Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Cầu nguyện dễ dàng




Cầu nguyện dễ dàng


Cầu nguyện là một trong những sinh hoạt quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu. Nó giúp cho tất cả những sinh hoạt khác của đời sống Kitô hữu trở nên dễ dàng, hữu hiệu và có giá trị hơn.
Do đó, biết cách cầu nguyện cho đúng là điều cần thiết và quan trọng.
I. Vài câu hỏi gợi suy nghĩ
Hai cha con, hay hai mẹ con thường xử sự với nhau như thế 
 Đôi tình nhân yêu thương nhau thường xử sự với nhau thế nào?
 Trong cả hai trường hợp,
− thái độ của họ đối với nhau thế nào? (ánh mắt dịu dàng, âu yếm, quan tâm đến nhu cầu của nhau, săn sóc nhau, chiều ý nhau, tìm cách làm hài lòng nhau, làm cho nhau vui tươi, hạnh phúc, v.v...)
− họ nói với nhau những gì? (tỏ tình yêu thương, lòng biết ơn, khen ngợi, khuyến khích, v.v...)
− họ kể lể cho nhau những chuyện gì? (đủ mọi chuyện: chuyện thường ngày, niềm vui, nỗi buồn, âu lo, chán nản, sợ sệt, giận hờn, nhu cầu, ước mơ, dự tính, chuyện riêng, chuyện người khác, chuyện gia đình, chuyện đất nước, chuyện thế giới, v.v...)
− khi xa nhau thì sao? (nhớ nhau, thường hướng lòng về nhau, năng viết thư hay gọi điện cho nhau để hỏi thăm sức khỏe, và mong sớm gặp lại nhau, v.v...)
− nếu lỡ làm cho nhau buồn thì sao? (nhận lỗi, xin tha thứ và [người kia] sẵn sàng tha thứ…)
− nếu hai người có hai ý khác nhau hay ngược nhau thì sao? (người con sẵn sàng làm theo ý cha mẹ, vì tin tưởng cha mẹ khôn ngoan và hợp lý hơn mình nên làm theo ý cha mẹ thì chắc chắn có lợi cho mình hơn…)
− nếu cần phải chịu cực cho nhau thì sao? (sẵn sàng, vui vẻ chấp nhận hy sinh - đau khổ - thiệt thòi - khó chịu để người mình yêu được hài lòng, hạnh phúc…)
 Khi xử sự với nhau như vậy thì họ được gì?
− phía người con (hạnh phúc vì thấy mình được cha mẹ yêu thương, được chăm sóc, được bảo vệ, không phải lo lắng nhiều chuyện như những kẻ mồ côi, khi có những chuyện trái ý xảy đến thì an tâm vì biết chúng sẽ ích lợi cho mình trong tương lai...)
− phía cha mẹ (hạnh phúc và hài lòng vì tình yêu của mình được đáp lại, và tập tành cho con thích ứng với những giá trị, khả năng hay địa vị thật lớn lao mà mình chuẩn bị cho nó trong tương lai [mà không thể chuẩn bị cho những đứa con khác không yêu thương, tin tưởng và phó thác vào tình thương của mình như vậy]...)

II. Cầu nguyện là gì?
− Trước hết, cầu nguyện là cách xử sự của người con đối với cha mẹ mình là người yêu thương mình vô bờ bến; người con đó chính là bản thân mình, còn cha mẹ ở đây chính là Thiên Chúa
− Tương tự, cầu nguyện cũng là cách xử sự của đôi tình nhân yêu thương nhau, dành hết cuộc đời cho nhau; đôi tình nhân đó, một người là bản thân mình, và người kia là chính Thiên Chúa
Khi hiểu được cách xử sự tự nhiên và đúng mực của người con đối với cha mẹ mình, hay của một tình nhân đối với người mình yêu thương trọn đời, thì chúng ta sẽ biết và hiểu được phải cầu nguyện thế nào cho đúng.
Điều quan trọng nhất trong cầu nguyện là niềm tin vào tình yêu vô biên và sáng suốt của Thiên Chúa đối với mình, đồng thời ước muốn đáp trả lại tình yêu thương ấy.
Hai vợ chồng sở dĩ nên một với nhau là nhờ có tình yêu chân thật giữa hai người. Cũng vậy, tin tưởng vào (nhất là cảm nghiệmđược) tình yêu thương của Thiên Chúa đối với mình [1] và sẵn sàng đáp lại tình yêu thương ấy bằng chính tình yêu, lòng hiếu thảo của mình, là điều kiện tiên quyết để kết hợp với Thiên Chúa, để trở nên một với Thiên Chúa. Trở nên một với Thiên Chúa chính là mức độ cao nhất của cầu nguyện.

[1]  “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài và yêu thương họ đến cùng” (Gioan 13,1); 
       “Không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa trước, chính Ngài đã yêu thương chúng ta và đã hiến Con Một của Ngài để đền tội thay chúng ta” (1Gioan 4,10).


III. Làm gì khi cầu nguyện?
a) Lý thuyết
Cứ suy từ cách người con đối xử với cha hay mẹ mình, hay từ cách đôi tình nhân đối xử với nhau, là ta biết phải cầu nguyện thế nào.
Nhắc lại: điều cơ bản và quan trọng nhất trong việc cầu nguyện là tâm tình yêu thương đích thực của người con đối với cha/mẹ mình là Thiên Chúa. Không có tâm tình yêu thương này thì việc cầu nguyện trở nên vô vị, chán ngắt.
Bình thường chúng ta đâu thích nói chuyện với người mà mình không có cảm tình, không yêu thương, hoặc xa lạ đối với mình. Nói chuyện với những người này, nhiều khi mình chẳng biết nói gì, vì chẳng có chuyện gì để nói. Ngược lại, ta rất thích nói chuyện với người mình yêu thương, người mình có cảm tình. Với những người này, mình nói không hết chuyện, hết chuyện này đến chuyện khác: những chuyện xảy đến với mình, những niềm vui, nỗi khổ, những tâm tình phát sinh từ đáy lòng mình trước mỗi biến cố xảy ra… Nếu đã nói hết chuyện với nhau thì việc im lặng ngồi cạnh nhau để nghĩ về nhau, để thưởng thức tình yêu dành cho nhau, cũng cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc.
Nếu mình yêu mến Thiên Chúa, coi Ngài là cha mẹ tạo dựng nên mình và hết lòng yêu thương mình, thì mình có thể nói với Ngài hàng trăm chuyện mỗi ngày. Tình yêu hai chiều này giữa Thiên Chúa và bản thân mình, chính là cái “duyên” nối kết hay gắn bó ta với Thiên Chúa, Thiên Chúa với ta. Cổ nhân có câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, Vô duyên đối diện bất tương phùng» (nghĩa là: Có duyên với nhau thì dù xa nhau ngàn dặm vẫn có thể gặp nhau, còn không có duyên với nhau thì dù có ở trước mặt nhau đi nữa cũng vẫn không gặp nhau.)

Khi yêu nhau, người ta chỉ mong được gặp nhau, ở bên nhau. Người yêu mến Thiên Chúa cũng mong đến gặp Ngài trong nhà thờ, trong thánh lễ, mong được rước Ngài vào lòng mình. Khi không đến được thì thường nghĩ đến Ngài, hướng lòng về Ngài. Nghĩ đến Ngài, hướng lòng về Ngài, sẵn sàng làm đẹp lòng Ngài, dù không nói gì, cũng là cầu nguyện.
Thiên Chúa ở khắp mọi nơi một cách thiêng liêng, vô hình, nhất là ở ngay trong cung lòng ta [2],  nên bất cứ lúc nào ta cũng có thể gặp Ngài, thân thưa với Ngài, và Ngài luôn luôn lắng nghe tiếng ta như người cha lắng nghe con cái mình.
[2]  “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Linh Ngài ở trong anh em sao?” (1Côrintô 3,16)
Đương nhiên, khi hai người yêu thương nhau gặp nhau, không chỉ có một người nói, mà phải nói qua nói lại: người này nói thì người kia nghe, sau đó thì người kia nói người này nghe. Trong cầu nguyện, không chỉ có mình nói với Thiên Chúa, mà mình còn phải lắng nghe tiếng Chúa nói với mình. Thiên Chúa sẽ nói với mình, nếu mình thật sự muốn lắng nghe tiếng Ngài.
Ngài không nói ra thành tiếng như một người có xác thịt. Ngài nói từ trong đáy lòng mình, tiếng Ngài phát ra từ trong trái tim mình. Muốn nghe được tiếng Ngài, mình phải biết lắng nghe, lòng mình phải thật im lặng, không bị xáo trộn bởi những tính toán, âu lo… Nếu chưa nghe được tiếng Ngài từ trong lòng mình, mình có thể đọc Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Ngài và suy gẫm để nhận ra được lời Ngài nhắn nhủ. Qua Thánh Kinh, mình có thể tìm hiểu quan niệm, lối suy nghĩ, cách xử thế cũng như cách hành động của Ngài, để bắt chước cách quan niệm, suy nghĩ và hành động của Ngài.
Những lời kinh có sẵn là để giúp cho những ai chưa thể cầu nguyện bằng chính tâm tình của mình, bằng những lời phát ra từ đáy lòng mình có thể dùng để cầu nguyện. Những khi mình cảm thấy tâm hồn mình khô khan, chẳng có tâm tình gì cả, nên không biết nói gì với Chúa, thì có thể sử dụng những mẫu kinh có sẵn để gợi lên những tâm tình cần thiết. Tuy nhiên, Thiên Chúa thích nghe những tâm tình chân thực phát xuất từ lòng mình, từ cuộc sống thực tế của mình hơn. Lời kinh có sẵn là điều cần thiết để cầu nguyện chung trong gia đình hay trong cộng đoàn. Thiên Chúa cũng rất thích con cái mình cùng cầu nguyện chung với nhau.
b) Thực hành
Cầu nguyện là việc làm của người đang yêu (=bản thân mình) dành cho người mình yêu(=Thiên Chúa). Vậy, cầu nguyện thường gồm những động tác sau:
− Tỏ tình: Bầy tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, ca tụngcảm phục tình yêu bao la của Ngài cũng như những kỳ công và ân huệ của Ngài cho mọi người và cho mình, nói lên lòng biết ơn chân thành và sâu xa của mình đối với những gì mình đã nhận được từ Thiên Chúa.
− Phó thác: Biết Ngài yêu thương mình và có khả năng làm tất cả mọi sự có lợi cho mình, nên sẵn sàng phó thác cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương quan phòng của Ngài. Cả những khi gặp khó khăn hay đau khổ trong đời, mình vẫn tin tưởng rằng chính Thiên Chúa vì yêu thương mình mà để cho mình như vậy [3].

[3] “Tất cả mọi sự phối hợp lại đều ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rôma 8,28);
     “Đau khổ đời này không sánh được với hạnh phúc, vinh quang đời sau” (Rôma 8,18);
     “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài; nếu ta cùng đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài” (2Timôtê 2,11-12; x. Rôma 6,8; 8,17)
     Có lời kinh như sau: “Lạy Chúa, Chúa định cho con phải sống thể nào cách nào, và trong cuộc sống con phải chịu đau đớn khốn cực bao nhiêu, thì con xin vui lòng theo Thánh Ý Chúa mà vâng chịu như vậy. Amen”.

Hiến dâng: Sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa bằng cách luôn luôn làm theo ý muốn của Người, kể cả chấp nhận những khó khăn gian khổ Ngài gửi đến để mưu ích cho mình. Hãy thường xuyên hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?Xin hãy nói cho con biết. Con sẵn sàng làm theo thánh ý Chúa”. [4]

[4]  Lời kinh của một vị thánh: “Lạy Chúa, xin cho con biết vui vẻ chấp nhận những gì không thể cải thiện được; nhưng luôn luôn can đảm cải thiện những gì có thể cải thiện được; và sáng suốt để phân biệt những gì có thể cải thiện được và những gì không thể cải thiện được”.

− Xin ơn: Nói với Ngài những nhu cầu cần thiết của mình để xin Ngài ban cho, những ước mơ hay muốn ước tốt lành, những dự tính của mình để xin Ngài giúp thực hiện. Tuy nhiên, hãy để cho Ngài tự do hành động theo sự khôn ngoan vô biên của Ngài. Chưa chắc những điều mình ước muốn và xin Ngài ban cho đã thật sự có lợi cho mình. Rất nhiều trường hợp mình tưởng điều mình xin là tốt đẹp, đẹp ý Ngài, và ích lợi cho mình, nhưng thật sự không phải vậy.
Những người hoàn toàn tin tưởng và phó thác cho Ngài đều biết rằng: tất cả những gì mình thật sự cần, Ngài đều biết hếtchẳng cần xin Ngài cũng ban, trong đó có cả những khó khăn hay đau khổ mà Ngài thấy có lợi cho mình [5]. Còn những gì Ngài không ban, cho dù mình rất mong muốn hay tự cho là rất ích lợi, là vì Ngài −vốn vô cùng khôn ngoan và thông sáng− thấy thật sự không có lợi (hoặc có hại) cho mình.

[5] “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: Cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mátthêu 6,7-8)

Người thật sự yêu mến Thiên Chúa thì luôn luôn đặt nặng việc mình phải làm theo thánh ý Chúa, chứ không đặt nặng việc Chúa sẽ làm theo ý muốn mình. [6]

[6]  Về cách cầu nguyện, tôi thường hay nói đùa với bạn bè: «Trước đây, tôi cầu nguyện bằng cách nói với Chúa: “Lạy Chúa, con xin Chúa điều này, Chúa hãy nghe và nhậm lời con”. Còn bây giờ tôi cầu nguyện bằng cách nói với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa muốn nơi con điều gì, Chúa cứ nói, con sẽ nhậm lời Chúa”». Quả thật, khi lắng nghe Ngài và quan tâm làm những gì Ngài muốn thì tôi suy nghĩ và hành động khôn ngoan hơn, đồng thời nhận được ơn lành và sức mạnh của Ngài hơn trước rất nhiều. Nhờ vậy, tôi chứng nghiệm được lời của Ngài: «Hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước đã, còn tất cả những chuyện khác, Ngài sẽ ban cho sau» (Mátthêu 6,33). Trước đây tôi đã làm ngược lại là ưu tiên quan tâm đến chuyện của mình trước, tức những gì mình muốn Ngài làm cho mình; còn chuyện của Ngài, những gì Ngài muốn nơi tôi, nhiều khi tôi chẳng quan tâm, hoặc chỉ coi là chuyện thứ yếu. (Trích trong bài “Chia sẻ về cầunguyện của NCK).


IV. Hệ quả của cầu nguyện
− Cảm thấy hạnh phúc vì thường xuyên cảm nhận được tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa là người Cha vô cùng quyền năng và sáng suốt, luôn yêu thương mình và quan tâm chăm sóc mình.
− Luôn an tâm vì biết mình có một người Cha luôn luôn yêu thương, quan tâm che chở mình trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống.
− Rất tự tin vì mọi năng lực của mình được nối kết với nguồn sức mạnh vô biên là Thiên Chúa, sẵn sàng tiếp sức cho mình bất kỳ lúc nào.
− Càng ngày càng trở nên tốt đẹp, thánh thiện, vì thường xuyên tiếp xúc với Thiên Chúa là Đấng trọn hảo, nguồn mạch của sự thánh thiện.
− Khi những khó khăn hay đau khổ hay những trái ý xảy đến, luôn vững tin vì biết những gì Thiên Chúa cho phép xảy tới đều ích lợi cho tương lai hay hạnh phúc đời sau của mình [cho dù hiện nay mình chưa hiểu được]. Nếu không ích lợi hay có hại cho mình, Thiên Chúa yêu thương sẽ không bao giờ cho phép xảy ra [7].

[7] Tại sao cha mẹ lại bắt con cái uống thuốc, chích ngừa, ép con học hành, cho dù chúng phải đau đớn, mệt nhọc? Chúng có hiểu được tại sao cha mẹ lại bắt mình như vậy không? Những gia đình nghiệp võ còn bắt con đeo những vật nặng [ngày càng gia tăng] ngay từ khi chúng còn nhỏ và ép chúng khổ luyện đủ thứ. Chẳng đứa con nào thích bị ép như vậy. Tại sao cha mẹ lại làm như vậy? Vì cha mẹ ghét con hay vì yêu thương con? (Vì chuẩn bị tương lai huy hoàng cho con).


***
Muốn tìm hiểu rõ hơn về cầu nguyện, xin tham khảo bài “Chia sẻ về cầu nguyện” trong trang blog 
http://chiasethanhuu.blogspot.com/2017/05/chia-se-ve-cau-nguyen.html
  


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét