CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 19 Thường Niên
(12-8-2018)
(12-8-2018)
Đức Giêsu chính là lương thực
nuôi dưỡng tâm linh
nuôi dưỡng tâm linh
• 1V 19,4-8: (8) Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông (Êlia) đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khôrếp, là núi của Thiên Chúa.
• Ep 4,30–5,2: (1) Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, (2) và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.
• TIN MỪNG: Ga 6,41-51
Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống
(41) Người Do thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giêsu đã nói: «Tôi là bánh từ trời xuống». (42) Họ nói: «Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”»
(43) Đức Giêsu bảo họ: «Các ông đừng có xầm xì với nhau! (44) Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. (45) Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. (46) Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. (47) Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.
(48) Tôi là bánh trường sinh. (49) Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. (50) Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. (51) Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống».
CHIA SẺ
(41) Người Do thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giêsu đã nói: «Tôi là bánh từ trời xuống». (42) Họ nói: «Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”»
(43) Đức Giêsu bảo họ: «Các ông đừng có xầm xì với nhau! (44) Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. (45) Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. (46) Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. (47) Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.
(48) Tôi là bánh trường sinh. (49) Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. (50) Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. (51) Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống».
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao người Do-thái phản đối câu nói của Đức Giêsu: «Tôi là bánh từ trời xuống». Họ đã hiểu câu đó theo nghĩa tâm linh hay vật chất? Các câu diễn tả chân lý thâm sâu trong Kinh Thánh thường phải hiểu theo nghĩa nào?
2. Phải hiểu những từ «ăn thịt», «uống máu» Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay theo nghĩa nào? Có thể dùng thể chất với cách ăn uống thể chất để nuôi dưỡng và phát triển tâm linh không?
3. Trong đời sống Kitô hữu, phải «ăn thịt», «uống máu» Đức Giêsu theo nghĩa tâm linh như thế nào?
Suy tư gợi ý:
1. Tiền kiến sai lầm về những thực tại siêu việt (do hiểu Kinh Thánh theo nghĩa vật chất)
Chúng ta hiện nay biết Đức Giêsu là một con người siêu việt, là thần thánh, vì Ngài là Con Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa. Nhưng những người Do-thái xưa lại thấy Đức Giêsu là một con người rất tầm thường, vì Ngài xuất thân từ gia đình nghèo khó, lại kém học thức… «Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”» (Ga 6,42).
Đối với họ, và cả chúng ta, nếu ở vào trường hợp của họ, thật khó mà chấp nhận Ngài là một ngôn sứ, nói gì đến chuyện chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Lý do khiến họ không chấp nhận không phải là phi lý. Theo lẽ thường, họ không chấp nhận thì hữu lý hơn là chấp nhận. Họ hiểu Thánh Kinh hoàn toàn theo nghĩa đen: một người «từ trời xuống» theo họ thì phải là một người thật sự «từ trời xuống», hiểu theo nghĩa không gian vật chất, chứ không thể là một người sinh ra từ bụng mẹ được. Họ hiểu «trời» hoàn toàn theo nghĩa vật chất là bầu trời, không trung. Chính vì thế, họ không hiểu được chân lý thâm sâu trong câu nói ấy của Đức Giêsu. Họ không ngờ được một con người trong câu nói của Đức Giêsu «từ trời xuống» lại chẳng có vẻ «từ trời xuống» một chút nào (theo nghĩa vật chất).
Những câu nói liên quan đến những chân lý quan trọng trong Thánh Kinh đều cần phải hiểu theo nghĩa tâm linh hơn theo nghĩa vật chất. Trong lịch sử, các nhà chú giải Thánh Kinh từng bị «hố» nhiều lần vì hiểu Kinh Thánh theo nghĩa vật chất, để rồi về sau phải chỉnh lại cách hiểu của mình theo nghĩa tâm linh. Chẳng hạn việc hiểu trình tự sáng tạo vũ trụ (x. St 1,1-31) và con người trong sách Sáng thế ký (x. St 2,7.21-22), hay việc hiểu câu Kinh Thánh Gs 10,12 (nói về việc ông Giosuê ra lệnh cho mặt trời đứng lại) theo nghĩa đen đến nỗi một tòa án trong Giáo Hội kết án Côpécnic và Galilê… một cách phi lý và oan ức.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta lại gặp nhiều lần từ ngữ «từ trời xuống»: có từ được áp dụng vào Đức Giêsu (Ga 6,41-42), có từ được áp dụng vào bánh trường sinh (6,50-51). Nếu trong trình tự sáng tạo vũ trụ và con người, và việc ông Galilê cho mặt trời đứng lại, người ta hiểu theo nghĩa vật chất thì bị sai lầm, ắt trong lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, việc hiểu theo nghĩa vật chất cũng rất có thể dẫn đến sai lầm.
Điều quan trọng là chúng ta phải dựa vào sự kiện, vào thực nghiệm tâm linh trong thực tế đời sống, để biết hiểu theo cách nào là đúng. Chẳng hạn trong câu «Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết» (Ga 6,49), chắc chắn chữ «đã chết» ở đây phải hiểu theo nghĩa đen ứng với thể chất. Còn những chữ «khỏi phải chết» trong câu «Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết» (Ga 6,50) không thể hiểu theo nghĩa đen được. Chữ «chết» trong câu trước – ứng với việc ăn manna – buộc phải hiểu theo nghĩa vật chất, nghĩa là chết về thể xác. Còn chữ «chết» trong câu sau – ứng với việc ăn «bánh từ trời xuống» – buộc phải hiểu theo nghĩa tâm linh, vì không có ý nói đến cái chết thể chất, bởi chưa ai ở trần gian này nhờ ăn «bánh từ trời xuống» mà thoát chết về thể chất cả.
Tương tự, những câu trong bài Tin Mừng hôm nay như: «Tôi là bánh trường sinh», «ai ăn thì khỏi phải chết», «bánh hằng sống từ trời xuống», «ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời», «bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây», sẽ thật là ngộ nghĩnh và phi lý nếu hiểu theo nghĩa vật chất, nhưng sẽ trở nên hữu lý và đúng với thực nghiệm tâm linh khi hiểu theo nghĩa tâm linh.
Những câu này chính là những chân lý quan trọng trong Kitô giáo mà mọi Kitô hữu cần áp dụng trong đời sống tâm linh để đời sống nội tâm được nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ.
2. Đức Giêsu là «bánh hằng sống từ trời xuống»
a) Cần phải hiểu câu này theo nghĩa tâm linh
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời» (Ga 6,51). Chắc chắn, đối với chúng ta là những người Kitô hữu, lời Ngài nói ắt phải là chân lý. Và đây là một chân lý quan trọng đem lại sự sống và phát triển tâm linh cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải triệt để áp dụng chân lý này vào đời sống.
Chắc hẳn không ai trong chúng ta hiểu câu nói trên theo kiểu các yêu tinh trong truyện Tôn Ngộ Không hiểu về thịt của Đường Tăng Tam Tạng. Chúng quyết tâm bắt cho được Đường Tăng để ăn thịt, với niềm tin tưởng rằng ăn thịt ông thì sẽ được sống lâu, thậm chí sẽ không chết. Tôi nghĩ: giả như có ai giết Đức Giêsu để ăn thịt Ngài (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói «thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống» (Ga 6,55-56) của Đức Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. «Thịt» và «máu» ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất, «của ăn» và «của uống» ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Tất cả những từ trên đều phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Và nếu hiểu theo nghĩa tâm linh, thì Đức Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.
Hiện nay, không ai có thể gặp hay tiếp xúc với Đức Giêsu bằng xương bằng thịt như các tông đồ ngày xưa cả. Nhưng Đức Giêsu vẫn luôn hiện diện thật sự trong tâm hồn hay bản thân ta (x. Ga 14:17.20.23.26). Đây là điều thánh Phaolô coi như cốt tủy của đức tin Kitô giáo, ngài nói: «Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm. Anh em chẳng nhận thấy là có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?» (2Cr 13,5). Sự hiện diện của Ngài hiện nay không phải là một sự hiện diện tại thế, mang tính vật chất, mà là sự hiện diện mang tính tâm linh. Điều ấy người Kitô hữu nào cũng biết và cũng tin như thế. Vấn đề còn lại mang tính thực hành là: làm sao để Ngài thật sự nuôi dưỡng và phát triển đời sống tâm linh của ta?
b) «Ăn thịt» và «uống máu» Đức Giêsu thế nào?
Trước hết phải hiểu đúng các từ «ăn» và «uống», «thịt» và «máu» theo nghĩa tâm linh là gì. Ăn và uống vật gì là được nuôi dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính vật ấy. Thịt và máu một người nói lên chính bản thân hay bản chất người ấy. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu hiểu theo nghĩa tâm linh là được bổ dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính bản chất Đức Giêsu. Bản chất của Đức Giêsu là gì? Hiểu và thường xuyên ý thức bản chất của Đức Giêsu là gì, là điều cốt yếu và hết sức quan trọng để có thể «ăn» và «uống» Ngài.
Trước tiên, Ngài chính là Thiên Chúa, là thần linh. Ngoài ra, Ngài còn là nguồn sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo trên trời dưới đất. «Ăn» và «uống» Ngài chính là làm cho bản chất của Ngài thấm nhập vào bản chất của ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên Ngài, nói cụ thể hơn là giống y như Ngài, trở nên một với Ngài. Nghĩa là ta cũng trở nên thần linh, trở nên nguồn sự sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo. Để rồi cuối cùng trở nên đúng như Ngài đã mô tả: «Ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa («nước» ở đây cũng chính là bản thân Ngài). Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời» (Ga 4,14).
Lúc đó ta sẽ không còn khao khát một thứ gì nữa, nghĩa là được thỏa mãn mọi bề, được tràn đầy hạnh phúc, vì Ngài đã là tất cả rồi. Và mọi người sẽ thấy ở nơi ta một nguồn mạch tràn đầy sức sống, tình thương, khôn ngoan, can đảm, nghị lực… luôn luôn «vọt lên». Nhờ đó, chẳng những chính bản thân ta tràn đầy hạnh phúc, mà ta còn làm cho tất cả những người chung quanh ta hạnh phúc bằng sự dấn thân phục vụ không mệt mỏi của ta nữa.
Tôi muốn nhắc lại điều quan trọng này là: muốn cho bản chất của Ngài thấm nhập vào bản chất của ta, tức là ta «ăn» Ngài, thì không cách gì hữu hiệu hơn là thường xuyên ý thức về bản chất của Ngài và sự hiện diện thường hằng của bản chất ấy trong bản thân ta. Ý thức thường xuyên sự hiện diện của Ngài trong ta chính là điều kiện tối cần thiết để bản chất của Ngài dần dần thấm sang bản chất của ta. Tương tự như hai bình liền nhau, cách nhau bởi một vách ngăn: nước trong bình này từ từ thấm và chảy sang bình kia. Ý thức thường xuyên ấy làm cho vách ngăn ấy trở nên xốp để nước có thể thấm và chảy qua.
Đó là cách tôi hiểu đoạn Tin Mừng trên. Tôi hoàn toàn không bài bác những cách hiểu khác. Nhưng quả thật đời sống tâm linh tôi chỉ thật sự thay đổi và khởi sắc lên từ khi tôi hiểu và áp dụng bài Tin Mừng hôm nay theo cách này. Đó là thực nghiệm tâm linh của tôi mà tôi muốn chia sẻ với mọi người, để ai muốn thì cứ thử hiểu theo cách này xem. Tôi tin tưởng và hy vọng người ấy sẽ được biến đổi.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Đức Giêsu đang hiện diện trong con chính là nguồn sống, nguồn tình yêu, nguồn trí tuệ, nguồn thiện hảo… vô biên của toàn thể vũ trụ. Nguồn ấy đang hiện diện trong con với tất cả năng lực của một nguồn lực vô tận. Năng lực đa dạng trong nguồn ấy sẵn sàng tràn sang bản thân con với điều kiện con ý thức được bản chất và sự hiện diện của nguồn ấy ở trong con. Xin cho con thường xuyên ý thức được như vậy, để càng ngày con càng trở nên giống như Ngài, cũng là giống như Cha.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Đức Giêsu là lương thực tâm linh, làm sao ăn được lương thực tâm linh ấy?
(http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/08/tn19b.html)
Đức Giêsu là lương thực tâm linh, làm sao ăn được lương thực tâm linh ấy?
(http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/08/tn19b.html)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét