CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật Lễ Lá
(14-4-2019)
Bài đào sâu
(14-4-2019)
Bài đào sâu
Hãy dành ưu tiên cho công việc của Thiên Chúa
• TIN MỪNG: Lc 19,28-40
Đức Giêsu vào Giêrusalem với tư cách là Mêsia
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có nhận ra sự sắp đặt của Thiên Chúa trong biến cố Đức Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách Mêsia hôm nay không? Ta có thể từ đó rút ra bài học về sự sắp đặt của Thiên Chúa và sự phó thác của ta khi cộng tác với Ngài trong công việc của Ngài không?
2. Ngài cỡi «một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ». Điều này có ý nghĩa gì? Tại sao?
3. Biết và tin Ngài là Đấng Cứu Tinh nhân loại, điều đó có ảnh hưởng thực tế trong đời sống của ta không? Ảnh hưởng thế nào?
Suy tư gợi ý:
1. Thiên Chúa sắp đặt mọi sự trong những công việc của Ngài
Đọc phần đầu bài Tin Mừng trước nghi thức làm phép lá, ta thấy việc Đức Giêsu đi vào thành Giêrusalem đã được Thiên Chúa lo liệu trước mọi sự. Tự nhiên có người chuẩn bị sẵn cho Ngài «một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó» (Lc 19,30), các môn đệ Ngài chỉ việc đến lấy. Có lẽ chủ của con lừa không biết được con lừa của họ hôm nay sẽ được dùng vào việc gì, nhưng khi nghe thấy các môn đệ Đức Giêsu nói: «Chúa có việc cần dùng» (Lc 19,34), thì họ sẵn sàng cho mượn.
Tất cả mọi chuyện xảy ra trong bài Tin Mừng là để chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, là vị Vua phải đến mà muôn dân trông đợi bao thế kỷ nay. Vì những chuyện xảy ra hôm ấy đều ứng nghiệm lời ngôn sứ Dacaria đã tiên báo trước đó 500 năm: «Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ» (Dc 9,9).
Như vậy, ta thấy Thiên Chúa tự lo liệu lấy những công việc của Ngài, những công việc mà Ngài muốn thực hiện. Nhưng rõ ràng Ngài vẫn phải dùng những con người, những con vật cũng như những đồ vật như những dụng cụ để thực hiện. Trong việc đưa Đức Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách Đấng Mêsia, Thiên Chúa đã sử dụng những con người là các tông đồ (đi lấy lừa, tiếp tục tung hô Ngài), chủ của con lừa (cho mượn lừa vô điều kiện), dân chúng (tung hô Ngài); và sử dụng con vật như con lừa, đồ vật như quần áo và cành lá trải trên đường…
2. Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác với Ngài
Vì con người chúng ta có tự do, nên khi muốn sử dụng ta cho công việc của Ngài, Thiên Chúa thường mời gọi ta cộng tác với Ngài, và Ngài để ta tự do đáp lại hoặc từ chối. Khi mời gọi ta, Ngài luôn mong muốn ta tự nguyện đáp lại lời mời gọi của Ngài một cách quảng đại, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, thiệt thòi để công việc của Ngài thành công. Nhưng rất nhiều lần ta từ chối lời mời gọi ấy, khiến cho việc thực hiện kế hoạch hay ý định của Ngài ít nhiều bị trở ngại. Một khi đáp lại lời mời gọi cộng tác với Ngài, ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ lo liệu và sắp đặt mọi sự một cách kỳ diệu để công việc của Ngài hoàn tất tốt đẹp. Ta chỉ cần phó thác mọi sự cho Ngài và nỗ lực hết sức có thể thực hiện những gì Ngài muốn nơi ta.
3. Thiên Chúa muốn ta dành sự ưu tiên và trọn vẹn cho Ngài
Một chi tiết nhỏ trong bài Tin Mừng là con lừa Ngài cưỡi là «một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ» (Lc 19,30). Điều đó có nghĩa là Ngài là người đầu tiên cỡi con lừa ấy. Từ đó, ta có thể suy ra tâm lý của Thiên Chúa là muốn những người cộng tác vào công việc của Ngài hãy dành sự ưu tiên và trọn vẹn cho Ngài. Ngài muốn những ai lo việc cho Ngài phải coi việc của Ngài là quan trọng nhất, hơn tất cả mọi công việc khác của mình. Như thế không có nghĩa là việc của chúng ta sẽ không có ai lo, vì một khi ta lo việc cho Ngài, thì chính Ngài sẽ lo lắng mọi việc thay cho ta, ta không cần quan tâm quá nhiều đến việc của ta nữa. Ngài nói: «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước đã, còn tất cả mọi sự khác, Người sẽ ban cho sau» (Mt 6,33). Vậy, việc của ta, cứ để Ngài lo liệu, phần ta, ta hãy dành ưu tiên cho công việc của Ngài.
Trong một dịp tĩnh tâm, cô gái nọ cho cha hướng dẫn tĩnh tâm biết cô cảm thấy có tiếng Chúa mời gọi cô hiến thân cho công việc của Ngài. Nhưng nghĩ đến tuổi thanh xuân của mình còn quá đẹp và còn dài, cô cảm thấy ngần ngại. Cô cho vị linh mục biết ý định của cô là cô sẽ hưởng tuổi thanh xuân cho biết cuộc đời đã, rồi sau đó sẽ dâng mình phụng sự Chúa. Khi thấy trên bàn vị linh mục có một đoá hồng rất đẹp, cô bèn xin ông cho cô bông hồng ấy. Vị linh mục muốn nhân dịp này cho cô bé một bài học, nên không trả lời gì cả. Buổi chiều đến, vị linh mục đem bông hồng ban sáng – lúc này đã bắt đầu hơi tàn héo – đến tận phòng cô để tặng cô. Cô gái tỏ vẻ bất mãn ra mặt. Vị linh mục bèn nói: «Sao con lại bất mãn? Con đã chẳng đối xử với Thiên Chúa y hệt như vậy sao? Hiện nay con y như đoá hồng còn tươi, thế mà con lại định chờ khi đời con hết tươi rồi mới đem ra tặng Ngài!» Cô gái nhận ra bài học của vị linh mục, nên sau đó quyết dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa ngay từ tuổi thanh xuân.
4. Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh của ta và của toàn nhân loại
Qua bài Tin Mừng trước nghi thức làm phép lá và rước lá hôm nay, Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho mọi người biết Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Tinh (Mêsia) của nhân loại và của mỗi người chúng ta. Ngài là Đấng Cứu Tinh mà các ngôn sứ đã loan báo hàng mấy trăm năm trước, mà dân Chúa đã ngóng đợi suốt mấy trăm năm qua. Ngài là Đấng Cứu Tinh phải đến. Là Đấng Cứu Tinh, Ngài đem sự giải thoát cho những ai bị giam giữ, đem an bình cho người âu lo, đem vui tươi cho ai sầu khổ, đem hạnh phúc cho người đau khổ, đem vinh quang cho người sống tủi nhục, đem trong sạch cho những ai đang sống trong bùn nhơ, tội lỗi… Đúng ra ta phải rất vui mừng và thật sự vui mừng khi biết tin này như khi ta đang gặp nạn mà có người đến giải cứu.
Ta biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh từ rất lâu rồi, nhưng cuộc đời ta cho tới nay đã được Ngài giải cứu chưa? Dường như ta vẫn chưa được hạnh phúc, vẫn còn rất nhiều đau khổ, vẫn còn nhiều khát vọng chưa được thỏa mãn. Tại sao vậy? Chính vì ta vẫn chưa coi Ngài là lẽ sống của cuộc đời ta, ta vẫn coi Ngài như một người xa lạ ở ngoài bản thân ta, đang khi chính Ngài lại tự đồng hóa với những người đau khổ, trong đó có ta (x. Mt 25,40.45; 10,40; 18,5; Lc 10,16; Cv 9,4-5). Ta chỉ hạnh phúc khi ta nhận ra và luôn ý thức Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài (x. Ga 14,20; 15,4-7), nghĩa là Ngài với ta thành một. Ý thức như thế, ta sẽ luôn nhận được sức mạnh của Ngài. Có sức mạnh của Ngài, ta mới luôn an vui và hạnh phúc.
Một cách khác để ta có được sức mạnh của Ngài là ta gắn bó với Ngài, chọn Ngài làm chủ cuộc đời ta, hoàn toàn sống cho Ngài, luôn tuân theo thánh ý Ngài. Không phải là vô ý mà Đức Giêsu dùng chữ «lương thực» trong câu: «Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người» (Ga 4,34). Lương thực hay thức ăn là cái nuôi sống, đem lại chất bổ dưỡng và sức mạnh cho các sinh vật. Thi hành thánh ý Thiên Chúa, coi ý muốn của Thiên Chúa là trên hết, đó là «lương thực» đem lại sức mạnh thiêng liêng cho đời sống tâm linh của ta.
Muốn hoàn toàn tuân theo thánh ý Thiên Chúa để có sức mạnh tâm linh, ta phải sống tinh thần «tự xóa mình» (kenosis) như Đức Giêsu như tinh thần của bài đọc Pl 2,6-11 hôm nay: «Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa… đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự». Khi không coi mình là gì cả, không coi trọng ý riêng mình, không mong muốn gì khác hơn làm theo thánh của Thiên Chúa, thì ta sẽ thấy nguồn sức mạnh của Ngài đến với ta thật dồi dào. Chỉ khi hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa, ta mới thấy mình được giải thoát thật sự, cuộc đời ta mới thật sự hạnh phúc.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, biến cố mà chúng con kỷ niệm hôm nay nhắc nhở chúng con ý thức rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh, đến để giải cứu chúng con. Xin cho chúng con được thật sự giải cứu để cuộc đời chúng con hạnh phúc, tràn đầy sức mạnh và niềm vui. Xin cho chúng con ý thức rằng chúng con chỉ thật sự được giải cứu khi chúng con gắn bó với Đức Giêsu, bằng cách sống theo tinh thần tự xóa mình của Ngài, để có thể hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Hãy ý thức: Con người yếu đuối, dễ thay đổi
https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/04/le-la1.html.
Hãy ý thức: Con người yếu đuối, dễ thay đổi
https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/04/le-la1.html.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét