Tội của TT Trump & Những Lời Cảm Ơn Không Cần Nói
Vĩnh Tường
Để biết sự thật, bình dân Việt nam thường nói: «Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy – một trăm lần thấy không bằng một lần làm». Và câu nói bất hủ trong thế kỷ 20 của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, không chỉ là lời nhắc nhở cách nhìn sự thật riêng về chính trị ở một thời, mà bình dân đã dùng giá trị của nó trong mọi sinh hoạt: «Đừng nghe mà hãy nhìn kỹ!»
Hiện nay, trong giới truyền thông và chính trị gia cũng như dân chúng Hoa Kỳ, kẻ binh người chống ông Trump có thể tính đến hàng triệu, và không ai bảo đảm con số chính xác hơn kém bao nhiêu. Cứ gửi niềm tin vào mấy con số tỉ lệ lượng giá (Poll) có khác nào người mù được dắt đi sờ voi, bỡi lẽ cái máy tính chỉ cộng – trừ – nhân – chia theo lệnh của người sử dụng. Bao giờ cũng vậy, chính con người là vấn đề và ở đó luôn luôn là câu hỏi.
Có thể nào mỗi cá nhân chúng ta, một mình – tự một mình, nhìn kỹ các vấn đề hiện xảy ra trước mắt xem những gì ảnh hưởng, hay không ảnh hưởng đến hạnh phúc của ta hôm nay và ngày mai, hay đến đời sau của con cháu chúng ta. Nhất là tự đặt câu hỏi, trong tám năm trước khi ông Trump vào Bạch Ốc, xã hội HK đã đi về đâu, và hơn một năm qua đất nước này tại sao phải chuyển động một cách khó khăn đến thế.
Những ai còn hăng say mắng chửi, có nên lắng đọng một chút xem trong lòng mình là ông bụt, là thánh thiện hay là con gì đang chỉ huy lối suy nghĩ, và hành vi hiện tại của mình. «Ông Trump có tội gì đối với đất nước, đối với dân HK, trong đó có cả chính mình và gia đình mình, cũng như gia đình, tương lai con cháu của chính ông ta?»
● Vực dậy một nền kinh tế trì trệ, mang về cũng như tạo ra nhiều việc làm cho dân, là một tội.
● Giảm sưu cao thuế nặng cho dân mọi giới, là một tội.
● Lược bỏ, không thương tiếc những qui luật đã trói cẳng kinh tế, là một tội.
● Đối đầu với nước ngoài từ lâu đã lạm dụng tự do mậu dịch qua các hiệp định, gian lận, móc túi tiền mồ hôi của chúng ta, là một tội.
● Chỉnh đốn lại hệ thống công quyền mà chúng ta hãnh diện đã bị lạm dụng đến biến chất, mục ruỗng, kể cả ông xăm mình đối đầu với một thứ vô cùng nguy hiểm cho chế độ dân chủ như chính phủ ngầm là một tội.
● Thi hành luật pháp do Quốc hội của chúng ta làm ra để chỉnh đốn lại di trú bị lạm dụng, đất nước ngày càng không kiểm soát được, là một tội.
● Củng cố lại an ninh nội địa và quốc phòng, là một tội. Giải quyết những vấn đề quốc tế tồn đọng như những căn bệnh nan y đến thời kỳ cuối, ảnh hưởng đến hoà bình cả thế giới, là một tội.
● Đặt chính sách bảo vệ thai nhi, khuyến khích bảo trợ, là một tội. Lo cho tương lai thanh niên, rường cột của nước nhà khỏi bị ma túy đầu độc, là một tội.
● Xây tường để giảm người canh giữ, giảm chi phí và hạn chế nguy hiểm cho lính biên phòng; cắt đường xâm nhập ma túy, tội phạm và di dân không rõ lai lịch tràn vào ảnh hưởng tệ hại đến xã hội lâu dài, không có ngày chấm dứt, là một tội.
● Xây tường để giúp cả cho phía Mễ giảm bớt người từ thập phương, đổ về nằm chờ vượt biên, mang theo đủ thứ bất an cho đời sống dân ở ở đó, là một tội. Xã hội Mỹ hấp dẫn người khắp nơi, Hoa Kỳ phải tỏ ra có trách nhiệm, làm tường để ngăn vì không thể lãnh hết hậu quả nhân tai của các nước khác là vô nhân đạo, là một tội nữa, vân vân, kể cả ngày không hết…
Nếu tất cả đều không phải, thì tội của một ông ở tuổi «cổ lai hy» bỏ đàng sau sự nghiệp tài chánh của mình để làm những việc ấy đến mất ăn, mất ngủ là tội gì?
Phải có chỗ chỉ chứ!
Lương tri chưa mất thì tự đặt câu hỏi, chứ đâu có lý gì dễ dãi, để cho con ma sân si trong lòng nó hoành hành, ngăn cản chúng ta qua sông để xem bờ bên kia người ta đang dự hội như thế nào. Có phải không?
Là người đã may mắn được sống ở xứ sở văn minh, ta muốn giúp cho người khác, hay nói đúng ra là giúp cho đồng bào thân thương của mình ở bên kia bờ đại dương, theo lẽ thường thì phải xem ta đã văn minh chưa.
Tự do nói bừa, chửi bậy thực ra không phải là tự do, bỡi chính đó đã là sự trói buộc của tư tưởng bệnh hoạn rồi, và đó chính là nguồn gốc giết chết tự do.
Người bình dân thì đơn giản mộc mạc, nên họ tự lo được việc này. Nhưng, chuyện quái dị của thế kỷ lại là người có nhiều chữ nghĩa hay quên lẽ phải thông thường, đã tự đánh mất mình mà còn muốn lôi kéo người khác đi theo.
Đã trễ, nhưng có còn hơn không, cần biết đâu là thực chất của những vấn đề chúng ta đang đối mặt. Và trước mắt, người được mướn vào Toà Bạch Ốc – trung tâm chuyển dịch xã hội để lãnh đạo đất nước này, ông TT Donald Trump đang làm gì và ông nên cảm ơn ai?
Khi thành công, người ta thường cảm ơn Thượng đế, Trời Phật hay tổ tiên tùy theo tín ngưỡng. Người ta còn ghi nhận lời cảm ơn có thể nghe – thấy đối với con người. Nhưng ít ai nghĩ đến cơ duyên đưa đến sự thành công, trong khi yếu tố then chốt lại nằm ở đó.
Không phải lúc bấy giờ (2015) vì thích làm tổng thống hay được đảng ủng hộ nên ông Trump mới ra ứng cử. Như nhiều bài viết đã nhắc, ông Donald Trump chuẩn bị làm Tổng thống từ hơn ba thập niên về trước, qua các câu trả lời trên các chương trình truyền hình của Oprah Winfrey, Rona Barrette rằng «ông chỉ ra ứng cử khi nào thấy đất nước trở nên tồi tệ».
Dù bị người ta diễn dịch thế nào, thì sự thật cũng đã được chứng minh rõ như ban ngày, cả đứa trẻ tiểu học cũng thấy.
Dĩ nhiên có nhiều người không đồng ý, nhất là đối với những ai chỉ ở bên này sông và ít khi muốn thấy bờ bên kia có gì. Nói gì đi nữa thì sự thật vẫn như chính nó. Ông Trump có những chỗ cần cảm ơn mà ông không cần nói lời nào.
Trước hết là cảm ơn cựu TT Obama..
Năm 2016 là một trang hiếm có trong lịch sử bầu cử của Hoa Kỳ.
Cựu TT Obama để lại gia tài khá đồ sộ làm nền móng cho phong trào xã hội chủ nghĩa của ông cụ Bernie Sander và cho cả phong trào cách mạng Trump.
Xin nhắc lại cho dễ hiểu, là gia tài đầy gai gốc này đã đẻ ra hai phong trào. Một là phong trào xã hội chủ nghĩa, toàn cầu hoá của cụ Sanders, và hai là phong trào Quốc gia, dân túy (Dân vi qúi) (American First) của Donald Trump.
Ngọn lửa hướng về xã hội chủ nghĩa nhen nhóm từ bên trong đảng DC, bùng lên khá mạnh bắt đầu vào mùa bầu cử 2015 – 2016, tiếp sau nhiệm kỳ TT Obama. Người dẫn đầu là nghị sĩ ứng viên Bernie Sanders với những khẩu hiệu vận động như «free healthcare» «Free College», tăng thuế nhà giàu và giới 1%, vân vân. . .
Ở đâu và thời kỳ nào có nhiều bất công (xin mở ngoặc, có khi chỉ là tuyên truyền), nghèo khó, nợ nần chồng chất ngày một nhiều đến mức khó ngóc đầu lên, xã hội chia rẽ, phân hoá thì cuộc sống trở nên bất an; tâm tư người dân lo sợ cho hiện tại và sợ luôn những gì chưa biết ở ngày mai; niềm tự tin sẽ mất dần và họ chắc chắn sẽ mong có nơi nương tựa.
Có hai nơi con người tìm đến:
– Về mặt tinh thần thì con người tìm đến Thần, Phật, hay đấng Tạo hoá để cầu xin.
− Về nhu cầu vật chất cho đời sống thường ngày, thì người dân mong cầu ở một xã hội khác hơn, từ đó chính phủ sẽ nắm quyền «xin – cho». Một khi, được sự đãi ngộ của chính phủ, thì lại có nỗi sợ khác. Đó là sợ chính quyền.
Thói quen dựa dẫm dần hồi gặm nhấm niềm tự tin và ý chí tự túc, tự cường; có khi ngay cả tự do dân chủ cũng dễ dàng chấp nhận từ từ từng bước hy sinh vào tay chính quyền.
Đây chính là miền đất và thời tiết thuận lợi nhất cho phong trào XHCN, CSCN «đấu tranh» để mọc mầm, phát triển. Tin rằng người gốc Việt ở hạng có tuổi, đã là tỵ nạn chắc hầu hết ai cũng biết lẽ này.
Phong trào XHCN được hưởng ứng càng mạnh thì càng chứng tỏ cái nền móng ấy đã hiển lộ rõ ràng – đó chính là hiện tình xã hội xảy ra sau tám năm trước khi ông Trump đắc cử. Căn cứ địa này có phải tự nhiên mà có hay không có, hoặc cứ che mắt lại, để nói không có gì cả, tùy ở mỗi người. Sự thật nó không theo ai cả.
Một điều nghe lạ, nhưng nhìn kỹ thì sẽ thấy không lạ chút nào.
Cũng từ trên miền đất ấy, loại cây khác hẳn, mọc lên – tuyệt đối không phải là cây xhcn. Nỗi lo sợ cho một viễn ảnh tương lai đã đánh thức người dân Hoa Kỳ thầm lặng, và một phong trào khác, tương phản hoàn toàn với phong trào xhcn của ông Sanders, cùng lúc nổi lên như giông bão.
Đó là chính là phong trào Trump. Ông Trump đánh mạnh, đánh thẳng với những lời táo bạo chưa bao giờ thấy.
Chính giới có đầu óc thâm căn cố đế với mớ lý thuyết chính trị (political ingrained), không ít người hoang mang, hay xốc nổi, ngứa ngáy, ngồi đứng chẳng yên vì cho rằng hiện tượng phi lý, và Hoa Kỳ không thể có một ông tổng thống như ông Trump.
Nhưng bình dân, ai đã biết lẽ thường: ‘không có việc gì xảy ra mà không có nguyên do của nó,’ thì vẫn bình chân như vại mà xem.
Ở chỗ cực âm, cũng là nơi chứa mầm dương để sinh trưởng.
Đó là quan hệ tồn vong, sinh diệt giữa âm dương không bao giờ dừng (negative and positive). Ở chế độ lưỡng đảng như Hoa Kỳ, – một tả, môt hữu (một trái, một phải) nên nguyên lý này càng hiển hiện rõ nét hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Bảo người dân HK phải hy sinh những những giá trị tự do tinh thần đích thực cho con người trong nền dân chủ pháp trị tuyệt vời mà họ đã quen sống, để có những thứ tự do xin cho, mị dân làm thoả mãn những đòi hỏi của bản năng là điều có thể có, nhưng không dễ chút nào.
Bởi:
Thứ nhất – nền tảng văn hoá của dân Hoa Kỳ là niềm tin Thiên Chúa tuy bị mưa gió dập vùi, nhưng nó vẫn tồn tại vững chắc như định luật thiên nhiên.
Thứ hai – đa số dân bản xứ (miễn trừ di dân mới đến gần đây), người ta đã có tập quán theo nguyên tắc giữ gìn tự do – chính là tư tưởng thực tế kiểu cowboy, tự túc, tự cường, tự đứng trên đôi chân của mình, không ngại đối đầu với cuộc đời đầy chông gai phía trước. Hầu hết, họ là những người có tư tưởng hạnh phúc ở hiện tiền, lòng không mong chờ dựa dẫm vào những lời hứa lâu dài từ chủ thuyết chính trị nào.
Thứ ba – là người dân Hoa Kỳ im tiếng, không đồng nghĩa với vô cảm. Lâu nay họ ngậm bồ hòn để nhìn chính trị gia của mình quen thói phải đạo chính trị (Political correctness). Chính trị gia thì ỷ lại chiếc đũa thần chính trị mị dân như bùa phép tà quyền mà quên rằng nó không còn mấy tác dụng trong thế kỷ 21 – thời đại của kỹ thuật thông tin.
Bên nào sử dụng thứ này thành tập quán, bình dân hãy nhìn cho kỹ mà tự trả lời. Từ lâu đã ở trong cái kén chính trị bài bản, nên họ quên rằng người dân đang nhẫn nhịn những điều chướng tai, gai mắt, chứ không phải là họ không biết gì – tức là chính trị gia đã thái quá mà không coi chừng bất cập.
Ba điều trên đây chính là nền tảng cử tri mà ông Trump khéo vận dụng chứ không phải Nga – Tàu nào rót mật vào tai hoặc cầm tay họ bỏ phiếu vào thùng cả.
Phong trào xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa toàn cầu hoá nổi lên càng mạnh bao nhiêu thì nỗi lo sợ gia tăng bấy nhiêu, và nền tảng cử tri của cuộc cách mạng Trump càng mạnh bấy nhiêu..
Cái thế lưỡng cực – âm, dương (- /+) của cục bin điện ta dùng hàng ngày cũng vậy. Còn nhớ, trong khi vận động có lần, ngay sau lời khen cử tri của ông rất thông minh và chắc chắn trung thành, ông Trump tỏ sự tự tin đến mức tuyên bố nảy lửa rằng «Dù tôi có bắn người trên Đại lộ Năm tôi cũng không mất cử tri của tôi.».
Truyền thông cứ tự do xô nghiêng, đá ngữa. Còn bình dân cứ tự nhìn, nhìn kỹ, thật kỹ và chắc chắn sẽ rất lý thú khi thấy sự thật này.
Truyền thông thiên tả và qúi vị DC tha hồ bôi bẩn, ném bùn ông Trump tơi tả đến chó nhà cũng sủa vì không còn nhận ra ông. Ý tưởng, cách mạng ủng hộ ông Trump mạnh và chắc đến mức không gì lay chuyển nổi, người ta không cần nghe Truyền thông thiên tả bôi bác nữa.
Những hình ảnh chặn đường, rấp ngõ, có tác dụng ngược lại – ông Trump trở thành nạn nhân của lòng ngay thẳng, và phong trào bảo vệ giá trị của tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh và lòng yêu nước ngày càng tôi thành thép, dưới sự lãnh đạo của một người chứng tỏ có gan, đứng thẳng lưng, dám nói, dám làm để xóa bàn xây dựng lại, đưa đất nước trở về đúng vị thế xứng đáng.
Ngoài cụ xã nghĩa Sanders – tuy không thành công, còn có ông Trump và dân Hoa Kỳ dĩ nhiên phải cảm ơn mâm bát đầy xương xóc của ông Obama để lại.
Nhờ đất ấy mà ông Trump có nơi dụng võ. Và – và – cũng chính vì nó, – vì nó mà ông rất khổ công sửa cho Hoa Kỳ ngay ngắn trở lại chứ có sung sướng gì cho cam!
Thứ hai, lượng giá một kẻ thiện trí, cần phải chờ xem họ ứng xử thế nào trong nhiều trường hợp khác nhau. Tình hình chính trị sôi động khiến nhiều người kể cả nhà văn hay các cụ tỵ nạn từng có chức sắc mất luôn tự chủ, để rồi thố lộ nhưng câu như nước đổ xuống đất, không thể thu về. Chẳng hạng như: «tôi bầu cho Obama bỡi vì ông ta là người da đen, và bầu cho bà Clinton vì là đàn bà – vì đã đến lúc nước Mỹ phải có đàn bà làm tổng thống.»! Chao ôi! Hóa ra, đối với họ, ghế tổng thống là phần thưởng chứ không phải cho người nắm vận mệnh quốc gia! Cái lẽ thường «chọn mặt gửi vàng» mà người chữ nghĩa một bụng cũng đành quên! Phải chăng thế kỷ này nhân loại tiếp tục thuyết tiến hoá, nên có nhiều điều thật quái lạ như thế xảy ra! Rốt cuộc bình dân sống với «đạo thường» lại thấy khác. Đối với ông Trump, ơn của bà Clinton còn đó, và ơn này phải chia làm năm phần:
Ơn số một: ban vận động của bà Clinton đã chơi trò gian lận, ma giáo để hạ đối thủ trong đảng là ông Sanders. Phong trào của ông đang lên đến đỉnh thì đùng một cái - tắt ngủm! Tội nghiệp, ông cụ này phải lom khom ôm hết nghị trình sang hợp tác với bà Clinton . Trọn gói nghị trình của bà Clinton là của Obama cũng như của cụ xã nghĩa. Ông Trump liền lái hướng vận động, đem đò sang sông rước một số cử tri bất mãn từ phía ông Sanders sang phía mình.
Ơn số hai, bà Clinton tấn công ông Trump quấy rối, khinh thường phụ nữ mà quên rằng làm như thế là tự mình làm sống dậy cái bản quyền Monica scandal - suy đồi đạo đức của gia đình bà, có sách, có chứng đầy đủ, một thời chấn động thiên hạ, đã mồ yên mả đẹp cách đây 20 năm. Than ôi! Như vậy có khác nào «lạy ông tôi ở bụi này». Rõ ràng, có khác nào trên võ đài, cứ xông vào đánh đại mà không biết thủ. Chỉ mặt người ta có chút lọ do vui chơi, trong lúc mình đã có lần rơi vào ống khói. Bình dân thấy tiếc! Tiền của bà nên để dành cho cháu ngoại tốt hơn là trả cho ban vận động kém cỏi như thế. Còn cái đám Truyền thông thiên tả trống kèn inh ỏi cũng góp phần ăn hại, chứ có giúp gì cho bà Clinton . Trách ông Trump thiếu lịch sự khi ông đem cả một đoàn nạn nhân của ông chồng bà lên sân khấu, như một dàn đại pháo, là chuyện buồn cười hết sức. Có luật lệ nào bảo đối thủ khoanh tay cho mình đánh trên võ đài đâu?
Ơn số ba, chưa chắc thắng cử mà nhận tiền làm gì, từ các nước ngoài, kể cả những nước vi phạm nhân quyền có chính sách hẳn hòi - coi thường phụ nữ, phân biệt đối xử với đồng tính – trái ngược hoàn toàn với những chiêu bài vận động then chốt của chính mình. Về điểm này, ông Trump khỏe nhất, chỉ cần khèo nó ra để bà đã tự đánh mình. Chửi cử tri ủng hộ ông Trump là thứ tồi bại hết thuốc chữa (deplorable, irredeemable), chỉ để bớt cơn giận của phụ nữ, và lãnh hậu quả tác dụng ngược chứ có ích gì đâu.
Ơn thứ tư, bà tự gây rắc rối, làm kho riêng lưu trữ và xóa trên ba mươi ngàn email của chính phủ, trong đó có chứa tài liệu mật, để làm gì cho phải bị điều tra rối loạn cả hệ thống công quyền. Điều lạ là người ủng hộ DC, không thấy ai lên tiếng rằng có hại cho uy tín của đảng mình, mà cứ chỉ trích Nga khui email mới biết phe bà gian lận đối với phe ông Sanders. Vấn đề là làm bậy, hay không chứ sao lại trách người khui. Sự bao che những sai trái, kiểu trách nhiệm tập thể có khác nào cha chung không ai khóc, có lợi nhất thời; nhưng dù đốt đuốc đi tìm hết thảy thế gian, cũng sẽ không bao giờ tìm thấy bình dân nào nói rằng không có hại lâu dài. DC không khổ sao được!
Ơn số năm, phải chăng Toà Bạch Ốc có nợ chưa trả hay sao mà ông bà loanh quanh mãi, không chịu rút lui, về hưu hưởng đời nhàn hạ để được hơn hàng triệu người ngưỡng mộ, trong đó có cả người thưa chuyện hôm nay! Tiếc quá! Thật đáng tiếc! Phải chăng ông bà sợ không ai có khả năng, hay không ai yêu nước bằng mình. Nghĩ như thế thì tội cho những tài năng mới của DC. Và hơn ba trăm triệu dân của nước văn minh nhất thế giới mà không có ai tài giỏi thì đất nước này còn gì nữa!
Thấy sự tình cong queo như thế, ông Trump đem ra cái búa tạ để đập rất mạnh. Ông đặt tên cho bà là người quanh co (crooked) và lặp đi, lặp lại cho lọt vào tai cử tri. Loại sắt cứng mà cong queo thì phải dùng búa mà gò, tức là dùng ngay cái qui luật trời cho để kiếm sống hàng ngày của thợ rèn; đem cái đạo thường ra xài đúng lúc, khiến nó phát huy tác dụng, chứ có cao siêu gì đâu. Ông Trump và dân Hoa Kỳ không nói nhưng chắc phải cảm ơn ứng viên này của DC, đã cho họ một cơ hội gìn giữ đất nước này.
Thứ ba, Khủng bố tung hoành, ngày càng lấn tới, ăn hiếp khi Hoa Kỳ tỏ ra yếu nhược. Đã biết hoà với khủng bố không thể được, nhưng chính quyền cũ đánh thì không ra tay đủ mạnh và không dứt khoát. Trong khi đó, ông Trump tỏ ra là người không sợ trời, không sợ đất. Ông tuyên bố mạnh là sẽ quét sạch khủng bố khỏi địa cầu và ông đã làm thiệt. Nhờ có khủng bố mà ông có chút uy tín với bình dân HK, mặc dù Truyền thông thiên tả và truyền thông lẻ tẻ ăn theo, đã keo kiệt không cho chút nào.
Thứ Tư, di dân chạy loạn khắp thế giới. Nhờ đó, người ta mới thấy rõ ông Trump là người dám nói, dám làm. Ông ký ngay sắc lệnh tạm ngưng nhận di dân 6 nước, làm cho Truyền thông thiên tả và bên DC càng đoàn kết chống chế, buộc tội ông vi hiến, phi pháp, kỳ thị. Và cuối cùng ông cũng đúng nốt! Dù ưa hay không ưa ông, rồi ra bình dân vẫn thấy rõ đâu ra đó. Ai thực sự lo cho an ninh của dân, và mặc cho ai hát, cứ hát rằng «vì giá trị của người Mỹ ta cứ việc mở cửa cho di dân tràn mà không cần chi thanh lọc kỹ và rất kỹ»
Thứ Năm, Di dân bất hợp pháp – Dĩ nhiên không ai ghét những người trong hoàn cảnh khốn khó nhưng còn luật pháp quốc gia không thể không thi hành. Do chính sách bắt rồi thả (catch and release), biên giới lỏng lẻo và phát triển thành phố bảo hộ như tuyên chiến với cơ quan Di trú và Hải quan liên bang mà di dân khắp nơi không rõ lai lịch tràn vào HK ngày càng nhiều hơn. Vấn nạn không giải quyết được mà khiến cho ảnh hưởng trực tiếp an ninh lẫn kinh tế, xã hội ngày càng mạnh. Có chính sách dễ dãi thì ắt có người đang chờ sẵn tràn vào là điều đương nhiên chứ cần gì đọc báo «kiểm tra sự thật» (Factcheck) để xem người ta vặn vẹo kiểu nào! Nhờ vấn nạn này ngày càng leo thang mà ông Trump vận động thêm phần ăn khách, và ông đã không thất nghiệp trong năm qua. Trong chữ luật đâu có chữ tình, mất lòng đảng DC thì đành chịu, nhưng rốt cuộc thì ông Trump sẽ có thêm uy tín ở cuối con đường. Có việc làm không hết, chắc ông Trump phải cảm ơn chính phủ trước đã để lại cho.
Thứ Năm, truyền Truyền thông thiên tả. Ông Trump từ trong sào huyệt của truyền thông mà ra, ông có lạ gì ngõ ngách bịp bợm của Truyền thông thiên tả đối với quần chúng. Cái khổ của Truyền thông thiên tả là bây giờ ông đại diện toàn dân. Một số nhà báo tép riu của chúng ta, cứ vội nói bừa nên chi đã liên tục sụp bẫy, nhưng vẫn không chịu chừa. Thông cảm cho kẻ học nhiều hay quên, nhưng bình dân thì nhớ rằng: «Có ở trong chăn, mới biết chăn có rận». Lâm trận này làm sao Truyền thông thiên tả thắng nổi. Ông Trump không tweet thì còn đường nào bắn thông điệp gốc cho dân vượt qua bức tường loa phóng thanh của Truyền thông thiên tả như ở giữa Nam - Bắc Hàn. Ông Trump làm cho kẻ bất thiện hoàn lương được chút nào hay chút ấy cho xã hội. Nếu không có Trump, chẳng bao lâu nữa cái gọi là đệ tứ quyền của qúi vị trở thành giàn loa tuyên truyền y như kiểu mà qúi vị thường chê trách. Như vậy đối với người dân, là oán hay ân?
Thứ Sáu, chuyện điều tra Nga Trump. Bây giờ sự thật như cây kim đã lòi ra khỏi áo. Bầu đoàn DC chung quanh bà Clinton , có cả quan chức an ninh, họ đã chi hàng triệu dollars để dàn dựng hồ sơ giả nhằm ngăn chặn và làm hại ông Trump trước, sau bầu cử. Trống kèn, nhạc đệm hàng ngày ai mà không nghe thấy. Những người ở đằng đuôi cứ theo kịch bản mà hì hục đòi đào tận gốc cho biết tay. Ngờ đâu đào mãi lại lòi ra bằng chứng bí mật sắp xép ở đằng đầu của phe mình. Có gì đắng hơn sự thật phủ phàng như thế! Và thật rõ khổ cho các ban bệ lãnh nhiệm vụ bới lông tìm vết! «Sorry thôi!» Sao qúi ông bà không chịu nói sớm! Hoá ra, ông Trump nói đâu có đó.
Bây giờ có lẽ DC nên cảm ơn Ủy ban tình báo Hạ viện phía CH đã đưa ra bản dự thảo để kết thúc cuộc điều tra sau một năm, thẩm vấn hàng khối người, công khai cũng như không công khai, và xét hàng nghìn tài liệu, cuối cùng tìm thấy không có bằng chứng nào để cáo buộc ban vận động của ông Trump thông đồng với Nga – như tiêu đề của kịch bản. Sự kết thúc này, phe DC ta cũng có lợi chút đỉnh vì được dịp đổ trách nhiệm cho phe bên kia, chứ không lẽ mình đòi kết thúc cuộc đào bới do mình hùng hổ bày ra, và rút lui tay trắng. Không biết ông Trump có nên thông cảm cho bên thua cuộc lần nữa không, nhưng có lẽ ông cũng nên cảm ơn chuyện Nga Trump đã làm cho cử tri của ông thấy đâu là bến bờ, qua đám khói mù dày đặc trên sân khấu chính trị.
Hôm nay (16/3/2018), Bộ Tư pháp, ông Sessions chắc phải uống cả vỉ Advil để cân nhắc mãi đến giờ chót mới đuổi Phó Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, ông McCabe. Nghe ai biện bạch, chỉ đông, chỉ tây, nói hươu nói vượn, không bằng tự hỏi, đuổi việc một viên chức có dễ như đuổi gà, đuổi vịt không. Bộ trưởng Tư pháp đã dựa trên bằng chứng và kết luận có văn bản của Văn phòng Tổng Thanh tra (OIG) Tư Pháp và Văn phòng Điều tra Trách nhiệm Chuyên môn (OPR) thuộc Cục Điều Tra Liên Bang, rằng ông này đã nhiều lần tiết lộ ra truyền thông trái phép và thiếu sự liêm chính kể cả đối với sự tuyên thệ. Đây mới chỉ là sự khai mương đầu tiên cho cái đầm, vì còn nhiều trường hợp cần xả nữa. Bình dân chỉ việc chờ xem.
Thứ bảy, Kim jong Un, «Cậu nhóc bướng bĩnh». Ông Trump đã giăng lưới bom tứ phía, và chừa cho họ Kim một cửa. BH, họ Kim bắn hoả tiễn như chơi pháo bông đe doạ nền an ninh của đồng minh và nhất là đối với HK. Bên Trump và đồng minh thì tập trận sát nách và phô diễn sức mạnh quân sự. Trung Quốc, Nga và chính trị gia tai to mặt lớn, kêu gọi ông hạ nhiệt. Một số quí anh bình luận gia, nhà báo anam ta cũng khua chiêng, chỉ trích Trump làm tầm bậy, gây nguy hiểm, mất ổn định trong vùng! Không biết họ có nghĩ qua, cái ổn định mà họ đang có mấy chục năm qua là gì. Bình dân biết uống thuốc tạm thời giảm đau, không phải là cách chữa bịnh. Nhưng kẻ có học lại hay quên! Cách giải quyết 25 năm đã quá đủ để chuẩn bị cho kết quả đầu hàng. Ông Trump đứng trước hậu quả nào nên chọn, chứ không phải là nguyên nhân. Và ông đã làm thế nào? Câu trả lời bình dân chúng ta đã bàn ở bài trước, nay xin tóm lại một chút.
Thứ nhất - Cố tình làm cho cả thế giới lo sợ. Thứ hai - đấu khẩu mạnh hơn và lập lờ quyết định. Thứ ba, là phô trương lực lượng. Thứ tư là siết chặt vòng vây kinh tế, từng đợt tăng dần, và quyết không buông. Thứ năm, gọi Thượng viện nhóm họp khẩn, bất thường, cấm tiết lộ nội dung. Thế giới thót ruột. Và kết quả Hội đồng LHQ nhất tề bầu theo Trump. Cửa còn lại do Ngoại trưởng Tillerson gắn bảng «HÃY ĐI LỐI NÀY!». Họ Kim còn chạy đi đâu? Sang Tàu, Nga à? Tàu - Nga cũng đang loay hoay với bài toán kinh tế để đối đầu với ông Trump. Họ giật dây, xúi dại, lợi dụng cái xác khô BH, thì được chứ dại gì chịu gánh của nợ mà không tính toán. Trump chỉ chờ, và sau cùng là họ Kim đã xin chọn Trump, như chúng ta đã biết. Đàm phán thế nào thì hãy chờ xem, vì còn nhiều yếu tố quan trọng liên hệ đến ván bài, mà ông Trump nắm con bài chủ như chính tên của ông. Yếu tố quan trọng quanh vấn đề là từ quân đội Mỹ ở Nam hàn, sự giao thương, dàn chống hoả tiễn THAAD, sự cấm vận, chương trình nguyên tử của Bắc Hàn, Trung Cộng, Đài loan, vị thế của Việtnam và biển đảo vân vân. . . Nhưng tin rằng quyết tâm đòi «phi hạt nhân» BH của tổng thống sẽ có kết quả nhất định ở mức độ nào đó, chứ không còn kiềm chế (contain) kiên nhẫn nằm chờ cho đến khi đầu hàng, theo kiểu nghiện ma túy như trước. Có điều là bước đi nào về phía BH cũng đều ảnh hưởng đến Việt nam, vì vị thế chiến lược và vì Nam - Bắc Hàn nằm trong mô thức tiền thân của Việt nam hôm nay.
Các vị tiền nhiệm đã để lại cục nợ BH, cái thế bất khả từ, và Tổng thống Trump nhất định phải làm nên lịch sử.
Thứ tám, NATO, từ lúc thành lập (1949) nhằm chống Liên Bang Sô Viết đến giờ mới có một ông Trump cho rằng lỗi thời. Truyền thông thiên tả và TT lẻ tẻ tả khuynh nửa vời ăn theo, lập tức chửi mắng xối xả. Trump ngu, Trump khùng! Bình dân tự hỏi không lỗi thời (obsolete) thì chữ nào thích hợp trong khi LBSV không còn nữa. Rốt cuộc, mỗi thành viên phải đóng góp 2% GDP của họ để giải quyết bất công mà Hoa Kỳ phải gánh chịu từ lâu. Truyền thông thiên tả lại há miệng mắc quai lần nữa! Ông Trump cũng nên cảm ơn hiện tình lỗi thời của NATO.
Khổng Minh trong Tam Quốc Chí, sau khi dùng kế dụ quân Tào bắn tên qua màn sương mù và thu được hàng ngàn tên bắn trong thời gian ngắn, mà không cần dùng chút sức, đã bảo quân mình hô lên «Cảm ơn Thừa tướng cho tên!». Cứ thế, ông Trump đã mắc nợ không kể hết những lời cảm hơn không cần nói. Và biết đâu, có một ngày ông sẽ tweet ra, cảm ơn sự tệ hại của Truyền thông thiên tả đã tiếp tay ông, đánh thức bình dân chân chính của Hoa Kỳ bằng gương phản chiếu, giúp ông ngày càng nổi tiếng là người làm việc có kế hoạch, bất chấp khó khăn và nhất là nổi rõ chính nghĩa vì dân, vì nước.
«Hoặc vì như thế nào», bình dân chúng ta sẽ cùng tóm tắt đại nghị trình của tổng thống Trump ở kỳ sau.
Vĩnh Tường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét