Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Vong4b - Hai thứ tình yêu: vị kỷ và vị tha




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng

(22-12-2019)

Bài đào sâu

Hai thứ tình yêu: vị kỷ và vị tha



  TIN MỪNG: Mt 1,18-24

Truyền tin cho ông Giuse



Câu hỏi gợi ý:
1. Khi biết Maria có thai không phải do mình, thì Giuse đã hành xử thế nào? Cách hành xử đó chứng tỏ điều gì? Tình yêu của Giuse đối với Maria là một tình yêu vị kỷ hay vị tha? Qua bài Tin Mừng, ta có thể nhận ra những đức tính chủ yếu nào của Giuse? 
2. Người Kitô hữu tin rằng Ðức Maria đồng trinh trọn đời. Giữa đồng trinh thể chất và đồng trinh tinh thần, sự đồng trinh nào quan trọng hơn trước mặt Thiên Chúa? 
3. Khi làm con Ðức Maria và thánh Giuse, Ðức Giêsu đã trở nên người y như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ðiều ấy có trở nên nguồn an ủi cho bạn không? Có làm cho bạn bớt cô đơn khi đau khổ không?

Suy tư gợi ý:

1.  Bối cảnh của bài Tin Mừng

Giuse và Maria đã đính hôn với nhau, dự tính sẽ tiến tới một cuộc hôn nhân để có thể sống bên nhau trọn đời. Chắc chắn hai người rất thương yêu nhau. Mọi sự đang diễn biến tốt đẹp thì Giuse bỗng thấy Maria có thai mà không phải do mình. 

Ta thử đặt mình trong hoàn cảnh của Giuse để cảm thông nỗi thắc mắc và buồn khổ vô hạn của Giuse. Trước tình huống này, là con người, chắc chắn Giuse phải có lúc nghĩ rằng mình đã bị người yêu phản bội. Càng yêu Maria, ông càng cảm thấy bị xúc phạm, ghen tức và đau khổ. Những chàng trai khác mà gặp hoàn cảnh này có thể sẽ phản ứng bằng cách trả thù và rửa nhục. Cách trả thù hợp pháp nhất là đi tố cáo, vì sách Ðệ nhị luật đã qui định: «Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô và nằm với cô, thì cả hai phải bị lôi ra cửa thành để chịu ném đá, và chúng sẽ phải chết» (Ðnl 22,23-24).

Nhưng cách hành xử của Giuse là định tâm bỏ bà cách kín đáo. Chàng không muốn để người yêu của mình phải đau khổ và chết trong nhục nhã. Cho dù không được sống gần người mình yêu, cho dù nàng có phản bội mình và thuộc về người khác, Giuse vẫn luôn mong cho người mình yêu được hạnh phúc. Ðó mới là tình yêu đích thực. 

Vì thật ra, có hai thứ tình yêu.



2.  Hai thứ tình yêu

Tình yêu vị kỷ: tức yêu người khác vì hạnh phúc của chính mình. Do đó, luôn luôn coi hạnh phúc của mình quan trọng hơn hạnh phúc của người mình yêu. Ðây chỉ là một tình yêu giả hiệu, vì xét cho cùng thì hóa ra mình đã yêu chính mình qua người kia, chứ không phải là yêu người ấy thật sự. Người kia chỉ là một phương tiện đem hạnh phúc đến cho mình. Giuse đã không yêu Maria bằng thứ tình yêu này. Người Kitô hữu cũng không nên yêu bằng thứ tình yêu vị kỷ này.

Tình yêu vị tha hay tình yêu dâng hiến: yêu người khác vì chính người mình yêu, coi hạnh phúc của người yêu quan trọng hơn hạnh phúc của mình, nên sẵn sàng chấp nhận đau khổ hoặc hy sinh hạnh phúc của mình cho người mình yêu. Ðây mới là tình yêu đích thực mà Giuse đã dành cho Maria. Ðúng ra, mọi cặp vợ chồng Kitô hữu đều phải yêu thương nhau bằng thứ tình yêu này thì họ mới đúng là Kitô hữu đích thực, nhờ đó gia đình họ sẽ luôn luôn hạnh phúc.



3.  Giuse là người công chính

Thế rồi Giuse nằm mơ thấy sứ thần cho biết sự thật về Maria, và sứ thần khuyên ông: «Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về» (Mt 1,20b). Chỉ có lòng khoan dung và tình yêu mạnh mẽ chân thật đối với Maria, cộng với tinh thần nhạy cảm với thánh ý Thiên Chúa, Giuse mới có thể làm theo lời sứ thần bảo trong giấc mơ. Vì bình thường những người có đầu óc thực tế mấy ai lại tin vào giấc mơ. Do đó, ta thấy có một sự dằng co mãnh liệt trong tâm hồn Giuse. Vì để đưa Maria về nhà mình, ông đã phải thắng được tính tự ái cá nhân, đã can đảm bất chấp dư luận bất lợi của những người ngoài cuộc, và chấp nhận sự nhục nhã có thể xảy ra (khi nhận ra giấc mơ chỉ là ảo ảnh). Tin Mừng còn cho biết: «Sau đó, ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai» (Mt 1,25); điều đó nói lên khả năng tự chủ, bản lĩnh và sức mạnh tinh thần cao độ của Giuse.

Như vậy, cách hành xử của Giuse trong bài Tin Mừng cho thấy ông là người có tình yêu chân thực, khoan dung, nhân hậu, kín đáo, tự chủ, có bản lĩnh, có lập trường vững chắc, nhẫn nhục và rất nhạy cảm với thánh ý Thiên Chúa. Những đức tính ấy chứng tỏ ông đúng là một người công chính, xứng đáng là cha nuôi Ðức Giêsu, là bạn trăm năm của Ðức Maria, và là mẫu gương thánh thiện rất thực tế cho chúng ta.



4.  Ðức Giêsu sinh ra bởi mẹ đồng trinh

Chủ ý của bài Tin Mừng hôm nay không nhắm vào sự công chính của Giuse cho bằng sự thụ thai kỳ diệu của Ðức Giêsu nơi cung lòng đồng trinh của Maria do quyền năng Thánh Thần. Thông thường, nói tới sự đồng trinh của Ðức Maria, người ta thường nghĩ tới sự đồng trinh thể chất, ít ai nghĩ tới sự đồng trinh về mặt tinh thần của Ngài. Cả hai mặt của sự đồng trinh ấy đều quan trọng và cần thiết. Nhưng nếu chỉ đồng trinh về mặt thể chất mà không có mặt tinh thần thì đồng trinh ấy chẳng còn ý nghĩa! Sự đồng trinh về tinh thần nơi Ðức Maria quan trọng hơn rất nhiều.

Trước mặt Thiên Chúa, đồng trinh về mặt tinh thần có nghĩa là có tâm hồn trọn vẹn hướng về Ngài, hoàn toàn dâng hiến bản thân cho Ngài để hoàn toàn thuộc về Ngài, không còn thuộc về chính mình nữa. Trong chiều hướng đó, Ðức Maria đã sống tinh thần tự hủy, để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Biểu hiện quan trọng và rõ rệt nhất là không còn coi ý riêng của mình là quan trọng, thậm chí không còn ý riêng nữa, để chỉ biết có thánh ý Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, Ðức Maria cũng có thể nói như Ðức Giêsu: «Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Ðấng đã sai tôi» (Ga 5,30; x. 6,38), hay như thánh Phaolô: «Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Thiên Chúa sống trong tôi» (Gl 2,20). Trọn cuộc đời của Ngài đã chứng tỏ sự đồng trinh tinh thần ấy, được biểu hiện qua mọi hành vi của Ngài, cụ thể nhất qua hai chữ «Xin vâng» khi sứ thần truyền tin cho Ngài.

Mọi người Kitô hữu, kể cả người sống bậc vợ chồng, nhất là những kẻ quyết tâm theo Chúa, quyết tâm nên thánh, đều có thể và cần phải sống đồng trinh hiểu theo nghĩa tinh thần, nghĩa là sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Trước mặt Thiên Chúa, một người đồng trinh về mặt thể chất, nhưng lại không đồng trinh về mặt tinh thần, chắc chắn không có giá trị bằng những người tuy không đồng trinh về mặt thể chất, nhưng lại đồng trinh về mặt tinh thần. Vì đồng trinh thể chất chỉ là phương tiện đồng thời là một dấu chỉ hay hình thức cụ thể nhất của sự đồng trinh tinh thần vốn phải là bản chất và nội dung của đồng trinh thể chất

Quá nhấn mạnh và đề cao sự đồng trinh thể chất mà quên lãng hay không đề cao sự đồng trinh tinh thần là một thứ tu đức què quặt và bị lạc hướng. Sự đồng trinh tinh thần bao giờ cũng có giá trị hơn rất nhiều, cho dù đồng trinh thể chất vẫn có giá trị riêng của nó.



5.  Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng làm người giống y như ta

Qua bài Tin Mừng, ta thấy: để là một con người, Ðức Giêsu đã sống trong một gia đình, có cha có mẹ, trong một xã hội có vua có quan, có phép có tắc, trong một tôn giáo có phẩm có trật, có luật có lệ, y trang như mọi người. Ngài đã hoàn toàn «trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế» (Pl 2,7), cũng «sinh làm con của một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật» (Gl 4,4) như chúng ta, cũng «phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8-9). Vì thế, Ngài «không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15-16). Chắc chắn Ngài cũng nghĩ như triết gia Terence: «Tôi là con người, tôi nghĩ không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi» (Publius Terentius: «Homo sum, humani nihil a me alienum puto», or «I am human, and I think nothing human is alien to me»).

Ngài cũng từng kinh nghiệm những yếu đuối của con người khi bị ma quỉ cám dỗ (x. Mt 4,1-11). Vì thế, khi tôi yếu đuối, sa ngã, tội lỗi, tôi cảm thấy Ngài có thể thông cảm với tôi một cách sâu xa, và tôi biết Ngài sẵn sàng tha thứ chính vì Ngài đã từng cảm nhận được sự yếu đuối của con người như tôi.

Những điều của con người mà Ngài cảm nghiệm được nhiều nhất chính là đau khổ và sự chết. Dường như mọi hình thức quan trọng của đau khổ Ngài đều đã cảm nghiệm: phản bội, oan ức, bị đàn áp, bóc lột, mất mát, roi vọt, nhục nhã. Ðiều này làm tôi cảm thấy rất được an ủi khi gặp đau khổ. Tôi nhận ra Ngài đã dùng đau khổ của chính mình để xoa dịu những đau khổ của tôi. Ngài đã dùng thương tích của chính Ngài để chữa lành những vết thương của tôi (x. 1Pr 2,24b). Nghĩ như thế, tôi không cảm thấy cô đơn trong đau khổ, vì tôi cảm thấy như Ngài đang cùng đau khổ với tôi, để biến những đau khổ của tôi thành một giá trị cao cả.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con học được tình yêu chân thật, vị tha nơi Ðức Giêsu, Ðức Maria và thánh Giuse. Cho con biết yêu Cha vì Cha, yêu mọi người vì mọi người. Như vậy để yêu chân thực, con phải có tinh thần tự hủy, quên mình. Xin cho con thực hiện được thứ tình yêu chân thực ấy trong đời sống thường ngày của con. Amen.

Nguyễn Chính Kết




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét