Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Vọng1a - Tỉnh thức và sẵn sàng, một thái độ sống đạo tốt đẹp





 
CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng - Năm A
(bài 1)

(27-11-2016)


Tỉnh thức và sẵn sàng, một thái độ sống đạo tốt đẹp


ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 2,1-5: (4) Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

  Rm 13,11-14: (11) Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia.


  TIN MỪNG: Mt 24,37-44

Phải canh thức và sẵn sàng


Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: (37) «Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. (38) Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. (39) Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. (40) Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; (41) hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. 
(42) «Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (43) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. (44) Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến»


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có nghĩ rằng sắp tận thế không? Bạn có biết rằng thời các tông đồ, ngay trước năm 1000 và 2000, rất nhiều Kitô hữu cũng đã nghĩ «tận thế đến nơi rồi» không? Nhưng cuối cùng thì… tận thế vẫn chưa đến!
2. Giả như tháng sau, tuần sau là tận thế, thì bây giờ bạn làm gì? Bạn chuẩn bị đón Chúa đến như thế nào? Chúa muốn bạn phải chuẩn bị thế nào?
3.   Có cách sống đạo nào mang nhiều tính tỉnh thức và sẵn sàng không? Nếu lúc nào cũng tỉnh thức và sẵn sàng, thì có phải lo tận thế không?

Suy tư gợi ý:

1.   Nhiều Kitô hữu nghĩ rằng ngày tận thế sắp đến

Hiện nay, rất nhiều Kitô hữu đang quan tâm đến ngày tận thế. Nhiều người đoán rằng ngày ấy gần đến rồi. Thực ra, ngay từ thời các tông đồ, rồi thời gian ngay trước năm 1000, rồi mới đây ngay trước năm 2000, và hiện nay khi thấy chiến tranh thế giới có nguy cơ xảy ra, các Kitô hữu nghĩ ngày tận thế sắp đến ngay tức thời. Vào những thời điểm kể trên, có rất nhiều dấu hiệu phù hợp với những lời tiên tri của Đức Giêsu về ngày tận thế: chiến tranh, thiên tai, động đất, lòng người nguội lạnh, sự ác lan tràn… Những thời điểm ấy, thời điểm nào các Kitô hữu cũng đều thấy rằng từ trước đến lúc ấy, chưa bao giờ những sự kiện được coi là điềm của tận thế lại dồn dập đến như những thời điểm ấy. Nhưng rồi những thời điểm ấy qua đi, và ngày tận thế vẫn chưa tới. Hiện nay, tâm lý người Kitô hữu vẫn y như vậy. Đó cũng là một điều tốt để cảnh tỉnh người Kitô hữu.

2.   Coi chừng kẻo bị lường gạt

Đúng ra, khi nghĩ đến tận thế và chuẩn bị cho tận thế, người Kitô hữu phải tỉnh thức như Đức Giêsu khuyên nhủ, bằng cách sống tích cực tinh thần Tin Mừng của Ngài, cụ thể bằng sự yêu thương nhau. Nhưng trong thực tế, thay vì sống tinh thần tỉnh thức, họ bị lôi cuốn vào việc tìm những điềm thiêng dấu lạ, sưu tầm những lời khuyên nhủ mới nhất của đấng này đấng kia hiện ra… Lòng họ vì thế bị chao đảo, sợ hãi: thay vì cứ an tâm sống cho đúng tinh thần Tin Mừng, thì họ lại tìm cách đối phó với ngày ấy, hoặc tìm những phương cách dễ dàng do người này chỉ người kia bảo, những phương cách khôn ngoan kiểu thế gian… miễn sao được cứu rỗi vào ngày đó. Vì thế, họ dễ bị thần khí xấu lường gạt.

Theo tôi, ta nên nghe lời thánh Phaolô: «Nếu có ai bảo rằng họ đã được thần khí mặc khải… quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào» (2Tx 2,2-3). Và cũng nên lưu ý lời thánh Gioan: «Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian» (1Ga 4,1). Muốn biết thần khí ấy có phải bởi Thiên Chúa mà đến hay không, thì phải dựa vào những tiêu chuẩn đáng tin cậy nhất là Kinh thánh, nhất là giáo huấn của Đức Kitô. Do đó, những người ít đọc và suy gẫm Kinh thánh, thì khó mà phân biệt thần khí nào thật, thần khí nào giả. Tại sao? 

Vì thần khí giả thời nay rất khôn khéo, không hề nói điều gì xấu hay sai trái, toàn nói những điều hay lẽ thật, nhưng lại chỉ nhấn mạnh đến những điều tương đối phụ thuộc hầu làm người ta quên đi điều cốt yếu của Tin Mừng. Hoặc cứ nhấn mạnh đến việc sử dụng những phương tiện để làm người ta quên đi mục đích: dùng phương tiện thật tốt thật hay mà không xác định rõ ràng mục đích phải tới hoặc quên đi mục đích, thì mục đích ấy làm sao đạt được? Mục đích không đạt được thì phương tiện có ích lợi gì? Nhờ khôn khéo như thế, thần khí xấu ấy dối gạt được rất nhiều người (x. Mt 24,11*), kể cả những người được chọn (x. Mt 24,24**). Chỉ cần làm người ta lạc hướng Tin Mừng như thế là ma quỉ đã thành công lớn rồi! Đức Giêsu cũng đã cảnh báo: «Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ» (Lc 21,8). Thần khí xấu có thể xưng mình là Đức Giêsu khiến những người dễ tin cảm thấy phải nghe theo họ ngay. Nhưng cũng có thể họ không dám xưng mình là Đức Giêsu, vì như thế sống sượng quá, không lừa gạt được những người có óc phân biện cao, mà họ xưng mình là một nhân vật uy tín nào đó!

Vì thế, thay vì quan tâm sống cho đúng tinh thần của Đức Giêsu, thì nhiều Kitô hữu chuẩn bị đón Chúa đến bằng sự gia tăng đọc kinh cầu nguyện cho nhiều và cho sốt sắng hơn, tham dự các bí tích thường xuyên hơn, đồng thời hối thúc người khác cũng chuẩn bị giống như họ, v.v… Quả thật, tất cả những việc ấy đều rất tốt, rất đáng làm, thậm chí cần thiết, nhưng lại không phải là việc chính yếu nhất cần phải làm để chuẩn bị ngày Chúa đến. Nhiều người còn nghĩ tới chuyện phải đối phó làm sao với cảnh tối ba ngày ba đêm bằng cách mua thật nhiều đèn cầy rồi đem đến xin linh mục làm phép để đốt trong những ngày ấy! Chỉ cần làm cho người ta quá quan tâm đến việc đối phó với tận thế mà quên đi việc sống đạo hay những bổn phận trước mắt là ma quỉ đã thắng lợi rồi!

3.   Hãy chuẩn bị đón Chúa đến một cách khôn ngoan, đúng ý Thiên Chúa muốn

Đúng ra, theo tinh thần bài Tin Mừng trên, thì việc cần làm nhất là tỉnh thức và sẵn sàng, nghĩa là phải từng giây từng phút sống sao cho đúng thánh ý của Thiên Chúa, đúng tinh thần của Đức Giêsu. Cụ thể là:

– Yêu mến Thiên Chúa bằng cách sống cho có tình có nghĩa với mọi người chung quanh, nhất là những người gần gũi mình nhất. Chính Đức Giêsu đã dùng tình yêu đối với loài người, được biểu lộ hùng hồn nhất qua cái chết của Ngài, để thờ phượng và thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

– Nhận ra tha nhân là hình ảnh và là hiện thân của Thiên Chúa mà mình phải yêu thương. Làm sao ta dám cho rằng mình yêu mến Thiên Chúa vô hình khi mà những hình ảnh hay hiện thân hữu hình của Ngài thì mình lại chẳng yêu thương?

– Thể hiện tình yêu thương ấy bằng hành động cụ thể là sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh thật sự cho họ. Tình yêu không được biểu lộ thành hành động cụ thể chỉ là thứ tình yêu giả dối, ngoài môi miệng.

Cách chuẩn bị cho ngày tận thế hay nhất vẫn là tỉnh thức theo kiểu thánh Louis Gonzaga, một vị thánh chết khi còn rất trẻ tuổi. Một hôm, vào giờ chơi, Louis đang chơi banh ngoài sân, cha linh hướng đến hỏi Louis: «Nếu một lát nữa Chúa gọi con về với Ngài, thì bây giờ con làm gì?» Câu trả lời của Louis làm cha linh hướng rất hài lòng: «Con sẽ tiếp tục chơi, vì bây giờ là giờ chơi, thánh ý của Thiên Chúa đối với con vào giờ này là muốn con chơi». Điều đó cho thấy Louis lúc nào cũng cố gắng sống đúng thánh ý Chúa, đúng theo đòi hỏi của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, nên Louis có thể sẵn sàng về với Chúa bất kỳ lúc nào. 

Nếu ta là Louis lúc đó, chắc hẳn ta sẽ trả lời: «Con sẽ đi gặp một linh mục để xưng tội, và vào nhà thờ cầu nguyện để chết trong khi cầu nguyện». Trả lời như thế chứng tỏ ta không thường xuyên sống trong tình trạng tỉnh thức chuẩn bị Chúa đến, mà đợi «nước đến chân mới nhảy». Như vậy, giả như Thiên Chúa gọi ta về với Ngài ngay lúc này, khiến ta không có một phút nào để kịp ăn năn hay xưng tội, thì số phận ta sẽ thế nào?

Nếu lúc nào ta cũng sống đúng theo thánh ý Thiên Chúa, sống đẹp lòng Thiên Chúa, thì dù Chúa sắp đến hay còn lâu mới đến, ta không có gì phải bận tâm. Đấy là cách chuẩn bị đón Chúa đến hay nhất, cách mà Đức Giêsu muốn ta thực hiện nhất. Nghĩa là lúc nào ta cũng sẵn sàng đến trình diện Chúa như Louis Gonzaga, nên luôn luôn làm mọi việc như bình thường, có vẻ như chẳng chuẩn bị gì cả, cho dù biết Chúa sẽ đến ngay ngày mai, hay chỉ trong chốc lát nữa! Đối với người luôn tỉnh thức và sẵn sàng, Chúa đến lúc nào cũng vậy thôi!

4.   Sống giây phút hiện tại như giây phút cuối cùng đời mình

Một danh nhân nọ nói: «Ngày nào tôi cũng tự nhủ: “tôi sống như thể hôm nay là ngày đầu tiên và cũng là ngày cuối cùng cuộc đời tôi». Đó cũng là một cách sống tỉnh thức và sẵn sàng, rất phù hợp với tinh thần bài Tin Mừng hôm nay. Sống như thế, cuộc sống mỗi ngày sẽ trở nên tràn đầy ý vị, vì không bị những buồn phiền, rắc rối, hối tiếc về quá khứ và những nỗi lo lắng cho tương lai làm bận tâm, làm mất năng lực. Sáng dậy, nếu ta nghĩ như thể ngày hôm nay là ngày duy nhất của cuộc đời ta, coi như không có quá khứ, cũng không có tương lai, chỉ có hiện tại, thì ta dễ tập trung mọi năng lực để sống thật tốt, sống thật đẹp lòng Chúa, để làm cho ngày hôm nay thành một của lễ sống động, thật giá trị dâng lên Thiên Chúa. Cuộc đời ta cứ dệt bằng những ngày như vậy thì cần gì phải lo tận thế! Đừng quan tâm hay thắc mắc bao giờ sẽ tận thế, nhưng hãy sống mỗi ngày như thể cuối ngày đó là tận thế! Cứ sống thử như thế đi, bạn sẽ thấy cuộc đời bạn đổi mới từ đây, với nhiều sức mạnh và hạnh phúc hơn.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin đừng để con vì những dư luận về tận thế mà xao lãng việc sống đúng ý Cha, sống yêu thương tha nhân, quan tâm đến những nhu cầu cấp thiết của những người chung quanh con, chu toàn những bổn phận hằng ngày của con. Xin đừng để con bị lường gạt bởi những thần khí xấu hoặc những ngôn sứ giả, khiến con chú tâm vào những điều phụ thuộc cho dù rất tốt mà quên đi những điều chính yếu trong việc sống đạo. Xin cho con phân biệt rõ ràng đâu là phương tiện, đâu là mục đích, để con đừng lấy phương tiện làm mục đích. Vì một phương tiện rất tốt có thể trở thành một mục đích rất xấu khi nó làm con lạc hướng và quên đi mục đích mà đúng ra phương tiện ấy phải giúp con đạt tới.

Nguyễn Chính Kết


Xin bấm vào đây để đọc một bài suy niệm khác của cùng tác giả cũng về bài Tin Mừng này.

_________________

Phụ Chú:

Có những câu Kinh thánh được giới thiệu trong bài nhưng chưa được trích dẫn (có đánh dấu hoa thị *), xin ghi ra đây để Quý Vị dễ dàng tham khảo:

* Mt 24,11 => «Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người.»

** Mt 24,24 => «Sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn.» 


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét