Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

PS6b − Hãy yêu thương và chủ động làm những gì tình yêu đòi hỏi




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 6 Mùa Phục Sinh

(6-5-2018)

Bài đào sâu

Hãy yêu thương và chủ động
làm những gì tình yêu đòi hỏi


Đức Giêsu yêu thương chúng ta, và cũng yêu thương mọi người, nhất là những người cần được yêu thương nhất, đó là những người đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì thiếu thốn về tinh thần cũng như vật chất... Ngài đã yêu thương chúng ta và mọi người như thế, và Ngài yêu cầu chúng ta hãy bắt chước Ngài để yêu thương mọi người chung quanh ta như Ngài đã yêu thương.

Chúng ta hãy xem Ngài yêu thương thế nào để bắt chước Ngài mà yêu thương như vậy.



1. Dù mệt nhọc, cần nghỉ ngơi, Ngài vẫn đón tiếp dân chúng khi họ đến với Ngài

Sau khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrốt chém đầu (x. Mt 14,3-12), chắc chắn Đức Giêsu hết sức xúc động, ngậm ngùi thương tiếc người đã từng nhiệt thành làm tiền hô cho mình. Đoạn Tin Mừng Mt 14,13-21 cho biết lúc ấy Ngài «đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt» (câu 13), vì Ngài có nhu cầu ở một mình để tưởng niệm người quá cố, đồng thời để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhưng không ngờ dân chúng lại tìm đến Ngài rất đông. Tin Mừng cho biết: «Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ» (câu 14). «Chạnh lòng thương» là phản ứng của người có lòng trắc ẩn, hay thương xót, thông cảm với những nhu cầu, với những hoàn cảnh éo le, đau khổ của tha nhân. Vì thế, mặc dù chính Ngài đang cần nghỉ ngơi, cần ở một mình, nhưng Ngài đã quên nhu cầu của mình mà chỉ nghĩ đến nhu cầu của dân chúng. Ngài đã đón tiếp họ và «chữa lành các bệnh nhân của họ» (câu 14b).

Trong cuộc sống đời thường, ta cũng gặp rất nhiều trường hợp tương tự như Ngài: đang khi cần yên tĩnh nghỉ ngơi sau cả một ngày làm việc mệt nhọc, hoặc khi đang nghỉ ngơi thì có người gọi điện thoại hoặc đến tận nhà nhờ vả ta một điều gì cần thiết. Lúc đó ta phản ứng thế nào? Có thể ta nghĩ rằng: «Mình phải nghỉ ngơi cái đã, vì có nghỉ ngơi thì mới làm việc được. Vả lại mình còn biết bao việc khác phải làm nữa. Phải yêu cầu người ta chờ mình nghỉ ngơi đã!» Hay ta nghĩ rằng: «Người ta cần mình ngay bây giờ nên mới đến vào giờ này. Nếu không giúp họ giờ này thì có thể không còn cơ hội nào giúp họ nữa và công việc của họ sẽ bị lỡ. Thôi mình ráng hy sinh cho họ một chút, mình có thể nghỉ ngơi bù vào lúc khác cũng được mà!»? 

Phải công nhận: nghĩ và làm được như thế là việc rất khó, đòi hỏi nhiều tình yêu và lòng bao dung. Trong quá khứ, một vài lần vì mệt mỏi sau cả ngày làm việc, tôi đã từ chối giúp đỡ một vài người, nay tôi rất hối hận và tự hỏi: không biết người ta bị kẹt đến thế nào khi mình không giúp họ, và họ buồn thế nào vì việc ấy? Tôi thấy mình đã không giống Đức Giêsu Thầy của mình bao nhiêu, vì mình ít tình yêu quá! Tình yêu mình không đủ mạnh để có thể ráng hy sinh cho tha nhân khi họ cần, dẫu mình đã mệt!



2. Người tông đồ phải có tình thương trong lòng trước đã

Ở những vùng dân chúng rất nghèo –như những vùng truyền giáo cho các dân tộc thiểu số– giáo dân phải đi thật xa hàng mấy chục cây số mới đến được nhà thờ để dâng thánh lễ và học hỏi giáo lý. Nhiều vị chủ chăn đã lo cho họ ăn uống cả hàng trăm người trước khi họ ra về (khi thì cơm, khi bánh mì, khi thì mì ăn liền…). Để thực hiện việc này, tháng nào vị linh mục cũng phải đi hàng chục hay hàng trăm cây số đến gõ cửa những nhà hảo tâm quen biết hoặc được giới thiệu để «ăn mày» dùm cho họ. Thật là một hình ảnh rất đẹp về người chủ chăn! Các vị đã thực hiện lời Đức Giêsu: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14,16).

Khi nói câu ấy, Đức Giêsu muốn gây ý thức nơi các tông đồ về tình yêu thương, sự quan tâm mà một mục tử phải có đối với dân chúng. Mặc dù mục đích của người tông đồ là loan báo Tin Mừng chứ không phải là lo chuyện vật chất cho dân chúng, nhưng khi ta biết dân chúng có nhu cầu nào đó, ta nên thể hiện tình yêu thương của ta đối với họ bằng cách giúp họ nhu cầu ấy. Dân chúng có yêu thương mình, lời mình rao giảng mới thấm vào lòng họ. Dân chúng có cảm thấy mình yêu thương họ, họ mới hứng khởi thực hiện những điều mình dạy dỗ

Dân chúng bị hấp dẫn đến với Đức Giêsu không chỉ vì Ngài dạy dỗ họ những điều hay lẽ phải cho bằng vì họ cảm thấy Ngài yêu thương họ, vì Ngài quan tâm săn sóc họ, vì Ngài chữa bệnh cho họ, giúp họ giải quyết những khó khăn trong đời sống họ…

Kitô giáo là đạo của tình thương, lấy tình yêu thương làm bản chất của đạo (x. Ga 13,34-35), nên những người rao giảng đạo này phải là người có dồi dào tình thương hơn mọi người, và tình yêu thương ấy phải được chứng tỏ bằng hành động. Truyền đạo không phải chỉ là cung cấp cho người ta có một số kiến thức về Thiên Chúa, về Đức Giêsu hay về Lời của Ngài, mà là làm cho họ trở thành môn đệ Ngài, theo Chúa, và sống giới luật yêu thương của Ngài. Chính mình không sống tinh thần yêu thương này, làm sao mình có thể truyền tinh thần yêu thương này cho người khác được?



3. Hãy chủ động phần việc của mình trước đã…

Khi yêu cầu các môn đệ hãy tự mình lo cho họ ăn, Đức Giêsu đã thừa biết khả năng hạn hẹp của các ông, và Ngài cũng đã biết mình phải làm gì. Với quyền năng của Ngài, Ngài có thể biến không khí thành bánh và cá nuôi đám dân chúng, không cần đến 5 chiếc bánh và 2 con cá mà các ông tìm được trong dân chúng. Nhưng Ngài không muốn đơn phương làm như vậy, Ngài muốn có sự góp phần của mọi người. Trước tiên, Ngài muốn chính các tông đồ phải có tình thương, có ý thức trách nhiệm đối với dân chúng và thật sự muốn lo cho họ. Ngài nói: «Chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14,16).

Các tông đồ quả có nhận ra nhu cầu của dân chúng, nhưng tình yêu của các ông đối với dân chúng chưa mạnh đủ để có thể lóe lên sáng kiến hay thúc đẩy các ông tìm cách nào nuôi dân chúng. Vì thế, ngay từ đầu các ông đã nghĩ mình bất lực không thể giúp gì họ được, và các ông đề nghị giải tán dân chúng. Nếu các ông có nhiều tình yêu hơn, các ông sẽ nghĩ ra được mình nên làm gì. Chẳng hạn các ông có thể nói với Đức Giêsu: «Bây giờ chúng ta phải lo cho họ ăn, chúng con chưa biết làm cách nào, nhưng chúng con biết Thầy có cách». Nói như thế, các ông vừa tỏ ra tình yêu và ý thức trách nhiệm của mình, vừa tỏ ra tin tưởng vào quyền năng của Thầy mình.

Trong cuộc đời, rất nhiều khi có những việc nào đó ta nên làm hay phải làm nhưng không làm được chỉ vì ta không đủ tình yêu, không đủ nhiệt thành và lòng hăng say. Thiếu yếu tố quan trọng này, ta thường bi quan yếm thế cho rằng mình không thể thực hiện được. Trong một trận chiến, chưa xuất quân mà ta đã nghĩ rằng mình sẽ thua thì quả thật ta đã thua ngay từ đầu ngay trong tư tưởng của mình rồi. Nguyễn Bá học nói: «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông». Nhiều việc tốt ta không làm được, không phải vì nó khó hay vì nó không thể làm được, mà vì ta không đủ tình yêu để làm, vì ta đã đầu hàng nó ngay từ trong tư tưởng của ta.

Người Kitô hữu không nên sợ mình không làm được, vì ta luôn luôn có một sức mạnh ở ngay trong bản thân mình, đó là quyền năng của Thiên Chúa. Nếu ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, ta sẽ làm được nhiều việc mà mọi người đều nghĩ rằng ta không thể. Vì «không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được» (Lc 1,37). Vì «tôi có thể làm được tất cả nhờ quyền năng của Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Vì «nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì (…) sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được» (Mt 17,20)

Tại sao có những vị thánh đã làm được rất nhiều phép lạ? Chính vì các ngài có rất nhiều tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, và vì các ngài tin tưởng vững chắc vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng luôn hỗ trợ cho mình. Tình yêu thúc đẩy các ngài hành động, và lòng tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa khiến hành động của các ngài đi đến thành công.

Người đời vẫn nói: «Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên». Qua bài Tin Mừng về Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều này, ta thấy Ngài muốn các tông đồ, tức con người, phải mưu sự trước, và Ngài chỉ là người giúp cho mưu sự ấy thành công

Các nhà tu đức vẫn nói: «nỗ lực rồi cậy trông», nghĩa là chúng ta phải chủ động nỗ lực trước đã, dù nỗ lực ấy chỉ là yếu tố rất nhỏ (chỉ 1%) để thành tựu và phần chủ yếu (có đến 99%) là do Ngài, nhưng nếu không có phần nỗ lực rất nhỏ khởi đầu của ta thì không có sự việc gì thành tựu. Thánh ý Ngài là muốn có phần chủ động cộng tác của ta. Cho dù ngay cả việc chủ động của ta cũng do Thánh Thần Ngài thúc đẩy, vẫn phải luôn có phần của ta, vì nếu thiếu nó, Thiên Chúa cũng không thể làm phần của Ngài!



***

Thiên Chúa luôn muốn mọi người phát triển tình yêu thương trong lòng họ. Ngài muốn mọi điều tốt được thực hiện trên đời này là do sáng kiến của họ, bắt nguồn từ tình yêu thương của họ, chứ Ngài không muốn họ cứ làm theo lệnh Ngài như một cái máy. Ngài rất sung sướng được cộng tác với những công việc tốt đẹp mà chính họ sáng kiến và quyết tâm thực hiện, cho dù sự thành tựu là do Ngài tới 99%. Nhưng Ngài vẫn muốn phải có 1% công lao của con người, mà thiếu nó thì chính Ngài cũng không muốn thực hiện 99% còn lại kia. Chúng ta nên ý thức điều đó. Hãy tự sáng kiến và chủ động trong những việc tốt lành mà với sự cộng tác của Thiên Chúa, ta có thể làm được cho tha nhân, cho thế giới.


Share:

PS6a − Hãy làm cho người khác những gì Đức Giêsu đã làm cho ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 6 Mùa Phục Sinh

(6-5-2018)

Bài chia sẻ

Hãy làm cho người khác
những gì Đức Giêsu đã làm cho ta




ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 10,25-26.34-35.44-48: (34) «Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. (35) Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận».

  1Ga 4,7-10: (7) Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. (8) Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

  TIN MỪNG: Ga 15,9-17

Đức Giêsu tâm sự với các môn đệ


Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: (9) «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (11) Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. 

(12) Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (13) Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (14) Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (15) Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

(16) Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. (17) Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu có nói: «Cha Thầy dạy Thầy thế nào, Thầy cũng dạy anh em như vậy, nên anh em hãy dạy nhau như Thầy đã dạy anh em» không? Hay Ngài nói: «Cha Thầy làm gì cho Thầy, Thầy cũng làm điều ấy cho anh em, nên anh em hãy làm cho nhau như Thầy đã làm cho anh em»? Điều đó có nghĩa gì? 
2. Xét về gương của Đức Giêsu: Ngài yêu thương con người đến mức độ nào? Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau ở mức độ nào? 
3. Để yêu thương mọi người, ta có thể làm gì cụ thể và ích lợi cho họ nhất? Họ cần gì nhất?


Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu bắt chước Chúa Cha, sau đó Ngài mời gọi ta bắt chước Ngài

Trong bài Tin Mừng, ta thấy có những lời của Đức Giêsu có hình thức ít nhiều tương tự như sau: «Chúa Cha làm cho Thầy, Thầy cũng làm như vậy cho anh em», nên «anh em hãy làm như vậy cho nhau, giống như Thầy đã làm cho anh em». Chẳng hạn:

– Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy» (Ga 15,9). Sau đó Ngài mời gọi: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12).

– «Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người» (Ga 15,10b), Vậy «anh em (hãy) giữ các điều răn của Thầy và ở lại trong tình thương của Thầy» (Ga 15,10a).

– «Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết» (Ga 15,15), nghĩa là: Tất cả những gì Cha Thầy nói với Thầy, Thầy lại nói hết với anh em, nên tất cả những gì Thầy nói với anh em, anh em hãy nói hết cho nhau. Vì nói cho nhau biết hết, tức coi nhau như bạn hữu, nên lời trên có thể diễn tả cách khác: Cha Thầy đã coi Thầy như bạn hữu, Thầy cũng coi anh em như bạn hữu, vậy anh em hãy coi nhau như bạn hữu, giống như Thầy đã làm như vậy với anh em.

Như vậy, Chúa Cha nêu gương cho Đức Giêsu noi theo, Đức Giêsu lại nêu gương cho chúng ta noi theo. Đức Giêsu cũng đã nói rõ điều ấy: «Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em» (Ga 13,15). Vì thế, bổn phận của chúng ta là tiếp tục nêu gương tốt cho nhau, và cho mọi người. Nhờ đó, chúng ta trở nên «muối cho đời» và «ánh sáng cho trần gian» (x. Mt 5,13-16).

Trong nghi thức phong chức giáo sĩ, đức giám mục đại diện Giáo Hội trao cho các tân chức bổn phận phúc âm hóa, gồm hai nhiệm vụ được tóm lại trong câu: «Facete et docete» (=«Hãy làm và dạy»). Không phải là không có dụng ý khi Giáo Hội đặt chữ làm trước chữ dạy. Giáo Hội không bảo: «Hãy dạy và làm», mà bảo: «Hãy làm và dạy». Giáo Hội có ý nói: hãy làm gương trước đã rồi hãy dạy bảo sau, vì làm gương thì cần thiết và quan trọng hơn dạy bảo rất nhiều. 

Nhưng dường như nhiều nhà phụ trách phúc âm hóa thời nay thường chú tâm đến việc dạy bảo hơn là làm gương, thậm chí coi rất nhẹ việc làm gương. Nhiều khi lời dạy và việc làm của người dạy trái ngược hẳn nhau. Vì thế, việc phúc âm hóa và việc giáo dục Kitô hữu không đi đến kết quả mong muốn vì chưa đi đúng tinh thần của Đức Giêsu và Giáo Hội. 

Cần nhận thức rõ ràng rằng gương sáng có tác dụng giáo hóa hữu hiệu gấp nhiều lần lời dạy: «Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn». Các nhà phúc âm hóa và giáo dục Kitô hữu nên tránh vết xe đổ của những người Pharisiêu xưa là «nói mà không làm» (Mt 23,3), hay «nói một đằng, làm một nẻo».



2. Gương yêu thương và hy sinh của Đức Giêsu

Điểm nhấn của bài Tin Mừng hôm nay là gương yêu thương và hy sinh của Đức Giêsu, và lời Ngài yêu cầu chúng ta hãy bắt chước Ngài mà yêu thương nhau: «Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12)

Gương của Ngài trong việc yêu thương chúng ta là: Ngài yêu bằng những hành động cụ thể, nghĩa là hy sinh thật sự cho người mình yêu. Khi yêu ai, người ta có thể hy sinh cho người ấy thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc, cơ hội, tình cảm khác, v.v… Nhưng hy sinh cao độ nhất là hy sinh chính mạng sống mình: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13). Đức Giêsu đã thực hiện chính sự hy sinh cao độ ấy: «Đức Kitô đã chết vì chúng ta» (Rm 5,6.8; x. Ep 5,2; 1Ga 3,16). Không ai thật sự yêu thương mà lại không sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Ai nói mình yêu thương mà lại không muốn hy sinh, kẻ ấy nói dối, hay tình yêu của kẻ ấy chỉ là thứ môi miệng.

Như vậy, một trong những lý do quan trọng khiến chúng ta phải yêu thương nhau, đó là chính Thiên Chúa và Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta: «Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau» (1Ga 4,11); «Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước» (1Ga 4,19); «Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em» (1Ga 3,16).



3. Yêu thương nhau bằng cách làm gương sáng cho nhau: gương tốt nhất là gương yêu thương nhau

Người yêu thương đích thực thì sẵn sàng hy sinh bất kỳ điều gì mà người mình yêu cần đến. Điều mà người mình yêu cần đến có thể rất khác nhau, tùy theo mỗi người và theo từng trường hợp cá biệt. Để hy sinh, để thể hiện tình yêu một cách thích hợp, chúng ta cần phải tìm hiểu xem người mình yêu cần những gì, và cần gì nhất. Đức Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người không trừ ai. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem con người thời nay, nhất là những người chung quanh ta, cần gì nhất.

Trong vô số những nhu cầu tinh thần cũng như vật chất, điều mà con người cần nhất là được cứu rỗi; nói cụ thể và chi tiết hơn là tin vào Thiên Chúa, đồng thời biết sống xứng đáng với phẩm giá của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa để nhờ đó được hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế, người yêu thương tha nhân cách sáng suốt là người biết quan tâm tới sự cứu rỗi của họ, nghĩa là chẳng những giới thiệu cho họ biết Thiên Chúa, tin Đức Giêsu, ý thức phẩm giá cao quí của mình, mà còn giúp họ sống cho xứng với phẩm giá cao quí ấy.

Để sống xứng với phẩm giá cao quí ấy, không gì tốt cho con người bằng thực hiện chính bản tính Thiên Chúa mà Ngài đã chia sẻ hay thông phần cho họ: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, là cho anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Mà điều cốt yếu trong bản tính Thiên Chúa chính là tình yêu: «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16)

Vì thế, sống yêu thương – yêu Thiên Chúa và tha nhân – chính là thực hiện bản chất cao quí nhất của con người, là sống xứng với phẩm giá của con người là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà con người cần thiết phải làm để được cứu rỗi. Chính vì thế, Đức Giêsu chỉ truyền cho con người một giới luật duy nhất là yêu thương nhau: «Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau» (Ga 15,17; x. Ga 13,34-35; 15,12; 1Ga 3,23; 2Ga 1,5). Vào ngày chung thẩm, Thiên Chúa chỉ căn cứ vào một điều duy nhất để phán xét chúng ta, đó là tình yêu của chúng ta đối với tha nhân (x. Mt 25,31-46).

Vì thế, tìm cách làm cho những người chung quanh ta yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, chính là làm cho họ được cứu rỗi. Và không cách nào hữu hiệu để giúp họ yêu thương nhau cho bằng chính ta làm gương sáng cho họ về điều ấy. Nghĩa là ta không chỉ dạy họ yêu thương nhau và yêu thương mọi người, mà chính chúng ta phải thật sự gương mẫu trong việc yêu thương mọi người và yêu thương chính họ (những người ta dạy dỗ)

Phải sống làm sao để có thể nói được tương tự như Đức Giêsu, chẳng hạn: «Thiên Chúa và Đức Giêsu yêu thương tôi, nên tôi cũng yêu thương anh chị em như vậy… và anh chị em cũng hãy yêu thương nhau giống như tôi đã yêu thương anh chị em». Tình yêu của ta đối với mọi người phải là tấm gương để mọi người nhìn vào đấy mà yêu thương nhau.

Tình yêu thật sự sẽ như một mồi lửa có thể lan truyền từ người nọ sang người kia và cuối cùng biến trần gian này thành Nước Trời. Chính Đức Giêsu đã mong ước lửa tình yêu mà Ngài đã đem đến trái đất lan truyền đến mọi người và bùng cháy lên: «Thầy đã đem lửa đến trần gian, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!» (Lc 12,49). Lửa ấy có bùng lên hay không, điều ấy tùy thuộc vào mỗi người chúng ta có lửa ấy trong tâm hồn mình hay không, và có biết truyền lửa ấy đến tâm hồn những người chung quanh ta hay không!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha và Đức Giêsu đã yêu thương con vô bờ bến, xin cho con cũng biết yêu thương mọi người chung quanh con bằng những hy sinh cụ thể về thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc, cơ hội… Xin cho mọi người chung quanh con cảm nghiệm được tình yêu chân thật của con dành cho họ, để chính họ cũng bắt chước con mà yêu thương nhau.


Share:

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Mách bạn 5 cách cạo gió chuẩn cho từng loại bệnh của người Việt


Mách bạn 5 cách cạo gió chuẩn 
cho từng loại bệnh của người Việt, 
giúp người bệnh nhanh thoát khỏi

tình trạng nguy kịch


Cạo gió (đánh gió) là truyền thống chữa bệnh của người Việt, giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cạo gió được và tùy từng loại bệnh mà có cách cạo gió cụ thể.


1. Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy

Khi mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ngoài việc uống thuốc trị tiêu hóa, bạn có thể áp dụng phương pháp cạo gió để mau hết bệnh. Bạn nhờ người cạo giữa sống lưng và 2 bên mạng sườn từ trên xuống. Cạo trước ngực, từ lõm cổ xuống, rồi từ cánh tay đến các đầu ngón tay. Sau đó, cạo từ mặt ngoài chân xuống đến mu bàn chân, sau gáy đến mặt sau cánh tay, lưng đến chân rồi bàn chân.

Khi bị bệnh đường tiêu hóa, bạn nên cạo giữa sống lưng và 2 bên mạng sườn.




2. Sốt và nhức đầu

Theo các chuyên gia Đông y gợi ý trên báo Người Đưa Tin, khi lên cơn sốt cao và nhức đầu như búa bổ, bạn nên cạo 2 bên đường gân dưới cổ (ngay bên dưới ót) tạo thành 2 đường chéo ở 2 bên vai. Chú ý cạo theo chiều từ cổ đến vai và từ đốt xương sống lưng số 2,3 ra 2 bên vai.


3. Ho

Khi bị ho gió, ho khan, ho dữ dội lâu ngày không khỏi, bạn nên cạo gió phía sau lưng, giữa sống lưng và trước ngực theo đường thẳng giữa ngực.


4. Bị trúng gió, cảm nắng

Những lúc bị trúng gió, cảm nắng, bạn nên cạo gió sau lưng (giữa lưng và 2 bên), bắt gió ở trước trán (chỗ ấn đường), chà xát 2 bên thái dương (mang tai). Nếu bị ngất thì lấy móng tay ấn mạnh tại huyệt nhân trung cho tỉnh lại. Nếu phát sốt, lấy kim châm các tĩnh huyệt hay đầu ngón tay ra máu. Trong trường hợp người bệnh đầu còn nặng thì ấn mạnh tại xoáy hay huyệt bách hội trên đỉnh đầu và cạo gió thêm ở hai bên tay, chân.

Khi bị trúng gió, bạn nên cạo sau lưng


5. Đau nhức

Người già, người lười vận động sẽ dễ đau nhức mình mẩy khi thời tiết thay đổi. Vậy nếu đau chỗ nào thì bạn cạo ngay chỗ ấy. Tại điểm đau nhức, cạo 2 bên theo đường tuyến từ trên xuống.

Chú ý khi cạo gió:

– Đánh gió trong phòng kín, giữ ấm vào mùa đông, mùa hè không được để quạt thổi trực tiếp vào người bệnh, người bệnh cần được ủ ấm sau khi cạo gió.

– Cơ thể thả lỏng thư giãn, các dụng cụ cạo gió phải sạch sẽ.

– Không nên cạo gió quá lâu, không nên cạo quá mạnh tay gây đau rát.

– Không nên cạo gió cho người mắc bệnh da liễu, bệnh tim mạch, phụ nữ có thai, trẻ em.

– Không nên cạo gió một cách tùy tiện, chỉ nên đánh gió khi người bị cảm mạo (cảm mạo phong hàn hay phong nhiệt), đau đầu, đau lưng, sốt không ra mồ hôi.

– Sau khi cạo gió nên uống một bát trà gừng hoặc một bát cháo có tía tô với hành, hay một cốc nước sôi để nguội có pha chút muối. Nằm yên trên giường, không nên ra ngoài vì dễ nhiễm lạnh, đặc biệt không được tắm sau khi cạo gió.

Theo thethaovanhoa.vn
●  ● 

7 đối tượng tuyệt đối cấm chỉ cạo gió



Cạo gió (hay đánh cảm) là phương pháp trị bệnh dân gian khá phổ biến. Nhưng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn với sức khỏe. Trên thực tế, có rất nhiều đối tượng bị cấm chỉ định hoàn toàn với cách làm này.

Người ta thường coi cạo gió là một cách để làm giảm đau tức thời, tống khứ chất độc. Nhưng cũng bởi thế mà rất nhiều người đã hóa ra nghiện cạo gió. Có người tự cạo gió hoặc nhờ người khác cạo gió cho mình hàng tuần, thậm chí hàng ngày.

Y học đã ghi nhận nhiều trường hợp co giật, líu lưỡi, đứt mạch máu não chỉ vì cạo gió. Vì thế, các bác sĩ đã đưa ra khuyến cáo đặc biệt với những người nằm ở danh sách dưới đây mỗi khi họ có ý định cạo gió.


1. Trẻ em

Da trẻ rất nhạy cảm và mỏng manh, nếu cạo gió sẽ gây ra rất nhiều thương tổn. Cạo gió có thể khiến trẻ đau đớn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu trẻ bị rối loạn đông máu hoặc bị sốt xuất huyết.


2. Người bị bệnh tim

Người đang gặp các vấn đề về tim mạch hoặc có tiền sử bị bệnh tim tuyệt đối không được cạo gió. Những động tác cạo, đánh mạnh có thể kích thích các cơn đau thắt tim.


3. Người bị cao huyết áp

Người cao huyết áp cạo gió có thể bị giãn mạch, có thể dẫn đến méo miệng, nặng hơn có thể gây đột quỵ, xuất huyết não.


4. Phụ nữ có thai

Những động tác cạo, vuốt, ấn với lực khá mạnh của việc cạo gió có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt là trong những tháng đầu, khi thai nhi còn non.


5. Người mắc bệnh da liễu

Những người có da mẫn cảm không nên đánh gió. Khi chà xát sẽ gây dị ứng. Những người có bệnh ngoài da cũng cần tránh cạo gió vì dễ gây nhiễm trùng, lây lan sang vùng da khác.


6. Người bị đau vai gáy

Cạo gió gây xuất huyết dưới da (điều này giải thích vì sao da đỏ ửng sau khi cạo). Cạo gió có thể gây tụ máu, chèn ép thần kinh, làm cơn đau nhức thêm trầm trọng hơn.


7. Người mắc bệnh máu không đông

Cạo gió làm vỡ các mao mạch dưới da. Những người mắc bệnh máu không đông (Hemophylie) sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.

Hữu Bằng (tổng hợp)



Share:

TOMAHAWK, vũ khí của MỸ, lợi hại như thế nào?



TOMAHAWK, vũ khí của MỸ,
lợi hại như thế nào?


Vi tính ưu việt của mình nên tên lửa Tomahawk được mệnh danh là ‘sứ giả chiến tranh’, thứ vũ khí chính xác này luôn giữ vai trò mở màn khi Mỹ muốn phát động tấn công một quốc gia nào đó.


Sát thủ vô hình

Phát hiện Tomahawk bằng radar
hay các thiết bị quét hồng ngoại là việc rất khó.

Thân tên lửa được chế tạo từ hợp kim nhôm, một số các bộ phận và bề mặt khí động học của tên lửa được chế tạo từ nhựa tổng hợp graphite-epoxy và trong suốt đối với các sóng radio. Để giảm độ phản xạ hiệu dụng, trên thân tên lửa, cánh tên lửa và bộ cánh ổn định đuôi được sơn phủ bằng lớp vật liệu hấp thụ sóng radar.

Cặp cánh dài độc đáo giúp Tomahawk linh hoạt trong quá trình bay. Không bay theo đường thẳng mà có khả năng di chuyển qua những “điểm mù” của radar phòng không đối phương giúp khả năng sống sót của Tomahawk rất cao.

Trên thực tế, phát hiện Tomahawk bằng radar hay các thiết bị quét hồng ngoại là việc rất khó.

 Chính vì vậy, tuy chỉ bay với tốc độ cận âm nhưng Tomahawk có khả năng né tránh linh hoạt hệ thống phòng thủ của đối phương, dễ dàng lọt sâu và bắn hạ các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Với khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân nhẹ, Tomakawk có khả năng phá hủy lớn hơn rất nhiều so với dáng vẻ bề ngoài của nó.


Đường bay khó nắm bắt

Bức tranh mô tả quỹ đạo bay của Tomahawk.
Với phương án bay như này, các phương tiện phòng không của đối phương
hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Robert Aldridge – Kỹ sư cao cấp General Dynamics – mô tả sản phẩm của mình trên tạp chí “The Nation” bài viết “Lầu Năm Góc trên đường chiến tranh”, từ ngày 27/3/1982: “Phương án chiến lược của tên lửa được tính sao cho, với vận tốc 0,7M tên lửa bay được một quãng đường xa nhất trên độ cao 20000 ft (6096m). Trong giai đoạn này tên lửa tiết kiệm được nhiều nhiên liệu nhất và bay được khoảng cách xa nhất.

Khi tên lửa tiếp cận không gian phòng ngự của đối phương, tên lửa sẽ hạ xuống độ cao rất thấp, từ 30 m đến 130 m, với khả năng tàng hình (công nghệ stealth), tên lửa có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện đại nhất. Khi khoảng cách đến mục tiêu còn khoảng 50 hải lý (80,5 km) tên lửa sẽ hạ độ cao xuống còn 15 m so với địa hình và tăng tốc độ lên đến 1,2 M để tấn công mục tiêu.

Với phương án bay như vậy, các phương tiện phòng không của đối phương hoàn toàn bị vô hiệu hóa.


Tính cơ độc cao

Với khả năng bắn từ mặt đất, trên tàu chiến hay tàu ngầm hoạt động dưới đáy biển,
Tomahawk dễ dàng tham chiến ở mọi chiến trường.

Trên thực tế, Tomahawk là một trong những tên lửa đa nhiệm bậc nhất thế giới. Với khả năng bắn từ mặt đất, trên tàu chiến hay tàu ngầm hoạt động dưới đáy biển, Tomahawk dễ dàng tham chiến ở mọi chiến trường.

Ngay sau khi rời bệ phóng, các chuyên gia vũ khí có thể điều khiển tên lửa thông qua hệ thống định vị toàn cầu. Trong trường hợp tự hành theo lịch trình được cài đặt sẵn, tên lửa Tomahawk vẫn nhận các tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh hoặc hệ thống do thám tối tân của Mỹ để dễ dàng bắn hạ mục tiêu mà không gặp phải bất kể sự cản trở nào của đối phương.

Khác với tên lửa thông thường, khi đã dời khỏi bệ phóng là bị khóa cứng vào một mục tiêu nhất định nên khả năng bắn trượt cao, Tomahawk có thể thay đổi mục tiêu bắn hạ khi mục tiêu đó thay đổi vị trí, hoặc bay nhiều vòng trên bầu trời để tìm ra mục tiêu nếu mục tiêu biến mất khỏi định vị.


Độ chính xác gần như tuyệt đối

Tomahawk có khả năng bắn lọt qua cửa sổ của căn nhà mục tiêu
từ khoảng cách xa hàng ngàn Km

Hệ thống dẫn đường phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ khác nhau giúp Tomahawk trở nên chính xác vượt trội trong mọi điều kiện tác chiến. Thậm chí, gần như chắc chắn Tomahawk biết nó đang bay ở địa hình nào, độ cao bao nhiêu với sai số 1m trên 1.000m đường bay.

Không chỉ vậy, Tomahawk còn có thể đọc địa hình theo chiều thẳng đứng để so sánh với bản đồ số được nạp sẵn, giúp tên lửa di chuyển an toàn và chính xác hơn. Cuối cùng, hệ thống so sánh điện tử với mắt thần giúp Tomahawk lao vào mục tiêu với sai số dưới 5 m. Sau khi nạp sẵn dữ liệu mục tiêu, hệ thống điện tử của Tomahawk sẽ so sánh cách bức ảnh mà mắt thần chụp lại để xác định mục tiêu.

Cuối cùng, Tomahawk sở hữu hệ thống định vị toàn cầu GPS, giúp xác định vị trí tên lửa và quỹ đạo bay. Bên cạnh đó, khả năng kết nối và cập nhật thông tin mục tiêu từ các thiết bị do thám khác giúp đảm bảo khả năng bắn hạ. Chính vì lẽ đó, Tomahawk có khả năng bắn lọt qua cửa sổ của căn nhà mục tiêu.


Tiêu diệt đối phương từ khoảng cách hàng ngàn cây số

Cấu tạo của Tomahawk khiến chúng trở thành thứ vũ khí bất khả chiến bại

Các chuyên gia quân sự đánh giá tên lửa Tomahawk là thứ vũ khí cách mạng tạo ra bước ngoặc thay đổi quy luật của chiến tranh hiện đại. Trong các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam, không quân và bộ binh Mỹ từng phải chịu những tổn thất nặng nề về người và phương tiện. Nhưng thời nay, với Tomahawk, luật chơi đã thay đổi. Chỉ cần ngồi một nơi an toàn cách xa chiến trường hàng ngàn cây số, nhấn nút phóng tên lửa Tomahawk có thể bắn lọt qua cửa sổ một tòa nhà mục tiêu.

Chính vì vậy, hàng trăm quả Tomahawk luôn khai hỏa trận chiến trước tiên, tiêu diệt hoặc làm tê liệt các mục tiêu quan trọng có giá trị cao của đối phương. Sau khi kẻ địch đã gần như bị đánh quỵ, không còn khả năng chống trả hoặc nếu có cũng vô cùng yếu ớt thì các lực lượng khác của Mỹ và đồng minh mới vào cuộc, giải quyết chiến trường một cách dễ dàng.

Không phải ngẫu nhiên mà tên lửa Tomahawk được mệnh danh là ‘sứ giả chiến tranh’ vì thứ vũ khí chính xác này luôn giữ vai trò mở màn khi Mỹ muốn tuyên chiến với một quốc gia nào đó.

NamMinh




Chính trị − Văn hóa − Xã hội
Share:

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Tương lai "rợn người" quanh đề xuất gắn "nút chết" cho robot


Tương lai "rợn người"
quanh đề xuất gắn "nút chết" cho robot


Trần Hồng Phong


(Xuân Mậu Tuất 2018) - Một điều chưa từng có đã xuất hiện. Đó là nỗi lo sợ đã hình thành và ngày càng lớn trước sự "xâm lấn" của người máy (robot) vào xã hội loài người. Robot không chỉ làm tăng nguy cơ thất nghiệp ở quy mô toàn cầu, mà còn bị coi là đe doạ đến hoà bình thế giới, đến sự sinh tồn của loài người. Phương Tây đã chính thức đặt vấn đề về việc ban hành những đạo luật về thuế trong sản xuất robot, về tính đạo đức, nhân văn trong trí tuệ của robot và đặc biệt là quy định bắt buộc phải có "nút chết" trên mỗi con robot phòng trường hợp chúng tấn công con người. Liệu một tương lai do robot "thống trị" xã hội loài người sẽ trở thành hiện thực?

Đã đến lúc loài người phải "sợ" những người máy thông minh
do chính mình tạo ra (ảnh minh hoạ)


Sự thông minh đột biến và ngoài tầm kiểm soát của trí tuệ nhân tạo

Năm 2017 vừa qua đánh dấu sự phát triển chưa từng có của trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence, viết tắt là AI). AI đang phát triển rất nhanh chóng và đi vào tất cả các lĩnh vực: từ kinh tế, quân sự, cho đến văn hoá, thậm chí cả đời sống tình cảm, tình dục của con người!

Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Amazon, Google, Facebook, Apple, Samsung ... đều đang chạy đua trong nghiên cứu và phát triển AI. Mỗi công ty đều có AI do mình nghiên cứu, hiểu theo nghĩa đen, tức là mỗi công ty đều có robot thông minh của riêng mình.

Khái niệm robot ngày nay cũng đã thay đổi căn bản. Robot không còn là hình ảnh của những cỗ máy to lớn và thô kệch, hoạt động tự động theo chương trình lập trình sẵn. Ngày nay robot đã có thể xinh đẹp như con người, hay thậm chí không có hình dạng cụ thể, và chắc chắn thông minh, uyên bác hơn một con người cụ thể rất nhiều, nhờ có AI - là "bộ óc". Trong tương lai rất gần, chúng ta sẽ không thể phân biệt trên đường phố đông đúc, hay người ngồi cạnh mình trên một chuyến xe bus là người thật hay là ... robot!

Những thành tựu về nghiên cứu AI đang phát triển rất nhanh. Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn, là chính bản thân AI đang tự mình phát triển, tự mình học hỏi, thông minh và đột biến, vượt qua cả sự hình dung và kiểm soát của chính những người tạo ra "chúng".

Gần đây hãng Facebook đã phải hủy bỏ một bộ AI của mình. Lý do là hệ thống AI này không biết bằng cách nào đã giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ riêng, do chính nó tạo ra. Những từ ngữ tưởng chừng vô nghĩa với con người, nhưng lại có ý nghĩa với các cỗ máy AI khác. Tức là robot có thể "nói chuyện" bằng ngôn ngữ riêng với nhau, mà con người không hề biết và hiểu rằng chúng đang bàn chuyện gì?

Cuối năm 2016, người ta phát hiện ra AI dịch thuật của Google đã tự tạo ra một loại ngôn ngữ trung gian, giúp dịch một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ gây bất ngờ, mà khiến các chuyên gia tự hỏi chúng tạo ra ngôn ngữ đó còn có mục đích nào khác không? Người ta cũng phát hiện trường hợp AI tự mình thâm nhập vào thư viện điện tử của một trường Đại học để nạp kiến thức; hay AI khám bệnh đã đưa ra những công thức thuốc chữa bệnh chưa từng có và ... có lý!

Có thể nói AI đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. AI không nhất thiết phải là những con robot mà con người cầm nắm được, mà đang ẩn trong nhiều hình thức khác nhau, kể cả vô hình. Như trong chiếc iPhone của mỗi người, có trợ lý Siri thông minh dí dỏm chính là AI!

AI hiện nay đã có thể nhận biết và dự doán được hành vi của con người. Các chuyên gia đang xây dựng cho AI có khả năng đọc được suy nghĩ của con người. Nếu vậy thật đáng sợ, AI có thể dễ dàng kiểm soát hoạt động của con người.

Rõ ràng việc con người đang ngày càng lo sợ chuyện robot, những cỗ máy do chính mình tạo ra, sẽ thống trị mình là điều có thật. Đây là điều hoàn toàn nghiêm túc. Thật kỳ lạ khi chỉ 10 năm trước, không ai nghĩ tới!



Đây là một người máy có thể đem lại niềm vui cho những người đàn ông độc thân


Một tương lai đáng sợ và luật về "nút bấm chết" cho robot

Tháng 7/2015, xảy ra một vụ án mạng mà "hung thủ" là một ... con robot! Vụ việc diễn ra trong một dây chuyền sản xuất xe hơi tại Mỹ. Trong ca sản xuất, một con robot đã bất ngờ di chuyển ra khỏi vị trí làm việc của nó, đi vào một dây chuyền khác, tiến đến gần một nữ kỹ sư (bà Wanda Holbrook) và ... ghì chặt đầu người này xuống băng chuyền. Hậu quả là đã gây chấn thương nặng dẫn đến cái chết của nạn nhân, trong sự bất ngờ cực độ của những người có mặt. Hiện chồng của nạn nhân vẫn đang theo đuổi một vụ kiện đối với 5 công ty đã sản xuất con robot "giết người" này. Vấn đề đặt ra là con robot này hoàn toàn không hề được lập trình hay "dạy dỗ" để thực hiện những hoạt động mang tính giết người như vậy. Sự việc khiến nhiều chuyên gia nghi ngại vì có vẻ như đã vượt qua ngoài tầm quan niệm đây là một lỗi kỹ thuật của máy móc. Mà phải chăng có điều gì đó xa hơn, liên quan đến hệ thống AI của con robot này.

Theo một logic thông thường, khi con người càng thông minh, khoa học càng phát triển, sẽ có xu hướng chế tạo ra robot, để bắt nó làm việc thay mình, phục vụ cho mình. Con người có bản năng phản kháng lại hay bỏ chạy trước những kẻ chèn ép, muốn sát hại mình. Bản năng này cũng có thể thấy trên hầu hết các loài động vật. Nhưng đối với một con robot thì sao? Liệu trong nhận thức (AI) của nó có tồn tại bản năng sinh tồn ấy không? Đây quả là một câu hỏi thú vị, nhưng cũng thật đáng sợ.

Với sự phát triển của công nghệ AI ở thời điểm hiện tại, đã có thể chứng minh được bản năng phản kháng hay linh hoạt để tồn tại là hoàn toàn có thể có trong bộ óc (AI) của mỗi con robot.

Chúng ta hãy hình dung một chiếc chiến đấu cơ không người lái của Mỹ, được trang bị hệ thống ra đa và AI có khả năng phát hiện kẻ thù từ rất xa. Hệ thống này sẽ tự động nhận diện kẻ thù, chủ động bắn đạn ra để tiêu diệt đối phương khi cảm thấy bị đe doạ. Nó sẽ không ngồi im chịu chết, chờ kẻ thù bắn mình. Logic ấy là do con người tạo ra. Nhưng khi chiếc máy bay đã bay trên trời, thì có những thời điểm và phân tích chỉ trong tích tắc, ngoài tầm kiểm soát và nhìn thấy của người điều khiển và hoàn toàn do AI quyết định. Thực tế đã có những vụ máy bay không người lái "bắn lầm" chết người.

Vậy thì khi con robot vì một lý do nào đó không nhận biết chính xác người chủ, hoặc cảm thấy bị đe doạ, nó sẽ xác định đây là kẻ thù và ra tay giết. Điều này cũng giống như việc phe này cài "người máy chiến đấu" vào vùng của phe kia. Cuộc chiến gữa con người với người máy, qua sự phát triển của công nghệ, sẽ trở thành cuộc chiến giữa robot với robot, giữa AI với AI ...

Pháp luật quốc tế từ lâu đã có quy định cấm sản xuất vũ khí giết người hàng loạt (bom nguyên tử). Có vẻ như nay đã đến lúc cần phải có những quy định liên quan đến AI, như: cấm sản xuất robot có bản tính độc ác, vô đạo đức ... chẳng hạn.

Ngày càng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ robot kiểm soát, thậm chí sát hại loài người. Nhà sáng lập của Tesla, tỷ phú người Mỹ Elon Musk, là một trong những người đầu tiên và tích cực nhất nêu quan điểm về mối đe doạ này. Hiện đã có hơn 100 chuyên gia hàng đầu khác đang đòi hỏi một lệnh cấm sử dụng AI vào trong lĩnh vực sản xuất vũ khí.

Elon Musk lo sợ AI sẽ có thể tiêu diệt loài người, khi nói rằng 90% chúng ta sẽ tạo ra một trí tuệ nhân tạo nguy hiểm. Theo Elon, AI sẽ thông minh hơn ta, toàn năng hơn ta, sẽ coi ta là mối nguy hiểm lớn nhất với sự tồn tại của chúng – ta có thể tắt một cái máy tính đi bất kì lúc nào, vậy nên chúng sẽ sớm hủy diệt chúng ta để có thể sinh tồn.

Tháng 1/2017, Quốc hội châu Âu đã soạn thảo đề cương pháp luật về robot, trong đó có nội dung đề nghị nhà sản xuất phải có nút để giết, ngăn không cho robot sát hại con người. Mady Delvaux, nghị sĩ phụ trách bản đề xuất, nói: "Ngày càng nhiều mặt của đời sống hằng ngày bị robot làm ảnh hưởng. Để đảm bảo robot luôn và chỉ phục vụ loài người, chúng tôi khẩn thiết đưa ra đề cương hợp pháp robot tại châu Âu. Các kỹ sư phải thiết kế ra những robot an toàn, đạo đức. Mỗi robot đều phải có công tắc khẩn để "giết" trong trường hợp khẩn cấp". Quốc hội châu Âu cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét việc robot phải mua bảo hiểm, đánh thuế chủ robot. Đề xuất này đang được Ủy ban châu Âu xem xét thông qua.

Tuy nhiên không ít người cho rằng những kiến nghị pháp luật như trên hoàn toàn không ngăn ngừa được nguy cơ. Đó chỉ là một ý tưởng đơn giản và thậm chí có phần ngô nghê. Vì cho dù bị gắn "nút chết", thì với AI cực thông minh của mình, con robot hoàn toàn biết cách thoát khỏi tình cảnh sẽ bị ai đó bấm nút giết nó.

Phần tôi, thì lại suy nghĩ rằng những thứ mà chúng ta gọi là "luật" và sẽ áp dụng vào công nghệ sản xuất robot và AI, suy cho cùng thì đó là luật áp dụng cho ai: con người hay robot? và có khả thi không?

Hãy hình dung một tình huống trong tương lai chỉ vài năm nữa: hệ thống AI cài đặt trên một chiếc ô tô tự lái sẽ lái xe ô tô chạy trên đường phố. Chiếc xe có khả năng nhận biết đèn đỏ tại các ngã tư và dừng xe lại, biết tránh xe khác, tìm điểm dừng ...,trong khi trên xe có thể không có người nào. Vậy khi một chiếc xe tự động phạm luật, chẳng hạn vượt đèn đỏ, thì ai là người vi phạm luật giao thông? Nếu chúng ta xác định đó là luật dành cho chiếc xe, tức là cho robot, thì phải chăng loài người đã đành phải thừa nhận vai trò quá lớn và nỗi lo sợ của mình đối với robot?



Loài người liệu có thể "chung sống hoà bình" với robot?


Ngoài phục vụ trong công việc, robot hiện nay đã đi vào đời sống văn hoá, tình cảm của con người. Thậm chí là cả về tình dục và sinh sản. Trong năm 2017 vừa qua, dịch vụ robot tình dục đã chính thức có mặt tại Tây Ban Nha. Còn tại Nhật, người ta đã bàn tới khả năng con người sẽ cưới và sinh con với một ... robot.

Vậy trong tương lai, mối quan hệ giữa con người và robot sẽ như thế nào? Liệu cả hai có thể chung sống hoà bình và hỗ trợ lẫn nhau hay không? Hiện có hai luồng quan điểm.

Một quan điểm cho rằng con người không thể nào chung sống hoà bình với robot được. Nghị sỹ châu Âu Mady Delvaux nói rằng con người phải luôn nhìn nhận robot như một loại máy móc và tuyệt đối không được nghĩ rằng robot thương yêu con người. Ông đưa ra ví dụ rằng những người bệnh phải phụ thuộc vào robot dần dà có thể nảy sinh tình cảm với chính robot.

Một xu hướng khác thừa nhận trong tương lai con người sẽ thua cuộc trước trí tuệ của robot. Do vậy, hãy kết thân với chúng. Phải làm sao đó để AI sẽ hiểu biết được về con người một cách nhân ái và nhân đạo hơn, rồi từ bỏ kế hoạch thôn tính loài người của chúng.



Loài người sẽ chung sống hoà bình với người máy thông minh?

Tôi còn nhớ từ nhiều năm trước có một bộ phim (Mỹ) nói về một robot 200 tuổi. Từ một hình thức đơn giản xấu xí, trải qua thời gian, trong khi ông chủ, bà chủ của robot đã qua đời 2 thế hệ, thì con robot đã từng bước thay đổi, hoàn thiện, thậm chí biết ... yêu cô chủ của nó! Giữa hai người (cô chủ và người máy) đã có mối quan hệ tình cảm, tình dục thật sự.

Thế rồi con robot ấy đã đấu tranh đề nghị Toà án loài người tuyên bố quyền được là CON NGƯỜI, để có thể chính thức cưới cô chủ làm vợ. Ước mơ của nó cuối cùng đã trở thành hiện thực, Toà án đã chính thức công nhận robot 200 tuổi là một "con người", vì có đầy đủ các đặc tính của một con người..

Phải chăng đây là một thế giới của tương lai và đáng mơ ước?

......


Robot đang lấn sâu và "hoà nhập" vào xã hội loài người

Theo số liệu thống kê, hiện nay tỉ lệ công việc robot đảm nhiệm là 66 đơn vị robot/10.000 nhân viên. Dẫn đầu trong việc ứng dụng robot là Hàn Quốc với 478/10.000 nhân viên, trong khi Mỹ xếp vị trí thứ bảy với 164 robot.

Tháng 12/2017, Viện Nghiên cứu chính sách công (IPPR) nước Anh dự đoán robot sẽ chiếm tới một nửa công việc ở các khu vực còn nghèo tại Anh và đặc biệt những công việc ít đòi hỏi kỹ năng, lương thấp sẽ bị đe dọa nhiều nhất.

Tháng 11/2017, BBC dẫn kết quả nghiên cứu trên 46 quốc gia và 800 loại công việc của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, cho biết khoảng 800 triệu việc làm của con người sẽ được robot đảm nhiệm tính tới năm 2030.

Năm 2016, Tổ chức Lao động quốc tế đã công bố nghiên cứu cho rằng khoảng 137 triệu lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, tương đương 56% tổng số lao động tại những nước này, có nguy cơ bị mất việc vì robot, nhất là công nhân trong ngành công nghiệp dệt may.




Chính trị − Văn hóa − Xã hội
Share: