Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Tập Cận Bình đã đi lạc nước trên bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung



Tập Cận Bình đã đi lạc nước 
trên bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung.

Nguyễn Quang Dy

Tập Cận Bình (Xi Jinping) là một nhân tài, với kỳ tích chống tham nhũng, củng cố quyền lực, cải tổ quân đội, phát triển đất nước, vì «Giấc mộng Trung Hoa»

Về quyền lực, Tập Cận Bình không thua kém Mao Trạch Đông (Mao Zeitung) và Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), đã vượt lên trên Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao).

Có thể nói, Tập Cận Bình hơi giống Donald Trump (muốn «làm nước Mỹ vĩ đại trở lại», vì ông cũng muốn «làm Trung Quốc vĩ đại trở lại»

Nhưng chính vì vậy, Cận Bình đã quá nôn nóng, muốn vượt Mỹ để làm bá chủ thế giới, nên ông đã mắc phải một số sai lầm chiến lược đáng tiếc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Thứ nhất, Tập Cận Bình không chỉ nắm 3 chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội, như «lãnh đạo nòng cốt» mà Quốc hội Trung Quốc còn bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ để ông trở thành "Chủ tịch nước suốt đời" của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Thứ hai, ông tự tin khởi động kế hoạch «Made in China 2025»làm Mỹ và phương Tây lo lắng chống lại.

Thứ ba, ông chủ quan theo đuổi sáng kiến «Vành đai và Con đường» làm nhiều nước khác phản ứng «bẫy nợ»

Thứ tư, ông thiếu nhạy cảm triển khai «chính sách gây ảnh hưởng»bằng các viện Khổng Tử và «tấn công quyến rũ»(charm offensive), làm nhiều nước lo ngại «con ngựa thành Troy»

Thứ năm, ông thẳng tay với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và nôn nóng triển khai «hệ thống tín nhiệm xã hội» Đó là những đại dự án mang «dấu ấn Tập Cận Bình» nhằm thực hiện «Giấc mộng Trung Hoa».


Gót chân A-sin

Đại hội 19 (18-24/10/2017) đã đưa «Tư tưởng Tập Cận Bình» vào cương lĩnh của Đảng. Quốc Hội đã sửa đổi hiến pháp (11/3/2018) bỏ điều khoản giới hạn hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước, để Tập Cận Bình trở thành một nhà "lãnh đạo tuyệt đối" Trung Hoa.

Nhưng đáng tiếc, đó là một nghịch lý về «giới hạn quyền lực» vì Tập Cận Bình làm bộc lộ «gót chân A-sin» của mình.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm bộc lộ những sai lầm mà Tập Cận Bình nay có nghĩ lại thì đã quá muộn.

David Shambaugh có lý khi dự báo Trung Quốc đang trong «màn chót» (End Game). Còn Minxin Pei cho rằng Trung Quốc là «người khổng lồ chân đất sét» (a giant with feet of clay). (China’s Summer of Discontent, Minxin Pei, Project Syndicate, August 2, 2018).

Trong khi Đặng Tiểu Bình cho rằng lãnh đạo tập thể (dựa trên đồng thuận) tốt hơn là một người lãnh đạo (dựa trên độc tài cá nhân), Tập Cận Bình lại khôi phục mô hình độc tài toàn trị. Ông đã trở thành «chủ tịch của mọi thứ» (chairman of everything).

Có thể nói Tập Cận Bình đã làm ngược lại những lời khuyên của Đặng Tiểu Bình khi ông quyết khôi phục lại chế độ tập quyền và «sùng bái cá nhân» như thời Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình đang làm «cách mạng giật lùi» (regression).

Người ta nói «quyền lực tuyệt đối dẫn đến tham nhũng tuyệt đối». Nghịch lý của Tập Cận Bình là ông đang biến những kỳ tích của mình thành sai lầm lớn.

Theo Minxin Pei, Trung Quốc đang «lầm đường lạc lối» (headed in wrong direction), cơ chế tập quyền sẽ «không bền vững» (unsustainable), và «chắc sẽ thất bại» (doomed to fail).

Theo Liz Economy, dưới thời Tập Cận Bình, khoảng 200 luật sư đã bị bắt và tống giam. Việc kiểm soát công dân được tối ưu hóa qua «hệ thống tín nhiệm xã hội» (social credit system) dựa trên một kho «dữ liệu lớn» (big data) và các ứng dụng «trí tuệ nhân tạo» (IA).

Các biện pháp khen thưởng hay trừng phạt sẽ tùy theo người dân được cho «điểm tín nhiệm» cao hay thấp, đặc biệt là tại khu tự trị Tân Cương (Xinjiang), người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

Bắc Kinh còn theo đuổi chính sách đối ngoại nhằm thống trị toàn cầu, với công cụ chủ yếu là sáng kiến «Vành đai và Con đường» (Belt and Road Initiative).

Trung Quốc cho các nước tham gia vay tiền để đầu tư vào hạ tầng với các khoản tín dụng hấp dẫn, nhưng trên thực tế nhằm trói buộc các nước đi vay phải lệ thuộc vào Bắc Kinh (như «bẫy nợ» ).

Các nước phương Tây đã từng cố gắng coi Trung Quốc là một thế lực có thể hợp tác được, nhưng Bắc Kinh đã làm cho họ thất vọng, và không thể theo đuổi ảo tưởng đó.

Nay phương Tây buộc phải phản ứng (backlash), làm không gian hành động của Trung Quốc ngày càng thu hẹp, trong khi đó Đài Loan được hưởng lợi lớn trước tình thế Mỹ và đồng minh đang đối đầu với Trung Quốc.

Đến nay, Trung Quốc đã kiểm soát tới 80 hải cảng tại 40 nước. Trung Quốc đã thiết lập căn cứ hậu cần đầu tiên tại Djibouti.

Theo các nhà phân tích quân sự tại Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phát triển khoảng 100 căn cứ như vậy trên toàn cầu. Liệu Trung Quốc có lập căn cứ hải quân tại Koh Kong (Cambodia) hay không, chỉ là thuật ngữ.

Tuy Trung Quốc nói rằng họ không sử dụng các hải cảng này vì mục đích quân sự, nhưng chúng ta đã thấy tàu chiến của họ bắt đầu đến thăm các hải cảng đó.

Chỉ có những người ngây thơ mới tin rằng Trung Quốc không cần lập các căn cứ quân sự tại nước ngoài, và không xâm phạm chủ quyền các nước khác.


Hệ thống tín nhiệm xã hội

Gần đây, các cơ quan an ninh của Mỹ, Canada, Anh, Úc, Nhật... đã cảnh báo và tẩy chay công nghệ 5G của tập đoàn Hoa Vi (Huawei) vì lý do an ninh quốc gia.

Trong hệ thống kinh tế do nhà nước chỉ đạo tại Trung Quốc, các công ty công nghệ như Hoa Vi có bổn phận hợp tác với chính quyền, kể cả việc chia sẻ dữ liệu.

Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) là Giám đốc tài chính của Hoa Vi đã bị cảnh sát Canada bắt và quản thúc tại gia chờ dẫn độ sang Mỹ.

Tháng 1/2019, một quan chức của Hoa Vi đã bị bắt tại Ba Lan với tội danh gián điệp.

Một số tổ chức nghiên cứu có uy tín như Mercator Institute (Berlin), Asia Society (New York), và Royal United Services Institute (London) đã công bố báo cáo chi tiết về «chính sách gây ảnh hưởng» của Trung Quốc nhắm vào các định chế chính trị, giáo dục, truyền thông và xã hội dân sự tại các nước phương Tây.

Nay các trường đại học tại phương Tây từ chối các Viện Khổng Tử như «con ngựa thành Troy».

Trong khi những người ủng hộ Bắc Kinh thất thế, thì dư luận phản đối Bắc Kinh ngày càng mạnh lên. Phương Tây đã tìm được tiếng nói chung để chống lại sự thao túng quyền lực của Trung Quốc.

Hiện tượng nước Ý (thời Giuseppe Conte) hợp tác với Trung Quốc chỉ là một ngoại lệ như Philippines (thời Rodrigo Duterte).

Đầu năm 2018, theo một khảo sát dư luận của Pew Research Center tại 25 quốc gia, có 63% số người được hỏi, nói rằng họ muốn một thế giới do Mỹ cầm đầu, trong khi đó chỉ có 19% muốn Trung Quốc cầm đầu.

Trong khi Đặng Tiểu Bình tìm cách giảm bớt can thiệp của Đảng, bỏ bớt hệ thống doanh nghiệp nhà nước và tăng cường vai trò của thị trường, thì Tập Cận Bình lại tăng cường kiểm soát đối với Internet, bằng cách xây dựng «hệ thống tín nhiệm xã hội» và mở rộng hệ thống theo dõi công dân.

Trung Quốc đã phát triển cách thức mới để sử dụng máy ảnh. Họ đã lắp đặt 200 triệu máy ảnh theo dõi để giảm bớt tội phạm và kiểm soát bất ổn xã hội.

Trung Quốc sẽ tăng gấp ba số máy ảnh đó vào năm 2020 trong một «hệ thống tín nhiệm xã hội» được triển khai trên toàn quốc, để đánh giá độ tin cậy về chính trị và kinh tế của người dân, làm cơ sở để thưởng/phạt.

Họ đã phát triển những khả năng mới không chỉ qua nhận diện (facial-recognition) mà còn qua giọng nói (voice-recognition), và có thể nhận dạng qua dáng đi.

Việc kết hợp công nghệ mới với cách thức kiểm soát xã hội truyền thống đã tạo ra khả năng giám sát đặc biệt.

«Hệ thống tín nhiệm xã hội» đã triển khai trên 40 dự án thí điểm, mỗi dự án đánh giá một nhóm vấn đề nhất định.

Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ triển khai thành một chương trình tổng thể trên toàn quốc, tuy vẫn có những khác biệt về vùng miền nhưng do một lãnh đạo duy nhất điều hành (chứ không phải lãnh đạo tập thể).

Tập Cận Bình còn giống Mao Trạch Đông ở chỗ ông tỏ ra gần gũi với quần chúng, nhưng bỏ qua tầng lớp trí thức và tinh hoa «không đáng tin cậy». Thái độ đó không chỉ tác động tới người Trung Quốc mà còn tới người nước ngoài.

Đến nay, số tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đã giảm từ 7.000 xuống còn hơn 400.


Nhân tố Lighthizer

Vào tháng 8/2017, Robert Lighthizer (USTR) đã thuyết trình về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc tại Nhà Trắng.

Buổi thuyết trình xuất sắc đã thuyết phục được các quan chức cao cấp của Nhà Trắng ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Các chuyên gia đánh giá tuy Nhà Trắng không còn cố vấn chiến lược Steve Bannon, một người chống Trung Quốc quyết liệt, nhưng lại có Robert Lighthizer, một người chống Trung Quốc còn hơn Steve Bannon, với một chiến lược nhất quán và chủ thuyết rõ ràng (là Lighthizerism). Chủ thuyết này sẽ xuyên suốt nhiều năm tới, vượt qua nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Lighthizer đã được Trump tín nhiệm giao nhiệm vụ tiến hành điều tra về Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ (theo Khoản 301, Luật Thương Mại Mỹ).

Theo Lighthizer, «mô hình kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa chưa từng có đối với hệ thống thương mại thế giới mà không thể giải quyết bằng các quy tắc toàn cầu hiện hành».

Trung Quốc là mối đe dọa nổi lên trong bối cảnh hiện nay, khó khăn hơn nhiều so với những gì đã xảy ra trong quá khứ. «Đó chính là mối de dọa tới hệ thống thương mại toàn cầu và điều này là chưa từng có tiền lệ».

Lighthizer đã tiên đoán rằng cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc là một cuộc chiến trường kỳ, cần thêm thời gian và các biện pháp chống trả hữu hiệu, không thể một sớm một chiều mà chiến thắng ngay được.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng rộng lớn và phức tạp, nhưng Lighthizer có đủ quyết tâm, kinh nghiệm và bản lĩnh để thắng Trung Quốc.

Đến nay, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, cùng các cơ quan an ninh như FBI, CIA, NSA… đều quyết tâm chống Trung Quốc trên mọi mặt.

Bà Nancy Pelosi (đảng Dân Chủ) là chủ tịch Hạ Viện cũng tuyên bố sẽ ủng hộ lập trường chống Trung Quốc của Donald Trump.

Lighthizer là một người rất am hiểu về chiến thuật «trì hoãn chiến» để câu giờ của Bắc Kinh nên ông đã dứt khoát ra đòn trừng phạt bằng «áp thuế».

Khi các quan chức về tài chính và thương mại của Washington đến Bắc Kinh đàm phán nhưng không có kết quả, tháng 11/2017, Trump đã cử đoàn đàm phán của Mỹ đến Bắc Kinh, và Lighthizer là người duy nhất có quyền gặp những quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc (kể cả Tập Cận Bình).

Hiện nay, trong Nhà Trắng, Robert Lighthizer và Peter Navarro là «cặp bài trùng» chống Trung Quốc, nhưng Lighthizer được sự ủng hộ của nhiều người trong Nhà Trắng cũng như Quốc Hội.

Thuyết «tự do thương mại» của Lighthizer không nhằm mục tiêu mở cửa thị trường tự do không kiểm soát, mà cam kết sử dụng các «vũ khí» công khai về thương mại để đạt được mục tiêu đó.

Lighthizer không chủ trương «bảo hộ là đắp lũy xây thành» để biến nước Mỹ thành một ốc đảo. Mục đích cơ bản của Lighthizer là lấy lại những lợi thế của Mỹ cho người Mỹ đang bị thua thiệt trên thương trường quốc tế.

Lighthizer sẽ không «chấm dứt toàn cầu hóa», mà chuẩn bị cho một thời kỳ cạnh tranh mới khốc liệt hơn. Ông chủ trương dùng chiến tranh thương mại làm phương tiện để đạt được tự do thương mại một cách công bằng và lành mạnh.


Điều chỉnh chiến lược

Có thể nói «Made in China 2025» là một khâu then chốt trong cấu trúc và kế hoạch phức tạp của Bắc Kinh nhằm tạo ra sự phát triển mới theo định hướng chiến lược của Tập Cận Bình.

Vì vậy, «MC 2025» đã trở thành biểu tượng cho tham vọng của Trung Quốc trỗi dậy như một đầu tàu công nghệ để cạnh tranh với Mỹ, đang gây lo ngại sâu sắc về mối đe dọa của Trung Quốc.

Vì vậy, Bắc Kinh có thể phải điều chỉnh lộ trình «MC 2025» (kéo dài hơn) do hệ quả của chiến tranh thương mại.

Mục tiêu cốt lõi của «MC 2025» là nhằm biến Trung Quốc thành một «siêu cường sản xuất» , trong đó nhấn mạnh 10 lĩnh vực công nghệ cao cần được ưu tiên. (Made in China 2025, Explained, Elsa Kania, Diplomat, February 01, 2019).

Việc Tập Cận Bình củng cố quyền lực tuyệt đối trong nước và triển khai Sáng kiến «Vành đai và Con đường» (BRI) ra thế giới không chỉ làm tổn hại về kinh tế, mà còn làm tăng sự ngờ vực của các nước.

Một số nước như Malaysia, Myanmar, Pakistan, Bangladesh và Sierra Leone, đòi xem xét lại các hợp đồng đã ký với Trung Quốc làm tăng gánh nợ, môi trường ô nhiễm, nhân lực và quản trị gặp những vấn đề nan giải.

Sáng kiến BRI đầy tham vọng có thể bị xem xét lại, hoặc bị lặng lẽ bỏ rơi, trước phản ứng ngày càng tăng từ bên trong và bên ngoài.

Nhà Trắng đã tăng cường quan hệ với Đài Loan, tăng tần suất tuần tra FONOP tại Biển Đông, siết chặt đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ cốt lõi của Mỹ, tăng cường giám sát quốc tế đối với vấn đề nhân quyền, và bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến «Vành đai và Con đường» qua các dự án đầu tư vào hạ tầng, liên kết với các nước khác như Australia, Nhật Bản, New Zealand, cũng như qua việc thiết lập một tổ chức tín dụng mới như «International Development Finance Cooperation» (IDFC) để phục vụ phát triển hạ tầng.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy các thành tích của mô hình Tập Cận Bình đang trở thành phản tác dụng. Việc nhà nước kiểm soát quá nhiều góp phần làm cho nền kinh tế trì trệ và xã hội bất ổn.

Trong khi đó, Bắc Kinh quá tham vọng nên làm giảm nhiệt tình ban đầu của cộng đồng quốc tế đã từng đón nhận tầm nhìn của Tập Cận Bình về một trật tự thế giới mới «với đặc sắc Trung Quốc».

Bắc Kinh đã huy động sinh viên của họ ở nước ngoài vào các mục đích chính trị và kinh tế như báo cáo về các sinh viên khác không làm theo đường lối của Đảng, dẫn đến những phản ứng ngược lại.

Nhưng hầu hết những vấn đề của Trung Quốc hiện nay đều là do Tập Cận Bình quá nôn nóng, nên ông vẫn có thời gian và quyền lực để điều chỉnh được.

Theo Elizabeth Economy, để đối phó với những vấn đề ngày càng lớn, do mô hình chính trị của Tập Cận Bình, Bắc Kinh cần điều chỉnh chiến lược một cách cơ bản.

Về chính trị, hình ảnh và quyền lực mềm của Trung Quốc sẽ được cải thiện nếu Bắc Kinh giảm bớt việc sử dụng công dân Trung Quốc ở nước ngoài làm công cụ nhằm các mục đích chính trị và kinh tế; không áp đặt các chính sách bất cập đối với Hong Kong và Đài Loan; giảm thiểu đàn áp người dân địa phương ở Tân Cương và Tây Tạng.

Hậu quả tiêu cực của tư tưởng Tập Cận Bình; sự tê liệt của chính quyền địa phương; tỷ lệ sinh sản suy giảm; và phản ứng mạnh lên của quốc tế, bắt đầu có tác dụng làm Trung Quốc không thể đạt được các mục tiêu đề ra.

Vì vậy, Tập Cận Bình cần điều chỉnh lại chiến lược, hoặc giao quyền lãnh đạo đất nước cho người khác…


Thay Lời Kết

Từ đầu năm 2018, quan hệ Mỹ-Trung đã chuyển sang đối đầu, sau 4 thập kỷ hợp tác. Cuộc chiến thương mại chỉ là «phần nổi của tảng băng chìm» , với hình thái «vừa đánh vừa đàm» , có thể kéo dài.

Cuộc chiến này tuy do chính quyền Trump khởi xướng, nhưng nguyên nhân lại do Bắc Kinh gây ra, với sai lầm chiến lược của Tập Cận Bình, nay có muốn dừng lại cũng không được.

Sau Donald Trump, một tổng thống Mỹ khác chắc vẫn chống Trung Quốc và đối đầu Mỹ-Trung là đặc điểm quan trọng nhất của quan hệ quốc tế trong thế kỷ này.

Robert Meuller kết thúc điều tra với kết luận là Trump không thông đồng với Nga, là một thắng lợi của Trump, để sắp tới đàm phán với Tập Cận Bình trên thế mạnh hơn tại Mar-a-Largo.

Điều đáng lo ngại là Biển Đông đã trở thành tâm điểm của đối đầu Mỹ-Trung, trong đó Việt Nam có thể bị mắc kẹt trong bàn cờ địa chính trị giữa các nước lớn.

Muốn phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải cải cách thể chế (như khuyến nghị của Báo cáo «Việt Nam 2035» ) để có thể điều chỉnh mối quan hệ Việt-Trung và Việt-Mỹ một cách hiệu quả hơn, trong bối cảnh tầm nhìn «Indo-Pacific tự do và rộng mở» với «tứ giác Kim Cương» (Mỹ-Nhật-Úc-Ấn).

Hy vọng chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo ra một bước ngoặt mới trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Việt.
Nguyễn Quang Dy


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét