CHIA SẺ TIN MỪNG
Lễ Thánh Maria, Mẹ Chúa Trời
(1-1-2019)
(1-1-2019)
Tại sao Maria được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế?
• Ds 6,22-27: (22) Đức Chúa phán với ông Môsê : (23) «Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này : (24) “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! (26) Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (27) Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.
• Gl 4,4-7: (4) Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, (5) để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.
• TIN MỪNG: Lc 2,16-21
Các mục đồng đến thăm Hài nhi Giêsu
(16) Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bêlem. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. (21) Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
CHIA SẺ
(16) Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bêlem. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. (21) Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Câu hỏi gợi ý:
1. Não trạng của các phụ nữ Do Thái xưa là mong ước lấy chồng để được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Não trạng ấy có tồn tại dưới hình thức khác trong cộng đồng Kitô hữu Việt Nam hiện nay không? Não trạng ấy có lành mạnh về mặt tâm linh không? Tại sao?
2. Tại sao thiếu nữ Maria được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế? Cô có những đặc điểm gì xứng đáng với thiên chức ấy?
3. Là người Kitô hữu, chúng ta có thể rút ra những bài học nào cho đời sống tâm linh mình từ những đặc điểm của cô Maria?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Maria không mơ ước cao sang
Thời của Maria, người ta tin tưởng rằng Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra là người Do Thái và sẽ trở nên một vị vua oai hùng, Ngài sẽ giải phóng dân Do Thái và sẽ trị vì cả thế giới. Vì thế, qua bao thế hệ phải sống dưới ách bạo tàn của dân ngoại bang, như đế quốc Rôma thời của Maria, dân Do Thái luôn mong chờ Đấng Cứu Thế đến để Ngài giải thoát dân tộc khỏi ách bạo tàn. Song hành với sự chờ mong ấy, có biết bao phụ nữ Do Thái hằng mơ ước mình được diễm phúc làm mẹ hoặc làm bà nội hay bà ngoại của Đấng Cứu Thế. Ôi, còn diễm phúc nào ở trần gian này sánh bằng! Rất nhiều phụ nữ háo hức lấy chồng, hy vọng may ra mình sẽ được làm mẹ hay làm bà của một vị vua cao sang. Hy vọng đó xuất phát từ lòng khao khát được hơn người, được trọng vọng, được hưởng vinh hoa phú quí trên đời.
Còn Maria là một thôn nữ bình dị, cô không mơ ước gì cao xa, không mộng tưởng trở nên bà này bà kia. Mơ ước hay mộng tưởng đó hoàn toàn xa lạ đối với cô. Tâm hồn cô luôn hướng về Thiên Chúa, chỉ muốn sống vì Ngài và cho Ngài. Nguyện vọng lớn lao nhất của cô là sống làm sao cho đẹp lòng Thiên Chúa, luôn làm tốt đẹp tất cả những gì Ngài muốn cô làm. Và cô muốn hiến trọn cuộc đời để phụng sự Ngài, trở nên nữ tỳ của Ngài.
2. Maria được Thiên Chúa chọn vì đơn sơ khiêm nhượng
Đối với Thiên Chúa, tiêu chuẩn quan trọng và cốt yếu nhất để có thể làm Mẹ của Đấng Cứu Thế –là Con của Ngài sẽ nhập thể làm người– chính là sự sẵn sàng tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Về sau chính Đức Giêsu đã nói lên ý tưởng đó: «Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi» (Mc 3,35). Câu này hàm nghĩa: «ai không thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì không thể là anh em chị em tôi, là mẹ tôi được». Việc tuân phục thánh ý Chúa đòi hỏi con người phải từ bỏ ý riêng mình, coi nhẹ «cái tôi» của mình, và đó chính là điều cốt tủy nhất của đức khiêm nhượng.
Lucifer và hai ông bà nguyên tổ loài người đã muốn coi «cái tôi» của mình quan trọng hơn cả Thiên Chúa, coi ý riêng mình quan trọng hơn thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, hai ông bà đã sa ngã, trở thành tội lỗi, từ đó phải đau khổ và phải chết. Vì thế, phương thuốc hữu hiệu để cứu nhân loại khỏi tội lỗi, đau khổ và sự chết chính là phản ứng ngược lại cách trên. Nghĩa là khiêm nhượng, coi nhẹ «cái tôi» và ý riêng của mình để hoàn toàn tuân phục ý muốn của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã thực hiện phương thuốc ấy để cứu loài người. Và Thiên Chúa đòi hỏi người Mẹ sinh ra Đức Giêsu –là người cộng tác thân thiết nhất trong công việc cứu chuộc nhân loại– cũng phải thực hiện phương thuốc ấy một cách hoàn hảo. Vì thế, Ngài đã chọn Maria vì cô hội đủ những điều kiện ấy.
Là người Kitô hữu, thiết tưởng chúng ta cần ý thức điều cốt yếu nhất của đời sống tâm linh Kitô hữu là coi nhẹ «cái tôi» và ý riêng của mình, để luôn sẵn sàng làm theo thánh ý Thiên Chúa. Mà thánh ý Thiên Chúa, theo người viết bài này, chủ yếu nằm trong ba câu Kinh Thánh căn bản nhất theo thứ tự cần thiết và ưu tiên là:
a) «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24),
b) «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng thành thật» (Mt 23,23),
c) «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34).
Trong đời sống tâm linh, ta phải biết rõ đâu là những điều cốt yếu nhất, và đâu là những điều phụ thuộc. Cứ quan tâm giữ những điều phụ thuộc mà coi nhẹ những điều cốt yếu, thì chẳng khác gì bắt rắn mà chỉ cố nắm chặt cho được cái đuôi.
3. Mẹ Đấng Cứu Thế phải có tình yêu bao la và lòng khiêm nhượng thẳm sâu để chịu đau khổ và nhục nhã
Nguyên nhân thẳm sâu của tội lỗi chính là «cái tôi» mà con người ai cũng muốn đề cao, muốn làm nổi bật hay quan trọng hóa lên. Để cứu chuộc nhân loại, Đức Giêsu đã dùng con đường ngược lại là hạ thấp «cái tôi» của mình xuống, đó là con đường tự xóa mình (kenosis). Để xóa mình hay «từ bỏ chính mình», không có cách hữu hiệu nào bằng chấp nhận đau khổ và nhục nhã, tức sẵn sàng «vác thập giá mình». Đức Giêsu đã tự xóa mình bằng cách «hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự» (Pl 2,8). Chấp nhận đau khổ không chỉ là một hình thức tự xóa mình, mà còn là phương cách biểu hiện tình yêu cụ thể nhất. Tình yêu được chứng tỏ bằng việc chấp nhận đau khổ hoặc chết cho người mình yêu là tình yêu chân thật và lớn lao: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13).
Để làm Mẹ Đức Giêsu hầu chia sẻ và cộng tác với công cuộc cứu chuộc của ngài, Đức Maria cũng phải đồng lao cộng khổ với Ngài. Điều đó đòi hỏi Mẹ phải có rất nhiều tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại, phải có tinh thần tự xóa mình cao độ mới có thể tự nguyện đón nhận những đau khổ lớn lao. Vì thế, Thiên Chúa không thể chọn ai làm Mẹ cho Con của mình trong số những người mơ ước được làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Niềm mơ ước đó xét cho cùng hoàn toàn ngược lại tinh thần tự xóa, khiêm hạ, là điều tối cần thiết để đem lại ơn cứu chuộc. Khi không màng đến chức tước làm Mẹ Đấng Cứu Thế mà chỉ muốn làm tôi tá Thiên Chúa, chỉ muốn thi hành ý muốn của Ngài, thì Maria trở nên người có nhiều điều kiện và khả năng nhất để trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế.
Như chúng ta đã biết, cuộc đời Đức Maria đầy đẫy đau khổ. Nếu không có tinh thần tự hủy, nếu cứ thích mọi sự xảy ra theo ý muốn của mình, nếu cứ coi ý riêng của mình là quan trọng chứ không phải là thánh ý Thiên Chúa, làm sao Mẹ có thể chịu đựng được biết bao đau khổ lớn lao như thế?
4. Tài đức và địa vị phải tương xứng với nhau
Qua việc Thiên Chúa chọn lựa cho Đấng Cứu Thế một người Mẹ xứng đáng như trên, ta thấy địa vị và tài đức phải tương xứng với nhau. Một học giả nọ nói: «Đừng sợ mình không có địa vị, hãy sợ mình không có đủ tài đức xứng với địa vị mà mình sẽ lãnh nhận». Người không có đủ tài đức xứng với địa vị mình, thường sẽ làm hại hoặc làm trì trệ cho tập thể. Thế nhưng biết bao người Kitô hữu chỉ mong có được địa vị hay chức vụ cho cao, hoặc đã từng đạt được những thứ ấy mà không hề quan tâm đến việc trau dồi nhân cách và tài đức để xứng đáng với những địa vị hay chức vụ cao cả ấy.
Vậy điều quan trọng trong cuộc đời là cố gắng trau dồi nhân đức, tài năng để trở nên một người giá trị, chứ đừng màng tới địa vị. Địa vị hay chức vụ sẽ tự động đến với mình sau, cho dù mình không màng tới. «Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho» (Mt 6,33). Qua việc Đức Maria được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, ta nhận thấy: càng ít tham vọng cá nhân, càng không màng tới những địa vị cao cả, nhất là càng muốn xóa mình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, thì ta càng xứng đáng hơn với những địa vị ấy.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, nhiều khi con cũng mơ ước trở nên một nhân vật nổi tiếng với một địa vị thật cao, một chức vụ thật quan trọng. Nghĩ cho cùng, không phải vì con muốn phục vụ tha nhân cho bằng muốn cho «cái tôi» của mình được đề cao, được phình to. Và con đã tìm đủ mọi cách, kể cả việc hạ người khác xuống một cách bất công, để đạt cho được những địa vị ấy. Nên nếu có đạt được, con sẽ chỉ làm hại xã hội hay giáo hội mà con mang danh là phục vụ. Xin cho biết bắt chước Mẹ Maria, không màng đến những danh vọng hão huyền ấy, mà trước hết cố gắng sống cho thật xứng đáng là người Kitô hữu tốt, biết yêu thương và phục vụ tha nhân. Nhờ đó, nếu sau này con có được giao phó một địa vị hay chức vụ nào, thì con sẽ không hổ thẹn vì thấy mình bất xứng, và con sẽ thật sự phục vụ Cha và tha nhân đúng như lòng Cha mong ước.
Nguyễn Chính Kết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét