Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Điều cốt yếu để sống thánh thiện và vào Nước Trời là gì?



Điều cốt yếu để sống thánh thiện 
và vào Nước Trời là gì?
Video: 

Kính chào Quý Vị,
Tôi xin được bắt đầu bằng một câu chuyện: Một anh chàng nọ muốn xin việc để làm trong một công ty kia, vì qua mục rao vặt trên một tờ báo, anh ta biết công ty đó đang cần một chuyên viên kỹ thuật để xử lý những trường hợp máy móc đang sử dụng cho công việc bất ngờ bị hư hỏng, với đồng lương rất cao. Thế là trong mấy ngày chờ đợi được phỏng vấn, anh ta ôn lại tất cả những lý thuyết mà anh ta đã học tại đại học về những thứ máy móc được sử dụng trong công ty. Tại đại học, anh ta từng đạt điểm rất cao về môn học này.
Khi tới phỏng vấn, anh rất tự tin, với những kiến thức anh có trong đầu, anh chắc chắn sẽ làm cho người phỏng vấn anh hài lòng. Nhưng khi đến công ty để được phỏng vấn, người ta không hề hỏi anh chút gì về những kiến thức anh có, mà đưa anh tới một cái máy vừa bị hư nhờ anh sửa giùm. Điều này thật bất ngờ, ngoài dự tính của anh. Anh tưởng người phỏng vấn sẽ hỏi anh về những hiểu biết của anh về những máy móc này và chắc chắn anh sẽ trả lời mọi câu hỏi một cách tuyệt vời. Nhưng sự việc xảy ra không phải như anh tưởng. Anh đã học rất giỏi về loại máy này, nhưng anh chỉ nhìn thấy nó, biết nó trong sách giáo khoa, chứ chưa nhìn thấy nó tận mắt bao giờ. Về mặt lý thuyết, anh biết nó vận hành thế nào, có những ưu điểm hay khuyết điểm gì. Nhưng với cỗ máy trước mắt, anh không biết phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu… Và cuối cùng, anh phải ra về với sự thất vọng và đầy mắc cỡ.
Tại sao anh chàng này, đã từng học rất giỏi và được điểm rất cao tại Đại học về những thứ máy móc của công ty mà anh đến xin việc, lại thất bại ngay trong cuộc phỏng vấn vậy? − Thưa, tại vì anh ta hiểu lầm rằng với bằng cấp đại học về những máy móc ấy thì chắc chắn là phải đậu. Nhưng công ty lúc ấy không cần những người có bằng cấp về máy móc đó, mà cần những người biết sửa chữa ngay những máy móc ấy. Anh ta không nắm được cái cốt yếu nhất mà công ty cần là gì. Không đáp ứng được cái cốt yếu ấy thì đương nhiên anh phải thất bại thôi.
Một trường hợp tương tự như vậy được Đức Giêsu thuật lại trong Tin Mừng Mt 7,21-23. Ngài kể về một trường hợp vào ngày phán xét, có những người tưởng mình là người thánh thiện đạo đức, nên chắc mẩm mình sẽ được Thiên Chúa thưởng, nhưng không ngờ lại bị Ngài chúc dữ. Đoạn Tin Mừng đó như sau: Khi ấy, Đức Giêsu nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. (22) Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” (23) Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”»
Qua câu chuyện Đức Giêsu vừa kể, ta thấy Ngài nói rõ ràng điều cốt yếu nhất để vào được Nước Trời, nghĩa là để trở nên công chính, thánh thiện, đó là «thi hành ý muốn của Thiên Chúa» chứ không phải là làm điều gì khác, dù điều ấy mình nghĩ là rất tốt. Trong đoạn Tin Mừng trên, Ngài có kể ra một vài việc mà người ta tưởng khi kể ra sẽ được Thiên Chúa rất hài lòng và sẽ được Ngài ân thưởng, chẳng hạn như «nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ». Phải nói, đấy toàn là những việc mà người đời nhìn vào thì sẽ đánh giá ngay họ là những người rất đạo đức, vì theo quan niệm chung chung của rất nhiều Kitô hữu thì người nào mà «nhân danh Chúa nói được những lời tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ được quỷ, nhân danh Chúa mà làm được nhiều phép lạ» thì ắt hẳn phải là người rất ư là đạo đức thánh thiện mới làm được. Nhưng đoạn Tin Mừng trên cho ta thấy, Thiên Chúa không đánh giá sự đạo đức, thánh thiện hay công chính theo cách chung chung của rất nhiều Kitô hữu hiện nay đâu.
Chính vì thế, mà chúng ta cần phải đặt vấn đề hết sức nghiêm túc về cốt yếu của sự thánh thiện, đạo đức hay công chính là gì. Tôi xin lặp lại tiêu chuẩn của sự thánh thiện mà Đức Giêsu nói hết sức rõ ràng để chúng ta biết, nhưng rất nhiều khi chúng ta lại không quan tâm. Người nói: «Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy... mới vào được Nước Trời mà thôi.» (Mt 7,21). Chữ «chỉ» và chữ «mà thôi» cho thấy tiêu chuẩn «thi hành ý muốn của Thiên Chúa» là tiêu chuẩn duy nhất, ngoài ra, không có tiêu chuẩn nào khác cả. Vì thế, muốn vào Nước Trời, hay muốn trở nên thánh thiện đạo đức, chúng ta chỉ việc sống đạo theo tiêu chuẩn đó. Theo tiêu chuẩn nào khác là coi chừng việc sống đạo của ta trở thành «công dã tràng» đấy!
Vì thế, việc quan trọng tiếp theo là chúng ta phải biết ý muốn của Thiên Chúa là gì để chúng ta thi hành. Điều này Đức Giêsu cũng nói rất rõ ràng: «(34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35). Đây là điều răn duy nhất mà Ngài đòi hỏi chúng ta, những người theo Ngài phải thi hành. Tôi muốn nhấn mạnh chữ duy nhất ở đây, duy nhất là không còn cái gì khác ngoài cái ấy, nghĩa là ý muốn của Thiên Chúa chỉ có vậy thôi. Chính thánh Phaolô, thánh Giacôbê cũng nhấn mạnh chữ duy nhất của giới răn ấy. Thánh Phaolô viết: «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gl 5,14). Để nhấn mạnh hơn nữa, Ngài còn diễn tả sự duy nhất ấy một cách khác là: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8). «Đã chu toàn» nghĩa là như vậy là đủ rồi, không đòi hỏi thêm gì nữa. Thánh Giacôbê thì nói: «Luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). «Đưa lên hàng đầu» có nghĩa là cao nhất rồi.
Kinh Thánh nói như vậy thì đã quá rõ ràng, phải không, thưa Quý Vị?

Kính thưa Quý Vị,
Trong đời sống tâm linh nói chung, cũng như trong việc sống thánh thiện đạo đức, chúng ta cần phải nắm vững cốt yếu của vấn đề là gì, tránh tình trạng cái cốt yếu thì coi nhẹ, cái phụ thuộc thì coi trọng. Trong Mt 23, Đức Giêsu đã trách mấy ông Pharisêu là họ không biết cái nào là chính yếu, cái nào là phụ thuộc, cái nào trọng hơn cái nào: chẳng hạn như coi vàng trong đền thờ trọng hơn cả đền thờ, coi lễ vật trên bàn thờ trọng hơn cả bàn thờ, v.v... Hoặc Ngài trách họ coi trọng việc «nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật» (Mt 23,23). Nếu không coi trọng điều cốt yếu, coi chừng việc sống đạo của chúng ta bị lạc hướng thành “xôi hỏng, bỏng không”, và sự hướng dẫn tâm linh của chúng ta cho tha nhân trở thành “người mù dắt người mù” (Mt 15,14), đương nhiên là cả hai sẽ sa xuống hố thôi. Tất cả mọi lãnh vực khác của đời sống cũng thế, muốn thành công thì phải phân biệt được cái nào là chính yếu, là mục đích phải làm cho bằng được, và cái nào là phụ thuộc, là phương tiện để tùy nghi mà du di.
Việc xác định cái chính cái phụ trong đời sống tâm linh thì phải dựa trên Lời Chúa là nền tảng của sự thật mà xác định, chứ không phải dựa trên sự suy diễn thường tình hay căn cứ vào lời dạy dỗ có vẻ rất khôn ngoan của con người. Vậy chúng ta cần phải xác định cho rõ cái gì là nền tảng, là cốt yếu nhất trong đời sống tâm linh của người Kitô hữu.
Như đã nói ở trên, tôi xin lặp lại để nhấn mạnh: cốt yếu của sự thánh thiện đạo đức, của việc sống đạo là «thi hành ý muốn của Thiên Chúa» (Mt 7,21), mà ý muốn của Thiên Chúa chính là giới răn mới của Đức Giêsu: «(34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34).
Hay có thể nói cách khác: Thánh thiện đạo đức hay cốt yếu của việc sống đạo chính là trở nên giống Thiên Chúa. Mà giống Ngài thì giống ở chỗ nào, thưa ở chỗ Bản tính của Ngài là Tình yêu như thánh Gioan đã định nghĩa trong 1Ga 4,8. Nghĩa là: nếu ta có nhiều tình yêu vị tha, thì ta giống Ngài, và như vậy mới là thánh thiện đạo đức thật sự. Nếu ta không có tình yêu vị tha, thì dù ta có làm được phép lạ, có đức tin chuyển núi dời non, có bố thí hết cả gia tài cho người nghèo khó để được mọi người ca tụng là đạo đức, v.v... thì chúng ta vẫn chưa phải là người thánh thiện đạo đức đâu.
Đương nhiên, để có được tình yêu vị tha như thế, chúng ta cần có ơn Chúa, cần được Chúa ban sức mạnh cho chúng ta, qua những việc cầu nguyện, dâng thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, đọc Kinh Thánh, nghe những bài giảng về Lời Chúa, để chúng ta biết phải yêu Chúa và tha nhân như thế nào, và làm sao để có động lực để yêu thương thật sự. Nhưng chúng ta chỉ nên coi những việc đạo đức này là những phương tiện giúp ta đạt được mục đích, đạt được cái cốt yếu của việc sống đạo, của sự thánh thiện, đó là nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân, để yêu tha nhân như là hình ảnh hay hiện thân của Ngài bên cạnh chúng ta.
Vậy chúng ta thử xét mình xem, chúng ta có tình yêu đối với tha nhân hay không? Chẳng hạn Khi gặp tha nhân của ta đau khổ, gặp nạn, ta có chạnh lòng thương và thật sự cứu giúp họ như người Samari nhân hậu trong Tin Mừng Lc 10,29-37, hay chúng ta mặc kệ họ như thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn ấy? Khi biết bao người trong đất nước chúng ta, hoặc chung quanh chúng ta bị cướp đất cướp nhà, bị đàn áp bất công, bị đánh đập hay bị giết cách phi lý, hay đất nước của chúng ta đang có nguy cơ diệt vong… chúng ta cảm thấy nhất định phải làm cái gì đó để cứu giúp, hay chúng ta vô cảm làm như mọi chuyện đều bình an, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra cho họ, cho xã hội hay cho đất nước cả?
Chúng ta hãy xét xem, người thánh thiện đạo đức theo quan điểm của Đức Giêsu, thì phải xử sự ra sao?
Xin chấm hết nơi đây. Chân thành cảm ơn Quý Vị đã lắng nghe!
Kính chào tạm biệt.
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét