Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Quân tử không đấu với tiểu nhân, ác nhân tất có ác nhân trị


 

Quân tử không đấu với tiểu nhân,

ác nhân tất có ác nhân trị


Mạn Vũ
Có câu: «Quân tử không đấu với tiểu nhân, ác nhân tự có ác nhân trị». Là vì quân tử không đấu nổi tiểu nhân chăng? Bậc trí tuệ chỉ liếc mắt nhìn là hiểu ra đạo lý. 
Thường nghe nói «cẩu cẩu cắn người» hoặc là «chó cắn chó», nào có ai nói… «người cắn chó» bao giờ!
Tất nhiên, con người sao có thể xếp ngang hàng với động vật được? Đạo lý này ai ai cũng hiểu.
Tục ngữ có câu: «Quân tử không đấu với tiểu nhân, ác nhân tự có ác nhân trị». Là vì quân tử đấu không nổi tiểu nhân chăng? Bậc trí tuệ chỉ liếc mắt nhìn là hiểu ra đạo lý.
Người quân tử trọng đạo nghĩa, được mọi người tôn sùng. Kẻ tiểu nhân trọng lợi ích cá nhân, bị mọi người khinh ghét. Là quân tử, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì sẽ luôn giữ vững đạo nghĩa mà làm việc, tuân theo lời dạy của Thánh nhân mà làm người.
Thế nào là quân tử, thế nào là tiểu nhân?
Trong Trinh Quán Chính Yếu giải thích rằng: «Quân tử, tiểu nhân vốn vô thường, làm điều tốt là quân tử, làm điều xấu là tiểu nhân». Nếu hỏi ai là quân tử, thì chính là người khi gặp việc bất lợi vẫn có thể chịu thiệt thòi. Nếu hỏi ai là tiểu nhân, thì chính là người gặp sự việc thì tham luyến lợi ích.
Kẻ tiểu nhân tâm địa hẹp hòi, trong lòng thường có điều mờ ám, vĩnh viễn bất an.
Chúng ta đã nghe rất nhiều đạo lý phân biệt kẻ tiểu nhân, nhưng thường khó tránh khỏi việc tranh đấu với họ. Trong cuộc sống cũng như vậy, phân biệt đúng sai thì dễ, nhưng phạt ác khen thiện lại là điều khó làm.
Khổng Tử nói: «Người làm điều thiện thì Trời lấy phúc mà bồi hoàn, kẻ làm điều bất thiện thì Trời lấy họa mà trả lại». TrongTăng Quảng Hiền Văn cũng viết: «Kẻ ác người sợ nhưng Trời không sợ, người hiền người khinh nhưng Trời chẳng khinh».

Tranh cãi với người không cùng cảnh giới là việc phí thời gian vô ích. 
Có người nói vui rằng: «Bị chó cắn cũng không thể cắn lại». Đạo lý cũng tương tự như thế: Khi bị tiểu nhân tính kế, nếu chúng ta cũng mưu tính lại thì sao có thể phân biệt mình với tiểu nhân đây? 
Chúng ta làm bất cứ việc gì, cuối cùng thì vẫn nên tin rằng: Làm nhiều việc bất nghĩa ắt sẽ tự hại mình. Việc xấu nếu làm nhiều thì cái bất lương sớm hay muộn cũng bị mọi người thấy rõ. Đồng thời nên học cách hòa giải mọi việc, chớ để lãng phí sinh mệnh quý báu của mình mà vướng víu với tiểu nhân.
Kẻ thiện người khinh, Trời chẳng khinh
Vì sao quân tử không nên đấu với tiểu nhân?
Là vì:
Quân tử ở nơi sáng, tiểu nhân ở nơi tối.
Quân tử thuyết đạo lý, tiểu nhân nói tà lý.
Quân tử ngôn hành nhất trí, tiểu nhân bằng mặt không bằng lòng.
Quân tử nghiêm khắc với bản thân, tiểu nhân bàn mưu tính kế với người khác.
Quân tử lo nghĩ cho đại cục, tiểu nhân vì cá nhân mà bỏ qua tập thể.
Quân tử lòng dạ thoáng đãng, tiểu nhân bụng dạ hẹp hòi.
Quân tử làm việc đến nơi đến chốn, tiểu nhân làm việc trống rỗng hư không.
Người quân tử cho dù gặp cảnh khốn cùng hay tuyệt lộ thì vẫn ung dung đĩnh đạc, kiên trì với nguyên tắc làm người của mình
Tục ngữ có câu: «Ruồi không cắn được vỏ trứng». Quân tử giữ thân đoan chính, nghĩa là làm việc chính, ngồi ngay ngắn, không làm việc xấu hổ với trời đất, hành vi tư tưởng không hổ thẹn với bản thân. Trước một bậc chính nhân quân tử như thế, tiểu nhân không có mánh khoé nào, cũng tìm không được sơ hở để thực hiện ý đồ.
Người đang làm, Trời đang nhìn
Người tốt thường phải chịu thiệt thòi nhưng đạo Trời vốn công bình, lẽ đời tự có trả có vay. Người khác thiếu nợ bạn, Trời sẽ hoàn trả cho bạn. Người khác xử tệ với bạn, Trời sẽ bồi thường cho bạn.
Tăng Tử từng nói: «Người làm điều thiện, phúc tuy chưa đến mà họa đã rời xa». Thiện lương của mỗi người là lá bùa hộ thân cho chính mình. Từ bỏ ác tâm chính là không kích động điều bất thiện, trừ bỏ ham muốn bản thân và rời xa thị phi.
Phẩm đức của quân tử giống như mặt trời, chiếu sáng những nơi tối tăm trên thế gian, không chỉ chiếu sáng người khác mà còn sưởi ấm bản thân mình.
Khổng Tử nói: «Người quân tử yêu cầu chính là bản thân, kẻ tiểu nhân yêu cầu chính là mọi người».
Gieo nhân ác gặp ác báo, gieo nhân thiện được thiện quả. Thiện niệm trong tâm hễ khởi lên, phúc báo theo đó lần lượt đến. Phúc báo không ở đâu xa mà ở sự tu dưỡng nội tâm và hành vi của chúng ta mà thôi.
Mạn Vũ

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét