Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Vong3b - Coi chừng kẻo mình vấp ngã khi Đức Giêsu đến lần thứ hai




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng

(15-12-2019)

Bài đào sâu

Coi chừng kẻo mình vấp ngã 
khi Đức Giêsu đến lần thứ hai


  TIN MỪNG: Mt 11,2-11

Đức Giêsu trả lời câu hỏi của ông Gioan Tẩy Giả



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Gioan Tẩy Giả lại sai môn đệ mình tới hỏi Ðức Giêsu xem Ngài có phải là Ðấng Cứu Thế không? Theo ông nghĩ, nếu Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế, là Vua Do Thái, thì ông sẽ đóng vai trò gì bên cạnh Ngài? 
2. Ðức Giêsu đến có đúng theo sự suy nghĩ và lòng mong ước của Gioan Tẩy Giả và của những người Do Thái thời đó không? Nếu Ngài đến lần thứ hai thì liệu có đúng theo sự suy nghĩ và lòng mong ước của chúng ta không? 
3.Tại sao khi Ðức Giêsu đến lại có biết bao người vấp phạm vì Ngài? Vì họ thiếu thiện chí, hay vì họ chấp nhất vào nguyên tắc? vào những quan niệm mà mình và biết bao người tưởng là đúng? Có thể rút kinh nghiệm từ lần Ngài đến trước để khi Ngài đến lần thứ hai ta khỏi vấp phạm vì Ngài không?

Suy tư gợi ý:

1.  Thắc mắc của Gioan Tẩy Giả

Gioan Tẩy Giả là người được Thiên Chúa kêu gọi làm một ngôn sứ, đồng thời làm vị Tiền Hô để dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến. Ông rất ý thức điều ấy, và đã hoàn thành nhiệm vụ ấy một cách hoàn hảo. Chính vì thế, ông đã bị ngồi tù do dám tố cáo những sai trái của chính quyền đương thời là vua Hêrốt. Tình trạng khó khăn và tuyệt vọng trong tù dễ làm người ta xuống tinh thần, vì thế, đức tin của Gioan vào Ðức Giêsu phần nào bị thử thách.

Có thể lúc đó ông tự hỏi: Nếu Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế mà ông có sứ mạng tiền hô cho Ngài, thì tại sao ông lại phải ngồi tù thế này? Nếu Ngài là Ðấng Cứu Thế, thì ắt hẳn Thiên Chúa phải để ông ở ngoài hầu hợp tác với Ngài thiết lập triều đại mới chứ! Ông sẽ phải là cánh tay mặt của Ngài chứ! Chắc chắn Gioan cũng quan niệm như mọi người Do Thái khác rằng Ðấng Cứu Thế sẽ giải phóng dân Do Thái và sẽ trở thành một vị Hoàng Ðế cai trị toàn cầu. Vì thế, khi Ngài đã bắt đầu ra mặt mà ông vẫn còn phải ngồi tù thế này thì quả là khó hiểu? Do đó, ông đã sai môn đệ của ông đến gặp Ðức Giêsu để hỏi cho rõ. Và họ đã đến gặp Ngài.



2.  Những điều ứng nghiệm nơi Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế

Ðức Giêsu đã không trả lời trực tiếp bằng cách xác định mình chính là Ðấng Cứu Thế, nhưng trả lời gián tiếp bằng những dấu hiệu mà trước đó khoảng 700 năm ngôn sứ Isaia đã tiên báo về thời đại của Ðấng Cứu Thế: «Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng» (xem Is 26,19; 29,18-19; 35,5-6a; 61,1). Ðó là những điều mà Ðức Giêsu đã dùng quyền năng của mình thực hiện trước mắt mọi người.

Thử đặt mình vào địa vị Gioan Tẩy giả và người Do Thái thời ấy xem, ta có thể tin được Ngài là Ðấng Cứu Thế không, khi mà đầu óc ta cứ nghĩ rằng Ngài sẽ giải phóng đất nước Do Thái bằng binh hùng tướng mạnh, bằng chính trị và quân sự? Thế mà hiện tại trước mắt, Ngài chỉ là một thầy đạo không một tấc sắt trong tay! Làm sao tin được Ngài là Ðấng ấy, nhất là khi thấy Ngài bị nộp và bị đem đi giết như một tội nhân?

Chính vì thế, ngay từ lúc này Ngài đã nói: «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi» (Mt 11,6). Liệu câu nói ấy có ứng cho chính chúng ta khi Ngài trở lại không? Nếu Ngài trở lại theo một cách thức thật bất ngờ, không đúng như cách ta vẫn thường nghĩ, liệu ta có vấp ngã vì Ngài không? Vì nếu Ngài trở lại đúng theo cách ta thường nghĩ, thì lời Ngài tiên báo là sẽ đến như kẻ trộm đâu còn đúng nữa? Vậy, ta cần phải tỉnh táo khi Ngài đến để khỏi vấp ngã vì Ngài.



3.  Ðức Giêsu đến để thực hiện một cuộc cách mạng tôn giáo

Tôi e rằng khi Ngài đến lần thứ hai, rất nhiều người sẽ vấp ngã và xúc phạm đến Ngài như lần Ngài đến trước, vì Ngài sẽ không đến theo như quan niệm của họ, nhất là về mặt tư tưởng và giáo thuyết. Lý do:

Nhân loại luôn luôn tiến hóa và đổi mới. Vì thế, các tôn giáo −vốn là phương tiện phục vụ con người, dẫn con người đến với Thiên Chúa− cũng phải thay đổi theo để phục vụ con người một cách phù hợp và hữu hiệu hơn. Hiện nay, nhân loại đã bước sang thời đại internet, toàn cầu hóa, với tinh thần khoa học thực nghiệm, kỹ thuật hết sức tân tiến. Về mặt chính trị, nhân loại không còn chấp nhận được những chế độ độc tài, bưng bít thông tin, tự do hà hiếp bóc lột dân chúng. 

Những quan niệm tôn giáo cũ có thể thích hợp với nhân loại cũ, thời đại cũ, với những quan niệm khoa học cũ. Nay nhân loại đã đổi mới, những quan niệm và thể chế tôn giáo không thay đổi để phù hợp sẽ bị đào thải. «Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư» (Lc 5,37). Ðương nhiên trong tôn giáo có những điều cốt tủy không bao giờ thay đổi được. Vấn đề quan trọng là phân biệt cái nào có thể thay đổi và cái nào là cốt lõi không thể thay đổi được.

Tôn giáo và luật lệ của tôn giáo là một cái gì linh thiêng, thần thánh, được hiểu là do Thiên Chúa thiết lập, được vĩnh cửu hóa và tuyệt đối hóa bằng những lời chắc nịch trong Kinh Thánh (chẳng hạn: St 9,12; Xh 12,14; 32,13b; Ðnl 29,28; 1 V 8,13; Tv 98,5; và vô số câu khác). Vậy thì có con người nào, có ai dám thay đổi? Chỉ có những Ðấng Thiên Sai như Ðức Giêsu mới có thể làm chuyện ấy. Chính Ðức Giêsu đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại về tôn giáo. Và cũng chính vì làm cuộc cách mạng ấy Ngài mới bị giết bởi tay các nhà lãnh đạo tôn giáo cũ. Thế là, như ta đã biết, vô số người đã vì Ngài mà vấp ngã!



4.  Cuộc cách mạng tôn giáo của Ðức Giêsu

Tôn giáo Do Thái do Thiên Chúa thiết lập nhưng do Môsê hình thành. Những luật lệ do Môsê ban hành được coi là linh thánh và vĩnh cửu, vì được hiểu là luật của Thiên Chúa. Nhưng thật ra luật ấy chỉ phù hợp với trình độ văn hóa và tâm linh của dân Do Thái thời thượng cổ. Luật ấy được xây dựng trên sự sợ hãi của dân chúng. Tương tự như khi con người còn là một đứa trẻ, muốn nó sống tốt thì không thể chỉ dùng lời khuyên và trông chờ vào sự hiểu biết của nó mà được. Lời khuyên hay mệnh lệnh phải đi đôi với roi vọt. Ðối với một đứa trẻ, chỉ cần nó sợ roi để làm theo những mệnh lệnh của người lớn là đã đạt yêu cầu, và chỉ cần như thế nó đã được coi là một đứa trẻ ngoan

Tôn giáo thời Cựu Ước ứng với phương pháp giáo dục dành cho trẻ con, không thể trông mong vào sự ý thức, hiểu biết, hay tình yêu của con người được. Tiêu chuẩn của sự công chính vào thời này là chỉ cần giữ luật cho đúng là được. Và người Pharisiêu thời Ðức Giêsu chính là mẫu người được coi là trọn hảo của thời Cựu Ước. Không ai còn có thể giữ luật trọn vẹn hơn họ!

Nhưng từ Môsê đến Ðức Giêsu, dân Do Thái đã trải qua khoảng 1250 năm, trình độ văn hóa và tâm linh của họ đã thay đổi. Họ đã thoát khỏi giai đoạn tạm gọi là trẻ con của họ để bước sang một giai đoạn trưởng thành hơn. Do đó, tôn giáo cũng phải thay đổi để thích hợp với trình độ mới của họ, và chính Ðức Giêsu là người có sứ mạng thực hiện sự thay đổi ấy. Tôn giáo mới không còn được xây dựng trên sự sợ hãi nữa, mà xây dựng trên nền tảng tình yêu

Dân Do Thái hay nhân loại lúc này được so sánh với một con người đã bước vào tuổi thanh niên. Cha mẹ không còn giáo dục anh chàng theo kiểu roi vọt nữa, mà mong đợi nơi anh sự ý thức tự giác và tình yêu. Lúc này, nếu anh học hành hay làm việc chỉ vì sợ cha mẹ đánh đòn, thì anh không còn được coi là hay là tốt nữa, mà phải do một động lực khác thúc đẩy: chẳng hạn do biết tự lo lắng cho tương lai, do biết yêu thương và làm hài lòng cha mẹ, muốn làm nở mày nở mặt cho gia tộc. 

Vì thế, cách sống hay giữ đạo vị luật của người Pharisiêu không còn được Ðức Giêsu coi là công chính nữa: «Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời» (Mt 5,20).

Những cuộc cách mạng vĩ đại về tôn giáo như Ðức Giêsu đã từng thực hiện chắc chắn thời nào cũng bị những người đương thời chống đối vì chưa nhận ra sự hợp lý của nó. Họ còn chấp vào những hiểu biết cũ, quan niệm cũ, nguyên tắc cũ đã được nhập tâm từ nhỏ, và được coi là những chân lý bất di bất dịch. Họ cảm thấy cần bảo vệ những chân lý ấy. Chính vì thế rất nhiều người vấp phạm khi Ngài đưa ra những quan niệm mới, nguyên tắc mới.

Ðể nói lên sự ưu việt của thời hậu cách mạng do Ðức Giêsu, Ngài đã đưa ra một thí dụ điển hình: «Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông» (Mt 11,11). Gioan Tẩy Giả là mẫu người công chính của Cựu Ước, sự công chính của ông không thể sánh ngang với sự công chính của thời Tân Ước được. Thật vậy, về tinh thần và phong cách sống đạo, giữa Gioan Tẩy giả và Ðức Giêsu, giữa các môn đệ của hai vị có sự khác biệt rõ rệt. Ðiển hình như: «Các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Ðức Giêsu rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?"» (Mt 9,14; Mc 2,18).

Vậy, chúng ta hãy tỉnh táo để khi Ðức Giêsu đến lần thứ hai, với những bất ngờ không dè trước được, chúng ta không vấp phạm vì Ngài: «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi» (Mt 11,6).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, lần trước Ðức Giêsu đến đã có biết bao người vấp phạm vì Ngài. Xin cho con rút ra được những kinh nghiệm và bài học quí báu từ những sự kiện trong Tin Mừng để khi Ngài đến lần thứ hai, chính con nhờ đó sẽ không vấp phạm vì Ngài. Xin giúp con sáng suốt nhận ra kinh nghiệm và bài học ấy. Amen.

Nguyễn Chính Kết




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét