Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

TN3b - Ðức Giêsu xuống trần để làm một cuộc đại canh tân và cách mạng về tôn giáo




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Thường Niên

(26-01-2020)

Bài đào sâu

Ðức Giêsu xuống trần
để làm một cuộc đại canh tân
và cách mạng về tôn giáo


  TIN MỪNG: Mt 4,12-23

Ðức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Theo bài Tin Mừng hôm nay, thì Galilê là vùng đất của dân ngoại, thế nhưng Ðức Giêsu lại sinh trưởng và xuất thân từ vùng này. Các môn đệ của Ngài cũng thế. Ðiều đó có ý nghĩa gì không? Tại sao Ngài không sinh trưởng ở vùng đất của dân có đạo như Giuđê (Giêrusalem)? 
2. Tại sao để canh tân tôn giáo, Ðức Giêsu không chọn các môn đệ là người có học thức, hay có nhiều hiểu biết về tôn giáo như các kinh sư, Pharisiêu, mà lại chọn những người ít học, đơn sơ, nghèo nàn, nhút nhát? 
3. Các môn đệ có những đặc điểm nào mà Ðức Giêsu lại thích chọn họ hơn là các kinh sư? Có thể rút ra bài học gì cho chính bạn?

Suy tư gợi ý:

1.  Ðức Giêsu đến để canh tân lại đạo Do Thái

Vào thời Ðức Giêsu, đạo Do Thái chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, bên trong thì trống rỗng. Các tín hữu chỉ còn giữ đạo một cách hình thức. Họ đặt quá nặng việc tham dự những lễ nghi tôn giáo, những vẻ thấy được bên ngoài. Vì thế, lễ nghi thì ngày càng rườm rà, càng gia tăng vẻ long trọng, luật lệ ngày càng nhiều, càng phức tạp và gây nên lắm phiền hà, các cơ sở vật chất cũng gia tăng. Còn tinh thần bên trong tức kính sợ Thiên Chúa và yêu thương đồng loại là hai điều răn lớn nhất trong lề luật (xem Mt 22,35-40) thì bị coi nhẹ. Và công lý, tình thương và sự chân thật là yếu tố cốt tủy nhất của tôn giáo thì bị xem thường  (xem Mt 23,23)

Trong Tin Mừng Matthêu đoạn 23, Đức Giêsu mô tả những người Pharisêu, những người giảng dạy tôn giáo thời ấy chỉ còn là những người thích ăn trên ngồi trốc, hưởng thụ những đặc quyền đặc lợi mà luật lệ tôn giáo đã dành cho (x. Mt 23,6-7), nhiều khi lại cấu kết với thế quyền để đàn áp bóc lột dân chúng (x. Mt 23,14). Họ dạy người khác làm những điều tốt đẹp mà chính họ lại không chịu làm (23,3). Nhiều khi họ không biết cái nào là cái chính cái nào là cái phụ trong tôn giáo (23,16-22) để dạy người ta giữ: nên cái chính yếu thì bị coi nhẹ, còn cái phụ thì lại được quan trọng hóa lên. Vì thế, họ trở thành những kẻ dẫn đường mù quáng (23,24), mù lại dắt mù (Lc 6,39).

Thế nên sứ mạng của Ðức Giêsu là đến để làm một cuộc đại canh tân và cách mạng về tôn giáo. Có thể nói Ngài lập nên một đạo mới trên chính nền tảng của đạo cũ, hoặc Ngài đưa vào đạo cũ một tinh thần mới

Ðiều này khiến ta phải tự hỏi: tình trạng sống đạo của người Kitô hữu hiện nay có cần canh tân hay cách mạng như thế không? Và ai có nhiệm vụ ấy?



2.  Nơi xuất xứ và cộng sự viên của Ðức Giêsu trong việc canh tân và cách mạng của Ngài

Là một nhà cách mạng tôn giáo, nhưng Ðức Giêsu lại xuất thân từ Nadarét, thuộc vùng Galilê (miền Bắc) là miền đất của dân ngoại (x. Mt 4,15b), chứ Ngài không sống ở vùng Giuđê (miền Nam) là vùng của Do thái giáo với kinh đô và đền thờ Giêrusalem. Vì thế, Ðức Giêsu được gọi là người Galilê (x. Mt 21,10; 26,69; Lc 23,6; 26,59; Mt 21,11). 

Theo quan niệm của dân chúng thì Galilê chẳng phát sinh được điều gì đáng giá: «Kẻ nói rằng: “Ông này là Ðấng Kitô”. Nhưng có kẻ lại nói: “Ðấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? (42) Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao?”» (Ga 7,41-42). Khi ông Nicôđêmô cho rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ, thì bị người Pharisêu phản bác: «Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả» (Ga 7,52).

Các môn đệ mà Ngài chọn để làm cộng sự viên với Ngài trong cuộc canh tân này, cũng không phải là người Giuđê mà đều là người Galilê. Các ông là những ngư dân ít học, mặc dù theo đạo Do Thái, nhưng biết rất ít những kiến thức tôn giáo. Ngài không chọn làm môn đệ những người thuộc giới kinh sư hay luật sĩ của Do Thái giáo, là những người có rất nhiều kiến thức tôn giáo. Cách lựa chọn môn đệ của Ngài đáng cho chúng ta suy nghĩ. Tại sao Ngài không chọn các kinh sư giỏi giang làm môn đệ? (trừ Phaolô − được chọn sau này làm tông đồ thay thế Giuđa − là một kinh sư).


Ðể làm một cuộc canh tân, Thiên Chúa đã dùng những yếu tố hầu như hoàn toàn mới, vì «không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!» (Mc 2,22). Làm sao có thể đổi mới tôn giáo được với những con người cũ, có những quan niệm cũ, nề nếp suy tư cũ, lối sống cũ với nhiều sai lạc mà họ vẫn cố chấp cho là chân lý không thể thay đổi được? Bằng chứng: cho tới ngày nay, Ðức Giêsu đến đã 20 thế kỷ rồi, nhưng đạo Do Thái vẫn còn đang trông chờ một Ðấng Cứu Tinh!

Ðức Giêsu đến đã làm thay đổi rất nhiều: tinh thần mới, quan niệm mới, lề luật mới, cơ cấu mới, v.v. Sự thay đổi này đã gây nên một sự phản kháng mạnh mẽ nơi giới trí thức, giới lãnh đạo trong Do Thái giáo. Chắc chắn họ có lý của họ, và cái lý ấy cũng dựa rất chắc chắn trên nền tảng Kinh Thánh! Ðiều đó cho thấy không phải cứ có lý, có nền tảng Kinh Thánh là đủ, mà còn phải có tinh thần của Thiên Chúa, tức công lý, tình thương và sự chân thật (Mt 23,23), và nhất là tinh thần phó thác và đổi mới theo Thánh Linh, Ðấng luôn luôn đổi mới mọi sự (x. Tv 104,30; Ep 4,23; Kh 21,5).

Cuộc canh tân của Ðức Giêsu phải được xây dựng trên những yếu tố mới mẻ, không thể dính líu nhiều với đạo cũ. Ðiều này khiến cho những ai thường tự hào mình là đạo gốc phải suy nghĩ. Là người đạo gốc mà cách sống đạo chẳng có gốc (=chẳng có nền tảng) là công lý, tình thương và sự chân thật (Mt 23,23) thì thật đáng xấu hổ!



3.  Thiên Chúa cần những người cộng tác

Ðức Giêsu không thực hiện cuộc canh tân tôn giáo một mình, Ngài cần rất nhiều người cộng tác. Người cộng tác ấy không nhất thiết phải là người có học, thông minh, nhiều tài năng, hiểu biết nhiều về Kinh Thánh, hay có quyền thế, v.v… Các môn đệ mà Ngài tuyển chọn chẳng phải là hạng trí thức. Sách Công vụ viết: «Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân» (Cv 4,13). Chính Ðức Giêsu cũng chẳng phải là người có học. Thật vậy, Tin Mừng Gioan có câu nói về Đức Giêsu: «Người Dothái lấy làm ngạc nhiên. Họ nói: "Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!» (Ga 7,15). Về đức độ, các môn đệ cũng chẳng phải là hơn người: khi Ðức Giêsu bị bắt, tất cả các ông đều bỏ trốn, để mặc Ngài chịu trận một mình, Phêrô thậm chí còn chối phắt Thầy mình. So với các anh hùng của dân tộc ta (như Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Huệ) thì các ông thua xa.

Ðiều Ngài cần nơi những người cộng tác với Ngài là: mau mắn, không chần chừ tính toán. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: vừa được Ðức Giêsu mời gọi, thì Phêrô và Anrê lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Giacôbê và Gioan cũng vậy: «lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người» (Mt 4,20). Sự mau mắn, không chần chừ tính toán được Mátthêu diễn tả bằng hai chữ «lập tức». Nó đòi hỏi phải có một chút liều lĩnh, phó thác, tin tưởng vào Ðức Giêsu. Chính nhờ những đức tính này mà khi được Thánh Thần tác động, các ông trở nên có đủ mọi thứ đức tính, mọi thứ tài năng hơn người. Từ những con người chết nhát, các ông đã trở nên những tông đồ can đảm, luôn luôn mạnh dạn làm chứng cho Ðức Giêsu, không chút sợ hãi (xem Cv 4,29.31; 9,27-28; 18,26; 19,8; 28,31).

Ngày nay, để canh tân Giáo Hội, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục cần rất nhiều người cộng tác với Ngài. Ngài luôn luôn mời gọi tất cả mọi Kitô hữu làm điều ấy. Bạn có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi trong thẳm sâu tâm hồn không? Bạn đáp lại thế nào? Bạn lập tức chấp nhận, hay còn phải suy nghĩ xem mình có đủ khả năng, có đủ thì giờ, có đủ đức độ không? 

Nếu bạn có đủ khả năng, đủ thì giờ, đủ đức độ như các kinh sư Do Thái xưa, thì chắc hẳn Ngài đã chẳng kêu gọi bạn đâu, vì bạn sẽ cậy vào sức riêng bạn, chứ không thèm nhờ cậy vào Ngài nữa! Chính vì biết bạn thiếu tất cả những thứ ấy Ngài mới kêu gọi bạn, như đã từng kêu gọi các tông đồ xưa. Ðiều quan trọng khi đi theo Ngài là bạn phải biết rằng bạn thiếu những thứ ấy để bạn khiêm nhường cậy dựa vào sức của Ngài, chứ không phải sức của mình. 

Bạn không nghe thấy Ngài cầu nguyện với Cha Ngài như vầy sao? «Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha» (Mt 11,25). Ðiều lạ lùng và hết sức nghịch lý nhưng lại là thực tế, đó là ta sẽ làm được tất cả khi thật tình nghĩ rằng «không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga 15,5), nhưng «tôi có thể làm được tất cả nhờ Ðấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13), vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37).

Vậy, nếu nghe thấy Ngài mời gọi bạn cộng tác với Ngài, bạn nên mau mắn chấp nhận. Chính nhờ sự mau mắn này, bạn −cũng như các tông đồ xưa− sẽ được biến đổi để làm được tất cả những gì Ngài mong muốn.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nếu cần con cộng tác với Cha trong bất kỳ việc gì, thì đây con sẵn sàng, mặc dù con chẳng tài đức gì. Con chỉ muốn bắt chước các tông đồ xưa, nghe Ðức Giêsu kêu gọi, là lập tức bỏ tất cả mà đi theo, không suy nghĩ, đắn đo, tính toán. Xin ban cho con tinh thần tin tưởng và phó thác nơi quyền năng vô biên của Cha trong mọi sự. Amen.


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét