Ngôi sao ái quốc
Phan Viết Phùng
Lời Tòa Soạn : Bài viết của tác giả Phan Viết Phùng với tựa đề «Ngôi sao ái quốc giữa đêm tối của dân tộc». Phần đầu tác giả đề cập đến bối cảnh đất nước bị chìm ngập trong đêm tối sau đệ nhị thế chiến tới năm 1954 chí sĩ Ngô Đình Diệm về nước chấp chính. Vì trang báo có hạn và để đi thẳng vào vấn đề cần nêu, chúng tôi xin trích đăng phần sau của bài viết đề cập tới việc Mỹ làm áp lực Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đi tới đảo chánh. Xin cám ơn tác giả và giới thiệu với bạn dọc một bài viết rất công phu.
Tuần báo ĐỜI
Không thể thao túng Ông Diệm bằng áp lực viện trợ, người Mỹ bắt đầu nghĩ đến việc đảo chánh. Để chuẩn bị, họ phát động một chiến dịch đả kích, bôi nhọ ông Diệm, gây rối loạn giữa đồng bào Phật Giáo, triệt để khai thác một vài lầm lẫn của chính phủ với đồng bào Phật Giáo. Vụ biến động trước Đài Phát Thanh Huế đã được chứng minh là do tạc đạn loại mới, đặc biệt mạnh, chỉ có giới quân sự Mỹ mới có mà thôi. Kenedy bất mãn về thái độ của Ông Diệm từ lâu, nhưng việc Kenedy quyết định lật đổ Ông Diệm có thể đặt vào thời điểm ông cử Henry Cabot Lodge làm Đại Sứ thay Frederick Nolting, là người có chút thông cảm với hoàn cảnh của ông Diệm.
Từ đó ở Bạch Ốc, nhiều kế hoạch đảo chính được đề nghị, thảo luận, mổ xẻ. Hàng trăm công điện được phê chuẩn bởi Tổng Thống hoặc Bộ Trưởng Ngoại Giao đánh sang Sài Gòn. Người ta có những lối nói hoặc viết hàm hồ, gợi ý, để hiểu ngầm với nhau, thay vì nói thẳng hay dùng những từ qui ước. Ví dụ họ không dùng từ «ám sát»; họ chỉ nói cách nào để người nghe hay đọc hiểu là ám sát. Kennedy cương quyết thực hiện cuộc đảo chánh, nhưng mọi việc phải kín đáo, tỷ mỷ, cẩn thận, để nếu thất bại, ông có thể từ chối sự dính líu của HK vào vụ đảo chính; phương tiện là bất cứ cái gì và liên quan đến sự an toàn của Tổng Thống Diệm không hề được nhắc đến.
Ở Sài Gòn kẻ có trách nhiệm thi hành chính sách và ý kiến của Kennedy là Đại sứ Lodge. Ông này không những đồng ý với Kennedy mà còn thi hành một cách xây dựng và uyển chuyển. Vừa đến Sài Gòn, ông đi gặp các Sư lãnh đạo phe Phật Giáo, rồi sau mới đi trình Ủy Nhiệm Thư cho Tổng Thống Diệm. Hầu hết những viết lách móc nối, thuyết phục, thăm dò, thôi thúc các tướng lãnh, ông đều giao cho Trung Tá Lucien Conein, nhân viên CIA hoạt động rất đắc lực.
Vào giai đoạn này, Tổng Thống Diệm hình như có linh cảm về một cái gì không lành. Hôm lễ Quốc Khánh 26-10-1963, khi nói với các đoàn thể về chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa ông có nói câu «Tôi tiến thì theo tôi, tôi lùi thì bắn tôi, còn tôi chết thì hãy nối chí tôi».
Mặc dù các tướng tá mà Conein muốn chiêu dụ hầu hết là những kẻ rất thân cận với Tổng Thống và được Tổng Thống cất lên chức vụ họ hiện có, Conein đã thành công dễ dàng nhờ đem ra những miếng mồi thật ngon đối với họ: chức vụ lương bổng của mỗi người sẽ nhẩy vọt, viện trợ dồi dào cho chế độ mới, phí tổn để mua chuộc và tiêu xài trong vụ đảo chánh, phương tiện tẩu thoát cho họ và gia đình, nếu có gì bất trắc xảy ra. Mọi cái đều được Conein bảo đảm với tư cách đại diên trực tiếp cho Lodge và gián tiếp cho Kennedy. Hôm đảo chánh, Conein là kẻ thật sự chỉ huy các tướng ở Tổng tham Mưu.
Một yếu tố đã giúp phần nào cho sự thành công của nhóm đảo chánh. Đó là tính tình của ông Diệm hiền hòa, ghét bạo động, lo cho mạng sống kẻ khác hơn là mạng sống mình. Lệnh của Tổng Thống cho Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ chỉ huy Lữ Đoàn tại thành Cộng Hòa, là «cố tránh đổ máu, đừng nổ súng bừa bãi, chỉ bảo vệ thành nếu bị tấn công, để Tổng Thống liên lạc với các tướng lãnh». Ông Duệ vì có tay trong nên biết rõ ở Tổng Tham Mưu chỉ có một ít thiết giáp và một số binh sĩ từ trung tâm huấn luyện mà thôi, ông xin Tổng Thống cho phép kéo toàn lực lượng đến tấn công thẳng vào Tổng Tham Mưu và bắt giữ các tướng đang họp ở đó, Tổng Thống không cho, nói rằng không nên nóng nảy quá. Lúc cuối cùng Tổng Thống gởi lời cảm tạ anh em tất cả và nói ông không muốn đổ máu giữa quân đội nữa, nên ông sẽ gặp các tướng để dàn xếp.
Mọi người đã biết kết quả của sự nộp mình ấy. Ai đã giết Tổng Thống Diệm và Cố Vấn Nhu? Câu hỏi thật là ngắn gọn, nhưng câu đáp không thể ngắn gọn như thế. Kẻ bóp cò ắt phải có lệnh từ Tổng Tham Mưu. Các tướng ra lệnh ấy nhưng phải có sự gật đầu của Conein đang ngồi đó để chỉ huy mọi việc, tức cũng là sự gật đầu minh nhiên hay mặc nhiên của Lodge và Kennedy.
Trên đây đã nói chính quyền Kennedy nhất quyết lật đổ ông Diệm để có một chế độ khác. Câu hỏi ở đây là : Ngoài ra, Kennedy có muốn ông Diệm bị thanh toán không? Chúng ta biết Bạch Ốc đã chuẩn bị và đại sứ Lodge thi hành tỷ mỷ mọi phương tiện bảo đảm sự an toàn cho các tướng và gia đình của họ, cũng như sự di tản an toàn của người Mỹ ở Việt Nam nếu cần. Nhưng chính quyền Kennedy không bao giờ đề cập đến vấn đề an toàn cho Tổng Thống Diệm. Hơn nữa các công điện từ Bạch Ốc đều có giọng ám chỉ rằng phải loại bỏ chế độ Diệm, còn vấn đề bằng cách nào thì tùy ý. Khi biết hai ông đã rời khỏi dinh, Conein và các tướng rất lo sợ hai ông đã trốn thoát, nên ra lệnh kiểm soát không phận. Điều này chứng tỏ Kennedy không muốn ông Diệm sống sau khi mất chính quyền để tố cáo Hoa Kỳ. Nếu Kennedy muốn bảo vệ ông Diệm thì chỉ cần nói với các tướng rằng, Hoa Kỳ chỉ ủng hộ chế độ mới với điều kiện họ không giết ông Diệm.
Ông Diệm thắng Pháp trong việc đòi lại chủ quyền, nhưng khi cố bảo vệ chủ quyền khỏi sự cướp đoạt của Hoa Kỳ thì ông thất bại một cách thảm thương. Lý do là chính phủ Hoa Kỳ quá mạnh. Pháp Thực dân chỉ phục vụ cho quyền lợi của quốc gia Pháp, còn chính phủ Hoa Kỳ là cơ quan, là khí cụ của một lực lượng ghê gớm, với những mưu đồ kế hoạch bao trùm cả Thế Giới. Đằng khác Hoa Kỳ có nhiều khả năng và kinh nghiệm trong việc trừ khử những nhân vật hoặc nhóm người cản trở việc xúc tiến đại kế hoạch. Ông Diệm không phải là nạn nhân độc nhất:
– Hoa Kỳ muốn Tưởng Giới Thạch lập chính phủ liên hiệp với cộng sản Mao Trạch Đông. Nhưng Tưởng Giới Thạch không chịu vì đó chỉ là mưu kế chuyển toàn chính quyền cho cộng sản. Hoa Kỳ bèn cúp viện trợ cho Tưởng và yểm trợ đầy đủ cho Mao. Chế độ Tưởng sụp đổ trong nháy mắt, phải chạy ra Đài Loan, cá nhân Tưởng không lọt vào tay Mao là một sự rất may mắn.
– Trong chiến tranh Đại Hàn, Syngman Rhee, Tổng Thống Nam Hàn, không thích đường lối Hoa Kỳ đánh cộng sản. Sau khi ký hòa ước, Hoa Kỳ muốn ông trả hết tù binh cho Bắc Hàn, nhưng trong số hàng vạn tù binh ấy hầu hết van xin ở lại Nam Hàn vì họ biết số phận của họ nếu trở về Bắc Hàn. Khi Hoa Kỳ vẫn đòi ông trả tù binh, ông chỉ trả một số rất ít những người chấp nhận trở về, còn nửa thì ban đêm ông ra lệnh mở cổng các nhà tù. Tù nhân tẩu thoát rồi lẫn trốn trong dân chúng địa phương. Không lâu sau CIA chơi một màn «sinh viên» nổi dậy đòi lật đổ chính phủ, bao vây và tấn công dinh Tổng Thống. Syngman Rhee thoát được, chỉ có bà vợ thiệt mang.
– Tổng Thống Batista ở Cuba cũng vậy, may mắn chạy thoát được sang đảo quốc Cộng Hòa Dominico để tỵ nạn.
Phong trào cộng sản được sự trợ giúp của một quan thầy hết sức giàu mạnh, sẵn sàng hy sinh những ai muốn cản trở. Đó là hiểm họa chung cho cả thế giới. Ở Việt Nam còn có một hiểm hoạ khác, sâu xa hơn vì nó tạo thêm cơ hội cho kẻ thù nhảy vào cướp đoạt chủ quyền quốc gia, áp đặt ách nô lệ. Hiểm họa ấy là không ít người thuộc hạng tay sai đã mất ý thức dân tộc, mất niềm tự hào về nguồn gốc, văn hóa, truyền thống của mình, mất tinh thần yêu nước, chỉ lấy chức quyền danh vọng làm lý tưởng trong đời, coi chính trị là môi trường để thực hiện tham vọng cá nhân thay vì là một hình thức phục vụ dân tộc.
Với tinh thần ấy người ta mất hết tự trọng, dùng những mánh khóe đê mạt để dành giật chút quyền hành chức vị, nhắm mắt đớp mồi của ngoại bang, phản bội, giết trộm Tổng Thống. Giết trộm một người bao giờ cũng là hành vi đê tiện hèn nhát. Giết vị nguyên thủ có xảy ra ở các nước, nhưng bao giờ cũng theo thủ tục pháp luật. Còn giết trộm một vị nguyên thủ đã nắm trong tay thì chỉ xảy ra ở Việt Nam, khiến dân tộc Việt Nam phải hổ thẹn, khiến người ngoài coi Việt Nam là một dân tộc mọi rợ. Đằng khác giữa thế kỷ 20 này mà giết một vị lãnh đạo chống Pháp, chống Cộng, Chống Mỹ là một điều ngu xuẩn tột độ, hoặc ích kỷ hại Quốc Gia tột độ, hoặc cả hai.
Như mọi người đã biết ông Diệm có khá nhiều khuyết điểm về chính trị, chẳng hạn về cách dùng người, về sự dung túng anh em bà con và có lẽ đã bỏ mất một vài cơ hội để đảo ngược lịch sử. Nhưng ai cũng công nhận ông là người đạo hạnh, yêu nước, tận tụy và can đảm tranh đấu cho chủ quyền và lợi ích Quốc Gia, xứng đáng là đại diện và biểu tượng của dân tộc. Hơn nữa bây giờ lịch sử đã biến ông thành nạn nhân anh dũng của kẻ thù, nội và ngoại, một vị tử đạo vì tinh thần yêu nước, vì tính tự hào của dân tộc. Mong rằng tinh thần ấy, chí khí ấy sẽ tiếp tục đóng góp cho công cuộc đấu tranh của người Việt ngày nay...
Phan Viết Phùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét