CHIA SẺ TIN MỪNG
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(09-06-2019)
(09-06-2019)
Bài đào sâu
Bình an là quà tặng của Thiên Chúa
• TIN MỪNG: Ga 20,19-23
Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ
Câu hỏi gợi ý:
1. Có thể hạnh phúc khi không có bình an không?
2. Có mấy thứ bình an? Trong bài Tin Mừng, thứ bình an mà Đức Giêsu ban cho các tông đồ là thứ nào?
3. Muốn được thứ bình an của Thiên Chúa thì ta phải làm gì? Điều quan trọng nhất để được thứ bình an ấy là gì?
Suy tư gợi ý:
1. Bình an là một yếu tố cần thiết trong cuộc đời
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chúc bình an cho các tông đồ tới hai lần. Một lần trước khi cho các ông chứng nghiệm thật rõ ràng và chắc chắn rằng Ngài đã sống lại thật. Một lần trước khi trao sứ mạng, ban Thánh Thần và ban quyền «cởi buộc» cho các ông. Điều đó có ý nghĩa là sự bình an trong tâm hồn là một yếu tố cần thiết để có kinh nghiệm về Thiên Chúa, để nhận lãnh Thánh Thần, để đón nhận và thi hành sứ mạng tông đồ, và để phán xét khi thực thi quyền tháo cởi hay cầm buộc.
Thật vậy, bình an là điều kiện nền tảng của hạnh phúc, của sự khôn ngoan sáng suốt, của đời sống tâm linh. Thiếu bình an, ta không thể sống hạnh phúc, ta sẽ mất khôn ngoan sáng suốt. Thường xuyên mất bình an trong tâm hồn chứng tỏ một đời sống tâm linh còn non kém. Vì thế, bình an là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc đời.
2. Hai thứ bình an
Có hai thứ bình an: bình an bên ngoài và bình an bên trong.
a) Bình an bên ngoài: là thứ bình an bị lệ thuộc vào hoàn cảnh hay những hay điều kiện ngoài mình. Ta được thứ bình an này khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, dễ dàng, không bị đe dọa, không có nguy hiểm, không gặp khó khăn, được vừa ý mọi chuyện… Thứ bình an này người khác có thể ban tặng hay tạo ra cho ta, mà cũng có thể làm ta mất đi.
b) Bình an bên trong: là thứ bình an không bị lệ thuộc ngoại cảnh mà tùy thuộc tình trạng hay thái độ nội tâm. Một người có nội tâm vững vàng vẫn có thể cảm thấy tâm hồn mình bình an cho dù gặp nghịch cảnh, bị đe dọa, gặp nguy hiểm, khó khăn, hay gặp chuyện không vừa ý. Thứ bình an này, ngoài Thiên Chúa ra, không ai có thể ban hay tạo cho ta, và cũng không dễ dàng lấy mất đi của ta.
Một người được bình an bên ngoài nhưng không có bình an bên trong thì không cảm thấy hạnh phúc. Nhưng người có bình an bên trong thì dù không có bình an bên ngoài vẫn có thể hạnh phúc. Nhiều vị thánh sống rất thiếu thốn, gặp toàn nghịch cảnh, thậm chí đang phải sống giữa những nguy hiểm, nhưng tâm hồn vẫn có thể bình an và tràn đầy niềm vui.
3. Bình an là món quà quí báu của Thiên Chúa
Đức Giêsu đã từng nói về hai thứ bình an trên: «Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Bình an mà Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay không phải là thứ bình an bên ngoài, mà là bình an bên trong, một khi đã có thì không ai lấy mất được, trừ khi chính ta làm mất nó. Nó là nền tảng cho những niềm vui nội tâm cũng không ai lấy mất được (x. Ga 16,22). Bình an và niềm vui ấy được xây dựng trên những lý do siêu nhiên, khác với bình an và niềm vui dựa trên những lý do tự nhiên hay ngoại cảnh: «Anh em chớ vui mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời» (Lc 10,20).
Bình an nội tâm ấy chính là hoa quả của Thánh Thần (x. Gl 5,22; Rm 8,6; 14,17), và xuất phát từ Thiên Chúa (x. Rm 15,33; 16,20; 2Cr 13,11; Pl 4,9), vượt lên trên mọi hiểu biết của con người (x. Pl 4,7). Nhưng để đạt được sự bình an này thì điều quan trọng là phải có đức tin (x. Rm 15,13). Không đức tin, hoặc đức tin kém cỏi, ta không thể nhận được bình an của Thiên Chúa.
4. Đức tin là điều kiện quan trọng để nhận được bình an của Thiên Chúa
Để có được bình an nội tâm, thứ bình an tự tại, không bị lệ thuộc vào những điều kiện hay hoàn cảnh bên ngoài, điều quan trọng là phải có một đức tin vững mạnh. Một người thật sự tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, tin vào tình thương vô bờ bến và quyền năng vô biên của Ngài, người ấy luôn sống trong bình an.
Chẳng hạn, một trong những điều khiến ta dễ dàng mất bình an là sự bấp bênh của cuộc sống. Chúng ta lo sợ bị mất việc làm, bị thất bại trong công việc làm ăn, bị lừa đảo, bị kẻ ác hãm hại, v.v… Tất cả những điều chúng ta lo sợ ấy rất có thể xảy ra cho chính chúng ta. Chúng ta thường tưởng tượng rằng nếu những bất lợi ấy xảy ra, chúng ta sẽ lâm vào cảnh bất hạnh ngay. Chúng ta không muốn bị bất hạnh, bị lâm vào cảnh khổ. Vì thế, dù những điều đó chưa xảy ra, tâm hồn chúng ta vẫn canh cánh những nỗi lo âu sợ sệt, nhất là khi thấy xác xuất xảy ra khá lớn.
Nhưng nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa đầy quyền năng, Ngài quan phòng mọi sự, không gì xảy ra được ngoài thánh ý của Ngài, và Ngài cũng không bao giờ muốn điều xấu xảy ra cho chúng ta, thì chúng ta sẽ luôn vững dạ an tâm.
Niềm tin ấy rất có nền tảng trong Kinh Thánh. Đức Giêsu nói: «Nếu hoa cỏ ngoài đồng nay còn mai đã quẳng vào lò mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó» (Mt 6,30-32). Chuyện nhỏ nhất xảy ra dưới trần cũng không xảy ra ngoài thánh ý của Thiên Chúa: «Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ» (Mt 10,29-31).
Thiếu niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa khiến chúng ta luôn sống trong lo âu. Nhiều khi chúng ta không dám làm những điều lương tâm đòi buộc, vì nghĩ rằng khi làm những điều ấy thì sẽ có nguy cơ bị lâm vào cảnh khổ, bị tù đày, bị hãm hại. Vì thế, chúng ta ưu tiên lo cho sự an nguy của ta hơn là lo thực hiện thánh ý của Ngài. Nhưng Đức Giêsu bảo: «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước đã, còn mọi sự khác Người sẽ thêm cho sau» (Mt 6,33).
5. Tin rằng thánh ý Thiên Chúa luôn luôn đem lại lợi ích và hạnh phúc nhiều nhất cho ta, thì sẽ được bình an
Đương nhiên người tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng gặp những thuận cảnh, hay luôn luôn gặp bình an bên ngoài. Rất có thể Thiên Chúa phải thử thách chúng ta để chúng ta nên hoàn thiện hơn, và nhờ đó hạnh phúc hơn. Chính Thiên Chúa cũng đã làm cho «Đức Giêsu phải trải qua gian khổ để trở nên vị lãnh đạo thập toàn» (Dt 2,10). Ngài cũng đối xử như thế với những người mà Ngài yêu thương và tuyển chọn: «Những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính» (Rm 8,30), và cách Ngài làm cho họ nên công chính là thử thách họ bằng đau khổ: «Anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, vì Thiên Chúa muốn anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường» (1Pr 5,10).
Nói chung, tất cả những đau khổ mà Thiên Chúa gửi đến đều nhằm ích lợi cho ta: «Thiên Chúa làm cho mọi sự phối hợp lại đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (Rm 8,28). Tương tự như cha mẹ bắt con phải uống thuốc đắng, phải bị chích thuốc hay phải chịu giải phẫu đau đớn, chính là để tránh cho chúng những đau khổ lớn hơn, hoặc để chúng hạnh phúc vì có sức khỏe.
Trong cuộc đời, không ai tránh được đau khổ. Rất nhiều khi tránh đau khổ này thì ta lại gặp phải đau khổ khác lớn hơn. Người đời vẫn nói: «Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa», «Ghét của nào Trời trao của ấy».
Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng khi tôi sẵn sàng đón nhận những đau khổ mà Thiên Chúa muốn tôi chịu, thì đó là cách tốt nhất để cuộc đời tôi chịu ít đau khổ nhất, và được hạnh phúc nhiều nhất. Tôi thấy những ai tìm đủ mọi cách để tránh đau khổ dẫu phải làm những điều trái lương tâm, và không chấp nhận những đau khổ Chúa gửi đến, thì cuối cùng người ấy phải chịu nhiều đau khổ hơn gấp bội so với người sẵn sàng đón nhận đau khổ Ngài gửi đến. Chính sự sẵn sàng đón nhận những đau khổ Chúa gửi đến làm cho tâm hồn ta luôn bình an.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, bình an Cha ban còn tùy thuộc vào thái độ nội tâm của con rất nhiều. Cha không thể ban thứ bình an của Cha cho con khi tâm hồn con đầy nghi ngờ về tình thương và quyền năng của Cha. Cha không thể ban bình an cho con khi lúc nào con cũng muốn tránh tất cả mọi đau khổ, không muốn chấp nhận một đau khổ nào dẫu là đau khổ Cha muốn con chịu. Vậy, xin Cha hãy củng cố đức tin và lòng mến của con đối với Cha, để con nhận được sự bình an của Cha, của Thánh Thần Cha.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Tại sao Giáo Hội hiện nay kém phát triển về số lượng?
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/06/hien-xuonga.html).
Tại sao Giáo Hội hiện nay kém phát triển về số lượng?
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/06/hien-xuonga.html).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét