Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Mẹ Lên Trời - Sự khôn ngoan siêu việt về tâm linh của Đức Maria




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Đức Mẹ Lên Trời

(15-8-2018)


Sự khôn ngoan siêu việt về tâm linh của Đức Maria



ĐỌC LỜI CHÚA

  Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab: (5) Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.

  1Cr 15,20-27a: (20) Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.  (22) Mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. 

  TIN MỪNG: Lc 1,39-56

 Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét

(39) Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa.  (40) Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.  (41) Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,  (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: «Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  (43) Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?  (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.  (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em». 

Bài ca «Ngợi Khen»  (Magnificat)

(46) Bấy giờ bà Maria nói: «Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,  (47) thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.  (48) Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đối thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.  (49) Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!  (50) Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.  (51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.  (52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.  (53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.  (54) Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,  (55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời». 
(56) Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà 




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Mẹ Maria trở nên cao cả có phải vì Mẹ mong muốn được như thế không? Mẹ có mong muốn trở nên một nhân vật vĩ đại như Mẹ đang là hiện nay không? Chúng ta có thể rút ra bài học gì cho chính chúng ta?  
2. Tại sao nhiều người Kitô hữu lại từ bỏ những điều mà người đời phấn đấu cho bằng được để có? Ai khôn ngoan hơn ai? Chiếu theo quan điểm đức tin, sự từ bỏ ấy có thật sự đáng gọi là hy sinh không? 


Suy tư gợi ý:

1. Đời của Đức Maria có nhiều đặc biệt

Cuộc đời của Đức Maria có nhiều nét đặc biệt và nghịch lý. Đặc biệt chẳng hạn như là người nữ duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Ngôi Hai Nhập Thể, sinh con không phải do kết hợp với người nam mà bởi quyền năng Thánh Thần, sinh con mà vẫn còn đồng trinh, làm con trẻ Gioan, con bà Êlisabét, nhẩy mừng khi Mẹ đến thăm, v.v… Nghịch lý là vì Mẹ sống rất đơn sơ, khiêm nhường, không mong muốn gì cao sang hay đặc biệt hơn người, mà lại trở nên cao sang và đặc biệt hơn bất cứ người nào trên trần gian này.

Nghịch lý ấy là nghịch lý đối với người đời, vì họ quan niệm rằng muốn đạt được những địa vị cao sang thì phải có lý tưởng thật cao vời, nghĩa là phải nhắm những địa vị cao, những mục tiêu lớn, phải quyết tâm trở nên những nhân vật vĩ đại, rồi còn phải bon chen phấn đấu với mọi người, nhất là với những đối thủ cạnh tranh với mình. 

Nhưng nghịch lý ấy lại là thuận lý theo cách suy nghĩ của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa suy nghĩ và hành động khác hẳn với người đời. Trong bài «Ngợi Khen», Đức Maria đã nêu lên cách hành động của Ngài: «Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới[…] Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng» (Lc 1,48.50-53)



2. Hai cách suy nghĩ

Thực ra đó là hai cách nghĩ và hành động khác nhau, cả hai cách đều có lý, đều đúng, nhưng có lý và đúng trong hai lãnh vực khác nhau, trong hai không gian khác nhau, và trong hai loại thời gian khác nhau. 

Cách của người đời –không dựa vào đức tin– thì đúng trong phạm vi nhỏ hẹp của xã hội, trong đời sống vật chất, tầm thường của đời người, và trong một khoảng ngắn thời gian, chẳng hạn vài chục năm của đời người. 

Còn cách những người sống theo đức tin thì đúng trong phạm vi rộng lớn hơn, trong đời sống tâm linh, siêu việt, và trong thời gian rất dài, trong vĩnh cửu, có thể xuyên qua đời sống của con người, vượt qua cái chết. Cách nào cũng đúng, cũng có lý, nên cách nào cũng có những người thông minh và khôn ngoan vào bậc nhất thế giới ủng hộ, cổ võ.

Vấn đề của chúng ta là chọn cách suy nghĩ nào, cho cách nào là khôn ngoan nhất. Nếu nhắm cái lợi trước mắt và ngắn ngủi thì chúng ta nên suy nghĩ theo kiểu thế gian, không dựa trên đức tin. Còn nếu nhắm cái lợi lâu dài và hết sức to lớn –chỉ có điều bất lợi là khó thấy và không đến ngay– thì chúng ta nên suy nghĩ theo kiểu đức tin. Khi chúng ta đã suy nghĩ và chọn lựa dứt khoát thì chúng ta phải chấp nhận bỏ cái này để được cái kia: hoặc là bỏ cái nhỏ để lấy cái lớn, bỏ cái ngắn để lấy cái dài, hoặc là ngược lại, bỏ cái lớn để lấy cái nhỏ, bỏ cái dài để lấy cái ngắn. Cách suy nghĩ nào cũng đều đòi hỏi phải từ bỏ. Suy nghĩ như thế, ta cảm thấy thoải mái hơn.

Giả sử ta lựa chọn bỏ cái nhỏ để lấy cái lớn, bỏ cái ngắn để lấy cái dài, thì ta sẽ không cảm thấy việc từ bỏ ấy là một sự hy sinh. Cứ nghĩ rằng sự từ bỏ khôn ngoan ấy là một hy sinh thì có thể làm tâm lý chúng ta bị dồn nén, đau khổ, gây trạng thái mất quân bình về tâm lý. Xét cho cùng, sự dồn nén này quả là một dồn nén phi lý, thiếu suy nghĩ. Nếu có dùng chữ hy sinh thì đúng ra chữ đó phải dành cho những ai lựa chọn bỏ cái lớn để lấy cái nhỏ, bỏ cái dài để lấy cái ngắn, như thế thì hợp lý hơn. 

Chẳng hạn có ai cho ta và bạn ta chọn mỗi người một trong hai món đồ, một món 100$ và món kia 10$. Nếu ta chọn món 100$ và tự hào rằng ta đã hy sinh món 10$ kia cho bạn ta, thì thật là phi lý. Ta chỉ có thể nói mình hy sinh khi ta chọn món 10$ để nhường cho bạn ta món 100$. Hy sinh chỉ có nghĩa khi ta chọn phần thiệt và nhường phần lợi cho người khác. Còn chọn phần lợi và nhường phần thiệt cho người khác thì không thể gọi là hy sinh.



3. Ai hy sinh hơn ai?

Có vị bề trên dòng khổ tu nọ nổi tiếng thánh thiện nhưng luôn luôn toát ra niềm hạnh phúc trong tâm hồn. Một tu sinh dưới quyền ngài, khi biết được sự từ bỏ ít người làm được, và thấy đời sống hết sức thánh thiện của ngài, bèn thốt lên:

− «Thưa Cha, đời sống Cha thật là tuyệt vời! Gia đình Cha giàu có nhất vùng này, thế mà Cha lại từ bỏ mọi sự giàu sang sung sướng để đi tu, để tìm Thiên Chúa! Sự hy sinh của Cha thật đáng phục!».

− «Con đã nói phản lại sự thật rồi! −Vị bề trên trả lời− Cha chỉ bỏ có vài cuộn giấy bạc và những thú vui trần tục để chinh phục một niềm phúc lạc vô biên. So với cái kho tàng tâm linh quí báu này thì đó có thật là một sự hy sinh chăng? Trái hẳn lại, chính những người thế gian mới là những kẻ từ bỏ và hy sinh những kho tàng tâm linh vô giá trên đường Đạo để chạy theo những của cải vật chất giả tạm vô thường

− «Ồ! Con không ngờ lại có sự đảo ngược kỳ lạ trong hai cách quan niệm và suy nghĩ giữa Cha và người đời như vậy!»

− «Thật vậy, con ạ! những vị khổ tu tuy áo quần đơn sơ thô thiển, trong người không giữ riêng một đồng bạc, lại trở thành những phú ông về tâm linh. Còn những người tỷ phú kiêu hãnh lại là những kẻ đáng thương về tâm linh mà không hay biết. Đó chính là điều mâu thuẫn về sự dứt bỏ và hy sinh!». 



4.  Vấn đề là tin hay không tin, và ai khôn ngoan hơn ai

Vì thế, trong đời sống Kitô hữu hiện nay, chúng ta cần xác định một lần cho rõ ràng và dứt khoát mục đích của cuộc đời ta là gì, ta chọn cái lợi lớn hay cái lợi nhỏ, loại hạnh phúc ta mong muốn là loại nào: ngắn hạn hay dài hạn, đích thực hay giả tạm, tùy thuộc hoàn cảnh bên ngoài hay độc lập với mọi hoàn cảnh, v.v… Một khi đã xác định rồi thì ta chỉ cần sống theo sự lựa chọn nền tảng đó. Lúc đó ta không còn nghĩ là mình phải hy sinh cái này hay cái kia, nghĩ như thế là chỉ nghĩ đến cái ta bị mất mà không nghĩ đến cái ta sẽ được. 

Thánh Phaolô nói: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta»  (Rm 8,18). Nếu cái được lớn hơn cái mất thì làm sao gọi là hy sinh được? Còn nếu cái mất lớn hơn cái được thì mới đáng gọi là hy sinh, và nếu lựa chọn như thế thì thật là ngu xuẩn! 



5. Chọn lựa của Mẹ Maria

Sự khôn ngoan như thế thật đáng khâm phục, nhưng nó vẫn phảng phất mùi vị kỷ: lo cho hạnh phúc của mình, cho dù là hạnh phúc vĩnh cửu. Sự thánh thiện của Mẹ Maria không dừng lại ở sự vị kỷ «cao cả» đó, mà vượt lên cao nữa, vượt khỏi những gì là vị kỷ của mình. 

Theo niềm tin Công giáo, Mẹ đã được Thiên Chúa giữ gìn khỏi mọi tội lỗi và khỏi vòng kiềm tỏa của tội lỗi. Vì thế, nhờ ơn Chúa và nỗ lực bản thân, Mẹ đã thắng vượt mọi hình thức ích kỷ cho dù vi tế nhất. Điều đó không có nghĩa là Mẹ không bị cám dỗ về tính vị kỷ, nhưng Mẹ luôn luôn chiến thắng. Động lực khiến Mẹ luôn luôn chiến thắng chính là tình yêu mạnh mẽ đối với Thiên Chúa và tha nhân. Mẹ yêu Thiên Chúa vì Thiên Chúa, yêu tha nhân vì tha nhân, chứ không phải vì mình. Chính vì thế, Mẹ không còn đặt nặng hạnh phúc –cho dù là vĩnh cửu– của mình, mà đặt nặng vinh quang và thánh ý của Thiên Chúa. 

Chính vì thế, Mẹ trở nên người đạt được hạnh phúc vĩnh cửu ở mức độ cao nhất, trọn vẹn nhất. Đúng như lời Đức Giêsu nói: «Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy» (Mt 16,25; x. Mc 8,35; Lc 9,24; Ga 12,25). Mẹ đã sống tinh thần câu Tin Mừng này một cách trọn hảo nhất. 

Mẹ đã được Thiên Chúa thưởng vì sự chọn lựa đầy khôn ngoan và sáng suốt đó. Mẹ đã đạt được hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu vì Mẹ đã sống phù hợp với sự chọn lựa đó suốt cả cuộc đời, trong tất cả mọi hoàn cảnh. Việc Mẹ là người duy nhất trên trần gian được về thiên đàng cả hồn lẫn xác cùng với Đức Giêsu là một ơn xứng đáng với sự lựa chọn căn bản rất tuyệt vời của Mẹ. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ trong cách chọn lựa căn bản của chúng ta.



CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, xin cho con bắt chước Mẹ trong việc chọn lựa căn bản nhất của đời con. Xin cho con biết chọn Chúa hơn chọn bản thân con, biết chọn ý Chúa hơn ý riêng, chọn vinh quang của Chúa hơn cả hạnh phúc của con, và biết quan tâm phục vụ tha nhân vì Chúa hơn quan tâm đến chính bản thân con. Xin giúp con trở nên giống Mẹ trong sự lựa chọn ấy. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây . 


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét