Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

chay5b - Hãy thông cảm và tha thứ để được Chúa thông cảm và thứ tha



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay

(7-4-2019)

Bài đào sâu

Hãy thông cảm và tha thứ
để được Chúa thông cảm và tha thứ


  TIN MỪNG: Ga 8,1-11

Người phụ nữ ngoại tình



Câu hỏi gợi ý:
1. Tôi có dễ dàng thông cảm và tha thứ cho những người phạm một tội nào đó khi nghĩ rằng chính mình cũng đã có những lần sai phạm giống như họ không?

2. Những lầm lỗi hay khuyết điểm của tôi có làm tôi khiêm nhượng hơn, dễ thông cảm hơn với những lầm lỗi của những người chung quanh tôi không?


Suy tư gợi ý:

1.  Ai sạch tội, hãy ném đá trước đi!

Đây là một đoạn Tin Mừng mà tôi rất thích. Thích vì nó rất phù hợp trong việc ngăn cản tôi kết án người khác, nó làm cho tôi nguôi giận ngay mỗi khi có ai đó làm tôi bực mình muốn lên tiếng chửi bới, v.v... Gặp những trường hợp đáng bực bội đó mà kịp nghĩ đến lời Đức Giêsu: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi» (Ga 8,7), thì tôi lại cười xòa, và mọi cơn giận hay khuynh hướng muốn kết án bị giập tắt ngay. Tại sao? Vì chính tôi cảm thấy rằng mình cũng đã từng làm một ai đó bực mình, bị thiệt hại, bị buồn phiền, và đã từng làm những điều hết sức ngu xuẩn, v.v... như người vừa mới làm phiền tôi, hay vừa làm một điều ngu xuẩn nào đó.

Chẳng hạn, ngoài công lộ, một ai đó chạy xe ẩu làm tôi suýt bị té, khiến tôi bực bội đến nỗi buột miệng chửi toáng lên. Nhưng khi tôi chợt nghĩ rằng trước đây mình cũng đã từng làm cho một vài người suýt bị té y như vậy, thì tôi hết bực mình ngay. Nhiều khi con cái tôi làm tôi tức lộn ruột lên, khiến tôi muốn phạt chúng một trận nên thân, nhưng khi chợt nhận ra rằng tôi cũng đã từng làm cho cha mẹ tôi tức lộn ruột y như vậy, thì tự nhiên cơn giận tôi biến mất ngay.

Làm sao tôi có thể kết án người khác, khi chính tôi cũng đã từng phạm một lỗi như họ? Đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi khá bất bình với những người giả bộ đạo đức đem người phụ nữ ngoại tình đến với Chúa để Ngài kết án. Nhưng khi nghe thấy họ từ từ rút đi hết sau khi nghe Đức Giêsu nói: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi», thì tôi cảm phục họ. Ít ra là họ cũng còn liêm sỉ khi thành thật nhận ra mình cũng chẳng tốt lành gì, để rồi lặng lẽ rút lui.

Nhưng có lẽ cũng có khá nhiều người Kitô hữu không đủ liêm sỉ bằng những kinh sư và những người Pharisiêu trong bài Tin Mừng này. Họ sẵn sàng kết án người khác, nuôi lòng hận thù với người khác, và rất khó tha thứ, đang khi chính họ cũng đã từng làm những hành vi tội lỗi tương tự như thế, hoặc còn hơn thế nữa.



2.  Tội hồng phúc, những khiếm khuyết hồng phúc

Tôi nhận thấy tội lỗi hay khiếm khuyết cũng có mặt tích cực của nó. Nhờ tôi đã từng phạm một số lầm lỗi, sai lạc, yếu đuối, hay ít ra bị cám dỗ nặng nề về một số tội nào đó, mà tôi trở nên bao dung, dễ tha thứ và sẵn sàng thông cảm với những yếu đuối hay lầm lỗi của người khác hơn. Tôi cảm thấy nếu tôi chưa từng phạm những lầm lỗi, những điều đáng trách ấy, thì có thể tôi đã không dễ dàng thông cảm với những yếu đuối của tha nhân.

Trong hai trường hợp sau đây, nếu phải chọn một, thì bạn chọn trường hợp nào?

- một là không hề phạm một lỗi nào cả nên khó thông cảm tha thứ cho những yếu đuối của người khác,

- hai là đã từng yếu đuối, sa ngã, lầm lỡ, nên trở nên độ lượng, bao dung, dễ cảm thông với những yếu đuối lầm lỡ của người khác.

Riêng tôi, tôi sẽ nghĩ đến trường hợp thứ ba là tuy không phạm lỗi bao giờ nhưng lại rất thông cảm với những lầm lỗi người khác, và tôi cho trường hợp này là tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, có lẽ trường hợp này khá hiếm. Nhưng nếu chỉ có hai trường hợp trên, thì tôi thích trường hợp thứ hai hơn. Loại người thứ hai chắc chắn được nhiều người thương mến hơn loại người thứ nhất. Và chắc chắn Chúa cũng thích như thế.

Nói thế không có nghĩa là tôi khuyến khích người ta phạm tội để họ có được sự thông cảm với những người tội lỗi. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã từng yếu đuối, lỡ sa ngã phạm tội, thì hãy nhìn ra khía cạnh tích cực của tội lỗi. Nhận ra tội lỗi hay sự yếu đuối của mình sẽ giúp ta khiêm nhường, thông cảm, nhờ đó dễ tha thứ cho người khác. Đức khiêm nhường mà ta có được do nhìn nhận tội lỗi mình thì còn quí giá hơn là trong sạch mà kiêu căng, muốn tự hào và cho rằng mình hơn người vì sự trong sạch đó.



3.  Thái độ thông cảm của Đức Giêsu đối với người tội lỗi

Đức Giêsu rất thánh thiện, không hề sai phạm một lầm lỗi nào, thế mà Ngài vẫn luôn luôn thông cảm được với sự yếu đuối của người tội lỗi, Ngài không kết án mà sẵn sàng tha thứ. Còn chúng ta, chúng ta cũng yếu đuối như tất cả mọi người, thế mà ta lại khó thông cảm với những yếu đuối của người khác, nhất là khi họ làm thiệt hại đến ta, đến quyền lợi, danh tiếng, hay cản trở ý muốn của ta. Có thể ta dễ dàng kết án người khác, làm như thể ta hoàn toàn vô tội, không hề phạm những sai lỗi như thế bao giờ. Kết án người khác dễ dàng, điều đó chứng tỏ ta không liêm sỉ bằng những người tự động rút lui sau câu nói của Đức Giêsu: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi».

Trong cuộc đời, nhiều khi ta khó chịu với những kẻ lên mặt đạo đức hay kết án hơn là với những kẻ phạm nhiều lầm lỗi. Chắc hẳn Thiên Chúa cũng không ưa những kẻ hay kết án cho dù đời sống của họ có tốt đẹp đến đâu. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho kẻ có tội nếu họ biết ăn năn hối lỗi, nhưng Ngài khó tha thứ cho những kẻ hay kết án. Ngài đã từng nói: «Anh em đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa kết án» (Mt 7,1). Điều đó có nghĩa: kết án người khác chính là cách chắc chắn nhất để Thiên Chúa quay ngược lại kết án chúng ta! Vậy thì ta đừng bao giờ dại dột kết án người khác.

Tôi vẫn nghĩ rằng cách tốt nhất để Thiên Chúa khỏi kết án ta là ta đừng bao giờ kết án người khác. Nếu chúng ta luôn luôn tha thứ cho người khác một cách vô điều kiện, chắc chắn Thiên Chúa cũng không thua kém lòng quảng đại của chúng ta, Ngài cũng sẽ tha thứ cho chúng ta như vậy. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn xin Chúa tha nợ chúng ta, giống như chúng ta tha nợ cho những kẻ nợ chúng ta. Ta tha thứ cho người khác kiểu nào, Thiên Chúa cũng tha thứ cho ta kiểu ấy. Ta chấp tội người khác thế nào, Thiên Chúa cũng chấp tội ta thể ấy (x. Mt 7,2). Vậy, một cách nào đó, chính ta quyết định việc ta có được Chúa tha thứ hay không.



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được thân phận yếu đuối và tội lỗi của mìnhđể con thông cảm dễ dàng với những yếu đuối của anh chị em chung quanh con. Xin đừng để con kết án ai bao giờ, nhưng luôn luôn tìm ra những lý lẽ để thông cảm cho những lỗi lầm của họ. Xin cho con đủ bao dung quảng đại để sẵn sàng tha thứ một cách vô điều kiện cho bất kỳ ai xúc phạm đến con. Và con nghĩ đó là cách khôn ngoan nhất để con được Chúa tha thứ cho con một cách vô điều kiện.

Share:

Chay5 - Luật yêu thương đòi hỏi thông cảm và tha thứ




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay

(7-4-2019)


Luật yêu thương đòi hỏi thông cảm và tha thứ



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 43,16-21: (19) Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao ? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.

  Pl 3,8-14: (8) Vì Đức Kitô, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô (9) và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô.

  TIN MỪNG: Ga 8,2-11

Người phụ nữ ngoại tình

(2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, (4) rồi nói với Người: «Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?» (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi». (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10) Người ngẩng lên và nói: «Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?» (11) Người đàn bà đáp: «Thưa ông, không có ai cả». Đức Giêsu nói: «Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!»





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Luật Môsê –cũng là luật của Thiên Chúa– buộc phải xử tử những kẻ ngoại tình bị bắt quả tang. Đức Giêsu có tuân theo luật ấy không? Tại sao?

2. Luật mới của Đức Giêsu –luật yêu thương– đòi hỏi những gì? Nếu không biết thông cảm và tha thứ, mà chỉ thích phán xử và kết án, ta có phải là kẻ giữ luật mới của Ngài không?


Suy tư gợi ý:

1.  Các kinh sư Do Thái gài bẫy Đức Giêsu

Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo muốn dùng trường hợp người phụ nữ ngoại tình này để gài bẫy Đức Giêsu hầu tìm ra cớ tố cáo Ngài. Nếu Ngài tuyên bố không nên ném đá phụ nữ này, thì Ngài đã không tuân luật Môsê. Môsê viết: «Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai phải bị xử tử» (Đnl 22,22; x. Lv 20,10). Mà Ngài đã không tuân luật Môsê, thì họ sẽ tố cáo Ngài trước dân chúng, và dân chúng buộc phải tẩy chay Ngài. Vì giữa luật Môsê và Ngài, thì dân chúng phải tin vào luật Môsê hơn. – Nếu Ngài tuyên bố phải ném đá, thì họ sẽ tố cáo Ngài với chính quyền Rôma, và Ngài sẽ bị chính quyền Rôma xét xử, vì Ngài đã vi phạm luật Rôma. Theo luật Rôma, người dân thuộc địa không có quyền lên án giết ai cả (x. Ga 18,31). Nhưng cách giải quyết của Ngài chẳng những giúp Ngài thoát cái bẫy này một cách tài tình, mà còn làm ê mặt các nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời còn cho họ và cho chúng ta một bài học để đời.



2.  Tại sao Đức Giêsu không tuân theo luật Môsê?

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa (x. 2Mcb 7,11; Tv 1,2; Lc 2,23-24). Thời Cựu ước, dân Do Thái ai nấy đều tin rằng đã là luật của Thiên Chúa thì sẽ là luật muôn đời không bao giờ thay đổi. Trong Kinh Thánh, có rất nhiều câu xác định luật này là luật vĩnh viễn cho con người (x. Xh 12,17.24; 27,21; 30,21; Lv 6,11.15; 7,34; Br 4,1; v.v…), là luật chung cho cả địa cầu (x. 1Sb 16,14; 2Sm 7,19; Tv 105,7). Và con người phải tuân giữ luật, vì có như thế mới là tôn kính và yêu mến Thiên Chúa (Đnl 17,19; Gs 22,5; Hc 2,16; 15,1). Ai tuân giữ luật thì được hạnh phúc, được sống đời đời (Tv 119,1.165; Cn 29,18; Kn 6,18). Ai không giữ luật thì chính mình và cả con cháu ba bốn đời sẽ Thiên Chúa bị nguyền rủa, trừng phạt (x. 1Sb 15,13; Xh 34,7; Er 7,26; Gr 19,15).

Vậy, luật Môsê buộc phải xử tử hình những kẻ phạm tội ngoại tình, tại sao Đức Giêsu không tuân theo luật ấy mà lại tìm cách tha cho người phụ nữ này? Đức Giêsu không giữ luật? Có phải vì Ngài không muốn vi phạm luật Rôma nên đành vi phạm luật Môsê? Hay Ngài chỉ muốn tìm cách nào thoát khỏi cái bẫy này? Hay Ngài là một nhà làm luật mới?



3.  Đức Giêsu đến lập luật mới là luật yêu thương và tha thứ

Nhiều người tưởng rằng hễ đã là luật của Thiên Chúa thì sẽ là thứ luật muôn đời không thay đổi theo không gian và thời gian, nghĩa là luật của Ngài phải được áp dụng cho mọi dân tộc trong mọi thời đại. Nhưng không phải như vậy! Thiên Chúa lập luật cho con người chứ không phải cho Ngài. Luật đó vì con người, nên phải phù hợp với con người. Mà con người thì luôn luôn thay đổi: trình độ tâm linh và sự hiểu biết của con người luôn luôn tiến triển. Nên để phù hợp với con người, luật Chúa cũng phải thay đổi. Thật vậy, lịch sử cứu độ cho thấy luật cũ của Môsê đã được thay thế bằng luật mới của Đức Giêsu: «Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,21; x. Ep 2,15; Dt 7,18). Các tông đồ đã chính thức tuyên bố bãi bỏ luật Môsê (x. Cv 15,28-29).

Con người thời Cựu ước giống như nhân loại còn là trẻ con. Khi ta còn là trẻ con, cha mẹ ta ra luật cho ta, và bắt ta giữ. Nếu ta không giữ thì bị đòn, nếu ta giữ thì được khen thưởng. Động cơ giữ luật của ta là sợ phạt và ham thưởng. Nhưng khi lớn lên, ta không còn giữ những luật đơn sơ ngày xưa nữa, không giữ luật một cách nô lệ nữa. Động cơ khiến ta giữ luật không còn là sợ hãi hay ham thưởng nữa, mà là tình yêu (đối với Thiên Chúa, với chân, thiện, mỹ, với cha mẹ, với mọi người). Khi trưởng thành, ta biết điều nào là đúng, là hợp lý, là phù hợp với tình yêu, và ta biết ta phải hành động thế nào.

Thời Đức Giêsu, nhân loại đã trưởng thành về tâm linh hơn thời Môsê, nên Ngài đã khai mạc một kỷ nguyên mới, với luật mới của Ngài. Luật của Ngài chỉ có một khoản duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Vì thế, Ngài cũng như chúng ta, những kẻ theo Ngài, không còn hành xử theo luật Môsê nữa, mà hành xử theo sự thúc đẩy của tình yêu.



4.  Luật yêu thương đòi hỏi sự thông cảm và tha thứ

Tình yêu đòi hỏi phải thông cảm và tha thứ… Thông cảm vì bản thân ta cũng như mọi người khác đều rất yếu đuối và bị lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh. Kết cuộc, con người «ai cũng phạm tội» (Rm 5,12): «Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không» (Rm 3,10; x. 1Ga 1,10). Nếu mình cũng phạm tội, mà mình lại kết án người khác, thì quả thật có chút gì «vô liêm sỉ» ở trong đó.

Đức Giêsu tuy không hề phạm tội (x. 1Pr 2,22), nhưng Ngài lại không lên án ai (trừ những người đạo đức giả như những người Pharisêu). Ngài đã từng chịu ma quỉ cám dỗ, nên Ngài rất am hiểu sự yếu đuối của con người. Vì thế, đứng trước người phụ nữ này, Ngài hiểu hết những tình huống đã dẫn chị ta đến với cơn cám dỗ, và từ cơn cám dỗ đến những hành vi tội lỗi. Ngài hoàn toàn thông cảm với chị. Ngài ghê tởm những kẻ tuy cũng cảm thấy mình yếu đuối như chị, cũng đã từng sa ngã khi gặp cám dỗ như chị, nhưng lại vẫn muốn kết án chị. Dường như kết án chị, họ mới thỏa mãn niềm kiêu hãnh phát xuất từ một ảo tưởng rằng họ vô tội. Họ thích sống trong ảo tưởng đó, và muốn củng cố ảo tưởng đó bằng cách kết án người khác. Họ nghĩ càng kết án thì càng chứng tỏ mình trong sạch, vô tội.

Đức Giêsu thấy ác tâm của họ, Ngài kêu gọi lương tâm họ, đánh thức tính liêm sỉ trong lòng họ. Ngài bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi» (Ga 8,7). Ngài biết đã là con người yếu đuối, nếu không có ơn siêu nhiên giúp, họ không thể nào tránh được tội lỗi. Lời nói của Ngài buộc họ phải tự xét lại chính mình. Và một khi đã tự xét mình một cách thành thật, chắc chắn ai cũng thấy ít nhiều tội lỗi của mình. Ngài đã cho họ một kinh nghiệm tâm linh: hãy thông cảm với tội lỗi của kẻ khác, vì chính bản thân mình cũng có tội.

Một khi đã thông cảm với tội lỗi người khác, thì chỉ còn biết tha thứ, bỏ qua, rồi lại tiếp tục yêu thương, tôn trọng họ.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con cảm thấy mình rất yếu đuối. Nhiều khi con đã phạm tội, và con đã từng phải xấu hổ vì tội của con. Nhưng lạ thay, khi thấy tha nhân chung quanh con phạm tội, nhiều khi con lại mạnh mẽ lên tiếng kết án họ. Khi con phạm tội, con muốn Cha và tha nhân thông cảm và tha thứ cho con. Nhưng khi người khác phạm tội, con lại không muốn thông cảm và tha thứ cho họ. Tại sao con lại mâu thuẫn như vậy? Con là như vậy sao? Trái tim con quả là bằng đá. Xin Cha hãy sửa dạy con. Cho con một trái tim bằng thịt thật sự, biết yêu thương, thông cảm với những yếu đuối của mọi người, và sẵn sàng tha thứ tất cả.


Share:

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Chay4b - Thái độ cần có đối với những người sai lầm, tội lỗi



Thái độ cần có
đối với những người sai lầm, tội lỗi

1. Sự thánh thiện cốt ở tình yêu hơn ở sự trong sạch hay nhân đức
Đọc Tin Mừng, ta thấy: mặc dù Đức Giêsu là người hết sức thánh thiện, nhưng Ngài lại sống một cách rất hòa đồng với những người tội lỗi (x. Lc 15,2). Thái độ của Ngài đối với người tội lỗi khác hẳn với những người Pharisêu. Những người này luôn luôn tìm cách tránh xa những ai họ cho là tội lỗi, và họ rất khó chịu trước thái độ gần gũi người tội lỗi của Đức Giêsu.
Thật ra họ cũng có lý của họ, vì Cựu ước đã đưa ra những luật lệ về sự «thanh sạch» rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt ở sách Lêvi các đoạn từ 11 đến 16. Những luật này khuyên người Do Thái không ăn, không tiếp xúc, và tránh xa những vật bị coi là ô uế. Chẳng hạn những người bị phong cùi (x. Lv 13, 2-17), những người mắc bệnh lậu (x. Lv 15, 2-15), những phụ nữ có tháng; những loài sống dưới nước mà không có vảy (x. Lv Đnl 14, 9-10), hay những loài chim như đại bàng, diều hâu, ó biển, quạ, đà điểu, cú, bồ nông, ó, cò, diệc… (x. Đnl 14, 11-18), và nhiều loài vật khác. Xác chết của những con vật ấy mà đụng vào ai hay bất kỳ vật gì, thì người ấy, vật ấy trở nên ô uế, cần phải tẩy uế. Những người tội lỗi cũng bị coi là ô uế và người tốt lành không nên đến gần họ (x. Ds 16, 26).
Người Pharisêu xa lánh những vật mà Cựu ước cho là ô uế một cách nhiệm nhặt và chi tiết hơn cả chính luật lệ đòi hỏi nữa. Họ nghĩ sai lầm rằng càng giữ nhiệm nhặt những luật đó, thì họ càng trở nên thanh sạch, thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và đạo đức trước mặt mọi người. Vì dân chúng cũng nghĩ như thế, nên khi họ giữ luật đó càng nhiệm nhặt bao nhiêu thì họ càng được mọi người ca tụng là đạo đức bấy nhiêu. Và càng được tiếng là thánh thiện thì họ càng phải tránh giao tiếp với những người tội lỗi để giữ được danh tiếng tốt đẹp ấy.
Còn Đức Giêsu, Ngài không suy nghĩ và hành động như họ. Đang khi họ lấy việc giữ luật và việc cử hành những nghi thức tôn giáo bề ngoài làm chuẩn mực quan trọng cho sự thánh thiện, thì Đức Giêsu lại rất coi thường chuẩn mực ấy. Ngài coi tình yêu đối với mọi người và lòng khoan dung đối với người tội lỗi mới là chuẩn mực và là cốt yếu của sự thánh thiện. Vì cốt tủy của thánh thiện là nên giống như Thiên Chúa, nguồn mạch thánh thiện. Mà để giống Thiên Chúa thì điều cốt yếu nhất là phải giống Ngài về mặt bản chất, nghĩa là phải có tình yêu. Vì «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16) chứ không phải là bất kỳ điều gì khác. Ngài thì vô cùng quyền năng, Ngài thì vô cùng thanh sạch, v.v… nhưng Ngài không là quyền năng, không là thanh sạch, v.v… mà chỉ là tình yêu.
Vì thế, nếu giống Ngài ở trong mọi phẩm chất khác, mà không giống Ngài ở tình yêu, thì không phải là thánh thiện. Người nào trong sạch như thiên thần, hay có đủ mọi nhân đức nhưng lại không có tình yêu, người ấy không phải là người thánh thiện, vì cốt tủy của người ấy không giống Thiên Chúa. Còn những người tuy ít nhân đức, tuy còn ít nhiều tội lỗi, nhưng lại có nhiều tình yêu, thì người ấy giống Thiên Chúa hơn. Thật vậy, trước mặt Thiên Chúa, một người thu thuế bị mang tiếng là tội lỗi nhưng có tình yêu và lòng khiêm nhượng vẫn có thể được Đức Giêsu coi là thánh thiện và công chính hơn một người Pharisêu hằng được mọi người nể phục vì sống trong sạch và giữ luật hết sức nhiệm nhặt nhưng lại thiếu tình yêu và lòng khiêm nhượng (x. dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: Lc 18,9-14). Do đó, là người theo Chúa, ta nên biết điều chủ yếu phải bắt chước Thiên Chúa là điều gì. Nếu không, việc theo Chúa của ta chỉ là «công dã tràng».

2. Tình yêu đòi hỏi cứu người tội lỗi chứ không phải xa lánh họ
Quan niệm của Đức Giêsu như thế, nên Ngài không ngần ngại đến với những người tội lỗi, hòa mình với họ để có thể cảm hóa họ. Đối với Ngài, dù họ tội lỗi đến đâu, họ cũng là «con cháu tổ phụ Ápraham» cả (Lc 19,9; x. 13,16), nên họ cần được cứu khỏi tình trạng tội lỗi ấy. Mà muốn cứu họ thì không thể cứ xa lánh họ như chủ trương của những người Pharisêu, mà phải đến gần họ, tiếp xúc với họ, sống chan hòa với họ, để họ cảm nghiệm được mình thương yêu họ. Họ có cảm được mình yêu thương họ thì họ mới chịu nghe và thực hành những điều hay lẽ phải mình giãi bày. Còn tỏ ra khinh bỉ và xa lánh họ thì chỉ khiến họ xa mình và đẩy họ vào con đường tội lỗi hơn. Đối với Ngài, điều quan trọng là cứu họ chứ không phải là giữ luật về sự «thanh sạch» của Môsê. Tình yêu chân thật đòi buộc phải nghĩ như thế! Giao du với những người tội lỗi này, Ngài đành phải chấp nhận Ngài bị mất uy tín –thứ uy tín giả tạo và phi lý– trước mặt những người Pharisêu và giới lãnh đạo tôn giáo, khiến họ trách móc Ngài. Ai sợ mình mất uy tín hơn là sợ người ta mất linh hồn thì tình yêu của người ấy đối với tha nhân quả là quá mỏng!
Ngài đã dạy các môn đệ: «Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em» (Lc 6, 27-38). Kẻ thù hay kẻ đang làm hại mình mà mình cũng phải yêu thương, huống gì những anh chị em mình đang lầm lỡ, yếu đuối, lạc đường và đang tiến về vực thẳm…! Chính Thiên Chúa và Đức Giêsu đã làm gương này cho chúng ta. Thánh Phaolô viết: «Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ hoằn lắm có người dám chết vì một người lương thiện. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta» (Rm 5, 7-8).
Nếu Thiên Chúa nại vào sự thánh thiện của Ngài mà xa tránh và khinh bỉ những người tội lỗi, thì số phận của loài người chúng ta hiện nay ra sao? Lúc ấy ai cũng đều là tội lỗi thì còn ai dám tự hào rằng mình thánh thiện? Tình yêu đã khiến Thiên Chúa bất chấp sự thánh thiện của mình để đến hòa mình với nhân loại tội lỗi. Thiên Chúa đã coi tình yêu quan trọng hơn sự thánh thiện của Ngài, và chính vì thế Ngài mới đúng là thánh thiện. Vì sự thánh thiện hệ tại tình yêu hơn là hệ tại sự trong sạch hay hệ tại có được vô vàn nhân đức!
Vậy, ta thánh thiện được bao nhiêu mà lại tự hào về sự thánh thiện ấy để xa tránh anh chị em mình mà mình cho là tội lỗi? Hãy noi gương Đức Giêsu, Ngài không hề dị ứng với những người tội lỗi, mà chỉ dị ứng –thậm chí rất dị ứng– với những người mang danh đạo đức mà lại kiêu ngạo, tự mãn, ích kỷ, thiếu tình thương, thích bắt bẻ, khinh bỉ và kết án người khác (x. Mt 12, 1-14; Ga 9, 40-41; Mt 23; v.v… ).

3. Giá trị của một người tội lỗi ăn năn trở lại
Đức Giêsu hỏi những người Pharisêu: «Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?» (Lc 15,4). Câu hỏi ấy của Đức Giêsu –với cụm từ «Người nào trong các ông… lại không…» –cho thấy việc bỏ lại 99 con chiên không bị lạc để đi kiếm con chiên lạc, là một cách hành xử thường tình của con người. Ngữ cảnh của đoạn văn này khiến ta phải hiểu là người chăn chiên đã phải lo cho 99 con còn lại ở một nơi an toàn có người khác canh giữ trước khi ra đi tìm con chiên lạc. Chứ Đức Giêsu không phải là người không biết tính toán: chỉ tìm có một con chiên lạc mà liều để mặc cho 99 con kia ra sao thì ra! Hiểu theo cách ấy xem ra không đạt lý!
Tuy nhiên, điều đáng cho ta suy nghĩ và thắc mắc tìm hiểu là câu kết luận của Đức Giêsu: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn» (Lc 15,7). Tại sao lại có vẻ nghịch lý như vậy?
Thường thì người tội lỗi nào thật sự ăn năn trở lại –nghĩa là quyết định dứt khoát không quay về con đường cũ tội lỗi nữa– thì cũng đều có một giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa mà có thể những người thánh thiện khác ít có được, vì:
– Họ đã có một quá khứ tội lỗi, nên họ không bao giờ dám tự hào về bản thân mình. Nhờ đó họ dễ khiêm nhường sâu xa hơn, mà khiêm nhường lại chính là nền tảng rất vững chắc của sự thánh thiện.
– Họ đã kinh nghiệm được sự yếu đuối và mỏng dòn của con người, nên họ rất dễ thông cảm sâu xa với những người yếu đuối, tội lỗi khác. Sự thông cảm này khiến họ bao dung và yêu thương người tội lỗi hơn. Sự cảm thông và bao dung này lại là một giá trị lớn trước mặt Thiên Chúa. Và một khi họ đã trở nên thánh thiện, họ cũng dễ dàng cảm hóa được người tội lỗi hơn nhờ kinh nghiệm trở lại của họ.
– Họ càng phạm tội nhiều thì khi được Thiên Chúa tha tội, họ càng cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa nhiều hơn, và do đó họ yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn: «Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít» (x. Lc 7, 36-50).
– Đối với trần gian, những người tội lỗi quay trở về thường có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, nhất là về mặt trái của nó. Do đó, họ thường có một sự khôn ngoan nào đó mà người chưa từng phạm tội không có được.
Nếu họ thật sự quay trở về và yêu mến Thiên Chúa, Ngài có thể biến chính quá khứ tội lỗi của họ trở thành một giá trị đem lại lợi ích lớn lao cho chính họ và cho người khác(x. Rm 8, 28), nhờ tình yêu họ có được đối với Thiên Chúa và sự cảm thông và yêu thương đối với đồng loại.
Vậy chúng ta đừng tự hào về sự thánh thiện hay đạo đức của mình mà khinh bỉ hay xa lánh người tội lỗi. Rất có thể khi họ quay trở về với Thiên Chúa, thì họ lại thánh thiện và có giá trị cao hơn chúng ta rất nhiều trước Thiên Chúa. Thánh Âu Tinh là một thí dụ điển hình cho trường hợp này.

Nguyễn Chính Kết

Share:

Chay4 - Hãy vui mừng đón nhận những người tội lỗi hối cải




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay

(31-3-2019)



Hãy vui mừng đón nhận
những người tội lỗi hối cải



ĐỌC LỜI CHÚA

  Gs 5,9a.10-12: (9) Đức Chúa phán với ông Giôsuê: «Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai Cập».

  2Cr 5,17-21: (17) Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, cái mới đã có rồi. (19) Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa.

  TIN MỪNG: Lc 15,1-3.11-32

Dụ ngôn người cha nhân hậu

(1) Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. (3) Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

(11) «Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng, “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ, “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người, “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

(20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng, “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng, “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23) rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có ai trong cuộc đời mà không dại dột, lầm lỡ, sa ngã không? Sự dại dột, lầm lỡ, sa ngã ấy có thể đem lại một lợi ích nào cho đương sự không?

2. Khi đứa con hoang đàng trở về, những kinh nghiệm về quá khứ tội lỗi của nó có ích lợi gì cho đời sống sau này của nó bên cha nó không? Ích lợi gì?

3.  Ta cần có quan niệm và thái độ nào đối với những người tội lỗi muốn thật lòng trở về đường ngay nẻo chính? Thiên Chúa quan niệm thế nào?


Suy tư gợi ý:

1.  Lầm lỡ, sa ngã là chuyện thường, nhưng cần chỗi dậy

Cuộc đời ai mà chẳng có lúc lầm lỡ, nhất là trong thời mình còn non người trẻ dạ. Thật vậy, có ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? Và nhiều khi nhờ cái dại mà trở nên khôn, tương tự như «thất bại là mẹ thành công». Kết quả của sự dại dột về mặt tâm linh là tình trạng tội lỗi. Nhiều khi nhờ có một quá khứ tội lỗi mà người ta trở nên khiêm nhường hơn, thông cảm với những lầm lỗi của người khác hơn. Sự khiêm nhường và thông cảm ấy lại là một yếu tố quan trọng và cần thiết của sự thánh thiện. Như vậy cái dại, sự lầm lỡ, cũng như tội lỗi không chỉ có những khía cạnh tiêu cực, mà chúng vẫn có thể có những khía cạnh tích cực của chúng. Trái lại, cái khôn, sự thành công, sự tốt lành không chỉ có những mặt thuận lợi, tốt đẹp, mà vẫn có thể có mặt trái nó: nó có thể làm ta kiêu căng, tự mãn.

Điều quan trọng để sự dại dột, lầm lỡ hay tội lỗi của mình trở thành một cái gì tích cực và có lợi, đó là sự chân thành ăn năn hối lỗi, thật lòng muốn quay trở về đường ngay nẻo chính, biết rút kinh nghiệm từ những sa ngã và yếu đuối của mình… Lúc đó, Thiên Chúa sẽ biến sự dại dột, lầm lỡ hay tình trạng tội lỗi của ta thành một thuận lợi, một hồng phúc, đến nỗi cuối cùng chúng trở thành ích lợi cho sự nên thánh của ta hơn là nếu ta không hề lầm lỡ hay phạm tội. Vì nếu người ta có thể biến điều xấu thành điều tốt được, thì Thiên Chúa có thể biến điều xấu nhất thành điều tốt nhất. Có như thế, Ngài mới chính là Thiên Chúa toàn năng!



2.  Kinh nghiệm phải trả giá của đứa con hoang đàng

Nếu cả hai đứa con của người cha đều ở nhà cả, thì không có gì đáng nói. Cả hai đứa sẽ sống trong cảnh êm đềm, ấm cúng của gia đình, và chẳng ai biết khổ là gì. Nhưng nhiều khi cuộc đời không xuôi chảy như người ta nghĩ. Cha mẹ trong nhà nhiều khi không ngờ có những đứa con không chịu đi theo chiều hướng mình đã hoạch định cho chúng. Chúng muốn ra khỏi vòng tay yêu thương và chăm sóc của mình.

Người cha trong bài Tin Mừng hôm nay đã gặp cảnh ấy. Đứa con thứ đã yêu cầu ông chia gia tài cho nó để nó thoát ly gia đình. Sau khi phân tích cho nó thấy cái hay cái dở trong dự định của nó, ông đã thực hiện theo quyết định của nó, vì ông tôn trọng tự do và sự trưởng thành của con cái. Ông hy vọng nó sẽ chịu khó làm ăn và sự may mắn sẽ đến với nó. Nhưng nó không được như vậy

Rời xa gia đình, nó đã bị cám dỗ sống đời xa hoa, phóng túng và tội lỗi. Kết quả là chẳng bao lâu, phần tài sản mà người cha chia cho nó đã hết nhẵn. Thế là nó lâm cảnh túng quẫn, nghèo khổ đến tận cùng. Thật đáng đời cho đứa con phung phá! Đến bây giờ nó mới biết thế nào là hậu quả của một cuộc sống hưởng thụ trong tội lỗi. Lâm vào cảnh này nó mới biết thế nào là nghèo khổ, thiếu thốn, đói khát, lạnh lẽo, nhục nhã, cô đơn, bị đời hất hủi… Như vậy, trong cuộc đời, nó đã trải qua nhiều kinh nghiệm quí giá:

– Nó đã được sống trong cảnh ấm no sung túc của gia đình, nhưng lúc ấy nó không cảm thấy đó là hạnh phúc.

– Nó đã được sống trong khoái lạc của một cuộc đời tội lỗi trác táng. Lúc đó, rằng sướng thì có sướng, nhưng cái sướng ấy dẫn đến những hậu quả thật xấu, thật hãi hùng.

– Và cuối cùng nó phải trải qua một kinh nghiệm khủng khiếp do sự dại dột của nó. Chỉ lúc này, nó mới nhận ra cuộc sống êm đềm ấm cúng của một người con trong gia đình mà nó từ bỏ thật là hạnh phúc. Dù chỉ được làm công trong gia đình ấy cũng đã hạnh phúc lắm rồi! Hóa ra hạnh phúc chỉ là hạnh phúc sau khi bị mất, hay sau khi đã nếm mùi đau khổ.

Bị tuột xuống bậc thang tận cùng của xã hội, cuộc đời của nó hoàn toàn đi vào bế tắc. Làm gì bây giờ? Cuối cùng, nó tìm ra một lối thoát duy nhất khả dĩ có thể thoát khỏi cơn khốn cùng hiện tại: đó là trở về nhà cha nó, bày tỏ lòng sám hối, xin lỗi cha nó, và chấp nhận tất cả mọi hình phạt mà cha nó dành cho nó. Và nó đã quyết định trở về.



3.  Thái độ của người cha

Khi nó trở về, người cha đã nhìn thấy và nhận ra nó. Nó đã bị cuộc sống tội lỗi và khốn khổ làm thay hình đổi dạng đi ít nhiều, thế mà cha nó đã nhận ra nó dù nó còn ở đằng xa. Thì ra từ khi nó ra đi, cha nó hằng nhớ thương và ngày nào cũng ra đường ngóng trông nó trở về. Ông đã phải đau khổ rất nhiều vì nó. Chắc chắn ông giận nó lắm, nhưng giận thì rất giận, mà thương thì vẫn rất thương. Cơn giận khiến ông dự tính khi nó trở về sẽ phải đập hay mắng cho nó một trận nên thân. Nhưng trong thực tế, khi gặp lại nó, tình thương tràn ngập lòng ông và giập tắt cơn giận. Ông không còn nghĩ đến quá khứ hư đốn hay tội lỗi của nó, mà lòng ông chỉ tràn ngập vui mừng vì cầm bằng như nó đã chết mà nay đã sống lại. Còn niềm vui nào lớn bằng niềm vui thấy đứa con mình vô cùng yêu thương đã chết nay sống lại?


4.  Giá trị của đứa con hoang đàng khi trở về

Khi một người tội lỗi quay trở về đường ngay nẻo chính, người đời – và khá nhiều Kitô hữu – thường coi người ấy như một «công dân hạng hai», một người có tỳ vết. Từ đó, họ đối xử với người ấy với một con mắt nghi ngờ, đầy thành kiến, không dám tín nhiệm, với nỗi lo ngại «ngựa quen đường cũ». Họ có lý của họ, có sự khôn ngoan của họ. Nhưng nhiều khi cách đối xử đầy thành kiến và nghi ngờ ấy khiến cho người tội lỗi muốn trở lại ấy không ngóc đầu lên được, và nhiều khi buộc người ấy phải trở lại con đường cũ đầy tội lỗi mới có thể sống được. Đó chính là thái độ của người anh cả trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng đó không phải là thái độ hay cách suy nghĩ của cha anh ta, lại càng không phải là quan niệm hay cách hành xử của Thiên Chúa hay của các môn đệ Chúa.

Theo quan điểm của người cha, khi đứa con hoang đàng trở về, đó là một điều vui mừng không chỉ cho chính nó, mà cho cả gia đình. Trước hết, có thể coi nó như «đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy». Ngoài ra, ông còn thấy nó trở về mang theo những kinh nghiệm hay bài học quí báu về hạnh phúc và đau khổ. Nhờ kinh nghiệm này, nó có thể trở nên hữu ích hơn, không chỉ cho chính nó mà cho cả gia đình. Nó đã biết thế nào là hậu quả của tội lỗi, của sự ham lạc thú, của sự bất hiếu… Nhờ đó, quyết tâm trở nên người tốt, nếu được củng cố, sẽ làm cho nó trở nên tốt hơn, bản lĩnh hơn.

Đức Giêsu cũng cho thấy tâm lý của Thiên Chúa khi người tội lỗi thật lòng sám hối và trở về với Ngài: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn» (Lc 15,7). Ta sẽ ngạc nhiên và lấy làm phi lý về điều ấy nếu ta không biết rằng: người tội lỗi thật lòng sám hối và quay về với Thiên Chúa, sẽ được đánh giá rất cao, đôi khi cao hơn những người lành thánh không cần quay trở lại. Tại sao vậy? Vì khi đã phạm biết bao tội lỗi mà được tha, người ấy sẽ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình một cách cụ thể hơn. Nhờ đó họ yêu mến và sẵn sàng hiến thân cho Ngài quảng đại hơn: «Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít» (Lc 7,47).

Nhờ kinh nghiệm thực tế về tội lỗi, họ thấm thía nhận ra sự mỏng dòn, yếu đuối của con người trước các cơn cám dỗ. Nhờ đó họ trở nên khiêm nhường hơn, thông cảm sâu xa hơn với những người yếu đuối. Nhờ được Thiên Chúa tha thứ, họ trở nên dễ dàng tha thứ cho anh chị em mình hơn. Khiêm nhường, thông cảm, tha thứ… lại là những đức tính hết sức quí giá và tối cần cho sự thánh thiện. Thiên Chúa coi người có những đức tính này – dù quá khứ của họ có tội lỗi đến đâu – còn cao giá hơn cả những người thích tự hào về sự trong sạch dù có thật và không kém thiên thần của mình. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện chứng tỏ điều ấy (x. Lc 18,9-14). Vậy, chúng ta cần quan niệm và hành xử giống Thiên Chúa đối với những người tội lỗi muốn thật lòng trở lại.






CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con thường không có thái độ bao dung và quảng đại đối với những người tội lỗi, lỡ lầm, muốn thực tình hối cải và làm lại cuộc đời. Con vẫn thường giữ mãi thành kiến xấu về họ, khiến họ có muốn làm lại cuộc đời cũng gặp rất nhiều trở ngại do chúng con gây ra. Xin Cha giúp chúng con nhìn và cư xử với họ theo quan điểm của Cha, là nhận ra những giá trị tích cực trong quá khứ tội lỗi của họ.


Share:

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Bài phát biểu chấn động về trà xanh, rượu vang, ngô, khoai và sai lầm khi tập thể dục



Bài phát biểu chấn động 
về trà xanh, rượu vang, ngô, khoai 
và sai lầm khi tập thể dục.


Giáo sư Tề Bá Lực vừa có bài nói chuyện về sức khỏe gây chấn động ở Trung Quốc bởi những thông tin không thể thiết thực hơn. Đây cũng là điều chúng ta cần biết sớm.


Giáo sư Tề Bá Lực là Trưởng khoa nội, Bệnh viện y học, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng biên tập Tạp chí y học nước ngoài, Hội viên Hội y học Hoa Kỳ, thành viên Hội khoa học sức khỏe Trung Quốc. Dưới đây là bài trích dịch từ buổi nói chuyện mới đây của giáo sư Tề Bá Lực trong một cuộc hội thảo.

Nghiêm trọng và bất thường: Đa số đều chết do bệnh tật, rất ít người chết do tuổi già!

Trải qua hơn 6 năm làm việc tại Đại học Stanford, Mỹ, tôi vừa trở về (TQ) và muốn chia sẻ với mọi người rất nhiều những điều mới mẻ.

Theo kết quả điều tra dân số ở Bắc Kinh vừa công bố, chúng ta đã giành vị trí “quán quân” về lĩnh vực sức khỏe, trở thành nhà vô địch về bệnh cao huyết áp, và cũng chiếm vị trí đứng đầu về bệnh mỡ máu cao. Thật đáng tiếc khi nói ra điều này.

Bây giờ, tỷ lệ tử vong cao nhất là nhóm người ở độ tuổi từ 30-50. Tuổi tác chính là mục tiêu đáng giá nhất của đời người, mà mắc bệnh mỡ máu cao thì rất nguy hiểm.

Thế giới đã đưa ra một tiêu chuẩn cho tuổi thọ, người sống thọ là phải có độ tuổi cao gấp 5-7 lần tính từ thời gian trưởng thành hoàn thiện. Nghĩa là phải sống được từ 100-175 tuổi mới đúng..

Vậy tại sao chúng ta không đạt được con số đó? Lý do chính nằm ở chỗ chúng ta đã không coi trọng việc chăm sóc sức khỏe, vấn đề nghiêm trọng này phổ biến ở khắp cả nước. Ngày nay, đại đa số người đều chết do bệnh tật, có rất ít người chết do tuổi già.

Vấn đề rất nghiêm trọng như vậy, rất bất thường và cực đoan, đòi hỏi tất cả chúng ta phải khắc phục càng sớm càng tốt.

“Không phải là tôi sống thọ đâu, mà là mọi người chết quá sớm”!

Tuổi thọ của phụ nữ Trung Quốc trung bình thấp hơn phụ nữ Nhật tới tận 20 năm, đây là một sự khác biệt hoàn toàn, khoảng cách quá lớn và là điều không thể chấp nhận được!

Một kinh nghiệm tiên tiến của Nhật Bản trong việc chăm sóc sức khỏe đó chính là dựa vào cộng đồng. Họ tổ chức các buổi nói chuyện về sức khỏe hàng tháng như một lớp học, nếu ai không học thì sẽ phải học bù, tất cả đều phải học.

Tôi đã làm việc trong bệnh viện suốt hơn 40 năm qua, đại đa số bệnh nhân bị tử vong đều chết trong đau đớn. Hôm nay tôi nói điều này, với sự ủy quyền của Hội khoa học sức khỏe, Bộ y tế Trung Quốc, hy vọng mỗi người đều phải thật sự chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe.

Liên Hiệp Quốc đưa ra một khẩu hiệu: “Đừng chết vì thiếu hiểu biết”. Một thực tế khác là nhóm trí thức như chúng tôi, có tuổi thọ trung bình chỉ 58,5 tuổi. Một người học sau tiến sĩ như tôi, từ bé đến lớn mất 29 năm đèn sách.

Vậy thì sẽ làm được gì nếu tuổi thọ trung bình chỉ như thế? Thậm chí, rất nhiều nhà khoa học không sống được qua cái tuổi thọ trung bình nêu trên!

Khi tôi ở Stanford (Mỹ), tôi đã tranh thủ đến nhà của tướng Trương Học Lương, tham quan phòng trưng bày sinh nhật 100 tuổi của ông ấy, tôi đã học được rất nhiều điều bất ngờ.. Ngay từ khi bước vào cửa, nhìn thấy ông ấy rạng ngời, mắt không hoa, tai không điếc. Nhiều người hỏi rằng, thiếu soái ơi, sao ông sống thọ đến như vậy?

Ông vui đùa trả lời rất rõ ràng rằng, không phải là tôi sống thọ đâu, mà là mọi người chết quá sớm.

Tôi cũng đã từng gặp rất nhiều người, ví dụ như bà Tống Mỹ Linh, cũng sống rất thọ, đến hơn 100 tuổi. Tôi đặt câu hỏi, tại sao họ có thể sống như vậy mà chúng ta lại không? Tôi đã rất ngạc nhiên, nhiều người trong chúng ta lại còn nghĩ rằng, cuộc sống này chỉ là cõi tạm, suy nghĩ này thật đúng là nguy hiểm chết người.

Bà Tống Mỹ Linh sống thọ đến hơn 100 tuổi

Vậy mọi người đã biết chăm sóc sức khỏe thế nào chưa? Trong một cuộc hội nghị quốc tế về sức khỏe tại tiểu bang Victoria (Mỹ) có một tuyên bố với ba nội dung quan trọng: Thứ nhất là chế độ ăn uống cân bằng, thứ hai là vận động thể dục thích hợp, thứ ba là trạng thái tâm lý ổn định.

Về cách uống đúng

Trong hội nghị chăm sóc sức khỏe Quốc tế đã chia ra 6 nhóm thức uống quan trọng như sau: Trà xanh; Rượu vang đỏ; Đậu nành; Sữa chua (bạn cần chú ý là sữa chua, không phải sữa); Canh xương; Canh nấm.

Tại sao lại đề cập đến món canh nấm? Bởi vì nấm có thể cải thiện chức năng miễn dịch.

Thế còn canh xương? Trong canh này chứa chất keo mềm, có thể giúp ích cho việc kéo dài tuổi thọ, vì vậy các nước hiện nay còn có cả phố kinh doanh món canh xương, trong khi chúng ta chưa để ý đến vấn đề này, rất hiếm quán ăn như vậy.

Tại sao đề cập đến sữa chua? Bởi vì sữa chua là để duy trì sự cân bằng của vi khuẩn. Tức là tạo môi trường để vi khuẩn có lợi phát triển, vi khuẩn có hại bị triệt tiêu, ăn sữa chua có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh. Chúng ta không phủ nhận tác dụng của sữa, nhưng so với sữa chua thì khác biệt rất lớn, chênh lệch tác dụng quá xa.

Bí quyết giúp bà Tống Mỹ Linh mắc ung thư từ tuổi 40 nhưng thọ đến 106 tuổi chỉ đơn giản là loại quả quen thuộc của mọi nhà?

Tại sao nên uống trà xanh?

Trà xanh có chứa phenol, mà phenol là chất có thể phòng ngừa ung thư. Trong tất cả các loại đồ uống thì trà xanh đứng vị trí số 1.

Nhật Bản luôn là nước làm công việc điều tra dân số đặc biệt tốt. Họ nói rằng kết quả điều tra dân số cho thấy những người trên 40 tuổi, không có ai trong cơ thể không chứa tế bào ung thư. Thế nhưng tại sao, có người mắc ung thư có người không? Điều này liên quan đến việc uống trà hay không.

Nếu bạn uống 4 cốc trà xanh mỗi ngày, các tế bào ung thư sẽ không phân chia, và thậm chí việc phân chia tế bào đó còn diễn ra chậm hơn 9 năm so với bình thường.. Vì vậy, các sinh viên Nhật Bản đi học được khuyến nghị mỗi ngày nên uống một tách trà xanh.

Điều thứ 2 cần lưu ý là trà xanh có chứa flo. Từ thời cổ đại, con người đã biết và áp dụng điều này.

Người Nhật ngày nay đã xác định rất rõ, trà không chỉ làm chắc răng, mà còn có thể ngăn ngừa sâu răng và loại bỏ mảng bám trên răng. Bởi chỉ sau ăn 3 phút là mảng bám có thể tích tụ thành cao răng.

Bây giờ nhiều người trong chúng ta có hàm răng rất xấu, bởi không những không súc miệng bằng nước trà, thậm chí còn không súc miệng bằng nước lọc. Tôi nói thật, trong bệnh viện thì nha khoa là bộ phận bận rộn nhất, còn trong chính khoa Nha khoa thì bộ phận làm răng giả, trám răng luôn bận rộn nhất.

Hãy thử nghĩ xem, nếu răng bạn chắc khỏe, thì đương nhiên là sẽ sống trường thọ rồi. Vậy mà rất nhiều người không hiểu điều này. Thực ra bạn cũng không cần mất sức nhiều, chỉ ngậm một ngụm trà để cho mảng bám tan ra thôi, lại làm cho răng thêm chắc khỏe.

Thứ ba, bản thân trà xanh chứa chất cam ninh, chất này có thể cải thiện sự dẻo dai của các mạch máu, khiến cho mạch máu không dễ dàng bị phá vỡ.

Rất nhiều người ở khắp nơi đã phải đến Bắc Kinh để điều trị tai biến mạch máu não. Cứ trong 4 người chết tại bệnh viện thì có 1 người xuất huyết não, điều đó rất nguy hiểm. Bệnh xuất huyết não không thể chữa được, mà nó sợ sự tức giận. Chỉ cần bạn bực tức, đập bàn hay trừng mắt, là mạch máu não có thể bị vỡ.

Tôi vì thế mà giờ đây cũng đã chăm chỉ uống trà xanh, vì tôi sợ con mình cũng nóng giận. Các bạn ạ, ở độ tuổi của các bạn, cũng có thể uống trà được rồi, uống trà sớm, thì sau này có tức giận mà đập bàn trừng mắt, thì cũng không quá lo lắng (đứt mạch máu não).

Uống trà sớm thì sau này có tức giận mà đập bàn trừng mắt cũng không lo đứt mạch máu não.

Vì sao nói cần uống rượu vang đỏ?

Người Châu Âu dù là già trẻ trai gái mỗi ngày đều uống một chút rượu vang đỏ, vì sao lại làm thế? Đó là trên vỏ quả nho có một chất gọi là “resveratrol.” Đó là một loại chất có thể chống lão hóa. Đây cũng là một chất chống oxy hóa, người hay uống rượu này có thể giảm mắc bệnh tim mạch.

Thứ hai là nó có thể giúp ngăn ngừa chứng ngừng tim đột ngột. Chúng ta đều biết rằng, tim có thể ngừng đập bất kỳ lúc nào, có thể là do bệnh tim, cũng có thể là do bệnh huyết áp, vấn đề liên quan đến thực phẩm ăn uống.

Một vài ngày trước, tôi đã đến một trường Đại học sự phạm để dự hội nghị. Nghe kể rằng một tiến sĩ 35 tuổi, buổi sáng vẫn còn làm việc vui vẻ hoạt bát, buổi trưa đã ra đi do mỡ máu quá cao.

Tôi lại dẫn kết quả điều tra dân số của Bắc Kinh cho các bạn thấy, trong 2 người (viên chức) thì có 1 người bị mỡ máu cao, vậy là tỉ lệ 50%. Nguy cơ của người mắc mỡ máu cao chính là đột ngột bị ngưng tim.

Có một chàng trai trẻ 20 tuổi, khi hút máu ra kiểm tra thì thấy toàn mỡ bóng nhẫy, rất nguy hiểm. Chúng tôi hỏi anh ấy ăn thế nào, anh ấy bảo ăn rất tốt. Chúng tôi nói rằng, không phải rất tốt, mà rất không hợp lý.

Rượu vang đỏ còn có một tác dụng khác là làm giảm huyết áp
và giảm cholesterol trong máu.

Rượu nho mỗi ngày không nên uống quá 300ml, rượu trắng không vượt quá 5-10ml, bia không quá 300ml. Nếu bạn vượt quá số lượng này là sai, không nhiều hơn số lượng này là tốt.

Một số phụ nữ hỏi rằng họ không biết uống rượu thì phải làm sao. Tôi trả lời, không uống được rượu thì có biết ăn nho không, nếu ăn nho có thể không bỏ vỏ không? Nho ở đây là nho đỏ nhé. Nho trắng không có chất này.


Về cách ăn đúng

Cơ thể con người cần có một môi trường kiềm thấp, vì vậy nên ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc.

1. Ngũ cốc “báu vật” chính là ngô

Về tác dụng của ngô, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ từng tiến hành khảo sát và thấy rằng những người Mỹ gốc da đỏ rất ít ai bị bệnh cao huyết áp, không ai bị xơ cứng động mạch, nguyên nhân là do họ ăn món lương thực chính là ngô.


Ngô chứa nhiều lecithin, acid linoleic, bột ngũ cốc… các chất này có thể không làm cho bệnh cao huyết áp và xơ cứng động mạch.

Sau cuộc khảo sát này, tôi ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình bằng cách mỗi ngày đều ăn cháo ngô, dù là đang sống 6 năm liên tục tại Mỹ.

Khi tôi 70 tuổi, rất năng động, tràn đầy năng lượng, giọng nói vang, sung mãn từ đầu đến chân, da dẻ hầu như chưa có nếp nhăn.. Lý do là gì? Đó là tôi đã ăn cháo ngô, tin hay không thì tùy bạn.

2. Kiều mạch

Tại sao nhắc đến kiều mạch? Bây giờ mọi người đang mắc bệnh “tam cao”, có nghĩa là, cao huyết áp, cholesterol cao, lượng đường trong máu cao. Kiều mạch là một thực phẩm có tác dụng “ba giảm” để chống lại bệnh tam cao trên.

Kiều mạch chứa 18% cellulose, làm giảm khả năng mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa. Thống kê cho thấy, những người làm việc trong văn phòng khi mắc bệnh, có tới 20% bị ung thư đại trực tràng, ung thư ruột kết.

3. Các loại khoai

Khoai lang, khoai mỡ, khoai tây là những loại củ đã được trình bày trong các hội nghị về tác dụng tuyệt vời của nó. Nguyên nhân là do đây chính là thực phẩm “3 hấp thụ” gồm hấp thụ nước, hấp thụ chất béo- đường và hấp thụ độc tố.

Khi hấp thụ nước, chúng sẽ làm nhuận tràng thông ruột, giảm mắc bệnh ung thư các cơ quan tiêu hóa như trực tràng, kết tràng.

Hấp thu chất béo và đường thì sẽ làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường.

Hấp thu độc tố thì sẽ làm giảm các bệnh viêm nhiễm đường ruột, cũng là nguyên nhân gây u nhọt.

Tôi từng ở Mỹ và thấy rằng người dân ở đó họ cũng thích ăn khoai, ăn nhiều món ăn được chế biến từ khoai. Tôi rất hy vọng mọi người sẽ ăn nhiều khoai, coi khoai là một trong những món nên có trong bữa ăn hàng ngày.

4. Hạt kê

Trong cuốn sách “Bản thảo cương mục” nổi tiếng của Trung Quốc có ghi rằng, kê có tác dụng trừ ẩm, kiện tì, giúp giấc ngủ ngon và tâm trạng vui vẻ. Nhiều tác dụng như vậy sao bạn không ăn. Đặc biệt là những người làm việc văn phòng, chúng tôi khuyên bạn nên ăn để có giấc ngủ tốt.

Các bạn nên tin rằng, chăm sóc sức khỏe bằng thực phẩm quan trọng hơn chữa bệnh bằng thuốc. Câu nói này cũng do danh y Lý Thời Trân nói đấy, vì vậy ông ấy viết sách “Bản thảo cương mục” cũng toàn viết về tác dụng của thực phẩm tốt như một vị thuốc.

Vì sao tôi nói nên dùng thực phẩm thay thế thuốc, vì trong 10 loại thuốc thì 9 loại chứa độc. Tôi chưa từng nghe nói rằng uống thuốc có thể làm cho bạn khỏe hơn. Đến vua uống thuốc cũng không thể thành công, thì bạn cũng không thể làm được.

Điều tôi muốn nói rằng, tôi không nhấn mạnh hay phủ nhận việc uống thuốc, nhưng tôi phản đối việc “loạn uống”, tức là uống linh tinh, tùy tiện. Tôi chủ trương uống thuốc là phải đạt 3 tiêu chí “ngắn, cân bằng, nhanh”. Tức là uống thuốc trong thời gian ngắn thôi, và uống xong phải bình an khỏe mạnh hơn trước.


Cách tập thể dục đúng

Buổi sáng sớm tinh mơ tập thể dục là rất nguy hiểm. Khi thức dậy vào buổi sáng, đồng hồ sinh học của cơ thể đang ở mức thân nhiệt cao, huyết áp cao, áp suất trong thận đang cao hơn buổi tối tới 4 lần. Nếu chơi thể thao ở cường độ cao, rất dễ gặp vấn đề, dễ bị tim ngừng đập..


Chúng tôi không phản đối việc đi bộ buổi sáng, thực hiện các bài thể dục đơn giản, Thái cực quyền, khí công, nhưng nếu buổi sáng mà để người già tập thể dục với cường độ cao thì quả thật lợi bất cập hại, tỉ lệ tử vong vì nguyên nhân này rất cao.

Tuổi thọ không liên quan đến giàu nghèo và địa vị

Có người hỏi tôi, họ nghèo quá không có tiền mà chăm sóc sức khỏe thì phải làm sao? Tôi xin thưa, các tổ chức quốc tế điều tra cho thấy, những nhóm người trường thọ nhất trên toàn thế giới lại sinh sống ở những vùng nghèo khổ.

Bạn nghe xem có kỳ lạ không, những người sung sướng mỗi ngày ở trong phòng tiệc, ăn đủ thịt gà cá lợn, đi đâu cũng xe đưa rước, nhưng bụng lại to, tôi đã điều tra và thấy, họ chỉ sống không quá 65 tuổi.

Chúng ta biết rằng, người có quyền lực nhất là các vị hoàng đế, đa số chết trẻ. Chỉ có vua Càn Long là sống được 89 tuổi.

Ông là một người rất biết chăm sóc sức khỏe, trong nhóm những đời vua của Trung Quốc thì ông là quán quân sống thọ. Chúng tôi đã tìm kiếm tư liệu về ông và biết rằng, thứ nhất ông rất thích thể dục, thứ hai là ăn uống cẩn thận, thứ ba là hay đi du lịch, vì thế ông mới sống thọ.

Vậy người có quyền và tiền, không hẳn là người sống thọ, quan trọng nhất là cách chăm sóc sức khỏe. Vì vậy mà Liên hợp quốc mới nhấn mạnh, đừng chết vì thiếu hiểu biết.

Cụ Johannas Quaas sinh năm 1925 là vận động viên thể dục dụng cụ cao tuổi nhất. Rèn luyện sức khỏe sẽ xua đuổi được tuổi già.

Theo Health/TT/Soha

Share: