Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

DTTGII-Chuong1-Mac-cam-tu-ton




ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO



Phần II

Những ngăn trở
trong việc đối thoại tôn giáo




Tất cả mọi việc trên đời luôn luôn có những khó khăn và trở ngại phải vượt qua. Có những trở ngại có vẻ như không thể vượt qua nổi. Nhưng với thiện chí và quyết tâm của con người, thì trở ngại dù lớn đến đâu cũng có thể vượt qua. Vấn đề quan trọng là con người có muốn vượt qua hay không? Nếu không muốn hay không muốn đủ, thì trở ngại dù nhỏ cũng không vượt qua được. Lời của Nguyễn Bá Học quả là chí lý: «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông».

Việc đối thoại tôn giáo cũng có biết bao trở ngại không phải dễ vượt qua. Nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là trở ngại chủ quan nằm ngay trong lòng mỗi người. Nếu không thật sự muốn và mạnh mẽ quyết tâm thì mọi sự sẽ vẫn y nguyên, không có gì thay đổi. Nhưng nếu muốn và quyết tâm thực hiện thành công, ta cần phải biết rõ những trở ngại mà ta phải vượt qua. Vậy, đâu là những trở ngại trong việc đối thoại tôn giáo?

Ta có thể nhận ra dễ dàng những trở ngại sau đây:

     – Mặc cảm tự tôn
     – Sợ mất chân tính khi đối thoại
     – Quan niệm thực tại chỉ có một mặt
     – Sợ rơi vào chủ nghĩa hòa đồng tôn giáo
     – Lẫn lộn giữa chân lý và định thức của chân lý
     – Sự khác biệt về phương cách suy tư.



Chương 1

Mặc cảm tự tôn



Coi tôn giáo của mình là đúng nhất, siêu việt nhất

Cản trở lớn nhất khiến người ta khó có thể đối thoại một cách chân thành và đúng đắn là mặc cảm tự tôn. Chẳng hạn, về phía Kitô giáo, khi đối thoại, nhiều Kitô hữu e ngại phải đặt tôn giáo của mình ngang hàng với các tôn giáo khác. Đó là thái độ của Tổng Giám Mục tại Canterburry (Mỹ) khi được Ban tổ chức Hội Nghị Các Tôn Giáo tại Chicago năm 1893 mời tham dự. Ông từ chối lời mời vì không thể chấp nhận Kitô giáo mà lại đi đối thoại với các tôn giáo khác với tư cách ngang hàng với mình. Vì thế, ban tổ chức đã mời một vị khác là Hồng Y Gibbons, và vị này đã nhận lời (*1).

Không cần biết các tôn giáo khác ra sao, nhiều Kitô hữu mặc nhiên và tiên thiên cho rằng tôn giáo của mình có giá trị hơn hẳn các tôn giáo khác, vì tôn giáo của mình là do Con Thiên Chúa, - cũng chính là Thiên Chúa - sáng lập ra, nên có sự mặc khải từ trên xuống. Còn các tôn giáo khác chỉ là những nỗ lực của con người tìm đến Thiên Chúa mà thôi. Nơi Kitô giáo thì «Thiên Chúa đến với con người», còn nơi các tôn giáo khác thì «con người nỗ lực vươn tới Thiên Chúa». Đương nhiên mặc khải từ trên xuống bảo đảm là đúng, còn sự tìm tòi mò mẫm của con người có rất nhiều nguy cơ sai lầm. Đó là lý do tự hào tôn giáo của người Kitô hữu: họ cảm thấy tự hào như thế thật hợp lý. Và sự hợp lý đó đã giam hãm họ trong niềm tự hào ấy, khiến họ khó lòng thấy được những chân lý siêu việt trong các tôn giáo, vốn được diễn tả khác với những chân lý Kitô giáo.

Người Kitô hữu thường cho rằng mặc khải của Kitô giáo là viên mãn, nghĩa là hoàn toàn đầy đủ mọi chân lý về Thiên Chúa, tức Thực Tại Tối Hậu, không còn thiếu gì nữa. Vì thế, khi có tôn giáo nào đưa ra một điều gì về Thiên Chúa hay Thực Tại Tối Hậu, khác với hay ngược với mặc khải Kitô giáo, thì các Kitô hữu có khuynh hướng suy ra rằng điều đó tất phải sai. Khi đã coi mặc khải của mình là viên mãn, người ta sẽ cho rằng chân lý chỉ có thế thôi, ngoài những chân lý đó ra thì tất cả đều là sai lầm. Điều nào trong các tôn giáo khác phù hợp với những chân lý đó, thì cũng là chân lý, điều nào không phù hợp ắt là sai lầm. Do đó, người Kitô hữu dễ có khuynh hướng lấy tôn giáo mình là chuẩn mực cho tất cả mọi tôn giáo khác. Vì thế, đối với các tín đồ tôn giáo khác, việc đối thoại với người Kitô hữu quả là một việc không gây hứng thú chút nào.

Đây không phải là mặc cảm tự tôn cá nhân, mà là tự tôn tập thể. Thật ra, mặc cảm tự tôn hay tự ty nào cũng đều có gì đó không ổn về mặt đạo đức, tâm lý cũng như luận lý. Tự tôn có khi chỉ là một hiện tượng nói lên một sự yếu kém từ bên trong mà chúng ta muốn che đậy.


Tự tôn và tự hào tôn giáo

Tự tôn khác với tự hào. Về vấn đề tự hào, có thể nói rằng người trong tôn giáo nào cũng đều cho tôn giáo của mình là đúng là hay. Thường thì ai cũng tự hào về tôn giáo mình. Đừng tưởng chỉ có các Kitô hữu mới tự hào về tôn giáo mình là đúng nhất, tốt nhất. Khi tìm hiểu về Phật giáo, tôi thấy hầu hết các tu sĩ và cư sĩ Phật giáo tôi gặp đều cho Phật giáo là tôn giáo cao nhất. Họ cho rằng so với Phật giáo, Kitô giáo chỉ là thứ tôn giáo dành cho những bậc sơ cơ, tương tự như pháp môn Tịnh Độ của Phật giáo vậy. Pháp môn này cũng chủ về đức tin và cầu vào tha lực như Kitô giáo (*2). Khi tìm hiểu các tôn giáo khác nữa, tôi cũng đều thấy những niềm tự hào tương tự.

Ai cũng tự hào là tôn giáo mình hay và đúng nhất. Nếu không nghĩ như thế thì họ đâu còn theo tôn giáo họ đang theo làm gì! Nhưng thực ra, không mấy ai biết được cách chính xác và rõ ràng các tôn giáo khác như thế nào để có thể so sánh một cách đúng đắn, và tự hào một cách hợp lý cả. Ai cũng có lý khi tự hào về tôn giáo của mình. Và vì mình chỉ thấy và hiểu được cái lý tự hào của mình, chứ không thấy và hiểu được cái lý tự hào của người khác, nên sự tự hào tự tôn trong mỗi tôn giáo cứ tồn tại mãi khiến họ hiểu lầm nhau, khinh thị nhau, xa cách nhau. Chỉ có tìm hiểu và đối thoại với nhau, và sau khi thực sự hiểu nhau, người ta mới vỡ lẽ ra rằng các tôn giáo khác không tầm thường và thấp thỏm như mình nghĩ. Nhờ vậy, sự tự hào phi lý mới có thể bớt đi, và người ta mới có thể nhìn nhau một cách khiêm nhượng và tôn trọng nhau hơn.

Hồi còn học cấp một, khi biết rằng trái đất hình cầu và mọi người sống bao quanh hình cầu đó, tôi lấy làm lạ và lòng đầy thắc mắc. Tôi thấy mình và những người chung quanh mình lúc nào cũng đứng thẳng. Thế là tôi lý luận: nếu mình là người đứng thẳng, tất mình phải là người đứng ở phía trên đỉnh - nơi cao nhất - của trái địa cầu, vì chỉ có những người đứng trên đỉnh mới có thể đứng thẳng theo chiều thẳng đứng. Còn những người đứng theo chiều thẳng góc với mình ắt là đứng nghiêng, và những người đứng ở phía bên kia địa cầu - đối xứng với tôi qua tâm - ắt là đứng lộn ngược. Với đầu óc non nớt của tôi lúc đó, tôi cứ thắc mắc làm sao người ta có thể đứng nghiêng hay đứng lộn ngược với tôi mà không rơi xuống? Đầu óc non nớt đã khiến tôi thấy rằng chỉ có mình và những người chung quanh mình là đứng thẳng mà thôi. Còn những người khác ở xa đều đứng nghiêng hay đứng ngược cả.

Nhưng khi lên tới cấp hai, tôi mới hiểu được là bất kỳ ai trên thế giới cũng đều thấy mình đứng thẳng và đứng ở trên đỉnh của địa cầu y như tôi thấy tôi vậy, chẳng có ai thấy mình đứng nghiêng hay đứng lộn ngược cả. Lúc đó, tôi lại giác ngộ một điều kỳ lạ khác xem ra rất ngược với lý luận toán học non nớt của tôi thời đó: tôi đứng thẳng, nhưng người đứng thẳng góc hay lộn ngược đầu với tôi cũng thấy họ đứng thẳng y như tôi. Cảm giác mình đứng thẳng hay đứng trên đỉnh trái địa cầu chỉ là tương đối. Về sau tôi rút ra bài học: Thật là sai lầm khi lấy mình làm thước đo người khác. Nghĩa là khi đã nghĩ mình đứng thẳng thì mình sẽ căn cứ vào việc đứng thẳng của mình để cho rằng ai không đứng cùng chiều với mình, ắt phải đứng nghiêng hay đứng ngược.

Việc tự hào tôn giáo cũng tương tự như vậy. Ai cũng thấy mình đúng - không những đúng, mà còn là đúng nhất - và một khi đã cho mình là đúng, tất nhiên sẽ cho rằng ai nghĩ khác với mình ắt phải sai. Trong cuốn Đắc nhân tâm, dựa vào những điều tra thăm dò của ông, Dale Carnegie cho biết ai cũng nghĩ mình đúng, không ai nghĩ mình sai cả. Đừng tưởng những tên ăn cướp luôn luôn nghĩ rằng chúng hành động sai. Có những tên sau khi thản nhiên giết hàng loạt người, trong thâm tâm vẫn nghĩ rằng mình đã hành động đúng, thậm chí còn cho mình là ân nhân của nhân loại nữa. Những trường hợp bệnh hoạn đó tuy có nhưng hiếm. Còn những người bình thường, rất hiếm có người nghĩ mình sai. Những người mà ta không đồng ý với lập trường của họ, ta chắc chắn rằng ta nghĩ đúng còn họ nghĩ sai. Thế còn họ, họ nghĩ thế nào về họ, về ta? Họ cũng lại nghĩ rằng họ mới đúng, còn ta thì sai.

Chỉ những người có đầu óc phản tỉnh cao mới hay đặt lại vấn đề: biết đâu mình đã nghĩ sai! Chỉ những ai có óc phản tỉnh cao mới hay nghi ngờ cả những điều mình đang cho là đúng, thậm chí cả thế giới đang cho là đúng. Và chỉ những người như thế mới có nhiều cơ hội nhận ra chân lý. Còn thông thường, ai cũng tự hào rằng mình đúng, thậm chí đúng nhất nữa, nên họ khó lòng tiếp thu được những kiến thức mới nào ngược lại với những gì họ đã biết. Điều này, ai cũng có thể nhận thấy trong lịch sử những khám phá khoa học, và cả trong đời sống hằng ngày, nơi chính mình cũng như nơi những người chung quanh.

Sự tự hào vốn rất bình thường, không có gì là bệnh hoạn, chỉ có điều là nhiều khi không có cơ sở vững chắc. Chỉ trừ những người «giữ đạo» một cách thờ ơ, giữ đạo cho có, «may ra» mới không tự hào về tôn giáo của mình. Nếu không tin rằng tôn giáo mình đang theo là đúng nhất thì người ta theo tôn giáo ấy để làm gì? Nếu nhìn nhận có tôn giáo nào cao cả hơn, đúng đắn hơn tôn giáo mình đang theo, thì người ta đã phải từ bỏ tôn giáo cũ của mình để theo cái tôn giáo mà mình thấy là đúng hơn chứ?! Thực tế cho thấy: so với người vẫn giữ tôn giáo của mình thì tỷ lệ người từ bỏ tôn giáo cũ của mình để theo một tôn giáo mới là rất nhỏ. Tín đồ một tôn giáo có thể tự hào là đã có khá nhiều người từ bỏ tôn giáo của họ để theo tôn giáo của mình; nhưng họ sẽ nói sao về những tín đồ trong tôn giáo của mình đã từ bỏ tôn giáo ấy để theo một tôn giáo khác?

Tự hào là một hiện tượng tâm lý tương đối lành mạnh; nhưng tự tôn có thể là hiện tượng của một tình trạng tâm lý kém lành mạnh. Tự tôn có thể do thiếu tinh thần tự trọng. Thật vậy, một người tự trọng, cho dẫu có biết là gia đình mình tốt, giầu có nhất vùng, vẫn không khoe khoang kiêu hãnh với những gia đình khác, hay chê bai nhà khác xấu hơn, nghèo hơn. Và càng không dám làm điều đó khi mình không hề biết gia đình người khác tốt xấu ra sao, giầu nghèo thế nào. Niềm tự hào về gia đình mình, nếu có nói ra, bình thường người tự trọng chỉ dám nói nhỏ trong nội bộ gia đình mình thôi. Cũng vậy, một người có lương tri thực sự, cho dù có tin tưởng tôn giáo mình là đúng tới đâu, thậm chí đúng hơn tất cả những tôn giáo khác, cũng không bao giờ dám khẳng định trước tất cả mọi tôn giáo hay trước thế giới rằng chỉ có tôn giáo mình là đúng nhất. Nhiều lắm thì có thể nói: «Tôi tin rằng tôn giáo của tôi là đúng đắn nhất», hay «Theo thiển ý tôi thì tôn giáo của tôi là hợp lý hơn cả». Và đương nhiên những người thuộc các tôn giáo khác cũng có thể nói như vậy.


Có nên tự hào không?

Ai cũng có quyền nghĩ rằng chỉ có mình là đúng. Điều đó không có gì đáng phiền trách. Và thông thường thì ai cũng đều nghĩ như vậy cả. Còn việc ấy có nên hay không thì tùy từng trường hợp. Bậc hiền nhân thường hay nghĩ rằng mình có thể sai lầm để tránh tình trạng mãi cố chấp trong sai lầm của mình. Bình thường, người có đầu óc hợp lý một chút thì chỉ sau khi biết rõ những người mà mình đang so sánh nghĩ thế nào, lập trường của họ ra sao mà vẫn nhận thấy rằng mình có lý hơn cả, phù hợp với thực tế hơn cả, mới dám tự tin rằng mình đúng nhất. Tuy nhiên, khi gặp những dữ kiện trái ngược lại suy nghĩ của mình, bậc hiền nhân vẫn có thể đặt lại vấn đề.

Đối với người nghĩ khác mình, thái độ của những bậc hiền nhân vẫn là nhún nhường đồng thời tỏ ra tôn trọng ý kiến hay lập trường khác biệt của họ, cho dẫu mình có xác tín rằng mình đúng nhất, vì mình biết rằng về phần họ, họ vẫn cho lập trường của họ là đúng nhất. Vả lại, thực tại vốn đa diện, nên có nhiều cách nhìn đều đúng đắn nhưng khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, về thực tại. Tuy nhiên, đối với những người mà mình cho là sai lầm, bậc hiền nhân vẫn có thể dùng những lý luận đanh thép và xác đáng chỉ cho họ thấy những sai lầm của họ, giúp họ ra khỏi những sai lầm đó.

Còn nếu chưa biết rõ người khác nghĩ thế nào mà đã quả quyết mình là đúng nhất, thì quả thực, sự tự hào đó là hàm hồ, thiếu cơ sở. Về vấn đề tôn giáo cũng thế, chỉ sau khi hiểu rõ, hiểu đúng và đối thoại nhiều với các tôn giáo khác, ta mới có đủ yếu tố để xác định về chỗ đứng của tôn giáo mình giữa những tôn giáo khác. Nhưng cứ theo tinh thần của Tin Mừng và Kinh Thánh, thì chẳng nên tự hào về tôn giáo của mình, cho dù sự tự hào đó có chính đáng tới đâu đi nữa.


Kinh nghiệm lịch sử: Do Thái giáo

Chúng ta, những người Kitô giáo, có thể căn cứ vào Thánh Kinh để rút ra bài học thích hợp cho niềm tự hào về tôn giáo của mình. Như ta đã biết, thời Cựu Ước, Do Thái giáo là tôn giáo duy nhất đúng đắn và chân thật, được Thiên Chúa thiết lập qua Môsê và các tiên tri, với tất cả vẻ huy hoàng uy dũng của một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Không một tôn giáo nào - kể cả Kitô giáo - được Thiên Chúa trực tiếp điều khiển, được chứng kiến những phép lạ vĩ đại của quyền năng Thiên Chúa như Do Thái giáo. Thời đó, chỉ một mình Do Thái giáo là thờ phượng Thiên Chúa chân thật, còn những dân tộc khác, tôn giáo khác đều thờ thần tượng, là điều Thiên Chúa rất kinh tởm. Người Do Thái rất ý thức và hãnh diện về tôn giáo của mình. Thật là một niềm tự hào mà ai cũng phải cho là chính đáng. Nhưng dường như Thiên Chúa không ưa sự tự hào ấy. Sự việc Chúa Giêsu giáng sinh và tỏ mình ra cho dân ngoại chứ không tỏ mình cho dân Do Thái nói lên điều ấy. Và đó là một điều lạ kỳ trái ngược hẳn với lề lối suy nghĩ của chúng ta, và cho thấy phần nào cách xử sự của Thiên Chúa.

Sự việc Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thụ thai và sinh ra xẩy ra thật lạ kỳ, được hoàn thành theo đường lối kín dấu đối với Do Thái giáo, thậm chí có thể nói Ngài sinh ra tại Bêlem một cách có vẻ như lén lút (x. Lc 2,1-20), chỉ để ứng nghiệm lời tiên tri Mikha (x. Mk 5,1) tiên báo Ngài phải sinh ra tại đó (*3). Việc Ngài sinh ra tại Bêlem thật bất ngờ đối với người thời ấy, quả không ai ngờ tới, kể cả cha mẹ Ngài: lệnh của hoàng đế Augustô bất ngờ quá! Nếu cứ theo sự khôn ngoan của loài người, và theo sự tự hào của dân Do Thái, thì Thiên Chúa đã phải an bài để tất cả đất nước Do Thái biết cái thời điểm trọng đại ấy, trọng đại không chỉ đối với đất nước Do Thái, mà đối với cả nhân loại và vũ trụ nữa. Đúng ra, Ngài phải loan báo tin vui đó cho cả thế giới, nhất là Dân Do Thái, hay ít ra là những người lãnh đạo Do Thái giáo, để họ ăn mừng thật linh đình chứ!

Nhưng tôn giáo Do Thái đã không được chính thức báo tin về sự việc quan trọng mà họ đã chờ đợi hàng mấy trăm năm ấy. Giới lãnh đạo Do Thái chỉ được báo tin một cách hoàn toàn không chính thức qua các nhà đạo sĩ Đông phương (x. Mt 2,1-12). Vì không tìm ra đường, các đạo sĩ mới cực chẳng đã phải ghé Giêrusalem hỏi thăm, chứ đâu có nhã ý báo tin cho giới lãnh đạo Do Thái giáo. Nếu ngôi sao dẫn đường không biến mất - việc biến mất đương nhiên do ý muốn Thiên Chúa - thì các đạo sĩ đâu thèm ghé Giêrusalem làm gì. Dường như Thiên Chúa coi giới lãnh đạo Do Thái giáo «không có kílô nào» cả!

Nếu Thiên Chúa hành xử theo sự tự hào của Do Thái giáo thì khi Con Ngài đến, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái ắt phải là những người được trân trọng báo tin đầu tiên. Y như Thái Tử Con Vua đến thăm một tỉnh nào, thì nhà Vua sẽ phải báo tin cho cấp lãnh đạo của tỉnh đó biết để đón tiếp. Nhưng Thiên Chúa đã không hành động như thế. Những người được báo tin một cách chính thức thì lại là các mục đồng, là những người chẳng có một tư cách nào đại diện cho Do Thái giáo cả. Có chăng chỉ đại diện cho đám dân nghèo khổ cùng cực, bị áp bức, bị gạt ra ngoài lề xã hội, chẳng ai thèm đoái hoài tới (x. Lc 2,8-20).

Còn các đạo sĩ biết được tin và đến với Ngài thì lại chẳng phải là người Do Thái giáo – họ đại diện cho dân ngoại – chẳng có tôn giáo chân chính, chẳng được chính thức mặc khải, chẳng có Kinh Thánh trong tay. Họ biết được Vua Trần Gian sinh ra đâu phải nhờ vào lời các tiên tri hay Kinh Thánh, mà có lẽ nhờ vào những khoa học của dân tộc họ, vào nền minh triết của văn hóa họ, một nền văn hóa ngoại đạo! Có lẽ họ là các nhà chiêm tinh học, một khoa học mà người Kitô hữu không ưa và thường đồng hóa với mê tín. Chính họ, đại diện cho những tôn giáo không được mặc khải ấy, đại diện cho những tôn giáo mà Do Thái giáo cũng như Kitô giáo cho là tà giáo ấy, lại đến và gặp được Đức Kitô, đang khi chẳng ai trong tôn giáo chân chính gặp được Ngài, thậm chí chẳng thèm lên đường đi tìm Ngài. Đây quả là một bài học đích đáng của Kinh Thánh cho những ai chủ trương phải có tôn giáo chân chính mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa, mới được cứu độ, mới có chân lý!

Những người Do Thái giáo, những người tự hào về tôn giáo của mình là chính thống, là tôn giáo duy nhất đích thực của Thiên Chúa (x. Rm 2,17), tự hào là những người ưu tiên được cứu độ (x. Ga 4,22; Rm 1,16; Mt 10,6; 15,24), tự hào được Thiên Chúa trực tiếp mặc khải, là dân tộc đặc biệt được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, họ có đủ mọi lý do chính đáng để tự hào về tôn giáo của họ, thử hỏi sự tự hào đó và những điều khiến họ tự hào ích gì cho họ? Họ có tìm được Đức Kitô mới sinh ra không?

Sự thật thật là phũ phàng! Họ được chính thức mặc khải về Đức Kitô, có sẵn Kinh Thánh trong tay, nhờ đó biết đích xác tên của làng xã nơi Ngài sinh ra. Nhưng những cái đó chẳng ích lợi gì cho ho, vì chẳng có ai trong họ, những người có tôn giáo chân chính ấy, gặp được Đức Kitô, chẳng có ai trong họ thèm lên đường đi tìm Ngài. Họ chỉ biết ỷ vào tôn giáo, vào truyền thống, vào vinh dự cao cả của họ. Tất cả những thứ làm nên sự tự hào của họ trong thực tế có ích lợi gì cho họ đâu? Biết rõ nơi Ngài sinh ra mà lại không đi tìm, thì lại càng có lỗi. Sự tự hào của họ là một sự tự hào sai lầm. Thiên Chúa dường như rất ghét hay chẳng bao giờ ưa sự tự tôn tự hào, cho dù là tự hào chính đáng. Nhất là tự hào để tự đề cao mình lên và hạ thấp kẻ khác xuống (x. Lc 18,914; Rm 2,17).

Đó quả là một bài học lớn cho Kitô giáo. Kitô giáo có một may mắn rất lớn là ở vào trường hợp tương tự như Do Thái giáo: cũng là tôn giáo tự coi mình là duy nhất chân thật, được Thiên Chúa mặc khải rõ ràng hơn tất cả các tôn giáo khác. Cái xe Do Thái giáo đi trước đã bị đổ ngã, Kitô giáo được một bài học rõ ràng để khỏi đi vào vết xe cũ đã đổ ngã ấy. Thế nhưng, rất nhiều Kitô hữu đã hay đang có não trạng và thái độ tương tự như người Do Thái giáo xưa.

Bài học đó cho người Kitô hữu thấy rằng:

Trước hết, quan niệm cho rằng chỉ những người có tôn giáo chân chính như mình mới có thể gặp được Thiên Chúa hay được cứu rỗi, là một quan niệm sai lầm. Quan niệm này có thể sinh ra những tự hào tai hại, nhất là khi nó trở thành một não trạng đắc thắng (triomphalisme) như não trạng của các Kitô hữu thời Trung Cổ và thời thực dân vừa qua.

Thứ hai, việc có tôn giáo chân chính dường như không quan trọng bằng chính mình có thao thức đi tìm chân lý như các vị đạo sĩ Đông phương hay không. Ở trong các tôn giáo không chính thống mà có tâm hồn tìm chân lý, tìm Thiên Chúa, thì dễ gặp chân lý hay gặp Thiên Chúa hơn là ở ngay trong tôn giáo chân chính mà tự hào ỷ nại. Niềm tự hào cho tôn giáo của mình là chân chính có thể là một thứ «vỏ sò» khiến người ta an tâm tới mức độ không còn thao thức với vấn đề chân lý nữa. Họ nghĩ: hễ đã ở trong tôn giáo chân chính thì chân lý phải tìm đến họ chứ lẽ nào họ lại phải đi tìm, vì họ phải là những người được ưu tiên về chân lý! Chính não trạng đó đã khiến cho các rabbi Do Thái giáo không thèm bước chân đi tìm Đức Kitô, (nếu Ngài đến thì mình phải được báo tin đầu tiên chứ!), và cũng có thể sẽ làm cho nhiều Kitô hữu không thèm đi tìm chân lý (chân lý mình nắm trong tay rồi còn gì nữa!), và do đó họ không thể gặp được Thiên Chúa và ơn cứu độ.

Tôn giáo chân chính hay mặc khải chính thức có thể là con đường ngắn nhất, là phương tiện hữu hiệu nhất để ta gặp được Thiên Chúa. Nhưng có gặp được Thiên Chúa hay không không lệ thuộc vào con đường hay phương tiện cho bằng ý chí muốn gặp Ngài. Đối với người không thao thức tìm Thiên Chúa thì Ngài có ở ngay bên cạnh họ, họ cũng không gặp được. Còn đối với người thao thức tìm Ngài, thì dù Ngài có ở xa diệu vợi, họ vẫn lên đường tìm kiếm, và nhờ đó họ gặp được Ngài: «Ai tìm thì sẽ thấy» (Mt 7,7). Vả lại: «Đường đi khó, nhưng không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông» (Nguyễn Bá Học).

Cứ an ổn và tự hào về tôn giáo chân chính của mình, không khéo chúng ta lại giống như những kẻ ưu tiên được mời đến dự tiệc, nhưng lại không khắc phục được mọi bận bịu để đến dự, khiến chủ nhà phải đi mời những kẻ ngoài đường phố vào thay thế (x. Lc 14,15-24). Người Kitô hữu chúng ta có quyền nghĩ rằng mình là đối tượng ưu tiên của Nước Thiên Chúa, nhưng vẫn có khả năng là người tôn giáo khác lại vào đó trước chúng ta (x. Mt 21,31-32). Có quyền ưu tiên mà không có thiện chí thì cũng như không có. Dụ ngôn tiệc cưới không hẳn chỉ áp dụng cho người Do Thái giáo mà không thể áp dụng cho người Kitô hữu!


Niềm tự hào sai lầm của dân Do Thái

Vào thời Chúa Giêsu, nếu có ai hỏi người Do Thái: Ngoài Do Thái giáo có ơn cứu độ không? Chắc chắn họ sẽ trả lời một cách chân thành và thẳng thắn rằng: KHÔNG! (x. Cv 15,1). Như ta đã biết, trả lời như thế, họ dựa trên những cơ sở hết sức hợp lý và vững chắc: thời đó, chỉ có Do Thái giáo là tôn giáo duy nhất chân thật. Vả lại, tiên tri Giôel nói: «Ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu độ» (Ge 3,5), mà chỉ có những người Do Thái giáo mới kêu cầu danh Chúa, dân ngoại chỉ kêu cầu thần tượng thì làm sao được cứu độ?

Niềm tin tưởng đó được biểu lộ cụ thể khi dân ngoại gia nhập Kitô giáo vào thời các tông đồ. Lúc đó, nhiều người Do Thái chạy tới nói với họ: «Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê thì anh em không thể được cứu độ» (Cv 15,1). Nghĩa là họ muốn nói: nếu không theo Do Thái giáo thì không được cứu độ. Họ rất có lý, và lý của họ bắt nguồn từ Kinh Thánh: Thiên Chúa chỉ ký kết giao ước với Abraham và con cháu ông - tức dân Do Thái - và phép cắt bì chính là «dấu hiệu của Giao Ước» (St 17,11). Vậy rõ ràng là muốn được cứu độ, phải gia nhập Do Thái giáo, phải chịu phép cắt bì và giữ Luật Môsê (x. Cv 15,5). Đó cũng chính là tư tưởng chính thống của Do Thái giáo, từ giới lãnh đạo Do Thái giáo cho đến dân chúng.

Nhưng người Do Thái đã lầm to! Chính Đức Kitô đã nói ngược lại: «Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacob. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó chỉ có khóc lóc và nghiến răng» (Mt 8,11-12). Còn Phaolô thì nói: «Dân ngoại không tìm cách để được nên công chính thì lại nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin. Còn dân Do Thái tìm mọi luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm» (Rm 9,30-32).

«Chiếc xe Do Thái giáo» đã đổ, liệu Kitô giáo có đang đi vào vết xe đó không?



Sự tự hào của Kitô giáo có đẹp lòng Thiên Chúa không?

Kitô giáo chúng ta cũng có rất nhiều lý do «chính đáng» để tự hào như người Do Thái. Giáo Hội Công giáo đã từng chủ trương không khác gì Do Thái giáo xưa: «Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ», nghĩa là phải gia nhập Giáo Hội mới được ơn cứu rỗi. Cũng như người Do Thái xưa, sẽ có rất nhiều người Kitô hữu tự hào nói với Chúa: «Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy chúng tôi trên các đường phố xóm làng của chúng tôi» (Lc 13,26). Nhưng rất có thể câu trả lời của Ngài thật phũ phàng: «Ta không biết các ngươi từ đâu đến, hãy đi khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính» (x. Lc 13,27).

Phải, người Kitô hữu có nhiều điều rất hợp lý và rất cơ sở để tự hào, để kiêu hãnh trước các tôn giáo khác: chúng ta là tôn giáo duy nhất chân thật, duy nhất được Thiên Chúa mặc khải, duy nhất nắm toàn bộ chân lý… Nhưng thử hỏi: Những tự hào và kiêu hãnh ấy có đẹp lòng Thiên Chúa không? Nếu chúng ta không sống tốt hơn người ngoại, thì coi chừng lời của Thánh Phaolô cảnh cáo người Do Thái lại đúng cho chúng ta: «Còn bạn, bạn mang danh là người Do Thái, ỷ rằng mình có Lề Luât, tự hào vì có Thiên Chúa, biết được ý Ngài, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải, bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù lòa, là ánh sáng cho kẻ trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy kẻ non dại, vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý! … Bạn tự hào mình có Lề Luật mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy là bạn đã làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép: ‘Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân’» (Rm 2,1724). Thật là một gáo nước lạnh tạt vào những kẻ tự hào tôn giáo!

Chúng ta tự hào về tôn giáo của mình là chính đạo, là tôn giáo của yêu thương, nhưng sống cho đúng tinh thần của tôn giáo mình - là khiêm nhượng, yêu thương và hiệp nhất với nhau - thì có khi chúng ta lại thua kém những người trong các tôn giáo khác. Chúng ta có dám tự hào về sự yêu thương, hiệp nhất giữa các Kitô hữu với nhau không? giữa các giáo phái Kitô hữu với nhau không? Về điều này chắc hẳn chúng ta đâu dám tự hào. Thế thì có phải là chúng ta đã làm cho «danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân» (Rm 2,24) không?

Như thế, có tôn giáo chân thực và siêu việt không phải là điều bảo đảm cho chúng ta được cứu độ nếu chúng ta không sống tinh thần của tôn giáo mình. Lời của Đức Kitô đáng cho chúng ta, những Kitô hữu, suy nghĩ: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa! ’ là được vào Nước Trời cả đâu! (… ). Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa! Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’. Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi: xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’» (Mt 7,21-23). Nếu không sống theo Thánh Ý Thiên Chúa, sống khiêm hạ yêu thương, thì quyền năng nói tiên tri, trừ quỉ, làm phép lạ, còn chẳng đáng giá gì, huống gì chỉ là có tên trong một tôn giáo chân chính!

Do Thái giáo quả là chân thực và siêu việt hơn các tôn giáo khác, nhưng thử hỏi số phận của người Do Thái hiện nay như thế nào? Nếu người Do Thái ngày xưa biết được số phận của con cháu họ hiện nay, chắc chắn họ đã không tự hào về tôn giáo của họ như xưa họ đã từng tự hào. Đó có phải là một bài học cho những Kitô hữu hay tự hào tự tôn về tôn giáo mình hiện nay không? Nếu người Kitô hữu đang tự hào về tôn giáo mình biết được số phận mai hậu của họ ra sao, chắc gì họ vẫn còn tự hào?


«Hãy vào qua cửa hẹp»

Khi Đức Kitô còn sinh thời, điều Ngài cổ xúy nhiều nhất là tình thương, và Ngài lấy tình thương làm dấu chỉ duy nhất để người ta nhận biết ai là kẻ thực sự theo Ngài (x. Ga 13,35). Và điều Ngài ghét nhất, đả phá nhiều nhất là tính kiêu ngạo, tự tôn. Trong dụ ngôn người Pharisiêu và người thu thuế (Lc 18,9-14), ta thấy đối với Đức Kitô, người công chính mà tự hào thì không còn là người công chính nữa, còn người tội lỗi mà khiêm nhường nhìn nhận thực trạng của mình thì lại trở nên công chính. Đức Kitô đã làm gương cho chúng ta về tình thương và sự tự khiêm qua sự tự hủy của Ngài: vì tình thương đối với Thiên Chúa Cha và nhân loại, Ngài đã tự hủy đến chết và chết trên thập giá (x. Pl 2,6-8). Đó chính là mẫu gương vào qua cửa hẹp của Ngài. Vào qua cửa hẹp chính là sống tinh thần tự hủy, sống khiêm nhượng và yêu thương. Thật vậy, làm sao ta có thể vào cửa hẹp được với một «cái tôi» quá cồng kềnh đầy tự mãn? Cửa hẹp cũng là cửa yêu thương, làm sao ta có thể yêu thương được khi ta quá đặt nặng «cái tôi», dù là «cái tôi» cá nhân hay «cái tôi» tập thể?

Áp dụng vào phạm vi tôn giáo: tôn giáo là một «cái tôi tập thể». Làm sao một tôn giáo có thể đi vào cửa hẹp với một «cái tôi» vĩ đại, tự hào tự mãn (cho dẫu có lý do chính đáng), và sống thiếu tình thương? Một tôn giáo chân thật như Do Thái giáo mà tự kiêu tự mãn - dù là tự hào về Thiên Chúa, về Lề Luật của mình (cũng đáng tự hào lắm chứ!) - thì cũng làm mất đi vẻ đẹp và giá trị của mình trước Thiên Chúa và nhân loại, cũng như người công chính tự hào về chính mình (dù chính đáng) thì không còn là người công chính nữa (x. Lc 18,14).

Qua những đoạn Thánh Kinh trên, ta thấy: điều quan trọng đâu phải là có tôn giáo chân thực đúng đắn cho bằng chính mình phải có lòng yêu thương và khiêm nhượng. Không có tôn giáo chân thực chưa chắc đã mất ơn cứu độ, và điều chắc chắn hơn là «Không có tình thương thì không được ơn cứu độ». Nước Trời có thể dung nạp những người không có tôn giáo chân chính - dụ ngôn «tiệc cưới» (Mt 22,1-14) chứng tỏ điều đó - nhưng chắc chắn Nước Trời không thể dung nạp những người thiếu tình thương. Tình thương chính là «chiếc áo cưới» (Mt 22,11-12) mà chúng ta phải mặc vào khi vào dự «tiệc cưới của Chiên Con» (Kh 19,7). Không có «chiếc áo cưới» đó, chúng ta sẽ bị đuổi ra ngoài.

Có tôn giáo chân thực là một điều hết sức quí hóa, nhưng nếu điều quí hóa đó lại trở thành lý do để ta tự hào tự phụ, khiến ta vì thế mà xa cách những anh chị em trong các tôn giáo khác, thì chính nó lại trở thành một điều bất lợi cho ta, trở thành lý do để chính ta bị kết án: «Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa muôn dân» (Rm 2,24). Người có tôn giáo chân chính - tôn giáo của yêu thương - mà lại sống không có tình thương, thiếu cảm thông, thì chính là phỉ báng tôn giáo đó.


Người tự hào tự tôn khó thấy được chân lý

Trong đời sống xã hội, phải đối thoại với một người chưa nghe ai nói gì, hay chưa hiểu rõ người ta nói gì đã tự cho mình là đúng nhất thì thật là bực mình. Một người tính tình như thế thường không chịu nghe ai, không chịu tìm hiểu ai, và chắc chắn đó là một người đầy thiên kiến. Một người đầy thiên kiến thì rất khó thấy được chân lý, vì họ luôn luôn tưởng điều mình nghĩ đã là chân lý rồi, không bao giờ phải xét lại nữa. Đồng với họ thì họ cho là phải, còn khác với họ thì họ cho là sai. Họ nghĩ họ chính là thước đo chân lý! Khi đã tự cho mình là thước đo chân lý, đương nhiên họ cảm thấy mình không cần phải nghe ai cả, không cần phải suy nghĩ thêm, nhất là không bao giờ phải đặt lại vấn đề nữa. Câu chuyện «thiền» về tách nước trà đã đầy, không thể nhận thêm nước nữa, đặc biệt áp dụng cho hạng người này. Đương nhiên thế giới sẽ loạn lên nếu ai cũng có thái độ tự tôn như thế, vì lúc đó chẳng ai chịu nghe ai, ai cũng tự cho mình là phải và buộc người khác theo mình.

Thái độ tự hào tự tôn càng bất lợi trong việc thấy chân lý bao nhiêu, thì trái lại, thái độ khiêm nhường phục thiện càng thuận lợi bấy nhiêu. Đức Kitô đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: «Con ngợi khen Cha vì Cha đã dấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, đó là điều đẹp ý Cha» (Mt 11,25-26). Điều đó chứng tỏ Chân Lý chỉ được mặc khải cho những ai khiêm nhường. Người tự tôn tự hào có thể biết rất nhiều kiến thức, có thể thông thuộc tất cả mọi tín điều hay nắm rất vững giáo lý và thần học, có thể thuộc lòng và trích dẫn Kinh Thánh rất rành rọt, và có thể giải thích Kinh Thánh từng ly từng chút theo khoa chú giải của các nhà chuyên môn, có thể nói thao thao bất tuyệt về Thiên Chúa hay về bất kỳ một đề tài thần học nào… và chính những khả năng đó khiến họ tự hào tự tôn. Nhưng tất cả những điều họ biết cho dù là rất thấu triệt đó chỉ là những phương tiện để đạt đến Chân Lý, chứ đó chưa phải là Chân Lý. Rất tiếc là nhiều khi họ lầm lẫn những phương tiện ấy với Chân Lý, nên họ lại càng tự hào. Và càng tự hào, thì họ lại càng xa Chân Lý. Đó là cái bẫy, là hòn đá vấp phạm mà Thiên Chúa dành cho những kẻ tự hào tự tôn.

Chân Lý đích thực chỉ làm cho người «cảm nếm» được nó trở nên khiêm nhường hơn, gần gũi với mọi người hơn, chứ không bao giờ làm họ tự hào kiêu căng, xa cách tha nhân hơn. Đó là tính chất của Chân Lý. Vì: Chân Lý đích thực làm người ta nhận ra mình là ai, là gì đối với Thiên Chúa và tha nhân, và khi biết được điều đó thì chẳng còn ai tự hào nữa, nhưng bù lại, họ lại được an lạc vô biên, niềm an lạc được hiệp nhất với Thiên Chúa và tha nhân, một sự hiệp nhất đòi hỏi loại trừ tất cả mọi ý tưởng hơn thua, kiêu căng và ích kỷ. Và may mắn thay, chỉ những người khiêm nhường đích thực mới có khả năng «cảm nếm» được Chân Lý! (Mt 11,25-26).

Vì thế, khi đối thoại với những người khác tôn giáo, ta nên có thái độ nhún nhường, tôn trọng lẫn nhau. Chính thái độ khiêm nhường đó - phát xuất từ nội tâm chứ không chỉ là xã giao bên ngoài - mới là thái độ của những người có chân lý. Thái độ kiêu căng trịch thượng chỉ nói lên rằng chân lý không nằm ở phía mình. Khi đối thoại, cũng cần có thái độ tìm hiểu, lắng nghe, khi cần thì trình bầy, hơn là thái độ phê phán, chỉ trích. Trong việc giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân ở ngoài xã hội, ta thấy cần phải lịch sự và tế nhị thế nào, thì khi đối thoại giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, ta cũng nên có thái độ tương tự như vậy.


Nguyễn Chính Kết


_____________________


Chú thích:

(*1) X. JOHN YALE, Tôn giáo là gì? Saigon, An Tiêm xuất bản,1970, trang 12. 

(*2) Xin xem lại chú thích số 3 về Tịnh Độ Tông ở chương 2.

(*3) «Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa» (Mk 5,1).


Đọc tiếp:





Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét