Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

TN2b - Đặc tính nơi những ngôn sứ thật của Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên

(19-01-2020)

Bài đào sâu

Các đặc tính 
nơi những ngôn sứ thật 
của Thiên Chúa 



  TIN MỪNG: Ga 1,29-34

Ðây Chiên Thiên Chúa


Câu hỏi gợi ý:
Tại sao Gioan lại giới thiệu Ðức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian? Ý nghĩa sâu xa của những từ ngữ đó thế nào? 
2.   Vai trò của Gioan Tẩy Giả đối với Ðức Giêsu như thế nào? Tư cách của ông có xứng với vai trò hay sứ mạng của ông không? Tư cách ấy là gì? 
3.   Qua tư cách và hành động của Gioan, bạn có thể rút ra kết luận gì cho cuộc đời ngôn sứ của bạn? (nên nhớ mỗi Kitô hữu phải là một ngôn sứ!)

Suy tư gợi ý:

1.  Lời giới thiệu đầu tiên của Gioan về Ðức Giêsu

Ðức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức sám hối thay cho cả nhân loại qua phép rửa của Gioan, và kết thúc cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức đền tội thay cho cả nhân loại qua cái chết thê thảm trên thập giá. Và hôm nay, ít ngày sau khi Gioan rửa tội cho Ðức Giêsu, ông liền giới thiệu cho dân chúng biết Ngài là ai, và một phần nào báo trước cái chết của Ngài: «Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá bỏ tội trần gian!» (Ga 1,29). Muốn hiểu hết ý nghĩa lời giới thiệu ấy, ta cần biết tập tục sau đây của người Do Thái:

Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa đáng lẽ phải trả giá bằng sinh mạng của chính con người, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận để con chiên chết thay con người. Ðức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh như thế: «Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta» (1Cr 5,7).


Lời giới thiệu của Gioan còn ngầm nói lên bản tính Thiên Chúa của Ðức Giêsu: «Chính Người là Ðấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi» (Ga 1,30). Theo lời thiên thần nói khi truyền tin cho Ðức Maria, ta biết khi Ðức Maria thụ thai thì bà Êlisabét, đã có thai Gioan được 6 tháng (x. Lc 1,36b). Nghĩa là xét về mặt thể chất, Gioan đã ra đời trước Ðức Giêsu nửa năm. Nhưng Gioan lại giới thiệu Ðức Giêsu là Ðấng «có trước» mình. Như vậy từ ngữ «có trước» ở đây không thể hiểu theo nghĩa thể chất, mà phải theo nghĩa tâm linh, nghĩa là ông ám chỉ nguồn gốc thần linh của Ðức Giêsu.



2.  Gioan, người dọn đường cho Ðức Giêsu

Ðể chuẩn bị xa cho việc Ðức Giêsu đến với nhân loại, Thiên Chúa đã nhờ các ngôn sứ tiên báo biến cố ấy hàng mấy trăm năm trước, bằng cách này hay cách khác. Ðể chuẩn bị gần, Ngài dùng một người tiền hô, có nhiệm vụ dọn đường và giới thiệu. Người đó là Gioan Tẩy Giả.


Gioan là bà con với Ðức Giêsu, vì mẹ của ông Gioan là chị họ của Ðức Giêsu (x. Lc 1,35a). Vì thế, chắc chắn ông Gioan và Ðức Giêsu đã quen biết nhau, nhưng Gioan không biết hoặc biết không chắc chắn Giêsu là Ðấng Thiên Sai. Chỉ khi Ðức Giêsu đến với ông xin chịu phép rửa và sau đó có những dấu chứng từ trời cao, ông mới biết điều đó cách chính xác. Vì chính Thiên Chúa đã báo trước cho ông điều ấy, như ông từng nói: «Chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn”» (Ga 1,33-34). Khi đã biết đích xác Ðức Giêsu là ai, Gioan bắt đầu làm chứng về Ngài.



3.  Những ngôn sứ của Thiên Chúa

Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho ta thấy: những người làm ngôn sứ trong các thời đại, luôn luôn có sự giao tiếp với Thiên Chúa, và được chính Thiên Chúa kêu gọi, sai phái, không nhất thiết phải qua một trung gian người nào (xem Is 6,1-12; Gr 1,5-19). Lời kêu gọi đó có những trường hợp khó có thể chối từ như trường hợp của ngôn sứ Giona (x. Gn 1,1-2,11). Các ngôn sứ cũng được Ngài soi sáng, cho biết hết kế hoạch của Ngài (x. Am 3,7), được Ngài hướng dẫn cụ thể những việc phải làm (rất nhiều câu bàng bạc trong các sách ngôn sứ chứng tỏ điều ấy)

Các ngôn sứ được chính Thiên Chúa kêu gọi, sai phái,
không nhất thiết phải qua một trung gian người nào
(xem Is 6,1-12; Gr 1,5-19)

Nhờ sự rõ ràng đó, các ngôn sứ mới tin tưởng vào sứ mệnh và lời chứng của mình, và lời chứng của họ mới có sức mạnh thuyết phục. Nếu không, lời chứng của họ chỉ là những xác quyết thiếu căn cứ, dựa trên những tin tưởng rất chủ quan, hoặc chỉ là những lời tuyên xưng xuông (không thực tín). Nếu chỉ dựa trên những tin tưởng chủ quan, không dựa trên những nền tảng chắc chắn mà lại dám lấy cả mạng sống mình để làm chứng thì thật là ngu dại, thậm chí có thể khiến những kẻ nghe mình đi vào sai lầm trầm trọng.

Tương tự như Ðức Giêsu và Gioan Tẩy Giả, các ngôn sứ thường không thuộc hàng chức sắc trong tôn giáo. Nhiều trường hợp, các ngôn sứ còn lên tiếng quở trách, kết án, chỉ dẫn và sửa sai chẳng những hàng chức sắc này (x. Is 56,10-12; Gr 23,1-4; Ed 34,1-31; 44,15-31; Hs 4,4-10; 5,1; đặc biệt Mt 23,13-32), mà cả vua chúa quan quyền nữa (x. Is 10,1-3; 10,5.12; 14,24-27, đặc biệt Mt 14,4). Ðiều này chứng tỏ không phải cứ thuộc hàng chức sắc trong tôn giáo thì ngoại trừ bề trên mình là chức sắc cao cấp hơn, không còn ai có quyền chỉ dạy hay sửa sai mình.

đã là ngôn sứ thật, thì phải dám nói lên tiếng nói của chân lý, công lý và tình thương, đồng thời dám chịu đau khổ và dám chết vì lời chứng của mình giống như Gioan. Ðó là đặc điểm không thể thiếu của những ngôn sứ thật đến từ Thiên Chúa

Đã là ngôn sứ thật, thì phải dám nói lên tiếng nói của chân lý, công lý và tình thương,
đồng thời dám chịu đau khổ và dám chết vì lời chứng của mình giống như Gioan.

Người vì sợ liên lụy đến bản thân nên không dám bênh vực cho Thiên Chúa và tha nhân, cho chân lý, công lý và tình thương, thì chắc chắn không phải là ngôn sứ thật, dù họ có mang danh là đại ngôn sứ đi chăng nữa! Ðó là dấu chứng chắc chắn để phân biệt thật giả. Và cũng chính vì yếu tố đặc trưng này mà luôn luôn số phận của các ngôn sứ thật là bị ném đá và bạc đãi, còn ngôn sứ giả thì được ưu đãi, trọng vọng, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi do những thế lực phản công lý dành cho để thưởng công cho sự im lặng rất lợi hại của họ (xem Lc 6,22.26).



4.  Ngôn sứ phải sống vì Thiên Chúa và tha nhân, không vì mình

Trong cách giới thiệu của Gioan về Ðức Giêsu, ta thấy ông luôn luôn làm cho Ðức Giêsu nổi bật lên, đồng thời tự làm cho mình lu mờ đi: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Chẳng hạn: «Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi» (Ga 1,30), «Tôi đây không phải là Ðấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người» (Ga 3,28), «Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người» (Ga 1,27). «Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi» (Mt 3,11), «Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần» (Mc 1,8). Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, Gioan rút lui vào bóng tối, để Ðức Giêsu đóng trọn vẹn vai trò của Ngài.

Ðây cũng là một dấu chứng của ngôn sứ thật. Người ngôn sứ thật phải từ bỏ được chính cái tôi của mình, và thể hiện được tinh thần quên mình, tự hủy như Ðức Giêsu (x. Pl 2,6-8). «Không làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình; không tìm lợi ích cho riêng mình, mà tìm lợi ích cho người khác» (Pl 2,3-4). Một người coi cái tôi của mình quá lớn chắc chắn không phải là ngôn sứ thật. Họ không thể sống vì Chúa, vì tha nhân được, mặc dù họ có thể tạo được cái vẻ như vậy: có vẻ yêu Chúa, có vẻ yêu người.

Rất nhiều người làm ngôn sứ, làm tông đồ, rao giảng Tin Mừng, làm nhiều việc lành phúc đức, bố thí một cách rộng rãi. nhưng không do lòng yêu mến Chúa hay tình thương đối với tha nhân thúc đẩy, mà do tính ham được tiếng khen, lời ca tụng, muốn nổi danh là đạo đức, là có lòng thương người, v.v... Họ đã dùng danh nghĩa Thiên Chúa để tạo nên danh thơm tiếng tốt cho mình, để có những cấp bậc cao sang trong Giáo Hội và xã hội. 

Tâm lý này đã được Ðức Giêsu vạch mặt: «Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen» (Mt 6,1), Và thánh Phaolô cho biết sự vô giá trị của những hành động như vậy: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Tính chất khoa trương, thích phình to bản ngã này, Ðức Giêsu gọi là men Pharisiêu: «Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả» (Lc 12,1, x. Mt 16,6.11; Mc 8,15). Là người Kitô hữu, là ngôn sứ, chúng ta cần phải tránh loại men rất khó tránh này.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Ðức Giêsu đã đến để thiết lập Giáo Hội, tức một dân tộc ngôn sứ cho Cha ở trần gian. Giáo Hội không chỉ có sứ mạng tư tế (thờ phượng Thiên Chúa), mà còn có sứ mạng vương đế (làm chủ bản thân, tập thể, ngoại cảnh, lịch sử), và sứ mạng ngôn sứ (làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương) nữa. Nhưng Giáo Hội đã làm tròn sứ mạng ngôn sứ ấy trước mặt các dân tộc chưa? Xin cho chính bản thân con, cũng như mọi Kitô hữu khác ý thức được sứ mạng ngôn sứ tức làm chứng của mình trong môi trường mình sống, trong xã hội và Giáo Hội, nhất là khi chân lý, công lý và tình thương bị coi thường, bị chà đạp. Xin cho con đức can đảm phải có của một ngôn sứ như Gioan Tẩy Giả, để con thực hiện tốt sứ mạng ngôn sứ của mình. Amen.

Nguyễn Chính Kết




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét