Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Vong1b - Ngày phán xét, Thiên Chúa căn cứ chủ yếu vào «cái tâm» của ta hơn vào những hành động tốt xấu của ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng

(02-12-2018)

Bài đào sâu

Ngày phán xét, Thiên Chúa căn cứ
chủ yếu vào «cái tâm» của ta
hơn vào những hành động tốt xấu của ta




ĐỌC LỜI CHÚA

  TIN MỪNG: Lc 21,25-28,34-36

Những điềm lạ. Con Người quang lâm

Phải tỉnh thức và cầu nguyện




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu biết trong tuần tới kẻ trộm sẽ đến nhà bạn, không biết vào lúc nào, ngày hay đêm, bạn có làm gì khác lạ hơn bình thường không? Tại sao? 
2. Tỉnh thức nghĩa là là gì? Cho một vài thí dụ khác nhau về tỉnh thức. 
3. Để tỉnh thức theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay, một cách cụ thể thì phải làm những gì?


Suy tư gợi ý:

1. Nếu tôi biết tuần này kẻ trộm sẽ đến nhà tôi, thì …

Chúng ta thử xét một cách thật nghiêm túc xem: phản ứng, tư tưởng và thái độ của ta sẽ thế nào khi được báo tin chắc chắn rằng một bọn trộm cướp đã dự định đến «thăm» nhà ta tuần này. Được tin ấy, thử hỏi ban đêm ta còn ngủ yên như mọi khi được không? Nếu ta đoán kẻ trộm cũng có thể đến cả vào ban ngày nữa, thì ta có đề phòng cả ban ngày không? Ta có dám bỏ nhà đi đâu xa vào những ngày này, và giao phó nhà cửa cho đám con cái còn bé nhỏ chưa kinh nghiệm không? 

Nếu đoán biết kẻ trộm sẽ đến, chắc chắn ta sẽ gia tăng đề phòng, không để cho chúng lấy đi của ta bất kỳ đồ vật gì. Muốn đề phòng hữu hiệu, ta phải canh thức liên tục, không ngừng nghỉ. Ngừng đề phòng lúc nào là kẻ trộm có thể đến lúc ấy, nhất là vào những lúc chúng biết ta mệt mỏi, lơ là. Nếu đề phòng liên tục, chắc chắn kẻ trộm sẽ thất bại.

Chỉ vì sợ mất của cải vật chất chóng qua mà ta đã lo canh phòng như vậy, lẽ nào mạng sống tâm linh của ta, của cải tâm linh của ta, là cái quí hơn hàng trăm ngàn lần, ta lại không lo lắng canh giữ? 



2. Cách sống hiện tại quyết định số phận vĩnh cửu

Số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm nảy sinh cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu (x. Mt 7,17-18). Do đó, cách ta sống, và quan trọng hơn nữa là «cái tâm», hay «tấm lòng» mà ta hình thành hay luyện tập được trong cuộc sống hiện tại, sẽ quyết định tương lai vĩnh cửu của ta.

Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và định hình vĩnh viễn ngay khi ta chấm dứt cuộc sống tạm bợ này, nghĩa là ngay khi ta chết. Nhưng ta chết lúc nào? Không ai biết được! Những người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở New York ngày 11-9-2001, hay những nạn nhân cuộc khủng bố của ISIS tại Paris ngày 13/11/2015, hay Nhà báo Khashoggi người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giết ngày 2/10/2018 ngay khi vừa bức chân vào lãnh sự quán Saudi ở Istanbul để làm giấy tờ cho đám cưới sắp tới của ông. Những người ấy, không ai ngờ trước được rằng hôm ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy, hoặc khi có cả một mạng lưới an ninh bảo vệ? 

Thế mới biết tai họa hay cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi nào. Đối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn cả! Thật đúng như thánh Phaolô nói: «Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống» (1Tx 5,3). Cái chết đến quả thật như kẻ trộm! không thể biết trước hay đoán trước được lúc nào, cách nào, và thế nào! Tuy nhiên, chết lúc nào, cách nào không phải là chuyện quan trọng. Vấn đề hết sức quan trọng chính là: số phận đời sau của mình thế nào? 

Số phận của chúng ta đời sau chính là kết quả của cách sống đời này. Nếu đời này chúng ta sống vị tha, yêu thương mọi người đúng theo bản chất của mình là «hình ảnh của Thiên Chúa» cũng là «con cái Thiên Chúa», thì đời sau chúng ta sẽ được sống trong một môi trường đầy yêu thương, được gần gũi với chính Thiên Chúa của Tình Thương. 

Trái lại, nếu đời này ta sống ích kỷ, ít tình thương, không tình nghĩa, thường lãnh đạm, nhạt nhẽo, ganh ghét, hận thù… với tha nhân, thì đời sau chúng ta sẽ phải sống trong một môi trường không có tình thương, đầy hận thù và xa cách Thiên Chúa. Điều đó xảy ra không khác gì một quy luật, luật nhân quả: «Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu» (Mt 7,17)

Tương tự như một người luôn yêu thương và vui vẻ với mọi người, dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi cho người khác, thì tự nhiên người ấy tạo ra chung quanh mình một bầu khí vui tươi, thoải mái, yêu thương, và những ai ở gần người ấy đều tự nhiên cảm thấy hạnh phúc và quí mến người ấy. Trái lại, một người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chẳng biết yêu thương hay hy sinh cho ai, chỉ mong người khác hy sinh, chịu thiệt cho mình, tự nhiên người ấy sẽ tạo ra chung quanh mình một bầu khí ảm đạm, căng thẳng, buồn tẻ, và chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú gì khi ở với người ấy. 



3. Điều quan trọng là «luyện cái tâm»

Khi phán xét, Thiên Chúa sẽ căn cứ chủ yếu vào «cái tâm» của ta nhiều hơn là chính những hành động tốt xấu mà ta thực hiện được. Vì trong đời sống con người, có rất nhiều hành động tốt nhưng lại xuất phát từ một «cái tâm» xấu: chẳng hạn như những hành động giả nhân giả nghĩa, những hành động tốt chỉ để tạo uy tín, để lấy điểm trước con mắt người đời, những đóng góp rất nhiều tiền cho người nghèo nhưng không phải vì thương người nghèo mà để được khen là một người hảo tâm, tương tự như những hành động yêu thương của một chàng sở khanh chỉ nhằm chiếm đoạt được người đẹp để rồi phản bội… 

Đức Giêsu khuyên «khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm» (Mt 6,3), «khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại» (6,6), vì những hành động tốt được làm «cốt để người ta khen» (6,2), «cốt cho người ta thấy» (6,5) thì không xuất phát từ «cái tâm» tốt, và «đã được thưởng công rồi» (6,2b)

Thánh Phaolô cũng xác định những hành động tốt nhưng không xuất phát từ cái «tâm yêu thương» thì chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa (x. 1Cr 13,3); và ngay cả đức tin hết sức mạnh mẽ, hoặc hiểu biết thật sâu sắc về Thiên Chúa mà không có cái «tâm yêu thương» thì cũng trở thành vô ích (x. 1Cr 13,2).

Vì thế, đừng tưởng mình sẽ được Thiên Chúa ân thưởng vì có đạo gốc, có đức tin thật mạnh mẽ, hoặc hiểu biết Thiên Chúa hơn tất cả mọi người, hoặc có vô số những hành động tốt, mà không có «cái tâm» yêu thương cho tốt. Chính Đức Giêsu đã tiết lộ rằng: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,22-23)

Thật vậy, nếu không chịu từ bỏ cái tâm đố kỵ, ghen ghét, hận thù, ích kỷ, sẵn sàng hại người, dễ dàng đối xử bất công với tha nhân, v.v... thì những hành động dù có tốt đến đâu mà xuất phát từ cái tâm khó ưa ấy, sẽ chẳng được coi là những hành động tốt thật sự. Với cái tâm khó ưa ấy thì khó mà vào được Thiên Đàng, nơi chỉ dành cho những người có «cái tâm» yêu thương. Những người còn cái tâm xấu mà vào được Thiên đàng thì họ sẽ biến Thiên đàng thành một nơi vẫn còn đau khổ. Họ còn phải vào «luyện ngục» để «luyện cái tâm» cho tới khi thành «cái tâm» tốt, tràn đầy yêu thương để xứng đáng và phù hợp với bản chất của Thiên đàng.



4. «Ngày của Chúa»

Đối với mỗi cá nhân, «Ngày của Chúa» – hay ngày Chúa đến – chính là ngày ta chấm dứt cuộc đời trần thế để đến trình diện trước mặt Chúa hầu được quyết định về số phận vĩnh cửu của mình. Đối với toàn thế giới, «Ngày của Chúa» chính là ngày tận thế, ngày mà tất cả mọi người đã từng sống trên trần gian đều phải trình diện trước mặt Chúa. Ngài sẽ phán xét Giáo Hội cũng như tất cả mọi thể chế trần gian, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, mọi nền văn hóa, mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi tập thể… 

Lúc đó mọi dân mọi nước, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa sẽ biết rõ ràng và dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Lúc đó, tất cả mọi bí mật trên thế giới, trong tất cả mọi lãnh vực, đều được tỏ lộ, phanh phui cho tất cả mọi người thấy, không một che dấu nào mà không bị hiển lộ… Trước mọi sự được tỏ bày, ai nấy đều tự mình biết mình là công chính hay tội lỗi, và công chính hay tội lỗi ở mức độ nào. Mọi người sẽ tâm phục khẩu phục khi thấy số phận của mình, của mọi người và từng người được ấn định một cách hết sức công bằng, hợp lý và quang minh.

Ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vinh quang cho những người thật sự công chính, vì họ sẽ được giải oan, được mọi người nhìn nhận sự trong sạch, ngay thẳng, và biết được tất cả những gì tốt đẹp của mình, đồng thời được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng ngày ấy sẽ là ngày u buồn, nhục nhã, xấu hổ cho những người giả công chính, giả đạo đức, những kẻ gian ác, vì mọi giả dối, xấu xa, gian ác của họ, dù được giấu diếm kỹ càng đến đâu cũng đều bị lột trần, phanh phui trước mọi người, và số phận của họ sẽ là đau khổ muôn đời.



5. Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng

Ngày của Chúa đến như kẻ trộm, không ai biết trước được, và là ngày qui định dứt khoát số phận đời đời của ta. Vì thế, thái độ khôn ngoan nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng, để ngày ấy dù có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy, thái độ tỉnh thức là thái độ nào?

Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với tình trạng mê mải, tình trạng bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta phải nhớ, phải canh chừng. Một minh họa cụ thể: Nhiều khi người nhà tôi bận việc, yêu cầu tôi canh chừng ấm nước sôi. Tôi nhận lời với tất cả ý thức. Nhưng chờ lâu quá, để tiết kiệm thì giờ, tôi lại tiếp tục viết bài. Tới lúc chợt nhớ tới ấm nước thì đã quá muộn, ấm đã cạn sạch nước. Chậm một chút nữa là ấm sẽ bị cháy! Công việc đã thu hút tôi đến mức làm tôi quên canh chừng!

Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Điều đó đòi hỏi tôi phải sống phù hợp với tinh thần Tin Mừngcó được «cái tâm yêu thương», cụ thể nhất là yêu thương những người gần mình nhất. Điều ta cần quan tâm không chỉ là tránh gây nên những bất lợi cho tha nhân, mà còn là làm những gì họ cần ta làm cho họ. 

Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng (Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót, những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Ta thường tưởng rằng mình không làm điều gì bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân, thì mình đã trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án rồi. Cụ thể như khi đứng trước một bất công, giả như tôi lên tiếng thì bất công ấy đã không xảy ra, hoặc sự công bằng đã được trả lại cho người bị bất công, nhưng tôi đã không lên tiếng chỉ vì một sợ hãi mơ hồ nào đó. Điều đó chứng tỏ rằng tôi không có đủ tình thương. Chính những tội về thiếu sót ấy làm tôi không xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta có thể trở nên «mê ngủ», mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, quyền, thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực… đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân (đói cho ăn, khát cho uống, lên tiếng trước bất công…), mà còn sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa (vu khống, gây bất công, thù oán, giết người…) 

Bất kỳ điều gì có thể làm chúng ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt (công việc, chuyện làm ăn, sở thích…), cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. Ngay cả việc thờ phượng Chúa (dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện…) cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân. Thờ phượng Chúa kiểu này chắc chắn không phải là kiểu đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài rất nhờm tởm kiểu thờ phượng này (x. Is 1,11-19). Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, thì ra có rất nhiều điều có thể làm con mê ngủ, không tỉnh thức. Điều làm con rất ngạc nhiên là ngay cả những đam mê tốt lành như đam mê đi lễ, đam mê cầu nguyện, đam mê làm tông đồ, đam mê làm ăn… có thể làm con quên đi bổn phận mà con phải làm đối với những người chung quanh con: cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hàng xóm… Con có bổn phận rất quan trọng là phải làm cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc. Xin Cha đừng để những đam mê tốt lành ấy làm con mất tỉnh thức.


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét