Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Tương lai "rợn người" quanh đề xuất gắn "nút chết" cho robot


Tương lai "rợn người"
quanh đề xuất gắn "nút chết" cho robot


Trần Hồng Phong


(Xuân Mậu Tuất 2018) - Một điều chưa từng có đã xuất hiện. Đó là nỗi lo sợ đã hình thành và ngày càng lớn trước sự "xâm lấn" của người máy (robot) vào xã hội loài người. Robot không chỉ làm tăng nguy cơ thất nghiệp ở quy mô toàn cầu, mà còn bị coi là đe doạ đến hoà bình thế giới, đến sự sinh tồn của loài người. Phương Tây đã chính thức đặt vấn đề về việc ban hành những đạo luật về thuế trong sản xuất robot, về tính đạo đức, nhân văn trong trí tuệ của robot và đặc biệt là quy định bắt buộc phải có "nút chết" trên mỗi con robot phòng trường hợp chúng tấn công con người. Liệu một tương lai do robot "thống trị" xã hội loài người sẽ trở thành hiện thực?

Đã đến lúc loài người phải "sợ" những người máy thông minh
do chính mình tạo ra (ảnh minh hoạ)


Sự thông minh đột biến và ngoài tầm kiểm soát của trí tuệ nhân tạo

Năm 2017 vừa qua đánh dấu sự phát triển chưa từng có của trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence, viết tắt là AI). AI đang phát triển rất nhanh chóng và đi vào tất cả các lĩnh vực: từ kinh tế, quân sự, cho đến văn hoá, thậm chí cả đời sống tình cảm, tình dục của con người!

Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Amazon, Google, Facebook, Apple, Samsung ... đều đang chạy đua trong nghiên cứu và phát triển AI. Mỗi công ty đều có AI do mình nghiên cứu, hiểu theo nghĩa đen, tức là mỗi công ty đều có robot thông minh của riêng mình.

Khái niệm robot ngày nay cũng đã thay đổi căn bản. Robot không còn là hình ảnh của những cỗ máy to lớn và thô kệch, hoạt động tự động theo chương trình lập trình sẵn. Ngày nay robot đã có thể xinh đẹp như con người, hay thậm chí không có hình dạng cụ thể, và chắc chắn thông minh, uyên bác hơn một con người cụ thể rất nhiều, nhờ có AI - là "bộ óc". Trong tương lai rất gần, chúng ta sẽ không thể phân biệt trên đường phố đông đúc, hay người ngồi cạnh mình trên một chuyến xe bus là người thật hay là ... robot!

Những thành tựu về nghiên cứu AI đang phát triển rất nhanh. Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn, là chính bản thân AI đang tự mình phát triển, tự mình học hỏi, thông minh và đột biến, vượt qua cả sự hình dung và kiểm soát của chính những người tạo ra "chúng".

Gần đây hãng Facebook đã phải hủy bỏ một bộ AI của mình. Lý do là hệ thống AI này không biết bằng cách nào đã giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ riêng, do chính nó tạo ra. Những từ ngữ tưởng chừng vô nghĩa với con người, nhưng lại có ý nghĩa với các cỗ máy AI khác. Tức là robot có thể "nói chuyện" bằng ngôn ngữ riêng với nhau, mà con người không hề biết và hiểu rằng chúng đang bàn chuyện gì?

Cuối năm 2016, người ta phát hiện ra AI dịch thuật của Google đã tự tạo ra một loại ngôn ngữ trung gian, giúp dịch một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ gây bất ngờ, mà khiến các chuyên gia tự hỏi chúng tạo ra ngôn ngữ đó còn có mục đích nào khác không? Người ta cũng phát hiện trường hợp AI tự mình thâm nhập vào thư viện điện tử của một trường Đại học để nạp kiến thức; hay AI khám bệnh đã đưa ra những công thức thuốc chữa bệnh chưa từng có và ... có lý!

Có thể nói AI đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. AI không nhất thiết phải là những con robot mà con người cầm nắm được, mà đang ẩn trong nhiều hình thức khác nhau, kể cả vô hình. Như trong chiếc iPhone của mỗi người, có trợ lý Siri thông minh dí dỏm chính là AI!

AI hiện nay đã có thể nhận biết và dự doán được hành vi của con người. Các chuyên gia đang xây dựng cho AI có khả năng đọc được suy nghĩ của con người. Nếu vậy thật đáng sợ, AI có thể dễ dàng kiểm soát hoạt động của con người.

Rõ ràng việc con người đang ngày càng lo sợ chuyện robot, những cỗ máy do chính mình tạo ra, sẽ thống trị mình là điều có thật. Đây là điều hoàn toàn nghiêm túc. Thật kỳ lạ khi chỉ 10 năm trước, không ai nghĩ tới!



Đây là một người máy có thể đem lại niềm vui cho những người đàn ông độc thân


Một tương lai đáng sợ và luật về "nút bấm chết" cho robot

Tháng 7/2015, xảy ra một vụ án mạng mà "hung thủ" là một ... con robot! Vụ việc diễn ra trong một dây chuyền sản xuất xe hơi tại Mỹ. Trong ca sản xuất, một con robot đã bất ngờ di chuyển ra khỏi vị trí làm việc của nó, đi vào một dây chuyền khác, tiến đến gần một nữ kỹ sư (bà Wanda Holbrook) và ... ghì chặt đầu người này xuống băng chuyền. Hậu quả là đã gây chấn thương nặng dẫn đến cái chết của nạn nhân, trong sự bất ngờ cực độ của những người có mặt. Hiện chồng của nạn nhân vẫn đang theo đuổi một vụ kiện đối với 5 công ty đã sản xuất con robot "giết người" này. Vấn đề đặt ra là con robot này hoàn toàn không hề được lập trình hay "dạy dỗ" để thực hiện những hoạt động mang tính giết người như vậy. Sự việc khiến nhiều chuyên gia nghi ngại vì có vẻ như đã vượt qua ngoài tầm quan niệm đây là một lỗi kỹ thuật của máy móc. Mà phải chăng có điều gì đó xa hơn, liên quan đến hệ thống AI của con robot này.

Theo một logic thông thường, khi con người càng thông minh, khoa học càng phát triển, sẽ có xu hướng chế tạo ra robot, để bắt nó làm việc thay mình, phục vụ cho mình. Con người có bản năng phản kháng lại hay bỏ chạy trước những kẻ chèn ép, muốn sát hại mình. Bản năng này cũng có thể thấy trên hầu hết các loài động vật. Nhưng đối với một con robot thì sao? Liệu trong nhận thức (AI) của nó có tồn tại bản năng sinh tồn ấy không? Đây quả là một câu hỏi thú vị, nhưng cũng thật đáng sợ.

Với sự phát triển của công nghệ AI ở thời điểm hiện tại, đã có thể chứng minh được bản năng phản kháng hay linh hoạt để tồn tại là hoàn toàn có thể có trong bộ óc (AI) của mỗi con robot.

Chúng ta hãy hình dung một chiếc chiến đấu cơ không người lái của Mỹ, được trang bị hệ thống ra đa và AI có khả năng phát hiện kẻ thù từ rất xa. Hệ thống này sẽ tự động nhận diện kẻ thù, chủ động bắn đạn ra để tiêu diệt đối phương khi cảm thấy bị đe doạ. Nó sẽ không ngồi im chịu chết, chờ kẻ thù bắn mình. Logic ấy là do con người tạo ra. Nhưng khi chiếc máy bay đã bay trên trời, thì có những thời điểm và phân tích chỉ trong tích tắc, ngoài tầm kiểm soát và nhìn thấy của người điều khiển và hoàn toàn do AI quyết định. Thực tế đã có những vụ máy bay không người lái "bắn lầm" chết người.

Vậy thì khi con robot vì một lý do nào đó không nhận biết chính xác người chủ, hoặc cảm thấy bị đe doạ, nó sẽ xác định đây là kẻ thù và ra tay giết. Điều này cũng giống như việc phe này cài "người máy chiến đấu" vào vùng của phe kia. Cuộc chiến gữa con người với người máy, qua sự phát triển của công nghệ, sẽ trở thành cuộc chiến giữa robot với robot, giữa AI với AI ...

Pháp luật quốc tế từ lâu đã có quy định cấm sản xuất vũ khí giết người hàng loạt (bom nguyên tử). Có vẻ như nay đã đến lúc cần phải có những quy định liên quan đến AI, như: cấm sản xuất robot có bản tính độc ác, vô đạo đức ... chẳng hạn.

Ngày càng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ robot kiểm soát, thậm chí sát hại loài người. Nhà sáng lập của Tesla, tỷ phú người Mỹ Elon Musk, là một trong những người đầu tiên và tích cực nhất nêu quan điểm về mối đe doạ này. Hiện đã có hơn 100 chuyên gia hàng đầu khác đang đòi hỏi một lệnh cấm sử dụng AI vào trong lĩnh vực sản xuất vũ khí.

Elon Musk lo sợ AI sẽ có thể tiêu diệt loài người, khi nói rằng 90% chúng ta sẽ tạo ra một trí tuệ nhân tạo nguy hiểm. Theo Elon, AI sẽ thông minh hơn ta, toàn năng hơn ta, sẽ coi ta là mối nguy hiểm lớn nhất với sự tồn tại của chúng – ta có thể tắt một cái máy tính đi bất kì lúc nào, vậy nên chúng sẽ sớm hủy diệt chúng ta để có thể sinh tồn.

Tháng 1/2017, Quốc hội châu Âu đã soạn thảo đề cương pháp luật về robot, trong đó có nội dung đề nghị nhà sản xuất phải có nút để giết, ngăn không cho robot sát hại con người. Mady Delvaux, nghị sĩ phụ trách bản đề xuất, nói: "Ngày càng nhiều mặt của đời sống hằng ngày bị robot làm ảnh hưởng. Để đảm bảo robot luôn và chỉ phục vụ loài người, chúng tôi khẩn thiết đưa ra đề cương hợp pháp robot tại châu Âu. Các kỹ sư phải thiết kế ra những robot an toàn, đạo đức. Mỗi robot đều phải có công tắc khẩn để "giết" trong trường hợp khẩn cấp". Quốc hội châu Âu cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét việc robot phải mua bảo hiểm, đánh thuế chủ robot. Đề xuất này đang được Ủy ban châu Âu xem xét thông qua.

Tuy nhiên không ít người cho rằng những kiến nghị pháp luật như trên hoàn toàn không ngăn ngừa được nguy cơ. Đó chỉ là một ý tưởng đơn giản và thậm chí có phần ngô nghê. Vì cho dù bị gắn "nút chết", thì với AI cực thông minh của mình, con robot hoàn toàn biết cách thoát khỏi tình cảnh sẽ bị ai đó bấm nút giết nó.

Phần tôi, thì lại suy nghĩ rằng những thứ mà chúng ta gọi là "luật" và sẽ áp dụng vào công nghệ sản xuất robot và AI, suy cho cùng thì đó là luật áp dụng cho ai: con người hay robot? và có khả thi không?

Hãy hình dung một tình huống trong tương lai chỉ vài năm nữa: hệ thống AI cài đặt trên một chiếc ô tô tự lái sẽ lái xe ô tô chạy trên đường phố. Chiếc xe có khả năng nhận biết đèn đỏ tại các ngã tư và dừng xe lại, biết tránh xe khác, tìm điểm dừng ...,trong khi trên xe có thể không có người nào. Vậy khi một chiếc xe tự động phạm luật, chẳng hạn vượt đèn đỏ, thì ai là người vi phạm luật giao thông? Nếu chúng ta xác định đó là luật dành cho chiếc xe, tức là cho robot, thì phải chăng loài người đã đành phải thừa nhận vai trò quá lớn và nỗi lo sợ của mình đối với robot?



Loài người liệu có thể "chung sống hoà bình" với robot?


Ngoài phục vụ trong công việc, robot hiện nay đã đi vào đời sống văn hoá, tình cảm của con người. Thậm chí là cả về tình dục và sinh sản. Trong năm 2017 vừa qua, dịch vụ robot tình dục đã chính thức có mặt tại Tây Ban Nha. Còn tại Nhật, người ta đã bàn tới khả năng con người sẽ cưới và sinh con với một ... robot.

Vậy trong tương lai, mối quan hệ giữa con người và robot sẽ như thế nào? Liệu cả hai có thể chung sống hoà bình và hỗ trợ lẫn nhau hay không? Hiện có hai luồng quan điểm.

Một quan điểm cho rằng con người không thể nào chung sống hoà bình với robot được. Nghị sỹ châu Âu Mady Delvaux nói rằng con người phải luôn nhìn nhận robot như một loại máy móc và tuyệt đối không được nghĩ rằng robot thương yêu con người. Ông đưa ra ví dụ rằng những người bệnh phải phụ thuộc vào robot dần dà có thể nảy sinh tình cảm với chính robot.

Một xu hướng khác thừa nhận trong tương lai con người sẽ thua cuộc trước trí tuệ của robot. Do vậy, hãy kết thân với chúng. Phải làm sao đó để AI sẽ hiểu biết được về con người một cách nhân ái và nhân đạo hơn, rồi từ bỏ kế hoạch thôn tính loài người của chúng.



Loài người sẽ chung sống hoà bình với người máy thông minh?

Tôi còn nhớ từ nhiều năm trước có một bộ phim (Mỹ) nói về một robot 200 tuổi. Từ một hình thức đơn giản xấu xí, trải qua thời gian, trong khi ông chủ, bà chủ của robot đã qua đời 2 thế hệ, thì con robot đã từng bước thay đổi, hoàn thiện, thậm chí biết ... yêu cô chủ của nó! Giữa hai người (cô chủ và người máy) đã có mối quan hệ tình cảm, tình dục thật sự.

Thế rồi con robot ấy đã đấu tranh đề nghị Toà án loài người tuyên bố quyền được là CON NGƯỜI, để có thể chính thức cưới cô chủ làm vợ. Ước mơ của nó cuối cùng đã trở thành hiện thực, Toà án đã chính thức công nhận robot 200 tuổi là một "con người", vì có đầy đủ các đặc tính của một con người..

Phải chăng đây là một thế giới của tương lai và đáng mơ ước?

......


Robot đang lấn sâu và "hoà nhập" vào xã hội loài người

Theo số liệu thống kê, hiện nay tỉ lệ công việc robot đảm nhiệm là 66 đơn vị robot/10.000 nhân viên. Dẫn đầu trong việc ứng dụng robot là Hàn Quốc với 478/10.000 nhân viên, trong khi Mỹ xếp vị trí thứ bảy với 164 robot.

Tháng 12/2017, Viện Nghiên cứu chính sách công (IPPR) nước Anh dự đoán robot sẽ chiếm tới một nửa công việc ở các khu vực còn nghèo tại Anh và đặc biệt những công việc ít đòi hỏi kỹ năng, lương thấp sẽ bị đe dọa nhiều nhất.

Tháng 11/2017, BBC dẫn kết quả nghiên cứu trên 46 quốc gia và 800 loại công việc của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, cho biết khoảng 800 triệu việc làm của con người sẽ được robot đảm nhiệm tính tới năm 2030.

Năm 2016, Tổ chức Lao động quốc tế đã công bố nghiên cứu cho rằng khoảng 137 triệu lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, tương đương 56% tổng số lao động tại những nước này, có nguy cơ bị mất việc vì robot, nhất là công nhân trong ngành công nghiệp dệt may.




Chính trị − Văn hóa − Xã hội
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét