Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Lễ Mình Máu Thánh − Lễ toàn thiêu của Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của Ngài: vừa đối với Thiên Chúa, vừa đối với con người




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa

(3-6-2018)


Lễ toàn thiêu của Đức Giêsu
cho thấy tình yêu vô biên của Ngài:
vừa đối với Thiên Chúa, vừa đối với con người




ĐỌC LỜI CHÚA

  Xh 24,3-8: (5) Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Ítraen dâng những lễ toàn thiêu. (8) Ông lấy máu rảy lên dân và nói: «Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em».

  Dt 9,11-15: (14) Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.


  TIN MỪNG: Mc 14,12-16.22-26

Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua

(12) Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: «Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?» (13) Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: «Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. (14) Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” (15) Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta». (16) Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua. 




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể khi ăn mừng lễ Vượt Qua, và Ngài cũng tử nạn và phục sinh vào dịp đại lễ này? Điều đó có ý nghĩa gì? 
2. Khác với lễ vật bị đốt cháy hoàn toàn trong hy lễ toàn thiêu, con chiên bị sát tế vào dịp lễ Vượt Qua lại trở nên của ăn cho con người. Bạn có nhìn thấy tương quan giữa hy lễ thập giá và bí tích Thánh Thể không? 
3. Đức Giêsu không chỉ chịu đau khổ và chết cho con người, mà còn trở nên của ăn cho họ. Bạn có thấy đó là mẫu gương để chúng ta bắt chước không?


Suy tư gợi ý:

1. Sự trùng hợp giữa ba biến cố quan trọng

Đã đến thời điểm Đức Giêsu phải sát tế chính bản thân mình làm lễ vật hy sinh để thờ phượng Thiên Chúa và đền tội thay cho toàn thể nhân loại. Thời điểm ấy trùng vào dịp mừng lễ Vượt qua hàng năm của người Do-thái. Và cũng nhân dịp này Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể, ngay trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua với các tông đồ. Sự trùng hợp giữa ba biến cố này –lễ Vượt Qua, việc lập bí tích Thánh Thể, và cuộc tử nạn phục sinh của Đức Giêsu– ắt phải có một ý nghĩa rất lớn, và ba biến cố này ắt phải liên hệ với nhau rất mật thiết. Chúng ta hãy tìm hiểu.



2. Lễ Vượt Qua của người Do-thái

Đại lễ này bắt nguồn từ biến cố Thiên Chúa giải phóng dân Do-thái khỏi ách thống trị của Ai Cập, xảy ra trước Đức Giêsu khoảng 1250 năm (x. Xh 7,8–15,21). Nhờ sự can thiệp giải phóng của Thiên Chúa, dân Do-thái được vượt từ cảnh nô lệ qua tự do

Đức Giêsu cũng đến để giải phóng con người, làm cho họ vượt từ ách nô lệ tội lỗi và ma quỉ qua tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa, vượt từ tình trạng chết trong tội lỗi qua tình trạng sống trong ân sủng, vượt từ đau khổ qua hạnh phúc. Ngài thực hiện sự giải phóng đó bằng cả cuộc đời của một vị Thiên-Chúa-Nhập-Thể, đặc biệt bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. 

Cuộc tử nạn và phục sinh này cũng là một cuộc vượt qua: vượt từ cõi chết qua cõi sống, từ tình trạng hay hư nát qua tình trạng bất diệt. Như vậy, cuộc vượt qua của dân Do-thái qua Biển Đỏ là biến cố đi trước làm hình bóng hay ẩn dụ cho cuộc vượt qua của Đức Giêsu, cũng là cuộc vượt qua của những ai tin vào Ngài: vượt từ cảnh nô lệ tội lỗi qua cảnh tự do của con cái Thiên Chúa. Vì thế, việc Đức Giêsu chọn thời điểm mừng lễ Vượt Qua để thực hiện cuộc tử nạn và phục sinh của mình bao hàm một ý nghĩa hết sức sâu xa.



3. Hy tế toàn thiêu và hy tế chiên vượt qua

Để cứu chuộc và giải phóng nhân loại, Đức Giêsu phải trả giá bằng đau khổ tột cùng và chết thê thảm như một lễ vật bị sát tế dâng lên Thiên Chúa. Để hiểu được sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu là một hy tế thờ phượng Thiên Chúa Cha và đền tội nhân loại, và để hiểu được việc lập bí tích Thánh Thể như một của ăn tâm linh mà Đức Giêsu để lại khi bị sát tế như một lễ vật, chúng ta cần hiểu sự khác biệt giữa lễ hy sinh toàn thiêulễ sát tế chiên Vượt Qua của người Do-thái.


Hy lễ toàn thiêu: 

Ngày xưa –ít nhất kể từ ông Nôê trở về sau (x. St 8,20)– dân Do-thái thờ phượng Thiên Chúa bằng cách dâng lên Ngài những hy lễ toàn thiêu. Theo tập tục được đặt ra sau này từ thời Môsê, thì người muốn dâng hy lễ toàn thiêu phải đặt tay trên con vật khi nó bị giết để nói lên mình là người chủ muốn dâng lễ vật ấy. Vị tư tế lấy máu của con vật rẩy quanh bàn thờ. Rồi con vật được chặt ra thành mảnh. Vị tư tế đặt các mảnh thịt lên bàn thờ để thiêu hủy hoàn toàn, chứ không phải thiêu cho chín để sau đó đem ăn. 

Ý nghĩa của lễ toàn thiêu là con người muốn biểu lộ sự toàn phục của mình đối với Thiên Chúa, là Chúa Tể của vũ trụ, có toàn quyền sinh sát trên toàn thể tạo vật. Đáng lẽ con người phải tự sát tế chính mình, nhưng nếu như thế, con người sẽ phải chết, là điều Thiên Chúa không muốn. Vì thế, con người dùng một con vật nào đó tượng trưng cho sinh mạng của mình để giết và thiêu cháy hoàn toàn. Điều này muốn nói lên lòng thành của con người, không tiếc với Thiên Chúa điều gì, vì tất cả đều thuộc về Ngài. Lễ vật toàn thiêu vừa để thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa, vừa để đền tội và xin ơn cho mình.


Hy lễ sát tế chiên Vượt Qua: 

Nhưng trước ngày giải phóng dân Do-thái khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa truyền dạy một hình thức sát tế mới được thực hiện vào các dịp đại lễ Vượt Qua hàng năm. Cách hy tế mới khác với cách cũ ở chỗ: trong hy tế cũ –tức hy lễ toàn thiêu– thì lễ vật bị thiêu hủy hoàn toàn, còn trong hy lễ Vượt Qua thì lễ vật cũng bị sát tế, nhưng không bị thiêu hủy hoàn toàn: thịt con vật chỉ được nướng lên để sau đó con người ăn nó (xem Xh 12,3-14). Trong nghi thức sát tế mới này con người cũng được dự phần vào lễ vật, và lễ vật trở thành của ăn nuôi dưỡng con người. Đây chính là hình bóng hay ẩn dụ cho bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập vào dịp này.



4. Cuộc tử nạn của Đức Giêsu với hy lễ Thánh Thể

Cuộc tử nạn của Đức Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Ngài vừa là chủ dâng, vừa là tư tế, vừa là lễ vật. Bình thường ba khoản này khác nhau; tuy nhiên, cũng có thể chủ dâng cũng là tư tế, nhưng cả hai người ấy dường như không bao giờ lại là lễ vật. Vì lễ vật là đối tượng bị giết, chịu đau khổ và chết thay cho chủ dâng hay thay cho kẻ có tội phải đền mạng. 

Trong hy lễ toàn thiêu này, Đức Giêsu tự nguyện làm lễ vật bị sát tế, chẳng những để thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa thay cho con người, mà còn để đền tội cho toàn thể nhân loại, đồng thời xin ơn tha thứ cho họ. Sự tự nguyện khủng khiếp này chỉ có thể phát xuất từ tình yêu cao cả đối với Thiên Chúa và đối với toàn thể con người, đồng thời từ sự toàn phục đối với Thiên Chúa Cha.

Nhưng hy lễ này, Đức Giêsu không muốn thực hiện theo kiểu hy lễ toàn thiêu, trong đó lễ vật hoàn toàn bị thiêu hủy. Kiểu hy tế ấy biểu hiện tính «vì Thiên Chúa» một cách triệt để. Nhưng Ngài muốn thực hiện hy lễ của Ngài theo kiểu hy lễ chiên vượt qua, trong đó lễ vật ngoài việc dâng hiến cho Thiên Chúa, còn trở nên của ăn cho con người. Kiểu hy tế của Ngài mang tính hai chiều: vừa «vì Thiên Chúa» mà cũng vừa «vì con người». Đó là hai chiều kích căn bản trong việc nhập thể của Ngài và trong Giao Ước Mới do Ngài thiết lập. Khi tự nguyện làm lễ vật bị giết, Ngài chọn chết trên thập giá –là bàn thờ của hy tế này– được cấu tạo bằng hai chiều: ngang và dọc, tượng trưng cho hai chiều kích căn bản ấy.



5. Tình yêu Đức Giêsu dành cho con người

Vì thế, trước khi ra đi chịu tử hình thập giá, tự nguyện làm «Con Chiên Vượt Qua» bị sát tế, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy −là chính Ngài− trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người. 

Tôi thật xúc động khi nghĩ đến điều này. Ngài vốn là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài lại yêu thương con người chúng ta vô hạn. Tình yêu của Ngài đối với chúng ta là một đối trọng cho tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa. Và chính Thiên Chúa cũng hài lòng khi thấy Con mình chia sẻ cho nhân loại tình yêu mà đáng lẽ phải dành trọn vẹn cho mình. Tại sao? Chính vì Thiên Chúa cũng yêu thương con người

Điều này có phần nào tương tự như người chồng đòi hỏi người vợ phải dành trọn vẹn tình yêu và sự trìu mến cho mình, nhưng lại rất hài lòng khi thấy vợ mình chia sẻ tình yêu và sự trìu mến ấy cho con cái, vì chính người chồng cũng yêu thương con cái không kém gì người vợ. Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa đã chia sẻ cho chúng ta tình yêu mà đáng lẽ các Ngài phải dành trọn vẹn cho nhau. Điều đó chúng ta thấy được nơi Đức Giêsu.

Ngài đến thế gian không chỉ nghĩ đến việc thi hành thánh ý Chúa Cha, đến việc biểu lộ tình yêu, sự vâng phục đối với Chúa Cha, mà còn nghĩ rất nhiều đến con người, đến việc sáng kiến ra những điều Ngài có thể làm cho con người. Ngài yêu con người, chắc chắn không chỉ vì con người là tạo vật của Thiên Chúa được nâng lên hàng con cái Ngài, mà còn vì thấy con người rất đáng thương, quá đau khổ do tội lỗi

Càng chia sẻ đau khổ với con người, càng cảm nghiệm được sự dày vò khó chịu của đau khổ, Ngài càng yêu thương con người hơn. Tình yêu đầy tính cảm thông đó khiến Ngài không chỉ đau khổ và chết thay cho chúng ta, mà còn mà trở nên của ăn để nuôi dưỡng chúng ta, để ở lại với chúng ta, để có thể ban sức mạnh thần thiêng cho chúng ta, để đời sống chúng ta nên mạnh mẽ, hạnh phúc hơn.



6. Áp dụng tinh thần yêu thương của Đức Giêsu vào đời sống 

Thiên Chúa cảm thông và yêu thương chúng ta như vậy, lẽ nào chúng ta lại không cảm thông và yêu thương nhau? Tình yêu của Đức Giêsu có hai chiều kích: yêu Thiên Chúa và thương con người, lẽ nào chúng ta cùng là con người với nhau lại chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà không quan tâm đến nhau? Là một Thiên Chúa yêu thương, chắc chắn Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau, quan tâm đến nhau hơn là quan tâm đến Ngài. Tại sao? Vì những người chung quanh chúng ta cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta hơn Ngài rất nhiều. Ngài không ích kỷ đến nỗi muốn chúng ta dành trọn tình yêu cho Ngài, mà muốn chúng ta chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân chung quanh chúng ta càng nhiều càng tốt.

Ngài là Thiên Chúa –Đấng không thiếu thốn sự gì và cũng không hề ích kỷ, không hề ghen tương khi chúng ta yêu thương tha nhân bằng một tình yêu vị tha− Ngài không cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta cho bằng những người chung quanh đang sống với chúng ta cần đến tình yêu và sự quan tâm của chúng ta. Tại sao chúng ta lại quá quan tâm tới Ngài mà bỏ rơi anh chị em mình? Trong thực tế, chính khi ta yêu thương và quan tâm đến anh chị em mình, là chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Điều này đã quá rõ ràng trong Kinh Thánh (x. Mt 25,40/45; Ga 13,1Ga 4,20-21; 5,1; 2Cr 2,8; Rm 13,8.10; Gl5,14; Gc 2,8). Nếu yêu mến Thiên Chúa thì hãy bắt chước Đức Giêsu: chẳng những chấp nhận chịu khổ để anh chị em mình đỡ khổ, mà còn trở nên «của ăn» cho anh chị em mình nữa.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu là Thiên Chúa mà lại yêu thương con người như vậy, đang khi chúng con cùng là con người với nhau, cùng chịu đau khổ như nhau, mà chúng con lại không thông cảm với nhau, không yêu thương nhau, không quan tâm tới nhau. Chúng con quá ích kỷ, tình yêu của chúng con quá nghèo nàn. Chúng con phải củng cố tình yêu của chúng con đối với nhau, nhất là đối với những người cần chúng con yêu thương và cần sự quan tâm của chúng con.



Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét