Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Lễ Tro - Ăn chay thế nào mới đúng tinh thần Kitô giáo, mới đẹp lòng Thiên Chúa?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Thứ Tư Lễ Tro
(14-2-2018)


Ăn chay thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa,
mới đúng tinh thần Kitô giáo
?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Ge 2,12-18: (12) Hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. (13) Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.

  2Cr 5,20–6,2: (20) Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. (21) Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.


  TIN MỪNG: Mt 6,1-6.16-18

Bố thí cách kín đáo

(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.


Cầu nguyện nơi kín đáo

(5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.


Ăn chay cách kín đáo

(16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Mục đích của việc ăn chay là gì? Điều gì làm cho việc ăn chay trở nên có giá trị trước Thiên Chúa? Ăn chay theo quan niệm của ngôn sứ Isaia là gì? 
2. Ăn chay chỉ vì luật Giáo Hội buộc, không vì một mục đích cao thượng nào khác, thì có đẹp lòng Chúa và ích lợi cho việc nên thánh không? 
3. Số tiền hay thức ăn dư ra do việc ăn chay nên dùng vào việc gì? Nên cất vào tủ để mình sử dụng sau này, hay nên đem phục vụ tha nhân?


Suy tư gợi ý:

Theo lịch Phụng Vụ của Giáo Hội, Thứ Tư Lễ Tro là ngày đầu tiên của Mùa Chay. Mùa Chay kéo dài khoảng 5 tuần lễ, trong đó toàn Giáo Hội thực hiện đời sống chay tịnh, sám hối, chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa sống lại. 

Vấn đề phải đặt ra và suy nghĩ là: phải ăn chay thế nào cho đúng tinh thần Kitô giáo, đúng tinh thần của Thánh Kinh.



1. Việc ăn chay trong Thánh Kinh

Trong Thánh Kinh, ta thấy các tín đồ ăn chay là: 

− để thờ phượng Thiên Chúa (x. Ds 29,7; Cv 13,2)
− để làm đẹp lòng Thiên Chúa (x. Tl 20,26; Gđt 8,6)
− như một việc đạo đức, một nghi thức tôn giáo (x. Mc 2,18; Lc 2,37; Lc 18,12)
− để được nhậm lời khi cầu nguyện (x. 2Sm 12,16-22; 2Sb 20,3; Er 8,21; Gđt 4,9; Et 4,16; 9,31; 1Mcb 3,47; 2Mcb 13,12; Tv 35,13; Br 1,5; Đn 9,3; Cv 13,3; 14,23)
− đi kèm với cầu nguyện để trừ quỉ (x. Mt 17,21)
− để tỏ lòng ăn năn, sám hối (x. 1Sm 7,6; 1V 21,27; Nkm 9,1; Gn 3,5)
− để đền tội, xin Thiên Chúa tha tội (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2; Hc 34,26; Đn 10,2), và 
− đi kèm với than khóc để tỏ lòng buồn bã, thương tiếc, lo sợ (x. 2Sm 1,12; 1Sb 10,12; Nkm 1,4; Et 4,3)

Đức Giêsu đã ăn chay 40 đêm ngày để chuẩn bị sứ mạng loan báo Tin Mừng (x. Mt 4,1-3).

Riêng ngôn sứ Isaia, ông quan niệm ăn chay theo một chiều hướng hoàn toàn mới, đầy tính vị tha, là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7). Ông cho rằng cách ăn chay rất đẹp lòng Thiên Chúa phải thế này: «Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục» (Is 58,6-7)

Vậy, theo ngôn sứ Isaia, ăn chay đúng nghĩa chính là thực hiện công bằng xã hội, là tỏ tình yêu thương với người chung quanh bằng những hành động cụ thể.



2. Mục đích của việc ăn chay

Như vậy, mục đích của việc ăn chay có thể là: 

Thờ phượng Thiên Chúa, làm đẹp lòng Thiên Chúa: coi việc nhịn đói như một của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa.

Hỗ trợ cho việc cầu nguyện: lời cầu nguyện đi kèm với ăn chay sẽ trở nên hữu hiệu hơn, đặc biệt khi trừ quỉ.

– Ăn năn sám hối, đền bù tội lỗi: việc ăn chay được coi như một hình phạt tự ý để đền bồi những lầm lỗi mình hoặc thay cho người khác.

Thánh hóa bản thân: giúp luyện tập đức tự chủ, sống đơn giản, siêu thoát… là những đức tính rất cần thiết cho việc nên thánh.

– Đi đôi với cầu nguyện để chuẩn bị một công việc hệ trọng, một giai đoạn mới trong cuộc đời.

Thực hiện tình yêu đối với tha nhân: chấp nhận sống kham khổ, thiếu thốn để có phương tiện giúp đỡ người nghèo, những người cần được giúp đỡ; giảm bớt tính vị kỷ, tập sống yêu thương, vị tha, tập hy sinh cho tha nhân. Đây là một ý hướng tối cần thiết cho việc nên thánh.



3. Cần ăn chay với mục đích cao thượng

Bài Tin Mừng cho thấy những người ăn chay, hay làm bất kỳ một hành động tốt nào với mục đích để được người đời khen ngợi, ca tụng, thì việc ấy sẽ không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngài không ân thưởng cho những hành động ấy, vì họ «đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,2.5.16b). Để việc ăn chay hay bất kỳ hành động tốt nào có giá trị trước mặt Thiên Chúa, thì việc tiên quyết là phải làm việc ấy với động lực yêu thương, nghĩa là với mục đích cuối cùng là phụng sự Thiên Chúa, thánh hóa bản thân, hay phục vụ tha nhân. Thật vậy, thánh Phaolô nói: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3).

Theo tinh thần câu Kinh Thánh này, nếu tôi ăn chay, hãm mình, thậm chí làm ân làm phúc, bố thí cho người khác, không phải vì tình yêu thương, mà vì một động lực nào khác, như để được tiếng khen là ngoan đạo, hay chỉ để chu toàn luật Giáo Hội một cách nô lệ, sợ sệt (nghĩa là một cách miễn cưỡng, không làm thì sợ bị Chúa phạt), để không bị ai chê mình là khô đạo, là thiếu đạo đức, v.v… thì việc ăn chay đó chẳng mấy đẹp lòng Thiên Chúa, chẳng có giá trị lắm trước Thiên Chúa.

Thật vậy, nhiều Kitô hữu ăn chay chỉ vì luật buộc, nên việc ăn chay của họ chỉ hoàn toàn là hình thức. Ngày thứ ba trước đó và thứ năm sau đó, họ ăn cho thật nhiều, thật ngon, thật bổ, để bù cho việc nhịn ăn ngày thứ tư. Vì thế, thứ ba đó gọi là «thứ ba béo» (mardi gras). Việc ăn bù trước và sau thứ tư lễ tro khiến cho lượng thực phẩm và chất bổ ăn trong ba ngày đó còn cao hơn ba ngày bình thường khác cộng lại.

Nếu ăn chay chỉ vì luật Giáo Hội buộc phải ăn chay, thì như thế là ăn chay vì lề luật chứ không phải vì tình yêu. Điều đó không làm cho ta nên công chính trước mặt Thiên Chúa chút nào. Thánh Phao-lô viết: «Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng» (Gl 5,4). Nếu ăn chay chỉ vì Giáo Hội buộc phải ăn chay, thì ta sẽ chỉ ăn chay một cách hình thức, lấy lệ, không có nội dung tinh thần. Việc đi dâng lễ các ngày Chúa Nhật cũng vậy: nếu chỉ đi lễ để khỏi lỗi luật Giáo Hội, để khỏi mắc tội trọng, chứ chẳng phải đi vì yêu mến Thiên Chúa, thì giá trị việc đi lễ ấy trước mặt Thiên Chúa thật là ít!



4. Ăn chay để có phương tiện phục vụ Thiên Chúa và tha nhân

Ăn chay, theo nghĩa đen, chính là tự nguyện nhịn ăn hoàn toàn hay ăn ít hơn bình thường. Ăn chay, theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là tự nguyện nhịn ăn, mà còn là tự nguyện nhịn tiêu xài ăn mặc, chấp nhận sống kham khổ hơn, thiếu thốn hơn. Như thế việc ăn chay sẽ khiến ta dư ra một chút tiền hay chút thức ăn. Chút tiền hay thức ăn dư ra ấy nên dùng làm gì? Nếu ta lại cất tiền hay thức ăn ấy vào tủ để mai mốt đem ra dùng, thì việc ăn chay ấy có ích lợi cho ai đâu! Ăn chay như thế thì chẳng phải vì yêu thương chút nào! Ăn chay như thế có khác nào một hành vi tiết kiệm hay hà tiện? Số tiền hay thức ăn tiết kiệm được do ăn chay cần được dành để lo việc Chúa, việc Giáo Hội (như truyền giáo, nâng đỡ đời sống các giáo lý viên, những người tình nguyện không công phục vụ nhà thờ…), để xây dựng xã hội (lập các bệnh viện, trường học, cơ sở từ thiện…) hay cho việc giúp đỡ tha nhân (những người nghèo khổ, bệnh tật, tàn tật…). Có như thế, việc ăn chay mới có ý nghĩa bác ái, yêu thương, và nhờ vậy trở nên giá trị hơn trước Thiên Chúa.

Thiết tưởng trong thời đại chúng ta – con người trở nên rất gần nhau nhờ những phương tiện giao thông và truyền thông hết sức tân tiến – việc ăn chay phải mang chiều kích xã hội và Giáo Hội hơn bao giờ hết. Nói cách khác, việc ăn chay phải nhằm xây dựng Nước Trời ở trần gian này, nghĩa là phải biến việc ăn chay thành một phong cách sống nhằm xây dựng xã hội hay Giáo Hội ngày càng tốt đẹp hơn, càng có nhiều công lý và tình thương hơn.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, ngày nay Giáo Hội chỉ buộc các tín đồ Công giáo ăn chay mỗi năm 2 lần mà thôi. Điều ấy thật hữu lý vì ăn chay phải mang tính tự nguyện chứ không thể ép buộc được. Nhưng chắc chắn Cha muốn chúng con ăn chay nhiều hơn, thậm chí việc ăn chay – hiểu theo nghĩa bớt ăn bớt tiêu để có nhiều phương tiện yêu thương, phục vụ, giúp đỡ tha nhân một cách cụ thể hơn – phải trở thành một thói quen, một phong cách sống của chúng con. Xin giúp chúng con đủ quảng đại để thực hiện điều ấy.



Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét