Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

TN4b - Luật nhân quả trong «Tám Mối Phúc»


CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 4 Mùa Thường Niên
(29-1-2017)

Bài 2

Luật nhân quả trong «Tám Mối Phúc»


ĐỌC LỜI CHÚA

  Xp 2,3.3,12-13: (3) Hỡi tất cả những ai nghèo hèn hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường, anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa.

  1Cr 1,26-31: (27) Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; (28) những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.


  TIN MỪNG: Mt 5,1-12a

Tám mối Phúc


(1) Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng: (3) «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (11) Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao». 


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.  Bạn biết gì về luật nhân quả? Kinh Thánh có nói gì về luật này không? Xin đưa ra một vài câu điển hình. 
2.   Có một món tiền lớn, nhưng nếu cứ tiêu hoài thì cũng hết và trở thành nghèo. Bạn có cách nào để tiêu hoài không hết, mà lại có nhiều hơn nữa không? 
3.   Tinh thần chung chung của tám mối phúc là gì? có thể tóm gọn lại cả tám mối ấy trong một mối duy nhất không? mối ấy là gì?

Suy tư gợi ý:

1.   Luật nhân quả

Trên đời, có một định luật phổ biến mà bất cứ ai, bất cứ tôn giáo hay nền văn hóa nào cũng phải công nhận, đó là luật nhân quả. Luật nhân quả được phát biểu như sau: Bất cứ một sự việc, biến cố nào cũng đều phải có nguyên nhân sinh ra nó, và chính nó lại là nguyên nhân phát sinh một hậu quả nào đó. Có thể phát biểu luật nhân quả một cách khác như: Không một sự việc hay biến cố nào xảy ra mà không có nguyên nhân, mà không tạo nên một hậu quả nào đó. Tương quan giữa nhân và quả là nhân nào quả nấy: nhân xấu thì quả xấu, nhân tốt thì quả tốt.

Trong Tin Mừng, Ðức Giêsu đã nói về định luật nhân quả qua những câu như: «Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7,17-18), «Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm» (Mt 26,52), Cựu Ước cũng có những câu như: «Kẻ nào ăn nho xanh, kẻ ấy sẽ bị ghê răng» (Gr 31,30), «Ðời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng» (Ed 18,2). Trong những câu này, nhân và quả tương ứng với nhau.

Nhưng Thánh Kinh còn cho biết giữa nhân và quả cũng có sự đối nghịch nhau: «Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên» (Mt 23,12), hay «Gieo trong đau thương sẽ gặt giữa vui mừng; đi khóc lóc u sầu sẽ về giữa muôn lời ca» (Tv 126,5-6).

Bài Tin Mừng hôm nay là một ứng dụng khôn ngoan và phong phú của định luật nhân quả.

2.   Tám mối phúc thật

Có một số tiền, ta có thể sử dụng nó theo hai cách căn bản:

-    một là lấy chính số tiền ấy để mua món này vật kia cho đến hết. Và khi hết thì ta lại lâm vào cảnh túng thiếu, khổ sở. Vì thế, người tiêu hoang thì chóng nghèo hơn người biết tiết kiệm. Nhưng dù món tiền lớn đến đâu, dù ta tiêu tiết kiệm hoặc hà tiện đến mức nào, thì tiền tiêu hoài cũng có lúc hết: Miệng ăn, núi lở.

-    hai là đem số tiền ấy ra kinh doanh, để tiền lại làm ra tiền, nhờ vậy, mình tiêu hoài không hết. Nhưng đem tiền ra kinh doanh có nghĩa là phải tiêu số tiền đó vào một việc gì đó ích lợi cho người khác, nhằm phục vụ lợi ích người khác chứ không phải lợi ích của mình. Người khác có cảm thấy họ được phục vụ tốt thì họ mới cần tới mình, cần tới món hàng mình. Như vậy, mình hành động vì lợi ích của người khác mà cuối cùng mình lại có lợi, và cái lợi này mới thật sự lâu bền. Nhiều người kinh doanh chẳng những có tiền tiêu hoài, mà còn trở nên giàu có tột bậc.

So sánh hai cách tiêu tiền ấy, thì cách thứ hai khôn ngoan và có lợi cho mình hơn rất nhiều. Ðó chỉ là một minh họa nghèo nàn dẫn chúng ta vào sự khôn ngoan của tám mối phúc mà Ðức Giêsu giới thiệu cho ta. Hai cách tiêu tiền ấy tương ứng với hai cách sống: sống ích kỷ và sống yêu thương. Sống ích kỷ thì có lợi trước mắt, nhưng xét theo lâu dài thì rất bất lợi. Sống yêu thương là làm cho người khác hạnh phúc, trước mắt thì mình bị thiệt hại, đau khổ; nhưng xét theo lâu dài thì nó đem lại hạnh phúc cho mình gấp bội cách sống ích kỷ. Như thế, ta thấy ích kỷ lợi một và ngắn hạn, còn vị tha hay yêu thương thì lợi mười và lâu dài. Sự lâu dài này không có nghĩa là cứ phải qua đời sau mới nhận được lợi ích của nó, mà trong đa số trường hợp là được hưởng ở ngay đời này.

a.   Mối phúc căn bản: sống nghèo vì người khác

Mối phúc thứ nhất là sống nghèo vì người khác. Phải sống nghèo cho người khác thì mới là phúc thật. Còn sống nghèo khó hầu cho số tiền mình để dành ngày càng nhiều lên thì đó là hà tiện chứ không phải là sống nghèo khó theo Tin Mừng. Rất nhiều người hiểu lầm về đức khó nghèo. Họ tưởng họ có nhân đức khó nghèo khi họ tiêu xài một cách hà tiện, sống y như một người nghèo. Nhưng số tiền đáng lẽ phải chi mà không chi, thay vì giúp ích cho một ai đó nghèo hơn thì họ lại cất đi, khiến họ càng có nhiều tiền trong kho hay nhà băng hơn. Khó nghèo như thế thì nào có giúp ích gì cho ai? Thậm chí còn làm cho người nghèo nghèo hơn, vì của cải bị tập trung vào kho của những người hà tiện như thế.

Cái nghèo mà Ðức Giêsu muốn nói đến, là nghèo vì yêu thương tha nhân. Nghèo vì cho đi, vì muốn làm lợi ích cho người khác thì cái nghèo đó mới gọi là đức khó nghèo. Vì thế, giữa đức khó nghèo và đức bác ái có tương quan với nhau. Khó nghèo để bác ái. Khó nghèo là một phương tiện cụ thể để thực thi bác ái. Khó nghèo mà không vì đức ái thì trở thành hà tiện, mà hà tiện là một trong bảy mối tội.

Khó nghèo không hẳn chỉ là do bố thí. Dùng rất nhiều thì giờ để lao động tay chân hay trí óc hầu phục vụ một nhu cầu nào đó của tha nhân, của Giáo Hội hay xã hội thay vì dùng thì giờ đó để làm việc khác có kinh tế hơn, thì đó chính là thực hành đức khó nghèo, mặc dù trong thực tế người ấy vẫn có thể giàu có. Còn người nghèo mà muốn tận dụng hết thì giờ để lo kiếm tiền, không bao giờ muốn hy sinh một giây phút nào để làm việc cho người khác, thì người ấy chẳng thực hiện đức khó nghèo một chút nào, dù rằng người ấy rất nghèo.

Vậy có thể nói: tâm hồn khó nghèo của Tin Mừng là tâm hồn sẵn sàng chấp nhận mất mát (thì giờ, vật chất, sức lực, của cải, sự quan tâm) vì yêu thương tha nhân, để mưu hạnh phúc hay ích lợi cho họ. Một người có tinh thần phục vụ cao, dám thật sự hy sinh cho tha nhân như vậy chắc chắn sẽ được mọi người quí trọng, yêu mến, được tín nhiệm, được giao cho những trọng trách trong xã hội hay Giáo Hội, nên có địa vị cao, vì thế có thể có một đời sống đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất. Một người như vậy thì tình yêu hay Nước Trời ở ngay trong lòng họ: tinh thần họ luôn luôn bình an và tràn đầy niềm vui vì đã làm cho những người chung quanh được hạnh phúc. Họ có thể được hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau.

Ta có thể hiểu những mối phúc khác một cách tương tự như thế.

b.   Cả tám mối phúc đều là hệ luận của một mối phúc căn bản

Mối phúc căn bản là sống vị tha: nghĩa là thật sự sống vì Chúa, vì tha nhân, sẵn sàng chịu thiệt hại, mất mát, đau khổ vì lợi ích hay hạnh phúc của tha nhân. Như đã nói trên, sống như thế cũng giống như đem tiền ra đầu tư, đem hạt giống ra gieo, tuy trước mắt là mất mát, thiệt thòi, nhưng cuối cùng mình lại gặt hái nhiều hơn gấp bội.

Tất cả các mối phúc đều có hai vế: vế thứ nhất là nhân, vế thứ hai là quả; vế thứ nhất là gieo, vế thứ hai là gặt; vế thứ nhất là mình vì người khác, vế thứ hai là người khác vì mình; vế thứ nhất là đau khổ, vế thứ hai là hạnh phúc. Tất cả các mệnh đề trong vế thứ nhất đều phải hiểu ngầm mấy chữ này: vì Chúa, vì tha nhân, nghĩa là nghèo vì tha nhân, hiền lành vì tha nhân, sầu khổ vì tha nhân, v.v. Nếu không do tự nguyện vì Chúa, vì tha nhân, thì sự nghèo, sự hiền lành, nỗi sầu khổ ta phải chịu đều là tai họa chứ không phải là phúc đức.

c.   Chứng nghiệm:

Kinh nghiệm trong cuộc đời cho ta thấy: những người có tâm hồn ích kỷ, suốt ngày chỉ nghĩ tới mình, tới hạnh phúc hay đau khổ của mình, đều là những người đau khổ nhất. Còn những người có tâm hồn vị tha, chỉ nghĩ đến người khác, đến hạnh phúc và đau khổ của người khác, không còn thì giờ để nghĩ đến mình, thì những người ấy thường luôn luôn hạnh phúc, thoải mái trong tâm hồn, và thành công trong cuộc đời. Người Kitô hữu phải tập cho được thói quen sống vì Chúa, vì tha nhân, và thường xuyên tìm đủ mọi cách để người chung quanh mình (vợ chồng, con cái, người thân, bạn bè) được hạnh phúc. Sống như thế, bảo đảm ta sẽ được hạnh phúc ngay đời này, và chắc chắn cả đời sau nữa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, luật nhân quả là do Cha dựng nên, là thánh ý của Cha. Xin cho con biết sống khôn ngoan, biết lợi dụng luật ấy để đem lại hạnh phúc lâu dài cho mình. Ðức Giêsu đã chỉ cho con biết cách để được hạnh phúc lâu dài qua tám mối phúc thật. Ðó là biết sống hoàn toàn vì Thiên Chúa và tha nhân. Sống như thế là cách sống khôn ngoan nhất, đem lại hạnh phúc cho con ngay ở đời này, mà còn bảo đảm cho con hạnh phúc đời sau nữa. Amen.


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét