Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

TN32 - Tình trạng con người sau khi sống lại từ cõi chết


CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 32 Thường Niên

(06-11-2016)

Tình trạng con người sau khi sống lại từ cõi chết

ĐỌC LỜI CHÚA

  2Mcb 7,1-2.9-14: (9) Chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.

  2Tx 2,16-3,5: (16) Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta, đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp.


  TIN MỪNG: Lc 20,27-38

Vấn đề kẻ chết sống lại
(27) Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. (28) Mấy người ấy hỏi Đức Giêsu: «Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. (29) Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. (30) Người thứ hai, (31) rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. (32) Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. (33) Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?»

(34) Đức Giêsu đáp: «Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, (35) chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. (36) Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. (37) Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. (38) Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống». 


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Lập luận của Đức Giêsu nhằm giải đáp vấn nạn của nhóm Xađốc có vững chắc và khôn ngoan không? Qua giải đáp ấy, Ngài mặc khải điều gì?

2.  Sau khi sống lại, thân xác sống lại của ta có phải là chính thân xác ta đang có không? Có gì khác lạ không? Có những nhu cầu như thân xác hiện tại không?

3.  Cuộc sống trần thế của ta hiện nay có ích lợi gì cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau không? Mọi sự xảy ra trong cuộc sống này có liên quan gì đến cuộc sống vĩnh cửu không? Liên quan thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Bối cảnh của bài Tin Mừng

Không chỉ nhóm Pharisêu mà cả nhóm Xađốc cũng muốn gài bẫy Đức Giêsu. Nhóm Xađốc là phe bảo thủ trong giới lãnh đạo tôn giáo của Do Thái: các tư tế Do Thái thường xuất thân từ nhóm này. Nhóm này chỉ công nhận 5 cuốn sách do Môsê viết (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật) là Thánh Kinh mà thôi. Trong những sách này, Môsê không hề đề cập đến việc sống lại, nên họ chủ trương không có sự sống lại. Việc sống lại để sống vĩnh cửu chỉ được đề cập đến trong những sách Cựu ước khác, chẳng hạn trong quyển thứ hai Macabê (như bài đọc 1 của Chúa Nhật này; xem thêm 2Mcb 12,43-44), sách ngôn sứ Isai (x. Is 26,19). Nhóm Pharisêu không chỉ công nhận giá trị mặc khải của 5 cuốn sách do Môsê viết, mà còn công nhận những sách khác nữa, nên họ chủ trương có sự sống lại. Do đó, hai nhóm luôn tranh luận và bất đồng ý kiến với nhau về vấn đề này. 

Nay nhóm Xađốc muốn thử Đức Giêsu bằng một vấn nạn đã từng làm cho nhóm Pharisêu bị đuối lý, không trả lời được. Họ hy vọng cũng sẽ làm Ngài phải câm miệng. Nhưng Đức Giêsu đã dựa vào chính lời của Môsê – mà họ công nhận có giá trị mặc khải – để chứng minh lập trường của Ngài, khiến họ phải câm miệng. Nếu họ dựa vào Môsê để xác nhận không có sự sống lại chỉ vì ông không minh nhiên đề cập đến sự sống lại, thì Ngài cũng dựa vào chính Môsê để minh chứng ngược lại. Nhóm Pharisêu vì thế cũng phải bái phục Ngài: «Mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm!”» (Lc 20,39)).


2.  Lập luận của Đức Giêsu về sự sống lại

Giả thiết của người Xađốc về 7 anh em trai làm chồng của cùng một người phụ nữ xuất phát từ luật Môsê: «Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Ítraen» (Đnl 25,5-6). Người Xađốc đặt vấn đề: như vậy, giả như có sự sống lại, thì người phụ nữ ấy sẽ là vợ của ai? – Trả lời câu đó không xuôi thì ai chủ trương có sự sống lại sẽ bị đuối lý. 

Để trả lời vấn nạn ấy, Đức Giêsu dùng chính lời của Môsê tường thuật về việc Thiên Chúa hiện ra với ông lần đầu trên núi Sinai. Thiên Chúa phán với ông: «Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp» (Xh 3,6). Trong sách Đệ Nhị Luật, Môsê minh xác rằng Thiên Chúa phán với ông hôm đó là «Thiên Chúa hằng sống» (Đnl 5,26). Nếu Ngài hằng sống, thì Ngài không thể là Thiên Chúa của người chết, mà chỉ có thể là Thiên Chúa của người sống. Khi phán với Môsê câu trên, thì các tổ phụ Ápraham, Ixaác, Giacóp đã qua đời. Nếu Thiên Chúa hiện ra với Môsê vẫn xác nhận rằng Ngài là Thiên Chúa của các tổ phụ ấy, thì chứng tỏ các tổ phụ vẫn đang sống, vì Ngài không thể là Thiên Chúa của những người chết. Nếu các tổ phụ ấy không còn sống, thì Thiên Chúa đã không phán với Môsê như vậy! 

Còn người đàn bà có 7 người chồng kia sau khi sống lại sẽ là vợ của ai? Thật khó chấp nhận được bà ấy lại làm vợ cùng một lúc của tất cả 7 người đàn ông kia (hiểu ngầm có những sinh hoạt vợ chồng như ở trần gian)! – Đức Giêsu trả lời: «Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng» (Lc 20,34-35). Ý Ngài muốn nói: sau khi sống lại, thân xác con người không còn những nhu cầu như khi còn tại thế nữa. Vì thân xác con người sẽ được biến đổi, tuy vẫn là chính là thân xác cũ, nhưng lại rất khác với thân xác cũ. 

Thánh Phaolô minh họa tương quan giữa thân xác cũ và thân xác sống lại như hạt lúa và cây lúa do hạt ấy mọc lên (x.1Cr 15,35-38). Cây lúa là chính hạt lúa ấy biến đổi mà thành, nhưng lại rất khác với hạt lúa. Cũng vậy, thân xác sau khi sống lại rất khác với thân xác hiện nay, dù cũng chính là thân xác đó. Phần nào tương tự như thân xác của tôi hiện nay cũng chính là thân xác của tôi hồi còn con nít, nhưng rất khác với thân xác hồi ấy. Về sự khác biệt nhưng vẫn chính là một giữa thân xác sống lại và thân xác hiện nay, thánh Phaolô viết tiếp: «Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí» (1Cr 15,42-44).

Vì thế, sau khi sống lại, con người không còn nhu cầu sống theo vợ chồng như ở trần gian, nên không còn vấn đề người nào là chồng hay là vợ của ai. Lúc đó, họ đều «là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại» (Lc 20,36), và đều là anh em với nhau, có cùng một người cha chung là Thiên Chúa.

3.  Suy tư về sự sống lại

Sự sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ so với sự sống vĩnh cửu đời sau. Tương tự như sự sống dài 9 tháng của ta trong bụng mẹ so với sự sống «ba vạn sáu ngàn ngày» tại thế của ta sau khi ta sinh ra. Nếu trong bụng mẹ mà ta biết suy nghĩ, hẳn sẽ có rất nhiều điều ta không sao hiểu nổi và ta cho là vô cùng phi lý. Tại sao Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ta, lại để ta sống tối om và chật chội thế này? Đôi mắt dùng để nhìn có ích gì trong cảnh tối om này? Đôi tay để cầm nắm, để làm việc, đôi chân để đi lại có ích gì trong cái không gian chật chội ấy? Rất nhiều điều phi lý mà với kinh nghiệm của một bào thai ta không thể hiểu nổi! Khi ấy, ta có cảm tưởng rằng Đấng dựng nên ta thật là phi lý đến độ ngu xuẩn vì đã dựng nên những thứ thật là vô ích, chỉ làm chật chội thêm cái không gian vốn đã quá chật chội! Nhưng khi ra chào đời và lớn lên, ta mới biết đời sống trong bụng mẹ chỉ là tạm bợ hầu chuẩn bị cho cuộc sống kéo dài sau đó. Lúc đó ta mới thấy sự hiện hữu của đôi mắt và đôi tay không phải dùng cho cuộc sống bào thai, mà cho cuộc sống sau khi chào đời.

Cũng vậy, ta không chỉ sống có cuộc sống trần thế hiện tại. Đức Giêsu cho ta biết thân xác ta sẽ sống lại để sống một cuộc sống khác lâu dài vô cùng: cuộc sống vĩnh cửu. Cách thế hiện hữu sau khi sống lại rất khác với cách thế hiện hữu hiện nay. Và cuộc sống hiện nay chỉ là để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu ấy. Nếu Thiên Chúa đã chuẩn bị cuộc sống tại thế này cho ta từ cuộc sống trong bào thai một cách rất hoàn hảo, thì chắc chắn Ngài cũng đang chuẩn bị cuộc sống vĩnh cửu cho ta từ trong cuộc sống hiện tại này một cách thật hoàn hảo. 

Rất nhiều điều ta hiện nay không thể hiểu nổi và cho là vô cùng phi lý (chẳng hạn những nghịch cảnh, những đau khổ, những oan trái, v.v…) thì rồi ta sẽ thấy chúng vô cùng hữu lý khi ta bước vào đời sống vĩnh cửu. Rất có thể đời sống vĩnh cửu của chúng ta sẽ mỗi người mỗi khác, nên Thiên Chúa đang chuẩn bị cuộc sống ấy cho chúng ta mỗi người mỗi cách. Nhất cử nhất động xảy ra trong cuộc sống này của ta đều không vượt ra ngoài sự quan phòng của Ngài. Nếu «tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi» (Mt 10,30), thì chắc hẳn không một sợi nào rơi xuống, không một biến cố nhỏ nào xảy ra mà ra ngoài được ý muốn của Ngài. Vì thế, người có đức tin đích thật luôn nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống và vui vẻ chấp nhận cho dù mình không sao hiểu được. Vì họ tin rằng: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (Rm 8,28).


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, thân xác này sẽ sống lại để sống vĩnh cửu là một trong những niềm tin căn bản nhất của Kitô giáo. Con tin chắc rằng những gì đang xảy ra với con trong cuộc sống ngắn ngủi này đều nằm trong ý muốn quan phòng của Cha, đều do Cha cho phép xảy ra để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của con sau này. Vì thế, con sẵn sàng chấp nhận tất cả với lòng tin tưởng vào tình yêu vô biên của Cha dành cho con. Xin Cha hãy củng cố niềm tin nơi con.








Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét