Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

TN13 - Đức tin rất cần thiết để ta có khả năng phục vụ tha nhân




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên

(1-7-2018)


Đức tin rất cần thiết
để ta có khả năng phục vụ tha nhân



ĐỌC LỜI CHÚA

  Kn 1,13-15; 2,23-24: (13) Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.

  2Cr 8,7.9.13-15: (9) Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. 

  TIN MỪNG: Mc 05,21-43

Ðức Giêsu chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại

(21) Ðức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. (22) Có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Ðức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, (23) và khẩn khoản nài xin: «Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.» (24) Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

(25) Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, (26) bao phen khổ sở vì chạy thầy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. (27) Ðược nghe đồn về Ðức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. (28) Vì bà tự nhủ: «Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.» (29) Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. (30) Ngay lúc đó, Ðức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: «Ai đã sờ vào áo tôi?» (31) Các môn đệ thưa: «Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?”» (32) Ðức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. (33) Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. (34) Người nói với bà ta: «Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.»

(35) Ðức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: «Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?» (36) Nhưng Ðức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: «Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.» (37) Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. (38) Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Ðức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. (39) Người bước vào nhà và bảo họ: «Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Ðứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!» (40) Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. (41) Người cầm lấy tay nó và nói: «Talithakum», nghĩa là: «Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!» (42) Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. (43) Ðức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Yếu tố nào nơi Đức Giêsu khiến người dân tìm tụ tập quanh Ngài đông như thế?

2. Khả năng cứu giúp người khác một cách hữu hiệu đến từ đâu? Chúng ta có thể cứu giúp người khác cách hữu hiệu phần nào giống như Ngài không?
3. Nếu đức tin là cần thiết, thì làm sao để niềm tin của ta ngày càng mạnh mẽ hơn?


Suy tư gợi ý:

Đức Giêsu vừa từ bên này sông, xuống thuyền để sang bờ bên kia, thì «một đám rất đông tụ lại quanh Ngài» (Mc 5,21b). Và ngay sau đó, khi Ngài đi đến nhà ông Giaia, thì «Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người» (5,24b.31). Rất nhiều trường hợp khác cũng tương tự như vậy (x. Mt 4,25; 8,1; 9,36; 12,15; 13,2; 14,13-14; 15,30; 19,2; 20,29; 21,8; v.v...) Dường như Đức Giêsu đi đâu thì cũng hấp dẫn quần chúng đến với mình, trong đó có cả những người bệnh tật, những người đau khổ.



1. Tại sao người ta theo Đức Giêsu đông thế?

Quần chúng bị hấp dẫn không chỉ bởi lời giảng dạy khôn ngoan đầy sự thật của Ngài, vì «Ngài giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ» (Mt 7,29), mà còn vì cảm nhận được tình thương của Ngài dành cho họ. Thánh Matthêu viết: «thấy đám đông, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt» (Mt 9,36). Tình thương này đã khiến Ngài luôn luôn xoa dịu những đau khổ của họ.

Nhân loại thời nào cũng chìm đắm trong đau khổ. Con người có đủ mọi thứ khổ: giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ; có địa vị cũng khổ, không có địa vị cũng khổ; có con cũng khổ, không có con cũng khổ; bệnh thì khổ đã đành, mà không bệnh cũng vẫn thấy khổ… Vì thế, biết ai có thể giúp mình thoát khổ thì mình sẽ chạy đến người ấy. Vì thế, sở dĩ rất đông người đi theo Đức Giêsu vì Ngài luôn luôn «chạnh lòng thương» những ai đau khổ (x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; 20,34, v.v...)sẵn sàng cứu giúp họ, đồng thời Ngài cũng có quyền năng giúp họ thoát khổ.

Chung quanh ta cũng thế, có biết bao người đang đau khổ, nhiều người đau khổ tột cùng. Nhưng có được bao nhiêu người chạy đến với ta, hy vọng ta cứu giúp họ? Họ không hy vọng nơi ta, vì ta chưa có đủ lòng yêu thương để sẵn sàng hy sinh cứu giúp họ, và cũng vì ta không có khả năng cứu giúp họ nữa.



2. Điều kiện phải có để có thể cứu giúp tha nhân đau khổ

a) Muốn cứu giúp những người đau khổ, điều quan trọng trước tiên là chính ta phải yêu thương họ, phải «chạnh lòng» khi thấy họ đau khổ và thật sự muốn cứu giúp họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, đau khổ cho họ. Đó là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất phải có. Thiếu nó, thì dù ta có nhiều khả năng cứu giúp, chưa chắc ta đã chịu ra tay cứu giúp. Còn người ít khả năng, nhưng có tình thương vượt bực, vẫn có thể cứu giúp được. Thật vậy, tại sao một người mẹ dám chạy vào trong một căn nhà đang cháy để cứu con mình đang khi những người khác mạnh mẽ hơn lại không dám? Vì bà yêu thương con bằng một tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho con mình.

Đức Giêsu yêu thương mọi người đến nỗi sẵn sàng chịu đau khổ và chết cho họ. Tình yêu đích thực và mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài «đi tới đâu thì thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế» (Cv 10,38)

Điều quan trọng thứ hai là ta phải có khả năng cứu giúp họ. Không có khả năng ấy thì có muốn cứu giúp họ cũng không được. Nếu người mẹ vừa nói trên bị què chân không đi được thì dù có yêu con mãnh liệt, bà cũng không thể xông vào căn nhà cháy được. Nhưng làm sao để có khả năng cứu giúp ấy? Nhờ đâu mà Đức Giêsu có khả năng ấy?



3. Nhờ đâu mà Đức Giêsu có khả năng cứu giúp người khác?

Nếu có ai hỏi ta câu ấy, ta thường trả lời: Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng, làm gì mà chả được? vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37). Nói thế rất đúng, nhưng ta quên rằng Ngài cũng hoàn toàn là con người, cũng bị giới hạn như chúng ta khi Ngài nhập thể làm người. Ngài không còn vô hạn và quyền năng vô biên như bản tính Thiên Chúa của Ngài. Ngài cũng sợ hãi, cũng yếu đuối, mệt nhọc, buồn bã, cũng bị cám dỗ, cũng bị thử thách về đức tin, về lòng trung thành… như chúng ta. Nhưng tình thương của Ngài khiến Ngài đã cố gắng vượt qua những giới hạn, những yếu đuối ấy, và đã thành công. (Xin xem thêm chú thích ở cuối bài).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với những người được Ngài cứu giúp, chẳng hạn như với người đàn bà bị băng huyết: «Lòng tin của con đã cứu chữa con» (Mc 5,34), hay nói với ông Giaia: «Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi» (5,37)Như vậy, để được cứu giúp, đức tin là chuyện tối cần. Và đó cũng là điều kiện tối cần để có khả năng cứu giúp người khác. Tuy Thánh Kinh không nói trực tiếp như thế, nhưng ta có thể suy ra từ những lời của Đức Giêsu như: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em» (Lc 17,5-6).

Ngài nói ra câu ấy vì chính Ngài đã cảm nghiệm được chân lý ấy khi tin vào quyền năng của Thiên Chúa ở trong Ngài. Thánh Phaolô cũng nói: «Tôi có thể làm được tất cả, nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Cũng vậy, chúng ta có thể làm được tất cả nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa trong bản thân chúng ta. Chính nhờ tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, cộng với tình yêu và ý chí mãnh liệt muốn cứu giúp tha nhân mà Đức Giêsu có thể chữa lành bệnh tật, đuổi quỷ cho tha nhân, và làm cho người đã chết sống lại. 

Chúng ta chưa có sức mạnh, chưa làm được những gì chúng ta muốn, chính vì niềm tin vào Thiên Chúa của chúng ta quá yếu kém. Chúng ta chỉ tuyên xưng đức tin mạnh mẽ, rao giảng hùng hồn đức tin ấy, chứ thật sự chúng ta chưa tin đủ vào quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta nhiều khi chỉ là đức tin lý thuyết chứ chưa phải là đức tin sống động, đích thực.



4. Làm để có đức tin sống động, đích thực?

Muốn tin mãnh liệt và thật sự vào một người nào, ta phải thử nghiệm tính đáng tin của người ấy. Nếu không, ta chỉ là một kẻ cả tin và rất dễ bị lừa dối. Giả như ta là giám đốc một công ty, khi muốn nhận một ai làm quản lý tiền bạc cho mình, hay khi muốn làm ăn lớn với một người khác, ta phải làm gì? Ta cần thử nghiệm tính đáng tin của người đó. Sau khi thử nghiệm cách thật khéo léo, sáng suốt, ta mới dám tin người ấy. Chẳng hạn, ta thử tạo cho người ấy những cơ hội để họ có thể gian lận hay ăn trộm của mình. Ban đầu thử họ bằng một món tiền nhỏ, rồi đến những món tiền lớn hơn, rồi đến những món tiền thật lớn, nếu người ấy vẫn không hề tỏ ra một dấu hiệu muốn gian lận, thì ta mới dám nhận họ làm việc hay làm ăn với mình. Và trong quá trình làm việc hay làm ăn với họ, nếu họ vẫn tỏ ra ngay thẳng, chân thật, thì ta mới giao cho người ấy những công việc quan trọng hơn, hay làm ăn lớn hơn với người ấy.

Cũng vậy, muốn đức tin ta thật sự lớn mạnh chứ không chỉ lớn mạnh trên nguyên tắc hay lý thuyết, ta cũng phải sống đức tin của mình trong những chuyện rất cụ thể hằng ngày. Ban đầu ta cần thật sự dấn thân tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa trong những trường hợp nho nhỏ đòi hỏi sự tin tưởng phó thác. Chắc chắn ta sẽ cảm nghiệm được quyền năng của Ngài tỏ ra những trường hợp ấy nếu ta dám thật sự tin tưởng phó thác cho Ngài. Nhờ kinh nghiệm đó, ta dám dấn thân tin tưởng Ngài trong những trường hợp lớn hơn, và rồi sẽ cảm nghiệm được quyền năng của Ngài trong những trường hợp lớn hơn ấy. Cứ tiếp tục như thế, niềm tin của ta vào Thiên Chúa sẽ lớn mạnh theo thời gian. Nếu không thực nghiệm như vậy, đức tin của ta mãi mãi vẫn chỉ là thứ đức tin lý thuyết, chưa phải là thứ đức tin thực nghiệm và sống động.

Người viết bài này đã và đang thử nghiệm như vậy, nhờ đó ngày càng chứng nghiệm được sự hữu hiệu của niềm tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào việc tôi có «dám» dấn thân thật sự cho niềm tin trong những biến cố hay thử thách lớn hơn mà Ngài để xảy đến cho cuộc đời tôi hay không.

Đặc biệt trong những việc đòi hỏi tôi phải «dám» bất chấp nguy hiểm, bấp bênh … để dấn thân làm theo đòi hỏi của lương tâm, của thánh ý Ngài. Nếu tôi vẫn cố bám vào những bảo đảm của trần gian mà không dám liều làm theo thánh ý Ngài, tôi sẽ không chứng nghiệm được quyền năng của Ngài trong những trường hợp ấy, và niềm tin của tôi sẽ ngừng tại đấy, không phát triển nữa. Nhưng quả thật, bất cứ trường hợp dấn thân nào, tôi cũng đều nhận thấy quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện thật sự. Nhờ đó, đức tin của tôi ngày càng tăng trưởng và trở nên vững mạnh hơn.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, qua bài Tin Mừng hôm nay, con nhận ra rằng để được Cha cứu giúp, và để có thể cứu giúp được người khác, con cần có đủ đức tin vào tình thương và quyền năng của Cha, và đủ tình thương đối với những người cần con cứu giúp. Xin giúp con cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Cha, để đức tin của con trở nên mạnh mẽ hơn, và giúp con dám dấn thân nhiều hơn theo sự đòi hỏi của lương tâm và tình yêu đối với Cha và tha nhân, để con ngày càng cảm nghiệm rõ ràng hơn tình thương và quyền năng của Cha, hầu đức tin của con ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nguyễn Chính Kết


Chú thích:

Thánh Kinh nói rất rõ về sự giới hạn của Đức Giêsu, Vị Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người, Ngài đã trút bỏ hầu hết tính vô biên, vô giới hạn của một vị Thiên Chúa.
● Ngài phải «mang thân phận yếu hèn» (2Cr 13,4; x. 1Tm 3,16)
● «Ngài đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện» (Dt 2,17)
● «Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15);
● Thiên Chúa đã «sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta» (Rm 8,3b);
● «Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8).
Ngài bị giới hạn không khác gì chúng ta, như vậy Ngài mới trở thành gương mẫu cho chúng ta được. Nếu Ngài làm gì cũng được, không cần nỗ lực hay cố gắng gì cả, thì ta bắt chước Ngài sao nổi?
______________

Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Đức tin làm nên sức mạnh
(http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/06/tn13b.html)


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét