Đức Giêsu với những nghịch lý của Ngài
Kính thưa Quý Vị,
Đọc Tin Mừng, có những đoạn khiến chúng ta cảm thấy cách suy nghĩ của Đức Giêsu làm sao ấy! khác hẳn với cách suy nghĩ hay cách đánh giá thông thường của chúng ta! Chẳng hạn như đoạn nói về «Dụ ngôn con chiên bị mất» (trong Lc 15,4-7). Sau khi mô tả niềm vui mừng của người chăn chiên tìm lại được con chiên bị lạc mất, Đức Giêsu đã kết luận như sau: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn». Rõ ràng câu nói này của Ngài, ngược hẳn với quan niệm của chúng ta, phải không ạ?
Đối với chúng ta, khi một người tội lỗi ăn năn trở lại, thì ai cũng cho đó là một điều đáng vui mừng, nhưng chẳng mấy ai lại thấy vì thế mà điều ấy lại đáng vui mừng hơn là có cả một đám gần 100 người công chính không cần ăn năn? Nghịch lý quá! Dường như không thể chấp nhận được!
Tôi suy nghĩ khá nhiều về câu nói ấy của Chúa, và quyết tâm tìm hiểu ý nghĩa của nó. Tôi chắc chắn rằng qua câu nói này, Đức Giêsu muốn cho tỏ cho chúng ta biết quan niệm của chính Ngài về sự công chính hay tội lỗi. Và khi chúng ta hiểu được quan niệm của Ngài rồi, thì chúng ta, những kẻ theo Ngài, phải thay đổi quan niệm đã có của chúng ta để nó phù hợp với quan niệm của Ngài.
Vì thế, tôi muốn chia sẻ qua video này kết quả những suy nghĩ của tôi về câu nói trên của Đức Giêsu. Rất mong được mọi người suy nghĩ thêm rồi góp ý để chúng ta có quan niệm đúng hơn, phù hợp hơn với quan điểm hay cách nhìn của Đức Giêsu.
Trước hết, chúng ta cần hiểu ý nghĩa thật sự của câu nói trên.
Kính thưa Quý Vị,
Trong Thánh Kinh, chúng ta gặp khá nhiều câu nói có tính cách văn chương, chẳng hạn như lời Chúa hứa với ông Abraham trong sách Sáng Thế Ký, đoạn 22, câu 17 như sau: «Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển». Lời ấy của Chúa chắc chắn không phải là một mệnh đề toán học hay triết học để ta có thể hiểu theo nghĩa đen từng chữ một, mà đó là một câu nói mang tính khuếch đại kiểu văn chương, tương tự như khi ta nói "nhà này cao quá trời" thì chỉ có ý nói nó rất cao, chứ không hề có ý nói nó cao hơn cả trời. Hay như những thành ngữ «đông như kiến», «ngang như cua», v.v... hay những lời của các thi sĩ, nhạc sĩ như câu «tóc nàng hãy còn xanh», «nhất nhật bất kiến như tam thu», v.v... Cũng tương tự như vậy, Lời Chúa nói với Abraham là con cái ông sẽ đông như sao trời, nhiều như cát biển, chỉ có nghĩa là Chúa sẽ cho con cháu của ông rất rất đông mà thôi, vì dù theo nghĩa thể chất hay tinh thần, thì con cháu của Abraham cũng không thể so sánh được với sao trên trời, cát dưới biển vốn nhiều hơn gấp cả tỉ lần.
Cũng vậy, lời của Đức Giêsu nói rằng một người tội lỗi mà ăn năn sám hối thì làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn cả 99 người công chính không cần ăn năn' mà tôi đã trưng dẫn, chỉ có ý nói rằng người thật sự nhận ra mình tội lỗi và cảm thấy cần phải hối cải, và đã cải thiện cuộc sống, thì trước mặt Thiên Chúa, người ấy có giá trị cao hơn rất nhiều so với những người cảm thấy mình đạo đức, thánh thiện, không cần phải sám hối hay cải thiện gì hết, nhất là khi những người này lại còn khinh chê người khác, cho dù người bị khinh chê này trong quá khứ đã từng là người tội lỗi đi nữa.
Cách hiểu trên giúp ta dễ dàng hiểu được dụ ngôn của Đức Giêsu về người Pharisêu và người thu thuế cùng vào đền thờ cầu nguyện trong Tin Mừng Lc 18,9-14. Trong dụ ngôn này, người Pharisêu cảm thấy tự mãn, tự cho mình là người đạo đức vì đã làm được rất nhiều việc mà ông ta tự đánh giá là rất tốt, và ông ta nghĩ rằng Chúa ắt phải rất hài lòng về ông. Còn người thu thuế, trái lại, cảm thấy mình thật sự tội lỗi, bất xứng ở trước mặt Chúa, và thấy cần phải sửa đổi đời sống. Trước 2 cách hành xử khác nhau này, nhận định của Đức Giêsu chắc chắn phải làm chúng ta ngạc nhiên. Ngài nói: «Tôi nói cho các ông biết: người này (tức người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (tức người Pharisêu) thì không». Kết luận này của Đức Giêsu dường như hoàn toàn khác hẳn với cách quan niệm, cách nhìn hay cách hay suy nghĩ của chúng ta.
Vấn đề chúng ta phải đặt ra ở đây, đó là cách nhìn nào đúng? Chúng ta đúng hay Đức Giêsu đúng? Đã là người Kitô hữu, chúng ta phải lấy Đức Giêsu là gương mẫu để noi theo, chắc chắn chúng ta phải nói rằng cách nhìn hay quan niệm của Ngài mới đúng. Nếu Ngài đúng thì có nghĩa là chúng ta sai, và chúng ta phải sửa đổi quan niệm của mình cho đúng với quan niệm của Ngài. Vậy thì chúng ta sai ở chỗ nào?
Kính thưa Quý Vị,
Chúng ta thường đánh giá một người là tốt, là trong sạch, khi ta nhận thấy họ không phạm một lầm lỗi gì, hay không phạm một tội gì quá đáng, và thế là chúng ta đã cho là họ tốt lành rồi. Ngược lại, khi biết một người đã phạm nhiều lỗi, nhiều tội, chúng ta dễ liệt họ vào hạng người tội lỗi, hay ít nhất là thiếu đạo đức. Liệu cách đánh giá như thế có đúng không?
Trước khi bàn luận về cách đánh giá trên, mời Quý Vị nghe câu chuyện minh họa sau đây:
Trong bài giảng về môi trường nước của một giáo sư nọ, ông để trước mặt các sinh viên 3 ly nước khác nhau. Ông cho mọi sinh viên thấy nước trong cả 3 ly đều trong vắt như nhau. Sau đó ông lấy muỗng quậy ly thứ nhất, ly đó vẫn trong veo. Kế đó, ông quậy ly thứ hai thì ly ấy trở nên hơi đục, trong khi ấy, ly thứ ba vẫn còn trong vắt. Nhưng khi ông quậy ly thứ ba thì ly này trở nên đục ngầu.
Minh họa về 3 ly nước trên, giúp ta dễ hiểu vấn đề đang được đề cập.
Kính thưa Quý Vị,
Ba ly nước trong minh họa vừa kể, nếu cứ để yên không ai đụng vào hay quậy lên, thì đều trong vắt như nhau, chẳng ai biết ly nào sạch hơn ly nào. Cũng vậy, nếu không có chuyện gì bất thường xảy ra, thì ta thấy ai cũng như ai. Nhưng khi có những biến cố xảy ra, chẳng hạn như khi đất nước lâm nguy, ta mới thấy ai là người yêu nước, ai là người can đảm, ai là người hèn nhát. Nguyễn Công Trứ có câu: «Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai». Nhiều người nói: «Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai». Chứ cứ bình thường thì ai cũng tốt như ai.
Chúng ta thường cho một người là người tốt, là người công chính, khi chúng ta thấy họ không phạm tội hay làm điều gì xấu, mà chỉ làm điều tốt thôi. Và nếu thấy ai yếu đuối, hay sa ngã và vi phạm nhiều điều luật quan trọng của Thiên Chúa hay Giáo Hội, thì chúng ta dễ đánh giá họ là người xấu, người tội lỗi.
Nhưng thưa Quý Vị, trong sạch vì chưa có điều kiện để phạm tội, thì chưa thể được coi là thánh thiện đạo đức được. Khi sống trong một môi trường yên bình thuận lợi, chưa có điều kiện để phạm tội, thì chúng ta rất dễ dàng sống như người vô tội. Nhưng rất có thể khi sống trong một môi trường khác có nhiều điều kiện để phạm tội hơn, gặp nhiều cám dỗ hơn, biết đâu chúng ta sẽ phạm tội nhiều hơn, phạm những tội nặng, hơn cả những người mà ta đang đánh giá họ là tội lỗi. Thật vậy, khi chúng ta là một phó thường dân trong xã hội, chúng ta không bao giờ tham nhũng cả, vì có tham lam cách mấy, có muốn tham nhũng đến đâu, ta cũng không tham nhũng được. Nhưng khi chúng ta nắm được nhiều quyền lực trong tay, khi chỉ cần ký một chữ phi pháp thôi, là ta có ngay một món tiền thật lớn, lúc đó, không chừng chúng ta còn tham nhũng bạo hơn cả những kẻ đang tham nhũng hiện nay. Vậy thì khi sống trong điều kiện không thể tham nhũng được, liệu chúng ta có thể tự hào là mình tốt hơn những kẻ đang tham nhũng hiện nay không?
Xin đan cử một thí dụ khác. Chẳng hạn chúng ta được sinh ra và được giáo dục trong một gia đình đạo đức, nề nếp, lại có đời sống vật chất đầy đủ, ta không hề bị cám dỗ ăn cắp ăn trộm của ai. Vì đời sống vật chất của ta tương đối đầy đủ, nên ta cũng rất dễ dàng giúp người này người kia một vật dụng, một món tiền, và khi làm như thế, chúng ta cảm thấy thích thú vì được mọi người khen là tốt, là quảng đại. Nói chung, chúng ta được xã hội xếp hạng vào thành phần tốt, và chúng ta rất hãnh diện vì điều ấy.
Trong khi ấy, một người khác, tôi tạm gọi là anh A, xấu số hơn chúng ta, vì sinh ra trong một gia đình nghèo túng, người cha lại là một tên trộm cướp hay một tên ma cô, còn mẹ là một người làm đĩ để sinh sống. Trong một gia đình như vậy, anh A làm sao có thể sống tốt như chúng ta được? anh ta đã từng nhiều lần ăn cắp ăn trộm, nhưng anh ta cũng có chút lương tâm, nên mỗi lần ăn cắp ăn trộm xong anh đều cảm thấy xấu hổ, vì thế, những khi vì nghèo túng, bị cám dỗ trộm cắp, anh chỉ trộm cắp của những nhà tương đối giàu có, có của ăn của để thôi. Anh ta cũng tội nghiệp những gia đình nghèo như gia đình anh ta, và đôi khi cũng giúp đỡ những người nghèo khổ hơn. Dẫu vậy, xã hội vẫn liệt anh A và gia đình anh vào hạng người xấu. Và có thể chính chúng ta cũng đánh giá anh ta như vậy.
Vấn đề chúng ta cần phải đặt ra là Thiên Chúa đánh giá thế nào về hai trường hợp trên?
Kính thưa Quý Vị,
Dụ ngôn về những yến bạc trong Tin Mừng Mt 25,14-30 giải đáp cho ta câu hỏi trên. Dụ ngôn này kể về ông chủ kia, trước khi vắng nhà một thời gian lâu, đã trao cho những nhân viên cộng sự mỗi người một số vốn và đòi hỏi họ phải làm ăn để số vốn đó tăng gấp đôi. Người thì được ông chủ trao cho 5 yến bạc, người 2 yến, và người 1 yến. Trong dụ ngôn này, 2 người được trao 5 và 2 yến đã làm ăn và tăng được gấp đôi số vốn ông chủ trao, nên ông chủ khi trở về đã tuyên dương 2 người này và tín nhiệm họ vào những chức vụ quan trọng hơn. Còn người được 1 yến thì không thèm làm ăn gì cả, nên bị ông chủ phạt.
Bây giờ chúng ta giả sử người được giao 1 yến bạc đã làm lợi thành 3 yến trong khi tiêu chuẩn của ông chủ chỉ đòi anh làm thành 2 yến thôi. Còn người được giao 5 yến chỉ làm lợi thành 6 yến thôi, thay vì 10 yến như tiêu chuẩn của ông chủ đòi buộc. Nếu như vậy thì ông chủ sẽ xử trí thế nào? Chắc chắn ông chủ sẽ trọng dụng người có 3 yến mà sa thải người có 6 yến, mặc dù người này hiện có trong tay nhiều vốn hơn người kia.
Cũng vậy, trong câu chuyện tôi vừa nêu, Thiên Chúa có thể đánh giá anh A cao hơn chúng ta, vì Thiên Chúa giao cho anh ta quá ít thuận lợi để có thể sống tốt như chúng ta, nhưng anh ta đã cố gắng nhiều hơn chúng ta để sống tốt hơn, trong khi chúng ta chẳng cố gắng sống tốt hơn bao nhiêu. Trước mặt con người thì dù chúng ta chẳng cố gắng sống tốt hơn bao nhiêu, chúng ta vẫn được người đời đánh giá tốt anh A rất nhiều. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, chắc chắn anh A được Thiên Chúa đánh giá cao hơn chúng ta rất nhiều, vì Ngài biết anh ta đã cố gắng hơn chúng ta rất nhiều.
Rất nhiều người tưởng mình tốt hơn những người mà họ cho là tội lỗi, nhưng rất có thể Thiên Chúa lại đánh giá họ thua xa những người bị họ cho là tội lỗi ấy. Dụ ngôn về 2 người vào đền thờ cầu nguyện trong Tin Mừng Lc 18,9-14 cho ta thấy điều ấy. Và dụ ngôn hai người con trong Tin Mừng Mt 21,23-32, kể về người hứa với cha sẽ làm vườn nho nhưng lại không làm, và người thứ hai từ chối không làm nhưng cuối cùng lại làm. Dụ ngôn này được Đức Giêsu dùng để phản bác lại các thượng tế và kỳ mục trong dân khi họ hạch hỏi Ngài về quyền năng của Ngài. Kể xong dụ ngôn, Ngài kết luận: «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31). Kết luận ấy cho ta thấy cách đánh giá của Đức Giêsu khác hẳn với cách của chúng ta.
Kính thưa Quý Vị,
Các thượng tế và kỳ mục là những người lãnh đạo tinh thần của dân chúng, được dân chúng tôn vinh và nể phục vì nghĩ rằng họ là những gương mẫu về đạo đức, nên câu nói trên của Đức Giêsu chắc chắn bị chính họ và cả dân chúng thời ấy cho là một sự phạm thượng phi lý. Nhưng ta hãy nghe lời giải thích tiếp theo của Đức Giêsu. Ngài nói: «Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy» (Mt 21,32).
Thưa Quý Vị, Tại sao những thượng tế và kỳ mục lại không tin Gioan, và nhất là không tin cả Đức Giêsu nữa? Thưa vì Đức Giêsu và ông Gioan đâu có thuộc hàng chức sắc cao cấp như họ, đâu được học hỏi về kinh kệ và tôn giáo như họ. Họ tự hào và cho rằng họ hiểu lẽ đạo hơn ai hết. Tuy nhiên, họ không biết rằng họ chỉ dựa vào những gì đã học mà họ cho là chân lý bất biến rồi, nên không chấp nhận được những gì mới mẻ hợp lý hơn, cao hơn, gần với chân lý hơn. Họ giống như một học sinh tiểu học quan niệm rằng không thể lấy số nhỏ trừ số lớn được, vì cho rằng điều đó phi lý, nên khi nghe ông thầy trung học dạy về số âm, cho rằng số nhỏ trừ số lớn vẫn thực hiện được, thì họ không chấp nhận được và cho rằng ông thầy dạy bậy. Trong khi những thượng tế và kỳ mục trên không chịu hối cải thì những người thu thuế và gái điếm lại tin theo và hối cải để trở thành công chính. Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói: Sự hối cải của những người tội lỗi này khiến cả thiên đàng vui mừng hơn biết bao người tự hào mình thánh thiện đạo đức, nên cảm thấy mình không cần phải sửa đổi gì cả.
Đọc các sách Tin Mừng, ta không hề thấy Gioan Tẩy giả hay Đức Giêsu nặng lời với những người thu thuế hay gái điếm, là những người bị dân chúng liệt vào hàng tội lỗi. Trái lại, Ngài chỉ nặng lời, thậm chí rất nặng lời, với những người Pharisêu, thậm chí cả những tư tế và kỳ mục trong dân, vốn được dân chúng coi là thánh thiện đạo đức. Đọc Tin Mừng Matthêu đoạn 23 ta thấy rõ điều ấy. Tôi rất ngạc nhiên về sự việc này. Khi tìm hiểu vì sao lại như vậy, tôi nhận ra rằng tiêu chuẩn của sự thánh thiện và đạo đức của Đức Giêsu khác hẳn với tiêu chuẩn của những chức sắc tôn giáo thời ấy. Quan niệm hay cách nhìn vấn đề hay sự việc của Ngài khác hẳn với quan niệm hay cách nhìn của họ. Xin đan cử ra đây một vài thí dụ:
− Đức Giêsu nói: «Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế» (Mt 12,7); và để diễn tả cụ thể hơn, Ngài nói: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24). Rõ ràng Ngài đặt tình yêu đối với tha nhân, là hình ảnh và hiện thân của Ngài, quan trọng hơn những nghi thức tôn giáo, vì những nghi thức này tuy rất cần thiết và quan trọng, nhưng chỉ là phương tiện để giúp con người có sức mạnh mà thực hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa trong tha nhân mà mình gặp. Nghi thức tôn giáo chỉ là phương tiện, tình yêu đối với Thiên Chúa trong tha nhân mới là mục đích của những nghi thức ấy. Coi phương tiện quan trọng hơn mục đích là một sai lầm.
− Hay trong Tin Mừng Mt 23,16-24, Đức Giêsu khiển trách những người Pharisêu rất nặng lời, vì họ coi trọng những điều phụ thuộc, mà coi nhẹ những điều chính yếu. Ngài nói họ coi vàng trong đền thờ trọng chính đền thờ, coi lễ vật trọng hơn bàn thờ, coi những luật lệ về thuế má liên quan đến bạc hà, thì là, rau húng trọng hơn những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là sự công bình, lòng nhân ái và sự thành thật. Hoặc trong Mt 15,3-9, Đức Giêsu trách những người Pharisêu các các kinh sư vì họ coi trọng truyền thống của tiền nhân hơn cả giới răn của Thiên Chúa.
− Một minh chứng khác là Các môn đệ của Đức Giêsu bị các môn đệ của Gioan Tẩy giả trách cứ là không ăn chay như họ, hay bị những người Pharisêu và các kinh sư trách là không chịu rửa tay khi dùng bữa. Họ bị Đức Giêsu phản đối. Điều đó cho thấy Đức Giêsu coi sự thánh thiện hay đạo đức không hệ tại những chuyện ấy, mà hệ tại những chuyện khác quan trọng hơn rất nhiều. Điều quan trọng ấy Ngài luôn luôn nhấn mạnh không biết bao nhiêu lần, đó là tình yêu đối với tha nhân. Các môn đệ của Gioan Tẩy giả, những người Pharisêu và các kinh sư họ tưởng họ thánh thiện đạo đức hơn các môn đệ của Đức Giêsu vì họ giữ nhiệm nhặt những luật lệ ấy, nhưng họ đã lầm. Mặc dù họ thông thạo Kinh Thánh, được học hỏi nhiều để trở thành những người hướng dẫn quần chúng về tâm linh, nhưng chính họ vẫn không thấy được điều cốt yếu nhất của sự thánh thiện đạo đức nằm ở chỗ nào, mà họ cứ luẩn quẩn trong việc quan trọng hóa những điều phụ thuộc. Như vậy thì không hiểu làm sao họ hướng dẫn quần chúng đi đúng đường lối của Thiên Chúa được?
− Rất nhiều người tưởng mình thánh thiện đạo đức hơn người vì mình đã làm được rất nhiều việc tốt lành, thậm chí vĩ đại không mấy ai làm được, nên họ được mọi người ca tụng, đánh giá rất cao. Nhưng Thiên Chúa đánh giá họ thế nào? Đó mới là vấn đề. Tiêu chuẩn về cách đánh giá trị của Thiên Chúa, được Thánh Phaolô viết trong thư thứ nhất Côrintô đoạn 13,3: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi». Thật vậy, tất cả những việc ta làm dù tốt đẹp hay vĩ đại đến đâu, nhưng nếu nó không xuất phát từ tâm tình yêu thương, mà vì một động lực ích kỷ nào đó như mong được ca tụng, khen thưởng, muốn được lợi lộc, được thăng tiến, v.v… thì vẫn là vô giá trị trước mặt Thiên Chúa.
− Nhiều người cầu nguyện rất nhiều, và tưởng rằng như thế là đẹp lòng Chúa lắm. Nhưng Chúa thấy việc cầu nguyện của họ chủ yếu chỉ là xin Ngài hết ơn này tới ơn kia, và chỉ liên quan tới những nhu cầu của họ mà thôi. Qua việc họ cầu nguyện, Chúa thấy rõ tâm hồn ích kỷ của họ, họ không hề nghĩ gì tới nhu cầu của những người đau khổ, thiếu thốn bên cạnh họ, chung quanh họ. Họ chỉ muốn Chúa nghe và nhậm lời họ, chứ không hề quan tâm tự hỏi hay hỏi Chúa xem Chúa muốn gì nơi họ, Chúa muốn họ làm gì. Qua việc họ cầu nguyện, Chúa không thấy được cái tâm yêu thương của họ, nên Chúa không đánh giá cao việc cầu nguyện của họ.
− Nhiều người được người khác nhờ cầu nguyện. Nhưng họ sẵn sàng nhận tiền của người nhờ mình cầu nguyện như một thứ thù lao, thậm chí có người đòi phải được trả tiền thì mới chịu cầu nguyện giùm, mặc dù mình đã đủ sống rồi. Thiên Chúa là tình yêu, làm sao Ngài muốn nhậm lời những người cầu xin với Ngài mà chẳng có tâm tình yêu thương gì cả? Cầu nguyện mà mong được người đời khen là đạo đức thì Đức Giêsu nói rằng họ đã được trả công rồi, huống chi cầu nguyện mà đã được người đời trả tiền rồi! Như vậy thì Chúa đâu cần tính công phúc gì cho họ nữa!
Kính thưa Quý Vị,
Một trong những lý do khiến Thiên Chúa đánh giá cao những người tội lỗi thật sự hối cải và trở về con đường ngay chính, đó là họ đã phải cố gắng rất nhiều để từ bỏ những thói quen tội lỗi. Rất nhiều người trở nên tội lỗi vì họ sống ở trong một môi trường thiếu lành mạnh, nhiều cám dỗ, nhiều điều kiện để phạm tội, nên họ thường phạm tội là chuyện dễ hiểu. Vì thế, để đạt được tình trạng tốt ngang bằng với một người đạo đức bình thường, thì họ phải cố gắng nhiều hơn gấp bội những người đạo đức bình thường. Sự cố gắng gấp bội ấy chính là điều Thiên Chúa đánh giá rất cao.
Ngoài ra, khi nghĩ đến quá khứ tội lỗi của mình, họ dễ trở nên khiêm nhường hơn những người đạo đức bình thường. Và họ dễ dàng cảm thông với sự yếu đuối của những người tội lỗi khác hơn là những người chưa từng phạm nhiều tội như họ. Chính sự khiêm nhường và tính thông cảm với những người còn đang sống trong tình trạng tội lỗi, khiến họ dễ yêu thương, dịu dàng với những người tội lỗi và với mọi người, hơn những người đạo đức bình thường khác. Đó chính là điều khiến Thiên Chúa đánh giá họ cao hơn những người đạo đức bình thường khác. Trong khi những người đạo đức, thường sống trong những môi trường thuận lợi, nên họ khó thông cảm với những người tội lỗi, thậm chí còn dễ dàng kết án họ, và cũng dễ tự hào về sự đạo đức của mình. Vì thế, lòng khiêm nhường và tình yêu tha nhân, nhất là tình yêu đối với những người tội lỗi, nơi những người đạo đức bình thường, thường không được cao lắm!
Kính thưa Quý Vị, Người mà càng có tâm yêu thương, càng khiêm nhường, càng coi “cái tôi” của mình là nhỏ bé, thì càng có giá trị trước mặt Thiên Chúa, mặc dù họ có thể bị người đời đánh giá họ rất thấp. Còn những người tự thấy mình là đạo đức, có khuynh hướng tự cao, dễ dàng coi thường người khác, thường bị Thiên Chúa đánh giá rất thấp. Đó chính là lời giải thích: tại sao một người tội lỗi thật sự ăn năn sám hối thì làm cả thiên đàng vui mừng hơn rất nhiều so với biết bao người đạo đức khác cảm thấy không cần ăn năn sám hối.
Xin kết thúc nơi đây, đồng thời xin chân thành cảm ơn Quý Vị đã theo dõi đến tận cùng bài chia sẻ rất dài này của tôi.
Xin kính chào Quý Vị.
Nếu chúng ta đọc kỹ những lời Ngài nói trong Tin Mừng, chúng ta sẽ hiểu cách đánh giá của Ngài.
Có hai ly nước ở cạnh nhau, trong vắt như nhau. Nhưng khi quậy lên, thì một ly vẫn trong, và một ly đục ngầu vì ở dưới đáy ly có một lớp bùn. Như vậy, cái ly trong vì được để yên mà không đục thì không thể là một ly sạch được.
Chúng ta có thể thay đổi. Thật vậy, nếu chúng ta không thật sự tốt một cách bản lãnh, thì khi nghèo chúng ta nghĩ thế này, nhưng khi giàu chúng ta lại nghĩ hoàn toàn khác. Nhiều điều khi chúng ta chưa có quyền lực hay tiền bạc, chúng ta cho là đúng, nhưng khi có quyền lực hay tiền bạc trong tay, chúng ta không còn cho là đúng nữa. Vì thế, người đời vẫn thường nói: giàu đổi bạn, sang đổi vợ.
Một cô gái mù và nghèo nọ được một anh chàng nọ yêu thương, nên hết lòng giúp cô, vì thế cô ta cũng hết lòng yêu thương anh ta. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc mặc dù là nghèo nàn thiếu thốn. Vì yêu thương, chàng trai cố gắng hết sức làm ra tiền để chữa mắt cho cô. Và anh hỏi: «Nếu em được sáng mắt, em còn yêu anh không?» Cô kia thật tình nói: «Không có ai yêu em bằng anh, làm sao em có thể yêu người khác được?» Nhưng khi sáng mắt, cô mới khám phá ra chàng trai là những vừa xấu trai, lại vừa tật nguyền, nên cô liền nghĩ khác ngay, và cô đành phụ tình anh, bất chấp anh rất đau khổ.
Người thánh thiện hay đạo đức trước mặt Thiên Chúa là người giống Thiên Chúa. Mà giống Thiên Chúa là giống ở bản chất của Ngài, mà bản chất của Ngài là tình yêu. Nên người biết yêu thương như bản chất của Ngài, là người thánh thiện.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét