Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

TN29b - Hãy cầu xin như một người con, đừng xin như một ăn mày




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên

(20-10-2019)

Bài đào sâu


Hãy cầu xin như một người con, đừng xin như một ăn mày



  TIN MỪNG: Lc 18,1-8

Dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy


Câu hỏi gợi ý:
1. Thiên Chúa có muốn ta phải xin cho thật lâu thật nhiều, và phải lập đi lập lại nhiều lần điều ta muốn xin, thì Ngài mới ban cho không?

2. Nếu ta xin những điều ta thấy thật là cần thiết cho ta, mà chẳng thấy Ngài ban cho, thì ta nên nghĩ thế nào?

3. Cầu nguyện có nhất thiết phải dùng lời không? Có những cách cầu nguyện nào không dùng tới lời nói không? Cách nào hay hơn?


Suy tư gợi ý:

1.  Thiên Chúa không thể làm ngơ trước lời cầu xin của con người

Đời sống con người quả thật có những lúc đau khổ, thiếu thốn, mà con người không thể làm gì được, cũng không thể cầu cứu ai được ngoài Thiên Chúa. Những lúc đó, con người nên kêu cầu Thiên Chúa, và tin tưởng rằng Ngài là người Cha nhân hậu, luôn luôn thỏa mãn những gì mà con người cần cho đời sống của họ.

Đức Giêsu đưa ra một lập luận để chứng tỏ điều đó. Ngay cả một ông quan vô đạo đức mà cũng phải nhậm lời cầu xin của một bà góa nếu bà ta cứ xin mãi. Ông ta nhậm lời bà không phải vì ông ta tốt lành gì, mà vì để mình khỏi bị quấy rầy nữa. Một người vô lương tâm, thiếu đạo đức mà còn phải nhậm lời những người cầu xin mình mãi, huống gì những người có đạo đức, có lòng thương người! Mà Thiên Chúa là Đấng nhân lành hơn ai hết, chẳng lẽ lại có thể làm ngơ được trước những người thành tâm, có nhu cầu thật sự, kêu cầu Ngài. Vì thế, khi cầu nguyện, ta hãy tin tưởng vào tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa.



2.  Giá trị của lời cầu xin nằm ở chất chứ không phải lượng

Khi nói dụ ngôn này, Đức Giêsu không có ý nói phải cầu xin cho thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhậm lời, làm như thể Ngài cũng giống như ông quan kia, cứ phải để cho người ta xin cho thật nhiều thật lâu thì mới ban cho. Qua dụ ngôn này, Ngài muốn ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, chứ không phải khuyên ta cầu xin cho dài hay phải lập lại cho thật nhiều lần lời cầu xin của mình. Chính Ngài cũng đã khuyên: «Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin» (Mt 6,7-8).

Phẩm chất của lời cầu nguyện nằm ở chất lượng chứ không phải số lượng hay thời gian cầu nguyện. Một lời cầu nguyện có giá trị trước mặt Thiên Chúa là một lời cầu nguyện thấm nhuần tinh thần tin yêu, xuất phát từ niềm tin tưởng và phó thác vào tình yêu, vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời từ tâm tình yêu thương đích thực của mình đối với Thiên Chúa được biểu hiện cụ thể thành hành động. Một lời cầu xin rất ngắn, thậm chí không được phát thành lời, mà chỉ là tâm tình yêu thương tin tưởng như trên, thì giá trị gấp triệu lần những lời cầu xin dài dòng mà thiếu những tâm tình cần thiết ấy. Không khéo, chúng ta sẽ biến đạo của mình thành một đạo xin, và tự biến mình thành những kẻ ăn mày.



3.  Hãy cầu xin như một người con, đừng xin như một ăn mày

Cách xin của kẻ ăn mày khác hẳn với cách xin của một người con. Người con thì biết cha mẹ là người yêu thương mình nhất trên đời, và tin tưởng chắc chắn rằng các ngài luôn luôn thỏa mãn những gì mình cần. Vì thế, người con chỉ cần nói với cha mẹ mình một tiếng và chờ đợi cha mẹ mình thoả mãn nhu cầu của mình. Còn người ăn mày thì không dám tin tưởng rằng người mình xin thương yêu mình thật sự để sẵn sàng bố thí cho mình, nên xin với tâm tình được chăng hay chớ, được thì mừng mà chẳng được thì đành chịu vậy. Vì thế, người ăn mày phải lải nhải van xin để đánh động lòng thương của người khác.

Thiên Chúa là Cha đầy tình thương, và chúng ta là con cái Ngài. Ngài không cần ta phải đánh động lòng thương của Ngài, làm như tình thương của Ngài đã đi vắng hay ngủ quên. Coi chừng kẻo chúng ta đánh giá tình thương Ngài quá thấp, và đó là một cách vô tình xúc phạm đến Ngài. Đồng thời có thể chúng ta cũng đã tự hạ thấp phẩm giá của mình trước mặt Thiên Chúa: thay vì làm một đứa con được yêu thương chăm sóc, thì lại làm như một kẻ ăn mày xa lạ từ đâu tới trước cửa nhà.

Chính vì thế, đã 30 năm nay, tôi chẳng cầu xin bằng lời cho bằng dùng tâm tình thật sự của một người con, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào tình thương, vào sự quan phòng đầy khôn ngoan sáng suốt của Thiên Chúa. Vì thế, dường như không một nhu cầu chính đáng nào của tôi mà không được Ngài thỏa mãn, cho dù tôi chẳng hề lên tiếng cầu xin. Tôi nghĩ, cần gì phải lên tiếng khi mà chưa mở miệng thì Ngài đã biết mình nghĩ gì, muốn gì, xin gì rồi. Và khi nhận thấy Thiên Chúa đã thỏa mãn nhu cầu hay điều tôi mong muốn, thì tôi nhận ngay ra tình thương phụ tử của Ngài đối với mình, nên cố gắng đáp lại tình thương ấy một cách quảng đại, đầy yêu thương, bằng hành động thật sự.



4.  Trường hợp Thiên Chúa không thỏa mãn điều mình mong ước

Nếu có một nhu cầu hay một điều mong muốn nào của mình không được thỏa mãn, dù mình nghĩ nó rất chính đáng và thật sự cần thiết, thì sao? Lúc đó ta nên nghĩ rằng Ngài khôn ngoan sáng suốt hơn mình gấp triệu lần, cách hành động của Ngài chắc chắn có lợi cho mình hơn cách mình nghĩ. Ta hãy phó thác mọi sự cho Ngài, và để mặc Ngài hành động. Nếu Ngài ban cho, thì việc ban cho ấy chắc chắn là điều có lợi cho ta. Nếu Ngài không ban cho thì việc không ban cho ấy chắc chắn cũng vì ích lợi cho ta.

Kinh nghiệm làm cha mẹ đã dạy tôi điều ấy. Trước hết, tôi không hề để cho con tôi phải xin nhiều lời rồi mới cho. Việc gì tôi thấy cần thiết và ích lợi cho nó, thì dù nó có xin hay không xin, tôi cũng cho. Thậm chí nhiều thứ nó không xin vì thấy không cần, nhưng tôi thấy chúng cần thiết cho nó, thì tôi cho và buộc nó phải nhận lấy mà dùng. Còn việc gì tôi thấy cho có hại hơn không cho, hoặc không cho có lợi hơn là cho, thì dù nó có năn nỉ xin tới đâu tôi cũng không cho. Nhiều khi quan điểm của tôi và nó trái ngược nhau: nhiều điều nó nghĩ là cần thiết hoặc ích lợi thì tôi lại cho là không cần thiết hoặc không có lợi. Lúc đó tôi phải theo sự khôn ngoan của tôi −là người nhiều kinh nghiệm và khôn ngoan hơn nó− chứ không phải theo sự suy nghĩ còn non nớt của nó. Nếu tôi đã quyết không cho mà nó cứ nằng nặc đòi thì tôi nổi quạu lên ngay. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa có lẽ cũng hành xử tương tự như vậy đối với con cái Ngài.



5.  Cầu nguyện không nhất thiết phải dùng lời

Thiên Chúa thấu hiểu hết tâm can tôi, Ngài biết hết mọi tư tưởng của tôi trước khi nó thành hình trong đầu tôi. Vì thế, tôi cảm thấy lời nói của tôi đối với Ngài trở thành thừa thãi, không cần thiết, nếu không muốn nói là có nhiều khi không hợp lý. Không nói với Ngài không có nghĩa là tôi không cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng có nhiều cách để cầu nguyện tốt hơn là cầu nguyện bằng lời nói. Đó là cầu nguyện bằng tâm tình và bằng hành động.

Nếu lời cầu nguyện không xuất phát từ những tâm tình có thực trong tâm hồn được biểu hiện cụ thể thành hành động, thì đó chỉ là những lời trống rỗng hoặc giả dối, chẳng có giá trị trước Thiên Chúa. Mà nếu đã có tâm tình yêu thương, biết ơn, cảm tạ đối với Ngài thì chắc chắn Ngài đã biết: nói ra hay không nói ra không phải là điều quan trọng, điều quan trọng chính là có những tâm tình đó thật sự hay không.

Vì thế, những lúc cầu nguyện, tôi chỉ để cho những tâm tình yêu thương, biết ơn, cảm tạ. tự động trào lên từ đáy lòng. Những tâm tình ấy tự động phát sinh khi tôi nhìn vào bản tính đầy tình phụ tử và yêu thương của Ngài, và vào những ân huệ lớn lao Ngài đã dành cho tôi. Những tâm tình ấy có thể khiến tôi bật thành lời, mà cũng có thể không. Và tôi cũng dành nhiều phút im lặng để lắng nghe Ngài nói trong tâm hồn, xem Ngài muốn nói gì với mình. Tôi cho rằng khi cầu nguyện, nói với Ngài là chuyện không cần thiết, vì Ngài đã hiểu hết mọi sự tôi muốn nói. Nhưng lắng nghe Ngài mới là chuyện hết sức cần thiết, vì tôi đâu biết được ý Ngài thế nào, phải lắng nghe Ngài thì mới biết Ngài muốn gì. Muốn thực hiện thánh ý Ngài mà lại không thèm nghe Ngài nói lên điều Ngài muốn thì thật là phi lý. Im lặng lắng nghe Ngài, ta sẽ học được nhiều điều khôn ngoan, và múc được rất nhiều sức mạnh từ nơi Ngài.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin làm cho con yêu mến Cha và những người chung quanh con một cách nồng nhiệt. Chính tình yêu ấy là cốt tủy cho đời sống cầu nguyện của con. Và cầu nguyện chính là hơi thở không thể không có của tình yêu ấy. Xin cho con hiểu được bản chất và cốt tủy của cầu nguyện chính là tình yêu. Không yêu thì không thể cầu nguyện đúng nghĩa được. Không yêu thì mọi lời cầu đều chỉ là những lời nói trống rỗng, không hồn. Vì thế, xin cho con biết quan tâm vun trồng tình yêu. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây . 


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét