tha nhân mà Đức Giêsu có thể chữa lành bệnh tật, đuổi quỷ cho tha nhân, và làm cho người đã chết sống lại. Chúng ta chưa có sức mạnh, chưa làm được những gì chúng ta muốn, chính vì niềm tin vào Thiên Chúa của chúng ta quá yếu kém. Chúng ta chỉ tuyên xưng đức tin mạnh mẽ, rao giảng hùng hồn đức tin ấy, chứ thật sự chúng ta chưa tin đủ vào quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta mới chỉ là đức tin lý thuyết chứ chưa phải là đức tin sống động, đích thực.
4. Làm sao để có đức tin sống động, đích thực?
Muốn tin mãnh liệt và thật sự vào một người nào, ta phải thử nghiệm tính đáng tin của người ấy. Nếu không, ta chỉ là một kẻ cả tin và rất dễ bị lừa dối. Giả như ta là giám đốc một công ty, khi muốn nhận một ai làm quản lý tiền bạc cho mình, hay khi muốn làm ăn lớn với một người khác, ta phải làm gì? Ta cần thử nghiệm tính đáng tin của người đó. Sau khi thử nghiệm cách thật khéo léo, sáng suốt, ta mới dám tin người ấy. Chẳng hạn, ta thử tạo cho người ấy những cơ hội để họ có thể gian lận hay ăn trộm của mình. Ban đầu thử họ bằng một món tiền nhỏ, rồi đến những món tiền lớn hơn, rồi đến những món tiền thật lớn, nếu người ấy vẫn không hề tỏ ra một dấu hiệu muốn gian lận, thì ta mới dám nhận họ làm việc hay làm ăn với mình. Và trong quá trình làm việc hay làm ăn với họ, nếu họ vẫn tỏ ra ngay thẳng, chân thật, thì ta mới giao cho người ấy những công việc quan trọng hơn, hay làm ăn lớn hơn với người ấy.
Cũng vậy, muốn đức tin ta thật sự lớn mạnh chứ không chỉ lớn mạnh trên nguyên tắc hay lý thuyết, ta cũng phải sống đức tin của mình trong những chuyện rất cụ thể hằng ngày. Ban đầu ta cần thật sự dấn thân tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa trong những trường hợp nho nhỏ đòi hỏi sự tin tưởng phó thác. Chắc chắn ta sẽ cảm nghiệm được quyền năng của Ngài tỏ ra những trường hợp ấy nếu ta dám thật sự tin tưởng phó thác cho Ngài. Nhờ kinh nghiệm đó, ta dám dấn thân tin tưởng Ngài trong những trường hợp lớn hơn, và rồi sẽ cảm nghiệm được quyền năng của Ngài trong những trường hợp lớn hơn ấy. Cứ tiếp tục như thế, niềm tin của ta vào Thiên Chúa sẽ lớn mạnh theo thời gian. Nếu không thực nghiệm như vậy, đức tin của ta mãi mãi vẫn chỉ là thứ đức tin lý thuyết, chưa phải là thứ đức tin thực nghiệm và sống động.
Người viết bài này đã và đang thử nghiệm như vậy, nhờ đó ngày càng chứng nghiệm được sự hữu hiệu của niềm tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào việc ta có “dám” dấn thân thật sự cho niềm tin trong những biến cố hay thử thách lớn hơn mà Ngài để xảy đến cho cuộc đời ta hay không.
Đặc biệt trong những việc đòi hỏi ta phải “dám” bất chấp nguy hiểm, bấp bênh… để dấn thân làm theo đòi hỏi của lương tâm, của thánh ý Ngài. Nếu ta vẫn cố bám vào những bảo đảm của trần gian mà không dám liều làm theo thánh ý Ngài, ta sẽ không chứng nghiệm được quyền năng của Ngài trong những trường hợp ấy, và niềm tin của ta sẽ ngừng tại đấy, không phát triển nữa. Nhưng quả thật, bất cứ trường hợp dấn thân nào, người viết bài này cũng đều nhận thấy quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện thật sự. Nhờ đó, đức tin của tôi ngày càng tăng trưởng và trở nên vững mạnh hơn.
Nếu chúng ta không có một chứng nghiệm nào về sự chính xác, chân thực của những lời Đức Giêsu nói, thì đức tin của ta chỉ là một đức tin thuần lý, không được thể hiện thành những hành động thực tế của đời sống. Khi cần phải tin tưởng và phó thác cho tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chẳng hạn khi lương tâm đòi buộc ta phải chấp nhận hiểm nguy như tình yêu đòi hỏi, ta không dám. Đức tin thuần lý của ta không thể biến thành những hành động thực tế quả cảm trong đời sống được. Đức tin thuần lý không được chứng tỏ bằng hành động chỉ là «đức tin chết» (x. Gc 2,17.26).
Nguyễn Chính Kết
(Bấm vào đây để trở về bài Chia sẻ Tin Mừng)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét