Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Vọng 1b - Phải tỉnh thức thế nào mới đẹp ý Thiên Chúa?


 
CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng - Năm A
(bài 2)

(27-11-2016)


Phải tỉnh thức thế nào mới đẹp ý Thiên Chúa?



ĐỌC LỜI CHÚA


  Is 2,1-5: (4) Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

  Rm 13,11-14: (11) Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia.


  TIN MỪNG: Mt 24,37-44

Phải canh thức và sẵn sàng


Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: (37) «Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. (38) Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. (39) Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. (40) Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; (41) hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. 
(42) «Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (43) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. (44) Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến»


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Chúng ta có thể nói gì về những bất ngờ xảy đến khi Ðức Giêsu quang lâm? Có thể có những bất ngờ nào khác ngoài phương diện thời gian?
2.   Sự công minh của Ngài khi xét xử trần gian có siêu việt không? Những kẻ gian ác nhưng biết ngụy trang một cách khéo léo có bị lật tẩy không?
3.   Phải tỉnh thức như thế nào trước những bất ngờ của ngày Chúa đến? để vẫn có thể đứng vững trước mặt Thiên Chúa?

Suy tư gợi ý:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu cho biết Ngài sẽ trở lại trần gian để xét xử nhân loại và cho biết một số điều về ngày ấy như sau:

1.   Ngài đến bất ngờ như kẻ trộm

Ðức Giêsu cho biết: «Chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến» (Mt 24,44; Lc 12,40)*, «Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm» (1 Tx 5,2; 2 Pr 3,10)**. Sự bất ngờ của kẻ trộm có thể về mặt thời gian - nghĩa là không thể xác định được ngày nào, giờ nào - mà cũng có thể bất ngờ về cách thức: không biết được trộm đến theo cách thức nào, vô nhà bằng lối nào, lấy trộm thứ của cải nào, trộm sẽ giả dạng như thế nào, v.v. rất có thể kẻ trộm lại là người rất quen thuộc với ta, thậm chí là người nhà của ta nữa.

Hãy rút ra bài học từ quá khứ. Mặc dù việc Ðức Giêsu đến trần gian đã được báo trước cả mấy trăm năm trước, và được toàn dân Ítraen mong đợi, thế mà khi Ngài đến, chẳng mấy ai nhận ra Ngài. Tệ hơn nữa, họ còn kết án và giết chết Ngài một cách tàn ác. Cách Ngài đã đến khác hẳn với cách mà hầu hết mọi người nghĩ tới trước đó. Cách Ngài đến thật bất ngờ mà người thường không ai có thể tưởng tượng ra nổi. Lời Kinh Thánh báo trước cả mấy trăm năm đều được ứng nghiệm, nhưng ứng nghiệm cách khác hẳn với cách giải thích hay cách hiểu truyền thống.

Ngày Chúa đến lần thứ hai để xét xử nhân loại cũng có thể có nhiều điều hết sức bất ngờ mà con người không thể đoán trước được, không chỉ về thời gian, mà còn về nhiều mặt khác nữa. Có như thế, sự công chính hay gian tà mới lộ diện rõ rệt, vì ở thế gian, sự gian tà rất nhiều trường hợp lại được ngụy trang bằng sự công chính, và tội lỗi lại mang những bộ mặt hết sức thánh thiện. Con mắt thế gian không thể nào khám phá được, nhưng không ai qua mặt được Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã từng nói về các ngôn sứ giả: «Họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi» (Mt 7,15). Thánh Phaolô đã từng vạch mặt những hạng người ấy: «Những kẻ đó là tông đồ giả, là thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của Ðức Kitô. Lạ gì đâu! Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính. Chung cục, chúng sẽ lãnh nhận hậu quả công việc chúng đã làm» (2 Cr 11,13-15).

2.   Cách phán xử của Ngài công minh không ai ngờ trước được

Nếu Ðức Giêsu đến để xét xử trần gian mà không vạch mặt được những giả hình gian dối ấy, nếu Ngài cũng bị hạng người này qua mặt như đã từng qua mặt mọi người trần, thì sự phán xử của Ngài còn gì là công minh nữa? Với tư cách là vị phán xét trần gian, cách xét đoán của Ngài sẽ phải hết sức công minh, công minh vượt hẳn và khác hẳn cách suy đoán của mọi người. Ngày ấy, biết bao điều bị che dấu thật khôn khéo và kỹ lưỡng, đến nỗi chưa hề có ai biết, sẽ bị đưa ra ánh sáng: «Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết» (Lc 12,2), và «những việc tốt thì đã rành rành; mà cả những việc không tốt cũng chẳng che giấu được» (1 Tt 5,25). Chính vì thế mới có những chuyện bất ngờ như: «Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu» (Mc 10,31; x. Mt 20,16; Lc 13,30)***. 

Nhiều kẻ tưởng mình là công chính hoặc được mọi người tưởng là như thế nhưng lại bị Ngài xét là gian ác, ngược lại có nhiều kẻ tưởng mình thuộc loại xấu đáng kết án hoặc bị mọi người tưởng là như thế, nhưng lại được Ngài xét là công chính. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14) là một thí dụ điển hình cho sự trái ngược ấy. Còn bao nhiêu chuyện trái ngược như thế được biểu lộ trong Thánh Kinh: «Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12; nên xem thêm Rm 9,30-33)****. Vì thế, tới lúc ấy, chẳng ai dám tự hào mình công chính, vì càng tự hào thì càng dễ trở nên bất chính do chính sự tự hào ấy: «Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã» (1 Cr 10,12).

Ngày ấy, sẽ có rất nhiều người tưởng mình công chính vì tự thấy mình chưa bao giờ làm một điều gì xấu, lại làm được biết bao việc phúc đức, nhưng lại không được coi là công chính, mà thậm chí ngược lại, vì:

-    biết bao nhiêu lần họ đã bỏ qua không làm những việc quan trọng và cần thiết mà đấng bậc họ buộc phải làm;

-    họ có thói quen thờ ơ trước những đau khổ cùng quẫn của người chung quanh, họ không làm gì cả mà lương tâm chẳng hề cắn rứt;

-    họ thường xuyên nhắm mắt làm ngơ để mặc bất công hoành hành đang khi mình có khả năng can thiệp hoặc chặn đứng lại được;

-    họ hay tự hào về những việc tốt lành của mình đồng thời lên mặt khinh chê người khác;

Và cũng biết bao người tỏ ra khô khan nguội lạnh nên tưởng mình là bất chính nhưng lại được Chúa xét là công chính, vì:

-    đã thực tình sám hối và quyết tâm không bao giờ tái phạm, nhưng họ vẫn tái phạm vì yếu đuối, và họ thật sự hối hận vì sự yếu đuối ấy;

-    biết mình yếu đuối, nên luôn luôn tỏ ra khiêm nhường, biết cảm thông với những yếu đuối, sai lầm của mọi người.

-    khi đụng chuyện cần phải hy sinh cho tha nhân thì đã hy sinh một cách quảng đại, không tính toán, biết quên mình thật sự;

3.   Số phận con người khi ấy được định đoạt khác nhau 

Trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu cho biết: «Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại» (Mt 24,40-41). Chúng ta chưa biết ý nghĩa chắc chắn của hai từ được đem đi và bị bỏ lại, nhưng qua đó, ta biết được số phận mỗi người lúc ấy được định đoạt một cách khác nhau: kẻ bị người được, kẻ khổ người sướng. Tất cả đều tùy thuộc vào cách sống, cách cư xử và hành động của mỗi người ở trần gian: «Ngài cứ theo công việc mỗi người mà xét xử» (1 Pr 1,17; Kh 20,12-13)*, «sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm» (Mt 16,27; x. Rm 2,6)**. Thánh Giacôbê còn cho biết: «Ðừng ham làm thầy thiên hạ, vì anh em sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn» (Gc 3,1).

Ðó là ngày của công lý. Những kẻ gây bất công sẽ phải đền tội: «Thiên Chúa sẽ trả báo, nghĩa là bắt những kẻ gây gian truân cho anh em phải chịu gian truân» (2 Tx 1,6), «Ai ăn ở bất công sẽ được trả theo điều bất công mình làm; không có chuyện thiên vị» (Cl 3,25). Còn những kẻ đã phải đau khổ và chịu bất công vì Thiên Chúa, vì tha nhân, sẽ được đền đáp: «Anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ» (2 Tx 1,5). 

4.   Cần phải tỉnh thức

Vì không ai biết được ngày quang lâm của Chúa xảy đến lúc nào, và xảy ra thế nào, nhưng có điều chắc chắn là sẽ có nhiều điều rất bất ngờ, không ai dè trước được. Chính vì thế, Ðức Giêsu đề nghị với chúng ta một thái độ khôn ngoan, đó là phải tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là phải sống làm sao để dù Chúa đến vào bất kỳ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc xét xử công minh đến đâu, thì ta vẫn có thể đứng vững trước mặt Ngài. Vậy cần phải tỉnh thức cách nào?

Thái độ tốt nhất trước mặt Thiên Chúa là thái độ tự hủy và yêu thương. Tự hủy là coi nhẹ cái tôi của mình, không coi mình là cái gì quan trọng, không tự hào, không tự cho mình hơn ai, không kết án ai, và cũng không coi ý riêng của mình là sáng suốt, khôn ngoan hơn người. Yêu thương là thể hiện tinh thần tự hủy một cách tích cực hơn, ích lợi hơn cho tha nhân: sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích và hạnh phúc của tha nhân. Yêu thương đòi hỏi phải tự hủy như một điều kiện cần thiết. Không thể yêu thương đích thực nếu không tự hủy. Sống tinh thần tự hủy và yêu thương như thế là cầu nguyện đúng nghĩa nhất: cầu nguyện bằng chính cuộc sống, là kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa nơi tha nhân, một sự kết hiệp thực tế và bằng hành động cụ thể. Ðó là cách tích cực để ta nên công chính trước mặt Thiên Chúa.

Thiên Chúa xét xử ta khoan hay nghiêm tùy thuộc rất nhiều vào sự khoan nghiêm của ta đối với tha nhân: «Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn với ai biết thương xót, thì Người chẳng quan tâm đến việc xét xử» (Gc 2,13). Ngài không thể không tha thứ cho những ai luôn luôn tha thứ. Ngài sẽ phải tha thứ vô điều kiện cho những kẻ luôn luôn tha thứ vô điều kiện. Chắc chắn Ngài không thể thua con người về lòng khoan dung. Vả lại chúng ta đã hợp đồng với Chúa như thế khi đọc kinh Lạy Cha, theo sự chỉ dạy của Ðức Giêsu: «Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con» (Mt 6,12; x. Lc 11,4)***. Khốn cho chúng ta nếu đã hợp đồng với Chúa như thế mà lại không biết tha thứ: «Nếu anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy» (Mt 18,35). Như thế, luôn luôn tha thứ cho mọi người một cách vô điều kiện, dù lỗi họ có nặng đến đâu, không cần họ phải hối hận hay xin lỗi, là một bí quyết giúp ta hoàn toàn trắng án trong ngày đó, cho dù tội lỗi ta có nặng đến đâu.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết sống yêu thương, quên mình, đồng thời biết cảm thông với những đau khổ cũng như những yếu đuối của tha nhân, để con biết ra tay cứu giúp, biết tha thứ những lầm lỗi của họ. Con nghĩ đó là cách tỉnh thức đón chờ Ðức Giêsu đến một cách khôn ngoan nhất. Xin cho con thực hiện được những điều ấy, để ngày ấy Cha sẽ hài lòng về con và ngày ấy cũng sẽ là ngày hạnh phúc nhất của con. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Xin bấm vào đây để đọc một bài suy niệm khác của cùng tác giả cũng về bài Tin Mừng này. 

___________________

Phụ Chú:

Có những câu Kinh thánh được giới thiệu trong bài nhưng chưa được trích dẫn (có đánh dấu hoa thị *), xin ghi ra đây để Quý Vị dễ dàng tham khảo:

* Mt 24,44 => «Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.» 
  Lc 12,40 => «Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.» 

** 1 Tx 5,2 => «Chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.» 
    2 Pr 3,10 => «Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.» 

*** Mt 20,16 => «Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.» 
     Lc 13,30 => «Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.» 

**** Lc 18,9-14 => «Ðức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.» 

***** Rm 9,30-33 => «Vậy phải nói sao? Phải nói rằng: các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin. Còn dân Ítraen tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá làm cho vấp, như có lời chép rằng: Này đây Ta đặt tại Xion một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho ngã; nhưng kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.» 

* Kh 20,12-13 => «Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm.» 

** Rm 2,6 => «Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm

*** Lc 11,4 => «Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con.» 









Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét