Thay đổi một quan niệm cổ hủ
không phải chuyện dễ, một sớm một chiều
Chúng ta hãy cùng đọc một đoạn văn trong cuốn truyện «Chiếc lều của chú Tom» của Harriet Beecher-Stowe (*). Sau đây là một phần cuộc đối thoại giữa hai anh em ruột Augustin và Alfred, một người quyết tranh đấu giải phóng nô lệ và một người cương quyết giữ chế độ nô lệ:
«– Không phải ai sinh ra cũng tự do và bình đẳng. Những người giàu có học thức, có giáo dục, phải được quyền bình đẳng. Những người khác thì không.
«+ Không nên nói thế. Họ cũng có giáo dục, nhưng chúng ta không hiểu nền giáo dục đó. Hệ thống xã hội hiện nay của chúng ta là tàn ác và dã man. Chúng ta biến những con người đó thành súc vật! Một ngày nào đó, họ sẽ không chịu để cho bị bán và bị mua như vậy nữa, và họ sẽ nổi dậy!
«– Chuyện ngốc nghếch! Nếu tôi nghĩ như anh, tôi sẽ dạy dỗ nô lệ của tôi!
«+ Nhưng họ bị hệ thống xã hội của chúng ta đè bẹp! Cầm bằng như đặt trên lưng họ một trái núi và bảo họ đứng dậy! Để họ được giáo dục, nhà nước phải làm một cái gì đó! Augustin trả lời».
Một đoạn khác:
«Marie Saint-Clare không có chút tôn trọng đối với nô lệ của họ. Nàng không ngớt chê bai họ. (…) Về phần Ophelia, cô chia sẻ quan niệm của Augustin và mím môi tỏ dấu phản đối khi nghe Marie phát biểu. Sau đây là một cuộc đối thoại giữa hai người:
«+ Chị không nghĩ rằng Chúa đã tạo ra người da đen cùng một thứ máu như chúng ta sao? Ophelia hỏi Marie.
«– Tôi không nói là không – Marie ngáp – Nhưng so sánh linh hồn họ với linh hồn của chúng ta là không thể được».
Người miền Nam nước Mỹ vào thế kỷ 18-19 không thể coi những nô lệ da đen của mình là một người có đầy đủ nhân vị như mình được. Họ có lý của họ chứ không phải là phi lý. Điều tệ hại là ở chỗ này: ai cũng thấy là mình có lý cả! Chính vì thấy mình có lý nên mình luôn luôn nghĩ mình đúng, vì thế mình không chấp nhận thay đổi quan niệm. Nhưng ngày nay, ai cũng thấy quan niệm của họ là sai, và không thể chấp nhận quan niệm của họ. Nhưng thử hỏi, nếu ta là người ở Mỹ ở Nam Mỹ thời đó thì ta nghĩ sao? Ta có thể có quan niệm khác hơn họ không?
Ta cảm thấy tức cười khi biết về quan niệm của họ. Nhưng con cháu chúng ta có thể tức cười khi biết quan niệm của ta hiện nay. Để xóa bỏ quan niệm không đúng đắn về phẩm giá của người nô lệ, nước Mỹ đã phải tốn biết bao xương máu và thời gian! Cũng vậy, để xóa bỏ những quan niệm chưa đúng đắn của chúng ta – trong đó có cả tôi nữa – nhiều khi cũng phải tốn công sức và thời gian, thậm chí sự hy sinh của nhiều người! – Tại sao vậy? – Chính vì ta cho rằng những gì mình đã nhận là đúng bấy lâu nay là tuyệt đối đúng, không thể sai được!
Nếu ta không suy nghĩ theo đòi hỏi của lương tri tự do mà cứ cố chấp vào những quan niệm hiện có của chúng ta, của thời đại chúng ta, chúng ta chẳng những sẽ bị vượt qua, mà còn tạo nên ngăn trở cho đà tiến của xã hội, Giáo Hội và thế giới nữa.
Điều không thể chối cãi là thế giới luôn luôn thay đổi quan niệm theo thời gian. Nhiều quan niệm hầu như được cả thế giới công nhận, như quan niệm mặt trời quay chung quanh trái đất chẳng hạn, nhưng về sau đã được cả thế giới nhìn nhận là sai lầm.
Tuy nhiên, không phải ai nhận thấy điều sai lầm của người đương đại cũng có thể thuyết phục được mọi người theo quan niệm đúng của mình. Galilê đã bị kết án tử hình, sau đổi thành chung thân, nhờ rút lại ngay trước tòa án lời ông đã tuyên bố trước đó.
Các ngôn sứ trong Cựu ước cũng như trong mọi thời đại, đều có số phận tương tự như vậy (xem Mt 5,12b; 23,34-35; Mt 23,29-30; Ga 16,2; Lc 6,22-23; 1Cr 13,11).
Để hiểu vấn đề sâu sắc hơn, xin mời đọc bài: Ngôn sứ người là ai?
___________________
(*) HARRIET BEECHER-STOWE, Chiếc lều của chú Tom (Uncle Tom's Cabin by HARRIET BEECHER-STOWE, Spark Publishers, 2002.)(xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Túp_lều_bác_Tôm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét